DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 12

III


Cứ như thế, suốt cả tuần, những người bị dịch hạch cầm tù cố sức vùng vẫy. Và thậm chí một số, như Rambert, còn có ý nghĩ - như chúng ta đã thấy - là họ vẫn hành động như những con người tự do, là họ vẫn còn có thể lựa chọn. Nhưng thực tế, lúc này, vào giữa tháng tám, có thể nói dịch hạch đã bao trùm hết thảy. Không còn những số phận riêng lẻ, mà chỉ là cảnh ngộ chung, đó là dịch hạch và những tình cảm mọi người cùng chia xẻ. Cái lớn nhất là sự chia ly và cảnh lưu đày, với tất cả những nỗi sợ hãi và sự nổi loạn chúng kéo theo. Vì vậy, vào thời kỳ cao điểm này của nóng bức và bệnh tật, người kể chuyện nghĩ là đã đến lúc cần miêu tả tình cảm chung và kể lại làm ví dụ những hành vi hung bạo của người sống, việc chôn cất người chết và nỗi khổ đau của những cặp tình nhân bị chia ly.
Vào giữa năm ấy, gió nổi lên và thổi ròng rã mấy ngày liền vào cái thành phố dịch hạch đang hoành hành. Người dân Oran đặc biệt kinh hãi những cơn gió vì chúng không gặp một trở lực thiên nhiên nào trên cao nguyên này, và do vậy chúng ùa vào các đường phố hết sức hung hãn. Sau bao ngày tháng không có lấy một giọt mưa đem lại cho không khí một chút mát mẻ, thành phố bị bao phủ trong một lớp vỏ bọc xám xịt, tơi vụn ra dưới cơn gió. Gió tung lên những lớp bụi bặm và giấy má quẩn dưới chân những người dạo chơi ngày càng trở nên ít ỏi. Họ hối hả trên đường phố, cúi gập người lại, lấy mùi soa hay bàn tay che miệng. Buổi tối, ở những nơi người ta tụ tập và ra sức kéo dài những chuỗi ngày mà ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng, từng nhóm nhỏ vội vã trở về nhà hay vào quán cà phê. Vào thời kỳ này, hoàng hôn ập xuống rất nhanh, và trong mấy ngày liền, hễ trời chạng vạng là đường phố vắng tanh và chỉ có tiếng gió liên miên rên rỉ. Từ mặt biển nổi sóng và vẫn bị che khuất, bốc lên mùi tảo và mùi muối. Hoang vắng, trắng xóa những bụi, chất chứa đầy mùi vị của biển cả và vang động tiếng gió gào rú, thành phố bấy giờ than vãn như một hòn đảo đau thương.

Cho tới lúc này, ở vùng ngoại ô đông dân và ít tiện nghi, dịch hạch đã giết hại nhiều ngƣời hơn so với ở trung tâm thành phố. Nhưng đột nhiên hình như nó dịch lại gần hơn và đến ngự trị cả trong những khu phố kinh doanh. Dân chúng đổ tội cho gió đã mang mầm dịch bệnh tới. “Gió làm cho rối tinh lên”, tay chủ khách sạn lên tiếng.
Nhưng dẫu sao các khu phố nội thành cũng biết là đã đến lượt mình, khi tiếng còi xe cứu thương, trong đêm tối, ngay bên cạnh và ngày một nhiều hơn, vang lên ngoài cửa sổ như tiếng kêu ảm đạm và không thiên vị của dịch hạch. Ngay trong nội thành, người ta cũng đã nghĩ tới việc cách ly một vài khu phố bị nhiễm bệnh nặng và chỉ cho phép ra khỏi đây những người có công cụ cần thiết. Dân chúng không thể không cho biện pháp này là một sự xúc phạm cố tình chống lại họ và, dù thế nào, bằng lối tương phản, họ cũng cho dân những khu phố khác là những người tự do. Ngược lại, những người này, trong những lúc khó khăn, tự an ủi mình bằng cách nghĩ ra rằng có những người khác còn ít tự do hơn mình. “Bao giờ chẳng có kẻ bị tù hãm hơn ta”, câu nói đó lúc bấy giờ thâu tóm lại niềm hy vọng duy nhất của mọi người.
Cũng đâu vào quãng này, các đám cháy cũng tăng lên, nhất là trong những khu phố ăn chơi ở cửa ngõ phía tây thành phố. Theo các nguồn tin, những người bị cách ly kiểm dịch, điên dại khi trở về vì chết chóc và đau thương, đã tự tay đốt cháy nhà mình với ảo tưởng là tiêu diệt được dịch bệnh. Những hành động thường xảy ra ấy đặt từng khu phố trọn vẹn trong mối hiểm họa thường trực vì gió rất mạnh; và chống lại chúng thật khó khăn. Nhà chức trách giải thích là những biện pháp tẩy uế nhà cửa đủ để loại trừ nguy cơ truyền nhiễm. Nhưng dân chúng vẫn không tin nên tỉnh phải quyết định những hình phạt rất nặng đối với những kẻ đốt nhà vô tội này. Và chắc hẳn cái làm cho những kẻ khốn khổ ấy lùi bước, không phải là ý nghĩ về nhà tù, mà chính vì mọi người đinh ninh một án tù giam cũng có nghĩa là một án tử hình vì số ngƣời chết trong nhà giam thành phố thật khủng khiếp. Dĩ nhiên, ý nghĩ ấy không phải không có cơ sở. Vì những lý do hiển nhiên, dịch hạch ráo riết tấn công những ai sống thành nhóm, thành đoàn: binh lính, nhà tu hành, phạm nhân. Dù một số phạm nhân đã được cách ly, nhà tù vẫn là một cộng đồng, và chứng minh rõ điều ấy, là trong nhà giam thành phố chúng tôi, lính gác cũng như người tù đều không thoát khỏi dịch bệnh. Xét về mặt ưu việt của bệnh dịch, tất cả mọi người, từ viên giám mục đến người tù tồi tệ nhất, đều có thể chết, và có lẽ lần đầu tiên, trong nhà tù có một sự công bằng tuyệt đối.
Nhà chức trách nghĩ ra cách thưởng huân chương cho những người gác ngục bị chết trong lúc thừa hành nhiệm vụ: họ muốn đưa vào sự “san bằng” trên đây một thứ tôn ti trật tự, nhưng chỉ uổng công vô ích. Vì tình trạng giới nghiêm được ban bố và vì, dưới một góc độ nhất định, có thể xem những người canh ngục là những kẻ bị động viên, nên người ta truy tặng họ huân chương chiến công. Nhưng nếu như phạm nhân không hề phản kháng, thì trái lại, giới quân sự không hoan nghênh và nêu lên một cách đúng đắn rằng giải quyết như vậy có thể làm nảy sinh trong đầu óc công chúng một sự lẫn lộn đáng tiếc. Người ta tán thành ý kiến của họ và nghĩ rằng đơn giản nhất là thưởng huy chương dịch tễ cho những người canh ngục bị chết. Nhưng đối với những người đầu tiên thì đã nhỡ rồi, không thể nghĩ tới chuyện thu hồi huân chương của họ, và giới quân sự tiếp tục giữ quan điểm của mình. Mặt khác, về cái “huy chương dịch tễ”, thì nó có cái bất tiện là không có tác dụng tinh thần như của huân chương chiến công, vì trong thời kỳ dịch tễ, được một huy chương loại đó là chuyện tầm thường. Thế là ai nấy đều bất bình.
Hơn nữa, cơ quan trại giam không thể hành động như các tổ chức tôn giáo, và lại càng không thể như các tổ chức quân sự. Thật vậy, các tu sĩ trong hai tu viện duy nhất của thành phố đã được phân tán và tạm thời cư trú trong mấy gia đình mộ đạo. Cũng như vậy, mỗi khi có thể được, từng nhóm binh sĩ được tách ra khỏi trại lính và đóng quân trong các trường học hay những ngôi nhà công cộng. Như thế dịch bệnh bề ngoài đã buộc dân chúng phải sống trong sự “đoàn kết” của những kẻ bị bao vây, nhưng đồng thời lại tiêu diệt những sự liên kết truyền thống và trả cá nhân trở về với nỗi cô đơn của họ. Cả một không khí hoang mang!
Bạn đọc có thể hình dung là tất cả những hoàn cảnh ấy, cộng với gió trời, cũng “đốt cháy” một số đầu óc. Ban đêm, các cửa ô lại bị tấn công liên tiếp, nhưng lần này bởi những nhóm người có vũ trang. Có tiếng súng nổ, người bị thương và vài ba người trốn thoát. Các trạm gác được tăng cường và những mưu đồ ấy chấm dứt khá nhanh chóng. Nhưng chúng cũng đủ thổi bùng lên một luồng gió cách mạng dẫn tới một vài cảnh bạo lực. Người ta cuớp phá những ngôi nhà bị hỏa hoạn hay bị đóng cửa vì lý do phòng bệnh. Thực ra, khó có thể đoán định những hành động ấy được sắp đặt sẵn. Trong phần lớn trường hợp, một cơ hội đột ngột nào đó đƣa những con người, cho tới lúc bấy giờ đáng trọng vọng, đến những hành vi đáng chê trách nhưng lại được người ta bắt chước ngay tức khắc. Có những kẻ mất trí nhảy bổ vào một ngôi nhà lửa đang cháy rừng rực, ngay trước mặt chủ nhà lúc đó đang ngây dại ra vì đau đớn. Trước thái độ sững sờ của ông ta, nhiều người đứng xem vội theo gương mấy kẻ mất trí, và trên đường phố, tối om, dưới ngọn lửa đám cháy, người ta thấy chạy trốn về mọi phía những cái bóng dị dạng đi vì những ngọn lửa đang tàn dần hay vì những đồ vật chúng mang trên vai. Chính những vụ cháy này buộc nhà chức trách coi tình trạng dịch hạch chẳng khác tình trạng giới nghiêm và thi hành những luật lệ thích ứng. Hai tên trộm bị bắn chết, nhưng khó có thể tin cái đó gây ấn tượng đối với những kẻ khác, vì giữa bao nhiêu chết chóc, hai vụ hành quyết ấy hầu như chẳng ai để ý: chỉ là một giọt nước trong biển cả. Và thực ra những cảnh tương tự diễn lại khá thường xuyên nhưng nhà chức trách không tỏ ra muốn can thiệp. Biện pháp duy nhất hình như tác động đến mọi người là lệnh tắt đèn. Từ mười một giờ tối, đắm chìm trong bóng đêm thăm thẳm, thành phố im lặng như tờ.
Dưới ánh trăng, trải dài những bức tường trắng nhờ nhờ và những đường phố thẳng tắp, không có lấy một mảng đen của một thân cây, một tiếng chân bước của người dạo chơi hay một tiếng chó sủa. Cả một đô thành rộng lớn im lìm chỉ còn là một tập hợp những khối lập phương nặng nề, bất động, và giữa những khối đó, những bức tượng trầm mặc của các bậc ân nhân bị lãng quên hay các vĩ nhân mãi mãi lặng im trong lớp đồng thau, ngồi một mình trong đêm tối, với khuôn mặt tạc bằng đá hay kim loại, gợi nhớ hình ảnh bị hủy hoại của cái xưa kia vốn là con người. Những thần tượng xấu xí ấy ngự trị dưới một bầu trời u ám, ở những ngã tư đường phố không có sinh khí, như những con thú vô tri vô giác tượng trưng khá rõ nét cho cái giới bất động mà chúng ta đã đi vào, hay chí ít cho cái trật tự tối hậu của nó, trật tự một khu mộ mà ở đó dịch hạch, đá và đêm tối, cuối cùng có thể dập tắt mọi tiếng nói.
Nhưng mọi người đều như mù quáng[1], và những sự thật cũng như những huyền thoại người ta kể về những vụ mai táng không sao có thể làm yên lòng đồng bào chúng tôi. Người kể chuyện xin lỗi vì phải nói đến mai táng. Anh ta biết bạn đọc sẽ trách mình, nhưng quả là trong suốt thời kỳ ấy, có nhiều cuộc mai táng và bằng cách nào đó, người ta đã buộc anh ta cũng như những người khác phải quan tâm đến chúng. Dẫu sao thì cũng không phải anh ta thích thú những thứ nghi lễ này; trái lại, anh ta thích ở chúng với những người sống, chẳng hạn, thích những buổi tắm biển. Nhưng cuối cùng tắm biển bị bãi bỏ và suốt ngày, đám người sống nơm nớp phải nhường chỗ cho đám người chết. Đấy là sự thật rành rành. Dĩ nhiên, người ta có thể luôn luôn tìm cách không nhìn nhận sự thật hiển nhiên ấy, bịt mắt lại và khước từ nó, nhưng nó có một sức mạnh khủng khiếp và cuối cùng bao giờ cũng chiến thắng hết thảy. Liệu có khước từ được không, chẳng hạn, công việc mai táng khi những người anh yêu thương cần được mai táng?
Thế đấy, ban đầu, cái đặc trưng các nghi lễ của chúng tôi là sự chóng vánh! Mọi thủ tục đều được giản đơn hóa và nói chung nghi thức tang lễ bị cắt bỏ. Người bệnh thì chết xa nhà, và người thân không còn được phép thức đêm túc trực bên cạnh thi hài người chết theo phong tục nữa: người chết buổi tối thì nằm qua đêm một mình, còn người chết ban ngày thì được đưa đi chôn cất ngay không chậm trễ. Dĩ nhiên gia đình được thông báo nhưng thông thường không sao đến được vì đang bị cách ly kiểm dịch nếu trước kia có sống bên cạnh người bệnh. Trong trường hợp gia đình không sống với người quá cố, thì họ đến vào giờ chỉ định, nghĩa là giờ đi ra nghĩa trang sau khi xác đã được tắm rửa và đặt vào áo quan.
Giả sử thủ tục này được áp dụng ở bệnh viện phụ đặt trong một khu trường và do Rieux phụ trách. Trường có một lối ra ở phía sau khu nhà chính. Các cỗ quan tài đặt trong một gian nhà kho rộng ngoảnh ra hành lang. Trong hành lang là một cỗ đã đóng nắp. Gia đình người bệnh đến. Ngay lập tức, người ta chuyển qua cái công việc quan trọng nhất là yêu cầu chủ gia đình ký giấy tờ. Sau đó, đưa xác lên một chiếc xe có thể là xe tải thực sự hay xe cứu thương lớn được sửa sang lại. Thân nhân lên tăcxi - vào thời kỳ này tăcxi còn được phép chạy và đoàn xe mở hết tốc lực tiến về nghĩa địa qua những con đường ngoại vi thành phố. Đến cửa ô, cảnh binh chặn xe lại, đóng dấu vào giấy thông hành chính thức (nếu không thì không thể có cái mà đồng bào chúng tôi gọi là “nơi yên nghỉ cuối cùng”), sau đó, đoàn xe đến đỗ cạnh một khu đất vuông vắn, nơi nhiều cái hố đang chờ được san lấp. Một vị linh mục đón nhận xác chết vì ở nhà thờ, lễ tang đã bị bãi bỏ. Người ta đưa quan tài xuống xe giữa tiếng cầu kinh, cột dây vào và lối đi: nó trượt trên mặt đất, đập vào đáy huyệt; vị linh mục đung đưa cây ngù rảy nước thánh và hòn đất đầu tiên nảy lên trên nắp quan tài. Xe cứu thương trở về trước chút ít để rửa sát trùng và trong lúc những xẻng đất vẫn tới tấp lấp hố thì thân nhân đã vội vã bước vào tăcxi. Mười lăm phút sau, họ về đến nhà.
Thế là mọi cái diễn ra, thực sự với tốc độ tối đa và hiểm họa tối thiểu. Và dĩ nhiên, chí ít cũng trong những buổi đầu, tình cảm tự nhiên của các gia đình bị thương tổn. Nhưng trong thời kỳ dịch hạch, đấy là những suy tính không sao lưu tâm được: mọi cái đều bị hy sinh cho tính hiệu quả. Hơn nữa nếu lúc đầu, điều đó có ảnh hưởng đến tinh thần dân chúng - ai mà chẳng muốn người thân được chôn cất đúng nghi thức? - thì may sao, sau đó ít lâu, khi tiếp tế trở nên khó khăn, dân chúng lại lo đến những cái trước mắt hơn. Bị thu hút vào những buổi xếp hàng, những cuộc chạy vạy, những thủ tục phải làm nếu muốn có cái ăn, người ta đâu còn thì giờ nghĩ ngợi về cách người khác chết xung quanh mình và về cách một ngày nào đó mình sẽ chết. Thế là, những cái khó khăn vật chất nhẽ ra phải là một điều tai hại thì về sau lại trở thành điều hay. Và mọi thứ chắc hẳn sẽ hết sức tốt đẹp nếu như dịch bệnh đã không lan rộng, như ta đã thấy.
Quan tài ngày một khan hiếm, vải liệm và cả chỗ chôn ngoài nghĩa trang cũng thiếu. Phải suy tính. Cách đơn giản nhất, và bao giờ cũng vì những lý do “hiệu quả”, là gộp các buổi lễ tang lại và, khi cần thiết, cho xe chạy thêm chuyến. Chẳng hạn, đối với khu vực phụ trách của Rieux, bệnh viện lúc đó có năm chiếc quan tài. Một khi cả năm chiếc đã có xác người, thì xe cứu thương chở đi. Đến nghĩa trang, xác chết màu chì được đưa ra khỏi áo quan, đặt lên những chiếc băng và nằm chờ trong một cái lán được dựng lên với mục đích ấy. Quan tài được tưới một thứ dung dịch sát trùng, đưa trở về bệnh viện, và cứ như thế lặp đi lặp lại tùy mức độ cần thiết. Tổ chức như vậy được coi là rất tốt và ngài thị trưởng tỏ ra hài lòng. Thậm chí ông ta còn bảo Rieux là xét cho cùng như thế tốt hơn những chiếc xe bò chở xác chết do người da đen đánh đi, như trong các tập ký về những vụ dịch hạch ngày xưa.
- Đúng - Rieux đáp - cũng là chôn cất cả thôi, nhưng chúng ta, thì chúng ta lập phiếu. Sự tiến bộ thật không sao chối cãi được.
Mặc dù những thành công đó của cơ quan Nhà nước, giờ đây, vì các thủ tục làm người ta khó chịu nên cơ quan tỉnh buộc không để cho thân nhân người chết tham dự lễ tang nữa. Người ta chỉ cho phép họ đến ngoài cổng nghĩa trang, và cũng không phải là cho phép chính thức. Vì về nghi thức cuối cùng, tình hình có thay đổi chút ít. Ở cuối nghĩa trang, trong một khoảng trống phủ đầy cây nhũ hương, người ta đào hai cái hố rộng mênh mông. Hố cho đàn ông và hố cho đàn bà. Về phương diện này, cơ quan Nhà nước còn tôn trọng tục lệ và mãi về sau, do tình thế bắt buộc, sự tế nhị cuối cùng ấy mới không còn nữa, và người ta chôn lẫn lộn, chồng lên nhau, cả đàn ông lẫn đàn bà, không kể gì đến hợp lễ hay không hợp lễ. May sao tình trạng hỗn loạn ấy chỉ xảy ra trong những thời kỳ tai họa cuối cùng. Còn trong giai đoạn chúng ta đang nói đây, vẫn còn sự phân biệt các huyện, các tỉnh quan tâm nhiều đến điều đó. Dưới đáy mỗi huyệt, một lớp dày vôi sống bốc khói và sôi sùng sục. Trên mép huyệt, lại thêm một đống vôi sống sủi tăm lên ngoài trời. Sau khi xe cứu thương trở về, người ta khiêng từng dãy băng ca đến, cho chuồi xuống đáy huyệt, hầu như sát bên nhau, những cái xác trần truồng và hơi co quắp, lấp lại bằng vôi sống, rồi bằng đất, nhưng chỉ đến một chừng mực nhất định vì còn phải dành chỗ cho những “vị khách” khác. Hôm sau, thân nhân được mời ký vào sổ, cái đó đánh dấu sự khác biệt còn tồn tại giữa con người và, chẳng hạn, loài chó: dẫu sao, vẫn còn có thể kiểm tra con người được.
Để làm những công việc này, cần phải có người, và lúc nào cũng sắp thiếu người đến nơi. Nhiều y tá và người đào huyệt, lúc đầu là nhân viên chính thức, về sau là những người tạm tuyển, đã chết vì dịch hạch. Dù có phòng ngừa đến mấy, cũng có một ngày bị lây nhiễm. Nhưng nghĩ cho kỹ, điều kỳ lạ nhất là không bao giờ thiếu người để làm cái nghề này, trong suốt thời kỳ dịch bệnh. Giai đoạn khủng hoảng xảy ra ít lâu trước khi dịch hạch lên tới đỉnh cao và lúc đó, nỗi lo âu của bác sĩ Rieux trở thành sự thật. Nhân lực không đủ về mặt cán bộ cũng như đối với cái mà ông gọi là những công việc nặng nhọc. Nhưng từ khi dịch hạch xâm chiếm thực sự toàn bộ thành phố thì chính sự phát triển vô độ của nó lại kéo theo những hệ quả thật tiện lợi vì nó phá hoại toàn bộ đời sống kinh tế và do vậy tạo nên một đội quân thất nghiệp rất lớn. Thông thường không thể tuyển số người này vào khung cán bộ, nhưng những công việc tầm thường thì nhờ đó mà giải quyết được dễ dàng. Quả là bắt đầu từ lúc này, người ta luôn luôn thấy nghèo đói mạnh hơn khiếp hãi, nhất là khi công việc được trả tùy theo mức độ rủi ro. Cơ quan y tế có cả một danh sách những người xin việc, và hễ có một chỗ khuyết, là báo cho những người đứng đầu danh sách, những người này bao giờ cũng đến, trừ phi lúc đó, bản thân họ đang đi nghỉ. Chính nhờ vậy, ngài tỉnh trưởng trước đây đắn đo mãi trong việc sử dụng phạm nhân tù có thời hạn hay chung thân vào loại công việc này, cuối cùng, không phải dùng đến phương sách cực đoan ấy. Ý kiến ông ta là chừng nào còn đội quân thất nghiệp thì vẫn có thể chờ đợi.
Cứ thế cho đến cuối tháng tám, đồng bào chúng tôi, nhờ vậy, được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, dù không hợp nghi thức chăng nữa thì ít ra cũng một cách có trật tự, đủ cho lương tâm của nhà chức trách được yên ổn vì nghĩ rằng mình đã làm tròn nghĩa vụ. Nhưng phải vượt lên thời gian chút đỉnh kể lại những sự kiện xảy ra sau này để phản ánh những biện pháp cuối cùng đã phải sử dụng. Thật vậy, ở cái nấc dịch bệnh từ tháng tám trở đi, số người chết vượt quá nhiều khả năng của khu nghĩa địa nhỏ bé của thành phố. Người ta đã đập phá đi mấy bức tường, mở rộng ra cho người chết một lối thoát về những khu đất lân cận, nhưng vẫn chưa đủ, cần phải nhanh chóng tìm cách khác. Trước hết, người ta quyết định chôn cất ban đêm, thế là ngay một lúc, đỡ được một số nghi thức. Có thể chất lên xe cứu thương ngày càng nhiều người chết. Và ở vùng ngoại thành, sau khi có lệnh tắt đèn, một vài người bất chấp luật lệ vẫn đi dạo trong đêm tối (hoặc những người phải có mặt ở đây vì nghề nghiệp) thỉnh thoảng gặp những đoàn xe cứu thương sơn trắng mở hết tốc lực, tiếng còi cất lên buồn bã trên đường phố hoang vắng. Người ta vội vã quăng xác chết xuống hố. Xác còn đung đưa thì những xẻng vôi đầy đã đổ ập vào mặt và đất đá vùi lại một cách âm thầm, trong những cái hố đào ngày một thêm sâu.
Tuy vậy, ít lâu sau lại phải đi tìm chỗ khác và mở rộng nghĩa trang ra hơn nữa. Một quyết định của tỉnh trưng dụng những khu đất trước đây được nhượng vĩnh viễn làm nghĩa địa, và tất cả hài cốt còn lại được đưa tới lò thiêu. Ít lâu sau thì phải đưa cả xác người chết dịch đi thiêu. Nhưng như thế thì phải dùng lại cái lò thiêu cũ nằm ở phía đông thành phố, ngoài cửa ô. Tốp lính gác phải chuyển đi xa hơn, và nhiệm vụ nhà chức trách dễ dàng đi nhiều khi một nhân viên thị chính đề xuất việc sử dụng những toa xe điện trước kia chạy ven bờ biển và nay bỏ không. Người ta sắp xếp phía trong các toa, bỏ ghế ngồi đi, và con đường tàu chạy tới lò thiêu trở thành đường đầu mối.
Và trong suốt thời kỳ cuối mùa hè, cũng như trong những ngày mưa mùa thu, giữa đêm khuya, dọc con đường này, những đoàn tàu điện kỳ cục không chở hành khách, chạy qua, lắc la lắc lư trên bờ biển. Cuối cùng, dân chúng biết cái đó là thế nào. Và mặc dù có những toán quân tuần tiễu canh giữ, người ta vẫn thường lẻn được vào các hốc đá nằm trên bờ biển và ném hoa vào các toa tàu chạy qua. Thế là đoàn tàu gập ghềnh chạy trong đêm hè, chở hoa và xác chết. Những ngày đầu, vào sáng sớm, một làn hơi dày đặc và tanh tưởi phảng phất trên các khu phố phía đông. Các thầy thuốc cho là những thứ hơi bốc lên ấy, tuy có khó chịu, song không hề gây hại.
Nhưng dân chúng dọa sẽ dời đi ngay, đinh ninh dịch hạch sẽ từ trên bầu trời đổ ập xuống đầu họ. Nhà chức trách buộc phải cho chuyển hướng làn khói bằng một hệ thống đường ống phức tạp, và dân chúng lại yên tâm. Chỉ những ngày gió lớn, khi nghe từ phía đông đưa tới một thứ mùi loáng thoáng thì họ mới sực nhớ là mình được đặt trong một “trật tự mới”, và mỗi tối, ngọn lửa dịch hạch lại ngốn ngấu đồ cống người ta nộp cho nó.
Đây là những hậu quả tột cùng của dịch bệnh. May sao về sau nó không tiến triển thêm, vì người ta có thể cho là tất cả đều trở nên bất cập: tài trí của các cơ quan, các biện pháp của tỉnh và ngay cả khả năng thu nhận của lò thiêu. Rieux biết là lúc đó, người ta đã dự kiến những giải pháp tuyệt vọng, như ném xác xuống biển, và ông dễ dàng hình dung xác trương lên dày đặc trên mặt nước xanh rờn. Ông cũng biết là nếu các con số thống kê cứ tiếp tục tăng lên, thì không một tổ chức nào, dù là hoàn hảo tới đâu, có thể cưỡng lại dịch bệnh; là người ta sẽ chồng chất lên nhau mà chết, sẽ thối ruỗng trên đường phố mặc dù mọi biện pháp của tỉnh, là ở những nơi công cộng, thành phố sẽ chứng kiến cảnh người chết bíu chặt lấy người sống, vừa với một mối hận thù chính đáng vừa với một niềm hy vọng ngu ngốc.
Dẫu sao, chính vì đinh ninh hay sợ hãi như vậy mà đồng bào chúng tôi không dứt bỏ được cái ấn tượng về tình cảnh lưu đày và biệt ly của họ. Về phương diện này, người kể chuyện hoàn toàn biết rằng ở đây điều hết sức đáng tiếc là không phản ánh được một cái gì thật sự ly kỳ, chẳng hạn một vị anh hùng có tác dụng khích lệ hay một hành vi oanh liệt, giống như người ta thường thấy trong truyện cổ tích. Như vậy là vì không có gì ly kỳ hơn một tai họa, và do chính bản thân chúng kéo dài, những nỗi bất hạnh lớn cũng trở nên đơn điệu. Trong ký ức những người trong cuộc, những ngày dịch bệnh khủng khiếp không trôi qua như những ngọn lửa huy hoàng và tàn bạo, mà đúng hơn như sự giẫm đạp vô tận, nghiến nát tất cả trên đường đi của nó.
Không, dịch hạch tuyệt nhiên không có gì dính dáng tới những hình ảnh kỳ vĩ, phấn chấn đã từng ám ảnh bác sĩ Rieux vào thời kỳ đầu. Trước hết, nó hoạt động tốt, giống như một guồng máy thận trọng, hoàn hảo. Vì vậy xin phép mở ngoặc nói thêm là để khỏi phản lại bất kỳ cái gì hết và nhất là tự phản lại mình, người kể chuyện đã hướng về khách quan. Anh ta không muốn dùng nghệ thuật hư cấu gì hết, trừ phần liên quan tới những yêu cầu cơ bản của một tập ký ít nhiều nhất quán. Và chính bản thân tính khách quan bảo anh ta, giờ đây, phải nói rõ là nếu nỗi đau lớn ở thời kỳ này - nỗi đau chung nhất và cũng sâu lắng nhất - là cảnh biệt ly, nếu phải trung thực miêu tả nó một lần nữa vào giai đoạn dịch hạch này, thì không phải vì vậy mà bản thân nỗi đau ấy không còn thống thiết.
Đồng bào chúng tôi, ít ra là những người đã phải chịu đau khổ nhiều nhất vì cảnh biệt ly này, đã quen với tình cảnh ấy chưa? Khẳng định điều đó là không hoàn toàn đúng. Sẽ chính xác hơn nếu nói rằng về tinh thần cũng như về thể xác, họ phải chịu “gầy mòn” đi. Lúc dịch hạch mới bắt đầu, họ nhớ lại mồn một và luyến tiếc người thân nay đã xa cách. Nhưng nếu hình dung được rõ nét nụ cười và khuôn mặt thân yêu, nhớ lại ngày nào - mà về sau họ mới nhận ra - đã từng làm cho người thân sung sướng thì, trái lại, họ khó tưởng tượng người thân có thể làm gì vào chính giờ phút nhớ nhung này và ở những nơi biết bao cách trở. Tóm lại, lúc đó, ký ức thì họ có, nhưng trí tưởng tượng thì không đầy đủ. Đến giai đoạn hai của dịch hạch thì ký ức cũng mất nốt. Không phải họ đã quên khuôn mặt người thân nhưng chung quy cũng thế, khuôn mặt ấy không còn “thịt da” nữa, họ không còn nhận thấy nó trong nội tâm mình nữa. Và nếu trong những tuần đầu, họ có chiều hướng phàn nàn là chỉ còn được tiếp xúc với những hình bóng trong chuyện yêu đương của mình, thì về sau, họ lại nhận ra là những hình bóng ấy còn bị róc bớt thịt da hơn nữa vì bị mất đi cho đến tận cùng những sắc màu nhỏ nhoi nhất mà ký ức còn giữ lại cho họ. Đằng đẵng những tháng ngày ly biệt ấy, họ không còn hình dung bầu không khí thân mật xưa kia vốn là của họ, cũng không hình dung nổi đã sống như thế nào bên cạnh họ một con người mà bất kỳ lúc nào họ cũng có thể đặt bàn tay mình lên trên người đó.
Về phương diện này, họ đã bước vào chính sự an bài của dịch hạch, một sự an bài càng tầm thường thì càng có hiệu quả. Không một ai trong chúng tôi còn những tình cảm lớn nữa. Ai cũng chỉ còn những tình cảm đơn điệu. “Đã đến lúc cái đó chấm dứt đi thôi”, đồng bào chúng tôi nói như vậy, vì trong những lúc tai họa, mong cho những nỗi đau chung chấm dứt là chuyện bình thường, và vì trên thực tế, họ mong sao cho chúng chấm dứt. Nhưng tất cả cái đó được nói ra, không còn với niềm say sưa hay nỗi chua xót của buổi đầu, mà chỉ với vài ba lý lẽ nghèo nàn chúng tôi còn thấy sáng tỏ. Thay thế cho niềm say sưa dữ dội những tuần đầu, là một tâm trạng chán nản mà người ta có thể lầm tưởng là sự nhẫn nhục, nhưng dẫu sao cũng chỉ là một thứ thỏa thuận tạm thời.
Đồng bào chúng tôi đành tuân theo lẽ thường, họ đã thích ứng với hoàn cảnh - như người ta thường nói - vì không có cách nào làm khác. Dĩ nhiên, họ vẫn còn giữ thái độ của người gặp bất hạnh và đau thương, nhưng không còn cảm thấy nhức nhối. Hơn nữa, theo bác sĩ Rieux, chẳng hạn, chính cái đó là điều bất hạnh, và thói quen tuyệt vọng còn tồi tệ hơn cả bản thân nỗi tuyệt vọng. Trước kia, những người bị xa cách không thật sự khổ sở, vì trong nỗi đau thương của họ, có một sự linh cảm mà nay vừa mới bị dập tắt. Giờ đây, người ta thấy họ ở các góc phố, trong tiệm cà phê hay ở nhà bạn bè, lặng lẽ và lơ đãng, ánh mắt âu sầu tới mức vì họ mà cả thành phố giống như một cái phòng chờ. Những người có nghề nghiệp thi hành nghề với chính dáng dấp của dịch hạch, tỉ mẩn và không ồn ào. Ai nấy đều khiêm tốn. Lần đầu tiên, những người bị xa cách không còn ghê sợ khi phải nói về người vắng mặt, khi phải sử dụng ngôn ngữ của mọi người, phải xem xét tình cảnh chia cắt của họ dưới cùng một góc độ với những con số thống kê dịch bệnh. Nếu như cho tới lúc bấy giờ, họ một mực tách nỗi đau của mình ra khỏi nỗi bất hạnh chung, thì giờ đây, họ chấp nhận sự hòa đồng. Không ký ức và không hy vọng, họ đặt mình vào hiện tại. Thực ra, mọi cái đối với họ đều trở thành hiện tại. Dịch hạch tước đoạt của mọi người - phải nói rõ như vậy - quyền lực của tình yêu và thậm chí của cả tình bạn. Vì tình yêu đòi hỏi chút ít tương lai, mà chúng tôi thì chỉ còn những khoảnh khắc.
Dĩ nhiên, trong tất cả cái đó, không có gì tuyệt đối cả. Vì nếu quả thực tất cả những người bị xa cách đều đi đến tình trạng ấy, thì cũng phải công bằng mà nói thêm rằng không phải tất cả đều tới đó cùng một lúc, vả lại, một khi đã quen với cái thái độ mới ấy thì những tia chớp, những phút hồi tưởng, những thoáng sáng suốt đột xuất mang trở lại cho những người bền gan một sự nhạy cảm trẻ trung hơn và đau đớn hơn. Lúc đó, cần những khoảnh khắc lãng quên để ấp ủ một kế hoạch xem như dịch hạch đã chấm dứt. Họ phải cảm nhận, một cách bất thần và do một thiên sủng nào đó, sự cắn rứt của một nỗi ghen tuông viển vông. Những người khác cũng tìm thấy những sự hồi sinh đột ngột, thoát khỏi trạng thái mê mệt trong một số ngày trong tuần, dĩ nhiên là ngày chủ nhật và chiều thứ bảy vì những ngày đó được dành cho một vài nghi thức, trong thời gian người thân vắng mặt. Hoặc nữa, khi vào cuối ngày, một nỗi u sầu xâm chiếm lòng họ thì họ được tiên báo - tuy không phải bao giờ cũng thành sự thật - là ký ức sẽ được hồi phục. Cái giờ buổi tối đó, đối với các tín đồ là giờ tự vấn lương tâm, nhưng là giờ phút gian khổ đối với người bị giam cầm hay bị lưu đày, vì họ chỉ có “tự vấn” cái hư vô. Vào giờ đó, họ như treo lơ lửng trong chốc lát, rồi quay trở lại trạng thái bạc nhược, họ khép mình lại trong dịch bệnh.
Chúng ta đã hiểu là những lúc đó, họ khước từ những gì riêng tư nhất của mình. Trong thời kỳ đầu của dịch hạch, họ chú ý tới vô số những việc nhỏ nhặt rất quan trọng đối với họ nhưng hoàn toàn vô nghĩa đối với người khác, và họ lấy cái đó làm kinh nghiệm cho đời sống riêng của mình. Trái lại, giờ đây, họ chỉ quan tâm tới những gì liên quan đến người khác, họ chỉ còn có những khái niệm chung và thậm chí đối với họ, tình yêu của mình cũng mang dáng dấp hết sức trừu tượng. Họ phó mặc cho dịch hạch tới mức đôi khi họ chỉ còn hy vọng ở “giấc ngủ” của nó, và bất thần nghĩ ngợi: “Cứ nổi hạch lên và đi tong cho rồi!”. Nhưng thực ra họ đã ngủ rồi, và suốt cả thời gian ấy chỉ là một giấc ngủ triền miên. Thành phố đầy rẫy những người ngủ tỉnh táo, những người chỉ thực sự thoát khỏi số phận của mình vào một đôi lúc hiếm hoi khi, trong đêm tối, vết thương thầm kín của họ rõ ràng đã kín miệng bỗng nhiên lại bung ra. Và choàng thức giấc, họ chịu đựng vết thương ấy, thái độ lơ đãng, hai môi mím chặt giận dữ, thoáng đau lại nỗi đau bỗng nhiên roi rói, và cùng lúc, tìm thấy lại khuôn mặt sững sờ của ngƣời yêu. Sáng dậy, họ trở lại với tai họa, nghĩa là với thói quen cố hữu.
Nhưng, bạn đọc sẽ hỏi, những người bị xa cách ấy có vẻ gì? Ồ, đơn giản thôi, họ chẳng có vẻ gì hết. Hoặc, nếu bạn đọc muốn, họ có vẻ như mọi người, một vẻ hoàn toàn chung. Họ chia sẻ thái độ điềm nhiên và những sự dao động thơ ngây của thành phố. Họ mất đi vẻ bề ngoài của trí phán xét nhưng lại có thêm vẻ bề ngoài của sự bình tĩnh. Chẳng hạn, những người thông minh nhất làm ra vẻ tìm kiếm, cũng như mọi người, trên báo chí hay qua những buổi phát thanh, những lý do để tin là dịch hạch sẽ nhanh chóng chấm dứt, và thực sự hình dung những hy vọng hão huyền, hoặc cảm nhận những nỗi sợ hãi vô duyên cớ khi đọc những nhận xét có phần hú họa của một tay nhà báo nào đó nêu lên trong lúc ngáp lên ngáp xuống vì chán nản. Ngoài ra, họ uống bia, hay chăm sóc người bệnh, nghỉ ngơi hay bận rộn, phân loại các tờ phiếu hay cho quay các đĩa hát, và không còn cách nào khác, để phân biệt người này với người kia. Nói cách khác, họ không còn lựa chọn gì nữa. Dịch hạch đã làm tiêu tan những phán đoán có giá trị. Và điều đó thật rõ ràng: không ai còn quan tâm đến chất lượng áo quần hay thực phẩm phải mua sắm nữa. Mọi thứ, người ta đều nhận gộp cả mớ.
Để kết thúc, có thể nói những người bị xa cách không còn cái đặc quyền kỳ cục bảo vệ họ buổi đầu nữa. Họ đã mất đi tính ích kỷ trong tình yêu và cả cái lợi rút ra được từ đó. Ít nhất giờ đây, tình thế đã rõ ràng, tai họa liên quan tới mọi người. Giữa những tiếng nổ vang lên ở các cửa ô thành phố, tiếng con dấu cộp vào giấy phân định cuộc sống và cái chết, giữa những đám cháy và các tờ phiếu, giữa nỗi kinh hoàng và các thủ tục, tất cả chúng tôi cũng đều làm mồi cho một cái chết nhục nhã nhưng được ghi vào sổ sách, trong những làn khói khủng khiếp và tiếng còi bình thản của xe cứu thương; cùng ăn một thứ bánh của kẻ bị lưu đày; cùng chờ đợi mà không hay biết một cuộc họp mặt và một cảnh thanh bình làm xao xuyến lòng người. Dĩ nhiên tình yêu của chúng tôi vẫn còn đấy nhưng có điều là nó trở nên vô dụng, trơ trơ và nặng trĩu trong lòng, vô tích sự chẳng khác một tội phạm hay một sự kết án. Nó chỉ còn là một sự kiên nhẫn không tương lai và một sự đợi chờ không ngày tháng. Và về mặt này, thái độ một số đồng bào chúng tôi khiến người ta liên tưởng tới những dòng người nối đuôi dài trong khắp thành phố, trước các cửa hàng thực phẩm. Cũng một thái độ nhẫn nhục và chịu đựng ấy, vừa vô tận vừa không một chút ảo tưởng. Nhưng đối với một cảnh chia ly thì phải nâng tình cảm ấy lên hàng nghìn lần vì đây là một nỗi thèm khát có thể ngấu nghiến tất cả.
Dẫu sao, muốn có một ý niệm chính xác về trạng thái tâm lý của những con ngƣời chịu cảnh chia ly trong thành phố chúng tôi, thì phải, một lần nữa, gợi lại những buổi chiều vô tận, chói chang và bụi bặm, đổ ập xuống một thành phố không cây cối, trong lúc đàn ông và đàn bà tuôn ra khắp các ngả đường. Vì thật kỳ lạ, trong lúc vắng tiếng xe cộ và máy móc vốn là tiếng nói thường tình của các thành phố, thì văng vẳng lên tận những mảnh sân thượng còn ánh nắng mặt trời, lại chỉ có tiếng chân bước và tiếng người nói âm thầm tạo nên một thứ âm thanh mênh mang, tiếng hàng nghìn chiếc đế giày trượt lên đau đớn theo nhịp rít của chiếc néo[2] trong một bầu trời nặng trĩu, và cuối cùng là tiếng giẫm chân uất ức, vô tận dần dà chiếm hết không gian phố phường và hết chiều này sang chiều khác, nói lên trung thực nhất và ảo não nhất thái độ nhẫn nhục mù quáng thay thế cho tình yêu trong lòng chúng tôi lúc bấy giờ.

-------------------

[1] Nguyên văn: Đêm tối cũng ở trong mọi trái tim.
[2] Tiếng Pháp: fleau, nghĩa bóng là tai họa.