Nguyên Hùng
Bảy viễn thủ lĩnh Bình xuyên


Phần 7


Âm thầm rút quân

Hai đại đội cứng của Bảy Viễn giữa đêm rút quân lặng lẽ trên dòng kênh Dương Văn Dương. Khẩu hiệu của Tư Sang là khẩn trương và tuyệt đối im lặng. Tuy vậy trên bờ kênh luôn luôn có ánh đèn pin thỉnh thoảng nhấp nháy trong đêm đen chứng tỏ các đội trinh sát các Trung đoàn chung quanh đã được báo động và âm thầm theo dõi cuộc tháo chạy trong vòng trật tự của nguyên Khu phó Bảy Viễn. Bảy Viễn vốn thích mặc xà rông và áo thun tơ ba lỗ cho mát, nhưng trong đêm lịch sử này, ông Bảy phải mặc quân phục, nai nịt súng đạn hẳn hoi, phòng khi hữu sự. Có lúc lính Bình Xuyên thấy thấp thoáng các đội trinh sát các trung đoàn vẫn cứ bám sát mà không nổ súng. Về sau mới biết tuy Trưởng phòng Dân quân Nam bộ Lê Duẩn ra lệnh cứ để Bảy Viễn rút quân về Rừng Sác, nhưng Trung tướng ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ ra lệnh cho các Trung đoàn phải bám sát vì biết quá rõ là Bảy Viễn không về Rừng Sác mà rút về thành.

Tới Quân khu Ðông Thành, nơi Chi đội 4 của Mười Trí đóng quân, Bảy Viễn mừng rỡ ra lệnh hai đại dội kéo vô tá túc.
- Anh Mười có cách gì dể mình rút quân an toàn không? Bọn trinh sát các Trung đoàn của Nguyễn Bình cứ bám sát, mình sợ không biết lúc nào hai bên nổ súng.
Mười Trí gật gù gọi Ba Chiêu là Chánh văn phòng Chi đội 4 tới nói:
- Mày ra nói với mấy anh bên ngoài là chú Mười sẽ thuyết phục ông Bảy không rút quân về thành. Xin các anh cho rút quân đi. Có gì chú Mười xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Mười Trí bảo vợ làm gà vịt đãi Bảy Viễn. Hai anh em tâm tình.
Mười Trí thăm dò:
- Chính ủy Hai Trí đã phát lệnh tảo thanh Rừng Sác. Bây giờ anh Bảy tính sao ?
Bảy Viễn thở ra:
- Tính sao gì nứa? Nó lừa mình xuống Tháp Mười để tảo thanh căn cứ của mình. Bây giờ căn cứ không còn, chỉ có nước về thành mượn đất thằng Tây ở tạm rồi sẽ tính sau.
Mười Trí lắc đầu:
- Ðã tính kỹ chưa? Nhớ mùa thu rồi, hai đứa có lời thề "Một ra đi là không trở về" hay không?
Bảy Viễn:
- Sao không nhớ ? Nhưng mà bây giờ tình hình đã đổi khác rồi (thở dài). Mình già mà dại ! Phạm một sai lầm chết người !
- Sai lầm gì ?
- Là hành động mà không suy nghĩ chín chắn. Mình theo kháng chiến mà không hiểu mấy cha mưu sĩ lợi hại như thằng Hai Trí.
Mười Trí nói:
- Chuyện về thành, nên suy nghĩ kỹ lại. Còn nước còn tát....
Bảy Viễn lắc đầu:
- Không còn con đường nào khác. Tắc Cây Mắm của tao đâu còn mà mầy khuyên tao đừng về thành ?
Mười Trí đặt mạnh ly rượu xuống bàn:
- Nhục lắm ? Tôi khuyên anh nên nghĩ lại . Với thằng Tây, tụi mình là cái gì ? Là những thằng du đãng, là những thằng ăn cướp, là những thằng tù khổ sai, đày ra Côn Ðảo đập đá, xeo san hô, lên núi đốn củi .Chỉ có theo kháng chiến mình mới là ông nọ bà kia, tao với mầy đều là chỉ huy. Mầy còn ngon lành hơn tao: Khu bộ phó rồi Khu bộ trưởng...
- Tao đâu có ham ba cái bánh vẽ đó. Tao thà làm đầu gà hơn đuôi phụng. Khu bộ trưởng làm cái con mẹ gì ? Tao chỉ khoái làm lãnh tụ Bình Xuyên. Vậy mà tụi nó chủ trương giải tán Bình Xuyên. Chơi vậy chơi với ai ?
Mười Trí gật:
- Tao cũng không đồng ý giải tán Bình Xuyên. Cho rằng Tây lợi dụng Bình Xuyên thì mình phải cao tay ấn hơn. Tội gì giải tán ? Cứ để Bình Xuyên đó, thằng Phòng Nhì nào léng phéng tới thì mình chộp ngay. Chính quyền trong tay mình mà sợ cái gì ?
Bảy Viễn lắng nghe Mười Trí nói, có vẻ nghĩ ngợi nhưng giữ im lặng.
Chuyện lạ là lâu nay bỏ rượu, nhưng trong tiệc này Mười Trí lại uống quá chén.
Một lúc sau, Mười Trì nói giọng lè nhè:
- Bảy Viễn, chuyện về thành mấy nghe tao, suy nghĩ lại. Về đầu Tây thì nhục lắm? Tu mấy kiếp, rốt cuộc cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ ?
Bảy Viễn buồn bã:
- Mầy phải đặt địa vị mầy như tao. Tao mất hết trơn, còn gì mà ở lại ?
- Nhưng đầu Tây là nhục muôn đời ? Ðúng là đốn củi ba năm đốt một giờ. Mấy không còn Tắc Cây Mấm thì mầy cứ ở lại đây với tao. Tao sẽ bảo lãnh cho mầy. Hai đứa sẽ gầy dựng lại. Có gì đâu !
Thôi mầy đi ngủ đi. Tao mong ngủ một đêm, sáng mai mầy sẽ đổi ý.



Về Thành

Mười Trí ra lệnh cho đại đội trưởng Ly, con đầu lòng của anh giăng mùng cho chú Bảy ngủ, xong rồi gọi cả Ly và Ba Chiêu tới văn phòng bàn chuyện cơ mật:
-Sáng nay chú Bảy bây kéo quân về thành. Tao khuyên mãi mà không được. Vậy mình phải hạn chế sự thiệt hại cho kháng chiến....
Cả hai đại đội trưởng Ly và Chiêu đều giật mình:
- Thiệt vậy hả ba?
- Chú Mười tính sao?
Mười Trí khoát tay ra hiệu im lặng:
- Nghe tao nói đã ? Không ai biết rành Bảy Viễn bằng tao. Thằng cha Hai Trí ra lệnh tảo thanh Rừng Sác trong khi chú Bảy bây về Nam bộ nhận chức Khu trưởng Chiến khu 7. Riêng tao không đồng ý chủ trương giải tán tổ chức Bình Xuyên.
- Tại sao giải tán Bình Xuyên hả ba ? - Ly hỏi.
- Nam Bộ cho là Tây đã cài bọn Phòng Nhì chui vô Chi đội 9 của chú Bảy bây, cụ thể là hai thằng Tư Sang và Năm Tài. Phòng Nhì tiếp tế tiền bạc, súng đạn, nhu yếu phẩm -thậm chí tiếp tế em gái nhảy trẻ đẹp cho chú Bảy bây nữa...
Ba Chiêu kêu lên:
- Có chuyện đó nửa sao chú Mười? Coi chừng người ta đồn...
- Chuyện có thiệt. Chính tay tao đã khử một con nhỏ tự xưng là "Bà Khu bộ phó" tại nhà riêng của chú Bảy bây ở Tắc Cây Mắm năm trước.
Ba Chiêu và Ly đêu giật mình:
- Ba khử "cục cưng" của chú Bảy vậy chú Bảy có làm dữ với ba không?
- Lúc tao tới thì chú Bảy bây đang hội nghị. Con quỷ cái đó ở nhà có một mình. Ban ngày ban mặt mà nó ăn mặc lõa lồ theo kiểu ở hộp đêm vũ trường, tao bực sẵn rồi. Chừng hỏi Bảy Viễn, nó lại chọc giận mình bằng cách hỏi gằn: "Ly ở đâu mà hỏi ngài Khu bộ phó ? Tao là bà Khu bộ phó đây sao tao không biết mày?". Tụi bây nghe có tức không? Tao liền móc súng ra, miệng nói tay bóp cò:
- Thằng Bảy Viễn có con vợ bé mà không biết dạy, để tao dạy giùm cho!
Ly hồi hộp hỏi:
- Chừng chú Bảy về thì chú phản ứng như thế nào ?
- Chừng nửa giờ sau chú Bảy bây mới về .
Cây súng tao còn để trên bàn. Tao nói trước:
- Mầy có con vợ bé hỗn láo quá ! Nó tự xưng là bà Khu bộ phó, gọi tao bằng mầy. Mầy không biết dạy vợ bé nên tao dạy giùm mầy. Cây súng tao trị nó, tao để trên bàn, trước mặt mầy đó. Mầy muốn tính với tao cách nào, tao cũng chịu!
Chú Bảy bây hết hồn, lật đật bồng con nhỏ lên thì nó đã tắt thở từ lâu. Im lặng khá lâu, một hồi sau, chú Bảy bây mới nói, giọng thiểu não:
- Mầy dạy kiểu gì mà mạnh tay quá ! Chết "cục cưng" của tao rồi !
Chú Bảy bây chưa biết "cục cưng" của mình là ai nên tao nói thẳng ra: "Lâu nay mây ôm ấp con rắn độc mà không biết. Ðám trinh sát của thằng Hai Bạc cho tao biết con nhỏ này là do bọn Tư Thiên đưa từ vũ trường Tabarin xuống đây để làm chỉ điểm. Mầy không tin hả? Hãy cố nhớ lại coi ? Từ ngày có con quỷ cái này thì Chi đội 9 của mầy bị máy bay bắn bao nhiêu lần? Và có chính xác hay không?
Chừng đó chú Bảy Bây mới sáng con mắt ra...
Ngưng một lúc, Mười Trí đổi giọng nghiêm nghị nói:
- Sáng nay tao sẽ đưa chú Bảy bây một đoạn đường để tiếp tục khuyên bảo. Còn nước còn tát. Thằng Ly phải cẩn thận giữ gìn văn phòng Chi đội . Coi chừng các trung đoàn khác tới bao vây tước súng. Có gì cũng phải bình tĩnh mà nói: "Xin các chú chờ ba con về đã. Chậm lắm là khuya nay ba con sẽ về tới...". Còn Ba Chiêu, mầy tức tốc đi tìm thằng Xê cho tao. Mầy nói cho nó biết là Bảy Viễn sẽ về thành. Chú Mười ra lệnh đại đội súng lớn mà Bảy Viễn mượn Chi đội 4 của mình ở đâu ở đó, không được qua sông Vàm Cỏ khi chưa có lệnh của chú Mười. Nghe chưa? Mình phải hạn chế thiệt hại cho kháng chiến.
Ba Chiêu gật:
- Cháu sẽ đi tìm thằng Xê ngay. Nói rõ cho nó biết là tới giờ này, chú Mười không cho Bảy Viễn mượn đại đội súng lớn nữa. Xong rồi cháu sẽ về đây ngay để cùng với thằng Ly lo phòng thủ văn phòng mình.
Suốt đêm, Mười Trí cử thao thức, lâu lâu ngồi dậy, mở cửa ra bờ kênh ngó mông lung như đang suy tính việc gì. Trời mới đâm mây ngang, anh đã thức dậy, nai nịt gọn gàng, nấu nước pha trà quạu ngồi uống một mình. Khá lâu sau Bảy Viễn mới thức.
Chị Mười đã nấu cơm nếp và làm món thịt gà xào sả ớt dọn ra cho hai anh em ăn sáng để hành quân cho vững bụng.
Vừa cầm đũa, Mười Trí hỏi Bảy Viễn:
- Nhất dạ sanh bá kế. Sao? Ngủ một đêm đã thấy được nước cờ nào mới ?
Bảy Viễn thở dài:
- Mấy cha chơi cờ không sáng bằng mấy thằng chầu rìa. Tao không còn con đường nào khác .
Mười Trí:
- Tao sẽ đưa mày một chặng đường. Vừa đi mình vừa bàn tiếp.
Bảy Viễn lộ vẻ xúc động:
- Cảm ơn mấy. Mầy là thằng bạn nối khố của tao. Dù ở đâu tao cũng không bao giờ quên mầy !
Hai người ăn chưa xong thì Tư Sang vội vàng chạy tới:
- Nguy rồi ông Bảy! Ðại đội súng lớn của thằng Xê biến đâu mất. Tôi điểm binh, chỉ còn có một đại đội.
Bảy Viễn nhìn Mười Trí :
- Chắc là mấy ra lệnh cho thằng Xê bỏ rơi bọn tao ?
Mười Trí giả bộ ngơ ngác:
- Cả đêm nay tao ở đây với mầy, tao có ra ngoài đâu mà mầy nghi tao ra lệnh cho thằng Xê ? (cười lạt). Nè, tao nghĩ ra điều này, có lẽ mầy cũng thấy như tao. Binh sĩ bây giờ đâu còn là đám lâu la ngày xưa của tụi mình nữa. Chúng có suy nghĩ riêng, chúng thích theo ai thì chúng theo, mình làm sao giữ chúng được ! Nếu thằng Xê biết mầy về thành, chắc chắn nó không đi theo rồi ! Cần gì tao phải nói vô nói ra!
Bảy Viễn thở dài:
- Về thành mà chỉ có một đại đội thì yếu quá! Thằng Tây coi mình ra cái gì...

Suốt chặng đường từ quân khu Ðông Thành về tới Quán Cơm, ấp Vườn Cò, xã Hưng Long, quận Bình Chánh, Bảy Viễn buồn bực không hề nói chuyện vì bỏ cuộc nửa chừng về thành lại quá yếu, chỉ có một đại đội trong tay. Ðầu óc tay giang hồ này luôn nghĩ tới tích tuồng tướng cướp Từ Hải đem thân về với triều đình, cam phận hàng thần lơ láo. Nay Bảy Viễn thấy trước viễn ảnh đen tối của mình: thằng Tây chịu đón tiếp Bảy Viễn là với tư thế Khu trưởng Khu 7 Việt Minh hoặc là Tư lệnh Liên khu Bình Xuyên với 7 chi đội cả vạn quân nay chỉ còn một đại đội thì "ăn làm sao, nói làm sao" với quan thầy Pháp đây?
Mười Trí biết tâm trạng của Bảy Viễn nên xoáy sâu vô :
- Mày nên suy nghĩ kỹ đi? Tao đưa mày tới Quán Cơm là tao quay về. Mầy về thành mà chỉ có một đại đội là quá yếu ! Thằng Tây trước đây đánh giá mày cao, coi mày là Khu trưởng khu 7 - Tư lệnh Liên khu Bình Xuyên nên nó mới ân cần mời mọc. Nay mày về thành mà chỉ có một đại đội thì khác nào trái núi đẻ ra con chuột. Không thằng tướng nào lại chịu khó nai nịt ra tiếp đón mày? Mày thấy vậy không?
Bảy Viễn thở ra:
- Thấy chớ? Bởi vậy buồn muốn chết đây nè ?
Mười Trí không bỏ dịp may:
- Suy nghĩ kỹ đi ? Tao đề nghị mày quay trở lại . Mày tá túc ở Chi đội 4 của tao. Tao sẽ bảo đảm cho mày. Lần hồi tụi mình gầy dựng lại. Ðời mình biết bao lần gặp sóng gió giữa biển, vậy mà vẫn vượt qua được hết. Lần này cũng vậy thôi. Kể như mình thả bè vượt ngục giữa biển bị sóng thần.
Bảy Viễn cười như mếu:
- Cám ơn mày nhiều lắm. Nhưng tao nhất quyết rồi ! Tao không sống không với tụi nó được ! Tụi nó đã không tin tao thì đời nào tụi nó dung tha cho tao. Mày tính cứu tao thì coi chừng bị hàm oan. Tao nói thật, tao rất lo cho mày. Tụi nó nghi mày sẽ về thành với tao cho mày coi. Mày sẽ gặp rắc rối vì đã chịu khó tiễn tao mấy chặng đường.
Mười Trí nhăn mặt:
- Tao đang lo cho mày, mày lại lo cho tao ! Tao chẳng có gì phải lo vì lòng tao trong sáng. Chỉ lo cho mày thôi. Mày đã nhất quyết về thành thì coi như tao đưa mày tới đây là chấm dứt. Mày không còn xứng đáng là bạn giang hồ đi theo cách mạng của tao nữa. Vậy thì từ đây, đường ai nấy đi? Thôi tao đi về đây!
Bảy Viễn giật mình vội đưa tay ra, nhưng Mười Trí lắc dầu:
- Thôi, không cần bắt tay làm gì ! Tao với mày kể từ đây là hai kẻ khác chiến tuyến. Tao theo kháng chiến, còn mày theo Tây. Tao rất nhục vì có một thằng bạn "tu ba năm mà thành quỷ một giờ"...

Mười Trí quay quả trở lại, lòng buồn không thể tả. Anh đã thất bại, không thuyết phục được Bảy Viễn. Còn Bảy Viễn đứng chết trân khi Mười Trí bỏ về đột ngột mà không bắt tay. Bảy Viễn thấy lòng xót xa khi mất một người bạn nhiều lần vào sanh ra tử với nhau.
Ðang trầm ngâm nghĩ ngợi thì Tư Sang chạy tới:
- Nguy quá ông Bảy ơi. Bảy Cao lãnh hai tiểu đội đi trinh sát vùng này rồi nó đưa hết trở vô khu sau khi xả mấy loạt đạn gọi là "bắt đưa lính" mấy thằng đầu Tây.
Bảy Viễn thất sắc:
- Bảy Cao cũng phản lại tao, thiệt hả?
- Dạ thiệt? Bọn nó mới vừa nổ súng. Chúng tôi đuổi theo nhưng không kịp.
Bảy Viễn tính thầm:
- Một đại đội trừ hai tiểu đội. Nè mày phải giừ kỹ nghe. Coi chừng sắp tới sẽ còn vài thằng xách đơn vị chạy vô khu như thằng Bảy Cao. Chà chà, về thành mà còn vài trung đội thì mất mặt bầu cua quá chừng!
Tư Sang ra lệnh tập hợp các tiểu đội để kiểm tra, một lát sau tới báo cáo:
- Thưa ông Bảy, mình chỉ còn đúng hai trung đội . Sau Bảy Cao có một tiểu đội cũng chạy trở vô bưng.
Bảy Viễn dưa tay lên trời:
- Chỉ còn hai trung đội. Nhục quá (nói thầm).
Không nghe lời khuyên của Mười Trí là sai lầm lớn (khoát tay đuổi Tư Sang ra). Ð. mẹ, sao mấy bữa nay mình lú lẫn quá trời ? Bỏ thằng bạn đồng sanh đồng tử để theo hai thằng cà chớn "đơ dèm buya rô". Chết nhục là phải!
Năm Tài đã tới Quán Cơm đón Bảy Viễn.
Nghe Bảy Viễn than, Nam Tài bèn nói:
- Xin ông Bảy an tâm. Tôi đã bàn với ông Tư Thiên. Ông nói mình chưa cần gặp tướng De la Tour ngay bây giờ . Mình sẽ tạm đóng quân bên chợ Phạm Thế Hiển tổ chức, bổ sung đội ngũ.
Pháp sẽ mở các cuộc hành quân vô khu rước các chi đội Bình Xuyên ra thành. Rồi Pháp sẽ chi tiền cho ta mộ lính cho đầy đủ quân số. Sau thời gian tập luyện, khi đâu đó đàng hoàng, ta sẽ ra mắt tướng De la Tour ...
Bảy Viễn như chết chìm vớ được phao:
-Mày giỏi lắm! Nếu đúng như lời mày nói, tao sẽ thưởng.



Ðại Tá Bảy Viễn

Khi Maurice Thiên đưa Năm Tài tới gặp trung tá Savani báo tin Bảy Viễn đột ngột rút quân về thành vì chiến khu Rừng Sác bị tảo thanh, tên trùm Phòng Nhì nhún vai lộ vẻ thất vọng. Hắn lẩm bẩm:
- Thất bại đi đôi với thất bại ! Trước đây, trong vụ tàu Thanh Vân bị đánh trong lãnh thổ eủa Bảy Viễn. Công an Ðặc khu Sài Gòn đã phá thế "án binh bất động" của Savani và Bảy Viễn. Nay trong vụ Bảy Viễn bất ngờ về thành, Nguyễn Bình đã phá kế hoạch lập chiến khu quốc gia Bình Xuyên tại Rừng Sác của ta. Rõ ràng Bảy Viễn không làm được trò trống gì ? Ông Maurice có thấy như vậy không?
Tư Thiên ở trong thế phải "cứu bồ":
- Trung tá không nên vì bực bội mà đánh giá Bảy Viễn quá thấp. Trong giới giang hồ Sài Gòn, phải nói Bảy Viễn là tay có bản lĩnh dư sức làm thủ lĩnh Bình Xuyên. Nhưng...
Savani cười lạt:
- Nhưng sao ?
- Sách có câu "mãnh hổ nan địch quần hổ". Một mình Bảy Viễn làm sao đương cự cả bộ máy cầm quyền Việt Minh ? Lẽ ra chúng ta phải can thiệp ngay để giúp Bảy Viễn đối phó kịp thời, nhưng tiếc rằng chúng ta cánh xa Rừng Sác cả mấy chục cây số đường sông. Ði ca-nô cũng phải mất một buổi. Nước xa không cứu được lửa gần. Bảy Viễn thất bại là chúng ta thất bại.
Savani gật gù:
- Ông nói đúng. Bảy Viễn thất bại là chúng ta - Phòng Nhì - thất bại. Về thành với hai đại đội thì quá yếu? Làm sao mình dám báo cáo với Thiếu tướng Tư lệnh Nam phần Việt Nam ?
Ông De la Tour sẽ vô cùng thất vọng khi thấy Bảy Viễn về thành với hai đại đội. Với cương vị Khu phó hay Khu trưởng Chiến khu 7, phải về thành với năm bảy chi đội, quân số cả chục ngàn người.
Savani cười lạt:
- Ông tướng sẽ bật cười mà rằng "trái núi có con chuột". Lâu nay mình bị huyền hoặc bởi các giai thoại về ông tướng Bình Xuyên trong hàng ngũ Việt Minh. Bây giờ ta tính sao đây ?
Tư Thiên chỉ Năm Tài:
- Cậu này vừa đưa ý khá hay: Bảy Viễn về thành trong tình thế bị động . Chiến khu Rừng Sác bị Việt Minh bất ngờ tấn công. Vì vậy Bảy Viễn chỉ có hai đại đội bảo vệ khi về Nam Bộ nhận chức Khu bộ trưởng. Ta không nên báo cáo cho Thiếu tướng tư lệnh biết mà nên tạm thời đưa lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn về miệt Chánh Hưng, vùng chợ Phạm Thế Hiển để ổn định nơi ăn chốn ở. Sau đó quân đội Pháp sẽ hành quân vô Rừng Sác đưa các chi đội Bình Xuyên về thành.
Nếu không dủ quân số, ta mở các phòng tuyển mộ tân binh, trang bị quân phục, súng ống, huấn luyện trong vòng vài tháng, sau đó sẽ làm lễ ra mắt nhà chí nguyện chính phủ quốc gia.
Savani nhìn Năm Tài gật gù tán thưởng:
- Ý hay ! ít ra cũng phải có một hai nhân viên biết làm việc như cậu này. Tôi hoàn toàn đồng ý và tôi giao cho ông thay mặt tôi lo mọi việc giúp Bảy Viễn trong lúc đầu.
Tư Thiên, Năm Tài tức tốc sang Chánh Hưng nghiên cứu thực địa. Ðây là một vùng ngoại ô, bán công bán nông, đa số dân lao động làm thuê làm mướn trong lúc nông nhàn. Chợ Phan Thế Hiển mới lập, phố lầu vươn cao, trông có vẻ sung túc . Ðất trống còn nhiều, Tư Thiên cho xây cất ngay một dãy phố kiểu khu gia binh để giải quyết nhu cầu ăn ở cho hai trung đội trung thành với Bảy Viễn.
Năm Tài góp ý:
-Anh Tư Sang sẽ ở khu gia binh Phạm Thế Hiển để nắm anh em binh sĩ. Còn ông Bảy, mình cũng phải lo cho ổng một văn phòng ở nơi thị tứ, vì dù sao ông Bảy cũng là lãnh tụ Bình Xuyên về với Chính phủ trung ương Nguyễn Văn Xuân.
- Tất nhiên ! Ðể tôi mướn cho ông Bảy một căn phố ở đường Marins (Thủy binh), gần Ðèn ba ngọn.

Như Năm Tài hiến kế, Pháp tổ chức cuộc hành quân đánh vô Rừng Sác để tạo điều kiện cho bộ đội Bình Xuyên còn bị kẹt trong vùng Việt Minh rút Về thành. Nhưng lúc đó, các chi đội Bình Xuyên được phiên chế lại theo hình thức trung đoàn như khắp các khu trong cả nước, không còn chi đội Bình Xuyên nào mà không bị xé ra để xáp nhập với các đơn vị khác , trở thành một trung đoàn chính quy có tổ chức chặt chẽ và vững vàng.
Thế nên các cuộc hành quân của Pháp coi thật rầm rộ nhưng không thu được kết quả gì.
Bảy Viễn ngày ngày đóng quân phục sĩ quan quân đội quốc gia ka-ki trắng nhưng chưa đeo cấp bậc vì còn chờ quyết định của tướng De la Tour.
Bảy Viễn không vui khi các cuộc hành quân qui mô của quân đội Pháp kết thúc mà không có một đơn vị Bình Xuyên nào về thành. Chỉ còn cách duy nhất là mở các phòng mộ tân binh. Tại các chợ Phạm Thế Hiển, Xóm Củi , Xóm Chỉ, cầu Chữ Y, cầu Tân Thuận, cầu Ông Lãnh, chợ cầu Muối đều có các bàn mộ lính Bình Xuyên. Ai ghi tên đều được lãnh tiền thưởng ngay. Ðích thân đại úy Năm Bé trông coi việc tuyển mộ tân binh Bình Xuyên. Mộ tân binh được bao nhiêu thì giao cho Tư Sang đảm trách huấn luyện. Công việc này làm cấp tốc để chạy đua với thời gian. Hoàn thành sớm chừng nào thì lễ ra mắt được tổ chức sớm chừng đó.
Thấm thoát ngày lễ ra mắt đã tới. Quân đội Bình Xuyên mặc đồng phục ka-ki mới toanh, còn thơm mùi long não từ trong kho quân nhu mới lấy ra. Nhưng dân Chánh Hưng, Phạm Thế Hiển, cầu ông Lãnh đều không lạ đám quân này. Toàn là dân "đá cá lăn dưa" các chợ, túng quá đâm liều, đăng lính để kiếm tiền thưởng.
Ngày trọng đại ấy, Bảy Viễn đăng đàn đọc diễn văn do Năm Tài viết, nhấn mạnh "trở về với chính nghĩa quốc gia vì chán Việt Minh độc quyền yêu nước".
Tướng De la Tour gắn lên vai áo Bảy Viễn lon đại tá.



Vì bạn mắc nạn

Ðúng như Bảy Viễn tiên đoán, vì bịn rịn tiễn đưa Bảy Viễn mà Mười Trí bị nạn. Khuyên can Bảy Viễn không được. Mười Trí quay về Chi đội 4 thì thấy chung quanh văn phòng có các Trung đoàn bạn canh gác. Vừa về tới nơi thì đại đội trưởng Ly, con đầu lòng của anh mặt mày quàu quạu:
- Ba mà không về kịp thì con đã nổ súng rồi . Tại sao họ dám bao vây căn cứ của mình?
Mười Trí đã buồn lại thêm bực. Anh không nói gì, ra bờ sông rửa mặt cho khỏe rồi trở vô nhà, bảo chị Mười:
-Bà châm cho tôi bình trà quạu. .
- Ông về thật là đúng lúc. Chi đội mình bị bao vây suốt đêm. Thằng Ly đòi "mạng đổi mạng", tôi khuyên nó "hãy chờ ba mày về đã ?
Vừa thổi trà, anh Mười Trí thong thả nói:
- Hai mẹ con bà đừng có nóng. Lỗi tại tôi thôi. Vì tình bạn, tôi tiễn đưa Bảy Viễn một chặng đường. Chuyện mình, mình biết. Còn người ta, làm sao họ biết được. Thấy mình đi với Bảy Viễn, người ta nghĩ là mình bàn tính chuyện về thành nên người ta bao vây chi đội mình là phải. Nếu tôi đi luôn thì họ sẽ tấn công, tước khí giới, rồi hốt hết đem về điều tra... Nhưng mình là vàng thiệt, đâu sợ lửa!
Uống xong chén trà, anh gọi Ba Chiêu tới:
- Mày ra nói với mấy anh đang bao vây bên ngoài là chú Mười đã về rồi. Chú Mười khuyên bảo Bảy Viễn ở lại, nhưng đã thất bại. Như vậy là chú Mười chịu khuyết điểm: đã hứa mà không giữ được Bảy Viễn. Nhờ các đồng chí báo cáo với Khu và Nam bộ là Mười Trí sẵn sàng chịu trách nhiệm và vui lòng nhận kỷ luật.
Ba Chiêu đi khá lâu mới trở vô:
- Mấy ổng hội ý khá lâu mới chịu cho liên lạc hỏa tốc về Khu và Nam Bộ báo với cấp trên những lời chú Mười nói. Nhưng họ vẫn để lại một bộ phận canh gác chung quanh đây.
Mười Trí quay lại nói với Ly:
-Cho đại đội của mày nghỉ xả hơi đi. Lo cơm nước ăn sớm cho chắc bụng. Mọi việc để tao lo.
Ba Chiêu thấy tình hình dễ thở, ngồi bên cạnh chú Mười:
- Chú Mười bình tĩnh quá ? Chuyện nghiêm trọng mà chú giải quyết thật là gọn !
Mười Trí cười:
- Tụi bây phải bình tĩnh. Mà muốn bình tĩnh thì trước nhất rửa mặt cho mát mẻ . Sau đó uống một chén trà nóng. Vừa thổi vừa uống. Trong khi thổi, mình suy nghĩ xem phải làm gì, cái nào chính, cái nào phụ. Cái chính làm trước, cái phụ làm sau. Như vụ này, cái chính là người ta nghĩ mình về thành theo Bảy Viễn. Mình phải xử sự như thế nào đây để chứng tỏ mình là trong sáng, phái độ phải thật bình tĩnh, tư cách phải thật tự tin. Như vàng thiệt thì đâu sợ lửa. Người ta nghi mình gian, mình phải chứng tỏ mình không gian.
Thằng gian thì con mắt láo liên, tướng đi lạng quạng, bộ vó thất thần. Còn người trung thì đâu đó chững chạc, ăn nói rốn rang, cứ chỉ oai phong... Coi hát bội mày thấy Tào Tháo khác xa Quan Công, phải không?
Chị Mười lắc đầu:
- Chuyện không hay sắp xảy ra mà ở đó nói chuyện Quan Công với Tào Tháo. Tôi lo cho ông quá mà ông sao cứ tỉnh như sáo.
- Bà lo cái gì ?
- Khu hay Nam Bộ sẽ mời ông lên trên đó để điều tra...
- Chuyện đó là tất nhiên thôi ! Tôi đang chờ giấy mời của Nguyễn Bình đây. Nếu bà lo cho tôi thì nấu cơm sớm đi. Cứ thủ ba chén cơm trong bụng cho chắc ăn.

Ðúng như Mười Trí đoán, vài giờ sau có thư mời của Ủy viên quân sự Nam Bộ Nguyễn Bình.
Cả nhà đều lo nhưng Mười Trí cười nói:
- Gặp anh Ba Bình dễ ăn nói hơn gặp thằng Hai Trí. Mà gặp ai cũng vậy, vàng thiệt không sợ lửa! Ba Chiêu, mày lo tam bản đưa tao đi, để còn trở về đây nữa chớ.
Mười Trí không đi tam bản của Nam Bộ mà đi tam bản của mình, đây là chuyện nhỏ nhưng giúp gia đình bớt lo cho anh.

Tại văn phòng Nguyễn Bình, Mười Trí được đối xử như đồng chí chứ không phải là người bị tình nghi.
Anh Ba Bình hỏi:
- Anh Mười tiễn đưa Bảy Viễn cả đêm có mệt không?
Mười Trí thở dài:
- Mệt tinh thần nhiều hơn. Tôi xin chịu lỗi đã không giữ lại được Bảy Viễn như đã hứa với các anh. Tôi đã khuyên nó cả đêm, nhưng các anh tảo thanh Rừng Sác thì nó đâu còn chỗ nào để ở lại . Tôi cũng không tán thành việc giải tán Bình Xuyên của Nam Bộ. Vì quyết định đó mà Bảy Viễn không nhận chức Khu trưởng Khu 7.
Nguyễn Bình gật gù khuyến khích:
- Anh Mười cứ nói hết những thắc mắc của mình đi. Rồi ta sẽ bàn cãi sau.
Mười Trí:
- Trong đêm nghỉ tại nhà tôi, Bảy Viễn tâm tình:
- Tao đi kháng chiến là quyết một ra đi là không trở về . Nó là bạn tôi, tôi hiểu nó hơn ai hết. Nó không bao giờ muốn về thành trong khi đi kháng chiến cuộc đời nó mới lên hương. Còn về thành, Tây coi nó ra cái gì. Một thằng du đãng nhiều tiền án, ba lần bị đày ra Côn Ðảo, tóm lại là cặn bã dưới đáy xã hội. Vậy mà nó phải về thành vì hai lẽ: thứ nhất, các anh giải tán Bình Xuyên, thứ hai, các anh tảo thanh Rừng Sác...



Thơ

Nguyễn Bình lắng nghe Mười Trí trình bày lý do khiến Bảy Viễn về thành đầu Tây.
Nghe xong, anh lấy ra một xấp tài liệu và đưa từng tờ một:
- Anh Mười xem xấp tài liệu này rồi ta bàn tiếp câu chuyện về Bảy Viễn.
Tài liệu thứ nhất là truyền đơn máy bay Pháp rải trắng Ðồng Tháp Mười trong đó Bảy Viễn lên án Việt Minh độc quyền yêu nước, diệt trừ các chính đảng khác, tảo thanh giáo phái. Ðây là tuyên ngôn của Ðại tá Lê Văn Viễn, Tư lệnh Bình Xuyên, nguyên là Khu bộ phó Chiến khu 7.
Mười Trí lắc đầu lia lịa:
- Lời lẽ trong tuyên ngôn không phải của Bảy Viễn mà của thằng Phòng Nhì, có thể là do Năm Tài soạn cho Bảy Viễn ký.
Nguyễn Bình gật:
- Cũng có thể như anh Mười nghĩ. Trong vụ này, Bảy Viễn chỉ là con cờ của Phòng Nhì. Anh Mười xem tiếp tài liệu thứ hai.
Vừa liếc qua vài hàng, Mười Trí tái sắc. Ðó là công điện của binh sĩ Liên khu Bình Xuyên gửi lên Bộ tư lệnh Khu 7 tố cáo Bảy Viễn, Mười Trí và Tư Hoạnh lợi dụng xương máu của binh sĩ Bình Xuyên. Công điện chỉ có 4 điểm vắn gọn:
1. Chiến sĩ Bình Xuyên đổ xương máu chiến đấu ba năm nay không phải là một vài tên du đãng, thổ phỉ hay Phòng Nhì, bọn com măng đô.
2. Những người anh cả của chúng tôi là anh Ba Dương, ông Tám Mạnh, ông Năm Hà... Còn mấy ông Bảy Viễn, Mười Trí, Tư Hoạnh lâu nay trở nên trụy lạc, không xứng đáng là đàn anh chúng tôi nữa.
3. Chúng tôi hy sinh cho Tổ quốc chớ không hy sinh cho cá nhân bọn anh chị không xứng đáng ấy .
4. Yêu cầu cho không tôi làm người chiến sĩ của cách mạng chớ không làm nô lệ cho bọn quân phiệt.

Nguyễn Bình hỏi:
- Anh Mười nghĩ gì về bốn điểm trong công điện của mấy ngàn binh sĩ thuộc Liên khu Bình xuyên ?
- Họ nói đúng. Có điều họ "cột" tôi với Bảy Viễn là oan cho tôi, anh Ba có thấy không?
Nguyễn Bình cười:
- Có những điều người trong cuộc không thấy mà người ngoài thấy rất rõ. Như đánh cờ tướng vậy . Lúc nãy anh Mười nói không ai biết rành Bảy Viễn hơn anh Mười. Ðó là do anh Mười chủ quan. Tôi nhìn nhận anh Mười hiểu rõ Bảy Viễn thời xa xưa, khi hai người còn là hai hảo hớn. Còn ba năm nay, do mỗi người đóng quân một nơi nên anh Mười không nắm Bảy Viễn bằng mật thám và Phòng Nhì của Pháp, cũng như anh Mười không hiểu Bảy Viễn bằng công an và tình báo của ta.
Mười Trí nhăn mặt nhưng Ba Bình nói tiếp:
- Chính vì chủ quan, xét đoán con người qua trái tim chớ không theo khối óc, nên anh Mười không đánh giá đúng mức sự hư hỏng của Bảy Viễn. Cùng đi giang hồ như nhau, nhưng anh Mười khác Bảy Viễn. Trước nhất, anh Mười là nhà nông, quen lao động, do đó biết quý trọng thành quả lao động, không lấy của phi nghĩa, không chơi với người phi nghĩa. Còn Bảy Viễn thuộc thành phần lưu manh thành thị, cái gì có lợi là làm, bất chấp chính tà, đúng sai . Một người có bản năng bất lương như vậy rất dễ sa ngã . Tám Tám, Phó văn phòng bọn đó báo cáo đầy đũ và chuyện Phòng Nhì tiếp tế xa xỉ phẩm, thậm chí cả gái nhảy các vũ trường xuống Tắc Cây Mắm giúp vui ngài Khu Bộ phó. Nghe nói chính anh Mười cũng đã khử một bà Khu Bộ phó xấc láo dám "mày tao" với bạn thân của chồng.
Mười Trí:
- Số Tám Tâm rất đỏ, vì theo tôi biết thì Bảy Viễn đã nghi Tám Tâm là người của Khu bố trí nắm văn phòng Chi đội 9. Bảy Viễn có lần muốn thủ tiêu, nhưng dọc đường Tám Tâm kể công thế nào đó mà Bảy Viễn xiêu lòng cho ghe quay trở lại . Tánh Bảy Viễn như cọp, nóng đó mà cũng nguội đó.
Nguyễn Bình:
- Tôi mời anh Mười tới đây để làm vài việc cấp bách , anh Mười nên thảo một lá thư ngỏ gửi cho Bảy Viễn hay là một lời thanh minh để đồng bào biết đôi bạn giang hồ năm xưa nay mỗi người đi một ngỏ theo đúng lý tưởng của mình. Tôi sẽ in thật nhiều và cho các Ban công tác thành phát cho dân biết là Mười Trí đã đoạn tuyệt khi Bảy Viễn đi sai đường. Anh Mười nghĩ sao?
-Tôi làm ngay tại đây cho anh. Tôi rất cần thanh minh cho Anh em Liên khu Bình Xuyên biết Mười Trí đã bỏ rượu, tu tỉnh từ khi đi theo cách mạng, khác xa Bảy Viễn. Tôi cũng cần nói cho bọn Phòng Nhì biết Mười Trí không dễ dụ như Bảy Viễn đâu.
Ba Bình đưa giấy bút cho Mười Trí:
- Anh cứ viết như anh nói.
Ngày thường Mười Trí viết rất khó khăn, nhưng đụng việc xúc phạm tới danh dự, anh viết thật nhanh.
Ba Bình đọc:
Lời thanh minh:
Ông Lê Văn Viễn đã gạt được một số ít chiến sĩ ra đầu Tây. Vừa rồi ông ra tuyên ngôn ủng hộ bù nhìn Bảo Ðại và Nguyễn Văn Xuân. Trước đây có Nguyễn Hòa Hiệp, Năm Lửa, nay tới Bảy Viễn.
Bọn chạy theo giặc thì đồng bào Nam Bộ chẳng lạ gì . Nhưng tôi là bạn thân của Bảy Viễn nên phải có đôi lời thanh minh.
Tôi rất buồn đã không ngăn cản được người bạn từng thề đồng sanh đồng tử từ thuở nhỏ.
Chúng tôi từng đi giang hồ, từng chống cường quyền thực dân, từng vào tù ra khám, nhiều lần vượt ngục Côn Ðảo về đất liền. Từ năm 1945, chúng tôi di kháng chiến đánh Tây giành độc lập.
Mỗi người đóng quân một nơi nên chúng tôi xa nhau. Do đó mà bọn phản động chui vào xúi giục Bảy Viễn chống Việt Minh. Nay thì Bảy Viễn ra mặt đầu Tây, không màng lời khuyên can của tôi.
Bảy Viển đã chôn vùi thanh danh giang hồ mã thượng, thiêu hủy sự nghiệp ba năm chiến đấu chống thực dân.
Tôi bác bỏ tình bạn qua một bên, quyết theo kháng chiến tới cùng để giành độc lập, tự do, và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Vì chánh nghĩa, vì quốc dân, ta quyết chiến, ta sẽ thắng.
Văn phòng quân sự ngày 25. 6. 1948.
Trung đoàn trưởng TÐ 303 Huỳnh Văn Trí.



Hòa Hảo vận

Thảo xong lời thanh minh Mười Trí rất vui khi thấy Nguyễn Bình khen "anh Mười viết rất hay" rồi cho liên lạc đưa ngay xuống nhà in xếp chữ và in để gửi về thành.
- Anh Ba còn cần giữ tôi lại đây về việc nào nữa không?
Nguyễn Bình gật:
- Mình sẽ bàn một công việc vô cùng hệ trọng, nhưng trước khi làm việc, mình nhậu lai rai chút đã. Tôi biết anh Mười đã bõ nhậu, còn tôi thì từ ngày đi đảo về cũng kiêng rượu. Nhưng mình làm cương sương cho vui miệng.
Chị Trinh mật mã đem ra một đỉa lòng xào, một chai rượu nếp than và hai cái ly nhỏ.
Vừa nhâm nhi, Nguyễn Bình nói:
- Khi nãy anh Mười nói Bảy Viễn về thành chỉ vì hai sai lầm của ta là giải tán Bình Xuyên và tảo thanh Rừng Sác. Tôi nói rõ về hai chủ trương này: Ðây không phải là chủ trương của một cá nhân mà là quyết định của tập thể. Vì sao phải giải tán Bình Xuyên thì anh Mười đã nghe anh Phạm Ngọc Thuần trình bày cặn kẽ rồi. Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Bảy Viễn đã thực sự làm vua một cõi trong lãnh thổ Rừng Sác của ông ta. Những người lạ tới đó đều bị thủ tiêu ngay. Bảy Viễn không khoái chính trị viên là vì không muốn có người lạ dòm ngó lối sống đế vương của hắn ta. Phòng Nhì đã thâm nhập khá sâu, không phải mới đây mà ngay trong lễ tấn phong chức Khu phó của Bảy Viễn trước đây hai năm. Ðến dự có cả Lâm Ngọc Ðường , Tư Thiên, Hộ pháp Phạm Công Tắc và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ . Anh Mười có dự, chắc là có thấy các nhân vật đó, Phòng Nhì ngày càng nắm chắc Bảy Viễn. Cho nên phải giải tán Bình Xuyên. Anh Mười nên hy sinh tình cảm nhỏ nhen để thấy sự cần thiết của quyết định này.
Mười Trí gật gù:
- Nhưng còn vụ tảo thanh Rừng Sác?
- Ðó cũng là điều cần thiết. Anh Mười thử tưởng tượng xem nếu ta không tảo thanh Rừng Sác thì Bảy Viễn sẽ về đó, củng cố giang san của mình, và càng mạnh dạn đi với Phòng Nhì. Chừng đó ta sẽ khó mà đối phó. Chi bằng ta bóp nát sự bội phản từ trong trứng nước. Chúng tôi có tài liệu đầy đủ từng vụ một về việc Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì, như việc Bảy Viễn tham gia Mặt trận Quốc gia Liên hiệp có đủ các giáo phái Cao Ðài Hòa Hảo... Vụ Bảy Viễn ký mật ước bất tương xâm với Savani đã bị chính anh Mười phá vở với trận đánh tàu Thanh Vân. Trong vụ này anh Mười đóng vai chính nhưng "quân sư" lại là anh Sáu Hoàng, Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ kiêm Trưởng ty Công an Ðặc khu. Chắc anh Mười biết rành vụ này hơn tôi .
Mười Trí cười thích thú:
- Tôi chọn hai ba điểm phục binh nhưng anh Sáu Hoàng bác hết và gợi ý cho tôi mượn Vàm Sác của Chi đội 9 làm nơi tấn công và chia chiến lợi phẩm. Sau đó tôi mới biết mình tiếp tay anh Sáu Hoàng phá tan âm mưu Phòng Nhì nắm Bảy Viễn.
Nguyễn Bình:
- Bây giờ anh Mười đã hiểu vì sao phải giải tán Bình Xuyên và tảo thanh Rừng Sác. Ðánh với một kẻ thù lộ mặt dễ hơn đối phó một đồng minh rắp tâm phản bội. Bây giờ bàn tới việc của anh Mười đây.
Mười Trí bỏ đũa xuống lặng nghe.
- Tôi rất hiểu anh, nhưng thiên hạ đa số nghi oan cho anh. Sự nghi ngờ này càng tăng thêm khi anh đứng ra bảo lãnh cho Bảy Viễn, rốt cuộc anh để hắn đi tuốt ra thành. Chuyện đó càng làm cho thiên hạ nghi là đích thân anh đã đi tiễn Bảy Viễn đến tận ngoại vi Sài Gòn. Hai người bàn với nhau những gì? Nhiều ủy viên trong Ủy ban Nam Bộ cả quyết sớm muộn gì Mười Trí cũng theo Bảy Viễn .
Mười Trí gật gù:
- Ðúng là tôi vì tình bạn mà hành động, không nghĩ tới sự nghi kỵ của những người chung quanh. Bây giờ thì các anh tính thế nào về tôi đây ?
Ba Bình đưa ly rượu lên:
- Cứ bình tĩnh. Chúng tôi đã có cách giải quyết thật êm thấm cho anh Mười là đưa anh về miền Tây.
- Ðưa tôi về miền Tây? Ðể làm gì ? A, thì ra các anh sợ Mười Trí sẽ theo Bảy Viễn nên tách cho xa ra. Cũng được ! Tôi sẳn sàng về miền Tây, nhưng tôi sẽ làm gì đây? Tôi có thể đưa theo Chi đội 4 của tôi...
Anh Mười chỉ có thể đưa theo một bộ phận nhỏ thôi, chừng một đại đội. Anh quên rằng tất cả các chi đội Bình Xuyên đều bị xé ra để phiên chế thành các trung đoàn ? Chúng tôi cũng đã bố trí một công tác hết sức thú vị cho anh.
- Công tác gì vậy?
- Hòa Hảo vận. Tức là vận động tín đồ Hòa Hảo theo Việt Minh chống Pháp.
Mười Trí trố mắt nhìn Ba Bình, lắc đầu:
- Tôi không làm được công tác đó đâu. Thứ nhất, tôi không phải là người tu hành. Một câu kinh, một lời kệ, tôi cũng không thuộc. Mà công tác này khó lắm. Hòa Hảo đang theo Tây chống ta ở miền Tây cũng như Cao Ðài Tây Ninh theo Tây đánh ta ở miền Ðông.
Ba Bình:
- Bởi khó mới nhờ tới anh Mười. Cũng như đánh trận lớn phải xuất tướng. Tôi tin rằng anh Mười sẽ làm được công tác mới này. Không biết kinh kệ thì học. Có gì khó đâu ? Anh có một ưu thế rất lớn mà chính anh lại không thấy. Nhờ Chính ủy Khu 9 gợi ý, chúng tôi mới bố trí công tác đó cho anh.
Mười Trí càng ngạc nhiên:
- Chính ủy Khu 9. Bảy Trấn hả? Anh Bảy gợi ý thế nào ?



Sư Thúc Hòa Hảo

Thường vụ Nam bộ đang phân vân chưa biết giao công tác gì cho Mười Trí điều anh xuống miền Tây để cho xa Bảy Viễn, thì Chính ủy Khu 9 Bảy Trấn góp ý:
- Tại sao không giao cho Mười Trí công tác Hòa Hảo vận ?
Mọi người đều ngạc nhiên, Bảy Trấn cười nói:
- Mười Trí đã có lần được giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tặng danh hiệu Sư thúc Hòa Hảo. Mình nghĩ rằng với danh hiệu đó, Mười Trí sẽ làm tốt công tác vận động Hòa Hảo theo ta đánh Tây.
Trước vẻ ngạc nhiên của mọi người, Bảy Trấn giải thích:
- Chuyện này tôi nghe chị Mười Trí kể. Tôi phối kiểm với anh Nguyễn Văn Tây, Thanh tra chính trị miền Tây thì ăn khớp. Vậy là có thể tin được .
Vị giáo chủ họ Huỳnh đã có lúc chạy lên Bà Quẹo tá túc với Mười Trí. Hai ông này quen nhau khi Nhật quản thúc họ Huỳnh tại Sài Gòn vì Pháp định đưa họ Huỳnh qua Lào để ngừa hậu họa. Khi Tây đánh ra ngoại vi Sài Gòn, bộ đội Mười Trí rút về quân khu Ðông Thành. Một ngày kia, máy bay bắn vào khu vực đóng quân của Chi đội 4. Ðại đội tiếp tế của Giáo chủ chạy lung tung. Anh Mười mới nói: "Anh em cứ theo Thầy. Ðừng chạy bậy bạ. Mười Trí đưa họ Huỳnh tới một ngôi nhà khá rộng tạm ẩn náu. Máy bay bắn vài nơi nhưng không bắn vào ngôi nhà nói trên. Trong lúc phấn khởi, họ Huỳnh chỉ anh Mười nói với đám đệ tử do Năm Lửa chỉ huy: "Ðây là Sư thúc của bây đó. Khi nào thầy đi xa thì Sư thúc bây lên thay thầy".
Từ đó Năm Lửa xem anh Mười như là Sư thúc của mình.
Mọi người bật cười khi nghe Bảy Trấn kể chuyện đời xưa. Một người nói: "Chuyện như đùa".
Nhưng Bảy Trấn nghiêm giọng nói: "Không đùa đâu Ðức tin quan trọng lắm. Làm dân vận phải tôn trọng đức tin của người ta".
Nghe Nguyễn Bình nhắc lại giai thoại "Sư thúc Hòa Hảo", Mười Trí gật đầu:
Chuyện anh Bảy Trấn kể đó là chuyện có thật. Năm Lửa nghe tận tai và thấy tận mắt lời dạy của Thầy nên xem tôi, trọng tôi như Sư thúc.
-Vậy thì anh Mười nghĩ sao khi chúng tôi giao công tác Hòa Hảo vận cho anh ?
Mười Trí thở ra:
- Làm sao tôi dám từ chối? Tôi đang ở trong thế kẹt, các anh đã tìm cho tôi một lối thoát êm thấm. Dù không... thích lắm, tôi cũng cảm ơn các anh .
Khi tiễn Mười Trí ra về, Nguyễn Bình nói:
-Anh Mười về, chọn một đại đội cùng đi với anh về miền Tây. Nam Bộ đã điện cho tỉnh Long Châu Hà giúp đỡ Trung đoàn 304 của Sư thúc Hòa Hảo xây dựng cơ ngơi. Chừng an cư lạc nghiệp mới bắt tay vô công tác.
Mười Trí bắt tay Ba Bình:
- Cám ơn anh Ba đã hết lòng giúp đỡ.
Ba Bình vỗ vai Mười Trí, nói nhỏ:
- Còn chuyện này nữa. Anh Mười cho chúng tôi mượn đại đội trưởng Ly một thời gian...
- Cho mượn thằng Ly? Ðể làm gì? Trong một thời gian là bao nhiêu lâu ?
Ba Bình:
- Chuyện lớn mình giải quyết êm đẹp rồi, chẳng lẽ lại bất đồng về chuyện nhỏ ? Vì sao chúng tôi mượn thằng Ly hả ? Thằng nhỏ quen chiến trường trên này, nó đã có lần cứu tôi tại ấp 10 Vĩnh Lộc, lúc tụi com-măng-đô chỉ cách tôi có hai tầm ruộng. Không có loạt FM của thằng Ly bắn xuyên hông là bọn chó đó làm thịt tôi rồi. Anh Mười cho tôi mượn. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về nó. Còn trong bao lâu thì khó nói trước được.
Có lẽ trong một hai mùa chiến dịch là tôi trả lại cho hai vợ chồng anh.

Mười Trí gật đầu lui ghe. Nhưng cái gật đầu chỉ có nghĩa xã giao, còn trong thâm tâm Mười Trí vẫn cứ thắc mắc về chuyện này.
Chị Mười không bình tĩnh như chồng. Khi nghe anh kể lại mọi chuyện, chị kêu lên:
- Thấy rõ quá mà ! Người ta nghi anh sẽ theo Bảy Viễn nên tống anh đi cho xa. Long Châu Hà là xa nhất rồi. Miệt khỉ ho cò gáy đó về Sài Gòn đi xe đò cũng mất một ngày trời. Vậy mà chưa đủ, người ta còn mượn thằng Ly của mình. Họ bắt nó làm con tin đó ông. ông mà theo Bảy Viễn là họ cắt cổ mổ bụng thằng nhỏ, cục cưng của tôi.
- Tôi cũng biết như bà nghĩ. Nhưng làm gì có chuyện đó. Làm sao tôi lại bỏ kháng chiến về thành đầu Tây nhục nhã như Bảy Viễn ?
Ðêm đó Mười Trí lại uống rượu rồi hí hoáy ghi chép gì đó trong sổ tay.