Sự hủy diệt loài người

Lê Tấn Tài



THẾ KỶ CHẾT CHÓC
Ngoài chiến tranh, con người đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa khôn lường với các dịch bệnh, thiên tai, phần lớn lại do chính con người tự gây ra.
Viện Quan sát Thế giới (World Watch Instituse) đã gọi thế kỷ 20 là Thế kỷ của Chết chóc, trong khi các nhà khoa học gọi thế kỷ 21 là thế kỷ của Đe dọa và Hiểm nguy. Theo thống kê của Viện nầy, những con số chết chóc xảy ra chỉ trong vòng 100 năm trở lại đây, và chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, số người thiệt mạng do thiên tai dịch họa lớn hơn rất nhiều các thế kỷ trước gộp lại:
Ước tính số người chết trong thế kỷ 20 gồm nhiều nguyên nhân là 4,13 tỉ người.
Số người tử vong do bệnh đậu mùa là 300 triệu người, bệnh cúm khoảng 100 triệu người, bệnh AIDS là 11,7 triệu người.
Số người chết do chiến tranh, diệt chủng, bạo lực và nạn đói là 188 triệu người.
Số người chết do hút thuốc lá là 90 triệu người.
Số người chết do thiên tai là 3,5 triệu người.
Số người chết do các vụ án mạng là 8,5 triệu người.

NỀN VĂN MINH BỊ HỦY DIỆT
Giáo sư Martin Rees tại ĐH Cambridge là nhà Thiên văn học nổi tiếng người Anh, đồng thời cũng là một trong số những nhà vũ trụ học hàng đầu thế giới đã phỏng đoán nền văn minh của chúng ta chỉ có 50% “cơ may sống sót” qua thế kỷ 21 trong cuốn sách của ông xuất bản vào năm 2003, có tựa đề “Our Final Hour” (Thời khắc cuối cùng của chúng ta).
15 năm sau, giáo sư tái khẳng định các mối đe dọa nhân loại trong cuốn “On the Future: Prospects for Humanity” (Về tương lai: Triển vọng cho nhân loại) xuất bản năm 2018. Ông viết rằng: “Những lựa chọn của chúng ta đưa ra ngày hôm nay, và trong vài thập kỷ tới, có thể định đoạt sự sống trên Trái Đất”. Ông lo sợ trong một tương lai gần, sự phát triển công nghệ cao khiến cho chỉ một vài người cũng có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp trên quy mô toàn cầu. Đó có thể là công nghệ gene với khả năng biến đổi hệ gene của bất kỳ cá thể sống nào, là những mã độc được cài vào mạng máy tính khắp thế giới, hay các nhà nghiên cứu sinh học có thể phát tán một loại virus chết người gây ra đại dịch toàn cầu, và cũng có thể một vài nhà vật lý học sẽ tạo ra một lỗ đen bằng cách ép các electron vào proton và vật chất bị nén tới mức tạo ra một vụ sụp đổ.

THỜI KỲ ĐẠI TUYỆT CHỦNG THỨ 6
Đời sống con người có chu kỳ Sinh - Lão - Bệnh - Tử, vũ trụ có chu kỳ Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Khi mọi thứ bắt đầu rệu rã, tức là bắt đầu chu kỳ hủy diệt.
Daniel Rothman, Giáo sư Địa Vật lý thuộc Bộ Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Hành tinh, đồng Giám đốc Trung tâm Lorenz của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nghiên cứu về những thay đổi đáng kể chu kỳ carbon trong 540 triệu năm qua, bao gồm 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt gần nhất. Ông xác định "ngưỡng cửa thảm họa" trong chu kỳ carbon nếu vượt quá mức sẽ dẫn đến môi trường Trái Đất rối loạn và tiến tới sự hủy diệt hàng loạt. Daniel Rothman đã tiên đoán rằng sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của Trái Đất có thể bắt đầu vào năm 2100. Ông phát hiện “mỗi sự kiện Đại Hủy diệt đều có lượng carbon toàn cầu tăng cao. Điều đó dẫn đến một hệ sinh thái không ổn định”.
[Cuộc tuyệt chủng thứ 1 (Ordovic - Silur: khoảng 450 triệu năm về trước) tiêu diệt 17% số họ, 50% số chi, 85% loài cá và 60% các loài sinh vật bị tiêu diệt.
Cuộc tuyệt chủng thứ 2 (Devon: khoảng 360 triệu năm về trước), các sinh vật biển là nạn nhân chủ yếu: những rạn san hô - ngôi nhà của sinh vật biển chết hàng loạt kéo theo sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Ước tính có khoảng 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài đã bị tuyệt diệt.
Cuộc tuyệt chủng thứ 3 (Permi - Trias: 250 triệu năm về trước) có đến hơn 90% sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn đã bị xóa sổ hoàn toàn, nhiều loài động vật có xương sống trong đại dương và bò sát biển đã biến mất. Các động vật không xương như ngành tay cuốn, ngành thân mềm, lớp lưỡng cư và đặc biệt là bò sát phụ lớp thằn lằn cổ (trừ khủng long) ở đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cuộc tuyệt chủng thứ 4 (Trias - Jura: khoảng 200 triệu năm về trước) loại bỏ nhiều loài động vật lớn trên Trái đất, tạo điều kiện cho khủng long thống trị hành tinh.
Cuộc tuyệt chủng thứ 5 (Creta - Paleogen: khoảng 65 triệu năm về trước) dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái Trái đất trên quy mô lớn. Khí hậu khô hơn, chuỗi thức ăn cũng bị phá vỡ, khủng long là loài động vật có xương sống bị ảnh hưởng đầu tiên khi môi trường thay đổi, sự đa dạng các loài giảm đáng kể, một số loài thực vật, động vật không xương sống cũng biến mất trên Trái đất.]

Tất cả các cuộc tuyệt chủng trong lịch sử đều do thiên nhiên gây ra, diễn ra có tính chu kỳ. Mỗi sự sụp đổ đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, tạo điều kiện phát triển cho nhiều sinh vật mới có sức sống mạnh mẽ. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là liệu cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 có xuất hiện? Và thực tế, nó đang có dấu hiệu manh nha bắt đầu… Lần này không phải do thiên nhiên, mà chính con người đang tiến hành cuộc “tự sát”. Sẽ không phải là núi lửa phun trào, thiên thạch va chạm, mực nước biển thay đổi đột ngột, mà là ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu… Tốc độ tuyệt chủng hiện nay nhanh gấp 4.000 lần thời kỳ khủng long, mọi tác động của con người đều để lại hậu quả nặng nề cho thiên nhiên, khó có thể phục hồi lại. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên mà không bảo tồn, gìn giữ đã làm mất dần đi sự sống của toàn bộ sinh giới, nếu tình hình vẫn tiếp tục tiếp diễn, chưa đầy một thế kỷ nữa, cuộc tuyệt chủng hàng loạt sẽ chính thức bắt đầu, con người rồi sẽ chịu chung số phận với những loài khủng long.
Tại hội nghị lần thứ 7 của nhóm nghiên cứu “Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái" (IPBES - Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services) họp ở Paris năm 2019, đã nêu một báo cáo về nguy cơ diệt vong nhanh chóng của các giống loài, mà nhiều người gọi là "cuộc Đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6". Sau 3 năm làm việc với sự tham gia của hơn 150 nhà nghiên cứu từ khoảng 50 quốc gia cùng các đóng góp của 250 chuyên gia khác trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, và kinh tế – xã hội, nhóm IPBES cho biết hiện có từ 500.000 đến 1 triệu/8 triệu giống loài sinh vật có nguy cơ bị diệt vong trong những thập niên tới đây. Hiện tại, khoảng 1/4 trong số 100.000 giống loại được nghiên cứu đang trên đường diệt vong do áp lực của việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, săn bắt, khai thác tài nguyên cạn kiệt, các hoạt động gây ô nhiễm nói chung…

THIÊN TAI
Khoa học phát triển vượt bậc, nhưng hoàn toàn bất lực trong việc khống chế các thảm họa đến từ thiên nhiên. Thiên tai trong những năm gần đây càng có chiều hướng gia tăng. Tiến sĩ Harley Benz (Cục Đo đạc Địa chất Hoa Kỳ) cho biết bão tố, núi lửa hay những thiên tai thời tiết khác có thể đôi khi được phát hiện sớm trước vài ngày bởi các thiết bị định vị, vệ tinh…, nhưng việc dự đoán động đất lại vô cùng khó khăn. Tính từ đầu thế kỷ 20 tới nay, đã có khoảng hơn 2 triệu người bỏ mạng vì động đất. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Động đất là thủ phạm chính của hơn 60% số người chết do thiên tai gây ra, kế tiếp là bão tố (22%) và khí hậu khắc nghiệt (11%). Vào cuối thế kỷ 20, Trung Quốc được xem là một trong những nơi xảy ra động đất khiến nhiều người chết nhất thế giới, trong đó trận động đất tại Đường Sơn (1976) gây thương vong lớn nhất thế kỷ 20 với 665.000 người thiệt mạng, xếp trên cả trận động đất ở Sumatra dẫn đến hiện tượng sóng thần dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương (2004) làm 226.408 người thiệt mạng. Kể từ đó, có khá nhiều vụ động đất lớn liên tiếp xảy ra như động đất tại Kashmir (Pakistan, 2005), tại Tứ Xuyên (Trung Quốc, 2008), Haiti năm 2010, động đất kèm sóng thần tại Nhật Bản năm 2011... và gần đây nhất là trận động đất mạnh nhất thế giới trong năm 2019 với cường độ 7,5 độ richte ở Peru.

BĂNG TAN
Tại phía bắc bán cầu, tốc độ tan băng nhanh hơn chúng ta tưởng tượng. Từ năm 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỉ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Lớp băng vĩnh cửu của Siberi hiện giờ đang là một quả bom nổ chậm. Nếu lớp băng nầy tan ra, nó sẽ thải khí metan và carbon hiện chứa trong đó, thế giới sẽ bị hủy hoại.
Tháng 2/2020, Nam Cực vừa trải qua những ngày nóng nhất lịch sử với nhiệt độ lên tới 18,3 độ C. Trong 50 năm qua, Nam Cực đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ là 3,0 độ C và khoảng 87% các sông băng ở Bờ Tây đã ‘’bị thu hẹp’’. Trong vòng 30 năm trở lại đây, lượng băng bị mất hằng năm ở Nam Cực đã tăng gấp 6 lần. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), sự tan chảy hàng loạt của khối băng ở Tây Nam Cực là nguyên nhân chủ yếu gây ra mực nước biển dâng cao trên Trái Đất. Hơn 100.000 năm trước, có một giai đoạn mà nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên bất thường, làm cho mức nước biển dâng cao hơn 9 m so với ngày nay. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng xu hướng tăng nhiệt độ hiện nay giống với giai đoạn Trái Đất ấm lên một cách tự nhiên trong thời kỳ cổ đại. Vì vậy mà những điều tương tự đã xảy ra trong quá khứ có thể sẽ lại tái diễn. Richard Allan - nhà khí hậu học Đại học Reading nói: “Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu hiện nay ngang bằng với nhiệt độ trong thời kỳ gian bằng gần nhất 125.000 năm là điều cực kỳ đáng lo ngại, bởi lẽ mực nước biển sẽ dâng cao thêm từ 6 - 9 m so với hiện tại.” (Gian băng là một thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái Đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực và xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà). Ông nói tiếp: “Tin tốt là mực nước biển sẽ dâng từ từ, vì vậy mà chúng ta có thời gian để thích nghi, nhưng tin xấu là cuối cùng thì tất cả các địa điểm và thành phố ven biển hiện nay sẽ biến mất”.

TRÁI ĐẤT BỊ TÀN PHÁ
Trong vòng 25 năm trở lại đây, con người đã tàn phá 1/10 vùng đất hoang sơ còn lại của Trái Đất và xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại hai vùng thiên nhiên lớn nhất thế giới là Alaska và Amazon.
Tại Alaska, một diện tích rộng lớn đã bị bào mòn bởi các hoạt động của con người kể từ đầu thế kỷ 20. Việc con người khai thác quá mức các mỏ vàng và mỏ đồng tại những vùng hoang sơ của Alaska đã bị tàn phá ghê khiếp, ước tính 55 con suối cùng hơn 5.300 mẫu đầm lầy, hồ, ao tại Alaska bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Rừng nguyên sinh Amazon - lá phổi của Trái Đất và là “tấm đệm” chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết như lốc xoáy và bão, nơi lọc bụi bặm hút khí CO2 và sản xuất khí O2 - trong vòng 20 năm qua đã bị mất 763.000 km2 rừng (một diện tích gấp đôi diện tích nước Đức). Ngoài ra, ước tính 1,2 triệu km2 rừng bị suy thoái bởi nạn chặt phá rừng và đốt rừng. Kết quả dẫn đến lượng mưa rừng giảm hẳn và mùa khô kéo dài, đây là một trong những yếu tố gây ra cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng... Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, Trái Đất phải hứng chịu 3 trận cháy rừng khủng khiếp. Vụ cháy rừng tại Australia bùng phát từ tháng 11/2019 đến đầu tháng 1/2020 đã thiêu rụi hơn 8 triệu ha đất và ước tính có khoảng 500 triệu động vật đã chết. Nếu so với đợt cháy rừng khủng khiếp hồi tháng 9/2019 tàn phá "lá phổi" Amazon (Brazil), số diện tích rừng bị cháy ở Australia rộng hơn gấp 7 lần, và gấp hơn 3 lần so với diện tích rừng bị thiêu trụi trong đợt cháy rừng năm 2018 ở bang California (Mỹ).

NGUỒN NƯỚC SẠCH SUY GIẢM
Con người chiếm tới 1/3 diện tích đất trên toàn thế giới và 75% nguồn nước ngọt để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nguyên liệu và may mặc quần áo. Trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa cũng tăng 100% đồng nghĩa với khoảng 100 triệu ha rừng bị chặt hạ. Phân hóa học, hóa chất ngấm vào đất, khiến 312.000 km2 diện tích đất bị trọc hóa. Khoảng 400 triệu tấn kim loại nặng đang hòa tan trong nước, chưa kể các hóa chất hữu cơ khác, được tạo ra bởi con người.
"Môi trường sống nước ngọt của chúng ta - bao gồm hồ, sông và vùng đất ngập nước - là nơi bị đe dọa nhất trong tất cả các môi trường sống toàn cầu của chúng ta. Chúng ta biết rằng quần thể các loài nước ngọt đã phải chịu sự suy giảm rất lớn kể từ năm 1970 - giảm trung bình 83%. Đó là một con số đáng kinh ngạc và thất vọng. Sông và suối của chúng ta là những động mạch màu xanh của thế giới. Nếu không có hệ sinh thái nước ngọt phát triển mạnh, hành tinh của chúng ta sẽ không tồn tại được." (theo WWF)

THỰC PHẨM CẠN KIỆT
Sự gia tăng dân số quá nhanh, kết quả dẫn tới nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất dần cạn kiệt. Vào thế kỷ thứ 1 DL, dân số thế giới khoảng 300 triệu người, bằng dân số nước Mỹ ngày nay. Đến giữa thế kỷ 13, dân số toàn thế giới nhích lên 400 triệu người và chỉ đạt nửa tỷ người vào đầu thế kỷ 16. Đến đầu thế kỷ 19, dân số thế giới gần 1 tỷ người và đầu thế kỷ 20 (năm 1927) đạt con số 2 tỷ. Và cho tới 2019, trong vòng chưa tới 100 năm, dân số thế giới đã tăng lên tới 7,7 tỷ người và dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050 (theo UN).
Dân số tăng, nhu cầu thực phẩm tăng. "Chúng ta đang đánh bắt quá mức các đại dương với tốc độ đáng báo động và bóp nghẹt mọi thứ bằng nhựa và các chất ô nhiễm khác. Nếu chúng ta muốn những vùng biển sẽ tiếp tục cung cấp thức ăn cho chúng ta, chúng ta cần phải ngăn chặn việc khai thác quá mức này, bảo vệ môi trường biển và phát triển việc đánh bắt cá bền vững." (Cam Hugh Fearnley - phó chủ tịch hội Fauna and Flora International)
"Mỗi năm, hàng triệu héc-ta rừng mưa nhiệt đới nguyên sơ bị mất đi để phục vụ cho việc nuôi bò, trồng đậu nành, lấy gỗ và dầu cọ. Những khu rừng là nơi lưu trữ một số lượng lớn carbon và là nhà của nhiều loài động vật hoang dã. Việc bảo vệ rừng vô cùng quan trọng để ngăn chặn biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt." (Jack Jack Harries, nhà hoạt động sản xuất phim và đại sứ WWF).
Sự bùng nổ dân số không chỉ dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, gây ra sự ô nhiễm không khí, thiếu nước và đất đai trồng trọt ở mức độ toàn cầu. Hơn 1 tỷ người sống ở mức nghèo đói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có hàng triệu trẻ em tử vong mỗi năm, phần lớn vì không có đủ thức ăn. Dân số gia tăng cũng kéo theo những bất ổn trong xã hội như nạn bạo lực, tội ác và dịch bệnh xuất hiện.

THỰC PHẨM NHIỂM ĐỘC
Thủy ngân - đặc biệt là methylmercury - là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua chuỗi thức ăn trong các hệ thống thủy sản. Chúng độc hại và “sống” bền bỉ rất lâu trong môi trường. Mức thủy ngân cao trong cơ thể người sẽ dẫn đến bệnh Minamata, nhẹ thì bị á khẩu, tứ chi run rẩy, mất khả năng thính giác, nặng có thể bị tê liệt, hôn mê và tử vong sau vài tuần phát bệnh.
Đầu thế kỷ 20, tập đoàn Chisso của Nhật Bản đã mở nhà máy hóa chất ở Minatama và xả thẳng nước thải chứa thủy ngân không qua xử lý ra vùng biển Nhật Bản, khiến nhiều loài động thực vật sống dưới biển bị nhiễm độc nặng. Ngư dân tại vùng biển đó ăn phải thủy sản nhiễm độc đã mắc một căn bệnh lạ gọi là bệnh Minatama (đặt theo tên thành phố đó). Kể từ đó, đã có thêm nhiều vụ thải ra chất độc chết người này như công ty Hóa chất Cát Lâm (Trung Quốc) từ năm 1958-1982 đã xả ra hơn 113 tấn thủy ngân và gần 5,5 tấn methylmercury xuống sông Tùng Hoa, và người dân địa phương cũng bị mắc các triệu chứng của bệnh Minamata. Năm 1998, Tập đoàn Nhựa Formosa (Đài Loan) đã đổ khoảng 5.000 tấn chất thải (trong đó có thủy ngân) ở thị trấn nghỉ mát Sihanoukville (Campuchia). Điều tra cho thấy, nồng độ thủy ngân của khối chất thải vượt quá 20.000 lần giới hạn an toàn cho phép, các chỉ số dioxin và PCB đều ở mức nguy hiểm.
Những vụ bê bối trong ngành công nghiệp thực phẩm xảy ra ngày càng thường xuyên trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc khiến quốc gia này được coi là nơi phát sinh nhiều căn bệnh lạ.
Vụ bột sữa nhiễm độc hóa chất Melamine ở Trung Quốc (2008) đã gây rúng động thế giới, gần 53.000 trẻ em đã bị bệnh, hơn 12.800 trẻ phải nằm viện, và 4 trẻ bị chết, với nguyên nhân là sỏi thận, suy thận, suy dinh dưỡng..., mà còn khiến người dân của rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu các sản phẩm chứa sữa nhiễm bẩn từ Trung Quốc. Tháng 3/2011, hàng trăm người Trung Quốc mắc bệnh do tiêu thụ thịt lợn bị nhiễm clenbuterol, một hóa chất khiến lợn phát triển nhanh hơn đã gây ra những cơn run rẩy, buồn nôn và đau đầu ở người. Do gây nguy hiểm đến sức khỏe, clenbuterol đã bị cấm vào năm 2002, nhưng một số người chăn nuôi lợn tại Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng trái phép để kiếm lợi.
An toàn thực phẩm là vấn đề chính yếu hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn gây ngộ độc đã được báo động, nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người mà còn tiềm ẩn những nguy cơ rình rập lây lan các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm như bệnh bò điên, bệnh lở mồm long móng ở lợn, bệnh nhiễm khuẩn, bệnh do virus, ký sinh trùng... Thực phẩm giả như gạo giả, trứng giả, nước mắm giả… cùng các thực phẩm bẩn sử dụng các loại hóa chất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể gây nên các bệnh mãn tính không lây như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch…Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm bẩn hằng năm khiến 600 triệu người mắc bệnh và 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 125.000 trẻ em.

DỊCH BỆNH
Báo cáo của WHO cho biết có hàng triệu người chết mỗi năm vì các căn bệnh như lao, sốt rét và dịch tả. Các bệnh như dịch hạch, đậu mùa và cúm từng phát tác dịch bệnh giết chết hàng chục triệu người trong quá khứ, hiện nay vẫn chờ bùng phát do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tốc độ thương mại hóa toàn cầu cùng ngành du lịch phát triển như vũ bão, đường hàng không mở rộng càng làm gia tăng mối lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh khắp hành tinh một cách nhanh chóng. Dù nền y dược đã tìm ra cách chữa trị nhiều loại bệnh nhưng vẫn còn những căn bệnh chưa có thuốc chữa như dịch Ebola, SARS, HIV/AIDS, Cúm A … và hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với dịch COVID-19.
Kháng kháng sinh (AMR) đã gây lo ngại việc phòng ngừa và điều trị. Các vi khuẩn, ký sinh trùng, virus và nấm đã lờn với các loại thuốc thông thường được sử dụng để tiêu diệt chúng. Việc nầy sẽ trở lại thời kỳ mà chúng ta không thể dễ dàng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao, lậu…
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã yêu cầu các bệnh viện nên cố gắng tìm cách chống lại “siêu vi khuẩn”, một loại vi khuẩn có sức chống cự lại thuốc kháng sinh. Trên thực tế, nhiễm trùng gây ra bởi các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc là một trong những yếu tố chính đưa đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. CDC ước tính rằng, tại Hoa Kỳ, hơn 2 triệu người mỗi năm bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng kháng kháng sinh, với ít nhất 23.000 người chết vì nhiễm trùng.
Một trong số những nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc là do vi khuẩn thường thay đổi hình dáng, và sự đột biến đó làm cho thuốc kháng sinh không còn tác dụng.

NIỀM TIN TƯƠNG LAI
Con người hiện nay đặt niềm tin trọn vẹn vào khoa học, vào đời sống vật chất do con người tạo ra. Từ đó con người muốn chi phối, cải tạo cả thiên nhiên, chạy theo lối sống thực dụng, chú trọng sự tiêu dùng vật chất, xem đó là cái duy nhất trong cuộc sống của con người, cần phải đạt đến bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Lối sống thực dụng nầy làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp, trước mắt, bất kể hậu quả như thế nào.
Trái đất hiện đang đối diện việc khí hậu nóng lên toàn cầu, cùng với nạn phá rừng, đắp đập ngăn sông, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa chất độc hại tràn lan. Loài người đang phải đối mặt với thảm họa cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều bệnh tật mới xuất hiện, thiên tai ngày càng nhiều và nặng nề.
Thảm họa hiện đang diễn ra và sẽ diễn ra nhanh chóng trong những ngày sắp tới, không kể các cuộc chiến tranh hủy diệt hàng loạt đang chực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Trong lịch sử nhân loại, chưa khi nào tình trạng đạo đức suy đòi như hiện nay. Để đạt một cuộc sống vật chất sung mãn, con người lao vào vòng xoáy hủy hoại mọi thứ xung quanh mình, bất chấp các vấn đề về môi trường, xã hội và nhân đạo, bất chấp phẩm giá con người…
Có lẻ không còn kịp cứu vãn thế giới, tuy nhiên thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, thái độ sống là điều hết sức quan trọng trong lúc nầy. Sự yêu thương giữa con người với con người, con người với loài vật, con người với thiên nhiên và hướng về sự hoàn thiện bản thân của chính mình là bước đầu tiên để chuyển đổi hướng đi, ít ra cũng tạo được sự an bình tối thiểu cho nhân loại.

Lê Tấn Tài
(Tài liệu than khảo: Internet)