Thưa Cô Trang Đài,
Cháu có câu hỏi hơi kỳ cục nên không dám đem hỏi ai ngoài cô là người cháu thấy rất chịu khó nghe! Cháu có hỏi mẹ cháu nhưng bà trả lời xuôi xị, không ra ngọn ngành môn khoai gì cả.
Câu chuyện của cháu như sau:
Chồng cháu được mai mối về Việt Nam cưới cháu đến nay đã 5 năm rồi. Anh có nhà cửa, công ăn việc làm hẳn hoi, cư xử hòa nhã với mọi người và với cháu. Từ hai năm qua, cháu đã đi làm, có lương nhưng anh ấy không đụng tới lương của cháu mà chỉ dặn dò là: “Em giữ tiền của em đi, muốn mua sắm gì thì mua, muốn cho gia đình bên VN thì em cho nhưng phải có tiền để dành cho em phòng thân. Ở Mỹ mà không có tiền thì không trông nhờ ai được.” Anh đưa cháu ra nhà băng mở trương mục tiết kiệm tên cháu. Hàng tháng, anh đều nhắc cháu phải bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm. Chồng cháu ăn uống dễ dàng. Từ khi cháu đi làm, hôm nào anh về mà thấy tủ lạnh không có đồ ăn thì anh tự xào nấu món gì anh thích, ăn trước phần của anh và để lại một phần cho cháu.
Ngoài cách cư xử rất tử tế như cháu nói, anh không chuyện trò nhiều với cháu, không cà kê âu yếm vợ như những cặp vợ chồng bạn bè mà cháu biết, chuyện chăn gối thì cả nửa năm mới có một lần, với cháu, nó ngượng ngùng lạt lẽo làm sao! Thỉnh thoảng đi với nhau ra ngoài, anh không bao giờ cầm tay cháu hay nhìn cháu để cháu biết là anh có để tâm đến vợ. Tuy mỗi tuần anh đều đưa cháu đi chợ và đi ăn tiệm nhưng anh bỏ cháu xuống chợ rồi đi uống cà phê với bạn, khi nào cháu xong thì gọi anh quay lại đón rồi cùng đi ăn. Vô tiệm, anh gọi món ăn cho anh trước rồi nói cháu coi thực đơn hay muốn ăn món gì thì gọi. Nói tóm lại, anh đối xử với cháu không có gì chê trách nhưng không phải là đối xử giữa vợ chồng cô ạ! Cảm giác của cháu không chỉ là cô đơn, cũng không ra vẻ bị hất hủi hay bỏ rơi hay chán ghét nhưng nó làm cháu rất buồn, rất khổ tâm. Mẹ cháu bảo: “Nó ù lì thì con phải thúc vào hông nó, biết đâu nó cũng thấy con lạnh nhạt và không cần nó?” Mẹ cháu không ở hoàn cảnh cháu nên nói vậy chứ không có than củi, xăng dầu lấy gì mà gầy lửa? Với cháu, tình hình không được ngay từ đầu nhưng cháu không biết phải làm sao, cứ hy vọng thôi nhưng hy vọng ngày càng khô héo hơn, xin cô cho cháu một lời khuyên. Cháu đã nghĩ đến chuyện ly dị cho xong, vừa đỡ mệt trí vừa không phí thời gian. Năm nay chồng cháu 34 tuổi, cháu 26.
Cháu cám ơn cô và mọi người.
Hà Phương
Cháu Hà Phương,
Thời gian trôi chảy bên ngoài sự mong muốn định đoạt của con người và cuộc đời là một chiến địa không bao giờ để cho ai được rảnh trí. Cháu chỉ có tất cả những ao ước này một mai khi lìa đời, thực sự nhắm mắt, xuôi tay. Vậy nên, sống là chấp nhận các định luật bên ngoài khả năng điều khiển của mình và “mệt trí” là thường xuyên, ngoại trừ mình cố gắng sao cho những “phí tổn” ấy có ý nghĩa.
Cháu là người trong cuộc, người duy nhất có điều kiện thẩm định chính bản thân mình và hoàn cảnh để biết thế nào là vừa sức và thế nào là quá sức rồi cứ theo đó mà lựa chọn một con đường. Nói dễ hiểu hơn, cháu nên giữ hay nên đốn bỏ một cái cây nào đó trong vườn nhà cháu. So với công lao gìn giữ, việc đốn bỏ cái cây chỉ cần tích tắc đồng hồ.
Nếu cháu thấy không thể thực hiện đề nghị của mẹ cháu với kinh nghiệm sống thực tế và giản dị của bà, cháu có thể nhờ một chuyên gia tâm lý về hôn nhân và gia đình để nhờ giúp đỡ. Cư xử của chồng cháu đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp ở nhiều phương diện cần được giải đáp bằng kiến thức chuyên môn, soi rọi mọi góc cạnh tâm hồn anh ấy. Với cô, cô chỉ có thể tạm hiểu rằng anh ấy đối xử rất tử tế với cháu trong 5 năm sống chung là vì cháu cũng rất tử tế với anh, ít nhất, chịu đựng, không làm phiền hoặc gây tổn thương thêm cho anh. Bây giờ, bằng sự tử tế của đôi bên, cháu có thể đi một bước nữa xa hơn, quả quyết hơn, là cùng với anh, tìm cách giải tỏa mọi bế tắc cho tới giờ này vẫn giấu dưới thảm để cả hai có một nơi ở thông thoáng hơn, đẹp hơn, vệ sinh hơn và đáng sống hơn.
Tận nhân lực, tri thiên mệnh cháu nhé! Cô hy vọng đã trả lời thư cháu và chúc cháu mọi điều may mắn.
Trang Đài