DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 17

Xa xa, vang lên hai tiếng còi xe cứu thương. Những lời than vãn, lúc nãy mơ hồ, nay tập trung vào cuối thành phố, gần ngọn đồi sỏi đá. Đồng thời, nghe một cái gì giống như một tiếng nổ. Rồi im ắng, Rieux thấy đèn pha biển nhấp nháy hai lần. Làn gió mát thổi mạnh lên, và cùng một lúc, một luồng gió từ ngoài biển mang vào hương vị muối. Bây giờ thì nghe rõ hơi thở trầm đục của những làn sóng xô vào vách đá.
- Tóm lại, Tarrou nói một cách giản dị, điều tôi quan tâm, là xem người ta trở thành một vị thánh như thế nào.
- Nhưng anh không tin vào Thượng đế kia mà.
- Đúng thế. Có thể trở thành thánh mà không cần Thượng đế không, đấy là vấn đề cụ thể duy nhất mà ngày nay tôi muốn biết.
Bỗng nhiên, một luồng ánh sáng dữ dội phát ra từ phía những tiếng kêu lúc nãy, và ngược chiều gió, một tiếng ồn ã âm thầm lan tới tận hai người. Luồng sáng tắt đi ngay và đằng xa, dọc các sân thượng, chỉ còn lại một chút ánh màu đo đỏ. Trong một lúc ngừng gió, nghe rõ rệt tiếng người kêu la, rồi tiếng súng nổ và tiếng ồn ã của đám đông. Tarrou đứng dậy, lắng tai. Không còn nghe thấy gì nữa.
- Lại đánh nhau ngoài cửa ô.
- Bây giờ thì hết rồi, Rieux đáp.
Tarrou thì thầm là không bao giờ hết và vẫn còn những nạn nhân, bởi vì đã an bài như thế.
- Có lẽ, bác sĩ Rieux đáp, nhưng anh biết không, tôi cảm thấy mình gắn bó với những người thất bại hơn là với các vị thánh. Tôi nghĩ mình không có hứng thú đối với chủ nghĩa anh hùng và tính cách thần thánh. Cái tôi quan tâm, là làm con người.
- Đúng, chúng ta cùng đi tìm một đích như nhau, nhưng tôi ít tham vọng hơn.
Rieux nghĩ là Tarrou bông đùa và nhìn anh. Nhưng trong ánh sáng lờ mờ từ bầu trời rọi xuống, ông thấy một khuôn mặt buồn bã và nghiêm trang. Gió lại nổi lên và Rieux cảm thấy làn gió ấm mơn man da thịt mình. Tarrou phấn chấn lên và nói:
- Anh có biết chúng ta phải làm gì cho tình bạn không?
- Tùy ý anh, Rieux đáp.
- Chúng ta cùng nhau tắm biển một cái. Dù đối với một vị thánh tương lai thì đó cũng là một thú vui chính đáng.
Rieux mỉm cười.
- Với giấy thông hành trong người, chúng ta có thể ra tận bờ đập. Xét cho cùng, chỉ sống với dịch hạch, thì thật là quá ngốc. Dĩ nhiên, đã là con người thì phải chiến đấu vì những nạn nhân. Nhưng nếu con người thôi không còn yêu thương gì nữa hết, thì anh ta chiến đấu để làm gì?
- Đúng, Rieux bảo, chúng ta đi tắm nào.
Một lúc sau, ôtô đỗ lại gần hàng rào sắt của cảng. Trăng đã mọc. Một bầu trời đục màu sữa phát ra khắp nơi những cái bóng nhợt nhạt. Sau lưng họ là thành phố, và một làn gió nóng và bệnh hoạn đẩy họ đi về phía bờ biển. Họ đưa giấy tờ cho một người gác và y xem xét một lúc lâu. Họ đi qua cửa sắt và qua những mặt bằng để đầy thùng tôno, trong không khí nực mùi rượu và mùi cá, họ bước về phía đập. Trước khi tới nơi, mùi iôt và mùi tảo báo cho họ sự có mặt của biển cả. Biển cả rì rào. Biển vỗ nhẹ vào dưới những tảng đá lớn của con đập, và khi họ bước chân trên đập, mặt biển hiện ra, dày như nhung, uyển chuyển và mượt mà như một con thú. Họ ngồi trên những tảng đá quay ra khơi. Nước biển từ từ xuống. Hơi thở lặng lẽ của biển làm nảy sinh rồi lại biến đi những gợn sóng óng ánh như dầu trên mặt nước. Trước mặt họ, bóng đêm trải ra vô tận. Ngón tay khẽ sờ vào những tảng đá lỗ chỗ trên mặt, Rieux cảm thấy lòng tràn ngập một niềm hạnh phúc kỳ lạ. Quay về phía Tarrou, ông đoán trên nét mặt điềm tĩnh và trang nghiêm của bạn biểu hiện một niềm hạnh phúc như vậy, niềm hạnh phúc không bỏ quên gì hết, kể cả tội ác giết người.
Hai người cởi bỏ quần áo, Rieux lặn sâu xuống nước. Nước lúc đầu lạnh, về sau ấm dần khi ông ngồi lên mặt. Bơi được mấy sải tay, ông biết biển, tối hôm đó, ấm áp, cái ấm áp của những mặt biển mùa thu không chúng lấy lại của đất liền sức nóng chất chứa trong nhiều tháng liền. Ông bơi một cách điều hòa. Hai chân ông đập nước để lại phía sau một lớp bọt trắng xóa, nước chảy dọc hai cánh tay, áp sát vào cẳng chân. Một tiếng vỗ mạnh trên mặt nước, ông biết Tarrou cũng đã lặn xuống. Rieux nằm ngửa trên mặt nước, không cử động, mặt ngoảnh lên bầu trời đầy trăng sao. Ông thở từng hơi dài. Rồi ông nghe mỗi lúc một thêm rõ, tiếng đập nước, trong trẻo một cách kỳ lạ trong đêm tối tĩnh mịch. Tarrou bơi lại gần và Rieux nghe anh thở. Ông quay lại, vươn lên ngang hàng với bạn và hai người cùng bơi theo một nhịp. Tarrou bơi khỏe hơn và ông phải cố bơi nhanh cho kịp. Trong mấy phút, họ cùng bơi theo một nhịp độ và sức lực như nhau, và chỉ có hai người với nhau, cách biệt mọi người, thoát khỏi thành phố và dịch bệnh. Rieux dừng lại đầu tiên và hai người chậm rãi bơi trở về, trừ một lúc họ gặp một dòng nước lạnh giá. Không nói nửa lời, cả hai vội trườn nhanh, kích thích bởi sự bất thần này của biển cả.
Mặc quần áo vào, họ trở về, không nói không rằng. Nhưng họ cùng một tâm trạng, và kỷ niệm về cái đêm ấy thật êm đềm. Khi từ xa họ nhìn thấy trạm lính gác dịch hạch. Rieux biết rằng cũng như ông, Tarrou chắc hẳn nghĩ bụng là dịch bệnh vừa bỏ quên họ, rằng thế là tốt, và giờ đây lại phải bắt đầu.
Đúng, phải bắt đầu lại, và dịch hạch không quên một ai quá lâu cả. Trong tháng chạp, nó hừng hực trong lồng ngực đồng bào chúng ta, nó đốt sáng rực lò thiêu, nó đưa vào trại những bóng người hai bàn tay không, nó không ngừng tiến bước, dáng dấp kiên nhẫn và giần giật. Nhà chức trách trông cậy vào những ngày giá rét để ngăn chặn sự tiến bước ấy, thế nhưng nó vẫn vượt qua những buổi đầu khắc nghiệt của mùa đông, không một phút ngừng nghỉ, vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Nhưng người ta không còn chờ đợi nữa vì đã chờ đợi mãi rồi, và toàn thành phố sống không tương lai.
Còn đối với bác sĩ Rieux, thì cái thoáng yên bình và bầu bạn ông được hưởng đã chấm dứt. Một bệnh viện được mở thêm và Rieux chỉ còn mặt đối mặt với người bệnh. Tuy nhiên, ông nhận thấy là vào giai đoạn dịch tễ này, trong lúc dịch hạch ngày mỗi chuyển sang dạng màng phổi nhiều hơn, thì có thể nói người bệnh lại có vẻ hỗ trợ thầy thuốc. Không còn phó mặc cho trạng thái kiệt sức hay những cơn điên dại như buổi đầu, giờ đây, họ tỏ ra có một ý niệm đúng đắn hơn về quyền lợi của mình và tự bản thân họ đòi hỏi những gì mà họ cho là thuận lợi nhất. Họ luôn luôn đòi uống và ai nấy đều muốn được sưởi ấm. Tuy vẫn vất vả như trước, bác sĩ Rieux, trong những lúc này, cảm thấy bớt cô đơn.
Cuối tháng chạp, Rieux nhận được của ông dự thẩm Othon - lúc đó còn ở trong trại - một bức thư nói rõ là thời kỳ cách ly kiểm dịch của ông đã hết hạn, là cơ quan hành chính không tìm ra ngày ông vào trại và chắc chắn người ta sẽ còn giữ ông lại ở đây vì nhầm lẫn. Vợ ông, ra trại trước đây ít lâu, đã khiếu nại lên tỉnh nhưng ở đó người ta tiếp bà không ra sao và bảo là họ không bao giờ nhầm lẫn hết. Rieux nhờ Rambert can thiệp và, mấy ngày sau, thấy Othon tới gặp. Quả là có một sự nhầm lẫn, và Rieux có phần phẫn nộ. Nhưng Othon, người có gầy đi, giơ một bàn tay yếu ớt lên và cân nhắc từng từ, nói rằng ai cũng có thể nhầm lẫn. Bác sĩ Rieux thì chỉ nghĩ là có một cái gì đó đã thay đổi.
- Thưa ông dự thẩm, ông sẽ làm gì? Rieux hỏi. Chắc các hồ sơ vụ án đang chờ ông.
- Ồ không, Othon đáp. Tôi muốn đi nghỉ.
- Thật vậy, ông cần nghỉ ngơi.
- Không phải thế, tôi muốn trở lại trại thôi.
Rieux kinh ngạc.
- Nhưng ông ra trại kia mà!
- Tôi làm người ta hiểu sai. Người ta bảo tôi là trong trại có những viên chức tình nguyện.
Ông dự thẩm khẽ đảo cặp mắt tròn xoe và lấy tay miết mái tóc…
- Ông hiểu không, như thế tôi sẽ có việc. Vả lại, - nói thế này thì có phần thế nào ấy - như thế, tôi sẽ cảm thấy bớt xa thằng bé nhà tôi.
Rieux nhìn ông ta. Trong cặp mắt nghiêm khắc và vô tình ấy, sao lại có thể bỗng nhiên xuất hiện một ánh dịu dàng đến thế. Nhưng chúng trở nên mờ đục hơn, không còn trong trẻo nữa.
- Dĩ nhiên, Rieux bảo, tôi sẽ lo việc đó, vì ông đã muốn như vậy.
Quả thật, ông bác sĩ đã thu xếp và cuộc sống của cái thành phố bị dịch hạch này tiếp tục cho tới ngày lễ Noel. Đâu đâu, Tarrou cũng giữ một thái độ bình tĩnh làm người ta yên lòng. Rambert thì nói riêng với Rieux là nhờ hai chàng trai gác cửa ô, anh đã lập được một hệ thống thư từ bí mật với vợ. Thỉnh thoảng, anh nhận được một bức thư. Anh bảo Rieux lợi dụng hệ thống của anh và ông nhận lời. Đã nhiều tháng nay, lần đầu tiên, ông viết, nhưng hết sức khó khăn. Ông đã quên đi cả ngôn ngữ thư tín. Bức thư được gửi đi. Nhưng vẫn chưa có hồi âm. Về phía Cottard thì hắn làm ăn phát đạt và những vụ đầu cơ nhỏ làm hắn giàu lên. Còn đối với Grand, thì thời kỳ những ngày lễ này chẳng có gì thú vị.
Lễ Noel năm ấy, đúng ra là ngày lễ Địa ngục hơn là ngày lễ Phúc âm. Những cửa hiệu trống rỗng và không có ánh sáng, những tấm sôcôla rởm hay những chiếc hộp không trong tủ hàng, những chuyến xe điện chật ních người với những bộ mặt thiểu não, không có gì giống như những ngày lễ Noel trước kia. Trong ngày lễ mà ngày trước mọi người, giàu cũng như nghèo, gặp gỡ nhau, thì nay chỉ còn chỗ cho một vài trò chơi riêng rẽ và nhục nhã của những kẻ được ưu đãi với cái giá đắt như vàng, ở tận cuối buồng sau cáu bẩn của các cửa hiệu. Nhà thờ ầm ĩ tiếng than vãn nhiều hơn lời cầu phúc. Trong cái thành phố buồn bã và giá lạnh, một vài đứa trẻ chạy nhảy, chưa biết cái điều đang uy hiếp chúng. Nhưng không một ai dám nói với chúng về ông già Noel mang đầy quà ngày trước, cũ kỹ như nỗi vất vả của loài người, nhưng mới mẻ như niềm hy vọng non trẻ. Trong trái tim mọi người chỉ còn chỗ cho một chút hy vọng rất cũ kỹ và rất buồn tẻ, đó chính là bản thân chút hy vọng ngăn cản không cho con người phó mặc cho cái chết và thực ra chỉ là cái thái độ khăng khăng muốn sống.
Ngày hôm trước, Grand không đến chỗ hẹn gặp. Lo lắng, sáng tinh mơ hôm sau, Rieux đến nhà anh, nhưng không gặp. Ai nấy lo lắng. Khoảng mười một giờ, Rambert đến bệnh viện báo cho bác sĩ Rieux là trông thấy Grand đằng xa, lang thang trên đường phố, mặt thất sắc. Rồi sau đó mất hút, Rieux và Tarrou đánh ôtô đi tìm.
Vào giữa trưa, trời lạnh buốt, khi bước ra khỏi ôtô, Rieux thấy Grand ở đằng xa, mặt áp sát vào tủ kính nhà hàng, bày đầy những đồ chơi bằng gỗ thô kệch. Nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt ngƣời viên chức lớn tuổi. Những giọt nước mắt làm Rieux xao xuyến vì ông hiểu chúng và ông cũng cảm thấy trong cổ họng mình. Ông cũng nhớ lại buổi kết hôn giữa anh chàng tội nghiệp, trước một cửa hiệu bày hàng Noel, và Jeanne ngã mình về phía anh để thầm thì là cô ưng thuận. Từ chiều sâu thẳm của những năm tháng xa xăm ấy, ở ngay giữa niềm si mê ấy, tiếng nói tươi mát của Jeanne trở lại với Grand, đó là điều chắc chắn. Rieux biết vào giây phút này, con người đã luống tuổi đang khóc lóc ấy nghĩ tới cái gì, và cái đó, chính ông cũng nghĩ tới như anh ta. Ông biết là cái thế giới không có tình yêu này chẳng khác một thế giới chết và bao giờ cũng sẽ đến một lúc người ta chán ngấy nhà tù, lao động và lòng dũng cảm để đòi hỏi khuôn mặt một con người và trái tim ngây ngất yêu thương.
Grand nhìn thấy ông trong gương. Nước mắt vẫn lã chã, anh quay lại và đứng tựa vào tủ kích, nhìn ông bước tới.
- A! bác sĩ, a! bác sĩ, anh thốt lên.
Không nói được thành lời, Rieux gật đầu, tỏ ý đồng tình. Nỗi sầu muộn của Grand cũng là của cả ông nữa và cái làm tim ông nhói lên vào lúc này là cơn giận ghê gớm của con người trước nỗi khổ đau mà mọi con người phải chia sẻ…
- Được, Grand ạ, ông nói.
- Tôi muốn có thì giờ viết cho cô ấy một bức thư. Để cho cô biết, và để cô được hạnh phúc, khỏi phải ân hận…
Với một chút thô bạo, Rieux đẩy Grand bước về phía trước. Hầu như anh cứ để mình được kéo đi, miệng lẩm bẩm:
- Kéo dài như thế đã quá lâu rồi. Tôi muốn cứ phó mặc, bắt buộc phải như thế. A! thưa bác sĩ, tôi có vẻ bình tĩnh như thế này. Nhưng muốn được bình thường không thôi, tôi luôn luôn phải cố gắng hết mình. Và giờ đây, lại càng hơn thế nữa.
Anh ngừng lời, tay chân run lật bật, cặp mắt như điên dại. Rieux cầm tay anh. Tay nóng ran.
- Phải về thôi.
Nhưng Grand rút tay ra và chạy mấy bước, rồi đứng lại, dang rộng hai cánh tay và lắc lư từ trước ra sau. Anh quay tròn và ngã vật xuống trên vỉa hè giá lạnh, trên khuôn mặt nhớp nhúa, nước mắt vẫn đầm đìa. Khách đi đường trông thấy từ xa, đứng sững lại, không dám bước thêm. Rieux phải bế anh lên tay.
Bây giờ, trên giường bệnh, Grand ngạt thở: phổi bị xâm nhiễm. Rieux suy nghĩ. Anh không có gia đình. Cần gì phải chở anh đi? Chỉ riêng ông và Tarrou sẽ săn sóc anh…
Grand vẫn nằm, đầu lún sâu xuống gối, da xanh mướt, mắt lờ đờ. Anh đăm đăm nhìn ngọn lửa leo lét Tarrou đốt lên trong lò sưởi với những mẩu gỗ thùng. “Không ổn”, anh thốt lên. Và từ đáy phổi bốc lửa phát ra một tiếng lép bép kỳ cục theo sau mỗi lời anh nói. Rieux bảo anh nằm im và ông sẽ trở lại. Một nụ cười khác thường nở trên môi người bệnh và cùng với nụ cười, khuôn mặt biểu lộ một tình cảm yêu thương. Anh cố gắng nháy mắt. “Nếu tôi thoát khỏi và người ta “bái phục”, bác sĩ nhỉ!”. Nhưng ngay sau đó, anh rơi vào trạng thái mê man, kiệt sức.
Mấy tiếng sau, Rieux và Tarrou thấy người bệnh, nửa nằm nửa ngồi trên giường, và Rieux hoảng hốt nhìn thấy bệnh tiến triển rõ rệt trên khuôn mặt. Nhưng Grand tỏ vẻ tỉnh táo hơn, và ngay lập tức, với một giọng nói trầm xuống đến kỳ lạ, yêu cầu đưa lại cho anh cuốn sổ chép tay anh để trong ngăn kéo. Tarrou trao cho anh. Áp sát tập giấy vào người, anh không nhìn mà đưa lại cho Rieux và ra hiệu mời ông đọc. Một tập viết tay khoảng năm chục trang. Rieux lật các trang giấy và hiểu rằng tất cả chỉ có mỗi một câu văn chép đi chép lại, sửa chữa, thêm, bớt. Trên suốt các trang giấy, lặp đi lặp lại, đối chiếu với nhau, sắp xếp theo cách này rồi lại cách khác, là những từ ngữ: tháng năm, cô gái cưỡi ngựa, những lối đi trong rừng Boulogne. Cũng cả những lời giải thích, đôi khi dài vô tận, và những khảo dị. Nhưng ở phần dưới trang cuối cùng, một bàn tay chăm chút viết có mấy từ, nét mực còn tươi roi rói: “Jeanne rất mực yêu quý của anh, hôm nay là Noel…”. Phía trên, được viết rất cẩn thận câu văn sau khi được chữa lại lần cuối cùng. “Ông đọc đi”, Grand bảo. Và Rieux đọc:
“Vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, một nàng kỵ sĩ mảnh mai, cưỡi trên một con ngựa rực rỡ màu hồng, đi trên những lối đi trong rừng Boulogne giữa những đoá hoa…”
- Có phải thế không? Grand hỏi với giọng của người đang lên cơn sốt.
Rieux không ngước lên nhìn anh.
- A! Grand lại vừa cựa quậy vừa nói, tôi biết rồi. “Đẹp, đẹp”, cái từ đó không đúng.
Rieux cầm lấy bàn tay anh đặt trên mền.
- Cứ để đấy, bác sĩ, tôi sẽ không có thì giờ…
Ngực anh phập phồng một cách khó nhọc và anh kêu lên đột ngột:
- Đốt đi!
Rieux lưỡng lự, nhưng Grăng nhắc lại mệnh lệnh của mình với một giọng khủng khiếp và một nỗi đau đớn tới mức ông vội vứt những tờ giấy vào ngọn lửa lúc đó đã gần tàn. Căn buồng bỗng sáng bừng lên với một sức ấm ngắn ngủi. Khi bác sĩ trở lại gần người bệnh, thì anh ta quay lưng ra và mặt gần như áp sát vào tường. Tarrou nhìn qua cửa sổ, như thể thờ ơ với quang cảnh này. Sau khi tiêm huyết thanh, Rieux nói với bạn là Grand sẽ không qua khỏi đêm nay, và Tarrou xin ở lại. Bác sĩ chấp thuận.
Suốt đêm, cái ý nghĩ Grand sẽ chết ám ảnh Rieux. Nhưng sáng hôm sau, ông thấy anh ngồi trên giường, chuyện trò với Tarrou. Cơn sốt đã biến mất. Chỉ còn lại những dấu hiệu của tình trạng suy nhược chung.
- A! thưa bác sĩ, Grand lên tiếng, tôi đã sai lầm.
Nhưng tôi sẽ bắt đầu trở lại. Tôi nhớ hết tất thảy, ông sẽ thấy.
- Chúng ta phải chờ xem, Rieux nói riêng với Tarrou.
Nhưng cho tới trưa, vẫn không có gì thay đổi. Buổi tối, có thể xem như Grand đã được cứu thoát. Rieux không sao hiểu nổi sự hồi sinh này.
Nhưng cũng hầu như vào thời kỳ ấy, người ta đưa đến chỗ Rieux một nữ bệnh nhân mà ông cho là ở trong tình trạng tuyệt vọng và được cách ly ngay khi tới bệnh viện. Cô gái hoàn toàn bị mê sảng và có tất cả những triệu chứng của dịch hạch màng phổi. Nhưng sáng hôm sau, cơn sốt hạ xuống. Một lần nữa, cũng như trong trường hợp Grand, ông cho đây là sự thuyên giảm về ban sáng mà kinh nghiệm đã dạy cho ông là một dấu hiệu xấu. Nhưng đến trưa, cơn sốt vẫn không tăng. Buổi tối, chỉ tăng có vài phần mười, và sáng hôm sau, biến hẳn. Cô gái, tuy còn yếu, đã thở được dễ dàng trên giường bệnh. Rieux bảo Tarrou là cô ta thoát khỏi bệnh, trái với mọi quy luật. Nhưng trong tuần bốn trường hợp tương tự diễn ra trong khu vực Rieux phụ trách.
Cuối tuần ấy, ông lão bị hen suyễn tiếp bước Rieux và Tarrou với tất cả dấu hiệu của một tình trạng xao động mạnh:
- Lại thế rồi, ông lão nói, chúng lại ra.
- Ai!
- Ồ! chuột mà!
Từ tháng tư, không tìm thấy một con chuột chết nào hết.
- Có phải dịch bệnh lại bắt đầu trở lại không? Tarrou hỏi Rieux.
Ông lão xoa xoa hai bàn tay vào nhau:
- Phải nhìn thấy chúng chạy! Thật thú vị.
Lão nhìn thấy hai con chuột sống vào nhà, qua cánh cửa mở ra đường. Hàng xóm cũng nói với lão là ở nhà họ, chuột cũng đã xuất hiện trở lại. Trên mấy cái xà nhà, người ta lại nghe tiếng rậm rịch đã bị lãng quên đi mấy tháng nay. Rieux chờ ngày công bố những con số thống kê tổng quát vào đầu mỗi tuần. Chúng cho thấy dịch bệnh đã giảm bớt.