Nguyên Hùng
Bảy viễn thủ lĩnh Bình xuyên


Phần 6


Chịu Về Nam Bộ

Khu phó Tám Nghệ vừa rời Rừng Sác thì Bảy viễn lại tiếp hai vị khánh quý: Mười Trí và Bảy Trấn.
Lại đem rượu Tây ra thết đãi bạn rừng năm cũ, tay bắt mặt mừng.
Bảy Viễn ôm vai Bảy Trấn:
- Chào thầy Bảy Dầu Tiếng.
Bảy Trấn cười ha hả:
- Bông-giua mông xừ Hoảnh-Xăng.
Mười Trí nâng ly:
- Chúc mừng ngày tái ngộ của ba tên sống ngoài vòng pháp luật. Mau quá, mới đó mà đã năm sáu năm trời.
Bảy Trấn cụng ly Bảy Viễn, Mười Trí:
- Tụi mình có số làm lớn. Hồi "chém vè" ở nhà Hội đồng Thì, có ai dám nghĩ rằng sau này mình là dân tai to mặt lớn đâu. Ðúng là ba đứa mình toàn số đỏ.
Bảy Viễn khoái chí nhưng làm bộ chưa hiểu:
- Số đỏ là sao hả anh Bảy?
Bảy Trấn nói :
-Theo thứ tự thì mông-xừ Hoảnh-xăng giữ nhiều chức: chỉ huy Chi đội 9 kiêm Khu bộ phó Khu 7, nay lại được "đôn" lên Khu bộ trưởng. Ông Năm Mắm cũng nắm hai chức: chỉ huy Chi đội 4 kiêm ủy viên trong Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Còn mình cũng được phong chức Chính ủy Khu 9.
Bảy Viễn ngạc nhiên:
- Sao ở Khu 9 mà thầy Bảy lên đây ?
Bảy Trấn cười:
- Nhớ bồ quá lên thăm được không? Nói chơi chớ mình lên đây là theo lệnh của ông Lê Duẩn.
Bảy Viễn càng không hiểu:
- Ông Lê Duẩn muốn gì mà phái thầy Bảy lặn lội lên đây gặp tôi ?
Mười Trí liền nói:
- Trước đây Nguyễn Bình đã phái Tám Nghệ xuống đây mời anh Bảy về Nam bộ lãnh chức Khu trưởng. Lê Duẩn nghĩ rằng anh Bảy không ưa Nguyễn Bình nên sợ chuyến đi của Tám Nghệ không có kết quả. Do đó anh Ba mới nhờ đến tôi, lại tăng cường thêm thầy Bẩy vì biết hai anh rất thân nhau.
Bảy Viễn gật gù :
- Thì ra vậy. Nhưng nói gì thì nói, tôi không nhận chức Khu trưởng đâu. Ðây là kế "điệu hổ ly sơn", con nít cũng biết. Tôi có hứa với Tám Nghệ sẽ cứ đại đội hùng binh xuống Tháp Mười để chứng tỏ "Hắc Hổ tướng quân" chẳng ngán ai, nhưng nhận chức thì để còn xét lại.
Bảy Trấn làm mặt giận:
- Anh Bảy coi thằng bạn rừng năm cũ này như một con chim mồi hay sao mà nói vậy? Nếu là độc kế "điệu hổ ly sơn" thì thằng chính ủy cáo già này ở lỳ dưới Khu 9 cho yên thân. Nhớ lại coi, Bảy Trấn này đâu phải là thằng phản bạn !
Mười Trí cũng nói vô:
- Anh Bảy à. Mấy năm trước tôi cũng nghi ngờ Nguyễn Bình. Nhưng nhờ đóng gần nhau mà bớt hiểu lầm. Nguyễn Bình là người Bắc, là Cộng sản, nhưng chơi được. Chắc anh Bảy còn nhớ vụ thằng Sáu Section giả chữ ký của tôi mời Nguyễn Bình tới nhà tôi ăn cơm. Anh Ba Bình đi một mình một xuồng, bị bộ ba Sáu Section, Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh phục kích ở lò đường, sát bên nhà tôi rồi xả tiểu liên. Rất may anh Ba chỉ bị thương nhẹ. Vậy mà sau đó, anh Ba vẫn không làm lớn chuyện với tôi.
Bảy Viễn không nói gì thêm, cứ nốc rượu liền miệng. Hết chai này, khui chai khác. Mười Trí chận lại:
- Thôi ? Ðủ "đô" rồi ! Ðể đầu óc minh mẫn bàn chuyện lớn.
Bảy Viễn trợn mắt:
- Anh Mười uống rượu như hũ chìm, sao nay lại yếu vậy?
Mười Trí cười:
- Ðời sống mới, người Việt Nam mới. Cái gì cũ mà dở thì bỏ. Tao với mày nên ngoéo tay với nhau: tao bỏ rượu, còn mày bỏ gái, chịu không?
Buổi tiệc kết thúc vui vẻ. Bảy Viễn chịu về Nam Bộ, còn nhậm chức hay không sẽ tính sau.
Hai sứ giả Mười Trí và Bảy Trấn đành hài lòng với kết quả nửa vời như vậy. Gặp nhau trước đã. Còn chuyện gay cấn lâu năm sẽ hồi sau phân giải.



Ngày họp trọng đại

Hai đại đội "cứng" trang bị đại liên hộ tống Khu bộ phó Lê Văn Viễn vượt sông Soài Rạp qua lộ 4, băng Vườn Thơm tới Cần Vè, Vàm Cỏ Tây xuôi dòng kênh Dương Văn Dương tới làng Nhơn Hòa Lập, nơi đóng quân của các cơ quan kháng chiến Nam bộ.
Tư Sang chọn xóm Nhà Thờ đóng quân.
Trước sân, bộ đội Bình Xuyên đặt súng nòng chĩa lên trời, đạn treo chạy dài từng băng, đỏ au dưới ánh mặt trời. Dân làng rủ nhau đi xem súng lớn của bộ đội miền Ðông.
Chiều chiều, ban nhạc Chi đội 9 kéo nhau ra cầu ván trước nhà thờ hòa nhạc.
Trong khi đó Bảy Viễn tới Ủy ban Kháng chiến -Hành chính Nam bộ họp.

Ðây là một ngày trọng đại trong lịch sử kháng Pháp - ngày 26.5.1948.
Có mặt đầy đủ Ban Thường vụ với các ông Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thành Vĩnh, Kha Vạn Cân, Lê Quẩn, Diệp Ba, Lê Ðình Chi, Trịnh Ðình Trọng, Phan Văn Chương.
Phía Bình Xuyên có Lê Văn Viễn, Huỳnh Văn Trí, Trần Văn Ðối, Nguyễn Văn Hoạnh. Thêm hai vị Khu phó Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ và Chính ủy Khu 9 Nguyễn Văn Trấn.
Ông Thuần chủ tọa hội nghị, hai ông Trấn và Diệp Ba làm thư ký.
Ông Thuần vô đề ngay:
- Pháp đang đánh lá bài chia rẽ, chúng ta cố gắng củng cố nội bộ của mình. Tôi đề nghị chúng ta thẳng thắn nêu ra những thắc mắc, nghi ngờ để giải quyết một lần cho xong hầu chung sức đánh Tây .
Bảy Viễn liền đứng lên nói ngay:
- Anh em chiến sĩ Bình Xuyên luôn luôn chiến đấu cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, luôn luôn tuân lệnh chính phủ.
Nguyễn Bình đứng lên trình bày cảm nghĩ của mình trong cuộc họp lần đầu tiên có Khu bộ phó Bảy Viễn tham dự. Ông nói:
- Trước khi rời Khu 7, tôi muốn giải quyết dứt khoát những chuyện lủng củng giữa Khu và anh em Bình Xuyên. Khu 7 là chiến khu đàn anh với nhiều chiến công. Rất tiếc giữa ông Bảy và tôi lâu nay không được gần gũi, do đó mà có nhiều việc hiểu lầm. Hôm nay, tôi rất cám ơn ông Tám Nghệ đã mời ông Bảy xuống đây họp để xóa tan những nghi ky.
Anh em chỉ huy Bình Xuyên ngại về Khu vì sợ bị thủ tiêu. Hai anh Năm Hà và Sáu Ðối đòi phải có sự bảo đảm như Khu phải đưa người xuống Rừng Sác làm con tin thì mới dám về Nam bộ. Dù sao thì hai ông Năm Hà và Sáu Ðối cũng đã về Khu gặp tôi. Duy có ông Bảy là chưa. Và đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh được gặp ông Khu bộ phó. Nhân đây, tôi xin nêu ra những việc cần bàn cãi: Thứ nhất, Lai Hữu Tài đã mạt sát tôi, ủy viên quân sự Nam bộ trong một bức thư ngỏ, vậy mà ông Bảy ký tên thị chứng bức thư đó. Thứ hai, Lâm Văn Hậu trong ban chỉ huy Ðệ tam sư đoàn vô khu vực Bình Xuyên tuyên truyền lôi kéo anh em binh sĩ về thành đầu hàng Pháp, vậy mà ông Bảy làm ngơ. Thứ ba, ba tên Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu Phiệt, Lai Hữu Tài âm mưu ám sát tôi rồi chạy trốn trong Chi đội 9 lại được ông Bảy bao che, không bắt. Thứ tư, Lâm Ngọc Ðường, Tư Thiên là dân mật thám, lấy danh nghĩa Bình Xuyên làm tiền bạc triệu, chỉ đóng góp cho Chi đội 9 một phần trăm. Càng nguy hiểm hơn là hai tên này giăng lưới bắt nhân viên chính phủ hoạt động nội thành.
Trên đây là những vụ nổi cộm, tôi nói ra để từ nay hai bên hiểu nhau, giữ uy tín và danh dự cho nhau trước âm mưu chia rẽ của địch mà thắt chặt tình đoàn kết.

Sau cùng, đây là một giải pháp mà Thường vụ Nam bộ đã nhất trí, xin quý vị đặc biệt quan tâm: Từ lâu, ta được tin Pháp cố nắm các phần tử quốc gia trong kháng chiến, dụ dỗ đưa về thành đầu hàng Tây dưới danh nghĩa là về với chính phủ quốc gia của Bảo Ðại.
Ta vừa bắt được Phán Huề, đại diện Chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra bưng tìm Khu bộ phó Lê Văn Viễn để thành lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Ðịch đã bố trí nhiều tay Phòng Nhì vô Chi đội 9 như Tư Sang, Năm Tài nên nghĩ
rằng chúng dễ nắm anh em Bình Xuyên.
Ðể phá tan âm mưu chia rẽ quốc gia và Việt Minh của tên cáo già Bollaert, Nam bộ quyết định giải tán tổ chức Bình Xuyên, bỏ hẳn Bộ Tư lệnh Bình Xuyên, quân đội Bình Xuyên. Các đơn vị Bình Xuyên trở thành các trung đoàn Vệ quốc đoàn trong quân đội quốc gia.
Các chỉ huy Bình Xuyên đỏ mặt tía tai khi nghe Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên.
Bảy Viễn đứng phắt dậy, hét lớn:
- Không? Chúng tôi phản đối quyết định trên ! Ba năm nay, bộ đội Bình Xuyên đã đổ máu cho lá cờ đỏ sao vàng, noi gương anh Ba Dương - người đã trở thành vị tướng lãnh liệt sĩ đầu tiên của giới giang hồ theo kháng chiến.
Nguyễn Bình khoát tay:
- Xin ông Bảy bình tĩnh nghe tôi nói tiếp. Chiến khu Rừng Sác theo cách tổ chức mới sẽ là một chiến khu đặc biệt, một thành trì kháng chiến. Thưa các ông, tiền muôn bạc triệu dễ tìm, còn danh dự chiến sĩ cách mạng, anh hùng cứu quốc mà các ông hiện đang có không thể mua bằng vàng, bằng địa vị hư danh. Tôi mong các ông giữ gìn, nâng niu danh dự đó. Có như vậy tôi cũng được hãnh diện là người biết chọn lựa người có tài, có đức đưa vào chức vụ xứng đáng. Tôi rất sung sướng có những đồng đội, những người bạn quý như các ông.



Cọp về đồng

Bài diễn văn của Trung tướng Nguyễn Bình đọc trước cuộc họp của Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ ngày 26.5.1948 để giải quyết các vấn đề Khu 7 mà nổi cộm là những mối bất hòa giữa hai vị Khu trưởng và Khu phó thứ nhất dài tới bốn trang rưỡi.
Lời lẽ thật ôn tồn, độ lượng, đúng là giọng văn của người chỉ huy dầy tinh thần "huynh đệ chi binh" dù đề cập tới những vấn đề cực kỳ quan trọng thuộc về đường lối chính sách của kháng chiến.
Ba nhân vật Bình Xuyên được Nguyễn Bình chất vấn là Bảy Viễn, Mười Trí và Tư Ty.
Mười Trí và Tư Ty bình tĩnh thanh minh những việc làm của mình, riêng Bảy Viễn thì ngồi không yên, có lúc muốn nhảy dựng lên xin "ăn miếng trả miếng" , nhưng chủ tọa cuộc họp là luật sư Phạm Ngọc Thuần với kinh nghiệm điều khiển những cuộc họp đầy sóng gió trước đó đã xử lý êm thắm.
Sau khi trình bày xong, Nguyễn Bình giao bài nói chuyện của mình cho chủ tọa.
Ông Thuần để nó qua một bên, đọc trong sổ tay của ông những vấn đề cần tranh luận:
- Bây giờ xin ông Khu phó Lê Văn Viễn trả lời những vấn đề ông Khu trưởng nêu lên, cụ thể là:
Một -sự nghi ky giữa.Bình Xuyên và Khu 7;
Hai - việc dùng tên Lai Hữu Tài là người của Phòng Nhì;
Ba - việc giao du với Maurice Thiên là người của trung tá Phòng Nhì Savani ;
Bốn - việc ông chứa chấp các tên phản động như Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu Phiệt, Lai Hữu Tài can tội mưu sát trung tướng Nguyễn Bình mà không bắt giải giao cho ngành tư pháp.

Bảy Viễn đứng thẳng lên, không nhìn chủ tọa mà ngó ngay Nguyễn Bình:
- Trước khi trả lời bốn điều thắc mắc của Khu trưởng Nguyễn Bình, tôi xin nói thẳng điều này: cá nhân Bảy Viễn không tin người Bắc . Tôi cũng không khoái mấy cha chính trị viên. Khi mới lập bộ đội, gian khổ, chết chóc thì không thấy các cha đâu; khi bộ đội thành nề nếp rồi, có đại đội, có tiểu đoàn rồi thì các cha vác mặt tới đòi chia quyền chỉ huy...
Mười Trí tằng hắng như nhắc bạn chớ sa đà chuyện cá nhân nhưng Bảy Viễn cứ thao thao:
- Trả lời câu thứ nhất, tôi khẳng định có sự nghi kỵ giữa Bình Xuyên và Khu 7. Có quá nhiều vụ nổ súng do tranh nhau thu thuế thì làm sao cán bộ cấp chỉ huy bên này dám đi qua bên kia? Mặc áo có đường biên hai màu xanh đỏ cũng bị cho "mò tôm" vì nghi là gián điệp. Tôi không tin Khu , nhưng kỳ này về đây không phải là vì cái chức Khu trưởng Khu 7 các ông dành cho tôi.
Thật ra đây là kế "điệu hổ ly sơn" nhằm tách tôi ra khỏi chiến khu Rừng Sác. Ðây là kế hạ sách, đứa con nít cũng biết, Bảy Viễn biết mà vẫn về đây là vì mến mộ tính cách hảo hớn của anh Tám Nghệ. Một ngựa một thương mà dám xuống tổng hành dinh Chi đội 9, anh Tám đâu có biết cái chết đang rình rập anh ở từng khúc quanh, ở từng con rạch. Nhưng Bảy Viễn không thể cho thủ hạ làm hỗn một thượng khách của dân giang hồ Bình Xuyên ngay trên lãnh địa của mình.
Tám Nghệ đã khích tướng Bảy Viễn: "Cọp ở rừng là cọp. Không lẽ về đồng lại là chồn cáo sao?".
Bảy Viễn về đây cũng là vì tấm lòng thân ái của thầy Bảy Dầu Tiếng cùng anh Mười Trí.
Nhân đây xin cám ơn ba anh Tám Nghệ, Mười Trí và Bảy Trấn...
Xin trả lời thắc mắc thứ hai: Tôi có dùng hai anh em họ Lai, thằng anh là Tư Sang, thằng em là Năm Tài. Hai tên này chữ nghĩa khá, biết làm việc nên tôi giao chúng lo mọi thứ để mình rảnh rỗi chỉ huy chung. Nếu có bằng chứng hai thằng này là người của Phòng Nhì thì chính tôi sẽ xử chúng chớ không cần phải giao cho ai.
Câu thứ ba: Về Maurice Thiên, tôi biết thằng Chệt lai này đã gần 20 năm. Nó con nhà giàu, học giỏi cưới vợ giàu, chơi thể thao hay. Khi Tây trở qua tháng 9.45, tôi biết nó bị Tây bắt, buộc phải làm việc cho Tây nhưng nó chỉ hụ hợ , dựa bệ ăn lương chớ không bắt bớ ai. Các ông nói tôi bị Tư Thiên lợi dụng song thật ra thì chính Bảy Viễn lợi dụng bình phong của Tư Thiên.
Tôi có chứa chấp ba tên Nguyễn Thành Long, Vũ Tam Anh và Lai Hữu Tài trong vài ngày, nhưng chúng có cho tôi biết là chúng đã mưu sát ông trung tướng Nguyễn Bình đâu mà biểu tôi bắt chúng nó.
Trả lời xong, Bảy Viễn thấm mệt, rút khăn tay lau mặt, cổ và cánh tay.
Chủ tọa Phạm Ngọc Thuần nói:
- Chúng ta nghỉ xả hơi rồi chiều tiếp tục.
Trong khi đại biểu nghỉ ngơi, ông Ðốc phủ Phan Văn Chương tới ngồi bên Bảy Viễn, vừa quạt vừa nói:
- Lâu nay nghe danh ông Bảy, nay mới được vinh hạnh gặp. Nếu hai ông Khu trưởng và Khu phó mà thông cảm với nhau trong hội nghị này thì tôi thật tình vô cùng sung sướng. Cả hai ông mà đều đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết thì mặc dầu đã già yếu, tôi sẵn sàng làm thân trâu ngựa để phục vụ các ông.
Mọi người đều xúc động trước lời lẽ chân tình đó.



Giải thể lực lượng Bình Xuyên ?

Buổi chiều, cuộc họp vẫn do luật sư Phạm Ngọc Thuần chủ tọa.
Với tài điều hành nhanh gọn, ông đề nghị Mười Trí giải đáp những thắc mắc của Trung tướng Nguyễn Bình:
Một: ông đã chứa Vũ Tam Anh sau khi tên này đánh chết một lính gác rồi cùng Trần Quang Vinh vượt ngục từ miền Tây lên tá túc trong Chi đội 4 của ông.
Hai: ông bao che cho Nguyễn Hòa Hiệp khi Ðệ tam sư đoàn bị bộ đội Huỳnh Văn Một xé lẻ bắt gọn từng trung đội bằng cách tổ chức cho ăn cơm, sau đó cho dân quân giả làm dân đi xem súng, rồi bất ngờ cướp súng bọn này. Bộ tham mưu Nguyễn Hòa Hiệp đã chạy vô Chi đội 4 ẩn núp vài ngày rồi kéo ra thành đầu Tây.
Ba: ông đã để Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt công khai nói xấu Chính phủ Hồ Chí Minh trước mặt tôi, Trung tướng Nguyễn Bình và các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Kim Cương, đồng thời ca ngợi Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam trong khi tôi tới viếng thăm ông sau trận đánh ấp số 10 .
Bốn: Việc Chi đội phó Sáu Section giả chữ ký của ông mời tôi tới nhà ông ăn cơm thân mật để cho người nã tiểu liên dọc đường. Rất may tôi chỉ bị thương nhẹ ở vai và tay.
Xin mời ông Mười Trí có ý kiến về bốn điểm trên.
Mười Trí đứng lên, nhìn trung tướng Nguyễn Bình nói với giọng thân tình:
- Nhờ Chi đội 4 đóng gần Khu 7 nên tôi là người hiểu anh Ba Bình hơn nhiều chỉ huy Bình Xuyên khác. Bao giờ tôi cũng xem anh Ba là người chỉ huy tài ba, xứng đáng là Khu bộ trưởng Chiến khu 7 - chiến khu đàn anh của cả Nam bộ. Thử nhìn lại xem, khi quân đội viễn chinh của tướng Leclerc đánh chiếm các tỉnh miền Trung và miền Tây, khí thế như chẻ tre, có lúc có người chủ trương xuyên Ðông và xuyên Tây (tức là chạy lên miền Ðông hay xuống ghe chạy qua Xiêm) thì anh Ba Bình vẫn vững vàng, chủ trương ăn miếng trả miếng như Tết Tây năm 1946 đã đánh lớn vô thị xã Biên Hòa làm cho Tây cực kỳ hoang mang.
Bây giờ tôi xin trả lời thắc mắc của anh Ba.
Câu thứ nhất: Hai thằng tù vượt ngục từ khám đường miền Tây, chúng giấu biệt làm sao tôi biết ? Lúc đó thông tin liên lạc của mình kém quá. Nếu biết thì tôi đâu chứa trong nhà: tốn gà vịt nhậu nhẹt ngày đêm !
Câu thứ hai : vụ Nguyễn Hòa Hiệp bị Huỳnh Văn Một tước súng chạy vô chỗ tôi xin tá túc, mình là người quen kiểu mạnh thường quân, ai tới ở nhờ ăn chực vài ngày là chuyện thường. Ðến hồi nó kéo ra đầu Tây, mình mới tá hỏa thì chuyện đã rồi. Có bị phê bình thì đành nhận khuyết điểm.
Chuyện thứ ba: Bọn Vũ Tam Anh, Nguyễn Hòa Hiệp nói xấu Chính phủ cụ Hồ là chuyện dĩ nhiên vì hai cha này theo Việt Nam Quốc Dân đảng. Tôi có lỗi là không kịp ngăn chặn hai đứa đó lại , cũng xin nhận khuyết điểm.
Còn chuyện thứ tư : mới là chuyện động trời. Thằng Sáu Section là Chi đội phó của tôi, theo tôi từ đầu . Nó chữ nghĩa đâu có bao nhiêu. Vì vậy nó nghe hai cha Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt dụ dỗ "bắn một mũi tên rơi hai con nhạn" - một là diệt trung tướng Nguyễn Bình, hai là tôi bị nghi phải vô trại giáo hóa không biết bao giờ mới được minh oan. Cũng may là nhờ anh Ba sáng suốt biết phân tách chữ ký giả của Sáu Section, nếu không thì tôi cũng mang họa !
Nguyễn Bình đưa tay xin nói:
- Từ lâu tôi biết anh Mười mang tánh mạnh thường quân, một đức tính cần thiết cho những người biết tập hợp chung quanh những đồng chí đồng đội. Nhưng anh Mười đi hơi lố. Nên suy xét bạn trước khi giao du. Người xưa có nói "phải ăn hết một đấu muối mới biết bạn hiền".
Luật sư Thuần tiếp tục với Tư Ty:
-Xin anh Tư Ty trả lời những thắc mắc của trung tướng Nguyễn Bình:
Một: Về vụ anh hất Bảy Quái, chỉ huy bộ đội An Ðiền (Thủ Ðức) để chiếm đoạt Chi đội 25.
Hai: Về việc anh che chở tên giáo sư Trần Quốc Bửu - kẻ sau này nhảy ra thành làm tay sai cho địch.
Tư Ty lắc đầu:
- Về việc Bảy Quái, anh ta được ông Lê Ðình Chi mời lên Nha Quân pháp để tăng cường cho ngành. Còn về Trần Quốc Bửu thì nó khóc lóc than thở nhờ tôi che chở, không thì có thể bị Việt Minh bắt oan. Mình vốn anh hùng cá nhân, thấy ai gặp hoạn nạn thì thương. Có vậy thôi !

Cuộc kiểm thảo tới đây tạm nghỉ để sau đó bàn chuyện quan trọng nhất: giải thể hay không giải thể lực lượng Bình Xuyên?
Buổi sáng, trong mấy lời tâm tình của trung tướng Nguyễn Bình, vấn đề đã được đề cập phớt qua, dù sao cũng làm nháng lửa với phản ứng dữ dội của Bảy Viễn, Sáu Ðối, Năm Hà, Mười Trí...
Chiều nay, quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề toàn diện hơn. Do vậy thái độ của Bảy Viễn và các chỉ huy Bình Xuyên có phần bình tĩnh, lịch sự hơn.

Với giọng hùng hồn của một luật sư, ông Thuần phân tích lợi và hại của việc duy trì chiến khu Rừng Sác theo kiểu Bảy Viễn. Cái hại trông thấy khá rõ. Từ lâu Phòng Nhì giao hảo với Bảy Viễn, hai bên ngầm ký hiệp ước bất tương xâm. Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh. Như vậy chúng đã biến Rừng Sác thành một con đường để vận tải, tiếp tế vũ khí lương thực, tự do đi lại. Càng nguy hiểm hơn, chúng xem như đã nắm được Liên khu Bình Xuyên là các đơn vị thiện chiến ở miền Ðông Nam bộ và chúng sắp biến nơi đây thành chiến khu quốc gia ủng hộ Bảo Ðại chống Chính phủ Hồ Chí Minh. Còn giải thể Bình Xuyên thì ta tránh được âm mưu thâm độc của địch như đã kể trên. Thứ nữa, danh dự Bình Xuyên không bị Ô uế vì sự mua chuộc bằng tiền và gái.

Ông Thuần nhấn mạnh một điều thuyết phục mọi người: lâu nay ta dung dưỡng Bình Xuyên, khiến tổ chức này có giang san riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, thu thuế riêng. Như vậy là một quốc gia trong một quốc gia, một điều thậm vô lý ?
Từ nay giải tán Bình Xuyên, không còn Bộ tư lệnh Bình Xuyên, không còn bộ đội Bình Xuyên mà tất cả hòa đồng trong đại gia đình Vệ quốc đoàn.
Trời đã nhá nhem tối, nhưng ai cũng thấy được nét bất mãn từ Bảy Viễn tới người ngồi cuối bàn.



Trúng Kế

Sau khi quyền chủ tịch ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề cần thiết phải giải thể lực lượng Bình Xuyên, các chỉ huy Bình Xuyền đều ngơ ngác đến sững sờ.
Ai cũng bán tín bán nghi. Có lẽ chỉ một mình Bảy Viễn là biết mà thôi.
Bảy Viễn liền nói:
- Ðây là vấn đê quan trọng, chúng tôi cần phải hội ý đêm nay rồi sáng hôm sau sẽ cho quý anh biết ý kiến.

Ðêm đó Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí, Tư Hoạnh họp tại nơi Bảy Viễn đóng quân.
Bảy Viễn mặc xà rông, áo thun tơ, tay cầm quạt giấy quạt lia:
- Ð. mẹ, mình đã biết trước là cộng sản chơi kế "điệu hố ly sơn" mà mình vẫn bị mắc mưu như thường! Mình cứ thắc mắc mãi, thằng Tám Nghệ với cha Bảy Trấn lại nở lòng nào hại mình ?
Mười Trí lắc đầu: .
- Hai cha đó không hại anh Bảy đâu. Theo tôi biết, hai cha đó cũng thật tâm muốn mời anh Bảy về Nam bộ gặp Nguyễn Bình một lần để giải quyết những lủng củng, bất hòa giữa hai bên. Tám Nghệ thì tôi không rành bằng anh Bảy, nhưng Bảy Trấn thì tụi mình quá biết ở Bến Tranh, Dầu Tiếng, khi ba đứa "chém vè" sau vụ Nam kỳ khởi nghĩa.
Sáu Ðối sốt ruột:
- Nam bộ giải thể Bình Xuyên, mình tính sao đây ?
Tư Hoạnh cũng nóng nảy:
- Tôi không đồng ý giải thể Bình Xuyên. Gia tài có một cái tên mà giải thể sao được ? Bộ cha người ta sao ?
Bảy Viễn cười gằn:
- Các cha chớ nóng. Ở đây không ai chịu cho tụi nó giải thể hay giải tán gì ráo. Ðể nguyên thì chơi, còn dẹp bỏ thì đường ai nấy đi. Mình cũng có móng có mỏ, sợ gì chớ ?
Mười Trì đấu dịu:
- Ðó là tụi mình nói với nhau; còn sáng mai anh Bảy nên lựa lời mà nói cho êm. Còn nước còn tát . Cố nói sao cho mấy chả không giải thể Bình Xuyên là được.
Bảy Viễn cho anh em ai về nhà nấy rồi gọi Tư Sang, Năm Tài tới:
- Nguyễn Bình một hai tố tụi bây là nhân viên Phòng Nhì, đòi tao giao nộp tụi bây cho nó. Tụi bây phải nói thiệt cho tao biết để tao liệu.
Tư Sang và Năm Tài đều tái sắc, quỳ xuống ôm gối, giọng ỉ ôi:
- Nguyễn Bình nói đúng đó ông Bảy. Hai anh em tôi là nhân viên Phòng Nhì do hai ông Lâm Ngọc Ðường và Tư Thiên giới thiệu vô Chi đội của ông Bảy.
Bảy Viễn kêu lên:
- Vậy sao? Ð.mẹ tình báo Nguyễn Bình hay thiệt ! Bây giờ tao phải làm sao đây? Giao nộp tụi bây cho nó, có nên không? Mà không nộp thì rắc rối lớn ? Ngày mai tao ăn làm sao nói làm sao với Nguyễn Bình đây ?
Năm Tài run như thằn lằn đứt đuôi:
- Ông Bảy giao tụi tôi cho nó thì kể như đời tụi tôi tàn rồi. Chi bằng ngay đêm nay tôi sẽ biến và đưa một tiểu đội về thành. Ngày ra đi tôi có hỏi ý ông Tư Thiên, ổng nói nếu suôn sẻ thì thôi, còn đúng là mắc kế thì tôi phải cấp tốc về ngay báo cáo để sắp xếp cho ông Bảy đưa hết Liên khu Bình Xuyên về thành.
Bảy Viễn giật mình:
- Tao chưa nghĩ tới chuyện đó đâu. Nếu tao không nhận chức Khu trưởng Khu 7 thì tao rút quân về Rừng Sác. Tội gì phải về Sài Gòn (cười). Tao ra đi có hẹn "một ra đi là không trở về". Nay không lẽ nửa chừng, không ra cơm mà cũng chẳng ra cháo gì lại muối mặt trở về, bà con Phú Thọ coi tao ra cái đách gì hả mậy?
Năm Tài uốn lưỡi Tô Tần:
- Ông Bảy ơi, ông đã mắc kế Việt Minh mà không biết sao? Họ mời ông Bảy xuống đây phong Khu trưởng Khu 7, nhưng lại giải thể tổ chức Bình Xuyên. Tôi hỏi ông Bảy: giữa hai chức Khu trưởng với Tư lệnh Bình Xuyên, cái nào lớn hơn cái nào? Khu trưởng Khu 7 còn dưới quyền Nam bộ, còn Bình Xuyên thì dọc ngang trên đầu còn có biết ai !
Bảy Viễn gật gù. Năm Tài nói tiếp:
- Biết mình trúng kế rồi thì phải hành động ngay. Tôi cấp tốc ngay đêm về thành báo động, ngày mai ông Bảy rút quân. Hẹn gặp tại vùng Phú Lâm -Bình Chánh, sẽ tùy cơ ứng biến.
Bảy Viễn thở ra, lắc đầu rồi khoát tay:
- Thôi mày đi trước dọn đường. Ðể tao xem ngày mai ra sao sẽ tính tiếp.



Không nhận chức Khu Trưởng khu 7

Giữa Ðồng Tháp Mười, trong đêm khuya thanh vắng, Năm Tài chỉ huy tiểu đội bơi tam bản bốn chèo đôi phóng như tên bắn. Mấy tên ngồi không thủ súng tiểu liên, hễ đụng trạm kiểm soát là nổ cả băng để thoát nhanh về vùng ven Sài Gòn. Trong khi đó, Tư Sang đi kiểm tra từng nhà Chi đội 9 đóng, cắt gác cẩn thận, sợ bị Việt Minh "chụp" vào lúc nửa đêm.
Sáng hôm sau, cuộc họp lại tiếp tục.
Bảy Viễn trả lời rất đanh thép những điều tướng Nguyễn Bình chất vấn:
- Thưa ông Khu trưởng, hôm qua ông tố cáo trong Chi đội 9 của tôi có tên Lai Hữu Tài là nhân viên Phòng Nhì. Tôi đã cho điều tra đúng nó là tay chân của Tư Thiên, mà Tư Thiên là bạn chí thân của tôi. Lúc tôi nghèo, nó giúp vốn làm ăn. Khi Tây trở qua, tôi biết nó bị bắt buộc phải làm việc cho Tây, nhiệm vụ là chỉ chọc ai theo Việt Minh trong giới người Hoa buôn bán lớn trong Chợ Lớn. Mục đích là thằng Tây muốn làm tiền người Tàu có máu mặt. Lúc đó tôi thường gặp nó mà có bao giờ nó chỉ tôi cho Tây bắt đâu? Các ông nói Tư Thiên lợi dụng tôi, thật ra thì chính tôi lợi dụng thế công khai hợp pháp của Tư Thiên.
Trở lại thằng Năm Tài, trong chuyến đi này hình như thằng Tài có linh tính sao đó nên nó xin ở lại thủ trại. Nếu như ông Khu trưởng muốn bắt nó thì xin cho người về Rừng Sác mà bắt!
Sáu Ðối, Tư Hoạnh, Mười Trí cố nhịn cười vì cái trò tráo bài ba lá của Bảy Viễn không lừa được ai, ngay cả trung tướng Nguyễn Bình, vì ai cũng biết trong hai đại đội "cứng" của Bảy Viễn hôm trước " có mặt " ông Năm tả thừa tướng của ông Bảy .
Tướng Nguyễn Bình cười lạt, nói qua chuyện khác:
- Hôm nay chúng ta làm lễ bàn giao chức Khu trưởng Khu 7. Tôi muốn trong dịp này bàn giao cho ông Bảy một gia tài đồ sộ, có nhiều chiến công nhất trong ba khu của Nam bộ. Chiến công đã nhiều rồi, nếu nội bộ chúng ta đoàn kết tốt hơn nữa thì chiến công sẽ nối tiếp chiến công.
Cho nên trước nhất, tôi muốn ta đánh tan mọi hiểu lầm, giải quyết mọi bất hòa. Tôi tin tưởng các ông là những tay giang hồ mã thượng đã tự giác tự nguyện bỏ hết tánh hư tật xấu thời thực dân để toàn tâm, toàn ý đi theo cách mạng. Tôi biết thực dân không bỏ một dịp tốt nào để kéo các ông trở về con đường tối tăm khi xưa. Chúng tung tiền, xa xỉ phẩm, kể cả gái giang hồ vô khu để lôi kéo các ông. Nhưng tôi biết thực dân đã thất bại, vì các ông hiểu danh dự của người giang hồ đi theo kháng chiến đã được nhân dân khắp nước, nhất là dân Sài Gòn -Chợ Lớn xem các ông như những bậc hào kiệt, những bậc quân tử, tiền bạc không mua được, uy vũ không khuất phục được và gian khổ không làm các ông nao núng.
Tôi hết sức quý trọng các ông. Tiền muôn bạc triệu dễ tìm, địa vị hư danh dễ kiếm, nhưng tên tuổi anh hùng nghĩa sĩ các ông đang giữ trong tay thật khó mà có được ?... Chọn được người để bàn giao chức Khu trưởng, tôi rất hãnh diện.
Lời lẽ của trung tướng ủy viên quân sự Nam bộ thật tình cảm, ấy vậy mà Bảy Viễn vẫn giữ nét lạnh lùng:
- Tôi rất xúc động trước những lời lẽ chân tình của ông ủy viên quân sự Nam bộ nhưng... rất tiếc là chúng tôi, toàn bộ chỉ huy Bình Xuyên thắc mắc một điều. Có giải quyết được điều này thì mới tiến hành việc bàn giao chức khu trưởng được - Ðó là quyết định giải tán Bình Xuyên.
Ðêm qua, chúng tôi đã hội ý cẩn thận. Không ai trong chúng tôi chịu giải thể hay giải tán Bình Xuyên (nghỉ một chút, Bảy Viễn lên giọng) Bình Xuyên, cái tên này có lịch sử oai hùng của nó. Biết bao chiến sĩ đã ngã gục vì lá cờ Bình Xuyên do cố Thiếu tướng Ba Dương đã giương cao ngay trong giờ đầu giành chính quyền tại Sài Gòn ngày 25.8.1945
Chúng tôi -Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí -có thể chết đi, chớ hai tiếng Bình Xuyên không thể "bức tử nó được Xin các ông suy nghĩ kỹ lại đi. Có thể nào rút lại quyết định giải thể Bình Xuyên được không?
Im lặng một lúc khá lâu, tướng Nguyễn Bình hướng về quyền chủ tịch Phạm Ngọc Thuần như nhường lời. ông Thuần sửa lại gọng kiếng đôi mồi ngay ngắn trên sống mũi rồi trịnh trọng nói:
- Thưa các ông chỉ huy Bình Xuyên. Hôm qua tôi đã trình bày cặn kẽ rồi. Hôm nay chiều theo ý các ông, tôi lặp lại các ý chính:
-Sau khi cân nhắc cẩn thận, Thường vụ Nam bộ quyết định giải thể tổ chức Bình Xuyên. Vì sao? Vì nhiều lý do sau đây:
Một -Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Lâu nay Nam bộ nể tình các ông nên không đề cập tới chuyện trái nguyên tắc tổ chức hành chính này.
Hai -Ðã sai về nguyên tắc tổ chức hành chính, lại kéo theo nạn mất đoàn kết trầm trọng. Bình Xuyên không tôn trọng cấp trên của mình là Quân khu 7 và cả Nam bộ nữa.
Lệnh trên ban hành, tất cả các nơi đều thi hành, như giải thể các chi đội để lập trung đoàn theo biên chế chính quy. Rồi còn nạn thu thuế, mạnh ai nấy thu, làm dân thương hồ khổ sở. Tôi biết trong Chi đội 9, ông Bảy không chịu áp dụng chế độ chính trị viên và kỳ thị cán bộ miền Bắc...
Bây giờ tới chuyện nghiêm trọng đây.
Tình báo cho biết trùm Phòng Nhì là trung tá Savani đã biệt phái hai tên Lâm Ngọc Ðường và Maurice Thiên bám sát Khu bộ phó Lê Văn Viễn. Chúng còn đặt Tư Sang và Năm Tài làm "tả hữu thừa tướng" của ngài Khu bộ phó. Chính tên Tài đã đại diện Khu bộ phó Bảy Viễn đi dự các cuộc họp thành lập Mặt trận Quốc gia Liên minh chống Việt Minh.
Phán Huề vừa bị bắt ở Chi đội 7 của anh Hai Vĩnh cũng khai đã tiếp xúc với Năm Tài trong chủ trương lập chiến khu quốc gia Bình Xuyên...
Bởi những lẽ ấy, Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên để tránh những đồ vỡ sau này.
Im lặng khá lâu, Bảy Viễn vẫn trở lại điệp khúc cũ:
- Tôi linh tính chuyến đi này là chuyến đi quyết định cuộc đời tôi. Tôi dư biết đây là kế "điệu hổ ly sơn", nhưng tôi vẫn đi để cho mọi người biết Bảy Viễn không phải là thằng hèn. Còn chuyện Tây mua chuộc tôi thì đó là chuyện nhận định của các ông. Các ông đã nắm chắc bằng chứng gì về Bảy Viễn phản bội kháng chiến hay chưa? Tôi nói ngay là không nhận chức Khu trưởng Khu 7 nếu các ông giải thể Bình Xuyên.



Bản Án

Quyết định không nhận chức Khu trưởng Khu 7 của Bảy Viễn là một bất ngờ lớn đối với Thường vụ Nam bộ. Muốn giữ Bảy Viễn chỉ có nước rút lại quyết định giải thể tổ chức Bình Xuyên. Nhưng điều này không thể nhân nhượng được vì Pháp đã quyết tâm biến Bình Xuyên thành đồng minh và đang tiến tới lập chiến khu quốc gia theo chỉ thị của Cao ủy Émile Bollaert. Vậy giải quyết rắc rối này như thế nào đây? Thường vụ Nam bộ họp khẩn ngay trong đêm đó. Có hai ý kiến trái ngược nhau: Trung tướng Nguyễn Bình nhân danh ủy viên quân sự Nam bộ kiêm Phó thủ tịch ủy ban Kháng chiến -Hành chính Nam bộ chủ trương bắt Bảy Viễn đưa ra tòa án tối cao xét xử , ông nói:
- Tôi là quân nhân, khẩu hiệu của bộ đội cách mạng là "công thưởng tội trừng". Chúng ta đã có nhiều bằng cớ chứng tỏ Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì. Vụ Phán Huề bị bắt ở Chi đội 7 cho thấy chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân với Thủ hiến Trần Văn Hữu quyết tâm ve vãn Bảy Viễn để nắm Bình Xuyên. Ðây là dịp may hiếm có Bảy Viễn đã về Nam bộ lần đầu tiên mà cũng có thể là lần duy nhất. Ta nên bắt y và đưa ra xét xử đúng luật công minh.
Nhiều vị ủy viên gật gù tán đồng ý kiến này.
Nhưng Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ Lê Duẩn lại đưa ý kiến trái ngược lại :
- Tôi đề nghị cứ để Khu phó Lê Văn Viễn tự do về Rừng Sác. Ta không nên làm lớn chuyện vụ nầy.
Anh Ba Bình liền cật vấn anh Ba Duẩn.
- Tại sao lại tha Bảy Viễn trong khi chúng ta nắm đủ bằng cớ phản cách mạng của y ?
Anh Ba Duẩn nhìn mọi người một lúc rồi thong thả trình bày:
- Bắt thì quá dễ, nhưng sẽ đổ máu, vì Bảy Viễn đã phòng thân khi mạo hiểm về đây. Ta đã phái hai ba sứ giả chí thân với Bảy Viễn thuyết phục ông ta về đây nhưng ông ta tin chắc sẽ mắc kế "điệu hổ ly sơn" nên đưa theo hai đại đội "cứng" có cả khẩu đại bác 20 ly mượn của Chi đội 4.
Nguyễn Bình cắt ngang:
- Hai đại đội cứng có nghĩa gì với cả chục trung đoàn chúng ta đang đóng rải rác khắp hai khu 7 và 8 !
Anh Ba Duẩn liền nói tiếp:
- Cho tôi nói hết ý. Trung tướng ủy viên quân sự xử sự đúng cương vị quân sự của đồng chí, còn tôi là cán bộ chính trị nên tôi trình bày quan điểm của tôi về chính trị. Trước đây, đối với giáo phái, ta phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như tảo thanh Cao Ðài, Hòa Hảo. Rất may là ta kịp thời nhận ra âm mưu chia để trị của thực dân nên đã cố gắng sửa sai. Bây giờ lại xảy ra vụ Bình Xuyên. Nếu ta bắt Bảy Viễn đem ra xử - mà tội ông ta chắc chắn phải là tử hình -thì hậu quả sẽ như thế nào? Thực dân vỗ tay khoái trá hò hét:
- Thấy chưa, tụi tôi nói có sai đâu ! Việt Minh độc quyền yêu nước, Việt Minh tiêu diệt giáo phái. Bảy Viễn theo Việt Minh ba năm, leo lên tới thức Khu trưởng Chiến khu 7 mà vẫn bị bắt giết như thường?...
Ðó, quan điểm của tôi về vấn đề Bảy Viễn là như vậy, các đồng chí thấy thế nào?
Vài người gật gù tán thưởng.
Một người nói:
- Ýý kiến của hai anh Ba đều hay, mỗi người theo cương vị mà phát biểu. Bên quân sự quyết định bắt đưa ra tòa xét xử cũng hay, bên chính trị lo ngại thực dân tuyên truyền ta độc quyền yêu nước, tàn sát giáo phái cũng chí lý...
Có tiếng cười:
- Nói như đồng chí thì ba phải quá ? Tôi đề nghị biểu quyết đúng theo nguyên tắc Ðảng.
Anh Ba Duẩn nói:
- Trước khi biểu quyết, cho tôi nói một câu chót: Bảy Viễn kéo quân về thành đầu Tây là tự y ký bản án kết thúc sinh mạng chính trị của y. Lâu nay y theo cách mạng thì được nhân dân kính yêu vì tấm lòng yêu nước của y. Nay đột nhiên y bỏ về thành là tự y vạch trần cái mặt nạ y đeo trong 3 năm qua. Theo tôi nghĩ, bản án tử hình đã do chính Bảy Viễn tự ký, chúng ta không phải bận tâm đưa y ra xử làm gì cho thêm rắc rối !
Cuối cùng, biểu quyết theo thể thức đưa tay và đa số ngả theo ý kiến của anh Ba Duẩn.

Cũng trong đêm đó, hai liên lạc viên của Chi đội 9 là Hoằng và Cung hỏa tốc xuống Nam Bộ báo cho Bảy Viễn biết tổng hành dinh của Bảy Viễn đã bị tảo thanh.
Vừa nghe tin dữ, Bảy Viễn thất sắc, hai chân như lảo đảo. Giọng hổn hển, Bảy Viễn nạt:
- Tảo thanh làm sao ? Nói kỹ cho tao nghe ?
Hai tên Hoằng, Cung tranh nhau nói:
- Hai đại đội của mình vừa tới Ðồng Tháp Mười thì có lệnh tảo thanh. Chi đội nào làm theo chi đội nấy. Mấy cha chính trị viên cầm đầu bộ máy tảo thanh. Tại Chi đội 9 của mình thì thằng Tám Tâm cầm đầu. Nó có một vài trung đội trung thành chận hết các con rạch ra vô thành phố. Tư Ty vừa đưa vợ về thành thì bị Trần Công Ðức và Lưu Quý Thoái chận bắt. Tám Tâm lùng bắt mấy người thân tín của ông Bảy như ông Lâm Ngọc Ðường. Nghe nói ông Ðường nhanh nhân xuống tam bản chống vô rừng. Chưa biết có trốn thoát được không. Ba Rùm phụ trách binh công xưởng cũng bị Tám Tâm bắt. Nghe nói Ba Rùm cự nự dữ và yêu cầu ông Năm Hà can thiệp.
Bảy Viễn chửi thề:
- D.mẹ thằng Tám Tâm ? Nếu thủ tiêu nó ngay từ đầu thì đã tránh được hiểm họa ngày nay.
Tư Sang vội nói :
- Ông Tư Thiên nhận định thật là tài. Ông nói đi Nam bộ là mắc kế "điệu hổ ly sơn". Nhưng ta tương kế tựu kế. Nhân dịp này mình kéo rốc về thành. Nghe nói Thiếu tướng De la Tour sẽ dành cho mình một vùng đất bên Chánh Hưng để tạm đóng quân.
Bảy Viễn thở dài:
- Ngu quá sức ngu ! Ðã nghi gian kế mà vẫn bị mắc kế như thường. Tình thế đã vậy thì mầy cho rút quân càng nhanh càng hay !