Nguyễn Vạn Lý

Ba Chị Em Nhà Họ Tống


Chương 18
Sự Chia Rẽ Trong Nhà Họ Tống


Sự nghiệp chính trị của Tống Mỹ Linh lên đến tột đỉnh tại hội nghị thượng đỉnh Cairo, thủ đô Ai Cập năm 1943, cùng với thủ tướng Anh Churchill và tổng thống Mỹ Roosevelt. Và cũng từ hội nghị này, số phận của Tưởng Giới Thạch bắt đầu đi xuống. Churchill không bao giờ có thiện cảm và tin vào tài năng của Tưởng Giới Thạch, và không bằng lòng họp thượng đỉnh với Tưởng, nhưng vì tổng thống Mỹ Roosevelt nhấn mạnh phải có Tưởng nên Churchill phải nhượng bộ. Sau khi đổ quá nhiều tiền vào Trung hoa, Roosevelt muốn thế giới nhìn Tưởng Giới Thạch như là một chính khách lớn, lãnh đạo một trong tứ cường. Chính tại hội nghị Cairo, Roosevelt hứa sẽ mở rộng những mặt trận mới, tấn công quân Nhật tại Miến Điện và vịnh Bengal của Ấn độ, để giải tỏa áp lực của quân Nhật tại Trung hoa.
Sau hội nghị Cairo, Roosevelt và Churchill họp với Stalin tại thủ đô Ba Tự Tại đây Roosevelt được khuyến cáo bỏ những dự tính lớn tại Á Châu, để tập trung nỗ lực vào cuộc đổ bộ của đồng minh tại Âu Châu. Khi biết được sự thay đổi về quân sự này của Roosevelt, Tưởng rất giận dữ, ra lệnh cho đại sứ Trung hoa yêu cầu Mỹ phải cho vay một tỷ đô la để có thể tiếp tục công cuộc chống Nhật của Trung hoa. Lúc đó Tống Tử Văn đã vừa vay được 500 triệu, và sẽ vay được của Anh 500 triệu nữa. Nhưng Tưởng muốn Mỹ phải gia tăng gấp đôi số tiền cho vay.
Lúc đó quân đội cộng sản chưa đủ sức đương đầu với quân Quốc dân đảng. Nửa triệu quân của Tưởng bao vây hồng quân tại miền nam, nhưng hồng quân đã tẩu thoát được lên miền bắc. Về sau mặt trận miền nam giữa quân Nhật và quân Quốc dân đảng yên tĩnh hơn. Tưởng cẩn thận lùi xa, tránh giao chiến với quân Nhật. Tưởng muốn bảo tồn sức mạnh cho mục tiêu quan trọng hơn sau này: tiêu diệt cộng sản sau khi quân Nhật đã bị đồng minh đánh bại. Chỉ có đạo quân Quốc dân đảng dưới quyền chỉ huy của tướng Stilwell tại Miến Điện là chiến đấu xuất sắc nhất.
Trong khu vực dưới quyền kiểm soát của Tưởng thì tình trạng tồi tệ rất mau lẹ. Tiền bạc mất giá. Hàng hóa đắt đỏ đến nỗi chỉ những viên chức và sĩ quan mới mua nổi. Tưởng ủng hộ chính sách định giá để tránh lạm phát, nhưng các thương gia và kỹ nghệ gia lập tức dấu hàng hóa để chờ lúc có giá mới bán. Từ đó nạn thiếu thực phẩm trở nên trầm trọng, và nạn đói gia tăng. Nhiều người trước kia nồng nhiệt ủng hộ Quốc dân đảng, bây giờ căm phẫn và chống lại sự bất lực của Quốc dân đảng. Nhiều người chống đối đã trở thành nạn nhân của mật vụ. Những kẻ dám công khai chỉ trích chính phủ thì thường bị bắt giữ, tra tấn, chặt đầu hoặc bị bỏ chết đói, hoặc trở thành người nghiện thuốc phiện trong các trại giam của Thái Lý.
Tưởng càng lúc càng thêm độc tài, và tước đoạt dần quyền hành của gia đình nhà họ Tống, và giao quyền hành của nhà họ Tống cho anh em Trần Quả Phụ Mối liên hệ giữa Tưởng và nhóm anh chị Lục Hội cũng chặt chẽ hơn, so với gia đình nhà họ Tống. Tưởng cần phải củng cố địa vị của mình. Tuy vậy ảnh hưởng của nhà họ Tống không suy yếu ngaỵ Họ vẫn giữ vững được địa vị và tài sản hiện đang có, tuy nhiên anh em nhà họ Trần đang vượt qua mặt nhà họ Tống về quyền lực và tiền bạc. Chủ trương tự do dân chủ của nhà họ Tống bây giờ bị bãi bỏ. Vì Tưởng dựa vào anh em nhà họ Trần và Thái Lý, nên Tưởng nghiêng về đường lối cai trị sắt máu. Tưởng rất được sự ủng hộ của Harry Hopkins, cố vấn chính trị của tổng thống Roosevelt. Nhưng Tưởng rất thù ghét tướng Stilwell, tư lệnh quân đồng minh tại Miến Điện, và đã tìm cách vận động tổng thống Roosevelt thay thế Stilwell.
Tháng 4-1945, mười lăm sư đoàn Nhật mở cuộc tấn công mới, và 300 ngàn quân Quốc dân đảng tan rã mau lẹ. Đôi khi chỉ cần 500 quân Nhật cũng đủ đuổi hàng ngàn quân Quốc dân đảng chạy bán sống bán chết. Các tướng tư lệnh Quốc dân đảng dùng xe vận tải chở gia đình và tài sản chạy sâu vào nội địa. Nhiều ông tướng Quốc dân đảng bán các đồ viện trợ của Mỹ cho quân Nhật, hoặc bán ra thị trường chợ đen. Chỉ tội nghiệp các binh sĩ cấp dưới phải chiến đấu rất thiếu phương tiện, và bị bắt buộc làm bia cho súng đạn của quân Nhật một cách đáng thương. Chính sách của Hoa Kỳ tại Trung hoa trong nhiều năm đã đặt căn bản trên những nhân vật của dòng họ Tưởng, họ Tống, họ Khổng và họ Trần, chứ không căn cứ vào hoàn cảnh thực sự của dân và nước Trung hoa.
Gia đình nhà họ Tống là những người rất ham mê tiền bạc, và có tài thu hút được tiền bạc vào tay họ. Khi Tống Tử Văn thăm viếng Hoa Kỳ, ông thành lập công ty Universal Trading Corporation do người Trung hoa điều khiển, và đã du di rất nhiều tiền viện trợ Mỹ vào các trương mục của công ty này. Các tổ chức kinh tài của nhà họ Tống được điều hành rất chặt chẽ và tàn ác. Nếu ai đi chệch đường lối thì hoặc sẽ được mua chuộc cho trở lại, hoặc bị thủ tiêu ngaỵ Bộ Óc chính của nhà họ Tống là Tống Ái Linh, một người đàn bà rất thông minh nhưng tàn ác. Ái Linh ngồi phía sau điều khiển tất cả mọi dịch vụ của gia đình. Tống Tử Văn là người điều khiển mặt nổi.
Có lần một tàu hàng chở 60 chiến xa mới của Mỹ cho quân Quốc dân đảng, được báo cáo bị chìm. Nhưng thực ra thì chiếc tàu chở hàng này chưa bao giờ ra khơi, và 60 chiến xa cũng chưa bao giờ được chế tạo, nhưng số tiền trả cho 60 chiến xa ấy đã tìm đường chạy vào túi nhà họ Tống. Theo đại sứ Hồ Thích của Trung hoa tại Hoa Kỳ thì một vài tổ chức tư nhân của Mỹ mời bà Khánh Linh viếng thăm Hoa Kỳ, nhưng bà được nhà họ Tống nói thẳng cho biết bà sẽ không bao giờ được phép xuất ngoại. Chính những người nhà họ Tống đã tìm cách ngăn chặn, giữ bà Khánh Linh ở lại Trùng Khánh như một tù nhân. Chính bà Khánh Linh đã cho biết bà rất sợ "đám cướp nhà họ Tống" sẽ giết bà, vì sợ bà phanh phui những thủ đoạn bòn rút tiền viện trợ của những người trong nhà họ Tống.
Thoạt đầu chỉ có bà Khánh Linh đứng tách hẳn những người khác trong gia đình họ Tống, vì bà không chịu nổi lòng ham tiền bạc và say mê quyền lực của họ. Nhưng về sau đã có sự bất hoà giữa Ái Linh, Mỹ Linh và Tống Tử Văn, vì Tống Tử Văn tỏ ra quá độc lập và thường lấy phần hơn về cho mình. Tống Tử Văn đã làm Tưởng tức giận và vợ chồng Khổng Tường Hy phải cảnh giác đề phòng. Sự hục hặc giữa những người trong nhà họ Tống bắt đầu vào tháng 11-1943, và tất cả đề nghị một cuộc gặp gỡ hòa giải vào tháng 12. Nhưng trong lần hòa giải này, Tưởng đã nổi nóng và liệng một tách trà vào đầu Tống Tử Văn, và cuộc hòa giải tan vỡ.
Không phải chỉ mình Ái Linh và Mỹ Linh nghĩ rằng không thể kiểm soát được Tống Tử Văn, mà chính anh em Trần Quả Phu và Tưởng cũng cố gắng chuyển tiền viện trợ Mỹ từ tay Tống Tử Văn vào sự kiểm soát của Khổng Tường Hỵ Nhưng Tống Tử Văn không dễ dàng gì đầu hàng. Tống Tử Văn lập tức đặt các tổ chức kinh tài hải ngoại của mình ra ngoài tầm tay của Tưởng. Ngay sau màn bị ném tách trà vào đầu tại Trùng Khánh, Tống Tử Văn phái em trai là Tống Tử Lương sang Hoa Kỳ trông coi việc dùng tiền viện trợ để mua bán những thứ cần dùng gửi về Trung hoa. Trong thời kỳ này, nhiều kho hàng của Trung hoa tại Hoa Kỳ bị khai báo có hỏa hoạn hoặc bị phá hoại, và rất nhiều hàng hóa được khai là thất lạc, trong khi đó thì người lính tại Trung hoa phải chiến đấu thiếu thốn đủ mọi thứ. Các cuộc hỏa hoạn ma đã giúp nhà họ Tống thu hút được cả tỷ đô la tiền viện trợ của Mỹ. Kỹ thuật ăn cắp này cũng thường xảy ra tại Trung hoa nữa. Một ông tướng điều khiển ngành chuyển vận có biệt tài làm cho hàng trăm xe vận tải chứa đầy hàng hóa biến mất.
Viên giám đốc hãng Chuyên Chở Tây Nam có 600 xe vận tải chở hàng cho quân đội cũng chính là Tống Tử Lương. Chỉ sau khi tới Trung hoa chừng hai tiếng đồng hồ thì những hàng hóa viện trợ Mỹ xuất hiện ngay tại chợ trời. Tổng cộng khoảng 3.5 tỷ đô la viện trợ Mỹ đã đi qua bàn tay của anh em Tống Tử Văn và Tống Tử Lương. Rất ít hàng hóa viện trợ tới được nơi nhận. Một nhân viên ngoại giao Anh quốc nhận xét, "Anh em nhà họ Tống đã bỏ túi hàng tỷ đô la viện trợ Mỹ, và phần lớn số tiền này không bao giờ đi ra ngoài Hoa Kỳ."
Khi chuyển địa bàn hoạt động của Tống Tử Lương từ Trung hoa sang Hoa Kỳ, Tống Tử Văn đã đặt em mình ra ngoài phạm vi quyền hạn của Tưởng Giới Thạch, anh em nhà họ Trần và trùm mật vụ Thái Lý, và cả bà chị Ái Linh nữa. Tống Tử Văn thuyết phục anh em Trần Quả Phu rằng họ nên đề phòng vợ chồng Khổng Tường Hy, chứ không cần phải lo ngại mình. Thực ra anh em Trần Quả Phu vốn đã ghét và sợ Ái Linh từ lâu rồi. Ngay Khánh Linh cũng đã nói về bà chị của mình, "Nếu ÁI Linh là đàn ông thì Tưởng Giới Thạch đã bị giết rồi, và chính Ái Linh đã cai trị Trung hoa từ 15 năm về trước."
Mỹ Linh không có khả năng như bà chị cả, và có vẻ thất bại trong cuộc tranh chấp quyền hành với con trai của chồng. Kể từ lúc Mỹ Linh ở Hoa Kỳ trở về Trùng Khánh, tình chồng vợ giữa Tưởng và Mỹ Linh cũng chẳng tốt đẹp hơn trước. Nhưng Mỹ Linh không dễ dàng đầu hàng hoàn cảnh. Mỹ Linh bây giờ tuy vẫn còn đẹp, nhưng bà có vẻ mệt mỏi và buồn bã. Tuy vậy lòng kiêu hãnh của bà khiến bà vẫn giữ được bề ngoài là một bậc nữ lưu quyền cao chức trọng. Bà cho rằng đời sống phải là giữ vững được lý tưởng và tinh thần hài hước để có thể đương đầu với hoàn cảnh. Trong lúc dự hội nghị Cairo, Mỹ Linh bị ngất xỉu. Có lẽ bà là một diễn viên cố gắng đóng trò tới tối đa khả năng của mình chăng. Bác sĩ riêng của thủ tướng Churchill săn sóc cho Mỹ Linh, và ông ta có nhận xét, "Bà Tống Mỹ Linh không còn trẻ nữa, nhưng ở bà vẫn còn một vẻ xuất chúng, vẫn còn một sự duyên dáng của một xác chết."
Khi từ Cairo trở về Trùng Khánh, Mỹ Linh dời đến ở với Ái Linh, chứ không ở chung với Tưởng nữa, và cố tránh né những cuộc ra mắt trước công chúng. Thỉnh thoảng người ta mới thấy bà đứng bên cạnh chồng, nhưng hai người có vẻ lạnh lùng với nhau. Bà có bệnh về da nên cố tránh các nhiếp ảnh gia. Và kể từ đây quyền lực nhà họ Tống bắt đầu đi xuống. Vợ chồng Khổng Tường Hy và Mỹ Linh bị mọi phía công kích. Người ta cho rằng hôn nhân giữa Tưởng và Mỹ Linh là vì lý do chính trị, và Tưởng loại Mỹ Linh khi không còn cần đến bà nữa. Mỹ Linh sửa soạn cho một chuyến đi nghỉ hè lâu dài tại ngoại quốc.
Tháng 6-1944, Khổng Tường Hy bị cách chức bộ trưởng tài chánh, và Mỹ Linh rời Trung hoa sang Ba Tây, Nam Mỹ. Lần đầu tiên Ái Linh cùng xuất ngoại với em gái và các con. Người ta đồn đãi Ái Linh bị loại trong một cuộc tranh chấp quyền lực. Mỹ Linh tới Ba Tây để chữa bệnh, trong lúc Ái Linh thương thảo với các lãnh tụ Ba Tây để chuyển các trương mục và mua một số tài sản và doanh thương tại Sao Paulo, thủ đô Ba Tây. Gia đình nhà họ Tống trải tài sản khắp Nam Mỹ, đầu tư vào các kỹ nghệ dầu hỏa, khoáng sản và hàng hải, và thị trường chứng khoán. Đến tháng 9-1944, hai chị em Ái Linh và Mỹ Linh bay về New York, và đến tháng 10 thì dọn vào ở dinh thự của họ Khổng tại Riverdale.
Tháng 11-1944, tờ Daily Mail tại Luân Đôn loan tin Mỹ Linh từ bỏ chồng và sống vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Tưởng và Mỹ Linh sẽ không ly dị nhau, sợ có hại cho tinh thần quân dân Trung hoa, nhưng Trần Khiết Như, người vợ cũ của Tưởng, cùng đứa con mới sinh đã dọn vào dinh tổng thống ở với Tưởng. Hai người con khác của Tưởng là Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vĩ Quốc đang hoạt động tích cực trong quân đội Quốc dân đảng. Mỹ Linh ở lại Hoa Kỳ cho tới tháng 7-1945 mới trở lại Trùng Khánh.
Khoảng cuối năm 1943, các tướng trẻ của Trung hoa, những người tiến lên nắm các chức tư lệnh bằng chiến công trong thời chiến, quyết định rằng nếu muốn cứu vãn Trung hoa thì cần phải loại bỏ Tưởng Giới Thạch và bè lũ tham nhũng của Tưởng ngay tức khắc. Các tướng này bày tỏ quan điểm với tướng Mỹ Timberman, người phụ trách huấn luyện cho quân đội Quốc dân đảng tại miền đông, và yêu cầu ông tìm sự hỗ trợ của người Mỹ trong việc loại bỏ Tưởng và phe nhóm của Tưởng. Người Mỹ chính thức từ chối, nhưng cơ quan OSS âm thầm trợ giúp các tướng trẻ, và sửa soạn một cuộc đảo chánh. Cuộc đảo chánh dự định vào dịp kỷ nhiệm ngày Tưởng bị bắt cóc tại Tây An, trong lúc Tưởng đi Cairo Ai Cập dự hội nghị thượng đỉnh với Roosevelt và Churchill. Tưởng sẽ phải chấp nhận một sự việc đã rồi.
Tuy nhiên Thái Lý biết được âm mưu đảo chánh Tưởng, và trưng bằng cớ chứng minh những người trong chính gia đình nhà họ Tống tổ chức và tham gia cuộc đảo chánh. Không biết điều Thái Lý nói có đúng sự thực hay không, nhưng đây là một cơ hội tốt cho Thái Lý và anh em Trần Quả Phu ra tay triệt hạ gia đình họ Tống. Tuy nhiên Tống Tử Văn vẫn thoát hiểm, và vẫn giữ được quyền lực của mình. Với sự đồng ý của Tưởng, Thái Lý bắt giữ hơn 600 sĩ quan, và ngày Tưởng từ Cairo trở về thì 16 tướng trẻ và có khả năng nhất bị đem xử tử. Ngay sau đó Tưởng phục hồi chức vụ cho Tống Tử Văn, và ra lệnh cho Khổng Tường Hy phải đem vợ con ra khỏi Trung hoa.
Vợ chồng Ái Linh thua cuộc trong khi Tống Tử Văn không hề hấn gì, có lẽ vì Tống Tử Văn đi theo Thái Lý và anh em Trần Quả Phụ Cuối năm 1944, Tống Tử Văn lại nắm chức quyền thủ tướng, và vẫn kiêm nhiệm chức bộ trưởng ngoại giao. Sáu tháng sau, Tống Tử Văn được cử làm thủ tướng, kiêm nhiệm bộ trưởng ngoại giao, và còn được giao thêm chức bộ trưởng tài chánh của Khổng Tường Hỵ Tống Tử Văn trở thành một người mạnh nhất Trung hoa, ít nhất là trên giấy tờ.
Đây là giai đoạn đi xuống của gia đình nhà họ Tống, khi anh chị em chia rẽ nhau vì quyền lợi. Kể từ năm 1944, trừ Khánh Linh, mọi người trong nhà họ Tống nỗ lực xây dựng tài sản của họ tại Hoa Kỳ nhiều hơn là tại Trung hoa. Tài sản nhà họ Tống lên đến trên ba tỷ đô lạ Theo Bách Khoa Tự Điển của Anh Quốc thì Tống Tử Văn được coi là người giầu có nhất thế giới.