Nguyên Hùng
Bảy viễn thủ lĩnh Bình xuyên


Phần 5


Ði đêm có ngày gặp ma

Sau khi vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn thức thời , trao ấn kiếm và tuyên bố một câu để đời : "Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ" .
Chính phủ Hồ Chí Minh mời cựu hoàng Bảo Ðại nay là công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng không bao lâu sau, trong một chuyến công du Trung Quốc, Bảo Ðại bay sang Hồng Kông ở luôn, không về .
Hết tiền, Bảo Ðại sẵn sàng làm công cụ chính trị cho thực dân Pháp.
Bollaert bay sang Việt Nam với giải pháp cựu hoàng Bảo Ðại để đương đầu với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Pháp đưa Bảo Ðại lên làm Quốc trưởng lập chính phủ trung ương, đưa đại tá Nguyễn Văn Xuân lên làm Thủ tướng. Song song với bộ máy hành chính, thực dân lập những chiến khu quốc gia ngay trong vùng Việt Minh, kêu gọi các chiến sĩ kháng chiến trở về với chính phủ quốc gia do cựu hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng.

Một trong những chiến khu quốc gia đầu tiên là chiến khu quốc gia Bình Quới Tây (nay là Bình Thạnh).
Tinh báo của ta đã gửi báo cáo về chủ trương mới của thực dân, nhằm chia rẽ nội bộ Việt Minh, tách rời những người có tư tưởng quốc gia khỏi sự lãnh đạo của Mật trận Việt Minh.
Trung tướng Nguyễn Bình cho người về Bình Quới Tây nghiên cứu tình hình.

Giữa năm 1947, địch đưa lính Cao Ðài về đóng đồn tại Bình Quới Tây.
Ðịch chọn nơi đây vì Bình Quới Tây như một bán đảo nằm dọc sông Sài Gòn uốn khúc quanh co khi chảy qua khỏi cầu Bình Lợi .
Trước đây Chính phủ Lê Văn Hoạch đã đưa những phần tử mất tinh thần, bỏ ngũ ra thành đầu hàng địch.
Chúng dùng những người này làm "cò mồi" len lỏi vào vùng tự do, xuyên tạc kháng chiến, gây bất mản và lôi kéo những người lừng khừng về chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.

Nắm được tình hình, Khu giao Chi đội 1 chọn người cài vô Ban Chỉ huy chiến khu quốc gia này.
Ðây là đơn vị của Cao Ðài Tây Ninh nên ta phải chọn người có liên hệ mật thiết với Cao Ðài.
Người được chọn là anh Hoàng Của.
Ðịch đánh giá Hoàng Của "ngon lành" nên phong chức tham mưu trưởng.
Hoàng Của đưa "bộ đội Cao Ðài" của anh cỡ một đại đội vào. Phải mất nửa năm mới xây dựng được lực lượng "chém vè" của ta trong chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.
Khi thấy đã "chín muồi", ta bắt đầu "đại phá" vào hai giờ chiều ngày 10 12.1947.
Vẫn "mánh" cổ điển, tổ chức đá banh giữa hai đội láng giềng.
Trong khi đôi bên vào giữa trận, ta nổ súng lệnh, chụp bắt các phần tử nguy hiểm. Các kho đạn đã được bố trí người chiếm lấy súng phát cho bộ đội của mình. Năm sĩ quan địch bị bắn chết tại chỗ. Ðội quân "nằm vùng" thu gọn chiến lợi phẩm cả kho, vượt sông Sài Gòn, đã có bộ đội đón sẵn mà chỉ huy là anh Lương Ðường Minh (sau là Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh binh chủng đặc công biệt động thành phố Sài Gòn).

Song song với chiến khu quốc gia Bình Quới Tây, địch tiếp xúc Bảy Viễn lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Theo trung tá Phòng nhì Antoine Savani, một tên cáo già gốc ở đảo Corse, từng là tay đánh cướp khét tiếng, cưới vợ Nam Kỳ, ăn được mắm sống, nói tiếng Việt rành như người Việt thì chiến khu quốc gia Rừng Sác quan trọng gấp mười lần chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.
Về vị trí chiến lược, Rừng Sác là yết hầu của Sài Gòn. Thứ hai, Rừng Sác là căn cứ Bình Xuyên, thiện chiến hơn quân đội Cao Ðài. Nắm được Bảy Viễn thì biến căn cứ Rừng Sác thành chiến khu quốc gia số 1 của nước Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Ðại.
Theo thủ tục hành chính, Savani truyền lệnh cho Lâm Ngọc Ðường.
Ðường lại chuyển tới Maurice Thiên.
Tư Thiên đích thân xuống Rừng Sác to nhỏ chuyện cơ mật với lãnh chúa Rừng Sác .
Chuyện không lạ vì trước đó "quân sư" Năm Tài đã gợi ý cho Bảy Viễn "án binh bất động" đứng giữa hai bên Pháp và Việt Minh mà vẫn được Pháp tiếp tế súng đạn và nhu yếu phẩm...
Maurice Thiên trình bày nội dung hiệp ước Phòng Nhì định ký với Bảy Viễn: Chi đội 9 "án binh bất động" không đánh các tàu Pháp từ Vũng Tàu vô Sài Gòn và từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Ðồng thời không đánh các tàu vận tải Pháp từ Sài Gòn qua Nam Vang và từ Nam Vang xuống Sài Gòn.
Pháp sẽ không hành quân đánh vô Rừng Sác suốt thời gian hiệp ước có hiệu lực. Ngoài ra Pháp sẽ chu cấp súng đạn, nhu yếu phẩm cho Chi đội 9 theo yêu cầu.
Bảy Viễn suy nghĩ lung lắm về ba điều khoản trong hiệp ước. Riêng về Chi đội 9 thì dễ thôi. Nhưng Rừng Sác với hai con sông lớn là sông Lòng Tàu và Soài Rạp có rất nhiều bộ đội đóng quân.
Như Lý Nhơn có bộ đội Gò Công chạy sang đóng nhờ, Chi đội 7 của Hai Vĩnh, bộ đội Tư Hoạnh. Nếu đám này mà đâm hứng phục kích tàu Tây hay tàu hàng thì ăn làm sao nói làm sao với trùm Savani đây ?
Maurice Thiên liền trấn an Bảy Viễn:
- Chuyện ai nấy lo. Phần Chi đội 9 của anh kể như xong, còn các chi đội khác sẽ tính sau. Nếu xảy ra bất ngờ thì tôi sẽ nói rõ đó là chuyện ngoài ý muốn của Bảy Viễn .
Thế là Bảy Viễn đã âm thầm "đi đêm" với Phòng Nhì qua trung gian người bạn chí thân là Maurice Thiên.
Nhưng đi đêm có ngày gặp ma.
Khu đã nhận được tin tối mật này, dù Bảy Viễn giữ bí mật tuyệt đối .



Kế mọn

Trung tướng Nguyễn Bình mời Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ kiêm Trưởng ty Công An Ðặc khu Sài Gòn -Chợ Lớn Cao Ðăng Chiếm (bí danh lúc bấy giờ là Sáu Hoàng) bàn kế hoạch đối phó.
Sáu Hoàng góp ý:
- Chưa nắm chắc bằng chứng, công an không thể bắt bớ. Tốt nhất là lặng lẽ theo dỏi...
Nguyễn Bình nóng nảy:
- Theo dỏi đến bao giờ? Làm gấp gấp đi?
Sáu Hoàng cười:
- Nhà binh thì "tốc chiến tốc quyết", còn bên công an thì tuần tự nhi tiến, dục tốc bất đạt . Tôi có kế mọn này để tiện bề theo dỏi Bảy Viễn.
- Kế mọn ra sao ?
Bảy Viễn với Mười Trí là cặp bài trùng, từng "đi hát", từng nằm Khám lớn Sài Gòn, từng đi đày Côn Ðảo, từng vượt ngục... Do đó tôi đề nghị đưa Mười Trí - hiện là chỉ huy Chi đội 4 - lên chức đại biểu Liên khu Bình Xuyên trong ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh Mười Trí là người tốt. Ta nắm được Mười Trí là nắm được Bảy Viễn.
Nguyễn Bình gật gù:
- Hay! Kế hay đấy? Nhưng phải bàn với quyền Chủ tịch UBKCHC Nam Bộ Phạm Ngọc Thuần. Tôi chỉ phụ trách về quân sự .
Sáu Hoàng được Nguyễn Bình "bật đèn xanh", tiến hành ngay.
Ngày 2.2.48, một hội nghị bất thường giữa các chỉ huy Liên khu Bình Xuyên và giáo sư Ðặng Minh Trứ, Chủ tịch UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn nhóm với sự tham gia của Ủy viên phụ trách dân quân Nguyễn Hộ và Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ Cao Ðăng Chiếm. Tham gia hội nghị có Lê Văn Viễn, Khu phó khu 7; Dương Văn Hà, Tư lệnh Liên khu Bình Xuyên; Trần Văn Ðối, Phó tư lệnh Liên khu Bình Xuyên; Huỳnh Văn Trí, Chỉ huy Chi đội 4, Lâm Văn Ðức tức Tư Ty chỉ huy Chi đội 25; Nguyễn Văn Hoạnh (Tư Hoạnh) chỉ huy Chi đội 21, Lê Văn Chàng, chỉ huy Chi đội 2 và Ngô Tấn Lực, chỉ huy Chi đội 3.

Bảy Viễn chủ tọa cuộc họp, Nguyễn Hộ làm thư ký.
GS Ðặng Minh Trứ trình bày mục đích, yêu cầu của cuộc họp: cử một đại diện Liên khu Bình Xuyên vô UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn theo Nghị định số 8-NÐ của Nam Bộ để dễ làm việc.
Ða số đồng ý và Bảy Viễn giới thiệu Mười Trí ứng cử đại diện cho Liên khu Bình Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn. Kết quả, Mười Trí được 25 lá thăm trong số 28 thành viên có mặt tại hội nghị.
Bảy Viễn phấn khởi tuyên bố:
- Nay đã có đại diện Liên khu Bình Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Ta có thể giải quyết mọi vấn đê lủng củng, nhất là về vấn đề thu thuế. Trước đây chúng ta giẫm chân nhau - dân thương hồ khổ sở mà chúng ta cũng đã có những vụ chạm súng đáng tiếc. Tôi hy vọng trong tình thế mới này, Ban Tiêu dùng Sản vật Nam bộ hoạt động đắc lực hơn đã giúp chính phủ có đủ tiền cung cấp cho quân đội toàn Nam Bộ .
Cũng trong cuộc họp này, GS Ðặng Minh Trứ lặp lại điều mong muốn của UBKCHC Nam Bộ là Khu bộ phó Lê Văn Viễn nên về họp đại hội tại Nam Bộ vì từ ngày lên chức Khu bộ phó, ông Bảy chưa có lần nào về họp Bộ Tư lệnh Khu.
Bảy Viễn vui vẻ hứa sẽ về Ðồng Tháp Mười một lần cho biết căn cứ đầu não của kháng chiến Nam Bộ:
- Một ngày nào đó, tôi sẽ xuống Nam Bộ theo thư mời của Ban Thường vụ Nam Bộ để giải quyết dứt khoát về hệ thống làm việc của Liên khu Bình Xuyên và những chuyện hiểu lầm giữa Khu trưởng Nguyễn Bình và Khu phó Bảy Viễn .
Cuộc họp kết thúc trong không khí tin tưởng nhau, trong tinh đoàn kết kháng chiến.
Người vui mừng nhất là Sáu Hoàng. Kế mọn của anh đã hoàn thành tốt đẹp: đưa Mười Trí vô UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn để dễ nắm Bảy Viễn.
Bước thứ hai là tiếp cận Mười Trí, tìm cách phá vỡ nghi vấn "đi đêm" của Bảy Viễn.

Ðây là một cuộc đấu trí ác liệt giữa Sở Công an Nam bộ và tên trùm Phòng nhi Antoine Savani - một tên cáo già đảo Corse, cưới vợ Việt Nam, ăn được mắm sống và nói tiếng Việt không thua người Việt.
Trong bàn tay phù thủy của Savani, Bảy Viễn chỉ là một con chốt.
Tuy bất tài vô đức, nhưng ngày nay Bảy Viễn đã giữ cương vị chỉ huy Chi đội 9 kiêm Khu bộ phó khu 7, khó có thể hạ bệ lãnh chúa Rừng Sác.
Thượng sách là mượn tay trùm Phòng Nhì làm nhục Bảy Viễn .
Chuyện đó, Sáu Hoàng ngày đêm nghiền ngẫm và hy vọng Mười Trí sẽ tiếp tay với mình.



Nhất cử tam tứ tiện

Sáu Hoàng đang suy nghĩ cánh ngăn chặn ý đồ "đi hàng hai" của Bảy Viễn thì dịp may đến:
- Mười Trí tới nhờ Công an Nam bộ cấp cho mấy giấy phép đi đường từ Quân khu Ðông Thành (Ðức Hòa -Ðức Huệ) xuống Long Xuyên.
- Chúng tôi muốn phục kích tàu Thanh Vân lấy súng. Tàu có một khẩu cà nông 20 ly, hai F.M (trung liên), hai mi (tiểu liên) và một chục súng mút (súng trường). Tàu Thanh Vân chở hành khách tuyến đường Nam Vang về Sài Gòn, lại có giòng ghe chài chở gạo, ngũ cốc, trâu bò heo...
Sáu Hoàng cười:
- Anh cần bao nhiêu giấy phép ? Sao lại phải xuống Long Xuyên?
Mười Trí nói nhỏ tuy chỉ có hai người:
- Mình cho thằng Hai Bạc là tổ trưởng trinh sát Chi đội 4 của mình với mấy thằng lính về cù lao ông Hổ (Mỹ Hòa An), giả làm hành khách lên tàu tại bến Long Xuyên. Có điều -nghiên -phản -tổng như vậy mình mới biết trên tàu là bao nhiêu lính, mấy thằng Tây, giờ giấc ăn ngủ, bao giờ tới nơi mình phục kích...
Sáu Hoàng:
- Anh yên chí lớn đi. Tôi sẽ cấp giấy phép cho tổ trinh sát Hai Bạc, đồng thời cấp luôn giấy laissez - passer của Tây nữa. Ðụng Tây, có bùa Tây; gặp ta có bùa ta. Nhưng anh Mười định phục kích tàu nầy ở đâu vậy ?
Mười Trí:
- Vàm Phong Mỹ. Từ đó mình chở cây cà nông với mớ súng nhỏ đi vài giờ là vô khu Ba Sao, Cái Bèo của mình.
Sáu Hoàng ngạc nhiên:
- Sao anh Mười chỉ lấy súng mà bỏ qua mấy chục chiếc ghe chài trâu bò, heo, gạo ? Uổng quá !
Mười Trí giật mình:
- Uổng thiệt! Bộ đội đang đói. Tại mình ham súng lớn. Vậy thì phải chuẩn bị thêm ghe xuồng để lấy gạo, ngũ cốc, heo bò...
Sáu Hoàng kéo anh Mười lại bản đồ treo trên vách lá:
- Ðịa điểm phục kích của anh Mười không thuận tiện cho việc rút quân. Con kênh Nguyễn Văn Tiếp thẳng băng. Máy bay nó lên bỏ bom, bắn đại liên là chết hết. Anh Mười nên suy nghĩ thêm về địa điểm sao cho thuận lợi lúc đánh cũng như lúc rút. Và đừng quên số chiến lợi phẩm khổng lồ ngoài cây cà nông 20 ly của anh.

Ðêm đó Sáu Hoàng thao thức tìm địa điểm phục binh cho Chi đội 4. Chừng gà gáy nửa đêm thì anh bật ra ý kiến bằng vàng; tại sao không thuyết phục Mười Trí đánh tàu Thanh Vân ngay trên sông Soài Rạp, trong vùng kiểm soát của Chi đội 9? Nhất cử tam tứ tiện: vừa an toàn về quân sự vừa thắng lợi về chính trị, phá được liên minh ma quỷ giữa Savani và Bảy Viễn.
Ðầu hôm không ngủ được vì suy nghĩ tìm địa điểm phục kích giúp Mười Trí, nửa đêm về sáng cũng không ngủ được vì vui mừng đã tìm ra "kế mọn" phá thế "đi đêm" của Bảy Viễn, vậy mà sáng hôm sau Sáu Hoàng tỉnh như sáo khi anh Mười tới:
Theo lời khuyên của anh Sáu, tôi chọn được nơi phục kích mới là vàm sông Kỳ Hôn...
Sáu Hoàng kéo anh Mười tới bản đồ:
- Chỗ này cũng bất tiện cho việc rút lui. Ghe ta chèo làm sao nhanh hơn máy bay Spitfire (khạc lửa) ? Coi chừng thương vong nặng đó.
Mười Trí thở dài:
- Vậy theo anh Sáu thì đánh ở đâu?
Sáu Hoàng dán mắt vào bản đồ, làm ra vẻ suy nghĩ dữ lắm rồi vỗ tay cái bép, như khoái chí phát hiện điều hay ho:
- Anh Mười ơi ! Tại sao ta lại không phục binh trên sông Soài Rạp ? Chỗ này là vùng của Bình Xuyên. Rừng Sác um tùm. Ðánh tàu xong, cắt dây đói cho ghe chài tấp vô mấy cái rạch nhỏ là xong ngay. Máy bay trinh sát L.19 cũng khó mò ra.
Mười Trí "à" một tiếng hả hê:
- Anh Sáu tài quá ! Ðánh tàu Thanh Vân ở Vàm Sáu nầy thì ăn chắc. Ðể mình xuống Tất Cây Mắm bàn chuyện liên quân với Bảy Viễn. Hai đứa mà bắt tay đánh trận nầy thì cờ khai đắc thắng, mã đáo thành công.
Sáu Hoàng cười:
- Liên quân cái gì ? Tôi nghĩ một mình Chi đội 4 của anh cũng nắm phần chắc rồi. Cho một bán đội giả làm hành khách rồi thừa lúc chúng ăn cơm là lia tiểu liên diệt gọn. Anh Mười chỉ cần mượn bãi của Bảy Viễn để thu đoạt chiến lợi phẩm thôi .
Mười Trí gật lia:
- Ðúng là mình chủ động toàn bộ. Nhưng hỏi mượn bãi của Bảy Viễn thì e anh ta tự ái . Cho nên mình dùng chữ liên quân cho đẹp dạ anh em.

Khi Mười Trí sửa soạn xuống rừng Sác, anh Sáu bắt tay động viên:
- Tuy anh Mười là bạn nối khố với Bảy Viễn, tôi nghĩ anh Mười sẽ gặp khó khăn trong việc đề nghị liên quân đánh tàu Thanh Vân.
Mười Trí trợn mắt:
- Sao lại gặp khó khăn? Cỗ tôi dọn sẵn, ngu sao nó không ăn?
Sáu Hoàng xa xôi :
- Anh quên rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh sao? Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ba năm nay Bảy Viễn đã trở thành lãnh chúa rừng Sác có đánh đấm gì ra trò ? Tâm lý anh ta là muốn ngồi mát ăn bát vàng. Tôi chỉ nói theo chủ quan của tôi, chưa biết đúng hay sai. Anh Mười nên lựa lời mà nói cho được việc. Thuyết phục được Bảy Viễn chịu cho anh mượn bãi Vàm Sác để "làm thịt" tàu Thanh Vân không dễ đâu. Nhưng tôi tin tưởng anh Mười sẽ thành công.



Án binh bất động

Tàu Thanh Vân đã bị liên quân Chi đội 4 -Chi đội 9 phục kích tại Vàm Sác đúng theo kế hoạch của Mười Trí.
Tàu đến Vàm Sác vào xế chiều. Bán đội trinh sát của Hai Bạc đồng loạt leo lên tầng trên nổ súng tấn công.
Tên quan hai thủ súng đại bác 20 ly đang nằm trong ca bin với con bồ người Việt toi mạng ngay sau loạt đạn đầu. Hai tên thủ trung liên F.M cũng bị diệt gọn. Do bị bất ngờ, tiểu đội lính Miên trên tàu buông súng đầu hàng.
Hai Bạc chỉ huy tài công cặp sát mé rừng, cứ tới một cái rạch nhỏ là cho một ghe chài tấp vô để bộ đội và dân chúng thu chiến lợi phẩm.
Gạo chứa cả kho. Trâu, bò, heo quá nhiều, phải giăng dây giữ ngoài đồng, những món mà Bảy Viễn khoái nhất là xa xỉ phẩm. .
Riêng Mười Trí thì toại nguyện: chiếm khẩu cà nông 20 ly và hai trung liên F.M. Còn gạo, heo, bò... Mười Trí giao Bảy Viễn chia đều cho các chi đội trong Liên khu Bình Xuyên và tiếp tế một phần cho bộ đội địa phương Gò Công đóng nhờ trên đất Lý Nhơn.

Trở về Quân khu Ðông Thành, anh Mười kể chuyện thuyết phục Bảy Viễn cho mượn bãi Vàm Sác .
Thoạt tiên Bảy Viễn giẫy nẩy:
- Không được ! Không được? Lâu nay mình thỏa thuận ngầm với Tây . Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh. Nay anh đánh tàu Thanh Vân của nó trên đất tôi thì anh hạ i tôi rồi !
Sáu Hoàng gật gù nghĩ thầm:
- Tình báo ta không sai. Rõ ràng Bảy Viễn "đi đêm" với Tây.
Anh hỏi:
- Anh Mười nói thế nào mà Bảy Viễn chịu liên quân?
Tôi nói:
- Mầy cứ đổ cho tao - Mười Trí - đánh mà không cho mầy biết. Chớ biết thì đời nào mầy chịu ! Với Tây, nói vậy là xong. Còn với ta thì cái lợi lớn lắm. Lâu nay Chi đội 9 không có chiến công nào. Nay có chiến thắng Vàm Sác, chiếm trọn tàu Thanh Vân có đại bác 20 ly, lại thêm hai chục ghe chài gạo, heo, bò, chia nhau ăn cả năm không hết.
Sáu Hoàng bắt tay khen ngợi anh Mười đã thực hiện "kế mọn" của mình mà không hề hay biết.
Vài ngày sau, tình báo cho biết Trung tá savani gần như chết điếng trước việc Bảy Viễn vi phạm thỏa ước án binh bất động.
Lập tức quân đội Pháp tổ chức hành quân cấp tốc vô Rừng Sác để chiếm lại tàu Thanh Vân và giải thoát cho số hành khách bị bắt làm con tin.
Riêng Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên bị Savani đập bàn sỉ vả:
- Tại sao hai ông không kèm sát Bảy Viễn để nó nuốt lời hứa với tôi ? Ðúng là quân trộm cướp, không thể tin tưởng được!
Hai quân sư của Bảy Viễn đều lải nhải theo lập luận của Mười Trí:
- Ðây là hành động đơn phương của Mười Trí, chỉ huy Chi đội 4. Chúng mượn bãi Vàm Sác làm đia điểm phục kích. Bảy Viễn không hề hay biết, nói gì chuyện liên quân ? Xin trung tá bớt giận để chúng tôi uốn nắn Bảy Viễn, không để xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy .

Giữa lúc đó, Hai Dậu, Trưởng ban Văn nghệ Chi dội 9, nhận được một kịch bản của Năm Tài trao cho.
- Ðây là vở kịch anh Tư Sang và tôi viết để Tết này diễn cho anh em xem giải buồn. Anh Hai xem trước rồi phân vai cho các diễn viên.
Hai Dậu là thầy đờn, không rành về kịch nhưng ông Năm giao thì phải nhận. "Trên ông Bảy, dưới ông Năm".

Hai Dậu đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt vở kịch, vẫn không hiểu nó hay ở chỗ nào.
Anh ta lén trao kịch bản cho Tám Tâm là Phó văn phòng Chi đội 9.
Ðọc xong, Tám Tâm hỏi ngược lại Hai Dậu:
- Anh là Trưởng ban Văn nghệ chi đội. Anh nghĩ thế nào về vở kịch này?
Hai Dậu lắc đầu:
- Tôi không hiểu gì hết ? Mình là bộ đội Cụ Hồ mà vở kịch này lại ca ngợi Cựu hoàng Bảo Ðại.
Tám Tâm cười bí hiểm:
- Anh Hai tính sao? Diễn hay không diễn?
Hai Dậu thở ra:
- Ông Năm ra lệnh Tết này phải diễn cho anh em xem giải trí. Tôi thấy khó quá ?
Tám Tâm nói lấp lửng:
- Diễn cũng khó mà không diễn cũng khó. Tùy anh chọn lựa.
Hai Dậu suy tư khá lâu:
- Diễn thì được lòng ông Năm, nhưng... sợ sai phạm đường lối Việt Minh. Hay hơn hết là "dục hưỡn cầu mưu " .
Tám Tâm bắt tay Hai Dậu:
- Hay! Khen anh Hai tìm được diệu kế "án binh bất động".

Năm Tài gặp Hai Dậu mỗi ngày và thúc hối dàn dựng vở kịch. Hai Dậu đề nghị giao cho Sáu Hiếu, người thân tín của Bảy Viễn vừa được đưa lên thay Hai Dậu.
Ông Năm giao vở kịch này cho anh Sáu Hiếu thì hơn. Tôi nay chỉ là trưởng tổ nhạc. Nói thật, về kịch, tôi kém lắm.
Năm Tài cau mày:
- Sáu Hiếu mà biết cái đách gì về nghệ thuật ? Ông Bảy đặt nó lên để kiểm soát mấy anh. Tôi đã tín nhiệm anh. Anh không được "bán cái" cho người khác .
Năm Tài bực lắm, hăm he liền miệng, nhưng vở kịch không diễn được. Hắn ta đâu biết nhờ vở kịch đó mà ta biết được Bảy Viễn ngả theo Cựu hoàng Bảo Ðại.



Bí mật chết người

Chi đội trưởng Chi đội 7 Hai Vĩnh đang họp với Khu trưởng Nguyễn Bình thì được điện khẩn của Trịnh Văn Tài, chi đội phó Chi đội 7, báo tin vừa bắt được Phán Huề.
Hai Vĩnh liền trình bày sự kiện quan trọng này cho Nguyễn Bình:
- Phán Huề nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Bà Rịa khi ta cướp chính quyền ngày 25.8.45. Tên ông ta là Lê Văn Huề, thời Pháp thuộc là thư ký hành chính ngoại ngạch (seerétaire d administration hors - classe) tại dinh Phó soái Sài Gòn (tức dinh Thống đốc Nam Kỳ). Năm 1945, Phán Huề về hưu và được tín nhiệm giao chức chủ tịch tỉnh. Khi Tây đánh chiếm Bà Rịa vào tháng 10.45, các cơ quan tỉnh dời về vùng Phước Bửu, Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Phán Huề đề nghị cho ông nghỉ việc để lên núi Dinh tu hành. Ông là người theo đạo Cao Ðài. Sau đó nghe tin ông bị Tây bắt đưa về thành. Nay không hiểu sao ông lại bí mật vào khu và bị Chi đội 7 bắt ở vùng Phước Hòa.
Khu trưởng Nguyễn Bình đã nhận được nhiều tin tình báo cho biết địch bí mật cho người kháng chiến cũ vô khu kêu gọi anh em trở về với chính phủ quốc gia do Bảo Ðại làm Quốc trưởng.
Nghi đây là người của chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bình cùng đi với Hai Vĩnh về Bà Rịa để điều tra.
Hai Vĩnh bàn kế với Nguyễn Bình:
- Anh Ba nên để một mình tôi tiếp xúc với Phán Huề. Nếu đúng y là người của địch thì tôi sẽ đóng vai chiến sĩ bất mãn về nạn độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, sẵn sàng kéo quân về thành, ủng hộ chính phủ quốc gia của cựu hoàng, nay là Quốc trưởng Bảo Ðại. Ðể màn kịch xúc tiến êm thắm, anh Ba chớ cho Phán Huề thấy mặt tại Chi đội 7.
Nguyễn Bình gật gù:
- Kế của anh hay. Làm sao cho Phán Huề tin anh mà khai hết những ai đã hưởng ứng lời dụ dỗ của hắn, trong đó biết đâu có Bảy Viễn?

Vừa về tới nơi, Hai Vĩnh khiển trách Trịnh Văn Tài trước mặt Phán Huề :
- Ðây là khách quý của chúng ta. Tôi xin lỗi ông chủ tịch về sự đối xử không được lịch sự của anh chi đội phó. Chiều nay, tôi và ông chủ tịch vừa ăn cơm vừa bàn chuyện quan trọng.
Trong lúc thưởng thức vịt áp chảo nhậu rượu chát, Hai Vĩnh mở lời:
- Tôi chưa biết ông chủ tịch vô đây tìm chúng tôi về việc gì, nhưng tôi xin nói trước là tôi cũng như đa số anh em chiến sĩ gốc giang hồ rất khó chịu về nạn độc quyền yêu nước của Việt Minh. Nghe nói có một số anh em có tinh thần quốc gia đã chán ngấy cuộc sống gian khổ và thiếu tự do trong khu. Nếu có ai phát pháo đề cờ thì anh em chúng tôi theo ngay.
Phán Huề cảnh giác:
- Tôi không ngờ một vị chỉ huy có công trận như ông chi đội trưởng lại nói như vậy! Tôi không dám tin.
Hai Vĩnh nghiêm nét mặt nói:
- Ông chủ tịch không tin? Tôi sẽ viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngỏ ý muốn kéo quân về thành ủng hộ chính phủ quốc gia của Quốc trưởng Bảo Ðại, với điều kiện là Thủ tướng Xuân phải dành cho chúng tôi một nơi đóng quân riêng biệt.
Nghe tới đây, Phán Huề tươi tỉnh hẳn:
- Tôi rất vui mừng được nghe những lời gan ruột của ông. Thú thật với ông là tôi vô đây tìm người đồng tâm đồng chí. Tôi đã gặp một số chiến hữu quốc gia hưởng ứng. Tôi đã được ông Lai Hữu Tài, cố vấn của Khu bộ phó Bảy Viễn tiếp đón và hứa hẹn sẽ nói lại với ngài Khu bộ phó...
Nói tới đây, Phán Huề móc túi lấy mẫu giấy đã in sẵn trao cho Hai Vĩnh.
Hai Vĩnh lấy giấy mực ra viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân theo mẫu đã in. Anh trao cho Phán Huề xem rồi ký tên, đóng dấu. Ðêm đó Phán Huề yên tâm ngủ ngon, không hề biết mình đã tự tiết lộ bí mật chết người. Phán Huề ngủ rồi, Hai Vĩnh ngồi viết lại lá thư khi nãy, trao cho Nguyễn Bình biết là mình đã viết thư giả cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân để lừa Phán Huề vào tròng.

Sáng hôm sau, Nguyễn Bình mới "xuất đầu lộ diện".
Phán Huề tái mặt khi nghe Khu trưởng nói:
- Anh Lê Văn Huề. Anh đã bị bắt về tội bí mật vô khu rủ rê anh em binh sĩ bỏ ngũ trở về thành theo chính phủ bù nhìn Bảo Ðại. Thật đáng tiếc một người tu hành như anh lại chọn con đường phản dân hại nước. Ðể chứng tỏ lòng ăn năn hối hận, anh nên khai những người anh đã dụ dỗ để giúp cách mạng tránh được tổn thất lớn lao. Sanh mạng của anh tùy thuộc nơi lòng thành khẩn của anh .
Phán Huề cặm cụi trước trang giấy trắng trước mặt.
Trong danh sách những người dao động có cố vấn của Bảy Viễn là Lai Hữu Tài.
Trên đường giải Phán Huề về Nam Bộ để đưa ra tòa án tối cao, Nguyễn Bình nói với Hai Vĩnh:
- Từ một năm nay, tình báo ta cho biết Phòng Nhì ráo riết nắm Bảy Viễn, trước nhất là ký kết nhẹ nhàng như án binh bất động dể dần dần tiến tới lập chiến khu quốc gia, biến Rừng Sác thành căn cứ của địch. Thực dân khôn khéo "chơi chữ", không gọi là "đầu hàng", "theo Tây" mà là "trở về với chính nghĩa quốc gia", "đi theo Thế giới Tự do". Do vậy, nhiều người cạn suy mắc bẫy.
Vấn đề Bảy Viễn, ta phải khéo léo giải quyết. Nếu nóng vội, sẽ đổ máu vô ích và thất lợi lớn cho kháng chiến .



Thuyết khách

Ðã nắm tương đối đầy đủ bằng chứng về việc Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì, Trung tướng Nguyễn Bình -bấy giờ được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính (UBKH-HC) Nam Bộ - họp thường vụ Nam bộ bàn giải quyết vấn đề Bảy Viễn.
Trước các ủy viên trong UBKC-HC Nam bộ, Trung tướng Nguyễn Bình trình bày những tin tình báo về việc Bảy Viễn liên hệ chặt chẽ với Phòng Nhì. Ông gút lại:
- Lâu nay ông Khu bộ phó Lê Văn Viễn tránh né không về họp cho nên hai bên không hiểu nhau. Nay tôi có sáng kiến này: Tôi vừa được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, chức Khu trưởng Khu 7 bõ trống. Tôi đề nghị ta đưa ông Bảy Viễn lên chức Khu bộ trưởng. Khi nhậm chức, ông ta phải về Nam Bộ. Ðó là cách hay nhất để chúng ta gặp nhau, giải quyết những mối bất đồng âm ỉ lâu nay.
Mọi người yêu tán đồng ý đó. Quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần thảo quyết định phong Bảy Viễn chức Khu trưởng khu 7.
Ðiện đánh đi mấy ngày mà không thấy Bảy Viễn hồi âm. Sau đó, tình báo cho biết Bảy Viễn được tin vui mà không mừng như năm trước; lúc được phong Khu bộ phó. Thì ra hai tên Tư Sang và Năm Tài cho biết đây là kế "điệu hổ ly sơn", kéo ngài Khu bộ phó ra khỏi giang sơn Rừng Sác.
Bản thân Bảy Viễn cũng lờ mờ hiểu như vậy. Ðúng ra kế "dụ cọp về đồng" quá lộ liễu, ai cũng có thể thấy được. Làm sao đây? Ðưa Tám Nghệ lên làm Khu trưởng thì quá hợp lý - vì Tám Nghệ chiến công vang lừng, hơn xa Bảy Viễn -và nhất là Tám Nghệ vốn là đảng viên. Nhưng không lẽ bỏ rơi Bảy Viễn.

Quan điểm của lãnh đạo Nam bộ là "còn nước còn tát". Bảy Viễn chưa đến nỗi tồi tệ như tư lệnh Ðệ tam Sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp hay đám Vũ Tam Anh, Bùi Liễu Phiệt. Ta nên giúp đỡ lôi kéo, tránh sự sa ngã đáng tiếc.
Chính ủy Hai Trí (Nguyễn Văn Trí) chỉ Tám Nghệ nói:
- Bảy Viễn là dân giang hồ, quen thói anh hùng cá nhân, cần phải khích tướng mới xong.
Anh Tám Nghệ không phải dân giang hồ, nhưng lại là một hảo hớn khét tiếng miền Ðông. Tôi đề nghị anh Tám xuống Rừng Sác làm thuyết khách.
Nguyễn Bình gật gù:
- Anh Tám đã xuống dự lễ tấn phong Khu bộ phó của Bảy Viễn. Nay xuống lần nữa xem sao?
Tám Nghệ đắn đo:
- Năm trước tôi có xuống Rừng Sác, nhưng ngày đó Bảy Viễn chưa sanh tâm phản bội kháng chiến. Nay xuống chắc là không êm thắm như trước.
Hai Trí chụp ngang:
- Anh Tám muốn đem theo bao nhiêu hộ vệ quân ? Một trung đội hay một đại đội ?
Tám Nghệ cười:
- Một chi đội mạnh như chi đội 10 của tôi cũng chẳng thấm vào đâu; Bảy Viễn có cả Liên khu Bình Xuyên gồm bảy chi đội. Không? Tôi không lấy một cận vệ nào hết.
Nghe Tám Nghệ nói, biết anh đồng ý xuống tổng hành dinh Khu phó Bảy Viễn thuyết phục lãnh chúa Bình Xuyên về Nam bộ lãnh chức Khu trưởng Khu 7, ai nấy đều mừng. Nguyễn Bình bắt tay, siết chặt:
-Xin chúc anh Tám thành công và hy vọng sẽ gặp lại anh Tám với Bảy Viễn tại lễ tấn phong Khu trưởng Lê Văn Viễn tại dòng kinh Nhơn Hòa Lập.
Tám Nghệ "đơn thương độc mã" đi từ Lạc An xuống Bàu Bông xã Phước An, từ đó đi ghe mui ống tới Tất Cây Mắm gặp Bảy Viễn.
Huyện đội trưởng Long Thành Phạm Tự Do lo lắng hỏi:
- Anh Tám đi có một mình sao? Ðể tôi cho một tiểu đội hộ tống.
Tám Nghệ khoát tay:
- Cám ơn anh. Một tiểu đội không đủ đâu. Tôi đi một mình, dễ xoay xở hơn.
Hay tin Tám Nghệ một mình xuống Rừng Sác, hai tên Sang, Tài bàn nhau:
- Thằng nay muốn chết nên mới dẫn xác xuống đây. Anh em mình thủ tiêu nó ngay đi, đừng để nó gặp ông Bảy .
Tư Sang cho ba tay thiện xạ thủ tiểu liên núp trong một ghe mui ống bám sát con mồi. Tám Nghệ ung dung bước vô tổng hành dinh Bảy Viễn, thân ái như một chiến hữu. Bảy Viễn cả mừng khi được Tám Nghệ tới thăm.
Tám Nghệ tháo súng ngắn ném xuống bàn rồi giang hai cánh tay ra ôm choàng lấy Bảy Viễn:
- Tôi tới mừng anh Bảy được vinh thăng Khu trưởng .
Bảy Viễn lắc đầu:
- Tôi tự thấy không xứng đáng. Chức đó phải về tay anh Tám .
- Sao anh Bảy nói vậy ? Anh là đệ nhất Khu bộ phó. Người được "đôn" lên Khu trưởng phải là anh. Lý do thứ hai, anh Bảy tiêu biểu cho giới giang hồ Nam bộ. Anh lên chức Khu trưởng Khu 7 là một vinh dự cho cả giới hảo hán miền Nam. Trung ương và Nam bộ làm việc gì cũng nghiên cứu kỹ càng, thấu lý đạt tình.
Bảy Viễn thở dài:
- Với anh Tám, tôi nói thật. Tôi không vui vẻ gì khi được đề bạt Khu trưởng. Tôi nghĩ có điều gì bí ẩn đằng sau bức điện. Có thể là "độc kế" của Nguyễn Bình".



Tám Nghệ vào hang cọp

Bảy Viễn đem rượu Tây đãi Tám Nghệ:
- Nói thật với anh Tám, tôi không khoái Nguyễn Bình. Nó là thằng trôi sông lạc chợ vô đây làm cha mình. Ai chịu được!
Tám Nghệ đặt mạnh ly Cognac xuống, cắt lời:
- Xin phép anh Bảy cho tôi nói. Nam Trung Bắc gì cũng là người Việt Nam. Dân Nam Kỳ mình đây chính là cháu chắt chia dân Ngũ Quảng theo lệnh Nguyễn Hoàng vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Kỳ thị Nam Bắc là ta mắc mưu chia để trị của thực dân.
Bảy Viễn hậm hực:
- Nhưng anh Tám thấy Nguyễn Bình hơn mình chỗ nào mà chỉ huy mình ?
Tám Nghệ nghiêm chỉnh:
- Hơn nhiều chớ! Trước nhất là bản lĩnh. Miền Nam mình, ai có bộ đội trong tay cũng làm trời, cá lớn nuốt cá bé. Như thời Thập nhị sứ quân, không ai phục ai. Vậy mà Nguyễn Bình chân ướt chân ráo tới miền Ðông Nam bộ đã mở hội nghị An Phú xã (Gò Vấp) thống nhất các đơn vị bộ đội địa phương, lập ra mười mấy chi đội, trong đó có 7 chi đội của Liên khu Bình Xuyên . Nếu không phải Nguyễn Bình, ai làm được việc lớn lao đó ? Rồi còn lập ra các ban Công tác thành, đem chiến tranh vào tận hang ổ Sài Gòn bị địch chiếm... Các danh tướng Leclerc, Nyo đều nể mặt Nguyễn Bình.
Bảy Viễn lắc đầu:
- Tô i không nhận chức Khu bộ trưởng đâu ! Ðây là kế "điệu hổ ly sơn". Tôi đã quen giang san Rừng Sác của mình rồi. Xuống Ðồng Tháp Mười, đồng không mông quạnh, lạnh lưng lắm !
Tám Nghệ cười lớn:
- Người ta tặng anh danh hiệu Hắc Hổ tướng quân. Anh là cọp mun, chúa tể sơn lâm. Sao hôm nay nói nghe yếu xìu vậy? Cọp ở đâu cũng là cọp. Không lẽ xuống đồng, cọp biến thành chồn cáo hay sao ?
Bảy Viễn đang nâng ly vụt đặt mạnh xuống bàn, mắt long lanh hai bàn tay nắm chặt lại:
- Anh Tám nói đúng! Cọp ở đâu cũng là cọp, cũng là chúa tể sơn lâm ! Bảy Viễn này là Hắc Hổ tướng quân thì sợ ai mà không dám về Nam bộ...
Nhưng mà...
Tám Nghệ hiểu ý, nói ngay:
- Anh Bảy sợ mắc kế "điệu hổ ly sơn" chớ gì ? Không có chuyện ấy đâu ! Tôi nghĩ anh Bảy và Nguyễn Bình không hiểu nhau vì đóng quân cách xa. Thêm nữa, chung quanh lại có người ác ý nói Vô nói Ra nhằm chia rẽ. Theo tôi, anh Bảy nên về Nam bộ nhậm chức. Trong lễ sẽ có đủ mặt anh em, có chuyện gì chưa thông, ta bàn bạc, thậm chí tranh luận để xóa bỏ mọi hiểu lầm. Nếu anh Bảy chưa an tâm thì cứ đem theo vài đại đội cứng.
Bảy Viễn gật gù:
- Ý hay ! Mình sẽ đưa hai đại đội súng lớn theo, trước nhất là để bảo vệ an toàn trên đường đi sau nữa là thị uy Nguyễn Bình.
Tám Nghệ vui mừng khi thấy Bảy Viễn chịu về Nam bộ nhậm chức Khu trưởng. Anh chồm qua bắt tay Bảy Viễn:
- Anh Bảy xứng đáng là Hắc Hổ tướng quân. Tôi rất hãnh diện được kết bạn với anh Bảy.
Bảy Viễn hứng khởi bá vai Tám Nghệ:
- Anh Tám không phải dân giang hồ, nhưng anh Tám là một hảo hán khét tiếng ở Chiến khu Ð . Tôi cũng rất hãnh diện được kết nghĩa huynh đệ với anh Tám.
Tiệc tàn, trời nóng, lại thấm hơi men, Tám Nghệ đứng lên cởi áo:
- Xin phép anh Bảy cho tôi xuống sông nhúng nước một lúc. Nóng quá !
- Anh Tám cứ tự nhiên ? Coi đây như nhà của anh Tám.

Trong khi Tám Nghệ vẫy vùng trên sóng nước, ba tên com măng đô thiện xạ chĩa mũi tiểu liên vào con mồi. Chúng núp trong mui ghe chỉ thò họng súng qua kẽ lá.
Tư Sang hồi hộp hỏi Năm Tài:
- Sao mầy Năm? Có cần hỏi ý ông Bảy không?
Năm Tài đắn đo:
- Hỏi chắc ông Bảy không cho phép. Hay là mình làm ẩu ? Tiền trảm hậu tấu?
Tư Sang thở ra:
- Nên hỏi ! Làm ẩu, coi chừng cả bọn chết theo Tám Nghệ !
Năm Tài lật đật chạy vô tìm Bảy Viễn:
- Ông Bảy. Dịp may hiếm có, chớ nên bỏ qua. Tám Nghệ là thằng Cộng sản. Nó là cánh tay mặt của Nguyễn Bình. Nó xuống đây để thi hành độc kế "điệu hổ ly sơn". Tự nó dẫn xác tới đây. Chúng tôi đã cho ba tay súng phục sẵn. Nếu ông Bảy cho phép...
Bảy Viễn nạt lớn:
- Im ? Ai cho phép tụi bây làm ẩu ? Tám Nghệ là thượng khách của tao. May cho bây đó. Nếu bây làm ẩu thì tao sẽ tế cờ năm mạng tụi bây...
Năm Tài sượng sùng lui ra, khoát tay bảo Tư Sang:
- Dẹp ngay! Ông Bảy hăm tế cờ năm mạng bọn mình nếu ta làm ẩu.
Cái chết rình rập Tám Nghệ suốt thời gian anh nô đùa với nước. Chừng lên bờ, một đội viên nói:
- Khúc sông này có sấu. Tôi thưa kịp nói thì ông đã "long" xuống nước rồi .
Tám Nghệ cười:
- Tôi biết ở đây có sấu, nhưng sấu không gắp được người lội đứng .