Nguyên Hùng
Bảy viễn thủ lĩnh Bình xuyên


Phần 3


Ði Côn Ðảo lần thứ ba

Sau vụ cướp táo bạo chủ sở cao su Dầu Tiếng, Bảy Viễn, Mười Trì lại bị bắt đày Côn Ðảo.
Với Bảy Viễn, đây là chuyến ra đảo lần thứ ba.
Thầy chú gặp lại người hùng đã từng hạ vô địch Chùa Tháp Khăm Chay chỉ bằng một ngọn cước sấm sét , vui vẻ chào mừng. Nhiều người còn nợ anh, bắt tay hỏi đùa:
- Bộ trở ra đây đòi tiền phải không cha nội ? Mình còn nợ cha nội mấy chục đồng .
Bảy Viễn cũng đùa lại:
- Tây đưa mình ra đây như bắt cóc bỏ đĩa .
Anh vỗ túi quần:
- Về Sài Gòn mình làm ăn được. Ra đây không đòi tiền mấy thày mà còn có thể cho mượn thêm để "đậu chến" giải buồn. Ðược không mấy thầy?
Tất nhiên là thầy chú dễ dãi với các tay giang hồ kỳ hiệp như Mười Trí, Bảy Viễn. Họ tin hai vị này theo gương 108 anh hùng Lương Sơn Bạc chuyên đánh cướp bọn trọc phú giúp đở dân nghèo.
Ngoài miệng thì bô lô ba la với thầy chú nhưng đêm đêm, Mười Trí và Bảy Viễn đều nôn nóng sanh mưu tính kế vượt ngục vì tình hình dường như sắp biến chuyển quan trọng. Chiến tranh thế giới sắp kết thúc. Phe Ðồng minh dang phản công như giông gió. Phát xít Ðức-Ý-nhật đang yếu thế. Nhờ đọc báo mà Bảy Viễn và Mười Trí biết chút ít thời cuộc. Càng biết thời cuộc thì không thể an tâm nằm ngoài đảo lâu ngày được.
May thay Ba Rùm vẫn còn ở Bản Chế, sẵn sàng giúp đỡ đàn anh khi có yêu cầu.
Bảy Viễn mong gặp lại Châu, vợ mã tà 76. Châu vừa là người tình vừa là tay trong mua sắm những thứ cần thiết cho những vụ vượt đảo.
Nhưng lần này thì Bảy Viễn mất hứng. Vợ chồng mã tà 76 đã hết hạn phục vụ trên đảo và đã đổi về Sài Gòn trước đó vài tháng. Tuy còn có nhiều chị em vợ mã tà "nhảy dù" kiếm tiền "đậu chến", nhưng Bảy Viễn đã chán chuyện "ăn bánh trả tiền". Bây giờ anh mới biết khó tìm được một "cánh sen trong bùn" như Châu.
Ba Rùm tận tình giúp đỡ hai anh Mười Trí và Bảy Viễn trong chuyến vượt ngục lần thứ ba này.
Cũng như lần trước. Ba Rùm chỉ giúp mà không bước xuống bè. Anh vẫn quyết tâm trả hết nợ 12 năm để làm lại cuộc đời lương thiện.
Về tới đất liền thật là đúng lúc. Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bọn Nhật ở Ðông Dương buồn rầu còn hơn cha chết. Nhiều sĩ quan harakiri (mổ bụng) tự tử. Theo báo chí thì quân đội Anh - Ấn gồm toàn lính Ấn có nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở phía Nam, còn trên miền Bắc thì nhiệm vụ giải giới quân Nhật do quân Tàu của tướng Lư Hán ở Hoa Nam đảm trách.
Tình hình biến chuyển nhanh chóng, Sài Gòn đổi chủ không sao lường được. Pháp đang làm trời thì bị Nhật đảo chính ngày 9.3.1945. Một tuần sau, quân Nhật đổ bộ lên đảo bắt hết Tây đưa đi, để lại một trung đội lính Nhật điều hành mọi việc trên đảo. Lúc này phe thân Nhật lên chân. Một số trí thức như giáo sư Trần Văn Quế, Cao Ðài thân Nhật, được đưa về đất liền. Nhật đưa Còm mi Lê Văn Trà lên trông coi công việc hành chính quản trị trên đảo. Phụ tá Còm mi Trà có Sơn Vương, một nhà văn - tướng cướp.
Nhưng quân Nhật chỉ thay Pháp làm chúa Việt Nam có mấy tháng rồi "cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ".
Sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống hai thành phố lớn Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.
Tại Nam Kỳ, quân đội Nhật bị quân Anh tước khí giới và bắt làm tù binh.
Chứng kiến cảnh này, Bảy Viện nói với Mười Trí:
- Ðúng là cá ăn kiến, mà cũng có khi kiến ăn cá .
Mười Trí thực tế hơn, lo nghĩ chuyện phải làm trước mắt:
- Trong tình hình này, mình phải làm gì đây? Tốt nhất ta nên tìm hỏi những bậc cao minh. Anh có quen lớn với ai thì đi hỏi người đó . Còn tôi thì qua Tân Quy thăm anh Ba Dương .
Bảy Viễn nghĩ ngay tới Maurice Thiên, người đã giúp anh "kiếm tiền chợ" vào các chiều thứ bảy tại Trường đua Phú Thọ, rồi giới thiệu anh tháp tùng cuộc đua Vòng quanh Ðông Dương với tư cách quản lý xe giải khát của ban tổ chức.
Gặp lại Bảy Viễn, Tư Thiên vui mừng nói:
- Anh về đất liền đúng lúc quá. Tình hình đang cần những tay chọc trời khuấy nước ! Anh biết không, Chiến tranh thế giới đã kết thúc. Phát xít Ðức - Ý - Nhật thua, đồng minh Anh - Pháp - Nga - Tàu - Mỹ thắng. Quân Anh đang giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào. Phía ngoài giao cho quân Tàu của tướng Lư Hán...
Bảy Viễn gật lia:
- Ðại cuộc thì tôi đọc báo biết rồi. Anh Tư nói chuyện mình phải làm gì trong lúc này?
- Việt Minh đang nổi lên cướp chính quyền ngoài Bắc. Nghe nói trong Nam cũng có Việt Minh. Việt Minh nổi lên rất đúng thời cơ, Nhật thua trận, buồn rầu như chết chưa chôn. Còn Pháp thì vẫn đang còn bị Nhật giam trong trại Ong-dèm. Nghe nói quân Pháp từ Calcutta và Bom Bay sẽ trực chỉ tới Sài Gòn tái chiếm Nam Kỳ từ tay Nhật. Không biết Việt Minh và Pháp, ai sẽ tới trước.
Bảy Viễn dốt chính trị , hỏi tới cho rõ:
- Việt Minh là ai vậy? Mình ở ngoài đảo có nghe ai nói tới Việt Minh đâu?
Tư Thiên nói:
- Việt Minh là gọi tắt của sáu chữ Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh - một tổ chức chính trị, quân sự do Ðảng Cộng sản lập ra để cướp chính quyền, khai sinh một nước Việt Nam độc lập. Họ đứng trong phe Ðồng Minh, chống Phát Xít, từng cộng tác với quân Mỹ ở Hoa Nam như cứu giúp các phi công Mỹ và Anh bị Nhật bắn rơi ở Bắc Việt, đưa qua Vân Nam giao cho quân Ðồng Minh. Nhờ các đóng góp đó mà Việt Minh gây được thanh thế với quốc tế. Nghe nói Tổng thống Mỹ không tán thành Pháp tái chiếm các thuộc địa cũ ở Ðông Dương .
Bảy Viễn suy nghĩ khá lâu mới nói:
- Nghe anh Tư nói tình hình, tôi dự đoán sẽ có nổ súng giữa quân Pháp và quân Việt Minh. Vậy mình phải chọn ai trong cuộc tranh hùng này ?
Tư Thiên cười :
- Người Tàu mình không thích bàn chính trị, chỉ lo làm ăn thôi. Nhưng anh đã hỏi thì mình nói. Nghe qua rồi bỏ nghe anh Bảy. Pháp thì mình biết quá nhiều. Mình học tiếng Pháp từ nhỏ. Cách sống của mình cũng rập khuôn theo Pháp: sáng cà phê sữa, bánh mì ốp la, trưa cơm gà chiên bơ, rượu chát; tối ăn súp cho nhẹ bụng ngủ ngon giấc .
- Còn Việt Minh thắng thì sao ? - Bảy Viễn hỏi.
Tư Thiên cười ngất:
- Làm gì có chuyện đó ! Việt Minh mới lập bộ đội vài tháng làm sao đương cự nổi đội quân Viễn chinh xông pha khắp chiến trường châu Âu, Bắc Phi. Khác nào đem trứng chọi đá .
- Nhưng đời Trần, đời Lê mình đã mấy lần thắng kẻ địch mạnh gấp trăm lần, nên có câu ca dao "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng".
Trong thâm tâm Bảy Viễn nghĩ thầm: nắng chiều nào, che chiều đó. Anh quyết tâm bán vàng mua súng đạn, lập bộ đội.



Bộ Ðội Bình Xuyên

Sau khi tham khảo quan điểm Maurice Thiên, Bảy Viễn gặp lại Mười Trí.
Ðôi bạn nối khố bàn nhau chuyện phải làm trước mắt.
Mười Trí hỏi:
- Anh Bảy đã gặp ai để nghe nói chuyện thời
- Mình gặp Tư Thiên là tay thông thạo mọi thứ trên đời, còn anh Mười đã gặp anh Ba Dương chưa ?
- Gặp rồi. Chuyện anh Ba Dương dài lắm, mà cũng ly kỳ lắm. Mình kể vắn tắt thôi. Ðang đứng ở bến xe Tây Ninh -Nam Vang thì Tây ban hành tình trạng khẩn cấp gom bắt hết các phần tử nguy hiểm, Cộng Sản, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu
Nghĩa, Tịnh Ðộ Cư Sĩ, bắt luôn dân giang hồ. Anh Ba phải chạy về Cần Giuộc "chém vè". Nào ngờ bị điểm chỉ đưa lính tới bắt giải về quận. Chủ quận độc ác buộc anh Ba uống cả một chùm tóc mới thả. Tóc vô người sẽ phá nát bộ tiêu hóa, gây
cái chết lần hồi, nhưng không còn cách nào khác, anh Ba đành phải thi hành bản án. Thời may ảnh có học trò trung thành lãnh về chạy thuốc gia truyền nhờ đó mà không chết.
Khi ta cướp chính quyền, anh Ba dạy võ cho Thanh Niên Tiền Phong Cần Giuộc, tham gia cướp chính quyền. Nghe mình hỏi phải làm gì thì anh Ba vui vẻ nói:
- Dân giang hồ mình có truyền thống bất khuất từ mấy đời. Vì yếu thế mới phải làm lục lâm thảo khấu. Nay chính quyền thuộc về mình thì tại sao mình không lập bộ đội để đánh Tây cho thỏa chí bình sanh? Chú Mười nên về Bà Quẹo mua súng đạn mộ dân quân. Súng tụi Nhật bán rẻ như bèo. Dại gì đem nạp cho quân Anh - Ấn !
Bảy Viễn chụp hỏi:
-Ngày anh Ba lập bộ đội, anh Ba có ân oán giang hồ thằng chủ quận khốn kiếp đã buộc anh uống mớ tóc không?
Mười Trí kêu lên:
- Nhè khúc hay mà mình quên. Khi ta cướp chính quyền, bọn làng lính xuống nước, kéo nhau đi trình diện. Chợt thấy anh Ba nay là chỉ huy trưởng bộ đội Ba Dương, tên chủ quận xanh như tàu lá . Nó thụp xuống lạy anh Ba như tế sao, nhưng anh Ba xử sự đúng người quân tử: anh chỉ nói "Tội của ông lẽ ra tôi phải chặt mười cái đầu mới hả dạ. Nhưng bây giờ thì đã đổi đời rồi. Ông mất hết chức hết quyền, trả thù là khi ông còn ngon lành kia, còn bây giờ tôi trả thù ông để làm gì ? Tôi tha chết cho ông đó".
Bảy Viễn gật gù:
- Vậy là giới giang hồ mình đồng tâm nhất trí lập bộ đội. Anh Mười có tiền không?
Mười Trí gật:
- Có . Có bộn. Cả trăm cây đó nghe.
- Làm vụ nào mà có cả trăm cây ?
- Ðó là năm 1942. Lúc đó Nhật mở xưởng đóng tàu biển bằng cây giá tị để thay các chiến hạm bị Ðồng minh đánh đắm trong các trận thủy chiến ở Ðông Nam Á . Mình cũng được Nhật mời bảo kê mấy bè gỗ giá tị trên Kinh Ðôi, ngang Bộ Hải quân Nhật đường Galiéni (Trần Hưng Ðạo). Làm được nửa năm thì thằng tướng hải quân Nhật tử trận trong một cuộc hải chiến. Không ai ngó ngàng tới mấy bè gỗ dưới dòng Kinh Ðôi. Cũng không ai trả lương cho mình. Trong tình thế đó thì một mại bản hỏi mua hết bè giá tị . Nó tưởng tao là nhân vật quan trọng vì thấy tao ngày nào cũng vô ra Bộ tư lệnh Hải quân Nhật. Tao bán ngay, nhắn vợ đem bao chỉ xanh tới nhét tiền. Ðem về nhà mua vàng chôn trong vườn cho chắc ăn. Bán buổi sáng, buổi chiều tao dọt luôn.
Bảy Viễn thở ra:
- Mày thì gọn rồi. Có tiền mua tiền cũng được . Vàng còn quý hơn tiền. Chỉ có tao là không thủ được bao nhiêu... Nhưng nhiều tiền thì mua nhiều súng, ít tiền thì mua ít súng. Không sao ? Miễn có chừng vài tiểu đội làm màu mè với thiên hạ trước đã rồi sau sẽ tính.
Mười Trí cười:
- Tính cách gì vậy?
- Dễ thôi mà. Mình lấy danh nghĩa chỉ huy bộ đội xin dân ủng hộ, tiếp tế. Ai nghe nói ủng hộ tiếp tế bộ đội mà dửng dưng được. Mình sẽ nhắm vô những cha giàu có trong làng. Nếu tụi nó keo kiệt thì mình sẽ dùng biện pháp mạnh.
Lập bộ đội được vài tuần, Bảy Viễn hết tiền rủ Mười Trí đi tìm nhà giàu xin ủng hộ bộ đội.
Mười Trí không tán thành chuyện áp dụng biện pháp mạnh của Bảy Viễn, nhưng cũng đi theo để biết anh bạn của mình ngang ngược tới mức nào, nếu càn thì can thiệp để tránh rắc rối cho bạn.
Bảy Viễn tìm được một chiếc xe hơi. Cả hai lên xe, chạy qua Xóm Củi.
Mười Trí hỏi:
- Mày đưa tao đi đâu đây ?
- Qua nhà Hội đồng Ðống. Nghe nói ông ta có một cô con gái coi được lắm.
Mười Trí cười ngất:
- Vậy là mày đi coi vợ chớ có phải đi xin ủng hộ bộ đội đâu !
- Ấy làm một lúc đôi ba công việc mới là tài chớ ! Ði chợ mua thịt mà thấy cá tươi nhảy soi sói thì mắc mớ gì không mua? Cha này đúng là... nói chơi nghe qua rồi bỏ, đừng để bụng nghe cha...
- Cứ nói đại đi, sợ gì mà rào trước đón sau. Phải bồ chê mình là thằng "tiểu đội phó" một lòng một dạ trung thành với má bầy trẻ không?
Bảy Viễn cười thích thú:
- Anh đã tự nhận là thằng Lãnh bán heo rồi thì thôi. Bây giờ tôi thỏa thuận với anh như vậy. Anh thích nhậu, còn tôi thích cái kia. Cho nên khi Hội Ðồng Ðống tiếp hai đứa mình, anh cứ ngồi nhà trên tiếp chuyện với ông ta còn mình thả xuống bếp tán tỉnh con gái rượu của ông Hội đồng.
Mười Trí lắc đầu:
- Ðúng cha nội là hạm. Bao nhiêu cũng không đủ ?
Ðêm thăm dân cho biết sự tình diễn ra đúng như Bảy Viễn đạo diễn, Mười Trí nhâm nhi rượu Tây với ông Hội Ðồng còn Bảy Viễn thì xuống bếp, ban đầu để mồi thuốc sau đó tán tỉnh cô Lúa, mà Bảy Viễn tán gái tài thật. Trên đường về, Bảy Viễn loan tin: sẽ cưới cô Lúa với bất cứ giá nào.



Cưới Vợ

Vài ngày sau khi ông Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn tới bàn chuyện ủy lạo bộ đội Phú Thọ, ông Hội Ðồng Ðống nhận được món quà bất ngờ. Ðó là một cái hộp giống như hộp bánh biscuit hiệu I U gói giấy hồng có thắt nơ đỏ, ngoài đề: Người gửi: ủy viên quân sự Lê Văn Viễn. Người nhận: ông Hội Ðồng Ðống, làng Ða Phước.

Mở hộp ra, mắt ông Hội đồng chớp lia: Một khẩu súng sáu mới toanh nạp đạn đầy đủ.
Ông Hội đồng rất mê súng. Từ lâu ông mê khẩu súng lục mà bọn cò Tây đeo xệ bên hông, coi oai thấu trời. Ông mê có một cái "giò heo" để lấy le với làng tổng. Nay cầm cây súng Colt có khoe hình con ngựa, nước thép sáng xanh, chưa có dấu tay ai sờ mó, ông mừng quá réo to lên: "Lúa ơi con đâu?".
Lúa từ sau bếp chạy ra : " Gì đó ba ? "
- Coi nè, thằng Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn tặng cho ba nè .
Ông Hội đồng quơ lấy cây súng khoe với cô con gái rượu.
Nhưng cô Lúa lùi lại, đưa hai tay lên, ré to:
- Ý ! ý đồ chết người, con sợ lắm !
Ông Hội đồng cười lớn:
- Cái gì mà sợ ! Ðây là võ khí để phòng thân. Thời buổi lộn xộn, mình là dân có máu mặt, là mục tiêu của bọn cướp. Tư Ty ở cầu ông Thìn hay là đám Mười Nhỏ bên Xóm Cỏ . Thằng ủy viên quân sự tặng mình khẩu súng này thật là biết ý mình quá. Cho vàng cũng không mừng bằng !
Trong khi ông Hội đồng săm soi khẩu súng, cô Lúa nhìn cái hộp và thấy một tấm danh thiếp in dòng chữ: Lê Văn Viễn, Ủy viên quân sự. Lật phía sau thấy có mấy hàng viết tay: Cháu xin cưới cô Lúa và đây là sính lễ đầu tiên kính dâng Bác.
Cô reo lên :
- Ba đọc tờ giấy này đi ba .
Ông Hội Ðồng giật mình khi biết thằng Ủy viên quân sự không tặng mình khẩu súng khơi khơi mà có điều kiện: bác phải gả con gái rượu của bác cho cháu. Thật là một lối cầu hôn lạ đời !
Lập tức ông quay lại nhìn con gái:
- Ðêm trước nó xuống bếp mồi thuốc nó nói gì với con mà bây giờ xin hỏi cưới?
-Có nói gì đâu ba ? Anh chỉ hỏi thăm chuyện này chuyện nọ vậy thôi. Hỏi cho có chuyện để làm quen vậy mà.
Ông Hội đồng lo ngại:
- Con nghĩ gì về việc cầu hôn này. Ba lo lắm, nếu con không ưng thì mệt với nó. Ngày xưa nó là dân giang hồ, vào tù ra tội, còn ngày nay nó là Ủy viên quân sự. Thời nào nó cũng có súng...
Cô Lúa bẽn lẽn nói nhỏ:
- Lúc nào ba cũng sợ nhưng người có súng. Nhưng theo con nghĩ thì có hai loại người cầm súng. Có loại cướp của giết người mà cũng có loại trừ gian diệt địch. Ông ủy viên quân sự thuộc về loại sau...
Ông Hội đồng gật gù:
- Nếu nó biết tu tỉnh như vậy thì tốt. Nói vậy là con... ưng nó, phải không?
Cô Lúa gật. ông Hội đồng thở phào:
- Vậy là đỡ cho ba lắm. Nếu con không ưng thì ba biết ăn nói làm sao với nó đây .

Thế là một tuần sau Bảy Viễn nghiễm nhiên là rể quý ông Hội đồng Ðống.
Mười Trí là bạn nối khố nên cũng được mời.
Nể tình, anh đi dự chung vui với bạn, nhưng trong lòng không thích thói đa thê của Bảy Viễn.
Nhưng trong thời buổi loạn lạc này, chuyện đám cưới dù rôm rả mấy cũng chìm trong những đợt sóng thời cuộc. Trong tuần trăng mật, Bảy Viễn vẫn lo chuyện nuôi quân. Ðã đốn thì phải vác Chiêu mộ anh em bộ hạ càng đông càng chi phí nhiều. Tiền nhà có hạn, không bao lâu đã cạn. Tiền của dân ủng hộ cũng không đủ. Bảy Viễn phải nghĩ tới biện pháp mạnh: sung công ghe gạo, ghe heo ở chợ Cầu ông Lãnh, trên kinh Cây Khô, sông Bình Ðiền v.v... Nhưng các ghe thương hồ cũng thưa vắng vì nạn cướp giật dọc đường.

Bảy Viễn bèn nghĩ cách làm tiền dân có máu mặt ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày xưa Bảy Viễn từng tới các sòng bạc ăn thua lớn như sòng Sáu Ngọ.
Cách mạng bùng nổ, các sòng bạc dẹp nhanh, nhưng Bảy Viễn vẫn nhớ các tay có máu đỏ đen từng ăn thua bạc muôn. Một trong các trùm cờ bạc này là cậu Ba Huy, hỗn danh là công tử Bạc Liêu, con ông Hội đồng Trạch giàu số một tỉnh Bạc Liêu. Ông này đặt tên con theo loài thủy tộc. Cha là Trạch, con đầu lòng là Hai Ðinh (cua đinh), cậu thứ ba là Ba Quy, cậu thứ tám là Tám Bò.
Cậu Ba Quy đi học bên Pháp về, thấy chứ Quy không hay, bèn đổi là Huy, Trần Trinh Huy.
Không biết qua Tây cậu Ba học ngành gì, về nước chỉ ở không, đi chơi đó đây và ăn xài rộng rãi, thậm chí sắm cả máy bay chở ông Hội đồng đi thăm lúa từ Bạc Liêu xuống Cà Mau. Lúc đó ở Việt Nam chỉ có hai người "chơi" máy bay là Hoàng đế Bảo Ðại và cậu Ba Huy.
Dân đi Tây về, quen thói ăn chơi, phong lưu tài tử, mà ở tỉnh thì thiếu tiện nghi, không có hộp đêm, vũ trường, sòng bạc nên cậu Ba lên Sài Gòn mướn nhà ở luôn, thỉnh thoảng về quê lấy tiền xài phá thỏa thuê.

Bảy Viễn cho người thăm dò và biết Ba Huy sống tại một biệt thự ở Phú Thọ Hòa, có năm bảy đứa vệ sĩ cùng một bầy chó berge. Muốn tấn công biệt thự này không phải dễ...
Trong lực lượng bộ đội của Bảy Viễn có một anh công nhân ngành in kiêm võ sĩ tên Tám Tâm.
Khi nghe đại ca Bảy Viễn hỏi ai dám đột nhập biệt thự Ba Huy để đưa giấy mời của ông Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn thì Tám Tâm đưa tay xung phong.
- Anh có biết Ba Huy không mà đưa tay xung phong?
- Có . Tôi biết rõ công tử Bạc Liêu, ông ta có cô vợ bé tên Tuyết Nhung là chủ sòng bạc Tuyết Nhung đường Chasseloup. Tôi thấy cậu Ba tới đó mỗi tối đưa Tuyết Nhung vô Chợ Lớn ăn cao lâu.
- Vậy tôi giao anh nhiệm vụ đi mời Ba Huy cho anh.



Công Tử Bạc Liêu

Bảy Viễn hỏi Tám Tâm:
- Anh làm cách nào đột nhập biệt thự của Ba Huy ?
Tám Tâm rất tự tin:
-Tôi có kế riêng của tôi. Xin ông Bảy may cho tôi hai bộ dỗ lớn, sắm cho tôi một cây can bịt vàng và một ngàn đồng. Khi nào tôi bắt cóc Ba Huy về đây, xin ông Bảy cho mượn chiếc xe Huê Kỳ và cả tài xế.
Bảy Viễn trố mắt nhìn Tám Tâm:
-Anh đòi điều kiện tợn kém quá. Hai bộ đồ lớn, một can bịt vàng rồi một ngàn đồng bạc mặt. Lại còn mượn xe Huê Kỳ nữa...
Tám Tâm cười:
-Không nhiều đâu ông Bảy. Ðây là ông Bảy bỏ ra con tép để nhử bắt con tôm. Công tử Bạc Liêu sẽ ủng hộ bộ đội Phú Thọ của ông Bảy bạc triệu, gấp trăm ngàn lần số tiền bỏ ra...
- Anh có thể nói cho tôi biết số tiền, một ngàn đồng anh sẽ chi như thế nào? Tiền thì tôi không tiếc, nhưng phải biết anh sử dụng cách nào...
- Tôi thích giữ bí mật kế hoạch của tôi, miễn đem lại kết quả mong muốn. Sau đó tôi sẽ báo cáo đây đú chi tiết cho ông Bảy. Sự bất ngờ sẽ càng làm cho ông Bảy thêm thích thú.
Bảy Viễn cười:
- Ðược ! Nhưng anh phải nhớ một điều. Phải làm cho được việc thì bao nhiêu tôi cũng dám chi. Còn không xong thì đừng có về đây gặp tôi. Nghe chưa ?

Ba ngày sau. Tám Tâm mặc đồ lớn, quơ can bịt vàng tôi sòng bạc Tuyết Nhung trên đường Chasseloup. Anh tự giới thiệu là điền chủ ở Cần Thơ lên Sài Gòn đổi gió. Nghe nói sòng bạc Tuyết Nhung quy tụ nhiều tay có máu mặt nên tôi thử thời vận và làm quen với dân quý phái của hòn ngọc Viễn Ðông.
Thấy bộ vó sang trọng của Tám Tâm, Tuyết Nhung chấp nhận ngay.
Vào sòng, ăn thua gì tám Tâm cũng tỏ ra hào hoa phong nhã, nổi tiếng là người lịch sự nhất trong đám có máu đỏ đen. Chơi ròng rã ba ngày đêm, Tám Tâm ngỏ ý cùng chủ sòng :
- Vài ngày nữa tôi về Cần Thơ. Tôi muốn tới sòng bạc của cậu Ba Công tử Bạc Liêu chơi vài ngày cho thỏa lòng mong ước.
Tuyết Nhung cười thật tươi:
- Cậu Ba cũng kén người chơi lắm. Nhưng ông Tám thì đủ điều kiện để cậu Ba nhận vô câu lạc bộ của cậu Ba. Ðể tôi cho địa chỉ và ám hiệu.
- Phải có ám hiệu nữa sao?
- Phải có chớ. Ðể phòng khách không mời mà đến. Nhớ đi xe hơi nghe. Xe đậu trước cổng, nhấn còi ba tiếng, hai ngắn một dài. Gác cổng sẽ hỏi ai giới thiệu, ông Tám nói Tuyết Nhung thì bảo vệ sẽ mở cỗng cho xe chạy vô sân.

Nắm được địa chỉ và ám hiệu, Tám Tâm về báo với Bảy Viễn:
- Tối nay tôi sẽ mượn xe Huê Kỳ của ông Bảy để rước công tử Bạc Liêu về đây .
Bảy Viễn nhìn Tám Tâm sang trọng trong bộ u-ve tussor màu hột gà, cà vạt đỏ, gật gù:
- Anh hẹn tôi trong vòng một tuần sẽ mời Ba Huy về đây . Nếu đêm nay anh đưa được hắn ra tới đây thì tôi sẽ trọng thưởng cho anh đã hoàn thành sứ mạng đúng thời hạn .

Ðêm ấy chiếc xe Chevrolet của Bảy Viễn đậu trước biệt thự Song Tùng.
Tài xế nhấn còi ba tiếng đúng ám hiệu. Bảo vệ chạy ra, Tám Tâm đưa danh thiếp của Tu lết Nhung, bảo vệ mở cổng xe chạy vô sân.
Ba Huy tay cầm danh thiếp của Tuyết Nhung giới thiệu vị khách sộp, bước ra tiếp khách.
Tám Tâm ngồi vào sa lông đàng hoàng mới đưa thưa mời của Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn.
Ba Huy hết hồn, nhưng sau vài giây lấy lại bình tĩnh, lên tiếng gọi:
- Bây đâu .
Tám Tám liền rút súng sáu ra chĩa vô người Ba Huy:
- Ðịnh gọi bảo vệ hả ? Không được đâu! Tốt hơn là ông nên theo tôi gặp ông Ủy viên quân sự xem có việc gì. Tôi bảo đảm đưa ông về đàng hoàng sau khi ông gặp ông Bảy.
Ba Huy đứng lên, nói:
- Tôi biết trước ông ủy viên quân sự muốn gì rồi. Ðây, ông lại đây, tôi sẽ đóng tiền nuôi quân . Ba Huy mở tủ sắt, đưa ra mấy xấp bạc toàn giấy lớn.
Tám Tâm lắc đầu:
- Cậu Ba hiểu lầm ông Bảy rồi. Ðây không phải là vụ bắt cóc tống tiền như ngày xưa đâu.
Ngày nay, ông Bảy là Ủy viên quân sự, ông Bảy mời cậu Ba tới là để bàn chuyện quốc gia đại sự. Cậu Ba khóa tủ sắt lại và đi với tôi.

Nhờ thành tích này mà Tám Tâm được Bảy Viễn tín nhiệm giao phụ trách văn phòng. Về sau anh mới biết nhờ anh mời công tử Bạc Liêu thật lịch sự mà cậu Ba vui lòng ủng hộ ba triệu đồng, một số tiền rất lớn trong lúc đó. Qua hành động này, công tử Bạc Liêu chứng minh giới đại điền chủ cũng có lòng yêu nước như các tầng lớp khác.
Nhờ nắm văn phòng, công văn mà Tám Tâm biết nhiều điều cơ mật về Bảy Viễn trước và sau ngày ta cướp chính quyền - ngày 25.8.45. Người thầy dạy chính trị cho Bảy Viễn là chính khách sa-lông Trần Văn Ân. Thuở sinh viên, Trần Văn Ân sang Pháp học Luật tại Aix-en-provence, một tỉnh ở miền Nam nước Pháp. Ðậu cử nhân Luật, Ân về nước năm 1938, gia nhập Ðảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu.
Ân hoạt dộng chính trị, có xu hướng thân Nhật nên bị Pháp bắt đày lên căng Bà Rá, nhưng không bao lâu được Nhật can thiệp buộc Pháp phải thả ra. Nhật đưa sang Singapore làm phát thanh viên cho Ðài Radio Shonan. Ân được Nhật rút về nước, ra báo Hưng Việt tuyên truyền cổ động cho Khối thịnh vượng chung Ðại Ðông Á. Chính Trần Văn Ân giới thiệu Bảy Viễn với Lâm Ngọc Ðường, Giám đốc PSE (ty Ðặc cảnh miền Ðông).

Khi lập bộ đội Phú Thọ, Bảy Viễn đóng hành dinh tại đường Hoàng Cung (tên Tây trước đó là đường Thomson).
Lúc đầu, tổng thủ quỹ của bộ đội Bảy Viễn là Maurice Thiên.
Ðến khi Tây đánh chiếm Sài Gòn ngày 23.9, Bảy Viễn rút chạy lên Cầu Xàng, Ðức Hòa. Maurice Thiên ở lại vì tự thấy không chịu kham khổ nơi đồng quê thiếu mọi tiện nghi.
Bảy Viễn ra lệnh binh sĩ không được nổ súng để bảo toàn lực lượng.
Dân trong vùng thấy bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn ôm súng chạy dài lấy làm bất mãn. Dân chỉ tiếp tế cho các bộ đội dám đánh Tây, ngăn chặn Tây vô xóm đốt gà bắt heo.
Ngay từ đầu, bộ đội Bảy Viễn đã không tạo được uy tín với đồng bào vùng ngoại thành Gò Vấp, Hốc Môn. Nhưng về y tế thuốc men thì bộ đội Bảy Viễn may mắn vớ được một số thuốc và dụng cụ y khoa của bệnh viện Chợ Rẫy. Kho thuốc và dụng cụ y khoa này do anh y tá trưởng Nguyên Văn Tư, tự Tư Cao cùng các nhân viên y tế bệnh viện lấy đưa ra ngoài cho kháng chiến: Chưa biết giao cho bộ đội nào thì gặp bộ đội Phú Thọ.
Thế là y tá trưởng Tư Cao giao hết cho Bảy Viễn.



Lực lượng Bình Xuyên

Trong những ngày đầu kháng chiến, Sài Gòn có rất nhiều đơn vị bộ đội lấy tên địa phương mình như bộ đội Thủ Thiêm, bộ đội Tân Quy, bộ đội Bà Quẹo... hoặc lấy tên người chỉ huy như bộ đội Mười Trí, bộ đội Bảy Viễn, bộ đội Ba Dương...
Trùm lên tất cả là 4 sư đoàn chính quy: Ðệ nhất sư đoàn gồm phần lớn là lính tập của Pháp để lại, chỉ huy là Kiều Công Cung, Trần Tử Oai, Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quan... Ðệ nhị sư đoàn của Vũ Tam Anh, Ðệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp và Ðệ tứ sư đoàn của Lý Huê Vinh, một người Tàu lai học khá (có bằng Thành chung).
Nhưng các sư đoàn này chỉ quen ăn diện đẹp đẽ để diễn hành qua các đường phố, khi đụng trận thì quăng súng chạy dài. Còn bộ đội dân quân thì có gì mặc nấy, chỉ có tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, nhưng lâm trận thì như gà Cao Lãnh, thà chết tại trận tiền chớ không "chạy xịt".
Dân giang hồ Bình Xuyên được đặc biệt chú ý trong các cuộc xuống đường biểu dương lực lượng. Rất nhiều nhóm lẻ tẻ từ Thủ Thiêm, Tân Thuận, Phú Xuân, Tản Quy, Chánh Hưng, Bình Ðăng, Cần Giuộc tập họp lại suy tôn Ba Dương (Dương Văn Dương) làm chỉ huy trưởng.
Mặt trận Sài Gòn được Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ kiêm ủy viên quân sự Trần Văn Giàu bố trí thành 5 mặt trận phòng thủ 5 cửa Ô ngoại thành.
Cánh Bình Xuyên được anh Sáu Giàu giao giữ khu vực từ cầu Tân Thuận tới Cầu Sập Bình Ðông, gọi là mặt trận số 4. Anh Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) từng học ở Pháp và sang Nga học Trường Ðông Phương (cũng gọi là Trường Staline những năm 1927-1930) làm ủy trưởng quân sự. Trong bộ sậu chỉ huy bộ đội Bình Xuyên, Ba Dương được chỉ định làm chỉ huy trưởng, ông Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) thầy võ ở Chánh Hưng làm chính trị viên. Các ban bộ được bố trí như sau: Ba Dương phụ trách ban do thám; Sáu Ðối phụ trách ban sưu tầm vũ khí; Ba Bang (Trương văn Bang) chủ tịch quận Cần Giuộc, phụ trách ban tiếp tế: Sáu Tùng, dân anh chị Xóm Chiếu phụ trách ban vận động ủng hộ kháng chiến.
Các nhóm bộ đội trong Mặt trận số 4 gồm: Bộ đội Ba Dương ở bến đò cầu Rạch Ðỉa; bộ đội Sáu Ðối (Trần Văn Ðối) và Sáu Thơ ở Tân Thuận; bộ đội Chín Phải (Quách Văn Phải), Tám Mao, Năm Mười Ba ở Tân Quy; bộ đội Hai Soái ở Phú Xuân, bộ đội Ðoàn Văn Ngọc và Chín Mập, Dương Văn Ðức ở Tân Thuận; bộ đội Chín Hiệp ở bến đò Tân Thanh; bộ đội Mười Ðen ở Kho Cảng Khánh Hội; bộ đội Mười Lực (Ngô Văn Lực), Bảy Môn (Võ Văn Môn), Tám Hoe (Nguyễn Văn Hoe) ở Thủ Thiêm; bộ đội Ký Huỳnh (Nguyễn Văn Huỳnh) ở Bình Ðăng; bộ đội Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) ở Chánh Hưng; bộ dội Tư Hoạnh ở cầu ông Thìn; bộ đội Ba Bang ở Cần Giuộc. Trong số các thủ lĩnh nói trên có không ít dân lục lâm thảo khấu như Tư Hoạnh, Ký Huỳnh...

Phần lớn dân anh chị kể trên đều ít nhiều quen biết với Bảy Viễn. Thế nên Bảy Viễn muốn nắm cả khối giang hồ theo kháng chiến này để nhảy lên làm lãnh tụ. Tuy nhiên xét về tài đức thì Bảy Viễn tự thấy mình kém xa Ba Dương.
Anh Ba Dương quê Bến Tre, lên Sài Gòn làm ăn từ nhỏ. Nghề chính của Ba Dương là dạy võ gần cầu Rạch Ðỉa, làng Tân Quy. Do nắm được các băng đảng làm ăn trên kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn, anh Ba kiêm luôn nghề bảo hiểm bình dân, tức là tìm lại tài sản các chủ ghe thương hồ bị đánh cướp khi có yêu cầu.
Ðôi khi Bảy Viễn để lộ ý đồ của mình thì đụng ngay phản ứng của dân Bình Xuyên. Bảy Rô trong nhóm bảo vệ anh Ba Dương cùng Năm Mười Ba và Chín Mập thường chê Bảy Viễn là "dân hào mé", tức không có dây mơ rễ má gì với dân lục lâm thảo khấu trên sông nước Nhà Bè, Cần Giuộc.
Mà đúng vậy, Bảy Viễn là dân chuyên "ăn hàng" trên bộ, đánh cướp các tiệm vàng ngoại ô, đôi khi liều lĩnh "đi hát" ngay giữa Chợ Lớn.

Trong những ngày đầu kháng chiến, Bảy Viễn chỉ lo bảo toàn lực lượng, Tây tới thì rút lui.
Trong khi đó, bộ đội Ba Dương và Tám Mạnh liên quân đánh đoàn tàu kéo trên kinh Cây Khô (làng Phước Lộc, Nhà Bè). Liên quân toàn thắng, thu một tàu kéo, một xà lan bốn ghe đầy lương thực.
Tin chiến thắng tới tai Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình.

Khu trưởng liền gửi thư khen:
"Toàn quốc nghe tin bộ đội Bình Xuyên đánh giặc dũng cảm, anh em xứng đáng là Giải phóng quân Nam Bộ. Nhân danh Bộ Chỉ huy khu, tôi gửi lời khen và số tiền ba ngàn đồng để ủy lạo anh em".
Ký tên: Nguyễn Bình.

Nhận thấy lực lượng Bình Xuyên là đơn vị lớn nhất ở miền Ðông, anh Ba Bình phái Lương Văn Trọng và Nguyễn Văn Lội làm phái viên của khu bên cạnh Ba Dương. Sự chọn lựa này rất khéo vì anh Trọng là công nhân gốc Hải Phòng vào Nam sinh sống từ đâu năm 1940. Khi kháng chiến bùng nổ, Hai Trọng gia nhập bộ đội Ba Dương và được anh Ba tin tưởng vì có trình độ văn hóa (tú tài) và chính trị. Chính Hai Trọng được anh Ba Dương phái dự hội nghị An Phú Xã (Gò Vấp) khi phái viên trung ương Nguyễn Bình mới vào Nam theo ngả Tây Nguyên. Tại hội nghị quân sự này, Nguyễn Bình tập hợp các đơn vị bộ đội lẻ tẻ lại để lập ra nhiều chi đội, đánh số từ 1 tới 25. Bộ đội của Ba Dương được tổ chức thành hai chi đội (số 2 và số 3). Về sau giao cho Năm Hà (Dương Văn Hà), em cùng cha khác mẹ với Ba Dương chỉ huy. Chỉ huy Chi đội 2 là Năm Chẳng và chỉ huy Chi đội 3 là Mười Lực (Võ Văn Lực). Nguyễn Bình rất mến Hai Trọng nên phong làm phái viên của Khu bên cạnh bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương.
Ngoài các chi đội 2 và 3, các Chi đội 4 của Mười Trí, Chi đội của cha con ông Tám Mạnh và Hai Vĩnh (Mai Văn Vĩnh), Chi đội 9 của Bảy Viễn, Chi đội 21 của Tư Hoạnh và Chi đội 25 của Tư Ty cũng là Bình Xuyên đặt dưới quyền chỉ huy của Ba Dương, 7 chi đội gọi chung là Liên khu Bình Xuyên, sau này giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong những năm đầu kháng Pháp.
Riêng Tám Tâm, nhờ chiến công bắt cóc công tử Bạc Liêu Ba Huy, lấy được ba triệu đồng ủng hộ nuôi quân, nên được Bảy Viễn phong làm Chánh văn phòng Chi đội 9. Tám Tâm có biệt tài bắn súng ngắn cả hai tay, rất thiện xạ. Trong mỗi chuyến rút lui bảo vệ thực lực, Tám Tâm bao giờ cũng đi sau cản hậu cho Bảy Viễn. Nhưng sau trận Tây tấn công Cầu Xàng, Tám Tâm mất chức Chánh văn phòng, và Bảy Viễn bước tới khúc quanh lịch sử trong đời chỉ huy quân sự.



Tướng Leclerc tới Sàigon

Ngày 5.10.45, tướng Leclerc tới Sài Gòn. Ðây là một ngày lịch sử đối với người Pháp ở thành phố lớn nhất xứ Nam Kỳ. Từ hồi Nhật đảo chính -ngày 9.3.45 -người Pháp bị Nhật tàn sát và nhốt trong trại Ong-dèm (llè Rie-régiment d lnfanterie Colonial) tức Trung đoàn II Bộ binh.
Chỉ đến lúc quân Anh - Ấn của tướng Gracey tới Sài Gòn giải giới, quân Nhật bại trận, người Pháp mới được giải thoát.
Trước khí thế của nhân dân Việt Nam vừa cướp lại chính quyền trong tay quân Nhật, người Pháp ở Sài Gòn không còn hống hách như xưa nữa. Nói theo người bình dân thì người Pháp lúc đó "như con mèo ướt". Họ khiếp vía trước các toán dân quân, tuy võ trang tầm vông vạt nhọn, dao găm mã tấu, nhưng lòng quyết tử hy sinh vì nền độc lập thì ai cũng thấy. Trong tình thế ấy, chiến hạm Triomphant chở đầy lính cập bến Sài Gòn là một nguồn tin đầy phấn khởi cho người Pháp. Kế đó là sự kiện tướng Leclerc tới Tân Sơn Nhất. Lập tức xe Jeep đưa ngay về dinh Toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất).
Tại đây hàng ngàn người đội nắng dầm mưa đón danh tướng đã giải phóng Pan kết thúc mấy năm nước Pháp bị Ðức quốc xã chiếm đóng. Ðầy chủ quan, Leclerc huênh hoang tuyên bố: "Chúng ta sẽ quét tan Việt Minh trong ba tuần lễ".
Và Leclerc bắt đầu nống ra, đánh chiếm các tỉnh miền Ðông như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, sau đó chĩa mũi nhọn về miền Tây, đánh chiếm Long An , Mỹ Tho . . .

Nhận định trước tình hình quân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh - Ấn và cả Nhật bại trận nữa, ủy viên quân sự Trần Văn Giàu cho các đơn vị võ trang lui ra ngoại ô đánh du kích. Trong thời điểm này, bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn rút về cầu Bến Phân (Gò Vấp) sau lại chạy sâu về cầu Xàng (Ðức Hòa).
Trước sức tấn công như vũ bão của đội quân viễn chinh, Bảy Viễn cho bộ đội chôn súng và giả dạng thường dân chạy "phun khói".
Giặc rút rồi, Bảy Viễn ra lệnh cho Tám Tâm đi thu nhặt súng ống chôn giấu vội vàng khi rút lui. Công việc này mất ba ngày.
Chừng trở về Tám Tâm thấy có hai người lạ trong văn phòng, Bảy Viễn giới thiệu:
- Anh Tám, đây là hai anh Tư Sang và Năm Tài do anh Tư Thiên giới thiệu với tôi. Hai anh này học cao, có khả năng giúp bộ đội Phú Thọ mình một cách đắc lực. Cho nên tôi giao cho anh Năm Tài chức trưởng văn phòng. Còn anh Tám thì vẫn giữ chức phó văn phòng như trước đây. Anh không tự ái chớ?
Tám Tâm nhìn người được giới thiệu trước khi trả lời Bảy Viễn:
- Nếu anh Bảy tìm được người có khả năng về giúp bộ đội mình thì tôi phải vui mừng chớ sao lại tự ái . Dù làm nhiệm vụ gì, tôi cũng làm hết sức mình để đưa kháng chiến mau tới thành công.
Tuy nói vậy chớ bên trong Tám Tâm ngấm ngầm điều tra về hai nhân vật được Maurice Thiên giới thiệu với Bảy Viễn.



Giày dép còn có số

Theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình, các chi đội ở miền Ðông đều tổ chức một đội công tác thành làm nhiều chức năng như thám báo, trinh sát, quyên góp tiền bạc thuốc men, ủy lạo chiến sĩ, liên lạc với các nhóm mạnh thường quân còn sinh sống trong thành. Cũng nằm trong đội công tác thành có một hoặc vài tổ chiến đấu võ trang súng ngắn và lựu đạn hoạt động ở ngoại ô và đôi khi chọc sâu vào các xóm bình dân nội thành như các chợ Bình Tây, Hòa Bình, Bàn Cờ, Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh.
Một hôm tổ trưởng báo cáo có gặp một người tên Thomas Phước, từ Côn Ðảo về, là bạn của Bảy Viễn.
Lập tức Bảy Viễn hỏi ngay: "Thomas Phước là thầy của tao ở ngoài đảo . Có lẽ ông ta về trong chuyến tàu Phú Quốc ra đảo rước tù về hồi tháng 9.45. Bây giờ ông ta ở đâu ?
- Ở Cầu Muối, đường Boresse (Ký Con).
Gặp lại Thomas Phước trong một con hẻm nhỏ đường Dumortier (Cô Bắc), Bảy Viễn rất mừng. Hai anh em hàn huyên tâm sự bên các chai bia Con Cọp.
Thomas Phước nói:
- Mừng cho chú đã chọn được một con đường đi đúng. Ngày xưa giang hồ, ngày nay chiến sĩ bưng biền. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ xin vô Chi đội 9 của chú.
- Bây giờ cũng không trễ đâu. Anh làm cố vấn cho tôi.
Thomas Phước cười :
- Chú không nên lẫn lộn thời bình với thời chiến. Thời bình thì tôi làm cố vấn cho chú được. Nhưng thời chiến, nay đây mai đó, làm sao tôi đủ sức hành quân với chú được? Bây giờ tôi kể chuyện Côn Ðảo chú nghe. Chú còn nhớ thằng Dao không? Sau khi Nhật rút khỏi Côn Ðảo, Dao giết thằng Bonifacy là tên ác ôn nhất trên đảo. Cuối tháng 8.1945 có tin Việt Minh cướp chính quyền ở Sài Gòn. Anh em nô nức chuẩn bị về đất liền. Nhưng tôi nói để anh em bớt thất vọng: nếu có tàu ra rước tù về thì người ta chỉ rước tù chính trị mà thôi. Thứ thường phạm rước về làm chi cho thêm mệt, vì anh em chứng nào tật nấy. Quả đúng như tôi nói, tàu Phú Quốc và hai mươi mấy ghe của tới vào cuối tháng chín chỉ rước chính trì phạm. Anh em thường phạm thất vọng quá, nhiều người đóng ghe để tự về, trong số này có Sơn Vương, một người ở tù lâu nhất trên đảo. Sau đó vài ngày, tàu Phú Quốc "trở ra" . Lần này vét hết cả tù chính trị lẫn thường phạm. Anh em ở lại bầu ủy ban Hành chính, Côn Ðảo. Sơn Vương đắc cử Chủ tịch... Chú thấy không, con người ta ai cũng có số. Từ tù nhảy lên làm ông chủ tịch...
Bảy Viễn gật gù:
- Giày dép còn có số, nói gì con người ? Thôi bây giờ mình nói chuyện đánh Tây. Ðại ca về đây, giữa vùng tạm chiếm nguy hiểm quá. Thế nào cũng bị bố ráp. Nếu bị bắt lại, đại ca sẽ bị tống ra đảo lần nữa, mà lần này thì có nước chôn xác nơi Hàng Keo. Hay là đại ca theo tôi .
Thomas Phước lắc đầu:
- Mình nằm đây không phải như con cua nằm trong hang chờ thiên hạ thọc gậy vô bắt đâu. Mình đang chỉ huy một nhóm cảm tử. Những vụ ném lựu dạn các quán rượu ở đây là do bọn này đó .
Bảy Viễn bắt tay Thomas Phước:
- Hoan hô đại ca. Ðại ca đúng là sư phụ của Bảy Viễn này. Ngoài đảo cũng như trên đất liền, đại ca lúc nào cũng ngon lành, nêu gương trượng phu hơn người. Thôi mình xin phép về. Nếu cần chi viện súng đạn thì cho biết, mình sẽ giúp ngay .
Một tuần sau, tin dữ bay tới Mười Trí:
- Thomas Phước bị Tây bắn chết trong một cuộc vây ráp đường Boresse. Nhóm cảm tử của Thomas Phước chiến đấu ác liệt, vừa nổ súng vừa rút qua đường Kitchener (Nguyễn Thái Học).
Hay tin này, Bảy Viễn ra lệnh Ban công tác Chi đội 9 phải đánh trả thù cho Thomas Phước ngay. Bản thân Bảy Viễn cũng tham gia và chỉ huy một cánh.
Trên đường Marchaise cũng trong vùng Cầu Muối, Bảy Viễn bắn chết tên chỉ huy tiểu đội Chà Chóp (Gurkha). Ngoài ra còn có ba tên Chà Chóp bị hạ tại chỗ. Sau đó Bảy Viễn tổ chức trọng thể lễ mặc niệm người anh trong tù và nay là liệt sĩ Thomas Phước.
Nhờ các hoạt động của ban công tác Chi đội 9 mà Bảy Viễn tạo uy tín, gỡ gạc những vụ rút chạy trước đây.
Riêng Tám Tâm thì vẫn bí mật theo dõi hành tung của hai tay "tân binh" họ Lai - tân binh nhưng chúng lại được "ăn trên ngồi trước".