Chiến tranh giữa các vì sao

 

Lê Tấn Tài

Với tư cách là cường quốc vũ trụ, Nga – Mỹ – Trung Quốc có nguồn tài nguyên phong phú về không gian. Với những tiềm lực dồi dào về kinh tế, kỹ thuật, với các phương tiện chiến tranh hiện đại, với mong muốn giảm thiểu tối đa sự thiệt hại nhân mạng về phía mình và tăng tối đa sức ép lên đối phương, cuộc tranh giành làm bá chủ không gian, khi bùng nổ, chắc chắn một số nền văn minh thế giới sẽ bị tiêu diệt và có thể nhân loại sẽ thụt lùi trong nhiều thập kỷ.

Chiến tranh tương lai (Future war)
Dù chiến tranh trong tương lai có thay đổi các đặc trưng như thế nào, thì bản chất của nó vẫn không thay đổi. Chiến tranh, vẫn như trước kia, là tàn phá, là chết chóc, là hủy diệt. Các trận chiến tương lai với 3 công nghệ chủ chốt: trí tuệ nhân tạo, vũ khí không người lái và robot, sẽ diễn ra trên không, trên bộ, trên biển và trên mạng internet.
SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute = Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) cho biết tổng kho vũ khí của 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) ước tính vào đầu năm 2021 lên tới 13.080 đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa quân sự đáng kể và mở rộng kho dự trữ vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan dường như cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ.
Đến giữa thập niên 1960, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều có đủ năng lượng hạt nhân để xóa sổ phía bên kia. Cả hai bên đã phát triển khả năng khởi động một cuộc tấn công tàn khốc ngay cả sau khi phải chịu đựng một cuộc tấn công hoàn toàn từ phía bên kia. Chính sách này được gọi là “Đảm bảo hủy diệt lẫn nhau” (MAD=Mutual Assured Destruction). Sự gia tăng chủ yếu triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Cả hai bên đều không biết chi tiết về năng lực của kho vũ khí hạt nhân của đối phương nên phải chuẩn bị cuộc phản công bằng tàu ngầm. Mỹ đã cam kết hiện đại hoá «bộ ba hạt nhân», trên bộ, trên không và dưới biển, với 4.571 đầu đạn đã được triển khai. Bom đa chức năng B61-12, dự kiến sẽ được triển khai tại châu Âu, có thể cùng lúc tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau, như các hầm ngầm trong lòng đất, hay phủ lên một vùng rộng lớn. Các tên lửa Trident-D5 và Minuteman III cũng sẽ được cải tiến. Kể từ năm ngoái, Hoa Kỳ bắt đầu có kế hoạch 5 năm phát triển tầu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới, để thay thế cho tàu ngầm lớp Ohio hiện nay. Về phía Nga, theo hai chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris (Bulletin of the Atomic Scientists), Moscow đang ở «giữa chừng của dự án hiện đại hoá qui mô lớn», với tổng số 4.300 đầu đạn, nhằm đạt được thế ngang bằng chiến lược với Mỹ.
Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (tiếng Anh: weapon of mass destruction, gọi tắt là WMD) là các loại vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất rất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, môi trường sinh thái, có tác động mạnh đến tâm lý-tinh thần. Đó là các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học và phóng xạ. Sau thế chiến thứ 2, Nga đã cho nổ thử nghiệm bom Hydrogen RDS-220 là quả bom hạt nhân mạnh nhất được gọi với cái tên thân thương là “Bom Sa hoàng” (Tsar Bomba) vào ngày 30 tháng 10 năm 1961 trên Novaya Zemlya, ngay phía bắc eo biển Matochkin vào lúc 11:32 PM, được thả từ độ cao 34.500 feet và phát nổ ở độ cao khoảng 4.000 mét trên mặt đất. Vụ nổ hạt nhân đạt năng suất 58,6 Megatons, mạnh đến mức có thể cảm nhận được sóng xung kích cách xa 127 dặm bởi một máy bay quan sát. (Vụ nổ bom ở Hiroshima là 15 kilotons = 0,015 Megatons. Và 76,66 trái bom hạt nhân ở Hiroshima chỉ bằng 1 megaton). Vũ khí hạt nhân sử dụng tên lửa để tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào các thành phố và căn cứ quân sự quan trọng. Vũ khí hóa học là chất độc hại gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Vũ khí sinh học dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn; hoặc các độc tố do một số vi trùng tiết ra để gây mầm bệnh hay cái chết cho con người, cho động vật. Có lẽ nhiều người không để ý rằng, bệnh đậu mùa, bệnh than… là vũ khí sinh học đáng sợ nhất đã từng được sử dụng trong trận chiến Nhật -Trung (1942). Một loại vũ khí sinh học khác là chất độc Botulism. Đây là chất độc cấp tính nguy hiểm nhất đối với con người. Tệ hơn, bởi vì các vi khuẩn ngộ độc này rất phổ biến và dễ chế tạo, bất cứ ai cũng có thể dùng thực phẩm hư hỏng làm độc tố để giết chết hàng triệu người. Vũ khí laser được quân đội Mỹ phát triển cho là “mạnh nhất trong lịch sử” với khả năng công phá gấp 1 triệu lần so với hệ thống hiện tại. Những chiếc xe tăng từng “làm mưa làm gió” trong thế chiến thứ hai hay những nòng pháo chĩa ra từ những tàu chiến nay đang mất dần ưu thế trên chiến trường bởi sự ra đời của những công nghệ vũ khí mới ưu việt hơn đó là vũ khí năng lượng định hướng (DEW- Directional Energy Weapon), diệt nhanh mục tiêu bằng chùm năng lượng.
Chưa hết, Nga, Mỹ và Trung Quốc đang phát triễn vũ khí vi sóng (Microwave) chuyển đổi năng lượng từ nguồn điện (có thể từ xe quân sự) thành vi sóng (microwave) để tấn công mục tiêu. Các chuyên gia cho biết vũ khí vi sóng năng lượng cao có thể làm hỏng các thiết bị, nhất là thiết bị điện tử, đồng thời gây hại cho con người, gần đây nhất là căn bệnh bí ẩn “ triệu chứng Havana” của các nhà ngoại giao Mỹ, được cho là do vũ khí vi sóng gây ra căn bệnh bí ẩn nầy.
Bên cạnh các vũ khí nguyên tử còn có các loại vũ khí hiện đại khác như:
– Tên lửa siêu vượt âm giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống có thể đem theo đầu đạn hạt nhân và di chuyển nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Nó bổ sung phương thức bộ ba răn đe hạt nhân truyền thống gồm máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Rủi ro lớn nhất là không biết liệu tên lửa siêu vượt âm của đối thủ có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không.
– Nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội Nga, trong những năm qua, Nga đã phát triển và trang bị cho quân đội những loại vũ khí hiện đại trong đó có những tên lửa hành trình có tầm bắn “siêu xa” được phóng từ mặt đất, trên biển và cả trên không. Có thể đặt tất cả các mục tiêu quan trọng không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới vào tầm ngắm.
– Đạn pháo chính xác tầm xa do lực lượng pháo binh tinh nhuệ yểm trợ nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, trong những cuộc xung đột thời gian gần đây, Mỹ chủ yếu vào các cuộc không kích sử dụng vũ khí tấn công chính xác thay vì các lực lượng pháo binh.
– Lục quân Mỹ đã thay thế xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley ngày càng lỗi thời và dễ bị tổn thương bằng cách nâng cấp hệ thống truyền lực của M2 Bradley, nhưng vẫn giữ nguyên tháp pháo.
– Máy bay trực thăng rất cần thiết cho chiến trường và những hoạt động cần sự cơ động. Tuy nhiên chúng tương đối đắt đỏ, tốc độ chậm (240 đến 322km/h), có tầm hoạt động ngắn và dễ bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương. Vì thế, lục quân Mỹ đang hướng tới “Dòng máy bay cất cánh thẳng đứng” để thay thế hơn 2.000 trực thăng vận tải hạng trung Blackhawk và trực thăng Apache được trang bị vũ khí hạng nặng.
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng Mỹ, dự đoán chiến tranh trong tương lai sẽ diễn ra chủ yếu tại các thành phố. Dân số đô thị, theo các số liệu do Chương trình thông tin nghiên cứu dân số thuộc trường Đại học John Hopkins, trong 5 năm tới (2025) sẽ tăng tới 4,9 tỉ người, tức là chiếm 60% dân số toàn cầu (dân số hiện nay là 7,8 tỉ người). Mỗi năm, dân số thế giới tăng 77 triệu người và 60 triệu người trong số này sẽ sống ở các thành phố. Dĩ nhiên, đấy sẽ là nơi có xác suất bùng nổ xung đột vũ trang cao nhất.
Nếu xảy ra cuộc chiến hạt nhân trên quy mô toàn diện thì có thể loài người tuyệt chủng hoặc chỉ có một số ít sống sót (những người ở những vùng xa cuộc chiến) với mức sống và tuổi thọ chỉ tương đương với thời kỳ trước Trung cổ trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra, nó cũng sẽ hủy diệt hệ sinh thái và tác động lớn đến khí hậu Trái Đất. Theo tính toán, một tháng sau xung đột hạt nhân với việc sử dụng 1.000 megaton thuốc nổ hạt nhân trong ba năm đầu tiên, nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm hơn 1°C (1,8°F), lượng mưa trên toàn cầu sẽ giảm trung bình khoảng 10%. Các đám cháy sẽ còn tiếp tục nhiều tuần sau, những đám mây dày đặc khói, bụi sẽ che khuất cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Lục địa ở vùng nhiệt đới cũng sẽ bị lạnh đi dưới 0°C, tại các vùng ven sông, biển sẽ có tuyết rơi, bắt đầu nạn hạn hán mọi chỗ. Và đối với nhân loại, mùa đông hạt nhân ảm đạm dài dằng dặc sẽ bắt đầu.

Chiến tranh giữa các vì sao (Star wars)
Star Wars là loạt phim giả tưởng của George Lucas được công chiếu kể từ năm 1977, mô tả các cuộc chiến tranh giữa các vì sao diễn ra trong một thiên hà giả tưởng. Đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa lấy tên “Star wars” – theo phim của Lucas – của Tổng thống Reagan, đã chuyển dịch cuộc chạy đua vũ trang sang một cuộc đua mới về công nghệ hiện đại. Mỹ là quốc gia nghĩ đến việc tạo ra một vũ khí chống vệ tinh ngay cả trước khi vệ tinh đầu tiên trên thế giới được phóng vào năm 1956. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch tạo ra một thiết bị quỹ đạo có thể làm mất khả năng bay của các thiết bị vệ tinh khác, mặc dù lúc đó Mỹ chưa phóng được một vệ tinh thông thường vào không gian. Lúc bấy giờ, đó là một chuyện khoa học viễn tưởng.
Nhưng sau đó, quân sự hóa không gian được các quốc gia nghiên cứu và xúc tiến. Năm 1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, 4 năm sau, Mỹ sử dụng Chương trình Vệ tinh Khí tượng Phòng thủ (Defense Metoroite Satellite Program – DMSP) để lập kế hoạch trong các cuộc không kích.
Bộ Tư lệnh không gian Mỹ đã nhiều lần tuyên bố có bằng chứng cho thấy Nga đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong không gian. Theo Gazeta.ru, Nga vừa tiến hành một số cuộc thử nghiệm thành công, có khả năng là vũ khí chống vệ tinh, với ba vụ thử tên lửa chống vệ tinh vào năm 2020 và đã phóng tên lửa phá hủy một trong những vệ tinh của nước này vào tháng 11/2021, tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trong quỹ đạo. Các phi hành gia trên trạm ISS lập tức sơ tán vào các “vỏ cứu sinh” đặc biệt sau khi các mảnh vỡ vệ tinh bung ra không gian. (Các vỏ cứu sinh này có thể tách ra khỏi ISS và đưa các phi hành gia quay trở lại Trái đất). Theo tờ Guardian, Mỹ đã cáo buộc Nga có “hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm” sau khi Moscow tiến hành vụ thử vũ khí chống vệ tinh nầy.
Tàu vũ trụ chống vệ tinh hay “vệ tinh sát thủ” lần đầu tiên được phát triển ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000, Nga tham gia cuộc đua một thập kỷ sau đó. Vào năm 2008, tàu Shenzhou-7 (Thần Châu 7) có người lái đã phóng vệ tinh trinh thám (inspector satellite) BX-1 vào không gian để kiểm tra các hư hỏng và trục trặc của tàu vũ trụ Trung Quốc. 5 năm sau (2013), Trung Quốc phóng tàu Shiyan-7 (Thập Yển 7) mới, có thể tiến hành sửa chữa đơn giản và thậm chí thay đổi quỹ đạo các vệ tinh khác. Trên thực tế, con tàu này có khả năng đối phó dễ dàng với hầu hết mọi mục tiêu không gian. Năm 2016, Bắc Kinh công bố một máy quét quỹ đạo có thể đẩy các vật thể thừa về phía Trái Đất, về hướng đại dương. Trong trường hợp cần thiết, nó cũng có thể “hất” vệ tinh của đối phương khỏi quỹ đạo về Trái Đất. Việc phá hủy thành công vệ tinh khí tượng Fengyun (Phong Vân) vào năm 2007 bằng một tên lửa đạn đạo tầm trung ở độ cao 864km. đã đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Nhiều quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia, đã cáo buộc Bắc Kinh khơi mào “chiến tranh giữa các vì sao”. Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo tình báo Mỹ, Trung Quốc có công nghệ làm mù vệ tinh do thám bằng tia laser.
Tổ chức Phòng thủ chiến lược ban đầu (SDI = Strategic Defense Initiative), hay còn gọi là chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao”, là một hệ thống phòng thủ tên lửa với nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tấn công của vũ khí chiến lược mang đầu đạn hạt nhân (bao gồm ICBM= Intercontinental ballistic missile = tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; và SLBM = Submarine-launched ballistic missile = tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm). Chương trình phòng thủ này đã được tổng thống Ronald Reagan tuyên bố vào ngày 23 tháng 3 năm 1983, và ông cũng kêu gọi các nhà khoa học phát triển một hệ thống mà có thể khiến vũ khí hạt nhân trở nên lỗi thời. Cuộc đua đã chuyển từ diệt vệ tinh bằng tên lửa hoặc vệ tinh cảm tử sang tìm cách phá hỏng, vô hiệu hóa chúng bằng vũ khí laser hoặc vi sóng. Cuộc diễn tập Space Flag, có sự tham gia của Anh, Canada và Australia, được tổ chức tại căn cứ vũ trụ Schriever ở bang Colorado, Mỹ, hôm 13/12/2021 nhằm kiểm tra khả năng chống chịu của chúng trước mối đe dọa từ đối phương. Cuộc diễn tập được tổ chức chỉ vài tuần sau khi Nga phóng tên lửa bắn hạ thành công một vệ tinh trên quỹ đạo.
Nga và Mỹ là những quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai thành lập lực lượng tác chiến không gian và mạng. Trong đó, Nga đã thành lập một bộ chỉ huy lực lượng vũ trụ và một tập đoàn quân không gian để đảm nhận nhiệm vụ trinh sát không gian và quản lý quỹ đạo, cũng như các nhiệm vụ phòng thủ không gian. Tháng 12/2019, Lực lượng Không gian trở thành binh chủng độc lập thứ 6 của quân đội Mỹ. Lực lượng vũ trụ Mỹ áp dụng cấu trúc kép “Bộ tư lệnh Lực lượng Không gian – quân đội không gian” để thực hiện các nhiệm vụ như chiến tranh trên quỹ đạo và chiến tranh điện tử trong không gian.
Mới đây, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga, ông Dmitry Rogozin, nói rằng các cuộc chiến trong tương lai có thể bắt đầu ở ngoài không gian, đây không còn là câu chuyện khoa học viễn tưởng nữa, mà là đánh giá thực tế về một kịch bản có thể xảy ra xung đột trong không gian. Hiện nay, các vệ tinh đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống thông tin liên lạc của quân đội các nước, hệ thống định vị toàn cầu và các hệ thống hiện đại. Không gian từ lâu đã không còn yên bình và đã ngập tràn những vệ tinh quân sự và vệ tinh tiêu diệt. Sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra các trận chiến giáp lá cà với nhau.

Đội quân robot (Robot army)
Bộ phim khoa học viễn tưởng “The Terminator” (Kẻ hủy diệt) cho chúng ta một viễn cảnh tương lai về các tiểu đoàn robot có tri giác, mô phỏng hình người tiến hành chiến tranh nhân loại. Trong khi viễn cảnh này vẫn chỉ là giả thuyết trong khoa học viễn tưởng, thì rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tìm kiếm kỹ thuật giúp tạo ra đội quân robot gồm các chiến binh robot di động tự hoạt động hoặc có điều khiển từ xa, được thiết kế cho các ứng dụng quân sự, từ vận chuyển, trinh sát, tìm kiếm, cứu hộ đến tấn công. Kịch bản chiến tranh tương lai sẽ là các robot vũ trang, với các cảm biến đặt trên xương sọ của chúng có thể “phát hiện hơi thở của con người và sóng radio phát ra từ nhịp đập của tim người”.
Quân đội Nga có hàng chục loại robot chiến đấu trên bộ, trên không, trên mặt nước và dưới nước ở các cấp độ sẵn sàng chiến đấu khác nhau. Theo trang Russia Beyond, rất nhiều robot trong số này đang tham gia các cuộc thử nghiệm và tập trận. Phối hợp với các đơn vị súng trường tự động hóa, các robot Uran-9 và Nerekhta đã tấn công và tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau. Uran-9 nặng 12 tấn hiện là robot lớn nhất của Nga, được trang bị pháo tự động cỡ nòng 300 mm, tên lửa dẫn đường chống tăng Ataka và súng phun lửa Shmel. Hãng Uralvagonzavod thông báo đã thử nghiệm xe tăng chủ lực T-14 không người lái trong chương trình phát triển phương tiện chiến đấu robot. Một loạt máy bay không người lái, trong số này có máy bay tấn công không người lái (UAV = Unmanned Aerial Vehicle) như Altius, Okhotnik, Sirius và Karnivora, UAV trực thăng Platforma, cùng nhiều loại khác. Một số hệ thống robot với tên gọi Drone, thiết bị bay không người lái UAV, vũ khí sát thương tự động,… hiện đang được sử dụng, và nhiều hệ thống khác đang được phát triển. Bộ Quốc phòng Nga ngày 10-4-2021 cho biết, quân đội nước này sẽ thành lập đơn vị robot tấn công đầu tiên.
Trên thực tế, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng một số robot bán tự động phục vụ trực tiếp tác chiến. Hải quân Mỹ đã triển khai một số USV (Unmanned Surface Vehicle) để dò thủy lôi và phát hiện tàu ngầm đối phương. Mỹ đang phát triển hai phương tiện mặt nước không người lái cỡ lớn (LUSV = Large Unmanned Surface Vehicle) với kích thước tương đương khu trục hạm và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ độc lập hoặc phối hợp với chiến hạm có người lái.
Việc chương trình mang tên “Thử thách robot” của Cơ quan phụ trách các dự án quân sự tiên tiến Bộ quốc phòng Mỹ (DARPA = Defense Advanced Research Projects Agency) mới được khởi động, cùng với yêu cầu từ Lầu Năm Góc xây dựng đội ngũ robot cứu hộ thảm họa, được xem là nỗ lực tìm kiếm mô hình chiến binh tương lai. Một trong số đó, robot mang tên Pet-Proto của DARPA, có khả năng di chuyển vượt qua hoặc đi vòng quanh các chướng ngại vật, sử dụng “các khả năng bao gồm tự đưa ra quyết định, cơ động và khéo léo”.
Tàu chiến không người lái Trung Quốc đã lộ diện. Ảnh vệ tinh được Maxar công bố ngày 11/10/2021 cho thấy hai tàu nổi không người lái (USV) đậu cạnh sà lan neo bên cầu tàu của cơ sở thử nghiệm bí mật do hải quân Trung Quốc vận hành gần thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Xuồng chiến đấu không người lái JARI do Viện Nghiên cứu số 702 và 716, thuộc Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, hợp tác phát triển, được Trung Quốc hạ thủy tháng 8/2018. Chúng có thể đảm nhận các nhiệm vụ như chống tàu ngầm, phòng không và tác chiến trên mặt nước. Mỗi xuồng JARI dài 15 m, nặng 20 tấn, tốc độ tối đa hơn 77 km/h, mang theo pháo 30 mm, tên lửa phòng không và ngư lôi chống ngầm, được trang bị radar cùng hệ thống thủy âm có thể theo dõi mục tiêu dưới nước trong khoảng cách 7 km.
Hầu hết cường quốc hải quân trên thế giới đang phát triển phương tiện chiến đấu mặt nước không người lái do chúng có chi phí thấp, khả năng cơ động cao, có thể “tàng hình” trước khí tài trinh sát của đối phương và thực hiện được các nhiệm vụ nguy hiểm.

Chiến tranh mạng (Cyberwarfare – Cyberwar)
Hiện nay đang có cuộc chiến tranh âm thầm xảy ra mà rất ít người biết đến. Cuộc chiến tranh này không có tiếng súng, không ồn ào và cũng không được báo trước. Đó là cuộc chiến tranh mạng máy tính, hay còn gọi là chiến tranh mạng – Cyberwar. Mục đích của chiến tranh mạng là kiểm soát, điều khiển, tác động lên các quyết định và làm suy giảm hoặc phá huỷ các hệ thống mạng-viễn thông của đối phương trong khi bảo vệ các hệ thống của mình và đồng minh chống lại những hành động như vậy. Mục tiêu tấn công không phải là tiêu diệt lớn sinh lực địch mà là phá hoại mạng máy tính, mạng Internet, đánh cắp thông tin, bí mật quốc gia, quân sự, lũng đoạn thông tin làm tê liệt hệ thống chỉ huy kiểm soát của đối phương, giành chiến thắng trong chiến tranh.
Hậu quả do chiến tranh mạng gây ra những thiệt hại khó lường… Khi xảy ra tấn công mạng, hệ thống điện sẽ bị ngắt toàn bộ, các phương tiện thông tin liên lạc bị gián đoạn, không tivi, không điện thoại, không tin nhắn, không rút được tiền ở máy ATM, hệ thống giao thông tắc nghẽn (nhất là ngành hàng không)… làm ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của con người và làm rối loạn xã hội, trong lĩnh vực quân sự hệ thống chỉ huy tác chiến hoàn toàn tê liệt không chỉ huy tác chiến, điều hành chiến tranh được .
Ông Peter Singer (nhà tương lai học 40 tuổi người Mỹ) cho biết : “Nếu bạn không thể tác chiến theo cách bạn muốn trong không gian mạng, thì điều đó có nghĩa rằng bạn có thể thua trận cả trên bộ và trên biển”. Việc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện tấn công mạng thay vì cách đánh quy ước thông thường, Singer giải thích rằng các quốc gia có thể thực hiện 4 việc trong không gian mạng: Thu thập, đánh cắp, chặn và thay đổi thông tin. Và, những thứ này hiện nay đã và đang diễn ra rồi, chỉ là ở quy mô chưa đủ để coi là một cuộc chiến tranh mạng toàn cầu.
Một sĩ quan lục quân Mỹ đã diễn giải như thế này trong một cuộc tập huấn quân sự năm 2015: “Các cuộc chiến trong tương lai sẽ không phải là súng đạn nữa, mà là “1 và 0” (hàm ý hệ nhị phân trong công nghệ thông tin).
Với việc quân đội Mỹ đang tăng cường “lực lượng tác chiến mạng” của riêng họ, hiện sở hữu 133 lực lượng đặc nhiệm không gian mạng với tổng số hơn 6.100 người, chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ tấn công và phòng thủ trên không gian mạng. Lục quân Mỹ hiện nay dự định mua các phần mềm sẵn có để xây dựng mạng lưới C3I (Chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo) kết nối với các hệ thống tác chiến trên đất liền, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đầu tháng 8/ 2021, Anh tuyên bố thành lập đơn vị “chiến tranh hỗn hợp” phụ trách tấn công mạng và chiến tranh thông tin, chiến đấu “vượt ra ngoài các cách thức xung đột truyền thống”, theo như lời ông Ivan Jones, một chỉ huy cao cấp trong quân đội Anh.
Động thái này ở Anh, cùng các cuộc tấn công mạng gần đây, một lần nữa cho thấy mạng Internet ngày càng trở thành chiến trường giữa các cường quốc lớn. Cuộc đua phát triển vũ khí mạng (cyber weapon) tối tân diễn ra ráo riết nhiều năm nay và chiến tranh mạng sẽ là tương lai của các xung đột.