Cầu Ba Cẳng, chiếc cầu đưa sang ba nơi

Đăng Thuyên





Nếu có dịp xem phim “The Quiet American” (Người Mỹ Trầm Lặng) chiếu năm 1958 do đạo diễn Joseph L. Mankiewicz thực hiện với người đẹp Ý Giorgia Moll đóng vai Phượng, người xem sẽ thấy một cảnh tượng rất đáng chú ý: cảnh “người Mỹ trầm lặng” Pyle nằm chết sấp mặt trong làn nước dưới chân một chiếc cầu có hình dáng kỳ lạ với cái thành cong cong.
Chiếc cầu ấy đang trong một dịp lễ nào đó với nhiều đèn lồng treo hai bên mép cầu và vài chiếc đèn kéo quân treo lơ lửng. Trong truyện “Người Mỹ Trầm Lặng” của nhà văn Anh Graham Green, anh chàng Pyle chết dưới chân cầu Đakao và “chết vì bùn sông Đakao.” Nhưng chiếc cầu được chọn để quay trong bộ phim nói trên, chuyển thể từ cuốn truyện này, không phải là cầu Đakao ở Quận Nhứt mà là chiếc cầu Ba Cẳng, một chiếc cầu độc đáo do người Pháp xây dựng năm 1914 trong Quận 6 ngày nay và từng có tên là “Pont des 3 arches” (cầu có ba nhịp vòng), từng được gọi là cầu Khâm Sai.
Có lần ngồi ăn mì ở khu chợ Thiếc, tôi nghe một ông “Tiều nán” (người gốc Triều Châu) khoảng hơn 60 tuổi vừa lùa mì vừa càu nhàu bằng tiếng Việt lơ lớ: “Có cái cầu Ba Cẳng còn không giữ được thì nói gì!” Không biết ông tiếc rẻ điều gì nhưng nó cũng phải đáng tiếc như cái cầu Ba Cẳng, cái cầu cổ cũ kỹ phía sau chợ Kim Biên đã phá bỏ năm 1990? Phải chăng ông đã gắn bó với nó, từng qua lại nhiều lần, đi từng bậc cầu thang để xuống bến Bãi Sậy (nay là đường Bãi Sậy), bến Nguyễn Văn Thành (đường Phan Văn Khỏe) hay bến Vạn Tượng (đường Vạn Tượng)?
Cây cầu được xây ở vị trí ngã ba của con kênh Hàng Bàng đổ ra rạch Tàu Hũ nên người Pháp đã thiết kế có ba chân đồng thời cũng là ba bậc thang lên xuống. Với cái tên thuần Nam Bộ, cầu Ba Cẳng hẳn không là tên chính thức, nhưng rất gợi hình. Vài tài liệu cho là ban đầu nó là cầu sắt lót ván nhưng đã được xây lại bằng xi măng sau khi bị sập vì dân chúng lên đứng xem nhà cháy, do công ty xây dựng Brossard et Mopin thực hiện bằng tiền tài trợ từ gia đình ông Trương Văn Bền, chủ hãng Xà Bông Cô Ba, khởi nghiệp bằng cửa hàng tạp hóa nhỏ bên cạnh kinh Quai du Cambodge gần đó.
Đây là một cây cầu dành riêng cho người đi bộ, được công ty Brossard et Mopin xây dựng đầu thế kỷ 20. Cầu có tên tiếng Pháp là “Pont des 3 arches,” nhưng người dân quen gọi là “cầu Ba Cẳng” do hình dáng đặc biệt của nó. Hồi còn nhỏ, đến chơi vài ngôi nhà khá giả trong xóm, thỉnh thoảng tôi thấy có treo tranh trên tường. Ngoài loại tranh sơn mài “cá vàng,” loại tranh thường thấy là tranh vẽ bến thuyền và xóm lao động bằng sơn dầu, vẽ bằng bay, chi tiết không rõ theo kiểu ấn tượng. Sau này, vài họa sĩ lớn tuổi kể là ngày xưa họ thường vẽ ký họa phong cảnh ở các chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh và cầu Ba Cẳng. Trong số đó, cầu Ba Cẳng là địa điểm khá thu hút vì cầu không có xe chạy nên không bị cản trở việc đứng quan sát trên cầu, có thể nhìn bao quát và chi tiết cảnh làm ăn, sông nước và cảnh mua bán phía dưới.
Một họa sĩ kỳ cựu trường Mỹ Thuật Gia Định, Hà Cẩm Tâm, viết về người bạn cũng là họa sĩ, Trần Quang Hiếu, đi tìm nguồn cảm hứng ở cái cầu này bằng văn miêu tả tỉ mỉ: “Hiếu thích nhất là cầu Ba-Cẳng, hình vòng cung ba nhánh cao như Khải Hoàn Môn, ngự trên ngã ba sông, xi măng cốt sắt phong rêu thiên cổ, dưới rạch là các thuyền ghe đủ kiểu, đủ cỡ, đủ màu vừa là nhà để ở cho cả gia đình vừa là phương tiện giao thông. Các chiếc ghe chài khổng lồ chở các khạp, lu, hủ, chậu, bình, chồng chất đầy khoang đi giao hàng khắp nơi, tận miền Hậu Giang xa lắc cả mấy tháng mới trở về bến. Dài theo bờ rạch là nhà sàn gần xa, lô nhô cao thấp, cầu ván, cầu tre lắc lẻo đi luồn sâu vào các ngõ ngách hẹp té chỉ vừa một người đi lọt. Trên bờ là vô số các loại đồ gốm: từ cái muỗng, cái chén, tô, dĩa cho đến các lu mái dầm hai người ôm chưa giáp vòng để chứa nước mưa, màu đồng ten xanh như đồ cổ, các khạp da bò đựng gạo màu vàng nâu, vàng đất, vàng ánh, men chảy chập chùng như màu đồng thời Khang Hi.
Các trảng đựng nước, chậu trồng hoa đủ cỡ lớn nhỏ, thấp cao với màu ngà, chất men rạn, màu men xanh độc đáo của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa. Cả vùng cầu Ba Cẳng như một bảo tàng viện là quê hương của dân trường vẽ. Trên thổ mộ dưới thuyền nan, cảnh và người linh động như phim hoạt họa. Từ bà Năm bán sương sa hột lựu, con Tám chè thưng cho đến các bạn hàng buôn gánh bán bưng, mấy anh lực lưỡng phu khuân vác, từ các em bé bé quần xà lỏn lòi rốn ở trần nô đùa trong xóm cho đến các con ngựa chân ngắn bụng tròn kéo xe thổ mộ đều rất là hiền lành và thật là dễ thương. Thế mà người đời gán cho hỗn danh ‘Dân chơi cầu Ba Cẳng’ là cái loại dân ngoài vòng pháp luật. Loại dân ghê tởm nhất.
Phải thấy tận mắt, nghe tận tai, sống tận tình mới biết thực hư, mới ngộ ra được cái đẹp. Trần Quang Hiếu đã sống tận tình, vẽ tận mạng, chơi chí tử cho đến phút chót của cuộc đời anh ta. Nó đúng là nghệ sĩ thứ thiệt và chính là dân chơi cầu Ba-Cẳng.”
Đây là một đoạn miêu tả hiếm và hay về chiếc cầu này. Qua thời gian, chiếc cầu hư hao dần, không còn được nhiều người quan tâm vì nói cho cùng nó chỉ còn là nơi hóng gió hay tụ tập, không thật sự cần cho người dân quanh vùng vì các con kinh bị lấp, qua lại dễ dàng hơn.
Khoảng đầu thập niên 1960 và trước đó nhiều năm, ghe thuyền từ miền Tây vẫn thường chở hàng ra kinh Tàu Hũ rồi lên bến, có khi ra tới chợ Bình Tây theo bến Nguyễn Văn Thành (nay đã lấp thành đường Phan Văn Khỏe), đi ngang cầu Palikao (nay không còn).
Nằm ở nơi giao thương đường thủy tấp nập của Chợ Lớn xưa, nên cầu chỉ có một vòm nhịp nhằm tạo khoảng không cho ghe thuyền qua lại. Và đây cũng là nơi dân chơi, các băng nhóm giang hồ ở vùng Chợ Lớn thường xuyên tụ tập. (Hình: Tài liệu) Anh Ngọc Ẩn, một cư dân trên Bến Cát từng sống ở khu Cầu Ba Cẳng, kể là cách nay 60 năm, nhờ địa thế trên bến dưới thuyền, khu này là nơi bán dầu chai dùng để trét ghe, giữa bến Phan Văn Khỏe là chợ trái cây, song song bến này là dãy chòi của những người buôn bán từ miền Tây lên. Họ cất những căn nhà tạm bợ bằng gỗ, mái lợp tôn, bề ngang chỉ hai mét. Nhánh cầu thứ hai đi xuống bến Bãi Sậy (nay là đường Bãi Sậy). Lưu dân ở các nơi tụ về khi chiến tranh bắt đầu lan rộng ở miền Tây. Họ về Chợ Lớn làm thuê làm mướn, sống cuộc sống tạm bợ và thiếu vệ sinh. Đa số cư dân quanh khu cầu Ba Cẳng lại là người Việt dù nằm lọt thỏm trong khu Chợ Lớn với đa số người Hoa.
Anh Ẩn, lúc đó là chú nhóc hơn mười tuổi thường được gọi là “Ẩn lùn,” bỏ nhà đi bụi đời khi cha tham gia chống ông Diệm và bị đi tù. Anh kiếm sống như mọi đứa con nít bụi đời khác, như làm thuê lặt vặt, có khi ăn cắp vài món để bỏ bụng… rảnh thì lên cầu Ba Cẳng chơi đánh bài, nghỉ mát vì chung quanh còn nhiều cây xanh. Trên cầu, Ẩn nhìn xuống thấy nhiều ghe xuồng chở lu hũ, gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, lu da lươn về chất rất nhiều để đưa đi phân phối.
Dòng kinh lúc đó chưa đến nỗi ô nhiễm nên không khí cũng còn dễ chịu, cảnh vật đông vui mà không quá xô bồ. Người Hoa ra mua bán, quen mặt, không mấy khi cho mượn tiền vì biết không trả nổi nhưng sẵn sàng cho một số tiền nhỏ, rất dứt khoát. Những lúc có tiền rủng rẻng, Ẩn cùng vài đứa bạn chui vào mấy rạp hát gần đó, như rạp Đô Thành (gần tiệm xà bông Cô Ba), rạp Casino Chợ Lớn, Đại Quang… coi phim Ấn Độ, phim Nhựt Bổn.
Rạch Bãi Sậy dưới chân cầu Ba Cẳng. Sau gần một thế kỷ tồn tại, cầu Ba Cẳng đã xuống cấp nặng nề và bị sập vào năm 1990. Từ đó, một hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn xưa đã vĩnh viễn biến mất. (Hình: Tài liệu) Thỉnh thoảng dân ở đó xôn xao vì có một cô nào đó nhảy xuống dòng kinh tự tử vì tình. Gần Tết lại có một bà xẩm đi vòng vòng dưới chân cầu, phát chẩn cho người nghèo bằng tiền, không bao giờ cho gạo hay quần áo. Lúc đó, chợ Kim Biên còn là bãi đất trống. Khi người Mỹ đổ vào miền Nam, mở các cửa hàng PX thì chợ Kim Biên trở thành nơi tập trung hàng PX và đổi đô la đỏ. Sau chợ này biến thành chợ bán hóa chất như bây giờ.
Lưu dân thời đó ngày Tết ăn uống đơn giản nhưng không thể thiếu món cờ bạc, thì cầu Ba Cẳng là nơi lý tưởng để đánh bài tứ sắc, bài cào, tài xỉu, lắc bầu cua… Quán cà phê cũng giống như các quán khu chợ búa, ghế cao, khách đến ngồi kiểu nước lụt, cà phê pha bằng vợt. Ẩn và đám bạn nhỏ mỗi ngày ra kinh Tàu Hũ hoặc dưới chân cầu Chà Và tắm vì nước còn sạch chưa ô nhiễm.
Thích nhất thời đó là quán cơm xã hội rất nhiều, chỉ cần 5 đồng là nhận được một khay thức ăn, xúc cơm bao nhiêu cũng được. Con nít bụi đời sống len lỏi chui rúc vì cảnh sát vẫn riễu khắp nơi, đứa con nít nào ló ra đường mà không đi học, không có nhà cửa thì bắt đưa vô trại giáo huấn. Đứa nào cầm tiền nhiều cũng bị hạch hỏi nghi là chôm chỉa đâu đó.
Đến sau năm 1963, ba anh Ẩn trở về và đưa anh về nhà. Những năm sau 1965, chiến tranh lan rộng, dân cư miền Tây bỏ hết ruộng vườn về tị nạn chiến tranh, sống lây lất ở đô thị. Khi quay lại lúc gần đi lính, anh Ẩn thấy khu cầu Ba Cẳng ngày xưa đã lộn xộn hơn rất nhiều, dân tị nạn ở đông đúc, những con kinh ngày càng thu hẹp vì rác và những căn nhà tạm bợ cất trên dòng kinh. Cây cối xanh tươi quanh đó cũng nhường chỗ cho nhà cửa. Dưới con kinh tắc nghẽn, không còn thấy những con thuyền.
Bây giờ, anh Ẩn vẫn thỉnh thoảng chạy mấy chục cây số từ Bến Cát về mua hàng ở Chợ Lớn và đi ngang khu cầu Ba Cẳng, nay chỉ còn lại một cái tên âm vang trong trí nhớ. Bao nhiêu nước từng chảy qua dưới nhánh ba cái cầu này cũng như qua đời anh từ gần 70 năm nay, cho đến khi các con kinh, từ kinh xanh thành kinh đen, và nay đã lấp thành đường.