Nguyên Hùng
Bảy viễn thủ lĩnh Bình xuyên


Phần 10


Lót tay mua lọng

Nghe lời Huỳnh Ðại, Bảy Viễn tìm cách liên hệ với Cựu hoàng Bảo Ðại.
Nguyên tắc xử thế vẫn là đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nhưng "lót tay" không phải là chuyện dễ. Phải "điều tra kỹ đối tượng. Cách ngôn Pháp đã dạy: Cách cho đáng giá hơn của cho."
Hối lộ Quốc trưởng đâu phải dễ !
Bảy Viễn ra lệnh Năm Tài lập hồ sơ về Cựu hoàng.

Vua Khải Ðịnh băng hà Vĩnh Thụy lên ngôi năm 1925 khi còn du học ở Pháp, đến năm 1932 mới hồi loan chấp chính. Khi làm vua, Bảo Ðại chỉ thích săn bắn và quyền hành giao cho Phạm Quỳnh , một nhân vật thân Pháp. Tháng 8.1945, Việt Minh giành chính quyền, Bảo Ðại giao nạp ấn kiếm cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu
Với lời tuyên bố để đời: "Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ " .
Chủ tịch Hồ Chí Minh phong công dân Vĩnh Thụy chức Cố vấn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng rời ngôi báu vẫn khao khát sống đời đế vương nên trong chế độ mới, Vĩnh Thụy sống không thoải mái. Khi cố vấn được phái sang Trung Quốc công tác ngoại giao, Vĩnh Thụy rời Hà Nội và bay thẳng sang Hồng Hông.
Vĩnh Thụy từ bỏ chức cố vấn để lấy chức mới là Cựu hoàng Bảo Ðại . Cựu hoàng ăn chơi và chờ thời.
Phe háo chiến lần lượt thất bại trong chủ trương tốc chiến. Ðô đốc D argenlieu bị thay, Bollaert lên cũng không đi tới đâu. Pháp nghĩ tới việc dùng lá bài Bảo Ðại. Cựu hoàng quen nếp sống vua chúa, lại cưới vợ là con đại điền chủ,
Công giáo dòng, có họ hàng với đám tư bản bổn xứ có thế lực ở miền Nam. Thế là bộ máy sử dụng Bảo Ðại bắt đầu hoạt động.
Ngày 7.12.1947, trên chiến hạm Duguay Trouin, giải pháp Bảo Ðại thành hình: Bollaert ký kết với Bảo Ðại một thỏa ước theo đó Pháp sẽ trao trả quyền độc lập cho Việt Nam dưới quyền Quốc trưởng Bảo Ðại.
Ngày 26.3.1948 Bảo Ðại đồng ý thành lập Chính phủ trung ương lâm thời do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Hai tháng sau, ngày 25.5.48, Thủ tướng Xuân công bố thành phần nội các.
Ngày 5.6.1948, tại vịnh Hạ Long, Bảo Ðại và Cao ủy Bollaert ký kết hiệp ước chính thức công nhận Việt Nam là nước độc lập. Từ "độc lập" này trước đây Pháp không hề dùng trong các cuộc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp chỉ dùng chứ quốc gia tự do (état libre). Chuyện trớ trêu là sau khi "tranh giành
được độc lập, Cựu hoàng không về nước làm Quốc trưởng mà trở qua Pháp sống đời lưu vong. Với báo chí, Bảo Ðại tuyên bố chỉ về nước khi nào Nam Kỳ được chính thức giao trả lại cho Việt Nam.
Chính phủ Pháp thấy Bollaert làm không ra trò, bèn đưa Pignon lên thay để ve vãn Bảo Ðại (tháng 10.1948). Bốn tháng sau, Tổng thống Vincent Auriol ký với Bảo Ðại hiệp ước 8.3.1949, bấy giờ Bảo Ðại mới chịu về Việt Nam. Cựu hoàng chọn Ðà Lạt làm nơi đặt văn phòng Quốc trưởng.

Ðọc xong lý lịch của Quốc trưởng Bảo Ðại, Bảy Viễn quyết định "lót tay" Quốc trưởng để có chiếu lọng che đầu, đề phòng bất trắc. Biết Bảo Ðại tin dùng bào đệ Vĩnh Cần, Bảy Viễn nhờ người tiếp xúc .
Qua trung gian này, Bảy Viễn ủng hộ Quốc trưởng 240.000 đồng mỗi tháng.
Có nhiều chuyện vui: Là Quốc trưởng như Bảo Ðại vẫn lãnh lương của Chính phủ Pháp - lương cao nhất bậc thang lương , nhưng bao nhiêu cũng không vừa với cách ăn chơi "ném tiền qua cửa sổ".
Món tiền ủng hộ của Bảy Viễn đưa tới thật đúng lúc. Như lời tiên đoán của Huỳnh Ðại, Bảo Ðại nghĩ cách đền bù xứng đáng cho Bảy Viễn.
Ngày 22.4.1952, khi tướng Bondis đề nghị phong tướng hai sao cho Bảy Viễn, Bảo Ðại ký ngay. Ðầu năm 1954, Bảo Ðại nhận Bảy Viễn làm bào đệ sau khi Bảy Viễn giúp 500.000 đô la Mỹ để Bảo Ðại chi cho các cô bồ trong đó có vũ nữ Jenny Ðong ở Hồng Kông.
Năm 1954 là năm ngôi sao tướng tinh Bảy Viễn sáng sủa nhất. Ðược làm bào đệ Cựu hoàng, Bảy Viễn khoái hơn chức Thiếu tướng hai sao.
Có cái lọng to nhất nước, Bảy Viễn và Huỳnh Ðại khai thác triệt để ngành ăn chơi ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ðại Thế Giới được mở mang rộng ra so với ngày mới thành lập.
Chủ trương của D argenlieu là mạnh tay mở các khu giải trí để lùa dân vùng Pháp chiếm , vùi đầu vô các sòng bạc khiến họ quên nghĩa vụ công dân tức tham gia kháng chiến.
Trường đua Phú Thọ được mở lại, hoạt động nhộn nhịp.
Ðại Thế Giới được báo chí Pháp ca ngợi hết lời: một thành phố trong thành phố (une ville danh la ville).
Ðại Thế Giới gồm nhiều gian hàng cờ bạc, hai rạp chiếu bóng, ba rạp hát cải lương, Tiểu Quảng, vũ trường. Ðại Thế Giới còn có ba chi nhánh khác: một ở đường Boresse (nay là Calmette), hai trong Chợ Lớn.
Thủ hiến Trần Văn Hữu không ký quyết định mở Ðại Thế Giới, nhưng Quốc trưởng Bảo Ðại ký, viện lẽ đây là cơ sở đã có từ thời Cao ủy D argenlieu, tới đời Bollaert còn được mở rộng thêm.
Bấy giờ Bảy Viễn mới thấy phục sư phụ Huỳnh Ðại.
Sau này Bảy Viễn còn cần tới cái lọng Quốc trưởng khi thời cuộc biến chuyển cực kỳ bất lợi cho Bình Xuyên.



Nghĩa đệ của Cựu hoàng

Bắt chước sư phụ Huỳnh Ðại, mỗi khi làm ăn lớn Bảy Viễn đều coi thầy bói. Lúc mới ra thành đầu Tây, trước thái độ lơ là của tướng De la Tour, Bảy Viễn hoang mang và nhờ Huỳnh Ðại giới thiệu một thầy Tàu chuyên lấy tử vi đoán tương lai. Thầy cả quyết tuổi Giáp Thìn (1904) của Bảy Viễn là số ba chìm bảy nổi, như rồng khi thăng khi giáng. Tuổi 44 là bước ngoặt quan trọng trong đời, những năm sau đó sẽ vượng lên về tiền bạc và về danh vọng. Ban đầu Bảy Viễn không tin vì mấy tháng nằm chờ thời, Bảy Viễn tưởng chừng đời mình sắp tàn đến nơi. Nhưng rồi tình hình sáng sủa ra: được phong Ðại tá, phụ trách an ninh Ðô thành, sau đó được giao giải tỏa lộ 15 Sài Gòn - Vũng Tàu. Tưởng vậy là ngon rồi, ai ngờ tháng 4.1952 lại được thăng Thiếu tướng, cuối năm 1953 được Bảo Ðại nhận làm bào đệ .
Bảy Viễn hỏi Huỳnh Ðại vì sao Cựu hoàng chọn Bảy Viễn làm bào đệ, Huỳnh Ðại cười hóm hỉnh:
- Chữ bào đệ báo chí dùng là sai . Theo chữ Hán - Việt, bào đệ là anh em ruột cùng một mẹ một cha. Ðúng ra trong trường hợp này phải gọi là nghĩa đệ, tức em kết nghĩa mới chính xác.
Bảy Viễn gật gù:
- Sư phụ nói đúng. Cựu hoàng nói tiếng Tây rành hơn tiếng Việt nên dùng sai chữ là dễ hiểu. Nhưng mình cứ thắc mắc sao lại chọn mình trong khi chung quanh ông ta thiếu gì bọn nịnh thần, đa số là trí thức ?
Huỳnh Ðại đầy tự tin:
- Chuyện này tế nhị lắm. Thoạt tiên mình nghĩ chú Bảy gửi phụ cấp hàng tháng 240.000 đồng rồi sau đó chi đẹp nửa triệu đô la để Cựu hoàng "lì xì" cho các bồ nhí. Nhưng về sau, mình eo nhiều tin mật - do các bạn mình sống bên cạnh Bảo Ðại - mình mới biết rõ thêm ông ta.
Bảy Viễn càng tò mò:
- Xin nói rõ ra cho mình biết.
Huỳnh Ðại giải thích:
- Pháp muốn lợi dụng Bảo Ðại để chống Việt Minh, Bảo Ðại quá biết điều đó và ông ta cũng tương kế tựu kế, lợi dụng Pháp để cải thiện đời sống lưu vong của mình. Cao ủy Pignon đặt hai chuyên viên bên cạnh Bảo Ðại. Cả hai đều đã từng sát cánh với Bảo Ðại. Nhưng Bảo Ðại lại yêu cầu Cao ủy Pignon rút hai người này đi vì ông ta không thích sự can thiệp của họ. Ðể tỏ ra mình không là bù nhìn của Pháp, Bảo Ðại nhất định không "đóng đô" ở Hà Nội dù Pháp dành cho ông ta lâu đài Puginier nơi là các Toàn quyền Pháp "ngự". Bảo Ðại cũng chê Sài Gòn vì Pháp không giao cho mình lâu đài Norodom là dinh Toàn quyền trước 1945. Ông không muốn làm nhân vật số hai.
Và Bảo Ðại chọn Ðà Lạt làm nơi thiết lập văn phòng Quốc trưởng. Tại thành phố nghỉ mát sang trọng này, Bảo Ðại mở các giải trí trường, vũ trường, sòng bạc như Hồng Kông và Ma cao. Chủ trương này cố nhiên gặp sự chống đối của Pháp: Một vị Quốc trưởng không thể là một "tay chơi quốc tế" như vậy. Dự án biến Ðà Lạt thành một casino quốc tế của Cựu hoàng bị Pháp ách lại. Vì vậy Cựu hoàng mới chọn Bảy Viễn là đồng minh để cùng khai thác Ðại Thế Giới. Hiểu chưa?
Bảy Viễn bây giờ mới sáng ra:
- Thì ra mình được Cựu hoàng chiếu cố là do chủ trương kinh tài khai thác máu đỏ đen của thiên hạ.
Huỳnh Ðại nói tiếp:
- Chưa hết đâu? Hồi nãy chú em nói sao Bảo Ðại không chọn trí thức làm đồng minh mà chọn dân giang hồ như chú. Sự thật là Ðảo Ðại đã chán chê các cha trí thức vô liêm sỉ. Ðời sống tại biệt điện Quốc trưởng như một tiểu triều đình, toàn nịnh thần ra vô "kiếm chác", nhất là Thủ hiến Trung phần Việt Nam Phan Văn Giáo. Cha này
tâu với Bảo Ðại: "Ðầu bếp của ngài có thể là người của Việt Minh. Nếu ngài không phản đối, tôi xin phép nếm trước các món ăn giúp ngài"
Bảy Viễn cười ngất:
- Thằng cha này nịnh quá cở , không chừa chỗ nào cho người khác nịnh. Rồi Bảo Ðại nghĩ sao?
- Phan Văn Giáo là người dắt gái cho Bảo Ðại giải trí tại biệt điện, đủ loại: Việt, Pháp, xẩm, lai, cả người Thượng nữa. Bảo Ðại trọng dụng Phan Văn Giáo nhưng thầm khinh một trí thức không có nhân cách. Rất nhiều Phan Văn Giáo quanh Bảo Ðại nên ông ta đâm sợ trí thức "mất dạy" kiểu Phan Văn Giáo. Và do vậy ông ta ngã về nhưng tay giang hồ mà có tư cách hơn.
Huỳnh Ðại kết luận:
- Chú đã chọn Bảo Ðại làm chiếc lọng che đầu thì cố tìm hiểu ông ta. Ai cũng khoái nịnh, nhưng phải nịnh cho có nghệ thuật. Nịnh thế nào mà người được nịnh thì không tự thấy xấu hổ.
Tóm lại Bảo Ðại là một con người phức tạp, cần theo dõi cẩn thận. Mình còn làm ăn dài dài với ông ta.



Chọn Tham Mưu Trưởng


Bảo Ðại mời một số chính khách lên biệt điện Ðà Lạt để tham khảo về việc chọn Tham mưu trưởng cho quân đội quốc gia Việt Nam.
Theo hiệp ước Bảo Ðại -Vincent Auriol, Pháp nhìn nhận Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền riêng, có quân đội riêng. Quân đội đã có rồi, còn chọn Tham mưu trưởng nữa thôi. Trong số các nhân vật được Quốc Trưởng đề cử chức này có Bảy Viễn. Tại khách sạn Langbian Palace là nơi các chính khách ngụ trong thời điểm này, thiên hạ kháo nhau về .
Bảy Viễn, một tướng cướp được Pháp tin dùng để lấy độc trị độc.
Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo là người đã kích Bảy Viễn mạnh hơn ai hết.
Không may cho ông là đã chê Bảy Viễn trước mặt Lai Văn Sang, đại diện Bảy Viễn lại cuộc họp này.
Lập tức Tư Sang điện cho Bảy Viễn biết dư luận về việc bầu chọn Tham mưu trưởng và đặc biệt là ý kiến bôi bác của Phan Văn Giáo.
Bảy Viễn đổ quạu, nhảy lên chiếc Jaguar - loại xe đua mới xuất xưởng, mô-đen mới tại Việt Nam. Ðường Sài Gòn - Ðà Lạt, từ Bao trở lên nhiều đèo cao chạy vòng vèo kế bên vực thẳm, lại nhiều khúc cua có am nhỏ thờ cô hồn những người tử nạn, vậy mà Bảy Viễn vẫn phóng chiếc Jaguar với tốc độ gần 100 cây số/giờ. Xe vừa tới khách sạn Langbian, Bảy Viễn nhảy xuống tìm Tư Sang:
- Thằng chó đẻ Phan Văn Giáo là thằng nào mà dám chê Bảy Viễn? -Vừa hỏi, Bảy Viễn thọc tay vào túi quần, nơi "con chó lửa" nằm chờ để khạc lửa.
Thủ hiến Phan Văn Giáo là thượng khách thường xuyên của khách sạn. Một tên bồi nhanh chân báo động, Phan Văn Giáo tức tốc lẻn ra đường gọi tắc-xi chạy lên biệt điện cầu cứu Bảo Ðại .
Chừng biết con mồi đã xổng, Bảy Viễn kéo Tư Sang lên xe phóng như bay đến biệt điện.
Tất nhiên Phan Văn Giáo trốn biệt. Và Bảo Ðại phải đứng ra dàn xếp.

Dù chết hụt, Phan Văn Giáo vẫn tiếp tục nói xấu Bảy Viễn với các chính khách xôi thịt trong cuộc họp:
- Không hiểu quý ngài nghĩ thế nào chứ riêng tôi thì vô cùng xấu hổ nếu một tướng cướp lại được chọn để giao chức Tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam. Nói tới Bảy Viễn là phải nói tới Ðại Thế Giới, giải trí trường lớn nhất Ðông Dương. Trước đây Pháp cho Lâm Giống người Ma Cao thầu khai thác. Ðể buộc Lâm Giống nhường Ðại Thế Giới cho mình, Bảy Viễn không ngần ngại cho lính Bình Xuyên ném lựu đạn vào sòng bạc Kim Chung làm thiệt mạng 60 người. Rồi còn bắt cóc những người trong ban giám đốc Ðại Thế Giới để làm tiền. Một nhân vật tai tiếng như thế hỏi sao có đủ tư cách để làm Tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam?
Trong lúc sôi nổi, Phan Văn Giáo thao thao kể tội Bảy Viễn:
- Các ngài có biết không, vừa nhận chức vụ cảm đầu công an cảnh sát Sài Gòn -Chợ Lớn, Bảy Viễn liền lập xóm Bình Khang - một nhà chứa khổng lồ hoạt động công khai, phục vụ cho binh sĩ .
Chuyện buồn cười là càng nói xấu Bảy Viễn bao nhiêu thì Phan Văn Giáo càng "hở sườn" bấy nhiêu. Dân miền Trung, nhất là người Huế và Ðà Lạt, đều không lạ gì thủ hiến gốc dược sĩ, làm giàu nhờ buôn chợ đen thuốc Tây. Phan Văn Giáo xu nịnh Bảo Ðại để củng cố thế lực của mình. Bảo Ðại có nhiều nịnh thần, nhưng Phan Văn Giáo là số một.
Trong khi đó, Bảy Viễn được Huỳnh Ðại môi giới liên kết với nhóm người Corse mà đứng đầu là chủ khách sạn Continental để tiến hành những phi vụ quốc tế.

Dân đảo Corse - Corse là một hòn đảo nằm ở phía Nam nước Pháp - là những con người thích đứng đầu sóng ngọn gió, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - đa số làm nghề buôn lậu, mở quán rượu và "thầy chú" gác khám.
Tay anh chị số một là Andréani, chủ quán rượu Croix du Sud (Ngôi sao Phương Nam) ở đầu đường Catinat, xéo khách sạn Majestic (Cửu Long).
Nơi đây là điểm hẹn của tất cả dân đảo Corse sống bằng nghề buôn lậu. Andréani đã từng thủ tiêu nhiều đối thủ, đa phần là người Tàu. Biện pháp bắt cóc đưa ra ngoại ô thủ tiêu lâu ngày đã bị công an khám phá, Andréam phải rút vào thế thủ.
Người phất cao ngọn cờ dân Corse là chủ nhân khách sạn Continental, tên là Franchini.
Công an nắm rất rõ lý lịch của Franchini: xuất thân là bồi phòng tàu viễn dương Marseille - Sài Gòn, anh ta siêng năng tự học và dần dần tìm được công việc làm trong Ngân hàng Ðông Dương, sau đó nhảy sang linh vực xuất nhập khẩu và trở thành một nhân vật tên tuổi trên thương trường Sài Gòn. Anh ta còn may mắn "cua" được con gái rượu của một ông Ðốc phủ sứ khi xuống miền Tây...



Liên kết thế lực mới


Dịp may hiếm có trong đời khi Franchini đang làm nhiệm vụ chào hàng (commis voyageur) cho một hãng lớn từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho thì được cô con gái ông Ðốc phủ chấm. Cô gái xin gia đình cho phép thành thân với Franchini, nhưng gia đình ông Ðốc phủ không muốn gả con cho Tây.
Tình yêu đôi lứa quá mãnh liệt, họ đưa nhau trốn đi để lập tổ uyên ương. Không thể để con gái cưng sống đời vô định, ông bà Ðốc phủ cho người đi tìm gọi về làm lễ cưới đàng hoàng, lại còn cho mấy trăm mẫu đất để làm ăn. Thế là anh chàng Tây đảo Corse trở thành điền chủ. Không may vợ anh ta mất trong khi sanh con so. Dù vậy ông Ðốc phủ vẫn xem Franehini như chàng rể và cho luôn số ruộng nói trên.
Dịp may thứ hai tới với Franchini: khách sạn Continental làm ăn thất bại, đăng báo bán. Không ai muốn sang vì ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, buôn bán lỗ lã triền miên. Franchini thấy đây là một địa điểm quá tốt vì khách sạn Continental nằm trên đường Catinat, kế bên nhà hát Tây ngay trung tâm Sài Gòn. Giá lại quá rẻ.
Anh ta vay tiền Hội Truyền giáo để mua lại, rồi xoay xở mượn tiền bạn bè trong tập đoàn người Corse đồng hương. Khách sạn Continental được sửa sang, tân trang thành khách sạn 5 sao, đồng thời trở thành Trung tâm báo chí quốc tế. Nhiều nhà báo, nhà văn cự phách như Lucien Bodard, Pierre Dareourt, Jean Lacouture, Philippe Deviner đã đến đây để săn tin chiến sự. Nhà văn Anh Graham Green cũng đóng đô ở đây để viết cuốn truyện nổi tiếng The quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Trở thành một tỷ phú chơi thân với báo giới trong và ngoài nước, Franchini cũng trở thành một nhân vật quan trọng trong chính trường Sài Gòn. Tuy nhiên ngành công an và cảnh sát vẫn không ngớt theo dõi Franchini. Họ không hài lòng với sự giải thích của anh ta: mở khách sạn không thể làm giàu nhanh chóng như thế được. Chỉ trong mười năm từ 1940 đến 1950, một anh chàng nghèo kiết trở thành một tỷ phú. Chắc chắn phải có những phi vụ bí mật nào đó. Dân Corse là chúa trùm buôn lậu. Thế là cảnh sát, công an cứ bám theo Franchini như đỉa đói. Nhưng hoài công. Không có một chút dấu vết gì chứng tỏ Franchini tham gia các tổ chức buôn lậu.
Một sự kiện cho thấy Franchini rất có thế lực: Một nhà báo tên Armorin từ Bordeaux sang, tới phỏng vấn chủ nhân khách sạn Continental. Ông ta vô đề xàng xả: "Bên Pháp có báo viết là ông làm giàu nhanh nhờ buôn tiền, đổi tiền với giá chợ đen, phải không?". Lạnh lùng, Franchini đứng dậy giáng cho anh ta một tát tai ngay mặt. Thế rồi đám em út lại nhào vô "bề hội đồng". Anh chàng nhà báo cắm đầu chạy. Anh ta tưởng là mình rơi vào sào huyệt một đảng cướp người Corse. Sau đó anh ta viết bài tố cáo chủ nhân Continental âm mưu giết nhà báo. Vài tuần sau trên đường về Pháp, anh ta bị tai nạn máy bay chết mất xác .
Franchini biết rõ Bảy Viễn là nhân vật đang lên, được Quốc trưởng Bảo Ðại che đỡ nên chủ động kết thân. Anh ta đến vũ trường trong Ðại Thế Giới cùng các bạn đồng hương sau một chầu ăn nhậu. Ngày hôm sau anh ta tìm Bảy Viễn đặt vấn đề :
- Ðêm qua chúng tôi có tới vũ trường của Thiếu tướng. Tôi muốn giúp ông khuếch trương nó lên đúng tầm cở một vũ trường quốc tế. Cần thêm một dàn nhạc Philípin để thay đổi không khí. Sàn nhảy cũng cần mở rộng và làm lại toàn bộ phần trang trí nội thất.
Bảy Viễn biết Franchini là trùm buôn lậu mà công an cảnh sát không tóm được quả tang nhân chứng và vật chứng, đúng là tay tổ đáng cho mình học hỏi nên bắt tay niềm nở:
- Hân hạnh cho tôi quá! Ðược ông anh giúp sức thì còn gì bằng. Ngoài cái vũ trường con con này, tôi mong được sự hợp tác của ông anh trong các phi vụ quan trọng hơn. Tôi có nhiều bạn thân trong giới người Hoa ở Chợ Lớn, còn ông anh có tập đoàn người Corse đồng hương. Hai ta liên kết thì hy vọng sẽ thành công lớn.
Franchini gật đầu:
- Ðúng vậy? Vũ trường chỉ là bước đầu. Sau đó ta sẽ bàn tiếp.
Vậy là Bảy Viễn đã liên kết được với một thế lực lớn của Sài Gòn.



Khai tử chữ Bảy Viễn

Quốc trưởng Bảo Ðại cứ ở miết trên Ðà Lạt trong khi tình hình chiến sự ngày một nguy kịch. Pháp thua to ở Bắc Việt, thê thảm nhất là hai binh đoàn thiện chiến Lepage và Charton trên đường số 4. Tại Sài Gòn, các đội quân cảm tử của Trung tướng Nguyễn Bình hoạt động mạnh. Pháp làm áp lực để Bảo Ðại về Sài Gòn đảm đương chức vụ Quốc trưởng.
Bảo Ðại đành phải vâng lệnh quan thầy.
Ngày Bảo Ðại từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn, công chức, học sinh tập hợp tại sân bay Tân Sơn Nhất để đón chào.
Lực lượng các giáo phái cũng có mặt.
Mỗi người đi đón Quốc trưởng được phát năm đồng phụ cấp. Mệt nhất là cảnh sát, công an suốt chặng đường từ sân bay về trung tâm thành phố, cứ năm mét một người gác để phòng bất trắc.
Trong dịp này, Bảy Viễn được vinh dự chiêu đãi Quốc trưởng. Trước đó, Năm Tài đã làm việc với Nguyễn Ðệ, Ðổng lý Văn phòng Quốc trưởng đề lên kế hoạch đón tiếp Bảo Ðại, Bảy Viễn tổ chức những đêm "nhất dạ đế vương" để Quốc trưởng vui thú khắp nơi, từ Ðại Thế Giới cho đến Ðại La Thiên. Thầy tớ cùng chung một sở thích, Bảy Viễn nhờ chủ Ðại La Thiên là tỷ phú Huỳnh Ðại tuyển một số hoa khôi ở các vũ trường phục vụ Quốc trưởng. Trong cuộc vui còn có màn văn nghệ đặc biệt, các ca sĩ trẻ đẹp duyên dáng hát những ca khúc trữ tình tiếng Việt, tiếng Hoa và cả tiếng Pháp. Sau đó đến màn ca múa kiểu Hằng Nga, điệu nhảy cancan (hất váy) kết thúc là màn thoát y vũ. Trước khi chia tay, chủ nhà hàng trao cho thượng khách một album người đẹp có đánh số để lựa chọn.
Ngay đêm đầu đến Sài Gòn, Bảo Ðại đã khoái Bảy Viễn và quyết định sẽ "đáp lễ" xứng đáng.

Theo hiệp ước Bảo Ðại -Auriol, bộ máy hành chính giao lại cho người Việt Nam. Quốc trưởng có toàn quyền chọn người từ trên xuống dưới, Bảo Ðại không thích tướng Nguyễn Văn Xuân nên giao lại chức Thủ tướng cho Nguyễn Phan Long. Ông Long là một trí thức địa chủ theo đạo Cao Ðài. Ông rất mê cầu cơ - một thú vui của trí thức Nam Kỳ muốn giao lưu với các bậc tiên thánh. Ông Long còn là một nhà báo viết tiếng Pháp hay hơn cả người Pháp. Về đời tư, ông Long có đủ tật, dính vô cả bốn thứ tửu - sắc - tài - phiến. Một đặc điểm của ông, là không ưa người Pháp. Ngay khi nhậm chức Thủ tướng quốc gia Việt Nam, ông Long tìm cách liên lạc với Việt Minh đề nghị một giải pháp hòa bình nhưng Việt Minh cương quyết bác bỏ chuyện thương thuyết với chính phủ Bảo Ðại .

Bộ máy công an cảnh sát cũng phải giao lại cho người Việt Nam. Trước đây Sở Mật thám Pháp do Perrier cầm đầu chiếm dãy phố mười căn cuối đường Catinat, kế bên nhà thờ Ðức Bà.
Dân Sài Gòn châm biếm thực dân: "Kế bên thiên đàng có địa ngục".
Bót Catinat nổi tiếng là ác ôn, cán bộ Việt Minh hay người bị tình nghi, khi bị bắt đều được đưa vô đó để tra tấn, khai thác làm biên bản rồi mới giải qua Khám Lớn. Sau khi giao lại cho chính phủ Nguyễn Phan Long, ngành mật thám Pháp vẫn song song tồn tại, vẫn do Perrier cầm đầu, gọi là để bảo vệ quân đội viễn chinh Pháp.
Bảo Ðại giao ngành an ninh cảnh sát cho Thiếu tướng Lê Văn Viễn.
Từ ngày lên thiếu tướng, Tư lệnh Bình Xuyên ra lệnh khai tử hai chữ Bảy Viễn vì nó gợi lại những ấn tượng không tốt đẹp. Ông muốn thiên hạ gọi mình là Lê Văn Viễn, có vẻ đàng hoàng, đứng đắn hơn.
Lại Văn Sang được Bảy Viễn giao chức Giám đốc Công an Ðô thành, ngự trị bót Catinat. Vậy là mộng lớn của Tư Sang đã thành. Nhưng chức tước nghe kêu mà nghiệp vụ thì Sang chưa có bao nhiêu nên phải vừa làm vừa học. Cách học nghề của Tư Sang rất đặc biệt: giở hồ sơ lý lịch các vị tiền nhiệm nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Trước nhất là Nguyễn Văn Tâm mà dân Nam Kỳ gọi là "cọp Cai Lậy".
Ðốc phủ Tâm ngồi ghế chủ quận Cai Lậy trước khi làm Giám đốc công an. Biệt danh "cọp Cai Lậy" được gán cho ông ta vào năm 1940, năm xảy ra sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa. Nguyễn Văn Tâm được Tây phong chức Ðốc phủ nhờ công diệt được nhiều cộng sản hơn nơi nào hết. Lúc đó quận Tâm chỉ có hai chục lính mã tà.
Hàng ngàn người biểu tình tiến vô thị trấn Cai Lậy.
Quận Tâm biết mình yếu thế, ra lệnh mã tà chỉ thủ thế chứ không được bắn. Ông cho mời đại biểu tới thương lượng và cho người thân tín lén chụp ảnh nhưng người đi đầu cuộc biểu tình, sau đó cho bắt nguội cả mấy trăm người, đem về phòng điều tra. Ðích thân quận Tâm tra khảo theo kiểu Trung cổ.
Khi Nhật đảo chánh Pháp, Tâm bị Nhật bắt và đánh đập tàn nhẫn như hắn đã từng hành hạ cộng sản trước đó. Chừng Việt Minh giành chính quyền thì Tâm biết sợ vì đã tới lúc kiến ăn cá. Nhưng hắn may mắn thoát chết nhờ quân Anh tới Sài Gòn giải giới quân Nhật thất trận. Khám Lớn Sài Gòn được quân Anh can thiệp thả những người Pháp và công chức làm cho Pháp.
Thoát chết, lẽ ra phải khôn lên, nhưng quận Tâm vẫn chứng nào tật nấy. Pháp đưa Tâm lên làm Bộ trưởng An ninh trong các chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân . . . .
Tư Sang học được gì ở vị tiền nhiệm Nguyễn Văn Tâm ?
Tâm luôn luôn thủ thế. Ngay trong văn phòng cũng luôn luôn bố trí các tay súng thiện xạ . Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ là xạ thủ nổ súng vào người ngồi đối diện với ông ta.



Sanh nghề tử nghiệp

Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm của "cọp Cai Lậy", Tư Sang tham khảo hồ sơ về Cò Bazin, một hung thần ngự trị khá lâu tại bót Catinat.
Ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành của Bazin, đọc biên bản về cái chết của Bazin, Tư Sang không khỏi rùng mình. Hắn thầm nhủ: "Sanh nghề tử nghiệp".
Bazin sống và làm việc như một cái máy, lúc nào cũng cảnh giác, đề phòng. Bazin ở trên lầu một cao ốc đường Catinat. Hằng ngày, Bazin từ trên lầu xuống, đi trên đường Catinat, quẹo mặt, theo đường Lê Thánh Tôn để lên xe hơi của ông ta mà tài xế đã chờ sẵn tại bãi xe trước Tòa Ðô chính Sài Gòn (Uy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh hiện nay).
Ngày 28.4.1950, đội ám sát Công an xung phong của La Văn Liếm đã phục sẳn trên chặng đường ngắn không tới một ngàn mét này. Một đội viên đội nón nỉ màu nâu vờ ngồi đọc báo trên băng trong vườn hoa nhỏ ngay trước cửa cao ốc của Bazin. Khi hắn bước ra đường Catinat thì anh này quơ chiếc nón làm hiệu cho tổ trưởng đứng tại ngã tư Catinat - D espagne, ngang nhà hàng La Pagode. Anh tổ trưởng cũng giở nón làm hiệu cho một đội viên thủ súng lục đứng chờ sẵn ở tiệm thuốc tây Métropole trên đường D espagne. Khi Bazin đi ngang qua với một Ðại úy Không quân, anh đội viên này lặng lẽ đi theo, cánh sau vài ba bước. Bất ngờ tên Ðại úy Không quân quay lại, đúng vào lúc anh này cho tay vào túi quần. Biết đã gặp Việt Minh, tên Ðại úy xáp tới đạp vào người anh đội viên. Anh này té vô vách tường nhưng vẫn nổ súng từ trong túi quần. Ðạn trúng ngay tên Ðại úy. Lập tức anh rút súng ra bắn hết mấy viên còn lại vô ngực Bazin. Bắn xong anh chạy tới chiếc traction đậu sẵn ở bãi đậu xe trước Tòa Ðô chính. Một đội viên khác có nhiệm vụ yểm trợ anh đã bắn tên tài xế của Bazin, nhưng tên này nhanh chân chui xuống gầm xe. Cả hai nhảy lên xe vọt ngay, tất cả về điểm tập kết để ra bưng sau đó .
Vụ ám sát diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 5 phút, không lực lượng an ninh nào kịp trở tay. Loạt đạn đầu gây thương vong cho Ðại úy Không quân Roger, bay qua nhà hàng La Pagode làm bể các tủ kính chưng rượu và bánh ngọt. Dân sang ăn điểm tâm tại đây hốt hoảng nằm móp xuống nền gạch bông. Chừng cảnh sát tới thì chiếc traction của đội ám sát đã mất dạng.
Mật thám Pháp biết được một người trong đội ám sát này là do tình cờ mà thôi. Một thằng Tây sáng đó đi ngang qua Tòa Ðô chính thấy một đồng nghiệp cùng sở làm ở Tân Sơn Nhất đang ngồi sau vô lăng chiếc traction đậu trước Tòa Ðô chính. Về sau nghe kể chuyện nổ súng và các hung thủ thoát thân trên chiếc traction, thằng Tây này mới đến bót cảnh sát tố giác tài xế là người làm cùng sở với anh ta. Thế là mật thám sưu tra ngay và in áp phích bố cáo trọng thưởng ai chỉ bắt người có ảnh in kèm theo. Nhưng dù nhanh mấy, chúng cũng chạy sau. Bộ ba trong đó có tài xế đã nhảy ra bưng ngay chiều hôm ấy....

Tư Sang rút khăn tay lau mồ hôi trán. Hắn còn lạ gì các ban Công tác thành. Toàn là những cảm tử quân, được huấn luyện thuần thục dể thọc sâu đánh hiểm. Và nguy hiểm hơn hết là tinh thần dũng cảm, táo bạo, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng.
Ngay cả phụ nữ cũng có một đơn vị cảm tử là trung đội Minh Khai đã ném lựu đạn vô rạp chiếu bóng Majestic (nay là Cửu Long). Lần đó có trên 50 sĩ quan Hải quân bị thương vong vi hai trái lựu đạn của ba cô nữ sinh thành phố ra bưng học quân sự rồi về Sài Gòn hoạt động.
Học được gì trong cái chết của Bazin đây?
Tư Sang ngẫm nghĩ Bazin chết vì sống như cái máy. Thức dậy, xuống lầu, ra xe, tới sở đúng giờ giấc. Do đó Việt Minh rất dễ vạch kế hoạch hành động.

Từ đó Tư Sang luôn thay đổi lộ trình và giờ giấc . Dù cẩn thận như vậy, Tư Sang cũng luôn luôn bị cái chết của Bazin ám ảnh. Thế mới biết cái chức Giám đốc Công an Ðô thành không ngon ăn chút nào. Nơi ghế bành của Bazin mà Tư Sang thấy chông chênh như ngồi ghế ba chân.
Vẫn chưa hết những cơn ác mộng. Ngày 31.7.1951, một tin dữ làm chấn động cả Sài Gòn lẫn Paris: tướng Chanson - Tư lệnh quân đội Pháp tại Nam phần Việt Nam và Thủ hiến Thái Lập Thành, người thay Trần Văn Hữu, đã bị quân cảm tử thanh toán trong chuyến kinh lý tỉnh Sa Ðéc.
Cả hai vừa tới khán đài trong sân vận động tỉnh thì một người lính băng ngang hàng rào bảo vệ tiến tới. Cách hai ông ba thước, anh ta rút tay khỏi túi quần đứng nghiêm chào đúng kiểu cách nhà binh. Liền đó trái lựu đạn trong túi quần đã rút chốt sẳn phát nổ, một nửa thân mình anh ta bay mất. Trên khán đài, tướng Chanson và Thủ hiến Thái Lập Thành chết tại chỗ, một số sĩ quan trong đó có một Ðại tá bị thương nặng.

Tư Sang lập tức cho điều tra nhưng không tài nào biết vụ tấn công cảm tử này thuộc về cơ quan, đơn vị nào. Sau đó, mật thám Pháp cả quyết đây là "cú" của Ðại tá Trịnh Minh Thế, chỉ huy trưởng Cao Ðài Liên Minh - nhóm này ly khai với Tòa thánh Tây Ninh và có xu hướng thân Mỹ.
Phòng Nhì cũng căn cứ vào bộ sắc phục Cao Ðài của hung thủ, đoán là nhóm Cao Ðài thân Mỹ muốn " dằn mặt" Pháp .
Riêng Tư Sang thì dù không nắm được chút gì về nhân chứng, vật chứng nhưng cũng quyết đoán đây là "chiến công" của Việt Minh bởi lẽ không ai dám hy sinh vì nghĩa lớn như Việt Minh.
Tư Sang thấy mình đã lở leo lên lưng cọp rồi, nhảy xuống cũng chết, chi bằng mình giết trước, chớ để chúng giết mình.
Công an Bình Xuyên từ đó nổi danh tàn ác còn hơn cả "cọp Cai Lậy" hay Cò Bazin.



Sòng bạc Monte Carlos

Tình hình chiến sự ngày một căng thẳng. Pháp thua ở chiến trường biên giới rồi trung du, phải đưa Thống tướng De l attre de Tassigny sang Việt Nam làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Ðông Dương.
Nhưng vị tướng tài giỏi nhất của Pháp cũng khó thể lật ngược thế cờ.
Pháp đang gặp khó khăn sau Thế chiến thứ 2 lại phải gánh chi phí chiến tranh Ðông Dương đến 101 tỉ quan , năm 1946, lên 136 tỉ năm 1948. Pháp sợ nhất là bình định không xong thì quân đội Việt Minh được Hồng quân Trung Hoa kéo tới biên giới yểm trợ. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, Pháp phái một tướng lãnh sang Ðông Dương
nghiên cứu tình hình mọi mặt để giúp Chính phủ Pháp giải quyết chiến tranh Việt Nam.
Người được giao sứ mạng này là tướng Revers.
Ngày 16.5.1949, tướng Revers tới Sài Gòn.
Revers đi quan sát chiến trường, tham khảo các bộ tham mưu, cố gắng thấy thật nhiều, nghe thật nhiều để có một cái nhìn tổng quát. Ngoài quân sự Revers còn quan tâm tới chính trị, văn hóa, xã hội.
Không khí Sài Gòn bấy giờ đập mạnh vào mắt vị tướng làm nhiệm vụ Tổng thanh tra. Ðó là không khí ăn chơi, vô trách nhiệm. Các quan chức Pháp lo làm giàu bằng cách chuyển ngân, mua bán đồng Ðông Dương ngân hàng. Ngoài việc buôn bán tiền bạc, Sài Gòn còn có nhiều giải trí trường, hộp đêm sang trọng mà đứng đầu là Ðại Thế Giới do Bảy Viễn đứng thầu khai thác với sự yểm trợ của Quốc trưởng Bảo Ðại.
Về mặt quân sự, Pháp đứng trước nhiều bất lợi. Việt Minh dùng chiến thuật du kích mà quân đội Pháp không quen. Mặt khác, Ðông Dương nằm trong phạm vi quyền lực của Bộ Các Quốc gia Liên hiệp (xưa là Bộ Thuộc địa) do Cao ủy đại diện, nhưng Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh lại là một tướng lãnh do Bộ Quốc phòng chỉ định.
Do cách làm việc tréo ngoe như vậy mà trống xuôi kèn ngược.
Revers đề nghị nên chọn một người của Bộ Quốc gia Liên hiệp nắm cả quyền hành chính và quân sự. Người dó nên là một tướng lãnh.
Về chiến lược, Pháp nên thu vén cho gọn các chiến tuyến, tập trung tối đa quân lực tại miền Bắc Việt Nam, cố thủ các vị trí chung quanh Hà Nội...
Khi nghe Năm Tài báo cáo tình hình, Bảy Viễn chỉ đặc biệt quan tâm tới cái "vú sữa" Ðại Thế Giới đang bị các chính khách Pháp bên chính quốc dòm ngó.
Bảy Viễn sợ nhất là cái nồi cơm của mình bị đập bể. Mà người đập bể phải là Tổng thống Pháp chớ không ai khác vì Bảy Viễn đã có cái lọng che đầu là Quốc trưởng Bảo Ðại .
Lo ngại về vụ này, Bảy Viễn điện lên biệt điện trên Ðà Lạt để tham vấn Cựu hoàng thì được Nguyễn Ðệ cho biết là Quốc trưởng đã bay qua Pháp.
Dù lo âu, Bảy Viễn cũng không khỏi cười thầm:
- Ðúng là "dân chơi", giặc đánh tứ tung mà Quốc trưởng chỉ lo bay nhảy. Ngài đã chán Ðà Lạt rồi nên bay qua Cannes , thành phố nghỉ mát bên bờ Ðịa Trung Hải.
Bảy Viễn quyết định bay qua Pháp chơi một lần cho biết. Ði Tây từ lâu đã là một giấc mộng của tay giang hồ gốc nhà quê, hơn nữa đi chơi cũng là để củng cố quyền lợi của mình.
Phải thuyết phục Quốc trưởng giữ vững Ðại Thế Giới trong bất cứ tình huống nào.
Một tuần ở Pháp là một tuần huy hoàng nhất trong đời Bảy Viễn. Cựu hoàng chiêu đãi trọng thể ông chủ Ðại Thế Giới. Nào là lên Paris xem vũ điệu Can can với các pha khoe đùi khoe mông, nào là xuống bãi biển Saint Tropez xem đầm khỏa thân phơi nắng.... Nhưng khoái nhất là được theo Cựu hoàng tới sòng bạc Monte Carlo nằm trong thành phố Manaco. Là tay cờ bạc thập thành, Bảy Viễn cũng phải bái phục cách đánh bạc của Cựu hoàng, ông ta đứng quan sát khá lâu trước khi đặt tiền vào một con số ở sòng roulette. Hồi lâu, một tay chơi cháy túi sau khi nuôi một con số rời sòng bạc thì lập tức Cựu hoàng đặt tiền ngay con số đó và là hòn bi rơi ngay con số đó.
Bảo Ðại gật gù nói với Bảy Viễn:
- Ðó là phép xác suất. Theo cách tính toán này thì một con số có chu kỳ của nó. Nó vắng mặt một lúc rồi lại xuất hiện. Anh chàng kia nuôi con số 13 tới mười mấy lần. Ðến khi anh ta cháy túi thì con số 13 lại xuất hiện.
Bảy Viễn bắt tay khen Cựu hoàng:
- Cái thuyết xác suất đó quá hay. Suy rộng ra thì ở đời mình phải biết chờ thời cơ.
Bảo Ðại gật lia:
- Ðúng thế! Làm chính trị cũng phải biết đợi thời cơ. Như lúc mình nằm ở Hồng Kông, biết bao nhiêu chính khách tới mời mình tham chính. Nhưng mình không nghe. Mình còn phải nhận định tình hình. Chờ tới lúc Pháp mệt mỏi với phe chủ chiến như D argenlieu, Leclerc. Chừng đám này bị thay, mình mới chịu nói chuyện với Cao ủy Pignon. Ký hiệp ước rồi mình vẫn ở Cannes, chờ chừng nào Pháp thật sự chịu trao trả các quyền tự do dân chủ, mình mới về Việt Nam, nhưng không ở Hà Nội hay Sài Gòn mà bay lên Ðà Lạt....
Bảy Viễn nhắc chuyện Ðại Thế giới, Bảo Ðại nói:
- Yên chí ? Không ai đóng cửa được nó đâu.
Các nước văn minh đều có nơi giải trí cho dân chúng, như Monaco này đây.