DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 10

Muốn công việc tiến triển chút ít, thì phải gặp Cottard ở nhà Rieux. Hôm đó, Rieux và anh vẫn còn nói về những cuộc chạy vạy vô bổ của anh trong các cơ quan Nhà nước. Mấy ngày sau, Cottard a gặp Rambert trên đường và chào hỏi anh với cái vẻ tròn trĩnh giờ đây hắn đưa vào trong mọi mối quan hệ:
- Vẫn không được gì hết à? hắn hỏi.
- Vẫn không, không gì hết. - Đừng trông mong gì ở các công sở. Chúng không phải sinh ra để thông cảm đâu.
- Đúng thế. Nhưng tôi tìm kiếm cái khác. Khó lắm cơ!
- A! Cottard thốt lên, tôi hiểu.
Hắn có biết một đường dây, và trước vẻ ngạc nhiên của Rambert, hắn giải thích rằng đã từ lâu, hắn la cà khắp các tiệm cà phê ở Oran, rằng hắn có bạn bè và hắn được biết là có một tổ chức lo liệu loại công việc này. Sự thật là Cottard, mà từ nay chi tiêu vượt quá thu nhập, đã dính líu vào hoạt động buôn lậu những sản phẩm định lượng bị hạn chế. Hắn bán lại thuốc lá và rượu tồi mà giá cả tăng không ngừng và hiện đang làm giàu cho hắn.
- Ông có biết chắc chắn không? Rambert hỏi.
- Có, bởi vì người ta đề xuất với tôi.
- Và ông đã không lợi dụng?
- Ông đừng ngờ vực, Cottard nói, vẻ thật thà, tôi không lợi dụng bởi vì tôi, tôi không muốn đi. Tôi có lý do riêng của mình.
Im lặng một lát, hắn nói thêm:
- Ông không hỏi tôi vì những lý do gì à?
- Tôi nghĩ cái đó không dính dáng với tôi, Rambert đáp.
- Quả là một mặt nào đó, cái đó không dính dáng tới ông. Nhưng ở một mặt khác… Cuối cùng, điều hiển nhiên duy nhất, là ở đây tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều từ khi thành phố bị dịch hạch.
Rambert lắng nghe rồi hỏi:
- Làm thế nào để gặp được tổ chức ấy?
- A! Cottard đáp, không dễ đâu. Ông hãy đi cùng tôi.
Bốn giờ chiều. Bầu trời u ám. Thành phố hầm hập. Mọi cửa hiệu đều rũ mành. Đường phố vắng tanh, Cottard và Rambert đi theo những con đường có cổng tò vò và im lặng cặm cụi cất bước. Vào giờ này, không thấy dịch hạch đâu cả. Bầu không khí im ắng này, sự vắng lặng của màu sắc và hoạt động này, đều có thể do mùa hè hoặc do tai họa gây nên. Người ta không biết không khí mang nặng những sự uy hiếp hay mang nặng bụi bặm và nóng bức. Phải quan sát và suy nghĩ mới nhìn ra dịch hạch. Vì nó chỉ bộc lộ ra qua những dấu hiệu tiêu cực. Cottard, tương hợp với dịch hạch, lưu ý Rambert chẳng hạn về hiện tượng không thấy các đàn chó nhẽ ra phải nằm thở hồng hộc trong các hành lang để kiếm một chút mát mẻ thực ra không sao có thể kiếm được.
Họ đi dọc đại lộ Cây Cọ, vượt qua quảng trường Duyệt binh và đi về phía khu phố Hải quân. Bên trái, một quán cà phê quét vôi xanh nằm ẩn dưới một bức mành treo tréo bằng vải thô màu vàng. Cottard và Rambert vừa bước vào vừa lau trán. Họ ngồi xuống những chiếc ghế gấp dùng đặt ngoài vườn, trước những cái bàn tôn sơn xanh. Trong tiệm vắng tanh. Ruồi vo ve trong không khí. Trong một chiếc lồng sơn vàng đặt trên quầy hàng khập khiễng, một chú vẹt trụi hết lông, nằm rũ rượi trên sào. Trên tường treo những bức tranh cũ kỹ, cáu bẩn, giăng dày mạng nhện, miêu tả những trận đánh. Trên các mặt bàn bằng tôn, và ngay cả trước mặt Rambert những đống phân gà khô quánh lại, anh không hiểu nguyên nhân vì sao cho tới khi, từ một góc nhà tối om, một chú gà trống lộng lẫy làm ầm ĩ lên một lúc rồi chân sáo nhảy ra.
Trời lúc ấy như càng thêm oi ả. Cottard cởi áo ngoài và dập dập lên mặt bàn. Một anh chàng bé nhỏ, trong chiếc tạp dề xanh lụng thụng, từ cuối phòng bước ra, từ xa cúi chào Cottard, đi tới, lấy chân gạt mạnh chú gà trống và, giữa tiếng đàn gà cục cục, hỏi khách dùng món gì. Cottard bảo lấy vang trắng và hỏi thăm về một anh chàng Garcia. Theo lời gã lùn, đã mấy ngày nay, không thấy Garcia đến tiệm.
- Anh có nghĩ là tối nay hắn tới không?
- Ồ! anh kia đáp, tôi đâu biết công việc ông ta. Nhưng ông thì ông biết giờ giấc ông ta kia mà.
- Đúng, nhưng chẳng có gì quan trọng đâu. Tôi chỉ muốn giới thiệu một người bạn với hắn thôi mà.
Anh chàng hầu bàn chùi hai tay ướt vào mặt trước tạp dề.
- A! Thì ra Ngài cũng làm apphe!
- Phải, Cottard đáp.
Anh chàng kia hít hít.
- Vậy mời ông tối nay trở lại. Tôi sẽ cho thằng bé đi gọi.
Ra về, Rambert hỏi Cottard apphe gì.
- Dĩ nhiên là buôn lậu. Họ đưa hàng ra ngoài cửa ở thành phố, bán với giá đắt.
- Thế à, Rambert nói. Họ có những tổ chức đồng lõa à?
- Đúng thế.
Buổi tối, tấm mành được vén lên, con vẹt khẹc khẹc trong lồng và những gã đàn ông, áo sơmi xắn tay, ngồi quanh những chiếc bàn tôn. Một gã, mũ rơm hất ra sau gáy, áo sơmi trắng không cài để hở một bộ ngực màu sẫm như đất cháy nắng, đứng dậy. Cottard bước vào. Một khuôn mặt cân đối và da màu nâu, mắt đen và nhỏ, răng trắng, hai ba chiếc nhẫn đeo ở ngón tay. Hắn trạc ba mươi.
- Xin chào, hắn nói, chúng ta ra quầy uống đi.
Họ lặng lẽ uống ba chầu rượu.
- Chúng ta đi dạo chứ? Garcia hỏi.
Họ đi về phía bến cảng và Garcia hỏi hai ngƣời có việc gì cần đến hắn. Cottard bảo là hắn giới thiệu Rambert không phải vì apphe, mà chỉ vì cái hắn gọi là “một chuyến ra ngoài”, Garcia vừa bước thẳng về phía trước vừa hút thuốc. Hắn đặt những câu hỏi, dùng “Anh ta” khi nói về Rambert trong lúc làm như không thấy sự có mặt của anh.
- Để làm gì? hắn hỏi.
- Anh ta có vợ ở Pháp.
- A!
Và một lát sau:
- Anh ta làm nghề gì?
- Nhà báo.
- Đây là một nghề nói rất nhiều.
Rambert không nói gì.
- Chỗ bạn bè cả, Cottard lên tiếng. Họ im lặng bước đi và ra tới bến cảng. Những tấm sắt lớn ngăn không cho vào. Nhưng họ đi về phía một quán rượu, nơi có bán cá trích rán, thơm lừng.
- Dẫu sao, Garcia kết luận, cái đó không liên quan đến tôi, mà đến Raoul. Tôi phải đi tìm hắn. Và không phải dễ.
- A! Cottard sôi nổi hỏi, hắn có việc gì phải trốn tránh à? Garcia không đáp. Gần tới quán rượu, hắn đứng lại và lần đầu tiên quay nhìn Rambert.
- Ngày kia, lúc mười một giờ, ở góc trạm kiểm soát hải quan, phía đầu thành phố?
Hắn làm ra bộ muốn ra đi, nhưng lại quay về phía hai người.
- Phải có phí tổn đấy, hắn bảo.
Hắn nói hờ hững như nêu một lời nhận xét.
- Dĩ nhiên, Rambert đồng tình đáp.
Một lát sau, anh chàng nhà báo cảm ơn Cottard:
- Ồ! không, hắn vui vẻ đáp. Tôi lấy làm thích thú được giúp ông. Vả lại, ông là nhà báo, có ngày ông sẽ trả ơn tôi. Hai ngày sau, Rambert và Cottard đi dọc những đường phố lớn không có bóng râm dẫn về phía đầu thành phố. Một phần trạm hải quan đã biến thành bệnh xá, và trước tấm cửa lớn, người ta đứng chờ đợi, hy vọng một cuộc thăm viếng không sao có thể cho phép được, hoặc tìm kiếm những tin tức chỉ sau một lúc đã trở thành lạc hậu. Dẫu sao, nhờ có sự tập hợp ấy, người ta có điều kiện đi đi lại lại, và cũng nhờ đó mà cách quy định cuộc gặp gỡ giữa Garcia và Rambert chẳng có gì khác thường cả.
- Thật kỳ lạ, Cottard nói, cái thái độ khăng khăng đòi đi khỏi thành phố. Cuối cùng, tình hình xảy ra thật là thú vị.
- Đối với tôi thì không, Rambert đáp.
- Ồ! dĩ nhiên, phải liều một cái gì đấy. Nhưng xét cho cùng, trước khi xảy ra dịch hạch, người ta cũng liều không kém khi đi qua một ngã tư thật sự tấp nập.
Đúng vào lúc đó, ôtô của Rieux đỗ lại ở ngang tầm họ. Tarrou cầm lái và Rieux như nửa thức nửa ngủ. Ông tỉnh dậy để làm công việc giới thiệu.
- Chúng tôi biết nhau. Tarrou nói. Chúng tôi cùng ở một khách sạn.
Anh mời Rambert lên xe về thành phố.
- Không, chúng tôi có buổi hẹn gặp ở đây.
Rieux nhìn Rambert:
- Vâng, Rambert nói.
- A! bác sĩ biết rồi chăng? Cottard ngạc nhiên hỏi.
- Ông dự thẩm đến kìa, Tarrou vừa nói vừa nhìn Cottard.
Anh chàng này biến sắc mặt. Quả là Othon đi từ phía trên đường xuống và tiến về phía họ, bước chân mạnh mẽ nhưng đều đặn. Ông bỏ mũ ra khi đi qua nhóm người.
- Chào ngài thẩm phán! Tarrou cất tiếng.
Ông ta chào đáp lễ những người ngồi trên ôtô, rồi nhìn Cottard và Rambert đứng ở phía sau, nghiêm trang gật đầu, Tarrou giới thiệu anh chàng thực lợi và nhà báo. Viên dự thẩm nhìn trời trong giây lát và thở dài bảo thật là một thời kỳ buồn bã.
- Thưa ông Tarrou, người ta bảo ông là ông lo việc thi hành những biện pháp phòng bệnh. Tôi hết sức hoan nghênh ông. Thưa bác sĩ, ông có nghĩ là bệnh sẽ lan rộng không?
Rieux đáp nên hy vọng là không và viên thẩm phán nhắc lại phải luôn luôn hy vọng, vì ý định của Thượng đế thì không sao hiểu thấu được. Tarrou hỏi tình hình có khiến ông ta phải làm việc gấp bội không.
- Trái lại, những vụ việc mà chúng tôi gọi là thuộc phạm vi thường phạm giảm bớt. Tôi chỉ còn phải thẩm vấn những trường hợp vi phạm nghiêm trọng những điều khoản mới. Chưa bao giờ người ta tôn trọng những đạo luật ngày trước như hiện nay.
- Chắc hẳn vì chúng tốt hơn những điều khoản sau này, Tarrou nói.
Viên thẩm phán thôi không còn vẻ mơ màng ngước mắt đăm đăm nhìn trời nữa. Và quan sát Tarrou với một thái độ lạnh nhạt.
- Cái đó có nghĩa lý gì? ông ta bảo. Cái quan trọng không phải là luật, mà là việc xét xử. Chúng ta chẳng làm gì được.
- Thằng cha đó, Cottard nói sau khi viên thẩm phán đi rồi, chính là kẻ thù số một.
Xe nổ máy.
Một lúc sau, Rambert và Cottard thấy Garcia đi tới. Hắn tiến về phía họ. Không làm hiệu gì và thay cho lời chào, chỉ nói: “Phải chờ”.
Xung quanh, đám đông, trong đó phụ nữ nhiều hơn cả, chờ đợi im phăng phắc. Hầu hết đám phụ nữ ấy đều mang theo những cái giỏ với niềm hy vọng hão huyền là trao cho người nhà bị bệnh và với ý nghĩ còn rồ dại hơn là người bệnh có thể ăn các thức ăn của họ mang tới. Những người lính gác mang vũ khí đứng canh cửa và chốc chốc một tiếng kêu kỳ cục vượt qua khoảnh sân giữa trạm hải quan và cánh cổng. Những khuôn mặt lo âu trong đám đông vội quay về phía bệnh xá.
Ba người đang nhìn cảnh tượng ấy thì phía sau lưng, một tiếng “chào” rành rọt và trầm trầm cất lên, khiến họ quay lại. Mặc dù trời nóng, Raoul ăn bận rất chỉnh tề. Cao lớn và cường tráng, hắn mặc áo cài chéo màu sẫm và đội mũ phớt vành bắt ngược lên. Da mặt xanh xao. Mắt nâu và hai môi sít lại. Raoul nói nhanh và rành rọt:
- Chúng ta đi về phía thành phố, hắn bảo Garcia, cậu có thể để mặc bọn tớ.
Garcia châm thuốc hút và để họ ra đi. Họ bước nhanh, theo bước chân của Raoul đi giữa hai người.
- Garcia đã nói với tôi, hắn bảo. Có thể được đấy. Nhưng dù thế nào, cũng mất mười nghìn quan.
Rambert đáp là anh chấp nhận.
- Các anh đến ăn trưa ngày mai với tôi, ở khách sạn Tây Ban Nha, đường phố Hải Quân.
Rambert thỏa thuận và Raoul bắt tay anh, lần đầu tiên nở nụ cười trên môi. Raoul đi rồi, Cottard xin lỗi vì ngày mai hắn không rỗi, vả lại Rambert không còn cần đến hắn nữa.
Hôm sau, khi anh chàng nhà báo bước vào khách sạn Tây Ban Nha, mọi người đều quay lại nhìn. Cái hầm tối tăm ấy ở thấp hơn nền một con đường nhỏ bụi bặm và bị mặt trời hun nóng, chỉ có những khách đàn ông, phần lớn là người gốc Tây Ban Nha. Nhưng khi Raoul ngồi ở một bàn phía cuối, ra hiệu cho Rambert và Rambert đi về phía hắn, thì sự tò mò biến mất ngay trên các khuôn mặt, và người ta quay trở lại ăn uống. Cùng ngồi ở bàn là một gã to cao nhưng gầy, râu ria tua tủa, hai vai lực lƣỡng, mặt dài như ngựa, tóc lưa thưa. Cánh tay áo sơmi của hắn xắn cao, để lộ hai cánh tay dài ngoằng, gầy guộc, phủ đầy lông đen kịt. Hắn gật đầu ba lần khi Raoul giới thiệu Rambert. Raoul không gọi tên hắn mà chỉ dùng “anh bạn chúng tôi”.
- Anh bạn chúng tôi bảo là có khả năng giúp ông. Anh ấy sẽ…
Raoul ngừng lời vì cô gái hầu bàn đến để nghe Rambert đặt hàng.
- Anh ấy sẽ giới thiệu ông với hai người bạn chúng tôi, và hai người này sẽ cho ông biết những người canh gác tận tâm với chúng tôi. Nhưng không phải thế là xong. Những người canh gác này, tự bản thân họ phải chọn thời cơ thuận lợi. Cách đơn giản nhất là ông sẽ nghỉ lại một vài đêm tại nhà một trong hai người đó - người này ở gần cửa ô - Nhưng trước đấy, anh bạn chúng tôi đây phải tổ chức cho ông những cuộc tiếp xúc cần thiết. Khi mọi việc được thu xếp xong, thì ông sẽ thanh toán các khoản phí tổn với anh ấy.
Một lần nữa, “anh bạn” lại gật cái đầu ngựa trong lúc không ngớt trộn món xà lách cà chua và ớt mà hắn xơi ngấu nghiến. Rồi hắn nói với một giọng Tây Ban Nha lơ lớ. Hắn đề nghị gặp Rambert hai ngày sau, lúc tám giờ sáng, dưới cửa lớn nhà thờ.
- Còn hai ngày nữa kia à? Rambert lên tiếng.
- Đó là vì không phải là chuyện dễ, Raoul đáp. Phải tìm gặp lại mấy gã.
Một lần nữa, gã mặt ngựa gật đầu còn Rambert thì đồng tình nhưng chẳng hào hứng gì. Sau đó, cả ba ngƣời lúng túng, không biết còn chuyện gì để nói nữa. Nhưng mọi cái trở nên hết sức dễ dàng khi Rambert biết gã kia là một cầu thủ bóng đá. Bản thân anh cũng ham mê môn thể thao này. Thế là họ nói chuyện về giải vô địch Pháp, về tài năng các đội nhà nghề của Anh và về chiến thuật v.v… Cuối bữa ăn, gã mặt ngựa trở nên hết sức sôi nổi và “cậu tớ” với Rambert, thuyết phục anh là trong một đội bóng, không có vị trí nào đẹp hơn vị trí trung vệ. “Cậu biết không, hắn nói, trung vệ là người phân bố trận đấu, đó chính là bóng đá”. Rambert tán thành, tuy bao giờ anh cũng giữ chân trung phong. Câu chuyện chỉ dừng lại khi đài phát thanh, sau lúc lặp đi lặp lại khẽ khàng những khúc nhạc trữ tình, báo tin là ngày hôm trước, dịch hạch làm chết một trăm ba mƣơi bảy người. Cử tọa không một ai phản ứng. Gã mặt ngựa nhún vai và đứng dậy. Raoul và Rambert cũng đứng dậy theo.
Lúc từ giã, anh chàng trung vệ siết chặt tay Rambert:
- Tớ tên là Gonzalès, hắn nói.
Hai ngày sau là hai ngày dài vô tận, đối với Rambert. Anh đến nhà Rieux và kể lại mọi chi tiết. Rồi theo bác sĩ đi thăm người bệnh. Anh chia tay với ông trước cửa nhà một bệnh nhân nghi là bị dịch hạch. Trong hành lang, nghe có tiếng chân chạy và tiếng nói: người ta báo cho gia đình biết thầy thuốc đến.
- Tôi hy vọng là Tarrou sẽ đến, Rieux khẽ nói.
Ông có vẻ mệt mỏi.
- Dịch bệnh tiến triển nhanh quá, phải không ông? Rambert hỏi.
Rieux đáp lại không phải như vậy và thậm chí đường biểu diễn các con số thống kê đi lên chậm hơn trước. Nhưng phương tiện chống dịch hạch không có nhiều.
- Chúng tôi thiếu dụng cụ, ông nói. Trong tất cả các đội quân thế giới, người ta thường thay thế tình trạng thiếu hụt dụng cụ bằng con người. Nhưng người, chúng tôi cũng thiếu.
- Đã có các thầy thuốc và nhân viên y tế ở ngoài vào kia mà.
- Vâng, Rieux đáp. Mười thầy thuốc và một trăm nhân viên. Bề ngoài nhìn thì thế là nhiều. Nhưng đối với tình hình bệnh hiện nay thì chỉ vừa đủ. Nếu dịch bệnh lan rộng thì sẽ thiếu.
Rieux lắng tai nghe những tiếng động trong nhà, rồi mỉm cười nói với Rambert:
- Đúng, ông phải lo cho xong sớm đi.
Một thoáng buồn trên nét mặt Rambert: - Ông biết đấy, tôi ra đi không phải vì cái đó.
Rieux đáp là ông biết, nhưng Rambert vẫn nói tiếp:
- Tôi tin tôi không phải là đứa hèn nhát, ít nhất là trong phần lớn cuộc đời tôi. Tôi đã có dịp thử thách. Nhưng có những ý nghĩ tôi không sao chịu nổi.
Rieux nhìn thẳng vào anh:
- Ông sẽ gặp lại cô ấy.
- Có thể, nhưng tôi không chịu được cái ý nghĩ là tình hình này kéo dài và trong lúc đó, cô ta sẽ già đi. Ở tuổi ba mươi, người ta bắt đầu già và phải lợi dụng hết tất thảy. Tôi không rõ là ông có thể hiểu hết hay không.
Rieux khẽ khàng đáp là ông nghĩ rằng ông hiểu. Bỗng Tarrou đi tới, vẻ rất sôi nổi.
- Tôi vừa mới yêu cầu Paneloux cùng tham gia với chúng ta.
- Vậy thế nào? Rieux hỏi.
- Ông ta suy nghĩ và trả lời đồng ý.
- Tôi hài lòng, Rieux bảo. Tôi hài lòng thấy ông ta tốt hơn bài thuyết giáo của ông
- Mọi người đều như thế cả, Tarrou tiếp lời. Chỉ có điều là phải tạo cơ hội cho họ.
Anh mỉm cười và nháy mắt về phía Rieux:
- Công việc của tôi, trong cuộc đời, là tạo cơ hội.
- Tôi xin lỗi, Rambert lên tiếng, nhưng tôi phải đi.