DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 14

Họ đi theo một hành lang nhỏ, tường quét vôi màu xanh nhạt, phảng phất ánh sáng của những chiếc bể nuôi cá. Đèn trước hai lớp cửa kính với những cái bóng chập chờn kỳ cục ở phía sau. Tarrou đưa Rambert vào một căn phòng rất nhỏ, bưng ván kín mít. Anh mở một tấm, lấy từ một cái hộp tiệt khuẩn hai chiếc mặt nạ bằng gạc hút nước, đưa một chiếc cho Rambert, bảo anh đeo vào. Anh chàng nhà báo hỏi có ích lợi gì không và Tarrou đáp là không, nhưng như thế để gây lòng tin cho người khác.
Họ đẩy tấm cửa kính. Một phòng rộng thênh thang, cửa sổ đóng kín mít, tuy giữa mùa hè. Phía trên tường, những cái máy làm thay đổi không khí kêu vo vo, và những cái quạt uốn cong của máy khuấy bầu không khí đông đặc và hừng hực, trên hai dãy giường xám xịt. Từ khắp mọi phía, cất lên những tiếng rên rỉ trầm đục hoặc the thé tạo nên một chuỗi than vãn đơn điệu. Những người đàn ông, mặc quần áo trắng, chậm rãi đi lại, dưới luồng ánh sáng dữ dội từ những ô cửa sổ cao có song sắt, hắt xuống. Rambert thấy trong người khó chịu trong cái nóng khủng khiếp của căn phòng và hầu như không còn nhận ra Rieux đang cúi xuống một bóng người rên rỉ. Bác sĩ đang rạch bẹn cho người bệnh hai chân dạng ra, hai cô y tá giữ ở hai bên giường. Ngẩng lên, ông bỏ dụng cụ vào một chiếc khay trên tay một người phụ việc và đứng im lặng một lát, nhìn người bệnh đang được băng bó.
- Có gì mới không? Ông hỏi Tarrou khi anh bước tới.
- Paneloux nhận thay Rambert ở nhà cách ly kiểm dịch. Ông ta đã làm việc nhiều. Còn phải tập hợp kíp thứ ba theo dõi bệnh nhân trong lúc vắng Rambert.
Rieux gật đầu.
- Castel đã chế xong những liều huyết thanh đầu tiên. Ông ta đề nghị dùng thí nghiệm. Tarrou nói tiếp.
- A! Rieux đáp, tốt lắm.
- Cuối cùng, hiện Rambert có mặt ở đây.
Rieux quay lại. Phía trên mặt nạ, mắt ông nheo lại khi nhìn thấy anh chàng nhà báo.
- Ông làm gì ở đây? Rieux hỏi. Ông phải ở chỗ khác chứ!
Tarrou nói là Rambert sẽ đi trong đêm nay, lúc mười hai giờ, và Rambert nói thêm: “Về nguyên tắc thì như thế”.
Mỗi lần họ nói, là chiếc mặt nạ bằng gạc lại phập phồng và thấm ướt ở chỗ miệng. Vì thế câu chuyện có phần huyền ảo, tựa cuộc đối thoại của những bức tượng.
- Tôi muốn nói chuyện với ông, Rambert cất tiếng.
- Chúng ta sẽ cùng đi ra ngoài, nếu ông vui lòng. Ông chờ tôi trong phòng Tarrou.
Một lát sau, Rambert và Rieu ngồi phía sau ôtô của bác sĩ. Tarrou cầm lái.
- Hết xăng đến nơi rồi, Tarrou nói khi nổ máy. Mai, chúng ta sẽ đi bộ.
- Thưa bác sĩ, Rambert nói, tôi sẽ không đi và tôi muốn ở lại với ông.
Tarrou không nói nửa lời. Anh tiếp tục lái. Rieux thì hình như không sao thoát ra khỏi cơn mệt mỏi.
- Thế còn cô ấy? ông hỏi, giọng trầm xuống.
Rambert đáp anh đã tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục tin điều anh tin trước đây, nhưng nếu ra đi thì anh thấy hổ thẹn. Anh thấy như thế thì không xứng đáng với tình yêu của mình đối với người con gái hiện đang xa vắng. Rieux ngồi thẳng dậy, và bảo, giọng chắc nịch, rằng làm thế là ngu ngốc và khi người ta chọn hạnh phúc thì không có gì phải hổ thẹn.
- Vâng, Rambert đáp, nhưng hưởng hạnh phúc lấy một mình thì cũng có thể hổ thẹn.
Im lặng cho tới lúc đó và không quay đầu lại, Tarrou bèn nói là nếu Rambert muốn chia sẻ nỗi bất hạnh với những con người ở đây, thì anh sẽ không bao giờ có thì giờ dành cho hạnh phúc nữa. Rambert cần lựa chọn.
- Không phải thế. Rambert đáp. Tôi luôn nghĩ rằng tôi xa lạ với thành phố này và không dính dáng gì tới các ông. Nhưng giờ đây, khi đã thấy những điều trước mắt, thì tôi biết tôi là ngƣời ở đây, dù tôi muốn hay không. Công việc này liên quan đến tất cả chúng ta.
Không một ai đáp lại và Rambert tỏ vẻ sốt ruột.
- Vả lại, các ông hiểu rõ điều đó. Nếu không thì các ông làm gì trong cái bệnh viện này? Và các ông, các ông có chọn lựa, các ông có khước từ hạnh phúc không?
Cả Tarrou lẫn Rieux vẫn không ai đáp lại. Không khí im lặng kéo dài cho tới khi về gần tới nhà bác sĩ. Một lần nữa, Rambert nhắc lại câu hỏi và lần này, cất cao giọng hơn. Một mình Rieux quay lại phía anh. Ông ngồi thẳng dậy một cách khó khăn.
- Ông Rambert, xin lỗi ông, nhưng tôi không biết trả lời ông thế nào. Ông cứ ở lại với chúng tôi vì ông muốn vậy.
- Ôtô quặt bánh, Rieux phải dừng lời. Rồi nhìn thẳng về phía trước, ông nói tiếp:
- Trên đời này, không có gì đáng cho người ta xa lánh cái mà người ta yêu mến. Thế nhưng, chính tôi, tôi cũng xa lánh nó mà không hiểu vì sao.
Ông ngã người xuống đệm xe.
- Đó là một sự thật, thế thôi, ông nói tiếp, dáng mệt mỏi. Chúng ta hãy ghi nhận lấy và rút ra những hệ quả.
- Những hệ quả nào? Rambert hỏi.
- A! Rieux đáp, ngƣời ta không thể vừa chữa bệnh vừa biết được. Vậy chúng ta hãy hết sức nhanh chóng chữa bệnh. Đó là cái khẩn thiết nhất.
Nửa đêm, Tarrou và Rieux hướng dẫn cho Rambert sơ đồ khu phố anh phụ trách theo dõi. Tarrou nhìn đồng hồ. Ngẩng đầu lên, anh gặp ánh mắt Rambert
. - Ông đã báo cho cô ấy chưa?
Anh chàng nhà báo quay mặt đi và nói một cách khó khăn:
- Tôi đã gửi cho nàng mấy chữ trước khi đến gặp các ông.
Huyết thanh của Castel đã đem dùng thử vào những ngày cuối tháng mười. Trên thực tiễn, nó là niềm hy vọng cuối cùng của Rieux. Nếu lại thất bại một lần nữa, thì ông tin chắc thành phố sẽ hoàn toàn phó mặc cho dịch hạch: dịch bệnh có thể hoành hành trong nhiều tháng nữa, cũng có thể tự nó ngừng lại không một lý do nào cả.
Ngay trước hôm Castel đến gặp Rieux một ngày, con trai Othon bị ốm và cả nhà phải cách ly kiểm dịch. Bà vợ trở về nhà trước một ít nên lại phải sống một mình lần thứ hai. Tôn trọng những quy tắc đã đề ra, viên dự thẩm cho mời bác sĩ Rieux khi vừa nhận thấy trên người đứa bé những dấu hiệu của bệnh. Khi Rieux tới, cả hai vợ chồng Othon đều đứng đầu giường. Con bé gái thì đã đưa đi cách ly. Thằng bé đang trong thời kỳ suy sụp và để cho khám không một tiếng kêu la. Ngẩng đầu lên, bác sĩ bắt gặp ánh mắt Othon, và phía sau ông ta, khuôn mặt tái nhợt của bà vợ: bà ta cho một chiếc mù soa vào miệng và hai mắt trừng trừng theo dõi cử chỉ của bác sĩ.
- Cái đó, phải không? viên dự thẩm hỏi, giọng lạnh lùng.
- Phải, Rieux đáp và một lần nữa nhìn đứa trẻ.
Cặp mắt bà Othon mở to nhưng bà vẫn lặng im. Othon cũng lặng im, nhưng rồi tiếp giọng nói:
- Thưa Rieux, chúng ta phải làm đúng theo qui định.
Rieux tránh không nhìn bà vợ miệng vẫn ngậm chiếc mù soa.
- Công việc nhanh thôi, ông nói ngập ngừng, nếu tôi có thể gọi điện.
Othon bảo để ông ta tiễn chân Rieux. Nhưng Rieux quay về phía bà vợ:
- Tôi thật khổ tâm. Bà chuẩn bị ít quần áo cho cháu. Bà biết là thế nào rồi.
Bà Othon ra vẻ sững sờ. Bà nhìn xuống đất:
- Vâng, bà ta gật đầu đáp, tôi chuẩn bị cho cháu ngay bây giờ.
Trước khi chia tay, Rieux hỏi họ có cần gì không. Bà vợ vẫn lặng im nhìn chồng. Còn Othon thì ngoảnh mặt đi.
- Không, ông ta đáp và nuốt nước bọt. Nhưng ông cứu lấy cháu.
Việc cách ly kiểm dịch lúc đầu chỉ là một thủ tục đơn giản như về sau được Rieux và Rambert tổ chức hết sức chặt chẽ. Đặc biệt là họ yêu cầu người trong cùng một gia đình bao giờ cũng phải cách ly nhau. Khi một người bị nhiễm bệnh nhưng không biết, thì không nên tạo cơ hội cho bệnh lây lan. Rieux giải thích cho viên dự thẩm, và ông ta cho thế là tốt. Tuy thế, hai vợ chồng nhìn nhau với một ánh mắt khiến bác sĩ thấy sự xa cách đó làm họ bối rối đến chừng nào. Bà Othon và đứa bé gái có thể đến ở trong khách sạn dùng làm nhà cách ly kiểm dịch do Rambert phụ trách. Nhưng đối với ông dự thẩm thì không còn chỗ nào khác ngoài trại cách ly mà tỉnh đang tổ chức, trên sân vận động thành phố, với những chiếc lều bạt mượn của sở công chính. Rieux xin lỗi, nhưng Othon báo chỉ có một luật lệ cho mọi người, và tuân theo luật lệ là đúng.
Còn thằng bé thì được chở đến bệnh viện phụ, trong một lớp học cũ có kê mười chiếc giường. Sau khoảng hai mươi tiếng, Rieux cho là một ca tuyệt vọng. Cơ thể nhỏ bé của nó để cho nhiễm khuẩn tàn phá, không hề có phản ứng chống trả. Những cục hạch xoài nhỏ, đau đớn, vừa mới nổi lên, làm cho các khớp tay chân khẳng khiu của nó không cử động nổi. Nó bị dịch bệnh đánh bại ngay từ đầu. Vì vậy Rieux định thí nghiệm trên mình nó thứ huyết thanh của Castel.
Ngay tối hôm đó, sau bữa ăn, họ tiêm chủng kéo dài cho thằng bé, mà không hề có phản ứng. Sáng tinh mơ hôm sau, mọi người đến cạnh nó để xem kết quả cuộc thử nghiệm có tính chất quyết định này.
Thằng bé, thôi không còn mê sảng, quằn quại trên giường. Từ bốn giờ sáng, Rieux, Castel và Tarrou đứng bên cạnh, theo sát tình hình tiến triển hay dừng lại của cơn bệnh. Đứng phía đầu giường, thân hình nặng nề của Tarrou như còng xuống. Rieux đứng phía chân giường, và Castel ngồi bên cạnh đọc một tác phẩm cũ, vẻ bề ngoài hết sức điềm tĩnh. Dần dà, trời sáng rõ trong căn phòng học ngày trước và những người khác cũng tới. Trước hết là Paneloux, đứng phía bên kia giường, đối diện với Tarrou, lựng dựa vào tường. Nét mặt lộ vẻ đau đớn, và nỗi mệt mỏi những ngày ông ta liều cả thân mình thế này đào thành những vết nhăn trên vầng trán sung huyết. Rồi đến lượt Joseph Grand. Đồng hồ đã bảy giờ và anh xin lỗi vì phải hối hả đến hụt hơi. Anh chỉ ở lại một lúc có lẽ tình hình đã có phần rõ rồi. Không nói không rằng, Rieux chỉ vào đứa bé mắt nhắm tịt trên khuôn mặt biến dạng, hai hàm răng nghiến chặt, cơ thể bất động, đầu quay hết bên này sang bên kia, trên chiếc gối không có bọc. Cuối cùng, khi trời sáng rõ, đủ để nhìn thấy trên tấm bảng đen vẫn nằm nguyên ở cuối phòng, dấu vết còn sót lại của những công thức phương trình thì Rambert tới. Anh ngồi tựa lưng vào chân chiếc giường bên cạnh và lấy bao thuốc ra. Nhưng thoáng nhìn thấy đứa bé, anh lại bỏ thuốc vào túi.
Castel vẫn ngồi, ngước mắt kính lên nhìn Rieux:
- Ông có tin tức gì về ông bố thằng bé không?
- Không, Rieux đáp, ông ta ở trại cách ly.
Ông nắm chặt thành giường thằng bé. Nó rên rỉ. Ông không rời mắt khỏi nó. Nó bỗng co cứng lại và nghiến chặt răng, bụng thắt lại chút ít, từ từ dang rộng hai tay, hai chân ra. Từ cái thân hình bé nhỏ, trần trụi dưới chiếc mền lính, xông lên mùi len và mùi mồ hôi chua chua. Dần dà, đứa bé duỗi người ra, khép tay chân lại vào giữa giường và vẫn nhắm mắt và im lìm, nó có vẻ thở nhanh hơn. Tarrou ngoảnh mặt đi và Rieux bắt gặp ánh mắt anh.
Họ đã từng chứng kiến cái chết của trẻ em, vì đã mấy tháng nay, dịch bệnh không hề chọn lựa, nhưng chưa bao giờ, họ theo dõi nỗi đau đớn của chúng từng phút một như từ sáng đến nay. Và, dĩ nhiên, nỗi đau đớn những đứa trẻ thơ ngây này phải chịu, thực sự như thế nào thì bao giờ họ cũng thấy nó như thế ấy, nghĩa là như một sự phẫn nộ. Nhưng ít ra cho tới lúc này, họ chỉ phẫn nộ một cách trừu tượng - nếu có thể nói như thế - bởi lẽ chưa bao giờ họ nhìn thẳng, lâu đến thế, cơn hấp hối của một đứa trẻ thơ dại.
Đứa bé, như thể bị cắn xé ở dạ dày, gập mình lại một lần nữa và rên rỉ một cách yếu ớt. Nó co quắp lại như thế trong mấy giây đồng hồ mà ai nấy đều thấy dài đằng đẵng, người nó giật bắn lên vì những cơn rùng mình bần bật, như thể cái hình hài mảnh dẻ gập khúc lại dưới cơn cuồng phong của dịch hạch và gãy răng rắc dưới những cơn sốt dồn dập. Cơn giông bão qua đi, nó thư giãn ra một chút, cơn sốt như rút đi và bỏ mặc nó, hổn hển, trên một lớp cát ẩm ướt và bị đầu độc trong đó trạng thái nghỉ ngơi đã chẳng khác nào cái chết. Khi cơn sốt như một lớp sóng nóng bỏng tấn công nó lần thứ ba và nâng người nó lên chút đỉnh, thì thằng bé co quắp lại, rúc vào góc giường vì kinh sợ ngọn lửa đang đốt cháy nó, rồi lắc la lắc lư cái đầu như điên như dại và vứt tung tấm mền đi. Những giọt nước mắt to tướng tuôn ra từ dưới hai mí mắt đỏ rực chảy trên khuôn mặt xám xịt, và cuối cơn, thằng bé, kiệt sức, co rúm hai cẳng chân xương xẩu và hai cánh tay thịt đã biến mất hết, sau bốn mươi tám tiếng, nằm trên giường rối tung, trong tư thế kỳ quái của kẻ bị đóng đinh trên giá chữ thập.
Tarrou cúi xuống, lấy bàn tay phục phịch lau khuôn mặt nhỏ bé đẫm nước mắt và mồ hôi của thằng bé. Castel gập sách lại một lúc và nhìn nó. Ông bắt đầu nói, nhưng phải ho một hơi mới nói được hết câu vì bỗng lạc giọng đi:
- Không có hiện tượng giảm bệnh buổi sáng phải không ông Rieux?
Rieux bảo là không, nhưng thằng bé đã chống chọi lại quá mức bình thường. Paneloux, mệt mỏi dựa vào tường bỗng cất tiếng trầm trầm:
- Nếu có chết, ắt nó phải đau khổ lâu hơn.
Rieux đột ngột quay lại phía ông ta và mở miệng định nói, nhưng lại thôi, cố gắng kìm mình một cách trông thấy và quay trở lại nhìn đứa bé.
Ánh sáng trải rộng trong căn buồng. Trên năm chiếc giường khác, những hình người động đậy và rên rỉ, nhưng một cách kín đáo như thể họ đã bàn bạc cùng nhau. Người duy nhất kêu la, ở tận cuối buồng đằng kia, từng quãng đều đặn một, cất lên những lời than vãn yếu ớt như thể vì kinh ngạc hơn là vì đau đớn. Hình như ngay cả đối với người bệnh, đây không phải là nỗi kinh hoàng buổi đầu. Giờ đây, người ta như thỏa thuận với nhau trong cách chấp nhận bệnh tật. Riêng chỉ có thằng bé là ra sức giãy giụa. Rieux chốc chốc lại bắt mạch cho nó, tuy không cần thiết, và đúng hơn là để thoát khỏi tình trạng bất động bất lực của mình. Hai mí mắt khép lại, ông cảm thấy mạch thằng bé như hòa lẫn vào sự chuyển động của chính dòng máu ông. Ông hòa mình làm một với thằng bé đau thương và tìm cách nâng đỡ nó với toàn bộ sức lực còn nguyên vẹn của mình. Nhưng sau một phút hòa nhập, nhịp đập trái tim ông và trái tim thằng bé thời không còn một điệu nữa, đứa bé thoát ra khỏi ông, và cố gắng của ông rơi tõm vào chỗ hư không. Ông bỏ cái cổ tay mỏng manh ra và quay về chỗ mình.
Trên các bức tường quét vôi, ánh sáng chuyển từ màu hồng sang màu vàng. Phía sau cửa chính, bắt đầu một buổi sáng oi bức rần rật. Người ta chỉ loáng thoáng nghe Grand nói khi ra đi là anh sẽ trở lại. Ai nấy chờ đợi. Thằng bé, mắt vẫn nhắm tịt, như có phần dịu đi. Hai bàn tay giờ đây như những móng vuốt, cào cấu hai bên mép giường rồi lần ngược lên, gãi gãi cái mền chỗ gần đầu gối, và đột nhiên, thằng bé gập chân, khép hai đùi lại bên bụng và nằm im lặng. Lần đầu tiên, nó mở mắt và nhìn Rieux đứng trước mặt. Trên khuôn mặt gầy choắt lại, đờ đẫn, xám xịt như đất sét, miệng nó hé mở, liên tục phát ra một thứ tiếng hầu như không còn ăn khớp gì với nhịp thở và làm cho căn phòng bỗng nhiên âm vang một chuỗi những lời phản kháng đơn điệu, rời rạc, ít mang tính người tới mức như thể được thốt ra từ tất thảy mọi con người cùng một lúc. Rieux nghiến chặt răng và Tarrou ngoảnh mặt đi. Rambert bước lại gần giường, bên cạnh Castel lúc đó đã gập sách lại trên đầu gối. Paneloux nhìn cái miệng trẻ thơ, hoen ố vì bệnh tật, chứa đầy cái tiếng kêu của mọi lứa tuổi ấy. Ông quì xuống đất và không ai ngạc nhiên khi nghe ông, giọng nói có phần nghẹn ngào nhưng rành rọt, thốt lên: “Cầu xin Chúa cứu thoát thằng bé”, trong lúc tiếng rên rỉ âm thầm của nó vẫn không ngớt.
Thằng bé vẫn tiếp tục kêu la, và xung quanh nó, các bệnh nhân cũng náo động cả lên. Người bệnh từ nãy bỗng không ngớt than vãn ở phía cuối đàng kia buồng, nay càng than vãn nhiều hơn, tạo thành một tiếng kêu la thật sự, trong lúc những người bệnh khác rên rỉ ngày một thêm dữ dội. Tiếng nức nở tràn ngập gian phòng như một làn sóng, át cả tiếng cầu kinh của Paneloux. Tay bíu chặt thanh giường, nhắm mắt lại, Rieux mệt mỏi, chán chường đến rã rời.
Mở mắt ra, ông thấy Tarrou đứng bên cạnh.
- Tôi phải đi đây, Rieux nói. Tôi không thể chịu nổi nữa.
Nhưng bỗng nhiên, các bệnh nhân khác đều lặng im. Lúc đó, ông mới biết tiếng kêu của thằng bé yếu đi, yếu đi mãi và vừa ngừng lại. Xung quanh ông, những lời than vãn lại nổi lên, nhưng trầm đục, và tựa tiếng vang vọng xa xăm của cuộc chiến đấu vừa mới kết thúc. Vì quả nó đã kết thúc. Castel chuyển sang phía bên kia giường và bảo thế là hết. Miệng há to, nhưng câm lặng, thằng bé nằm giữa đống chăn đệm ngổn ngang, co quắp lại, những giọt nước mắt còn vương trên mặt.
Paneloux đi lại cạnh giường và làm dấu ban phước. Rồi vén áo, đi ra bằng cửa chính.
- Có nên bắt đầu lại tất cả không? Tarrou hỏi Castel. Ông bác sĩ già lắc đầu.
- Có lẽ, ông nói, một nụ cười nhăn nhúm trên môi. Dẫu sao, nó cũng đã chống trả mãi.
Nhưng Rieux ra khỏi buồng, bước đi lập cập và với một vẻ khiến cho khi vượt qua Paneloux, ông này nắm cánh tay ông giữ lại.
- Này, ông bác sĩ, Paneloux bảo ông.
Rieux quay lại vẻ bực bõ và nói với một thái độ dữ dội.
- A! ít ra, thằng bé cũng vô tội, cha biết chứ! rồi quay người, vượt lên trước Paneloux, ông đi qua cửa, bước về phía cuối sân trường. Ông ngồi xuống một chiếc ghế băng, giữa những thân cây nhỏ bụi bặm, và lau mồ hôi chảy vào mắt. Ông vẫn muốn la hét để nới cái sợi dây thòng lọng ác nghiệt đang bóp nghẹt tim mình. Nắng từ từ hắt xuống giữa những cành vả. Bầu trời màu xanh buổi sáng nhanh chóng bị bao phủ bởi một lớp viền nhờ khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Rieux ngồi phịch xuống ghế. Ông nhìn cây cối, bầu trời, từ từ lấy lại hơi thở, quên bớt mệt mỏi.
- Sao ông nói với tôi với cái giọng giận dữ như vậy? một tiếng nói cất lên sau lưng ông. Đối với tôi cũng vậy, cảnh tượng ấy không sao chịu nổi.
Rieux quay lại phía sau Paneloux: - Đúng thế! Xin cha thứ lỗi. Nhưng mệt mỏi làm người ta điên dại. Có nhiều lúc trong cái thành phố này, tôi chỉ còn cảm thấy như trong lòng nổi loạn.
- Tôi hiểu, Paneloux thầm thì. Cái đó thật đáng giận vì nó vượt quá sức chúng ta. Nhưng phải chăng chúng ta cần sự yêu mến cái mà chúng ta không hiểu nổi.
Rieux đứng vụt dậy. Ông nhìn Paneloux với tất cả sức lực và tình cảm của mình, rồi lắc đầu:
- Không, thưa cha. Tôi có một quan niệm khác về tình yêu thương. Và cho đến chết, tôi vẫn không sao yêu mến được cái thế giới trong đó những đứa trẻ bị hành hạ.
Một thoáng bối rối trên nét mặt Paneloux.
- A! ông bác sĩ này, ông nói, giọng buồn bã, tôi vừa hiểu cái mà người ta gọi là ân sủng.
Nhưng một lần nữa, Rieux lại ngồi phịch xuống ghế. Mệt mỏi trở lại đến rã rời, ông đáp, dịu dàng hơn:
- Đó là cái tôi không có, tôi biết rõ như thế. Nhưng tôi không muốn tranh luận với cha. Vượt lên trên những lời báng bổ lẫn những lời cầu nguyện, chúng ta cùng nhau làm việc vì một cái gì đó nó liên kết chúng ta lại. Chỉ có cái đó là quan trọng.
Paneloux ngồi xuống cạnh Rieux. Ông có vẻ xúc động:
- Vâng, đúng thế, ông, ông cũng làm việc vì hạnh phúc con người.
Rieux cố mỉm cười.
- Hạnh phúc con người, cái từ đó quá lớn đối với tôi. Tôi không dám đi xa đến thế. Cái tôi lưu tâm là sức khỏe con người, trước hết là sức khỏe con người.
Paneloux ngập ngừng:
- Ông bác sĩ này.
Nhưng rồi ngừng lại. Trên trán ông, mồ hôi cũng đã ròng ròng. Ông thì thầm: “Tạm biệt”, và cặp mắt ông long lanh khi đứng dậy. Ông sắp bước đi thì đang suy tư, Rieux cũng đứng dậy và bước đến bên ông:
- Một lần nữa, xin cha thứ lỗi. Tôi sẽ không bao giờ để cơn giận bùng lên như thế nữa.
Paneloux chìa tay buồn bã nói:
- Thế nhưng tôi chưa thuyết phục được ông!
- Chẳng sao, Rieux đáp. Cái tôi căm thù, là chết chóc và tội ác, cha biết rõ đấy. Và dù cha muốn hay không, thì chết chóc và tội ác ấy, chúng ta vẫn cùng nhau chịu đựng và chống trả.
Rieux giữ bàn tay Paneloux lại trong tay mình:
- Cha thấy không, ông nói và tránh không nhìn Paneloux, bây giờ ngay đến Chúa cũng không chia rẽ được chúng ta.
Từ ngày tham gia các tổ chức y tế, Paneloux chưa hề rời khỏi các bệnh viện và những nơi có dịch hạch. Giữa những người cứu trợ, ông tự đặt mình vào vị trí mà ông nghĩ phải là của ông, nghĩa là vào vị trí hàng đầu. Ông đã chứng kiến những cảnh chết chóc. Và tuy về nguyên lý, ông được huyết thanh bảo vệ, nhưng không phải ông không bao giờ băn khoăn về bản thân cái chết của mình. Bề ngoài, ông luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh. Nhưng từ hôm nhìn, khá lâu, một đứa trẻ chết, ông hình như thay đổi. Trên nét mặt ông, sự căng thẳng ngày một hiện lên rõ rệt. Và đến hôm ông vừa cười vừa nói với Rieux là ông đang dự thảo một tiểu luận ngắn về vấn đề: “Một linh mục có thể, hỏi ý kiến một thầy thuốc không?” thì Rieux có cảm giác đây là một vấn đề thật sự nghiêm trang. Khi Rieux ngỏ ý muốn được biết công trình ấy, thì Paneloux đáp là ông phải thuyết giáo trong một buổi lễ cầu kinh của nam giới và trong dịp ấy, ông sẽ trình bày ít ra cũng một vài quan điểm của mình:
- Tôi muốn ông đến dự, bác sĩ ạ, vấn đề sẽ làm ông thích thú đấy.
Cha Paneloux trình bày bản thuyết giáo thứ hai của mình vào một ngày gió to. Nói đúng ra, các hàng ghế cử tọa thưa thớt hơn lần trước. Ấy là vì quang cảnh này không còn sức hấp dẫn của cái mới đối với đồng bào chúng tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn của thành phố, bản thân từ “cái mới” đã mất hết ý nghĩa. Vả lại, khi chưa hoàn toàn xao nhãng bổn phận tôn giáo hoặc chưa đến nỗi làm cho bổn phận ấy và đời tư hết sức vô đạo của mình chỉ là một, thì người ta thường thay thế những tập quán thường ngày bằng những hành vi mê tín không hợp lý. Họ sẵn sàng đeo những chiếc ảnh tượng hộ mệnh hay bùa ngài thánh Roch nhiều hơn là đi nhà thờ.
Có thể kể làm ví dụ việc đồng bào chúng tôi sử dụng quá đáng những lời tiên tri. Vào mùa xuân, họ trông chờ ngày đêm dịch bệnh chấm dứt, và không ai nghĩ tới việc hỏi người khác những chi tiết chính xác về thời hạn dịch hạch, vì ai nấy đều đinh ninh nó không có thời hạn. Nhưng ngày tháng trôi qua, người ta bắt đầu lo sợ tai họa thực sự sẽ không chấm dứt, và đồng thời lại hy vọng dịch bệnh sẽ kết thúc. Thế là người ta chuyền tay nhau những lời tiên tri phát ra từ các pháp sư hay các thánh của Giáo hội Cơ đốc giáo. Nhiều nhà in trong thành phố thấy ngay món lợi có thể khai thác từ sự sùng bái này và phát hành rất rộng rãi các văn bản được in ra. Thấy công chúng vẫn một mực khao khát, họ cho tìm tòi trong các thư viện thành phố và lưu hành rộng rãi mọi chứng cứ mà truyền thuyết có thể cung cấp. Khi sử sách đã khô cạn những lời tiên tri, thì ngƣời ta đặt hàng cho các nhà báo là những người tỏ ra chẳng thua kém gì, ít ra cũng về phương diện này, những bậc đàn anh trong những thế kỷ trước.