CÁCH PHÂN BIỆT TIN GIẢ TRÊN MẠNG



Với lượng thông tin khổng lồ trong thời đại Internet hiện nay, nguồn gốc và mức độ tin cậy của chúng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Lợi dụng khả năng lan truyền nhanh chóng của các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, những người đứng sau các tin tức sai lệch, giả mạo đang đưa chúng tiếp cận đông đảo người dùng hơn chỉ trong tích tắc nhằm trục lợi. Nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, người dùng Internet sẽ rất dễ sa vào những cái bẫy thông tin đó.
Việc tiếp thu những thông tin sai lệch này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người đọc, mà một khi đã được phát tán rộng rãi, nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Vì lý do đó, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết và đưa ra quyết định đúng đắn trước những thông tin trôi nổi trên các trang mạng. Có ba cách hiệu quả sau đây để giúp người đọc có thể xác minh được độ tin cậy của một bài viết.

1. Chú ý đường link
Trước tiên hãy kiểm tra phần top-level domain (tên miền cấp cao nhất) của trang đó. Top-level domain chính là phần sau cùng của một tên miền Internet. Chẳng hạn như trong tên miền www.google.com thì com chính là top-level domain. Dưới đây là một số top-level domain mà bạn thường gặp: com, info, net, org…: Đây là những top-level domain phổ biến nhất trên Internet vì bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể mua và sở hữu những tên miền này. Chính vì thế mà bạn phải thật cẩn trọng với tin tức từ những trang web kết thúc bằng đuôi này.
Riêng đuôi org, tuy là tên miền dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng bạn cũng nên cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc.
vn, au, ca: Đây là những top-level domain thuộc cấp quốc gia (vn – Việt Nam, au – Úc, ca – Canada, …). Để có thể sở hữu những top-level domain này, người mua cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp pháp cũng như đáp ứng đủ tiêu chí của quốc gia đó. Vì vậy, nội dung được đăng trên những website sử dụng đuôi này có mức độ tin cậy cao hơn những website nêu trên. Tuy nhiên, những đuôi này vẫn có thể được mua bởi bất kỳ ai nên bạn cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác để xác minh độ tin cậy.
edu, gov: Đây là top-level domain dành riêng cho các tổ chức giáo dục đào tạo (edu) và các tổ chức chính phủ (gov). Bạn có thể tin tưởng và chia sẻ những nội dung được đăng tải trên các trang này vì đây đều là những thông tin chính thức.

2. Đọc phần “About Us” (Về chúng tôi)
Nếu bạn gặp một trang thông tin lạ chưa từng đọc hoặc chưa từng nghe tên thì hãy vào mục “About Us” (Về chúng tôi) để tìm hiểu thêm về những cá nhân hoặc tổ chức đứng sau. Họ có phải là những chuyên gia dày dặn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà website đó tập trung vào không? Đó có phải là tòa soạn báo được nhiều người trong ngành tín nhiệm không? Hay chỉ là một trang blog thể hiện quan điểm của một cá nhân nào đó? Đại đa số những website chính thống sẽ có đầy đủ thông tin về công ty chịu trách nhiệm; thành viên trong ban quản trị; nhiệm vụ, mục tiêu, và tầm nhìn của tổ chức đứng sau. Ngoài ra, những thông tin về ban lãnh đạo cũng có thể tìm thấy ở nhiều website khác chứ không chỉ riêng mỗi trang đó.

3. Sử dụng Google Images
Những phần mềm chỉnh sửa hình ảnh như Photoshop (Adobe) đang bị lạm dụng nhằm xóa nhòa lằn ranh giữa thật và giả. Đôi khi rất khó nhận biết một hình ảnh đã qua hậu kì nếu chỉ nhìn sơ lược, người chỉnh sửa có trình độ cao, hoặc kích cỡ hình ảnh không đủ lớn.
Rất may là hiện nay chức năng tìm kiếm hình ảnh của Google Images có thể phần nào giúp chúng ta xác minh độ tin cậy của các bức hình trên Internet. Chỉ cần bấm chuột phải vào tấm hình mà bạn cảm thấy đáng ngờ và chọn “Search Google for image.” Phần “Pages that include matching images” sẽ hiển thị những trang web có chứa hình ảnh tương tự tấm ảnh bạn vừa tìm kiếm.
Nếu có nhiều trang web cũng sử dụng hình ảnh đó nhưng với những nội dung khác nhau thì bạn nên đặt nghi vấn về nguồn gốc bài viết mà bạn đang đọc. Nếu hình ảnh bạn vừa tìm có điểm khác biệt với những tấm còn lại thì bạn không nên tin tưởng bài viết đó.

Một số mẹo xác minh khác

* Truy cập website chuyên xác minh nguồn tin
Nếu trang tin tức bạn đọc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, bạn có thể truy cập FactCheck, International Fact-Checking Network (IFCN), hoặc Snopes để xác minh nguồn tin.
* Tìm trang web đăng nội dung tương tự
Kiểm tra xem thông tin bạn đang đọc có được đề cập trên những trang báo chính thống khác như New York Times hoặc Wall Street Journal hay không. Nội dung trên những trang này hầu hết đã được rà soát và kiểm tra về tính xác thực trước khi được đưa lên mặt báo.
* Kiểm tra chất lượng bài viết và nội dung bình luận
Nếu một bài viết phạm nhiều lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, dù chỉ là lỗi nhỏ, thì bạn không nên tin tưởng vào nội dung bài viết đó. Ngoài ra, đọc lướt qua phần bình luận cũng là một cách để xác minh. Nếu có nhiều người chỉ ra những thông tin sai lệch của bài viết thì khả năng cao là bài viết đó không đáng tin cậy.

Nguồn / Tổng hợp từ:
Mindtools | CNN | NPR | Harvard | UMUC | UWGB

Tóm lược:

Thời đại thông tin tràn ngập cũng có nghĩa tràn ngập mọi loại thông tin, trong đó có cả mọi loại thông tin giả (fake news): thông tin sai lệch/xuyên tạc (disinformation) và không tin không đúng sự thật (misinformation).
Ở đây cũng xét có nhu cầu để làm rõ vài định nghĩa. Theo tổ chức UNESCO thì tin sai (disinformation) là thông tin sai lệch và cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia. Nên gọi loại tin này là tin xuyên tạc. Tin không thật (misinformation) là thông tin sai nhưng không tạo ra với mục đích gây hại. Tin giả (fake news) có ý nghĩa ngược với thông tin thật, bao gồm hai loại tin nêu trên. Dưới đây là bảng tóm lược 10 điểm mà chúng ta cần lưu ý khi tiếp nhận thông tin:

1. Tiêu đề bài viết: Tiêu đề của các tin fake thường rất hấp dẫn, viết in hoa kèm dấu chấm than mang tính chất khẳng định. Nếu bạn thấy một tiêu đề nghe có vẻ khó tin, thì có lẽ nội dung của bài cũng vậy thôi.
2. Quan sát đường link: Đường link chứa tin fake thường mô phỏng lại một trang tin đáng tin cậy nào đó, chỉ khác một vài ký tự trong đường dẫn. Bạn nên chú ý kỹ ở điểm này, có thể vào chính trang tin đó để đối chiếu lại.
3. Kiểm tra nguồn tin: Cần đảm bảo rằng tin tức đến từ một nguồn đáng tin cậy.
4. Kiểm tra định dạng bài viết: Các tin tức fake thường không được chỉnh chu, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp hết sức ngớ ngẩn. Ngoài ra, định dạng bài viết sẽ khá lộn xộn, không thống nhất.
5. Kiểm tra ảnh: Tin tức giả thường đi kèm ảnh và video để tăng sự tin tưởng. Tuy nhiên, đa số toàn là ảnh trên mạng, nên bạn cần làm thao tác tìm kiếm hình ảnh đó trên Internet để truy ra nguồn gốc của nó.
6. Kiểm tra thông tin thời gian: Tin fake có những mốc thời gian rất vô lý, thậm chí được sửa đổi hết sức trắng trợn.
7. Kiểm tra lại thông tin bằng chứng: Kiểm tra nguồn tin của tác giả về độ chính xác. Nếu thiếu bằng chứng, đó nhiều khả năng là tin fake.
8. Kiểm tra các trang tin chính thống: Nếu không có bất kỳ trang tin nào đăng tải, đó là dấu hiệu cho thấy đó là tin fake.
9. Xem lại tính chất nguồn tin: Đôi khi, người đọc có thể nhầm lẫn giữa một tin fake và một bài viết mang tính chất bông đùa. Hãy kiểm tra lại nguồn đăng tin.
10. Một số bài viết hết sức chặt chẽ, nhưng cố tình bóp méo sự thật. Cần phải có tư duy phản biện tốt để nhận biết tính khách quan và đáng tin cậy của bài viết, và hay share một cách có trách nhiệm.

Tham khảo: Telegraph, The Guardian