Kế Mẫu

Thưa bà,
Tôi mồ côi mẹ năm lên 8. Hai năm sau, bố tôi tục huyền. Mẹ kế tôi có một con gái riêng hơn tôi một tuổi. Suốt hơn 30 năm kể từ ngày bà chính thức bước chân vào ngôi nhà của cha mẹ tôi, giao tế giữa tôi và mẹ kế chưa bao giờ êm ấm. Ngoài vấn đề bà phân biệt đối xử giữa con riêng và con chồng mà khi lớn lên, tôi có thể thông cảm và bỏ qua, bà đối xử với bố tôi rất tệ. Trái lại, bố tôi rất hiền và chịu đựng. Ông thấy, ông biết bà cư xử với tôi ghẻ lạnh, hà khắc nhưng luôn luôn nại cớ là phải như thế chứ không thì tôi hư. Bố tôi dạy tôi cách riêng và ông biết tôi không hư nên chỉ lẳng lặng tìm cách đền bù cho con trai khi nào có thể chứ không bao giờ to tiếng với bà. Tôi rất thương bố tôi, ông là một người chồng tốt, một người cha đại lượng khi mẹ tôi còn sống. Có lần ông xin lỗi tôi là đã không thể cho tôi một đứa em để tôi có bạn bởi lý do mẹ tôi sinh tôi rất khó, bà bị làm băng suýt chết nên bố tôi hứa với mẹ tôi sẽ không bao giờ để bà lâm vào cảnh sinh nở hiểm nghèo nữa! Cho nên sau này khi mẹ tôi bị bệnh nan y và biết mình không qua khỏi, mẹ tôi thường buồn rầu bảo tôi “nếu mẹ biết đằng nào cũng không sống lâu với hai bố con, thà là mẹ sinh thêm một đứa nữa vì bố thích có con gái!” Vì tất cả những kỷ niệm yêu thương ấy khắc ghi sâu trong trí nhớ tôi nên tôi cùng bố chấp nhận cuộc sống như nó xảy đến. Tôi luôn âm thầm đứng bên cạnh ông và chia sẻ mọi sự bất như ý về mẹ kế mà không hề thở than hay trách móc vì biết bố tôi cũng đang chịu đựng rất nhiều để giữ hòa khí cho gia đình và tốt cho con cái. Xong trung học, tôi một mình thu xếp vào đại học, vừa học vừa làm, không phiền hà gì tới bố ngoài số tiền nhỏ tôi có được do mẹ tôi để dành riêng cho tôi đi học ngay từ tháng đầu tiên tôi được sinh ra. Tốt nghiệp đại học, tôi tìm việc làm ở cùng tiểu bang để tiện lui tới thăm nom bố tôi. Năm tôi ba mươi lăm tuổi, bố tôi 72 thì ông được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bệnh tiến triển rất nhanh mặc dầu bố tôi chấp nhận mọi liệu pháp bác sĩ đề nghị. Ngoài những thời gian ra vào bệnh viện, bố tôi không nhận được sự săn sóc nào của mẹ kế tôi trong tư cách là vợ ông cho tới khi bố tôi phải vào hospice sau 9 tháng điều trị không có kết quả. Tôi là người duy nhất gần gũi bố và điều khổ tâm cho tôi là bố tôi trăng trối, xin tôi hứa bỏ qua quá khứ để thay ông trông nom mẹ kế, giúp đỡ khi bà cần trong tuổi già. Mặc dầu miễn cưỡng, tôi cũng đã phải hứa cho ông yên lòng ra đi. Nếu có tha thứ và quên đi, thì chỉ là những gì giữa tôi và mẹ kế, không thể là những gì trong cách bà đối xử với bố tôi, nhất là cho tới bây giờ, thỉnh thoảng tôi ghé lại thăm hỏi, bà vẫn chỉ nói những điều chẳng hay ho gì về bố tôi, coi như để biện bạch cho các hành vi đáng trách của bà khi sống với ông.
Hiện nay, cô con gái của bà lấy lý do bà cần săn sóc chuyên môn sau cơn tai biến mạch máu não nên đã đưa bà vào viện dưỡng lão trong thành phố. Biết tin này, tôi cảm thấy như phải mang thêm trách nhiệm nặng hơn nên rất buồn bực, khó xử, không biết làm sao cho phải khi nghĩ đến lời dặn dò gần như van xin của bố tôi lúc ông sắp mất? Có lẽ bố tôi sống lâu với hai mẹ con vợ kế, xem tướng cô con gái về sau khó nhờ nên ái ngại cho bà và muốn tôi giúp nếu tình hình ông tiên liệu xảy ra.
Tôi là độc giả trung thành của bà trong gần hai mươi năm qua, mong được bà đọc kỹ thư này và cho tôi ý kiến. Cảm ơn bà rất nhiều và kính chúc bà sức khỏe.

Nuyễn Văn Thường

Thưa Ông,
Tôi thường đọc thư của độc giả rất kỹ, bất luận ngắn dài và khúc mắc tới đâu. Ông yên tâm. Tôi xin nói thẳng và nói ngay là trong kinh nghiệm giao tiếp xã hội tôi có được cho tới giờ phút này, những người con chồng cư xử với mẹ kế cay nghiệt mà được như ông bày tỏ qua thư là vô cùng hiếm hoi. Ông không có gì phải băn khoăn hay áy náy, càng không có trách nhiệm nào trong quãng đời còn lại của bà mẹ kế nếu không là từ tấm lòng thương người, hỷ xả và đại lượng ông được thừa hưởng từ phụ thân.
Nếu những khi ông bỏ thì giờ đến thăm bà trong cảnh sống cô quạnh ở một viện dưỡng lão mà kế mẫu ông vẫn không tỏ ra biết trân quý nghĩa cử ấy, phút giây quý báu ấy mà còn cứ nhai lại những chuyện nhếch nhác cũ làm ông phiền lòng thì ông nên xét lại có cần tiếp tục như thế nữa không? Thế gian thường tình gieo nhân nào hái quả đó, việc ông bỏ qua quá khứ, không hề nhân cơ hội nói ra một điều gì cho thỏa nỗi lòng ít nhiều vẫn cưu mang từ thơ ấu đã là việc ông làm đúng nhất cho mọi người trong cuộc rồi. Xin có lời thật lòng khen ngợi.
Từ nay, bất cứ ông có thể làm thêm một điều gì cho bà kế mẫu, cứ coi như làm việc phước thiện và bằng lòng với mình ông nhé! Chúc ông luôn an vui và được nhiều may mắn.

Trang Đài