Làng là chốn yên bình, gắn bó trọn đời dân quê. Làng với cây đa, giếng nước, với đình thiêng, chùa cổ uy nghiêm, cổng làng sừng sững, ao làng ngào ngạt hương sen, với lũy tre xanh, lung bông súng, rặng trâm bầu, bờ điên điển, gốc ô môi, là những hình ảnh yêu dấu còn sót lại trong mỗi người. Ai cũng có một miền quê trong ký ức, hoặc là nơi chôn nhau, hoặc là nơi lưu dấu tuổi thơ. Làng quê êm ả với những dòng kinh rạch uốn lượn, những con mương đồng, những cái ao, con lạch, cá mẹ cá con, tôm tép đầy đàn, vườn cây trĩu quả. Làng quê gói gọn trong mỗi con đường nhỏ quanh co...Có những thứ rất cũ mà muôn đời vẫn nhớ, như chén nước mắm dằm ớt, nồi canh chua măng , tộ cá kho tiêu... Cứ là như vậy, tất cả lắng đọng lại thành một tâm thức làng quê.

Cổng làng
Quan niệm người xưa là “nhà có nóc, làng có cổng”. Các làng miền Bắc thường có một lối đi vào chính, bắt đầu là cổng làng. Cổng làng thường mang dạng cổng tam quan xây gạch, không lớn lắm, cầu kỳ thì đắp ngói với một vài họa tiết dân gian. Các làng nghèo, cổng làng mộc mạc, chỉ bằng gạch, gỗ, tre, khiêm nhường đỡ một tấm xà cũng bằng gạch trên hai trụ thấp nhỏ. Con đường đi qua cổng làng, chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ của làng: những đám rước, đám hội, đám cưới, cuộc hẹn hò, có cả niềm hân hoan, nỗi bịn rịn trên cổng làng.
"Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi.
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn." (Bàng Bá Lân)


Cây đa
Cây đa là cây cổ thụ tiêu biểu của làng, thường được trồng gần đình, tượng trưng nơi linh thiêng, trấn giữ cho cả làng. Cây đa tỏa bóng mát che nắng cho các bô lão và con trẻ, cho thợ cày, thợ cấy, cho các bà, các cô đi chợ nghỉ chân, cho những bộ hành, lữ thứ, cho kẻ gồng gánh bán buôn. Cây đa là nơi tập trung dân để đi làm củi, làm thuê, là nơi trẻ con tụ tập đánh cù, đánh đáo, là nơi hò hẹn của trai gái. Dưới bóng cây đa, dân làng vừa nghỉ ngơi, vừa uống bát nước chè xanh, ăn bửa trưa với gói cơm nắm và chút muối vừng mang theo, trao đổi nhau chuyện đồng ruộng, chuyện mùa màng, chuyện nắng mưa.
"Cây đa cũ bến đò xưa,
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ" (Ca dao)


Bến nước
Bến nước là nơi cung cấp nước cho dân làng. Bến nước có thể là những mạch nguồn suối ở các vùng cao. Ở đồng bằng là một bến sông, một cái ao công cộng, có thể là một ao sen tự nhiên giữa làng...Giếng làng cũng được coi như là một loại bến nước. Giếng thường ở cạnh đình chùa, dù xây bằng gạch, đất hay đá ong, thì giếng làng vẫn là nơi gắn bó lâu bền với đời sống dân quê. Nếu như cây đa có Thần, chùa có Phật thì giếng nước là Hồn quê. Không chỉ là nguồn nước, là "con mắt của đất", giếng làng còn là mạch ngầm, là nơi tích phúc cho dân làng ăn nên làm ra, là nhịp sống, hơi thở, trái tim của làng, cái hồn của xóm, là nơi chứng kiến bao thăng trầm của làng. Những đêm trăng, trai gái đi gánh nước ở giếng làng, gặp nhau và mối tình được nhen nhúm từ đấy.
“Em tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài,
Đâu ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây.” (Ca dao)


Đình làng
Đình làng thờ vị thần giữ bình yên cho cả làng, không có người trông coi và dân làng có trách nhiệm gìn giữ. Đình làng là nơi hương khói, nơi các vị bô lão bàn việc làng, và nơi tổ chức hội hè, đình đám. Người có công xây dựng làng được triều đình sắc phong Thành hoàng, sắc phong nầy được lập bàn thờ trang trọng giữa đình làng.
Ngôi đình cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Đình thường cao ráo, thoáng mát, được dựng lên bằng những cột gỗ tròn, to và thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Mái đình đồ sộ, bốn góc xoè rộng, uốn lượn nhẹ nhàng. Các đường gờ, đường xoi của lá mái, lá diềm, đao đình, tạo nên những đường nét duyên dáng, tương phản rõ rệt với các nhà lân cận và lại hòa hợp với thiên nhiên, cây cao, hồ rộng, đồng ruộng mênh mông xung quanh.
Chiếc trống cái được đặt trong đình đánh vang lên theo nhịp trống ngũ liên thúc giục người dân về đình tụ tập. Vào ngày lễ Tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành hoàng làng và trời đất phò giúp mưa thuận gió hoà. Giữa cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, ấm áp, già, trẻ, gái, trai nô nức đến sân đình mở hội, diễn ra các nghi lễ phong tục tập quán, trò chơi dân gian.
"Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu." (Ca dao)


Chùa làng
Chùa làng thường gắn với đình làng, một bộ sóng đôi trong làng quê. Chùa được xây cất nơi thanh vắng, tịch mịch, ở trung tâm, góc làng, hay ven làng, trước có hồ sen, trong sân trồng nhãn, mai, thiên tuế, chuối.
Chùa làng thường không có cửa hoặc có cửa nhưng không bao giờ đóng, cũng có khi chùa chỉ xây dựng hai trụ tượng trưng cho chiếc cổng. Trong làng, dân ở thành xóm, nhà vườn liên tiếp nhau; xóm nào có chùa làng thường được gọi là Xóm Chùa.
Dù chùa ở thôn cùng, xóm vắng thì ngôi chùa vẫn thân thiết gần gũi với dân quê. Dân gian có câu: “Chùa chiền là tổ mộ của dân thôn”. Nhiều ngôi chùa, không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thần, thờ Mẫu (thờ phụng những vị nữ thần), nên hội chùa là sự dung hợp tín ngưỡng cởi mở của dân quê.
Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt cho các Phật tử, mà dân trong làng sau lễ đình xong, thường đến lễ chùa vào đầu năm. Các nam bô lão thì đến đình để bàn việc làng, chùa là nơi các cụ bà, các bà, các cô thôn nữ, và đương nhiên trẻ em được theo bà, theo mẹ, theo chị đến chùa để được “vui chùa”.
Những "người muôn năm cũ" của làng quê lần lượt mất đi, mộ chôn rải rác ngoài các gò đống gần xa quanh làng, hồn như còn hiển hiện đâu đây trong ánh hoàng hôn vạt nắng bên ngôi chùa làng.
"Chùa làng dựng ở xóm côi,
Sớm khuya hai buổi nghe hồi chuông ngân" (Ca dao)


Bến đò
Bến đò nằm trên giao lộ của các làng xã. Khi trời tờ mờ sáng, bến đò đã văng vẳng tiếng gọi đò. Cảnh nhộn nhịp nơi bến đò bắt đầu từ buổi sáng sớm. Các bà tất tả đi chợ, rộn ràng tiếng cười nói, tiễn chân người mua kè bán, các trò nhỏ quần áo chỉnh tề tay ôm cặp sách, bà mẹ quê quảy gánh chuối, bác già nông dân đèo mấy bó củi... Buổi chiều xôn xao tiếng chào, hỏi nhau giá rau củ, bánh kẹo, hàng quán, mang về từ phố thị...
Bến đò ngang là nơi gặp gỡ của dân làng, trao đổi ngắn ngủi những chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn. Câu chuyện của những bến đò, những bãi sông, những con người từng qua lại – neo đậu rồi quay lưng - luôn luôn sôi nổi, hào hứng.
Cạnh bến đò thường có một quán lều nhỏ. Quán dọn sẵn hàng nước chè xanh, mấy cái bánh tráng, chờ người ghé chân...Chờ sang sông, dân qua đò vào mua ít món lặt vặt hoặc ngồi nhâm nhi bát trà nóng. Dưới sông một chiếc thuyền nhỏ, dập dềnh giữa dòng nước đục lờ, sẵn sàng đợi người sang bến bên kia.
Mùa nắng, dòng sông hẹp lại lô nhô bãi bùn, dòng nước lờ lững chầm chậm trôi xuôi, đôi bờ như xích lại gần hơn. Mùa mưa lụt, nước lũ đổ về, dòng sông dậy sóng như muốn nhấn chìm những chuyến đò nhỏ nhoi. Như thế, dân quê và sông nước đò ngang có một mối quan hệ rất chặt chẽ, gần gũi, đủ cả vui buồn.
"Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi.
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời" (Anh Thơ)


Hội làng
Hàng năm, làng quê nào cũng mở hội, phần lớn vào mùa xuân, mùa đất trời giao hòa, lòng người hân hoan. Trong những ngày hội làng – thường là ngày giỗ Thành hoàng – đình làng lôi cuốn hầu hết dân làng, thu hút mọi lứa tuổi.
Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái có thể là Phật, thần, thánh, những nhân vật siêu phàm. Phần lễ gồm rước và tế. Hội là những sinh hoạt văn hóa như hát thờ, múa hát dân gian, các trò chơi: đấu vật, chọi gà, đánh đu, kéo co, các cuộc thi tài mang tính thượng võ: bơi trải, chạy cờ; các trò diễn theo phong tục: bơi cạn, bắt chạch trong chum, chọi gà, chơi cờ người...
Miền nam, sau các mùa thu hoạch, theo truyền thống, lễ cúng kỳ yên (cầu an), tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an (nước thạnh dân an), phong hòa vũ thuận (gió điều hòa, mưa phù hợp), hải yến hà thanh (biển lặng sông trong), nông ngư đắc lợi (người làm ruộng, người đanh cá được lợi). Năm nào cũng vậy, đáo lệ cúng đình thì có hát bội. Lễ hội kéo dài đến ba ngày, rất là náo nhiệt. Ngoài đình có nhiều hàng quán bán thức ăn, nước uống, có quầy bán nhang đèn cho người đi dự lễ, bên trong đình đèn đuốc sáng choang, khói hương nghi ngút, chiêng trống vang rền. Hội làng gắn kết dân quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
"Hội làng ai đón ai chờ,
Cây đa bến nước, con đò quê hương" (Ca dao)


Trường làng
Trường làng thường nằm ở cạnh đình, trên một khoảnh đất rộng, cao ráo, được bao quanh bởi cánh đồng lúa. Ít có trường xây gạch, phần lớn mái tranh, phên tre, tuềnh toàng rơm rạ, mỗi năm học trò phải góp vài bó tranh (kết bằng thân cây lúa) để nhà trường lợp mái. Lớp học đơn giản, một tấm bảng đen và một ít bàn ghế xệch xạc, khi không đủ, phải ngồi chen chúc ba đứa một bàn.
Sân trường rộng, trồng nhiều cây cổ thụ lớn nhỏ, từ những cây hoa bằng lăng màu tím có những chú chim hay đậu, cho đến những cây bàng, cây phượng rợp bóng, học trò tha hồ nô đùa, vui chơi bịt mắt bắt dê, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây...
Trường có chừng ba hoặc bốn gian lớp học, khoảng 100 học trò sau khi tan trường, về nhà phụ giúp ba mẹ công việc đồng áng, có hôm ăn khoai đến trường.
Trường làng chỉ dạy cấp sơ học gồm lớp khởi đầu là lớp Năm hay lớp Đồng ấu (Cours Enfantin), kế đến là lớp Tư hay lớp Dự bị (Cours Préparatoire), lớp Ba hay lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire), lấy bằng Sơ học Yếu lược (Certificat D'Étude Primaires viết tắt là CEP). Ông giáo làng học chữ Quốc ngữ ở trường tổng, trường huyện, đậu bằng Tiểu học (Certificat D’Étude Primaires Complémentaire Indochinois, viết tắt là CEPCI) mà không học tiếp thì xin bổ làm thầy giáo “hương trường”, tức thầy giáo trường làng, mặc áo the, áo bà ba, đi guốc mộc, sống đời thanh đạm, được dân làng trọng vọng.
Học trò là những trẻ nhỏ trong làng, tuổi lên 7 – 10. Ngày đầu, mẹ dẫn đi học, lòng cậu bé nào mà chẳng “hoang mang”: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học” (Thanh Tịnh).
Trường không cách xa các nhà trong làng. Con đường đến trường khi gần, khi xa, thật dễ thương, cứ tung tăng chân sáo, vừa đi vừa hái hoa, bắt buớm. Hai bên đường những hàng rào hoa dâm bụt đo đỏ xinh xinh.
Học trò đến trường, một tay ᴄắρ ᴄặρ, tay kia xách tòn ten bình mực, hễ khi ᴄhạy tay vung lên là mựᴄ trào lên, văng ra quần áo, tay ᴄhân dính đầy mựᴄ. Ở lớρ, họᴄ trò ngồi viết, cuốn vở để trướᴄ mặt, lọ mựᴄ để trướᴄ thẳng ᴄánh tay ρhải thuận ᴄầm viết. Viết ᴄhấm mựᴄ, ngòi lá tre, lá mít, làm bằng sắt hay đồng, ᴄứ mỗi ᴄái ᴄhấm vào bình, nhấᴄ ra viết đượᴄ một đến hai ᴄhữ thì lại ᴄhấm tiếρ, rồi lại viết. Bởi vậy chữ nét thanh, nét đậm rất rõ. Có những ᴄhữ đến nét ᴄᴜối ᴄùng thì mựᴄ ᴄạn, nét mờ. Họᴄ trò ρhải ᴄhấm tô lại, nên nét cuối thành ra đậm. Nhiều đứa vội vàng, lóng ngóng còn làm đổ ᴄả bình mựᴄ ra mặt bàn, lan vào cuốn vở…
Thời xưa, chuyện học hành của lũ trẻ nhàn hạ lắm. Trò đi học chỉ sắm vài tập vở, quản bút, bình mực là đủ. Đến trường, thầy hay các anh trưởng tràng viết bài vào cho học chứ khỏi tốn tiền mua sách. Trong lớp hễ trò nào lớn tuổi, nết na lại học giỏi thì được thầy cắt làm trưởng tràng. Anh này rất có uy, sai bảo ai điều gì phải làm răm rắp.
Sách cho học trò học là quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có giá trị giáo dục cao. Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ, theo lối tranh khắc trên gỗ, nét vẽ chân phương phản ảnh nội dung chứa đựng trong bài gây ấn tượng mạnh cho cả học trò lẫn người lớn. Các tác giả viết rất dễ hiểu, đơn giản câu văn ngắn, dùng chữ gợi hình, gần gũi với tuổi thơ. Cuối bài, tác giả tóm lại ý nghĩa bằng một câu "toát yếu", mang tánh giáo dục về đạo đức, luân lý, như là mặc nhiên, không cần giải thích.
"Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy..." (Sơn Nam)
Dầu sao đi nữa, những kỷ niệm xa xưa vẫn vui, vui như một lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống, đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào lớp.
Tiếng trống lúc đầu gióng lên chậm rãi từng tiếng một, khoan thai, trì hoãn… nhưng càng về sau thì tiếng trống đổ dồn thúc giục rộn ràng, cuối cùng hồi lại ba tiếng (trống đi một hồi ba tiếng). Những học trò xa trường nghe trống đổ hồi phải chạy cho kịp. Trong buổi học, tiếng trống đánh ba tiếng báo hiệu ra chơi, tiếng trống vào lớp cũng ba tiếng nhưng đánh mạnh hơn, cuối buổi, tiếng trống tan học cũng nhịp điệu lốc cốc, lum bum rồi khoan thai một hồi dài; dứt hồi trống là thầy trò xếp xong sách vở, bút mực ra về.
Tuổi thơ của quá khứ dân dã mà thanh bình đó, thật kỳ lạ, gần hết cả một đời người, vẫn còn hãnh diện là học trò trường làng.
"Năm nay thôi học ở trường quê,
Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề.
Những buổi thu sương buồn ảm đạm,
Trống trường vang dội phía sau đê." (Thanh Tịnh)


Chợ quê
Chợ quê họp giữa sân đình, cạnh một cái quán, cái cầu hoặc bên gốc cây bàng, cây đa, sơ sài vài mái tre, nứa, lá. Dân quê đem bán mớ tôm, mớ tép, bó rau vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, các loại hoa, quả, cũng có khi thêm ít hàng xén. Hàng chợ lúc ít lúc nhiều nhưng hàng quà thì đủ thứ, bánh ống, bánh lọt, bánh chuối, bánh cuốn, bánh khoai, bánh gai, bánh giò,... vừa túi tiền mọi người, mua làm quà cho con trẻ đang trông nhà, hoặc sà xuống ăn ngay. Mua chịu cũng có.
Những ngày mùa, chợ quê mở sớm lắm. Ai cũng cố mua thật nhanh để ra đồng cấy hoặc gặt lúa. Thế nên, có những hôm, mới sáng sớm mà chợ đã vắng tanh, chỉ còn lại các bà cụ và đám trẻ không phải ra đồng ngồi nán bán ít hàng. hoặc mua quà vặt.
Chợ quê có phiên chính, phiên phụ, vài ngày lại có một phiên. Có những nơi chợ họp theo phiên, tháng chỉ vài ba phiên chợ. Chợ phiên chỉ chừng vài trăm người, nhưng sao thấy vui lạ. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ toàn là người quen, tạo cho phiên chợ không khí thân thuộc, hiền lành. Chợ quê náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn vào những ngày giáp Tết. Những hộp mứt xanh đỏ, những bộ quần áo trẻ con, hấp dẫn đối với bọn trẻ theo bà, theo mẹ ra chợ Tết.
Phiên chợ làng quê miền Tây có nét đặc trưng khác biệt, đó là chợ nổi. Từng chiếc ghe, chiếc thuyền chất đầy thịt cá, hoa quả đậu trên con sông dài, huyên náo tiếng người rao bán...
Dân quê dường như ai cũng thích đi chợ. Không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi. Đến chợ thì biết đủ mọi chuyện trong nhà, chuyện ruộng vườn, cây trái, chuyện làng trên xóm dưới, vừa mua bán vừa thông tin cho nhau về cuộc sống riêng tư, cuộc sống đời thường.
"Đồn rằng Chợ Nội vui thay,
Bên đông có miếu, bên tây có chùa.
Giữa chợ có miếu thờ vua,
Đôi bên nước chảy đò đưa em về." (Ca dao)


Ao làng
Ao làng rộng và sâu, chỗ cạn nhất cũng ngập ngang bụng người lớn. Nước ao trong vắt, là nơi thoát nước về mùa mưa, trữ nước về mùa khô, cung cấp nước cho dân làng, làm dịu mát không khí oi nồng của mùa hè, là nơi sinh sống của rất nhiều loài tôm cá, lươn cua, ốc ếch...
Quanh bờ ao là những vạt cỏ non xanh biêng biếc, trồng các loài cây quen thuộc như cây vối, cây sung, rặng cúc tần, những cây dừa, những bãi chuối xanh ngắt, những bụi tre đứng lặng yên, xào xạc khi gió lên. Mỗi mùa, ao mỗi vẻ, đẹp lạ thường.
Ao là nơi dân làng đến gánh nước về xài, là nơi mà người lớn, con trẻ mỗi chiều hè lại ra lặn ngụp cho mát. Dân quê ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, hò hát, tâm tình từ sáng tới khuya.
Những ngày giáp Tết, ao làng thực sự trở thành ngày hội. Tiếng trống, tiếng tù và giục giã dân làng chuẩn bị nơm, vó, rổ, rập đi đánh cá ao làng. Cá được thả thường là giống cá mè, cá chép, cá trắm, cá trôi vì chúng nuôi mau lớn. Những chàng trai lực lưỡng, nhịp nhàng tát gầu sòng cho đến khi nước cạn. Mỗi khi bắt được cá to, tiếng reo vui rộn rã. Mọi người hoan hỉ chia cá cho nhau, lòng vui khấp khởi.
Ao làng ngày Tết còn là nơi dân làng ơi ới gọi nhau mang nồi niêu ra rửa, mổ thịt ngay bên bờ ao, xẻ thịt, chia lòng... Tiếng trẻ con chí chóe trêu đùa, tiếng các bà rì rào kể chuyện, tiếng cười giòn tan của những chàng trai cô gái. Xuân về, làng mở hội bên bờ ao, thi nấu cơm, thi bịt mắt đánh trống, đập niêu, thi bắt vịt bơi trên mặt nước... Một cuộc sống thanh đạm nhưng ung dung, nhàn tản trong cảnh thanh bần của làng quê.
“Cầu ao ván yếu gập ghềnh,
Chân lần tay dắt chung tình đi qua” (Ca dao)


Lũy tre
Lũy tre làng xanh ngắt, kẽo kẹt mỗi khi gió nổi. Dưới bóng tre xanh thấp thoáng những ngôi chùa cổ, những mái nhà bình yên, che mát những cuộc đời dân quê sớm hôm khó nhọc. Hầu như nhà nào cũng trồng một bụi tre. Tre mọc khắp hai bên bờ sông, dọc theo con đường làng, từng con ngõ nhỏ dẫn vào xóm. Tre giúp dân quê làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Dân quê sống khép mình sau những lũy tre. Chuyện bên ngoài lũy tre làng nhiều khi xa lạ. Tre thành ranh giới của làng.
Hàng tre cao che mát cho bác nông dân nghỉ ngơi sau buổi ra đồng, là nơi hẹn nhau xuống chợ của các bà mẹ, là nơi chơi đùa của con trẻ mỗi khi chiều về, nơi có con trâu già ung dung nằm nhai cỏ giữa trưa vắng… Tre rợp bóng đường quê, tre nghiêng ngả vào hè nhà quyện lấy khói bếp chiều hôm.
"Bước chân vào ngõ tre làng,
Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con.
Bước lên thềm đá rêu mòn,
Lòng buồn nặng trĩu nghe buồn võng đưa" (Ca dao)


Nhà tranh
Làng quê chỉ có một ít nhà xây tường gạch mái ngói của các bá hộ, đại đa số là nhà tranh vách đất. Nhà là nơi lắng đọng ngàn năm của tinh hoa làng quê. Nhà là nơi đủ che mưa nắng, cốt sao có được một mái ấm, xây cất đơn sơ, tạm bợ, đa phần sử dụng cây lá địa phương làm vật liệu như tràm, dừa nước, tre, lá, rơm rạ.
Nhà được dựng theo nhiều kiểu khác nhau: nhà lớn thì 3 gian, 2 chái, nhà nhỏ 1gian, 1 chái, mái lợp tranh, rạ hoặc lá, vách trát đất trộn rơm, nền móng bằng đất đắp, có cột gỗ kèo tre làm khung chống đỡ. Trước nhà có một hàng hiên được dựng thêm những cột trụ tròn đơn giản đỡ lấy mái hiên. Trong nhà nền đất, ở giữa đặt bàn thờ gia tiên, chái tây kê bộ ván hoặc chõng tre. Nhà có ngõ trước, vườn sau, giàn bầu, luống cải. Trong sân, trưa có tiếng gà gáy trong khóm tre già, chiều có mái nhà khói tỏa...Cũng có nhà có một chiếc cổng nhỏ bằng gỗ đơn sơ, phía trên là một cây tre nằm ngang, cánh cổng là mấy thanh tre đan ngang ghép dọc, nếu đóng lại vẫn còn chỗ cho con gà trống lách qua, con chó chui lọt. Đôi khi, cái cổng chỉ là mấy cành rào giương lên, chống bằng một thanh tre, hạ xuống thì vẫn nhìn thấu trong nhà, người đứng ngoài đường gọi, người trong thưa.
Nhà tranh vách đất mát mẻ mùa hè và ấm áp mùa đông. Qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, nhà cầu, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, giậu cây xanh bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng...
Sân trước có hàng cau, ao bèo nuôi cá. Sân sau trồng chuối, như câu tục ngữ “trước cau sau chuối”.
Nhà nhà có võng lát hoặc đay, võng lành lặn thì mắc ở trong gian chính, võng cũ đem cột ngoài hiên, chái bếp, ngoài vườn, cặp mé ruộng để có lúc ra nằm chơi, hóng mát, ngủ trưa hay lúc nhàn tản ngâm nga vài ba cầu hò, điệu lý, vài bài bản vọng cổ, cải lương…
Nhà trên, nhà dưới, chuồng trại, ao vườn, đụn rơm, đụn đất ủ phân… tất cả cảnh quang xung quanh nhà đều được dân quê tạo ra một cách tự nhiên, đơn giản và mộc mạc.
Bất cứ ở đâu trong làng, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một ụ rơm được chất đâu đó nơi góc sân, cạnh con ngõ, hay ở góc vườn. Rơm được phơi khô đánh đống và dùng để đốt trong nấu nướng, trong sinh hoạt hàng ngày. Rơm khô còn là nguồn thức ăn chính, là vật dụng ủ ấm cho trâu, bò trong những ngày tháng mùa đông giá rét…
Miệt vườn miền Nam hầu như nhà nào trước thềm cũng có một lu nước mưa trong vắt, mát lạnh, dư vị ngọt ngào. Lu sành màu da bò, có cái gáo dừa đen bóng gác lên trên. Người qua đường cứ tạt vô vục đầy gáo mà uống. Ðường xa nắng gắt được gáo nước mưa xem như "bắt được vàng".
Đôi khi trong làng còn một vài ngôi nhà cũ càng, thuộc dòng dỏi một thời vang bóng, rêu phủ dày ngói nâu, trầm mặc trong khói chiều loang ngập tràn thương nhớ.
"Gặp mặt anh đây,
Hỏi anh ở nhà đưng hay nhà lá, cửa khóa hay cửa gài,
Trâu mấy đôi, ruộng thời mấy mẫu, bạc đủ xài hay tạm quơ?" (Ca dao)


Vườn quê
Chốn quê, mỗi nhà đều có một mảnh vườn, có hàng rào bao quanh bằng hàng cây xanh rì, hoặc là dâm bụt hay giậu mồng tơi che chắn. Vườn để trồng cây ăn trái, rau màu... Vườn quê gợi nhớ cho những tâm hồn nhỏ dại khi phải xa nhà.
Vườn ở quê, người dân không trồng theo phương thức nào mà trồng theo ngẫu hứng, tự nhiên. Ngắm chừng ưng loại cây nào thì xin hạt, chiết cành mang về trồng. Để tiết kiệm khoảng đất trống dưới những gốc cây ăn trái, dân quê trồng thêm dăm ba luống cải, vài dây bầu, dây bí, hay mấy bụi ngò gai, hành, hẹ lấy rau xanh ăn hàng ngày. Vườn được cả gia đình chăm sóc. Ba cuốc xới, mẹ gieo trồng và đàn con thì nhổ cỏ, tưới nước. Những cọng rau, những trái chín do công chắt chiu của người dân quê.
Vườn có đủ loại, từ cây cổ thụ cho tới cây thân cỏ bé tí teo. Cây xoài, cây mận lâu năm thân vài chỗ bị sâu khoét, nhưng tán lá vẫn rộng xanh che mát cả khu vườn. Cây mít có những lộc non sẽ nẩy ra những quả mít non bé tí trên thân cũ... Rồi nào ổi, cam, táo, mãng cầu, đu đủ…và cũng không thiếu lá trầu cay nồng, cây tía tô tím sẫm, cây nhót lá có hai màu, một mặt xanh, một mặt bạc trắng lạ kỳ... Những cây chè xanh ở cuối vườn, bông có nhụy vàng li ti toát lên vẻ đẹp mộc mạc, tinh khôi.
Còn gì thich thú hơn khi bước chân ra vườn là ngửi được mùi hương thoang thoảng của đám cải, ngò, rau cần, rau húng xanh mơn mởn, mùi hương nồng của trái ổi, trái táo, nhón tay hái lấy một trái cho vào miệng cảm thấy mùi vị thơm ngọt.
Vườn yên tĩnh đến nỗi nghe rõ bầy chim chíu chít giành nhau những quả chín trên cây. Mảnh vườn quê êm đềm, ngọt ngào ẩn chứa biết bao kỷ niệm tình yêu tuổi trẻ.
"Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê." (Nguyễn Bính)


Cầu khỉ
Miệt vùng quê sông nước, có rất nhiều loại cầu: cầu khỉ, cầu ván, cầu tre, cầu ao, cầu sông... Cầu khỉ là nét đặc trưng của miền đất hậu giang. Hình ảnh người đi qua chiếc cầu đong đưa, phía dưới là kênh rạch, trên có tay vịn trông rất ngộ nghĩnh khiến người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ.
Cây cầu lắt lẻo bắt qua những con đường bị kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu khỉ gọn gàng nối bên này bên kia bằng vài ngọn tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cột chặt lại với nhau bằng các sợi dây mây, dây choại. Thanh cây ở giữa cầu không buộc chặt, được gọi là cây "quá giang", để ghe thuyền qua lại thì nhấc lên mà đi. Những đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo. Trẻ em trong xóm tụ tập lên cầu rồi nhảy xuống kênh mà bơi, là trò vui khá hấp dẫn của tuổi thơ.
Cây cầu, không cầu kỳ, không cao sang, đêm trăng sáng những thôn nữ ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, duyên dáng tình quê, hồn nhiên, mộc mạc. Khi chân bước lên cầu khỉ mọi người dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh ấy đã đi vào thơ ca qua tiếng mẹ ru con.
“Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời” (Ca dao)


Đường làng
Con đường làng bình dị không theo một đường thẳng đông tây, hay xuyên chiều nam bắc. Nó là con đường tự nhiên mà sinh ra, làng vốn không có đường, nhưng chân người đi mãi mà thành đường. Đường được thành hình bởi muôn vạn bàn chân, những bàn chân nhọc nhằn, năm này sang năm khác, mùa nọ tiếp mùa kia.
Một sồ làng giàu có đường gạch nung, bền bỉ nắng mưa, không vỡ, không lún, không xô, bắt đầu từ cổng làng, rẽ ra đình, ngoặt sang chùa, vào từng ngõ chính. Ngày mùa, đường gạch được dùng làm nơi phơi rơm rạ, bước chân êm như đi trên nhung, nhưng xuân về, nó lại vang lên kí cốp tiếng guốc nghe rất vui tai.
Phần lớn đường làng là đường đất, trở nên lầy lội, trơn trượt rất khó đi khi mưa đến. Đường đi giữa hàng tre trúc xanh, bên hàng rào ô rô lá như gai nhọn. Cành tre lờ lững buông mình, giạt vào hai vệ đường, có cây nấm, cây hoa dại. Đường làng im lặng, quanh co ngõ trúc, trườn vào thôn xóm, ngoặt phía này, rẽ phía kia, rẽ vào nhà ai đó chỗ thẳng băng, chỗ chữ chi, chỗ đường bán nguyệt... Đường làng là con đường tình yêu, con đường thương mến, con đường trẻ thơ theo mẹ ra đồng mòt lúa, ra quán đầu làng mua viên kẹo, viên bi.
"Tôi, con đường quê nhỏ chạy lang thang,
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng.
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng,
Hương đồng quyến rũ hát lên vang." (Tế Hanh)


Đồng Ruộng
Hình ảnh cánh đồng lúa xanh rì căng tràn sức sống, thửa ruộng lúa chín vàng, không thể tách rời với làng quê, đặc biệt làng quê miền Tây. Làng thôn lọt thỏm giữa bốn bề ruộng lúa, men theo đường đê nhỏ rợp hoa mười giờ, dừa cạn, những hàng dừa, hàng chuối, là những cánh đồng lúa mênh mông, xa xa hàng dừa nước, rặng bần, sông rạch trĩu nặng phù sa.
Nông dân miền Tây có tập tục khá đặc biệt là “làm ruộng vần công”, mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau nay làm cho người này, mai làm cho người kia, hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, không lấy tiền công, nhưng được chủ ruộng đãi một bửa ăn ngon.
"Gần đến mùa gặt, cánh đồng chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa gặt, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…"
Sau mùa gặt, chuột đồng là con vật quen thuộc xuất hiện khá nhiều trên các đồng ruộng, từng nhóm người chạy theo vồ, đập, bắt chuột bỏ vào bao, tiếng cười nói, hò hét nhau vang cả góc trời quê. Vào mùa nước nổi, trên những đồng nước mênh mông, nhịp sống trở nên sôi động. Dân quê bơi xuồng đi nhổ bông súng, rau nhút, hái hẹ nước, bông điên điển, giăng lưới bắt chim, đặt lọp cá trê, cá chạch, nước về nhiều hơn thì đặt lọp ếch, lọp tôm càng.., đôi khi bắt được cá rô, cá lóc, cho tới lươn, ếch, cua đòng, thậm chí cả rắn…
Cánh đồng tạo nên một khoảng không gian bao la, nhìn mãi mới thấy một hàng cây thật xa. Những ngày mưa, đồng vắng người, nhưng lại khá đông loài vật, từ chim chóc, côn trùng, đến ếch nhái, cá tôm. Từng hàng cò dàn thành hàng trên bờ mẫu, bay xuống ruộng nhặt nhạnh những hạt thóc còn sót lại hay bắt mấy con châu chấu, dế, cào cào.
Trong không gian bao la im ằng, tiếng mưa, tiếng gió, tiếng lũy tre rì rào, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, chợt vang lên bản giao hưởng thật trữ tình. Bức tranh đồng quê màu sắc lung linh, pha lẫn màu tim tím của mưa, màu nâu của đất, màu vàng của rơm rạ, màu trắng của cánh cò, màu xanh xanh của ngọn cỏ. Không chỉ vậy, ruộng đồng còn có mùi thơm rơm rạ, mùi đất nồng nặc, mùi khói đèn dầu, khói bếp tỏa ra từ những căn nhà lá, mùi mồ hôi lam lũ của dân quê.
"Ruộng đồng mặc sức chim bay,
Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi." (Ca dao)


Làng quê, hai tiếng nghe sao bình dị, thân thương, làm nao lòng người xa quê vì mưu sinh, vì bị đọa đày. Làng quê mở ra cánh đồng, con sông, bến nước... dẫn vào thế giới của những êm đềm, dịu ngọt, lẫn xót xa, gợi nhớ cái điếu bát cùng ấm chè xanh đặt trên chõng tre, nhớ điếu thuốc rê nhã thành từng cụm khói trắng biếc, che phủ một khoảng không gian mờ dần theo năm tháng.
"Con đi năm ấy tháng tư,
Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa quạnh nhà,
Cha già đập lúa, mẹ già giữ rơm.
Cha giậm gạo, mẹ thổi cơm,
Có con, con vắng, ai làm thay cho.
Con dan díu nợ giang hồ,
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên." (Nguyễn Bính)