DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 15

Thậm chí một lời tiên tri được đăng tải dần trên mặt báo và được người ta đọc say sưa chẳng kém những truyện tình trước kia, khi chưa xảy ra dịch bệnh. Những lời này thì dựa trên những con tính kỳ cục trong đó có các yếu tố như con số nghìn của năm, số người chết và số tháng đã qua trong thời kỳ dịch hạch. Những lời khác thì lập những bảng so sánh với các nạn dịch hạch lớn trong lịch sử, rút ra những điểm giống nhau (mà họ gọi là hằng số) và, bằng những cách tính toán cũng không kém phần kỳ cục, cho rằng có thể từ đó rút ra những bài học đối với sự thử thách hiện nay. Nhưng những lời tiên đoán được công chúng hâm mộ nhất, dứt khoát là những lời dự báo, bằng một ngôn ngữ thần bí, hàng loạt sự kiện và sự kiện nào cũng có thể liên quan tới thành phố và do tính phức tạp của chúng, nên lý giải thế nào cũng được. Thế là sách sấm ngữ của Nostradamus[2] và của nữ thánh Odile[3] được mở ra hằng ngày, và bao giờ cũng có kết quả. Và cái còn lại chung cho tất cả các lời tiên tri là cuối cùng chúng đều làm cho người ta yên lòng. Duy chỉ riêng dịch hạch thì không.
Thế là đối với đồng bào chúng tôi, mê tín thay thế tôn giáo, và vì vậy, hôm Paneloux thuyết giáo, thính giả chỉ ngồi hết ba phần tư nhà thờ. Tối hôm đó, khi Rieux tới, thì gió luồn qua các cánh cửa tự động, tha hồ tung hoành giữa những đám cử tọa. Ông ngồi và nhìn thấy cha Paneloux bước lên giảng đài trong một ngôi nhà thờ im lìm, lạnh lẽo, giữa một cử tọa hoàn toàn chỉ gồm đàn ông. Cha Paneloux nói, giọng dịu dàng và cân nhắc hơn buổi trước và nhiều lần, thính giả thấy ông ngập ngừng trong lúc nói. Điều kỳ lạ hơn, là ông không còn nói “các con”, mà là “chúng ta”.
Nhưng giọng nói ông mỗi lúc một thêm vững vàng. Ông bắt đầu nhắc lại là, từ nhiều tháng nay, dịch hạch đã đến với chúng tôi, là giờ đây, chúng tôi biết nó rõ hơn vì đã từng thấy nó bao nhiêu lần “ngồi” vào bàn ăn chúng tôi hay các đầu giường người thân của mình, thấy nó đi bên cạnh hay chờ mình đến ở chỗ làm việc, vì vậy, giờ đây, có lẽ chúng tôi có thể đón nhận tốt hơn điều mà nó không ngừng nói đi nói lại với mình, nhưng trong cơn thảng thốt đầu tiên, có thể chúng tôi chưa nghe được rõ. Điều mà trước đây, cũng ở chỗ này, cha Paneloux đã từng thuyết giáo, đến nay vẫn đúng - hoặc ít ra ông cũng tin như vậy. Nhưng cũng có thể - như điều đó từng xảy ra đối với mọi người, và ông uất ức đập vào ngực - ông đã nghĩ và nói ra điều đó trong khi thiếu tình thương. Tuy nhiên, điều vẫn đúng là bao giờ, trong mọi việc, cũng có cái cần ghi nhớ. Thử thách đau đớn nhất vẫn là “cái lộc” cho ngƣời tín đồ đạo Cơ đốc. Và cái mà trong trường hợp này, người tín đồ ấy phải tìm kiếm, chính là cái lộc của mình, nó ra làm sao, và làm thế nào để tìm thấy nó.
Vào lúc này, xung quanh Rieux, mọi người tìm cách ngồi thật khoan khoái, ngã người ra sau lưng ghế. Một cánh cửa có đệm đập khẽ, có ai đó giữ nó lại. Và Rieux, lãng ý đi vì chút tiếng động ấy, chỉ loáng thoáng nghe Paneloux tiếp tục thuyết giáo. Đại thể ông ta nói là không nên tìm cách lý giải cho mình cảnh tượng dịch hạch, mà nên cố gắng rút ra bài học có thể rút ra được. Rieux láng máng hiểu ra rằng theo cha Paneloux, thì không có gì cần giải thích cả. Ông tập trung chú ý khi Paneloux nhấn mạnh là đối với Chúa, có những điều có thể và những điều không thể giải thích được. Dĩ nhiên, có điều thiện và điều ác, và nói chung, người ta dễ dàng giải thích cái gì ngăn cách giữa thiện và ác. Nhưng cái khó bắt đầu từ bên trong cái ác. Chẳng hạn, có cái ác rõ ràng cần thiết và cái ác rõ ràng vô ích. Có Don Juan[4] bị đày xuống Địa ngục và có cái chết của một đứa trẻ. Vì nếu kẻ phóng đãng đáng bị sét đánh, thì trái lại, không thể hiểu được vì sao một đứa trẻ lại phải chịu đau đớn. Và thực ra, trên trái đất, không có gì quan trọng hơn nỗi đau đớn của một đứa trẻ, sự kinh tởm mà nỗi đau có kéo theo nó, và những lý do biện giải cho nó. Còn nữa trong cuộc sống, thì Thượng đế tạo ra cho người ta mọi thuận lợi, và cho đến đây, tôn giáo chẳng có công trạng gì hết. Trái lại, ở đây, Thượng đế dồn chúng tôi đến tận chân tường. Chúng tôi ở dưới những bức tường thành của dịch hạch và phải tìm cái “lộc” của mình trong cái bóng giết người của chúng. Cha Paneloux cũng không nhận ra cho riêng mình những lợi thế có thể dễ dàng giành được và cho phép vượt qua tường. Ông có thể dễ dàng nói rằng những diễm phúc vĩnh hằng đang chờ đón đứa trẻ có thể bù đắp nỗi đau đớn của nó, nhưng, thực ra, ông chẳng hay biết gì về cái đó cả. Thật vậy, ai có thể khẳng định một niềm vui vĩnh cửu có thể bù đắp một lát nỗi khổ đau của con người? Chắc hẳn không phải là một tín đồ đạo Cơ đốc, vì Chúa đã từng chịu đau đớn trong thịt da và trong tâm hồn. Không, cha Paneloux vẫn ở dưới chân tường, trung thành với sự phanh thây mà cái giá chữ thập là biểu tượng, mặt đối mặt với nỗi đau đớn của một đứa trẻ. Và ông không hề run sợ mà nói với thính giả hôm đó: “Hỡi những người anh em, thời cơ đã đến. Phải tin hết thảy hay phủ nhận hết thảy. Và ai đây trong số các anh em, dám phủ nhận hết thảy?”.
Rieux vừa thoáng nghĩ Paneloux sẽ đề cập tới chuyện dị giáo thì cha đã nói tiếp, một cách mạnh mẽ để khẳng định rằng mệnh lệnh ấy, yêu cầu thuần tuý, là cái “Lộc” của người tín đồ đạo Cơ đốc. Đó cũng là đạo lý của họ. Paneloux biết rằng cái thái quá trong đạo lý ông sắp nói tới sẽ làm nhiều người khó chịu vì họ đã quen với một đạo lý khoan dung hơn và kinh điển hơn. Nhưng tôn giáo thời kỳ dịch hạch không thể là thứ tôn giáo thường ngày và, nếu Chúa có thể chấp nhận, thậm chí mong muốn, linh hồn nghỉ ngơi và hoan hỉ trong những thời kỳ hạnh phúc, thì, trái lại. Người muốn nó thái quá trong những sự thái quá của bất hạnh. Ngày nay, Chúa ưu ái đặt loài người trong nỗi bất hạnh lớn lao tới mức họ buộc phải tìm kiếm và đảm nhiệm cái đạo lý lớn lao nhất là đạo lý “Tất cả hay không gì hết”.
Trong thế kỷ trước, một tác giả ngoại đạo cho rằng ông ta đã vén được bức màn bí ẩn của Giáo hội khi khẳng định rằng không có Luyện ngục. Ông ta muốn hàm ý là không có biện pháp nửa vời, chỉ có Thiên đường và Địa ngục và người ta chỉ có thể hoặc được cứu vớt hoặc bị đọa đày tùy theo sự lựa chọn của mình. Theo Paneloux, đó là một thứ tà giáo: nó chỉ có thể nảy sinh trong một tâm hồn phóng đãng. Vì quả là có một chốn Luyện ngục. Nhưng dĩ nhiên có những thời kỳ không thể đặt quá nhiều hy vọng vào chốn Luyện ngục ấy, có những thời kỳ không thể nói tới chuyện có những tội nhẹ. Mọi tội lỗi đều có thể làm chết người và mọi thái độ thờ ơ đều mang tội. Hoặc là tất cả, hoặc không là gì cả.
Paneloux ngừng lại, và Rieux nghe rõ hơn, qua các cánh cửa, tiếng rên rỉ của luồng gió hình như đang mạnh thêm lên ở ngoài trời. Cùng lúc đó, cha Paneloux cho rằng cái đạo lý chấp nhận tất thảy ông vừa nói, không nên hiểu theo nghĩa hẹp thường ngày, rằng đây không phải là sự nhẫn nhục tầm thường, cũng không phải một sự hạ mình khó khăn. Đây là một sự sỉ nhục, nhưng là một sự sỉ nhục mà người bị sỉ nhục chấp nhận. Dĩ nhiên, nỗi đau đớn của một đứa trẻ là một sự sỉ nhục đối với khối óc và con tim. Nhưng chính vì vậy phải chịu nỗi đau khổ ấy, - chính vì vậy - đến đây Paneloux khẳng định với cử tọa rằng điều ông sắp nói không phải là điều dễ nói - chính vì vậy, phải mong ước nỗi đau đớn ấy bởi lẽ Thượng đế mong muốn nó. Chỉ có như thế người tín đồ đạo Cơ đốc mới không né tránh gì hết và, khi mọi lối thoát đã bị bịt kín, sẽ đi vào chỗ tận cùng của sự lựa chọn cốt yếu, sẽ chọn con đường tin hết thảy để khỏi rơi vào ngõ cụt phủ nhận tất thảy. Vào lúc đó, trong các nhà thờ, sau khi biết hạch xoài là con đường tự nhiên để cơ thể tẩy ra ngoài những vi khuẩn nó bị nhiễm, những người đàn bà trung hậu đều nói: “Cầu mong Chúa ban cho nó những cái hạch xoài”. Cũng như những người đàn bà ấy, người tín đồ đạo Cơ đốc biết phó mặc mình cho ý chí của Chúa, dù ý chí đó, không sao hiểu được. Không thể nói: “Cái đó, tôi không hiểu; nhưng cái này thì không thể chấp nhận”. Phải nhảy vào cái trung tâm cái không thể chấp nhận được đặt ra cho chúng ta ấy, chính là để làm công việc lựa chọn của mình. Nỗi đau đớn của trẻ em là miếng bánh cay đắng của chúng ta, nhưng không có thứ bánh ấy, thì tâm hồn chúng ta sẽ chết vì cái đói tinh thần.
Đến đây, bắt đầu nổi lên tiếng ồn ã vốn thường xuất hiện mỗi khi cha Paneloux ngừng lời. Nhưng bất giác nhà truyền giáo tiếp tục nói, giọng mạnh mẽ hơn, và như thể muốn hỏi vào địa vị các thính giả thì nên có thái độ ra sao. Chắc hẳn người ta sẽ thốt lên cái từ “định mệnh” khủng khiếp. Nhưng ông sẽ không lùi bước trước cái từ ấy nếu ông được phép ghép thêm vào đó tính từ “tích cực”. Dĩ nhiên, và một lần nữa, không nên bắt chước các tín đồ Cơ đốc giáo Abyssinie mà ông đã nói tới. Thậm chí, không nên nghĩ tới việc bắt chước những người bị dịch hạch ở Ba Tư không họ cho đàn chó dữ đuổi theo những người Cơ đốc giáo trong các tổ chức y tế, và lớn tiếng cầu Chúa bắt những kẻ dị giáo đó phải chịu dịch bệnh vì chúng muốn chống lại tai họa do Chúa ban phát. Nhưng ngược lại, cũng không nên bắt chước các tu sĩ ở Caire: trong những đợt dịch hạch thế kỷ trước, trong lúc ban thánh thể, họ lấy những cái cặp gắp bánh thánh để tránh tiếp xúc với những cái miệng ướt át và nóng bỏng có thể có mầm mống dịch bệnh. Những người bị dịch hạch ở Ba Tư và các tu sĩ ở Caire đều phạm tội. Vì, đối với những người thứ nhất, nỗi đau đớn của trẻ em không có nghĩa lý gì, và ngược lại đối với những người thứ hai, thì lòng sợ hãi - rất người - đối với đau đớn đã lấn át tất cả. Trong cả hai trường hợp, người ta đã tránh né vấn đề. Họ đều bỏ ngoài tai tiếng nói của Chúa. Nhưng Panelou muốn nhắc tới những tấm gương khác. Theo lời người kể lại vụ dịch hạch lớn ở Marseille, thì trong số tám mươi mốt nhà tổ chức hành ở tu viện Marseille, chỉ có bốn người sống sót sau dịch bệnh. Và trong số bốn người ấy, thì ba bỏ trốn. Những người viết ký chỉ nói có vậy và theo chức năng nghề nghiệp không bình luận gì thêm. Nhưng đọc những dòng nhật ký này, Panelou tập trung toàn bộ tư tưởng vào người ở lại, mặc dù bảy mươi bảy xác chết, và nhất là mặc dù tấm gương của ba người kia. Và nắm tay đập mạnh mép bàn, cha Paneloux thét to: “Hỡi những người anh em, chúng ta phải là người ở lại”.
Vấn đề không phải là chối từ những sự phòng ngừa và trật tự sáng suốt của xã hội trong cảnh tai họa mất trật tự. Không nên nghe theo những nhà đạo đức học bảo người ta phải quỳ gối và từ bỏ hết tất thảy. Chỉ cần bắt đầu bước lên phía trước, trong tăm tối, hơi mò mẫm chút ít, và cố làm điều thiện. Còn nữa thì phải tiếp tục tin vào Chúa, ngay đối với cả cái chết của đứa trẻ em, và không tìm kiếm sự cầu viện cá nhân.
Đến đây, cha Paneloux gợi lại hình ảnh cao đẹp của giám mục Belzunce trong vụ dịch hạch ở Marseille. Ông nhắc lại rằng, vào cuối thời kỳ dịch bệnh, sau khi làm tất cả những việc phải làm, và nghĩ không còn cách cứu chữa nào nữa, giám mục đã bịt kín cửa lại và ở trong nhà với ít cái ăn, rằng dân chúng - mà giám mục vốn là thần tượng - do một sự biến động tình cảm như thường thấy trong những nỗi đau đớn quá lớn, căm giận ông, đem xác chết vứt đầy xung quanh nhà để làm ông bị lây nhiễm và thậm chí còn quẳng xác qua tường để làm cho ông chết chắc chắn hơn. Thế là đức giám mục, trong một phút yếu đuối cuối cùng, những tưởng tách mình ra khỏi cái thế giới chết chóc, thế nhưng những xác chết lại rơi từ trên trời xuống đầu ông. Còn chúng ta nữa, chúng ta phải đinh ninh là không có ốc đảo nào cả trong dịch hạch. Không, không có cái trung dung. Phải chấp nhận điều sỉ nhục vì phải lựa chọn chết hay yêu Thượng đế. Và ai dám chọn con đường căm ghét Thượng đế?
“Hỡi các anh em, cuối cùng Paneloux nói và định kết luận, tình thương yêu Chúa là một tình thương yêu khó khăn. Nó đòi hỏi sự hy sinh hoàn toàn bản thân mình và thái độ coi thường con người mình. Nhưng chỉ có Thượng đế là có thể xóa bỏ nỗi đau và cái chết của trẻ em, dẫu sao, chỉ có Thượng đế là có thể làm cho cái chết trở nên cần thiết, bởi lẽ người ta không thể hiểu nổi mà chỉ có thể ước mong cái chết. Đấy là bài học gian khổ tôi muốn cùng chia sẻ với anh em. Đấy là niềm tin, đau đớn đối với con người, quyết định đối với Thượng đế, mà chúng ta phải tiếp cận.
Trước hình ảnh khủng khiếp này, mọi người đều phải bình đẳng. Ở đỉnh cao chót vót ấy, tất cả đều hòa đồng và bình đẳng, chân lý sẽ toát ra từ sự bất công bề ngoài. Chính vì thế trong nhiều nhà thờ ở miền nam nước Pháp, trong mấy thế kỷ nay và dưới những viên gạch lát chôn cầu kinh, đã yên nghỉ những người chết vì dịch hạch và các vị linh mục đứng nói phía trên mộ họ. Tinh thần mà các vị truyền bá toát ra từ các lớp tro mà trẻ em có góp phần trong đó”.
Khi Rieux bước ra, một luồng gió dữ dội ùa qua cánh cửa hé mở, đập thẳng vào mặt các tín đồ. Gió đưa vào trong nhà thờ một mùi nước mưa, một hương vị vỉa hè ướt át khiến họ có thể đoán được quanh cảnh thành phố trước khi họ ra khỏi nơi đây. Phía trước Rieux, một linh mục già và một trợ tế trẻ vừa bước ra cửa, vất vả lắm mới giữ được mũ.
Nhưng không phải vì vậy mà linh mục già không bình luận bài thuyết giáo. Ông ca ngợi tài hùng biện của cha Paneloux, nhưng lo lắng đối với những tư tưởng táo bạo được trình bày. Ông cho rằng bài thuyết giáo chứa đựng nhiều lo âu hơn là sức mạnh, và vào cái tuổi Paneloux, một linh mục không có quyền được lo âu. Đầu cúi thấp để che gió, người trợ tế trẻ tuổi nói một cách chắn chắn rằng anh ta lui tới nhiều ở chỗ cha Paneloux nên biết được sự tiến triển về tư tưởng của ông, và bản tiểu luận của ông còn táo bạo hơn nhiều và chắc hẳn sẽ không được phép in ra.
- Thế tư tưởng của ông ta thế nào? Vị linh mục già hỏi.
Họ đã ra tới sân trước và gió gào hú vây quanh họ, át hết tiếng người trợ tế trẻ. Đến khi nói được, anh ta chỉ nói:
- Nếu một linh mục hỏi ý kiến một thầy thuốc, thì ắt hẳn sẽ có mâu thuẫn.
Khi Rieux về kể lại những lời của Paneloux, thì Tarrou bảo là anh có biết một linh mục mất lòng tin khi nhìn thấy, trong chiến tranh, khuôn mặt một thanh niên chết trận.
- Paneloux nói có lý, Tarrou bảo. Khi trẻ thơ bị chết thì một tín đồ đạo Cơ đốc phải mất lòng tin hay phải chấp nhận cái chết. Paneloux không muốn mất lòng tin, ông ta sẽ đi tới cùng. Đó là điều ông muốn nói.
Liệu nhận xét này của Tarrou có cho phép soi sáng chút ít những sự kiện không may xảy ra về sau và trong đó những người xung quanh hình như không thể hiểu nổi thái độ của Paneloux không? Chúng ta sẽ xét đoán.
Mấy ngày sau buổi thuyết giáo, Paneloux lo thay đổi chỗ ở. Đây là thời kỳ dịch bệnh tiến triển, khiến người ta liên tiếp đổi chỗ ở trong thành phố. Và cũng như Tarrou phải rời khách sạn đến ở nhà Rieux, cha Paneloux cũng phải bỏ lại căn nhà dòng thánh dành cho ông để đến ở nhà một bà cụ già, người thường đi nhà thờ và không bị nhiễm dịch. Trong lúc dọn nhà, Paneloux cảm thấy mỗi lúc một thêm mệt mỏi và lo âu. Và chính vì thế ông làm mất lòng tôn kính của bà cụ chủ nhà đối với mình. Khi bà cụ nhiệt liệt ca ngợi giá trị của những lời tiên tri của nữ thánh Odile, cha Paneloux tỏ một thoáng sốt ruột, chắc hẳn vì mệt mỏi. Về sau, ông hết sức cố gắng để bà cụ ít ra cũng giữ thái độ trung lập khoan hòa nhưng không sao đạt được. Ông đã gây ấn tượng xấu. Và tối nào cũng vậy, trước khi trở về căn buồng căng đầy những tấm riđô móc tay, ông cũng nhìn thấy bà cụ ngồi trong ghế xalông quay lưng lại và nghe hai tiếng “Chào cha” lạnh nhạt luôn luôn ám ảnh ông. Vào một buổi tối như thế, khi đi ngủ, đầu kêu ong ong, ông cảm thấy ở cổ tay và thái dương một cơn sốt dữ dội ủ đã từ mấy ngày nay.
Tình hình về sau xảy ra như thế nào, người ta chỉ được biết qua những lời kể lại của bà cụ chủ nhà. Buổi sáng, cụ dậy sớm, theo thói quen. Một lúc sau, ngạc nhiên không thấy cha Paneloux ra khỏi phòng, cụ quyết định gõ cửa, sau mấy phút ngập ngừng. Bà cụ thấy ông còn nằm, sau một đêm mất ngủ. Ông tức thở và có vẻ sung huyết hơn thường ngày. Theo đúng lời cụ nói, cụ lễ phép đề nghị cho mời thầy thuốc, nhưng Paneloux từ chối với một thái độ quyết liệt mà cụ cho là đáng tiếc.
Cụ chỉ còn biết rút lui. Một lát sau, cha Paneloux bấm chuông gọi. Ông xin lỗi về cử chỉ bực tức lúc nãy và nói với cụ rằng không thể có vấn đề dịch hạch, rằng ông không có triệu chứng nào của dịch hạch và đây chỉ là cơn mệt mỏi nhất thời. Bà cụ kiêu hãnh đáp rằng cụ không lo cho sự an toàn của bản thân cụ, nó nằm ở trong tay Chúa, nhưng cụ chỉ nghĩ đến sức khỏe của cha mà cụ cho là cụ có phần trách nhiệm. Nhưng vì Paneloux không nói thêm gì hết nên cụ chủ nhà, chắc hẳn vì muốn làm tròn bổn phận của mình, lại đề nghị cho mời thầy thuốc. Một lần nữa, cha Paneloux lại từ chối, nhưng bằng cách đưa thêm những lời giảng giải mà bà cụ thấy rất mơ hồ. Cụ chỉ nghĩ là mình đã hiểu và đây chính là điều mà cụ thấy là không thể nào hiểu nổi - việc Paneloux không cho mời thầy thuốc vì nó không phù hợp với các nguyên tắc của ông. Cụ kết luận là cơn sốt làm cho ý nghĩ của ông lộn xộn và cụ chỉ đưa nước thuốc sắc cho ông uống.
Lo làm thật đầy đủ những nghĩa vụ mà tình thế tạo ra cho mình, bà cụ đều đặn, cứ hai tiếng một, vào thăm người bệnh. Điều làm cụ ngạc nhiên hơn cả là thái độ bồn chồn xao động liên tục suốt ngày hôm đó của cha Paneloux. Ông quăng ra đi rồi lại kéo về, tay luôn luôn đưa lên vầng trán dâm dấp, và thường gượng dậy như để cố gắng một cơn ho bị bóp nghẹt, khàn khàn và ướt át, giống như muốn giật tung một cái gì, như muốn moi ra mà không được những cục bỏng từ sâu trong cổ họng làm ông ngạt thở. Sau những cơn bệnh biến ấy, ông ngã vật ra sau, với tất cả những dấu hiệu của một tình trạng kiệt sức. Cuối cùng, ông lại gượng dậy nửa nằm nửa ngồi và, trong chốc lát, đăm đăm nhìn ra trước mặt một cách còn dữ dội hơn cả những cơn rẫy rụa lúc trước. Nhưng bà cụ vẫn còn ngập ngừng trong việc đi mời thầy thuốc và cưỡng lại ý muốn người bệnh. Có thể chỉ là một cơn sốt, dù nó có vẻ mãnh liệt đến thế.
Thế nhưng buổi chiều, bà cụ thử hỏi lại Paneloux và chỉ nhận được những câu trả lời mơ hồ. Cụ nhắc lại đề nghị. Nhưng ông vùng dậy và với giọng tuy ngạt thở, nói rành rọt rằng ông không muốn có thầy thuốc. Bà cụ quyết định chờ tới sáng mai và, nếu lúc đó, bệnh không giảm thì cụ sẽ gọi điện theo số điện thoại mà hãng Ransdoc ngày nào cũng nhắc đến hàng chục lần trên đài phát thanh. Luôn luôn lo lắng bổn phận của mình, bà cụ đinh ninh đêm nay sẽ thức trông coi người bệnh. Nhưng tối hôm ấy, sau khi đưa nước thuốc vừa mới sắc cho ông, cụ muốn nằm nghỉ một lát và ngủ quên đi, sáng sớm hôm sau mới tỉnh giấc. Cụ vội chạy vào buồng.
Cha Paneloux nằm dài trên giường, im lìm. Tiếp theo cơn sung huyết cao độ hôm qua, là một hiện tượng xám ngắt càng rõ hơn trên dáng dấp khuôn mặt vẫn còn đầy đặn. Ông đăm đăm nhìn cây đèn chùm con con làm bằng những viên ngọc trai ngũ sắc treo đầu giường. Khi bà cụ bước vào, ông quay đầu lại. Theo lời cụ, lúc đó, ông có vẻ như đã bị hành hạ giày vò suốt đêm và không còn một chút sức lực nào để phản ứng. Cụ hỏi ông tình hình sức khỏe ra sao.
Với một giọng mà bà cụ nhận thấy âm sắc dửng dưng đến kỳ lạ, ông đáp ông không được khỏe, nhưng không phải mời thầy thuốc mà chỉ cần đưa ông đến bệnh viện để mọi sự được làm đúng theo quy tắc. Hốt hoảng, bà cụ vội chạy lại máy điện thoại.
Đến trưa thì Rieux tới. Nghe bà cụ chủ nhà kể lại, ông chỉ nói là Paneloux làm đúng và có lẽ đã quá chậm. Paneloux tiếp ông cũng với một thái độ dửng dưng. Rieux khám cho ông và ngạc nhiên không tìm thấy một triệu chứng chủ yếu nào của dịch hạch - hạch xoài hay màng phổi cả ngoài hiện tượng phổi bị ứ căng và ngạt thở. Dẫu sao, mạch cũng rất yếu và tình trạng chung rất đáng báo động, chỉ còn ít hy vọng.
- Cha không có một triệu chứng chủ yếu nào của dịch hạch cả, ông nói với Paneloux. Nhưng thực ra, vẫn đáng nghi ngờ và cha vẫn phải cách ly.
Cha Paneloux mỉm cười một cách kỳ lạ, như thế vì phép lịch sự, nhưng im lặng. Rieux bước ra để gọi điện rồi quay trở lại.
- Tôi ở lại với cha, ông dịu dàng nói.
Paneloux có vẻ tỉnh táo trở lại và quay về phía Rieux cặp mắt trong đó hình như lại sống dậy một thứ nhiệt tình. Rồi ông phát âm một cách khó khăn, nên không thể biết là khi nói, ông có buồn hay không:
- Cảm ơn ông. Nhưng người tu hành không có bạn. Họ đã đặt tất cả ở Thượng đế.
Ông xin cái giá chữ thập treo trên đầu giường và, khi có trong tay, ông quay đi để nhìn.
Ở bệnh viện, Paneloux không hề hé răng. Ông phó mặc cho mọi sự săn sóc, điều trị, tựa một vật vô tri vô giác, nhưng tay vẫn nắm chặt cái giá chữ thập. Tuy thế, ca của ông vẫn nhập nhằng. Trong óc Rieux vẫn bán tín bán nghi. Là dịch hạch nhưng lại không phải là dịch hạch. Vả lại, đã ít lâu nay, hình như nó thích thú đánh lạc hướng những sự chẩn đoán. Nhưng trong trường hợp Paneloux, tình hình về sau chứng minh rằng sự ngờ vực đó là không quan trọng.
Cơn sốt tăng lên. Tiếng ho mỗi lúc một khàn thêm và hành hạ người bệnh suốt cả ngày. Cuối cùng, buổi tối, Paneloux khạc ra cái cục làm ông ngạt thở. Nó đỏ hỏn. Giữa lúc cơn sốt lên cao, Paneloux ánh mắt vẫn lạnh lùng và sáng hôm sau, khi thấy ông đã chết, nửa người thõng ra ngoài giường, ánh mắt không thể hiện gì hết. Trên tấm phiếu bệnh của ông, có ghi: “Ca không rõ ràng”.
Lễ Các Thánh[5] năm ấy không như các năm khác. Dĩ nhiên, thời tiết có thuận. Nó thay đổi đột ngột và bỗng nhiên những ngày nắng muộn mằn nhường chỗ cho những ngày dịu mát. Cũng như những năm khác, giờ đây, gió lạnh thổi liên hồi kỳ trận. Những đám mây lớn ùn từ chân trời này sang chân trời khác, phủ bóng lên những ngôi nhà và sau khi mây bay qua, ánh sáng lạnh lẽo vàng rực của bầu trời tháng mười một lại ập xuống. Những chiếc áo mưa đầu tiên đã xuất hiện. Nhưng người ta nhận thấy nhiều, rất nhiều những tấm vải tráng cao su óng ánh. Quả là báo chí kể lại rằng, hai trăm năm trước đây, trong những vụ dịch hạch lớn ở phía nam, các thầy thuốc mang vải tráng dầu để phòng bệnh. Các cửa hiệu lợi dụng cơ hội để bán ra một lô quần áo không còn hợp thời trang, nhưng nay ai nấy đều hy vọng chúng có khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu thời tiết ấy vẫn không thể làm người ta quên là các nghĩa trang, chẳng có ai thăm viếng. Những năm trước, các toa xe điện đều ngát mùi hoa cúc, và hàng đoàn phụ nữ đến những nơi người thân an nghỉ để dâng hoa lên mộ. Đấy là ngày người ta tìm cách bù đắp lại cho người quá cố nỗi cô đơn và sự quên lãng kéo dài qua bao tháng ngày đằng đẵng. Những năm ấy, không ai buồn nghĩ tới người chết. Đúng ra người ta đã nghĩ tới quá nhiều. Vấn đề không còn là đến lại với họ với một ít luyến tiếc và nhiều sầu não. Họ không còn là những người cô đơn mà mỗi năm một lần, người ta đến để bày tỏ nỗi lòng nữa. Họ là những kẻ xa lạ mà người ta muốn lãng quên, Lễ tưởng niệm Người chết, năm ấy, có thể nói bị “lờ đi” là vì nhưvậy. Theo Cottard, - mà Tarrou cho là lời lẽ ngày càng thêm châm biếm - thì ngày nào cũng là ngày Lễ tưởng niệm Người chết.
Và thực sự, ngọn lửa, dịch hạch rừng rực lên ngày một thêm hào hứng trong lò thiêu xác. Quả là ngày này sang ngày khác, số người chết không tăng thêm. Nhưng hình như dịch hạch đã “an vị” ở cực điểm của nó và, đối với các nạn nhân, nó tỏ rõ cái đều đặn và chính xác của một viên chức mẫn cán. Về nguyên lý, và theo ý kiến của các nhân vật có thẩm quyền, thì đấy là một dấu hiệu tốt lành. Bác sĩ Richard, chẳng hạn, cho đồ thị theo dõi sự tiến triển của dịch hạch, lúc đầu liên tục đi lên, rồi sau giữ nguyên mặt bằng một thời gian dài, là đang làm cho người ta yên tâm. “Một đồ thị tốt, một đồ thị tuyệt vời”, ông ta bảo. Ông cho rằng dịch bệnh đã đạt tới cái mà ông gọi là “mặt bằng” đồ thị.
Từ nay thì bệnh chỉ có thuyên giảm thôi. Theo ông, đây là nhờ loại huyết thanh mới của Castel: quả là nó vừa đem lại vài kết quả bất ngờ. Ông già Castel không phản đối nhưng cho rằng trên thực tế, không thể dự đoán gì được, vì lịch sử các dịch bệnh có những bước nhảy bất ngờ. Đã từ lâu, tỉnh muốn làm yên lòng công chúng nhưng vì dịch bệnh nên chưa làm được, nay muốn họp các thầy thuốc để nghe họ báo cáo. Đúng lúc đó, thì bác sĩ Richard chết vì dịch hạch, ngay trên mặt bằng của dịch bệnh. Sự việc thật bất ngờ nhưng cũng chẳng chứng minh gì hết. Thế là các nhà chức trách trở lại bi quan một cách vô căn cứ cũng như trước đây đã từng lạc quan vô căn cứ. Về phía mình, Castel chỉ lo pha chế huyết thanh hết sức cẩn thận. Dẫu sao, cũng chỉ còn một nơi công cộng chưa bị biến thành bệnh viện hay nhà cách ly là trụ sở tỉnh vì cần giữ lại một nơi để hội họp. Nhưng nói chung, và vì dịch bệnh vào thời kỳ này tương đối ổn định tổ chức do Rieux đề xuất vẫn đứng vững. Đội ngũ thầy thuốc và những người giúp việc đã cố gắng đến kiệt sức và không sao có thể hình dung những nỗ lực lớn hơn. Họ chỉ phải tiếp tục một cách đều đặn cái công việc siêu phàm ấy - nếu có thể nói như vậy - Dạng dịch hạch màng phổi trước đây đã xuất hiện, nay lan tràn trong khắp thành phố, tựa như có ngọn gió thổi bùng lên những đám cháy trong lồng ngực. Bị nôn ra máu, người bệnh chết nhanh hơn nhiều. Với dạng mới này của dịch bệnh, nguy cơ lây lan nhiều hơn. Thực ra, ý kiến các chuyên gia luôn luôn mâu thuẫn nhau. Nhưng để được an toàn hơn nhân viên y tế tiếp tục đeo mặt nạ bằng gạc đã sát trùng. Dẫu sao, thoạt nhìn, người ta cho là dịch bệnh có khả năng lan rộng. Nhưng vì bớt được những ca dạng hạch xoài nên cán cân lại thăng bằng.

--------------------

[2] Nostradamus (thế kỷ 16) là một thầy thuốc và nhà thiên văn học Pháp nổi tiếng, có để lại một tập sấm tiên đoán tương lai, tập Centuries.
[3] Nữ thánh người Pháp, chủ nhân một tổ chức viện nổi tiếng (thế kỷ 7 - 8) trong vùng núi Vosges, miền đông nước Pháp, và được xem là có tài tiên tri.
[4] Một nhân vật truyền thuyết Tây Ban Nha, kiểu Sở Khanh.
[5] Lễ vào ngày 1 tháng 11 hằng năm của Giáo hội.