DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 13

IV


Trong tháng chín và tháng mười, dịch hạch làm cho thành phố như cuộn mình lại. Nếu nói tới những tiếng giẫm chân, thì hàng trăm nghìn con ngƣời vẫn tiếp tục giẫm chân, hết tuần này qua tuần khác. Sương mù, nắng và mưa kế tiếp nhau trên bầu trời. Từng đàn sáo sậu và họa mi, từ phương nam tới, lặng lẽ bay tít trên cao nhưng lượn quanh thành phố, như thể chiếc néo đập lúa của Paneloux - cái mảnh gỗ kỳ cục vừa quay tròn vừa rít lên trên các mái nhà - xua đuổi chúng. Vào đầu tháng mười, những trận mƣa rào dội sạch các ngả đường. Và trong suốt thời kỳ này, không có gì xảy ra quan trọng hơn là cái tiếng giẫm chân khổng lồ ấy.
Rieux và bè bạn nhận thấy mình mệt mỏi không biết chừng nào. Thực tế, những người trong các tổ chức y tế không sao có thể tiêu hóa nỗi mệt nhọc ấy nữa. Bác sĩ Rieux nhận ra điều đó khi ông quan sát thấy ở bè bạn và ở chính bản thân mình một thái độ thờ ơ kỳ lạ ngày một tiến triển. Chẳng hạn, có những con người cho tới nay, sốt sắng biết bao nhiêu đối với những tin tức dính dáng đến dịch hạch như bây giờ không còn thiết tha gì nữa hết. Rambert, tạm thời phụ trách một cơ sở cách ly kiểm dịch, đặt trước đây ít lâu trong khách sạn, biết rất rõ con số những người anh theo dõi. Anh nắm được những chi tiết nhỏ nhặt nhất của hệ thống do anh tổ chức để phân tán tức khắc những người đột nhiên có những dấu hiệu dịch bệnh. Anh nhớ như in những người bị cách ly kiểm dịch. Nhưng anh không thể nói được con số tử vong hàng tuần vì dịch hạch, thực sự anh không biết dịch bệnh tăng hay giảm. Riêng anh, dẫu sao, anh vẫn giữ hy vọng nay mai sẽ có dịp ra khỏi thành phố.
Những người khác thì túi bụi công việc ngày đêm, không còn đọc báo, nghe đài nữa. Và nếu được thông báo một kết quả, thì họ làm ra vẻ quan tâm, nhưng thực tế, họ tiếp nhận nó với thái độ hững hờ của các chiến binh trong những cuộc đại chiến, kiệt sức vì công việc, chỉ lo làm sao không sai sót trong bổn phận hằng ngày, chứ không hy vọng gì nữa, dù là một chiến trận quyết định hay ngày đình chiến.
Tiếp tục làm những con tính do dịch hạch buộc phải làm, chắc chắn Grand không thể nêu lên những kết quả tổng quát. Trái ngược với Tarrou, Rambert và Rieux là những ngƣời chịu đựng được vất vả, sức khỏe anh không bao giờ tốt cả. Thế mà ngoài công việc phụ tá ở tòa thị chính và công việc thư ký ở cơ quan Rieux, anh còn làm việc riêng của mình ban đêm. Anh luôn luôn ở trong trạng thái kiệt sức, nhưng được động viên bởi vài ba ý nghĩ cố định, như sau khi dịch hạch chấm dứt, đi nghỉ hoàn toàn ít ra cũng một tuần lễ, và lúc đó, làm thật tích cực công việc hiện anh đang làm dở dang khiến người ta phải “bái phục”. Anh cũng có những cảm xúc đột ngột, và những lúc đó, anh sẵn sàng nói với Rieux về Jeanne, băn khoăn không biết nàng đang ở đâu vào lúc này, và nếu đọc báo, nàng có nghĩ tới mình hay không. Một hôm, Rieux bất giác nói với anh về vợ ông, với một giọng tẻ ngắt, điều trước đây ông chưa hề làm. Không tin những bức điện bao giờ cũng trấn an của vợ, ông quyết định đánh điện cho bác sĩ trưởng nhà dưỡng bệnh. Ông được báo tình trạng bà Rieux trầm trọng thêm và người ta sẽ làm mọi cái để không cho bệnh tiến triển. Giữ kín mãi tin đó, giờ đây, ông không giải thích nổi vì sao, nếu không phải vì mệt nhọc, ông lại đem tâm sự với Grand. Sau khi nói về Jeanne, anh chàng nhân viên thị chính hỏi ông về bà Rieux và ông đã trả lời “Ông biết đấy, Grand nói, bây giờ, bệnh đó rất dễ chữa”. Rieux tán thành và chỉ nói là ông bắt đầu cảm thấy cảnh xa cách đã kéo quá dài và nhẽ ra ông có thể giúp vợ chiến thắng bệnh tật trong lúc hiện nay, bà ấy chắc cảm thấy mình hoàn toàn cô đơn. Rồi ông lặng im, chỉ trả lời qua quít những câu hỏi của Grand.
Những người khác cũng trong cùng một tình trạng. Tarrou chống đỡ tốt hơn, nhưng những điều ghi chép trong sổ tay cho thấy sự tìm tòi của anh không còn đa dạng như trước, tuy vẫn giữ nguyên chiều sâu. Rõ ràng trong suốt thời kỳ này, anh chỉ còn chú ý tới Cottard. Buổi tối, ở nhà Rieux mà anh đến ở từ khi khách sạn biến thành nhà cách ly kiểm dịch, hầu như anh không còn lắng nghe bác sĩ hay Grand báo tin kết quả nữa. Anh vội lái câu chuyện về những chi tiết nhỏ nhặt thường khiến anh quan tâm trong đời sống ở Oran.
Castel đến báo cho bác sĩ Rieux biết huyết thanh đã sẵn sàng, và hai người quyết định làm cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người thằng bé con trai mà ông Othon vừa đưa tới bệnh viện và Rieux cho là một ca tuyệt vọng. Đang nói lại với Castel những con số thống kê cuối cùng, Rieux bỗng nhận thấy người đối thoại của mình đã ngủ say sưa ngay trong ghế bành. Và Rieux cảm thấy cổ họng thắt lại trước khuôn mặt Castel vốn như mãi mãi trẻ trung vì vẻ dịu hiền và châm biếm nhưng nay bỗng nhiên bơ phờ, để lộ sự tàn tạ và già nua, một dải nước bọt giữa đôi môi hé mở.
Rieux đoán biết mình mệt mỏi qua những biểu hiện mềm yếu như thế. Khả năng nhạy cảm của ông không còn nữa. Vốn yếu ớt, nay lại khô cứng và cằn cỗi đi, nó dần dần tiêu tan và phó mặc ông cho những cảm xúc ông không còn tự chủ nổi. Cách tự vệ duy nhất của ông là ẩn náu vào sự cứng rắn ấy và thắt chặt thêm nút dây đã hình thành trong ông. Ông biết rất rõ đây là một cách tốt để tiếp tục công việc. Ngoài ra, ông không có nhiều ảo tưởng, và những ảo tưởng ông còn giữ được, thì sự mệt mỏi cũng làm tiêu tan nốt. Vì ông biết là trong một thời kỳ mà ông không rõ bao giờ kết thúc, mình không còn vai trò chữa bệnh nữa, mà chỉ còn nhiệm vụ chẩn đoán. Phát hiện, xem xét, miêu tả, ghi nhận rồi kết luận, nhiệm vụ của ông chỉ có thế. Có những người vợ nắm cổ tay ông và gào lên: “Bác sĩ ơi! cứu sống lấy anh ấy!”. Nhưng ông đến không phải để cứu sống, mà là để ra lệnh cách ly. Có khi căm hờn hiện trên các khuôn mặt, nhưng để làm gì? “Ông không có trái tim!”, một hôm, người ta bảo ông như thế. Có chứ, ông có một trái tim. Nó giúp ông chịu đựng mỗi ngày hai mươi tiếng đồng hồ chứng kiến cái chết của những con người sinh ra để sống. Nó giúp ông ngày nào cũng làm đi làm lại chừng ấy công việc. Từ nay, ông chỉ có đủ trái tim cho việc đó. Làm sao trái tim ấy lại có thể đủ để đem lại cuộc sống?
Không, suốt ngày, ông không phân phát những sự cứu trợ, mà là những tin tức. Dĩ nhiên, cái đó không thể gọi là một nghề nghiệp của con người.
Nhưng chung quy, trong cái đám người bị khủng bố và chết chóc này, người ta đã dành cho ai cơ hội làm cái nghề con người của mình? May sao ông thấy trong người mệt mỏi. Giá Rieux còn sung sức hơn, thì mùi xác chết lan tràn khắp nơi có thể khiến ông đa sầu đa cảm. Sự vật tồn tại như thế nào thì người ta cảm nhận chúng như thế ấy, nghĩa là một cách công bằng, một sự công bằng gớm ghiếc và vô nghĩa. Và những người khác, những người bị dịch bệnh, cũng cảm thấy rõ điều đó. Trước khi có dịch hạch, người ta đón tiếp Rieux như một vị cứu tinh. Với ba viên thuốc và một mũi tiêm, mọi việc sẽ đâu vào đó, và người ta dắt tay ông đưa đi dọc hàng lang. Thật thú vị nhưng cũng thật nguy hiểm. Trái lại, giờ đây, ông đến cùng với binh lính và phải dùng báng súng đập cửa thì gia đình người bệnh mới chịu mở. Họ những muốn kéo ông và kéo cả loài người cùng chết với họ. A! quả là con người không thể cần đến con người, quả là ông cũng trần trụi như những kẻ khốn khổ này và, cũng như họ, đáng được thương xót, nỗi thương xót ngày một dâng lên trong lòng mỗi khi ông chia tay họ.
Những ý nghĩ ấy, ít ra cũng trong những tuần lễ đằng đẵng này, lẫn lộn trong đầu óc Rieux với những ý nghĩ về tình cảnh chia ly của bản thân mình. Và đó cũng là những ý nghĩ ông đọc thấy phảng phất trên nét mặt bè bạn. Dần dà, trong cuộc chiến đấu chống mối tai họa này, những người đứng vững trên trận tuyến đều kiệt sức và đâm ra hờ hững đối với những sự kiện bên ngoài và đối với cảm xúc của người khác. Nhưng nguy hại hơn cả là cái lối cẩu thả, buông trôi của mọi người vì kiệt sức. Người ta muốn tránh mọi cử chỉ không thật cần thiết, người ta thấy chúng bao giờ cũng vượt quá sức mình. Họ ngày càng lơ là những quy tắc vệ sinh do chính mình đặt ra, bỏ qua một vài sự tẩy uế họ phải thực hiện đối với bản thân mình, và đôi khi chạy đến với người bị dịch hạch đường phổi mà không hề được dự phòng chống lây nhiễm. Đến phút cuối cùng mới được báo phải có mặt ở những nơi bị nhiễm dịch, họ thấy không còn đủ sức trở về nhỏ thuốc phòng bệnh. Hiểm họa thực sự là ở đó, vì chính bản thân cuộc chiến đấu chống dịch hạch khiến họ là những người dễ bị dịch hạch quật ngã hơn hết. Tóm lại, họ đánh cược với sự may rủi, và may rủi thì không thuộc về ai hết.
Thế nhưng trong thành phố lại có kẻ không tỏ ra mệt mỏi, chán nản và vẫn là hình ảnh sống động của sự thỏa mãn. Kẻ đó là Cottard. Hắn tiếp tục tự tách riêng mình ra trong lúc vẫn duy trì quan hệ với những người khác. Nhưng hễ công việc của Tarrou cho phép là hắn tìm gặp anh, phần vì anh biết rõ hoàn cảnh của hắn, phần vì bao giờ anh cũng thân tình đón tiếp hắn. Quả là một điều kỳ diệu không hề suy suyển. Và dù bận rộn đến mấy, Tarrou trước sau vẫn khoan hòa và chu đáo. Thậm chí một vài tối có mệt đến rã rời đi nữa thì ngày hôm sau, anh lại vẫn vươn lên với một nghị lực mới. “Với Tarrou thì có thể chuyện trò được, vì anh ta là một con người. Bao giờ anh cũng hiểu người ta”, đó là lời Cottard thổ lộ với Rambert.
Vì vậy, vào thời kỳ này, những điều ghi chép của Tarrou dần dần tập trung vào nhân vật Cottard. Anh cố vẽ lên bức tranh những sự phản ứng và những luồng suy nghĩ của Cottard, theo lời hắn tâm tình với anh hay theo cách lý giải của anh. Dưới đề mục “Quan hệ giữa Cottard và dịch hạch”, bức tranh này chiếm mấy trang sổ tay của Tarrou và ở đây người kể chuyện thấy cần nói qua vài nét. Nhận định tổng quát của Tarrou về anh chàng sống với chút ít lợi tức này thâu tóm trong lời xét đoán sau: “Đấy là một nhân vật đang lớn lên”. Vả lại, rõ ràng hắn đang lớn lên trong vẻ vui tươi. Hắn không bất bình với các diễn biến tình hình. Đôi khi, trước mặt Tarrou, hắn thổ lộ chiều sâu tâm tưởng của mình với những nhận xét kiểu: “Dĩ nhiên, tình hình không tốt hơn. Nhưng ít ra, ai cũng bị dính vào cuộc cả”.
“Dĩ nhiên, Taroru viết thêm, hắn cũng bị uy hiếp như những người khác, nhưng đúng ra hắn bị uy hiếp cùng với những người khác. Vả lại, hắn không thật sự nghĩ - tôi chắc như vậy - là hắn có thể bị dịch hạch. Hắn có vẻ sống với cái ý nghĩ - không đến nỗi ngu ngốc - là không một người đang làm mồi cho một bệnh nặng hay một nỗi lo âu sâu sắc, thì người đó cùng một lúc được miễn trừ mọi bệnh tật hay nỗi lo âu khác. “Ông có chú ý, hắn bảo tôi, là người ta không thể cùng một lúc mắc nhiều bệnh được không? Giả sử ông bị một bệnh nặng hay một bệnh không thể chữa khỏi một ca căngxe nghiêm trọng hay lao chẳng hạn, thì ông sẽ không bao giờ bị dịch hạch hay sốt chấy rận, dứt khoát là như vậy. Vả lại, còn xa hơn thế nữa kia, bởi vì chưa bao giờ ông thấy một người bị căngxe chết về tai nạn ôtô” Dù đúng, dù sai, ý nghĩ đó cũng làm cho Cottard vui vẻ. Điều duy nhất hắn không muốn, là phải cách biệt người khác. Hắn muốn thà bị bao vây cùng với tất cả mọi người còn hơn là bị cầm tù một mình. Khi có dịch hạch, thì không còn vấn đề điều tra bí mật, hồ sơ, phiếu theo dõi, thẩm vấn kín và bắt giam ngay tức thì. Nói đúng ra, không còn có cảnh sát, không còn những tội phạm cũ hay mới, không còn những kẻ phạm pháp, chỉ còn những người bị kết án đang chờ lệnh ân xá hết sức độc đoán, và trong những người đó, có cả bản thân bọn cảnh sát nữa. “Thế đấy, và vẫn theo cách lý giải của Tarrou, Cottard có cơ sở để nhìn những dấu hiệu kinh hoàng và bối rối của đồng bào chúng tôi với cái vẻ thỏa mãn rộng lượng và thông cảm mà chúng ta có thể diễn tả bằng câu: “Các anh cứ nói đi, tôi biết cái đó trước các anh cơ”.
“Tôi bảo hắn cách duy nhất để khỏi bị tách biệt khỏi người khác, xét cho cùng, là có một lương tâm trong sạch, nhưng hắn không nghe, hắn nhìn tôi một cách dữ tợn và nói: “Nếu thế thì không bao giờ ai ở với ai cả”. Rồi lại nói tiếp: “Thế đấy, tôi xin nói với ông như vậy. Cách duy nhất để làm người ta sát cánh bên nhau, là lại đem dịch hạch đến cho họ. Ông hãy nhìn xung quanh xem”. Và thực ra, tôi hiểu lắm hắn muốn nói gì, hiểu lắm cuộc sống hôm nay đối với hắn hạnh phúc biết chừng nào. Làm sao hắn lại không nhận biết lúc đó những sự phản ứng vốn là của bản thân hắn; sự cố gắng của mỗi người để có tất cả mọi người với mình; sự ân cần trong khi chỉ dẫn cho một người khách lạc đường lúc này và nỗi bực bội đối với người đó những lần khác; thái độ vội vã của những kẻ đổ xô tới những khách sạn sang trọng, lòng mãn nguyện của họ được đến và được lưu lại ở đấy; sự chen chúc lộn xộn của những kẻ hằng ngày nối đuôi nhau trước các rạp chiếu bóng, ùa vào đông nghịt trong mọi rạp hát và cả các tiệm nhảy, tràn ra như một triều nước vỡ bờ ở mọi nơi công cộng; sự trốn tránh mọi tiếp xúc, nỗi thèm khát thịt da con ngƣời đẩy người này tới người khác, cùi tay này tới cùi tay nọ, và giới này tới giới kia? Cottard biết tất cả cái đó trước họ, đó là điều hiển nhiên. Trừ phụ nữ, bởi vì với đầu óc hắn… Và tôi nghĩ là khi hắn soạn sửa đến với một cô gái, thì hắn lại khước từ, để khỏi có một cách ứng xử không hay, sau này có thể làm hại hắn.
“Tóm lại, hắn thành công với dịch hạch. Dịch hạch làm cho hắn từ kẻ cô đơn và không muốn cô đơn, trở thành một kẻ đồng lõa. Vĩ rõ ràng hắn là một kẻ đồng lõa và là một kẻ đồng lõa khoái trá. Hắn đồng lõa với mọi thứ hắn nhìn thấy: những sự mê tín, những nỗi sợ hãi không chính đáng, những cơn hờn giận của những tâm hồn khủng hoảng; thói tật của những con người muốn hết sức ít nói tới dịch hạch nhưng lại luôn luôn nói tới; thái độ hoảng hốt và da mặt tái xanh tái nhợt của họ mỗi lúc hơi có chút đau đầu từ khi họ biết dịch hạch bắt đầu bằng những cơn đau đầu; cuối cùng là tính tình dễ bị kích động, nhạy cảm, bấp bênh, sẵn sàng cho những sự lãng quên là một điều xúc phạm và mất một chiếc khuy quần lót cũng lấy làm phiền muộn”.
Tarrou thường đi dạo buổi tối với Cottard. Về sau, anh kể lại trong sổ tay là họ đã hòa lẫn vào trong đám đông âm thầm những buổi hoàng hôn hay những đêm tối như thế nào, vai kề vai, ngụp lặn trong một cái khối trắng lẫn đen, thỉnh thoảng một bóng đèn lại rọi một vài điểm sáng hiếm hoi, và đi theo dòng người đến những chốn khoái lạc nồng nàn giúp người ta chống lại cái lạnh lẽo của dịch hạch. Cái mà vài tháng trước đây, Cottard tìm kiếm ở những nơi công cộng, trong xa hoa và cuộc sống phóng dật, cái mà hắn luôn luôn mơ ước nhưng không được thỏa mãn, nghĩa là sự hưởng lạc cuồng nhiệt, cái đó, giờ đây, cả một dân tộc lăn mình vào. Trong lúc giá cả mọi thứ lên vùn vụt, thì người ta thả sức tiêu phí tiền bạc, và trong lúc số đông thiếu thốn những cái thiết yếu, thì người ta tha hồ tung tẩy những cái thừa thãi. Người ta thấy tăng lên mọi hoạt động của cảnh nhàn rỗi mà thực ra, chỉ là cảnh thất nghiệp. Thỉnh thoảng, từng lúc lâu, Tarrou và Cottard theo dõi một cặp trai gái, trước kia thì chăm chút che giấu mối quan hệ của mình nhưng nay thì sát cạnh bên nhau, ngang nhiên đi qua thành phố, không ngó ngàng gì đến đám đông xung quanh, với lối lơ đễnh ít nhiều cố hữu và trong niềm đam mê lớn. Cottard xúc động: “A! những kẻ phóng túng!” hắn thốt lên. Và hắn nói to, phấn chấn giữa không khí cuồng nhiệt chung, giữa những món puôcboa vƣơng giả rủng rỉnh xung quanh họ và những mưu toan người ta bày đặt ra trước mắt họ.
Tuy nhiên, Tarrou cho là thái độ của Cottard không mấy ác ý. Câu nói “Tôi biết cái đó trước họ” của hắn bộc lộ bất hạnh nhiều hơn thắng lợi. “Tôi nghĩ, Tarrou viết, hắn bắt đầu yêu mến những con người bị cầm tù giữa bầu trời và mấy bức tường thành phố. Nếu có thể được, hắn sẵn sàng giải thích với họ, chẳng hạn, là tình hình không tới mức khủng khiếp đến thế. Hắn bảo tôi: “Ông nghe họ nói chứ, sau dịch hạch, tôi sẽ làm cái này, sau dịch hạch, tôi sẽ làm cái kia… Họ tự đầu độc cuộc sống của mình trong lúc đáng lẽ họ phải ngồi im. Và thậm chí họ cũng không thấy được lợi thế của họ nữa. Tôi, thì tôi có thể nói: sau khi bị bắt, tôi sẽ làm cái này, được không? Bị bắt bớ là một sự khởi đầu, không phải là một sự kết thúc. Còn dịch hạch… Ông có muốn nghe ý kiến của tôi không? Họ khổ sở vì họ không chịu phó mặc. Còn tôi, tôi hiểu điều tôi nói”.
“Quả là hắn hiểu điều hắn nói, Tarrou viết thêm. Hắn đánh giá đúng mâu thuẫn của dân chúng Oran: họ cảm thấy sâu xa cái nhu cầu sưởi ấm dịch họ lại gần nhau, nhưng đồng thời họ lại không hề thả mình theo nhu cầu ấy vì cái lòng nghi kỵ tách họ ra khỏi nhau. Người ta biết quá rõ là người ta không thể tin cậy người bên cạnh, là người này có thể mang dịch hạch đến cho mình mà mình không hay và lợi dụng sự buông thả của mình để làm mình bị lây nhiễm. Khi đã trải qua như Cottard những ngày thấy mọi người mình muốn kết thân đều có thể là những tên chỉ điểm, thì người ta có thể thấu hiểu nỗi lòng ấy. Chúng ta rất thông cảm viết những người luôn luôn vương vấn cái ý nghĩ là dịch hạch có thể, ngày một ngày hai, đến vỗ vai mình và có lẽ nó đang sắp sửa làm như thế, đúng vào lúc người ta đang hồ hởi được sống bình yên vô sự. Cottard ra sức tìm cách sống khoan khoái trong khi dịch bệnh khủng bố. Nhưng vì hắn cảm nhận tất cả cái đó trước mọi người nên tôi nghĩ hắn không thể cùng họ hoạt động thấy được nỗi lòng ngờ vực trên đây làm họ đau đớn biết chừng nào. Tóm lại, cùng với chúng tôi - những người chưa chết, vì dịch hạch, hắn cảm thấy rõ rệt cuộc sống và tự do của hắn lúc nào cũng sắp bị tiêu tan. Nhưng vì bản thân hắn sống trong kinh hoàng, nên hắn cho rằng những người khác đến lượt họ cũng trải qua nỗi kinh hoàng ấy là điều bình thường. Nói chính xác hơn, lúc đó, nỗi kinh hoàng đối với hắn sẽ dễ chịu đựng hơn là nếu phải nếm trải một mình. Chính đó là chỗ hắn sai lầm và khiến hắn khó hiểu hơn những người khác. Nhưng dẫu sao, cũng chính chỗ đó hắn đáng được người ta tìm hiểu hơn những người khác”.
Cuối cùng, những trang sổ tay của Tarrou kết thúc bằng một câu chuyện minh họa cho cái nhận thức kỳ cục cùng một lúc của cả Cottard lẫn những người bị dịch hạch. Câu chuyện hầu như làm sống lại bầu không khí gay go của thời kỳ này và vì vậy ngƣời kể chuyện ở đây dành cho nó một vị trí quan trọng.
Tarrou và Cottard đến nhà hát ôpêra thành phố, nơi đang diễn vở Orphée và Eurydice[1]. Cottard mời Tarrou đi xem. Đây là một đoàn đến biểu diễn ở thành phố vào mùa xuân năm có dịch hạch. Bị dịch bệnh giữ lại, đoàn bắt buộc, sau khi thỏa thuận với nhà hát ôpêra của thành phố, diễn lại vở kịch mỗi tuần một lần. Thế là, đã mấy tháng nay, mỗi tối thứ sáu, nhà hát thành phố lại vang lên những lời than vãn thiết tha của Orphée và những lời kêu cứu tuyệt vọng của Eurydice. Tuy nhiên, vở diễn vẫn được công chúng hâm mộ và thu lợi lớn. Chọn những dãy ghế đắt tiền nhất, Cottard và Tarrou ngồi ở phía trước sân khấu chật ních những người trang nhã nhất trong số đồng bào chúng tôi. Ai cũng lo vào để kiếm chỗ. Trong luồng ánh sáng chói chang trước khi kéo màn, và trong lúc các nhạc công nhẹ nhàng hòa tấu, thì những cái bóng người nổi lên rõ nét, chuyển từ hàng ghế này sang hàng ghế khác, nghiêng mình một cách duyên dáng. Trong tiếng lao xao của những câu chuyện thanh tao, người ta lấy lại niềm tin mà chỉ trước đây vài tiếng, trên những ngả đường tối tăm trong thành phố, họ thấy thiếu trong lòng. Áo quần đã xua đuổi dịch hạch.
Trong suốt màn đầu, Orphée than vãn một cách dễ dàng, vài ba thiếu phụ duyên dáng bình luận về nỗi bất hạnh của chàng, và tiếng nhạc cất lên ca ngợi mối tình. Cử tọa hưởng ứng nồng nhiệt nhưng kín đáo. Hầu như người ta không chú ý là Orphée đưa vào trong giọng hát của mình trong màn hai những sự rung động không có trong kịch bản, và với một giọng hơi quá bi tráng, xin các Ma vương động lòng trắc ẩn trước những giọt nước mắt của mình. Những khán giả am hiểu nhất thì cho một vài cử chỉ giần giật của chàng là do tác dụng cách điệu hóa, hỗ trợ cho cách diễn tấu của người hát.
Phải chờ đến bài hát đôi của Orphée và Eurydice trong màn ba (lúc này Orphée mất người yêu) tiếng rì rầm ngạc nhiên mới lan khắp cử tọa. Và như thể chỉ còn chờ cử chỉ này của khán giả, hay nói chắc chắn hơn, như thể vì tiếng rì rầm từ đám khán giả ngồi trên cùng khẳng định với điều mà y cảm nhận, anh chàng diễn viên chọn lúc này để bước ra lan can một cách lố bịch, tay chân dang ra trong bộ quần áo kiểu cổ, và để ngã lăn kềnh giữa những bài mục ca vốn bao giờ cũng không hợp thời nhưng lần đầu tiên khán giả thấy không hợp thời, và là không hợp thời một cách khủng khiếp. Vì cùng lúc đó, dàn nhạc lặng im, khán giả những hàng đầu đứng dậy và từ từ ra khỏi nhà hát, lúc đầu lặng lẽ như ra khỏi nhà thờ sau buổi lễ, hay buồng ngƣời chết sau khi thăm viếng, đàn bà thì thu vén xống váy và cúi đầu, đàn ông thì nắm cùi tay dìu các bà để tránh đụng phải hàng ghế phụ. Nhưng dần dà, người ta trở nên vội vã, tiếng rì rầm trở thành tiếng kêu than, và đám đông ùa ra, chen lấn ở cửa, cuối cùng thì xô đẩy nhau và la hét. Cottard và Tarrou vừa rời khỏi hàng ghế, chứng kiến một hình ảnh vốn là hình ảnh cuộc sống của họ lúc bấy giờ: dịch hạch trên sân khấu, dưới dạng một tay hề “trật khớp” và, trong nhà hát, phơi bày ra cả một sự xa hoa - nay trở nên vô ích - với những chiếc quạt bỏ quên và những dải đăng ten vương vãi trên màu đỏ ghế phô tơi.
Trong những ngày đầu tháng chín, Rambert làm việc ra trò bên cạnh Rieux. Anh chỉ có xin nghỉ một ngày, hôm phải gặp Gonzalès và hai gã thanh niên trước trường trung học nam.
Hôm đó, giữa lúc trưa, Gonzalès và anh chàng nhà báo thấy hai gã tươi cười bước tới. Họ bảo lần trước không gặp may, nhưng đành phải chịu. Dẫu sao, hiện nay không phải phiên gác của họ. Phải kiên nhẫn chờ tới tuần sau. Lúc ấy lại sẽ bắt đầu. Rambert bảo đúng là phải “bắt đầu”. Gonzalès hẹn gặp lại thứ hai tuần sau. Nhưng lần này, Rambert sẽ đến ở nhà Marcel và Louis. “Tớ và cậu, hai đứa mình sẽ hẹn gặp nhau. Nếu tớ không có mặt thì cậu sẽ đi thẳng đến nhà họ. Họ sẽ nói cho cậu rõ cậu ở đâu”. Nhưng Marcel hay Louis không rõ người nào, bảo cách đơn giản nhất là đưa “anh bạn” tới ngay. Nếu anh ta không khó tính, thì có đủ cái ăn cho cả bốn người. Và như thế anh ta sẽ rõ tình hình. Gonzalès cho đó là một ý kiến rất hay, và cả bốn người đi về phía cảng.
Marcel và Louis ở cuối khu phố Hải quân, gần những cửa ô mở ra con đường dọc bờ biển. Một ngôi nhà nhỏ kiểu Tây Ban Nha, tường dày, cánh cửa gió bằng gỗ sơn, có những phòng không có đồ đạc và râm mát. Ở nhà đã có bà mẹ hai chàng trai, một bà cụ Tây Ban Nha tươi cười, mặt đầy vết nhăn, lo chuyện cơm nước. Gonzalès ngạc nhiên vì thành phố đã bắt đầu thiếu gạo. “Chúng ta sẽ thu xếp ở cửa ô”, Marcel lên tiếng. Rambert ăn uống, và Gonzalès bảo anh là một người bạn thực sự, trong lúc anh chàng nhà báo thì loay hoay không biết mình sẽ sống cái tuần lễ này ra sao.
Thực ra, anh phải chờ đến hai tuần, vì các phiên gác kéo dài tới mười lăm ngày, để giảm bớt số kíp phải huy động. Và, trong mười lăm ngày ấy, Rambert làm việc không tiếc sức mình, có thể nói là nhắm mắt nhắm mũi mà làm liên tục từ sáng, đến tối. Mãi đến khuya, anh mới ngủ một giấc ngủ nặng nề. Chuyển đột ngột từ nhàn rỗi sang công việc nặng nhọc này, dần dà, anh hầu như không còn ước mơ và sức lực. Anh ít nói tới việc nay mai anh bỏ trốn. Duy chỉ có một sự kiện quan trọng; sau một tuần làm việc, anh thổ lộ với bác sĩ Rieux là lần đầu tiên, trong đêm trước anh say rượu. Ra khỏi quầy rượu, anh có cảm giác bẹn sưng lên và hai cánh tay cử động khó khăn xung quanh nách. Anh nghĩ là dịch hạch. Và phản ứng duy nhất của anh lúc đó - anh đồng ý với Rieux rằng như thế là không hợp lẽ - là chạy lên phía đầu thành phố và từ đó, từ một chỗ không nhìn thấy biển nhưng nhìn thấy một bầu trời bao la, anh thét to với vợ, qua những bức tường thành phố. Trở về nhà và không thấy một dấu hiệu bị lây nhiễm nào trên người, anh có phần xấu hổ vì cơn khủng hoảng đột ngột, Rieux đáp ông rất hiểu vì sao anh có thể hành động như vậy: “Dẫu sao, ông nói, vẫn có thể là ông muốn như thế”.
- Ông Othon sáng nay có nói về ông với tôi, Rieux đột ngột nói thêm, vào lúc Rambert chia tay. Ông ta hỏi tôi có biết ông không: “Ông hãy khuyên ông ta, Othon bảo tôi, đừng nên lui tới những giới buôn lậu. Ông ta làm người ta lưu ý đấy”.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Thế nghĩa là ông nên khẩn trương lên.
- Cảm ơn, Rambert vừa nói vừa bắt tay bác sĩ.
Trên ngưỡng cửa, anh đột ngột quay lại. Rieux nhận thấy lần đầu tiên từ khi có dịch hạch, anh mỉm cười.
- Vì sao ông không ngăn cản tôi ra đi? Ông có thể ngăn cản kia mà.
Rieux lắc đầu với cái cử chỉ quen thuộc và bảo đấy là công việc của Rambert, là Rambert đã chọn lấy hạnh phúc và ông, Rieux, ông không thấy có lý lẽ gì để chống lại cả. Ông thấy mình không thể cho cái gì là tốt, cái gì là xấu trong công việc này.
- Trong những điều kiện như vậy, sao ông lại bảo tôi khẩn trương lên?
Đến lượt Rieux mỉm cười:
- Vì có lẽ, tôi, tôi cũng muốn làm một cái gì đó cho hạnh phúc.
Ngày hôm sau, hai người không trao đổi gì thêm và cặm cụi làm việc. Một tuần lễ sau, Rambert đến ở hẳn trong ngôi nhà nhỏ kiểu Tây ban Nha. Người ta đặt cho anh một cái giường trong phòng khách. Vì hai chàng trai không về ăn, và vì họ bảo anh hết sức hạn chế việc đi ra ngoài, nên anh thường sống một mình, hoặc chỉ chuyện vãn với bà già. Bà cụ, người gầy nhưng hoạt bát, quần áo màu đen, da mặt nhăn nheo màu nâu, mái tóc bạc phơ sạch bóng. Bản tính trầm ngâm, cụ chỉ nheo mắt lại cười khi nhìn Rambert
. Có những lúc, cụ hỏi anh không sợ mang dịch hạch về cho vợ hay sao. Anh nghĩ có thể có nguy cơ đó, nhưng dẫu sao, nguy cơ đó rất nhỏ nhoi, còn nếu ở lại trong thành phố thì họ có nguy cơ mãi mãi xa cách nhau.
- Cô ta có dễ thương không? bà cụ mỉm cười hỏi.
- Rất dễ thương ạ.
- Đẹp chứ?
- Cháu cho là như vậy.
- A! cụ bảo, thì ra vì thế.
Rambert nghĩ ngợi. Dĩ nhiên là vì thế, nhưng không thể chỉ vì thế mà thôi.
- Ông không tin Chúa trời à? bà cụ vốn sáng nào cũng đi nhà thờ hỏi.
Rambert công nhận là không và bà cụ lại nói là vì thế.
- Ông phải về gặp cô ta thôi, ông nói có lý đấy. Nếu không thì ông còn lại cái gì nữa?
Ngoài ra, Rambert chỉ còn biết quanh quẩn giữa mấy bức tường trần trụi và nham nhở, vuốt ve mấy cái hình rẻ quạt trên tường hay đem những dải len viền khăn bàn. Buổi tối, hai chàng trai về nhà. Họ chỉ nói là chưa có thời cơ. Sau bữa ăn tối, Marcel chơi ghi ta và họ cùng nhau uống rượu hồi. Rambert ra vẻ suy tư.
Thứ tư tuần ấy, Marcel về nhà và bảo: “Tối mai, vào lúc nửa đêm. Ông hãy chuẩn bị sẵn sàng. Hai người cùng gác với họ, thì một bị dịch hạch, một đang trong thời kỳ phải theo dõi vì thường ở cùng phòng với người kia. Như thế, trong vài ba ngày, chỉ có Marcel và Louis gác không thôi. Đêm nay, họ sẽ thu xếp những chi tiết cuối cùng. Mai chắc hẳn sẽ xong. Rambert cảm ơn. “Ông hài lòng chứ? ” bà cụ hỏi. Anh trả lời là có, nhưng đầu óc lại nghĩ tới cái gì khác.
Ngày hôm sau, trời u ám, nóng ẩm và ngột ngạt. Tin tức về dịch hạch đều xấu. Nhưng bà cụ người Tây Ban Nha vẫn bình tĩnh. “Có tội lỗi ở trên đời này. Vậy là điều tất nhiên thôi!” Rambert cũng cởi trần như Marcel và Louis. Nhưng mồ hôi vẫn ròng ròng trên vai, trên ngực. Giữa cảnh tranh tối tranh sáng trong nhà cửa đóng kín mít, họ tựa như những bức tượng bán thân màu nâu bóng loáng. Rambert đi lui đi tới, không nói nửa lời. Bỗng nhiên, lúc bốn giờ chiều, anh mặc quần áo ra đi.
- Cẩn thận, Marcel lên tiếng, đúng nửa đêm mới khởi hành được. Đâu vào đấy cả rồi.
Rambert đến nhà bác sĩ Rieux. Bà cụ Rieux bảo anh là bác sĩ đang ở bệnh viện thành phố trên. Trước trạm gác, đám đông quanh quẩn mãi. “Đi đi!” một viên đội xếp, mắt lồi, bảo bà con. Người ta đi, nhưng vẫn đi vòng tròn. “Chẳng có việc gì phải chờ đợi cả”, viên đội, áo bắt đầu ướt đẫm mồ hôi, nói tiếp. Đám đông cũng nghĩ như vậy nhưng vẫn ở lại, mặc dù trời nắng như thiêu như đốt. Rambert xuất trình giấy thông hành và viên đội xếp chỉ buồng giấy của Tarrou cho anh. Cửa buồng mở ra sân. Anh gặp cha Paneloux từ trong buồng bước ra.
Trong một căn phòng nhỏ trắng nhờ nhờ, phảng phất mùi thuốc và mùi đra ẩm ướt, Tarrou ngồi sau một chiếc bàn gỗ đen, tay sơmi xắn cao, cầm mù soa lau mồ hôi ở chỗ vừa lấy máu trên cánh tay.
- Ông vẫn còn đây? anh hỏi.
- Vâng, tôi muốn nói chuyện với Rieux.
- Bác sĩ ở trong buồng. Nhưng nếu thu xếp được mà không phiền đến ông ấy thì hay hơn.
- Sao vậy?
- Ông ấy làm việc quá sức. Tôi cố tránh bớt việc cho ông.
Rambert nhìn Tarrou. Tarrou gầy rộc người. Mệt mỏi làm cho đôi mắt và nét mặt bơ phờ. Đôi vai lực lưỡng nay xo lại. Có tiếng gõ cửa, và một người y tá, đeo mặt nạ trắng, bước vào, y đặt lên bàn Tarrou một chồng phiếu và, với giọng bị ngạt lại sau lớp vải, nói cụt lủn: “Sáu”, rồi đi ra. Tarrou nhìn anh chàng nhà báo và chỉ những tờ phiếu giở ra theo hình rẻ quạt.
- Những tờ phiếu đẹp, hả? Ờ, không, phiếu ghi những người chết đêm qua đấy.
Trán anh hõm xuống. Anh gập tập phiếu lại.
- Chúng tôi chỉ còn lại có công việc kế toán.
Tarrou đứng dậy, dựa vào mép bàn.
- Ông đã sắp đi chưa?
- Tối nay, lúc nửa đêm.
Tarrou bảo là cái đó làm anh vui lòng và dặn dò Rambert phải giữ mình.
- Ông nói thành thật đấy chứ?
Tarrou nhún vai:
- Ở cái tuổi tôi, người ta bắt buộc phải thành thật. Nói dối thì quá mệt.
- Ông Tarrou này, anh chàng nhà báo bảo, tôi muốn gặp bác sĩ. Ông thứ lỗi cho.
- Tôi biết. Ông ấy “người” hơn tôi. Ông vào đi.
- Không phải thế, Rambert đáp một cách khó khăn, và dừng lại.
Tarrou nhìn anh, và bỗng nở một nụ cười.

---------------------

[1] Theo huyền thoại, Orphée là một nhạc sĩ thiên tài thời cổ Hy Lạp. Euridyce, vợ chưa cưới của chàng, bị rắn cắn chết ngay hôm kết hôn. Orphée xuống địa ngục và vì say mê tiếng hát của chàng, các thần ở đây trả lại người yêu cho Orphée với điều kiện chàng không ngoái cổ nhìn lại phía sau trước khi ra khỏi ngục đàng. Orphée vi phạm lời cấm, nên bị thần Zeus dùng lưỡi tầm sét đánh chết.