DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 19

Cuối cùng, cửa thành phố được mở, vào một buổi bình minh tháng hai đẹp trời, trong niềm hoan hỉ của dân chúng, báo chí, đài phát thanh và cả trong lời văn bản thông cáo của tỉnh. Vì vậy người kể chuyện chỉ còn công việc đưa tin về những giờ phút hân hoan sau khi cửa mở, tuy bản thân anh ta không thuộc số người tự do tham dự hoàn toàn đầy đủ những giờ phút ấy.
Nhiều cuộc vui chơi lớn được tổ chức cả ngày lẫn đêm. Xe lửa cũng bắt đầu nhả khói ngoài sân ga trong lúc, từ những vùng biển xa xăm tới, tàu bè đã huớng mũi về phía cảng chúng tôi, ghi nhận, theo cách của chúng, rằng ngày hôm nay là ngày hội tụ trọng đại đối với tất cả những ai than vãn vì cảnh chia ly.
Cái ý thức về sự biệt ly đã từng ấp ủ biết bao trong lòng đồng bào chúng tôi, giờ đây, bạn đọc dễ dàng hình dung nó chuyển biến ra sao. Các toa xe lửa, khi vào thành phố ban ngày cũng đông nghịt người, chẳng kém khi đi ra. Ai cũng dành chỗ cho mình ngày hôm đó, trong suốt hai tuần lễ “án treo”, vì phấp phỏng đến phút cuối cùng, quyết định của tỉnh có thể bị hủy bỏ. Và một số hành khách khi đến gần thành phố vẫn không hết lo sợ hoàn toàn, vì nếu nói chung họ biết số phận của người thân thì, trái lại, họ không hay biết gì hết về những người khác và về bản thân thành phố mà họ hình dung một bộ mặt đáng sợ. Nhưng điều này chỉ đúng đối với những ai không nung nấu tình cảm trong suốt khoảng thời gian ấy.
Thật vậy, những người say mê chỉ có khăng khăng một ý nghĩ nhất định. Đối với họ, chỉ có một cái thay đổi: trong những ngày tháng xa cách đằng đẵng, họ mong ngóng thời gian trôi thật nhanh và cho đến khi đã nhìn thấy thành phố, vẫn thiết tha muốn thời gian hối hả; thế nhưng tàu vừa bắt đầu hãm bánh trước khi đỗ, thì họ lại mong thời gian trôi chậm và ngưng đọng lại. Cái cảm giác vừa mơ hồ vừa sắc nhọn trong lòng họ về những tháng ngày mất mát đối với tình yêu, khiến họ mơ màng mong muốn một sự bù đắp sao cho thời khắc vui mừng trôi qua chậm hơn hai lần thời khắc chờ đợi. Và những người chờ đón họ trong một căn phòng hay trên sân ga cũng trong một tâm trạng bàng hoàng và thấp thỏm như vậy. Chẳng hạn như Rambert mà người yêu, được báo trước hai tuần, đã làm mọi việc cần thiết để đến với anh. Anh phấp phỏng chờ mong đem đối chứng tình yêu - đã trở thành một cái gì trừu tượng trong những tháng dịch bệnh - với con người bằng xương bằng thịt, nó là cái giá đỡ của mối tình ấy.
Anh những muốn, như lúc dịch bệnh mới bắt đầu, thoát ngay khỏi thành phố và chạy ào đến gặp người yêu. Nhưng anh biết nay thì không được rồi. Anh đã thay đổi; dịch hạch đã đưa vào trong anh một thứ lơ đãng mà anh ra sức tìm cách phủ nhận nhưng không sao thoát ra khỏi: nó dai dẳng trong lòng anh một cách âm thầm đáng sợ. Ở một mặt nào đó, anh có cảm giác dịch bệnh chấm dứt quá đột ngột khiến anh luống cuống. Hạnh phúc vùn vụt ập tới và tình hình xảy đến nhanh hơn lòng chờ mong. Rambert hiểu rằng tất cả sẽ được trả lại cho mình ngay cùng một lúc và niềm vui đến cháy bỏng thật khó tận hưởng.
Vả lại, ít nhiều tự giác, mọi người cũng đều một tâm trạng như Rambert, và người kể chuyện phải nói về tất cả mọi người. Trên sân ga, nơi họ bắt đầu trở lại cuộc sống riêng, họ vẫn cảm thấy mình ở trong cộng đồng trong khi cùng nhau trao đổi những ánh mắt và những nụ cười. Nhưng vừa nhìn thấy làn khói xe lửa là cái cảm giác lưu đày bỗng nhiên tan biến, và niềm vui trào dâng, hỗn độn, choáng váng. Tàu dừng bánh. Chỉ trong giây phút, trên sân ga, non phần lớn đã diễn ra những cuộc chia tay ngày trước, cảnh ly biệt đột ngột chấm dứt. Người ta ôm choàng lấy những cơ thể mà người ta không còn nhớ rõ nét rõ hình nữa, cử chỉ vừa vồ vập, hối hả nhưng cũng vừa thận trọng, dè xẻn. Rambert chưa kịp nhìn cái bóng người chạy về phía mình thì nàng đã ngã vào lòng anh. Và dang rộng hai tay ôm choàng lấy nàng, siết chặt vào ngực mình cái đầu mà anh chỉ nhìn thấy mái tóc quen thuộc, anh không ngăn nổi những giọt nước mắt mà anh không rõ là vì niềm hạnh phúc hiện tại hay vì một nỗi đau kìm nén quá lâu, nhưng ít ra cũng biết chắc những giọt lệ ấy ngăn không cho anh kiểm tra xem cái khuôn mặt đang ngã trên vai mình có phải là khuôn mặt anh hằng biết bao ao ước, hay trái lại là của một người đàn bà xa lạ. Sau này, anh sẽ biết nỗi lòng ngờ vực của mình có xác thực hay không. Còn lúc này, anh muốn làm như tất cả những người xung quanh: họ có vẻ tin rằng dịch hạch có thể đến và có thể ra đi, nhưng lòng con người thì không vì vậy mà thay đổi.
Sát bên nhau, mọi người trở về nhà, không nhìn thấy gì khác trên đời. Với vẻ mặt chiến thắng dịch bệnh, họ quên hết mọi nỗi đau, quên cả những người đồng hành bất hạnh vì không thấy ai ra đón nên đành trở về, nơm nớp lo sợ mối ngờ vực trong lòng sau bao ngày xa vắng sẽ trở thành sự thật. Đối với những người nỗi đau còn roi rói này cũng như đối với những người đang xót xa nhớ lại hình bóng người thân đã mất thì tình hình khác hẳn và nỗi đau ly biệt lên tới cực điểm. Đối với họ, những người mẹ, những người chồng, người vợ, người yêu, những người không còn bao giờ chia sẻ niềm vui với người thân giờ đây đang lạc loài trong một cái hố vô danh hay tan biến trong một đống tro tàn, thì dịch hạch vẫn tồn tại.
Nhưng ai nghĩ tới những cảnh cô đơn ấy? Trưa đến, mặt trời chiến thắng những luồng gió lạnh thổi ào ạt từ sáng sớm, liên tiếp đổ xuống thành phố những luồng ánh sáng bất động. Thời gian như chững lại. Trên các đỉnh đồi, đại bác các chiến lũy gầm vang không ngớt trong một bầu trời im ắng. Cả thành phố đổ ra đường ăn mừng cái giờ phút bị dồn nén này, khi thời điểm đau thương kết thúc nhưng thời điểm lãng quên chưa bắt đầu.
Khắp nơi, người ta nhảy múa. Ngày một ngày hai, lưu lượng giao thông tăng lên dữ dội và ôtô, ngày một nhiều hơn, đi lại khó khăn trên những đường phố chật ních. Chuông thành phố gióng giả đổ hồi suốt buổi chiều, vang rền cả một bầu trời màu xanh với ánh sáng vàng rực. Trong nhà thờ, người ta cầu kinh tạ ơn Chúa. Nhưng đồng thời, những nơi vui chơi đông nghịt người thì không còn chen chân nổi và các quán cà phê, không nghĩ tới tương lai, đem dốc hết những chai rượu cuối cùng. Trước quầy rượu, chen chúc những người cùng trong một trạng thái kích động như nhau, và những cặp trai gái siết chặt lấy nhau, không e dè những lời dị nghị. Ai nấy đều la hét, cười vang. Nguồn sinh lực dành dụm trong những ngày tháng mà tâm hồn mỗi người chỉ le lói như ngọn đèn đêm, hôm ấy, người ta đem ra xả láng như trong ngày sống sót của họ. Ngày mai, bản thân cuộc sống bắt đầu, với mọi sự cẩn trọng. Còn lúc này, những con người nguồn gốc rất khác nhau cùng nhau chen vai thích cánh, và coi nhau như anh em. Cái bình đẳng mà sự hiện diện của tử thần, thực tế, không thực hiện được, thì nay được thiết lập bởi niềm vui giải thoát, chí ít cũng trong mấy tiếng đồng hồ.
Những niềm vui ào ạt dung tục ấy không nói được hết tất cả và, vào cuối buổi chiều hôm đó, bên cạnh Rambert, những người đổ ra đường thường che giấu, dưới vẻ điềm tĩnh bề ngoài, những niềm hạnh phúc cao nhã hơn. Nhiều cặp trai gái và nhiều gia đình, nhìn bề ngoài thì chỉ là những người dạo chơi thanh bình. Thực ra, số đông làm những cuộc hành hương thành kính ở những nơi họ đã từng chịu đau thương. Họ muốn chỉ cho người mới về những dấu hiệu lộ liễu hay âm thầm của dịch hạch, những di tích lịch sử của nó. Có trường hợp người ta chỉ đóng vai trò người đưa đường, người đã từng thấy nhiều điều, đã từng sống những ngày dịch bệnh; người ta nói tới hiểm họa chứ không nhắc đến khiếp hãi. Đó là những thú vui vô hại. Nhưng cũng có trường hợp những cuộc hành trình sôi động hơn: thả mình trong nỗi kinh hoàng êm đềm của quá khứ, một người yêu có khi nói với người yêu: “ở chốn này, vào những ngày ấy, anh thèm khát em, nhưng em không có mặt”. Những người say mê dục vọng này, lúc đó, có thể bình tâm lại; với những tiếng thầm thì, những lời tán tỉnh, họ tách mình ra khỏi cảnh náo động xung quanh. Còn hơn cả những dàn nhạc ở ngã tư đường phố, chính họ là người báo hiệu sự giải thoát thực sự. Giữa cảnh ồn ã, những cặp trai gái, sát cánh bên nhau và hà tiện lời nói, khẳng định dịch hạch và kinh hoàng đã chấm dứt, với tất cả chiến thắng và nỗi bất công của hạnh phúc. Điềm tĩnh, họ phủ nhận một sự thật hiển nhiên: họ cho rằng chúng tôi chưa bao giờ biết tới cái thế giới điên loạn trong đó giết chết một con người cũng là chuyện thường tình như giết chết những con ruồi; cũng chưa bao giờ biết tới cảnh man rợ hiển nhiên ấy, cơn mê sảng được tính toán ấy, cảnh giam hãm vốn mang theo nó một thứ tự do kinh khủng đối với tất cả những gì không phải là hiện tại. Theo họ thì chúng tôi chưa hề biết tới cái mùi xác chết vốn làm sững sờ tất cả những ai nó không giết hại. Cuối cùng họ cho rằng chúng tôi không phải là những con người bàng hoàng mà hàng ngày một bộ phận bị chất đống trong miệng lò thiêu, tan ra thành những luồng khói béo nhẫy, còn một bộ phận thì xủng xoảng những sợi dây xích bất lực và khiếp hãi chờ đến lượt mình.
Dẫu sao, đó cũng là tình hình đập vào mắt bác sĩ Rieux khi lững thững một mình, ông đi ra ngoại ô, vào cuối một buổi chiều, giữa tiếng chuông, tiếng đại bác, tiếng nhạc và những tiếng kêu inh tai. Ông vẫn tiếp tục hành nghề vì người bệnh thì không có ngày nghỉ. Trong luồng ánh sáng đẹp đẽ, mịn như tơ, bốc lên mùi vị thịt nướng và rượu hồi quen thuộc. Xung quanh ông, những khuôn mặt hớn hở ngẩng lên nhìn bầu trời. Đàn ông và đàn bà níu lấy nhau, mặt bừng bừng, với tất cả sự kích động và tiếng gào thét của dục vọng. Đúng, dịch hạch và kinh hoàng đã chấm dứt, và quả những cánh tay quấn quýt lấy nhau nói rằng dịch bệnh đã gây nên cảnh lưu đày và ly biệt, theo nghĩa sâu xa của những từ này.
Lần đầu tiên, Rieux có thể đặt một cái tên cho cái vẻ giống nhau mà ông nhìn thấy, trong nhiều tháng liền, trên tất cả các khuôn mặt của những người đi đường. Giờ đây, ông chỉ cần nhìn ra xung quanh. Đến cuối thời kỳ dịch hạch, cùng với đau khổ và thiếu thốn, cuối cùng, mọi người đã mặc lại y phục của vai trò mà họ từng đóng từ lâu, vai trò của những kẻ di cư mà trước kia qua bộ mặt và giờ đây qua áo quần, ai cũng hiểu họ sống xa người thân và tổ quốc. Từ khi vì dịch hạch phải đóng cửa thành phố, họ chỉ còn sống trong cách biệt, tách ra khỏi cái hơi ấm con người vốn làm người ta quên hết thảy. Trong mọi ngóc ngách của thành phố, ở những mức độ khác nhau, đàn ông và đàn bà đều khao khát một cuộc đoàn tụ khác nhau về tính chất đối với mỗi người nhưng giống nhau đối với mọi người ở chỗ nó không sao thực hiện được. Số đông thiết tha hướng về người vắng mặt, về sức ấm một cơ thể, về sự vỗ về hay về thói quen. Một số ít thì đau khổ - tuy nhiều khi không biết mình đau khổ - vì không còn tình thân của những người khác, thậm chí không còn có thể thư từ hoặc đi lại thăm viếng họ. Những người khác nữa - số này ít hơn cả - có lẽ như Tarrou, thì muốn gặp gỡ một cái gì đó không sao xác định được, nhưng đối với họ, cái đó là niềm hạnh phúc duy nhất có thể cầu mong. Và vì không có một tên gọi khác, đôi khi, họ gọi nó là sự thư thái.
Rieux vẫn cất bước. Ông càng đi thì phố xá càng tấp nập, tiếng ồn ã càng dữ dội và ông có cảm giác vùng ngoại ô ông muốn đi tới cũng càng lùi xa hơn. Dần dà, ông hòa vào cái dòng người náo động ấy và mỗi lúc một thêm hiểu rõ tiếng kêu của họ, tiếng kêu không nhiều thì ít cũng là tiếng kêu của riêng ông. Đúng, mọi người đều đã cùng nhau đau khổ, trong thịt da cũng như trong tâm hồn, một nỗi đau của một sự trống khuyết gian khổ, một nỗi lưu đày không phương cứu chữa, một niềm khao khát không bao giờ được thỏa mãn. Giữa đám xác chết chồng chất, giữa tiếng còi xe cứu thương, giữa những lời cảnh cáo của cái mà chúng ta phải gọi đích danh là số phận, giữa sự giày xéo dai dẳng của nỗi kinh hãi và sự vùng dậy khủng khiếp của con tim họ, giữa tất cả cái đó, một tiếng rì rầm mênh mông không ngớt lan rộng và báo động cho những con người kinh hoàng kia, bảo họ phải tìm cho thấy tổ quốc thực sự của mình. Đối với tất thảy những người ấy, tổ quốc thực sự nằm ở bên kia những bức tường của cái thành phố bị bóp nghẹt này. Nó nằm trong những lùm cây hương ngát trên đồi núi, nó nằm ngoài biển cả, ở những đất nước tự do và trong sức nặng của tình yêu. Và họ muốn trở về với tổ quốc, với hạnh phúc, chán ngấy mọi cái khác.
Còn cảnh lưu đày và khát vọng đoàn tụ có ý nghĩa gì, Rieux không hề hay biết, vẫn cất bước trong cảnh chen vai thích cánh và nghe gọi đến tên mình, dần dà, ông đi tới những con đường thưa thớt hơn và nghĩ bụng những cái đó có ý nghĩa hay không là không quan trọng, mà quan trọng là ước vọng của con người được đáp ứng ra sao.
Từ nay, ông biết nó được đáp ứng như thế nào và ông càng biết rõ hơn khi đặt chân lên những con đường hoang vắng ở ngoại thành. Những người bằng lòng với số phận nhỏ nhoi của mình chỉ muốn trở về ngôi nhà đã từng ấp ủ tình yêu của họ và có khi họ được đền đáp. Dĩ nhiên, một vài người trong số đó vẫn tiếp tục lang thang, cô đơn ngoài phố vì người thân mà họ chờ mong không còn nữa. Vẫn còn may mắn là những ai không phải nếm cảnh hai lần ly biệt như một số ít người trước kia thất vọng trong tình trường và sau đó, suốt bao năm tháng, mù quáng theo đuổi một mối tình gian truân để cuối cùng chỉ đi tới một sự gắn bó giữa những cặp trai gái yêu nhau nhưng lại thù ghét nhau. Cũng như bản thân Rieux, những người nói trên nhẹ dạ trông chờ vào thời gian: họ đã bị chia ly vĩnh viễn. Nhưng những người khác, như Rambert mà Rieux vừa mới chia tay sáng nay trong lúc nói với anh: “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”, thì đã gặp lại không một chút ngập ngừng người xa vắng mà họ những tưởng không còn nữa. Họ sẽ hưởng hạnh phúc, ít ra cũng trong một thời gian. Giờ đây, họ hiểu ra rằng nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì điều đó chính là tình thương của con người. Trái lại, đối với tất cả những ai muốn vượt lên trên con người để thổ lộ với một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, thì không hề có câu giải đáp. Tarrou hình như đã tìm thấy sự thư thái gian khổ mà anh đã nói tới, nhưng anh chỉ tìm thấy trong cái chết, vào lúc nó chẳng giúp ích được gì cho anh nữa. Trái lại, nếu những người khác - mà Rieux nhìn thấy ngồi trước cửa nhà họ, trong ánh chiều tà, ra sức ghì chặt lấy nhau và nhìn nhau mê mẩn đã đạt được điều họ mong ước, là vì họ chỉ yêu cầu điều duy nhất phụ thuộc vào chính họ. Và khi quay về đường phố Grand và Rambert ở, Rieux nghĩ bụng nếu ít ra cũng thỉnh thoảng, niềm vui đến bù đắp cho những ai mãn nguyện với con người và với tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người, thì đó là điều công bằng.
Tập ký này sắp kết thúc. Đã đến lúc Bác sĩ Rieux thú nhận ông là tác giả. Nhưng trước khi thuật lại những sự kiện cuối cùng, tác giả muốn ít nhất cũng biện minh cho sự can thiệp của mình và lý giải việc mình thiết tha giữ thái độ của một nhân chứng khách quan. Trong suốt thời kỳ dịch hạch, nghề nghiệp cho phép ông gặp phần lớn đồng bào chúng tôi và thu nhập ý nghĩ, tình cảm của họ. Vì vậy, ông có đủ tư cách để thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe. Nhưng ông muốn làm điều đó với tất cả sự dè dặt cần thiết. Nói chung, với thái độ thận trọng, ông chỉ tường thuật những điều mắt thấy tai nghe, không gán cho bạn bè trong thời dịch bệnh những ý nghĩa mà thực ra họ không nhất thiết phải có; ông chỉ sử dụng những văn bản tình cờ hay chẳng may rơi vào tay mình.
Phải ra làm chứng trong một vụ tội phạm, ông có thái độ ít nhiều dè dặt, xứng đáng với một nhân chứng có thiện chí. Nhưng đồng thời theo quy luật của một con tim nhân hậu, ông dứt khoát đứng về phía nạn nhân và muốn đến với con người, với đồng bào mình, nhưng chỉ trong những nỗi niềm chung là tình yêu, khổ đau và ly biệt. Chính vì vậy không có một nỗi đau nào của đồng bào mà ông không chia sẻ, không có một cảnh huống nào mà ông không xem như là cảnh huống của chính bản thân mình.
Để làm một nhân chứng trung thực, ông phải thuật lại chủ yếu những hành vi, tư liệu và dư luận. Còn những gì mà cá nhân ông phải nói, nỗi chờ mong và những cơn thử thách của mình thì ông lại không nói. Thảng hoặc ông có nói đến, là cũng chỉ để hiểu đồng bào ông hoặc làm cho họ hiểu và để mang lại một hình dạng càng cụ thể càng tốt cho cái mà thông thường họ chỉ cảm thấy một cách mơ hồ. Thực ra, sự cố gắng đó về lý trí, ông chẳng phải trả giá gì hết. Khi muốn đưa thẳng nỗi niềm tâm tư của mình vào trong hàng nghìn tiếng nói của những người bị dịch hạch, thì một ý nghĩ ngăn ông lại, ý nghĩ đó không có một nỗi đau của ông mà lại đồng thời không phải là nỗi đau nào của những người khác, và trong một thế giới mà nỗi đau thường hết sức cô đơn, thì như thế là một cái lợi. Dứt khoát, ông phải nói vì tất cả mọi người.
Nhưng ít ra cũng có một đồng bào chúng tôi mà bác sĩ Rieux không thể nói thay cho ngƣời đó. Đó là kẻ mà một hôm Tarrou đã nói về hắn với Rieux như sau: “Tội ác thực sự duy nhất của hắn, là hắn tán thành trong thâm tâm những gì làm chết trẻ em và người lớn. Còn nữa, tôi biết cả, những cái đó tôi buộc phải tha thứ cho hắn”. Tập ký này kết thúc để nói về hắn là đúng, hắn, một kẻ có một trái tim ngu ngốc, nghĩa là cô độc.
Ra khỏi những con đường lớn ồn ã trong ngày hội, đúng vào lúc quành vào đường phố Grand và Cottard ở, bác sĩ Rieux bị cả một hàng rào cảnh sát ngăn lại. Ông không ngờ tới. Những tiếng rì rầm xa xăm của ngày hội càng làm cho khu phố này vắng lặng; ông thấy nó vắng người cũng như vắng tiếng. Ông xuất trình giấy tờ.
- Không được, thưa Rieux , một cảnh binh lên tiếng. Một thằng điên bắn súng vào đám đông. Nhưng mời ông dừng chân, ông có thể có ích đây.
Vào lúc đó, ông thấy Grand đi tới. Grand cũng không hay biết gì hết. Người ta không cho anh đi qua và bảo anh là có phát súng bắn ra từ ngôi nhà anh. Thật vậy, từ xa, người ta nhìn thấy trước mặt ngôi nhà, một màu vàng hoe dưới những tia nắng cuối cùng của mặt trời chiều tà không còn sức nóng. Trước mặt nhà là một khoảng trống lớn chạy dài tới vỉa hè đối diện. Chính giữa lòng đường, người ta nhìn thấy rõ một cái mũ và một mảnh vải bẩn. Rieux và Grand nhìn thấy tận đàng xa, phía bên kia đường, một hàng rào cảnh binh khác song song với hàng rào cảnh binh đã ngăn giữ họ lại, và ở phía sau, mấy người dân trong khu phố đi qua đi lại một cách vội vã. Nhìn kỹ, họ lại thấy cảnh sát tay lăm lăm súng sáu, nấp sau cửa những ngôi nhà đối diện với nhà Grand và Cottard ở. Tất cả cửa sổ ngôi nhà đều đóng kín. Nhưng ở tầng ba, một cánh cửa sổ hé mở. Đường phố im lìm. Chỉ nghe một vài tiếng nhạc vọng lại từ trung tâm thành phố.
Bỗng, từ một ngôi nhà đối diện, hai phát súng sáu nổ vang và những mảnh gỗ tung lên từ cánh cửa sổ hé mở bị bắn trúng. Rồi lại im lặng. Từ xa, và sau không khí náo nhiệt trong ngày, Rieux cảm thấy như có một cái gì huyền ảo.
Cánh cửa sổ nhà Cottard đây, bỗng Grand cất tiếng, vẻ rất bồn chồn. Nhưng Cottard đã biến mất rồi kia mà.
- Sao lại bắn thế? Rieux hỏi một cảnh binh.
- Chúng tôi đang đánh lừa hắn. Chúng tôi chờ xe ca với dụng cụ cần thiết, vì hắn bắn vào những người tìm cách vào bằng cửa lớn. Có một nhân viên chúng tôi trúng đạn.
- Vì sao hắn bắn?
- Chúng tôi không rõ. Bà con đang vui chơi ngoài đường phố. Nghe tiếng súng sáu đầu tiên, họ không hiểu. Đến tiếng thứ hai, thì có người kêu la, một người bị thương và mọi người bỏ trốn. Một thằng điên, chứ sao?
Trong cảnh im ắng trở lại, thời giờ như kéo dài lê thê. Bỗng từ bên kia đường, họ thấy xổ ra một con chó, con chó đầu tiên Rieux trông thấy từ bao lâu nay, một giống chó Tây Ban Nha mà chắc hẳn chủ nhà phải giấu đi cho tới nay. Con chó chạy dọc tường. Đến gần cửa, nó ngập ngừng, ngồi bệt xuống và nằm ngửa ra để bắt bọ chét. Cảnh sát huýt mấy tiếng còi liền, gọi nó. Nó ngửng đầu, rồi quyết định chậm rãi đi qua lòng đường đến hít hít chiếc mũ. Cùng lúc đó, một phát súng sáu nổ từ gác hai và con chó lật ngửa lên như một chiếc bánh kẹo, giãy giụa bốn chân dữ dội và cuối cùng ngã nghiêng ra co giật từng cơn dài. Đáp lại, năm sáu phát súng từ những cánh cửa đối diện bắn nát ô cửa sổ. Lại im lặng. Mặt trời ngã dần và bóng bắt đầu dịch tới cửa sổ Cottard. Tiếng phanh khẽ rít trên đường phố, phía sau Rieux .
- Họ đã đến đây, một cảnh binh lên tiếng.
Cảnh sát đến sau lưng hai người, mang theo dây thừng, thang và hai cái gói hình thon bọc vải quét sơn. Họ đi vào con đường quành qua khóm nhà đối diện với nhà Grand. Một lát sau, người ta đoán, đúng hơn là nhìn thấy một sự náo động ở những cánh cửa các ngôi nhà này. Mọi người chờ đợi. Con chó không giãy giụa nữa, đầm mình trong một cái vũng thâm xì.
Đột nhiên, từ cửa sổ những ngôi nhà cảnh sát chiếm giữ, vang lên một tràng tiểu liên. Dọc theo đường đạn, cánh cửa sổ mà họ vẫn nhằm bắn, lần này tan tành hoàn toàn và để lộ ra một khoảng đen từ chỗ đứng của mình. Rieux và Grand không phân biệt được gì hết. Hết băng đạn thứ nhất, một khẩu tiểu liên thứ hai nổ vang từ một góc khác, ở một ngôi nhà xa hơn. Đạn chắc hẳn chui vào trong ô cửa sổ vì một viên làm tung lên một mảnh gạch. Đúng giữa lúc ấy, ba nhân viên cảnh sát chạy qua lòng đường và mất hút vào cửa ra vào. Hầu như ngay lập tức, ba nhân viên khác cũng xông vào và thôi không còn tiếng súng tiểu liên. Người ta vẫn chờ đợi. Hai tiếng nổ xa xa vang lên trong ngôi nhà. Tiếng ồn ã mỗi lúc một thêm rõ và người ta thấy từ trong nhà được bê ra, đúng hơn là lôi ra, một người đàn ông bé nhỏ, tay áo sơmi xắn lên: hắn không ngớt kêu la. Như có phép lạ, mọi cánh cửa sổ dọc hai bên đường đang đóng kín mít bỗng mở toang, và bao nhiêu người bước ra khỏi nhà, chen chúc phía sau hai hàng rào cảnh binh. Cuối cùng, người ta thấy gã đàn ông bé nhỏ đứng giữa lòng đường, hai cánh tay bị bẻ quặt ra sau. Hắn kêu lên. Một cảnh binh bước lại gần, nắm tay dùng hết sức bình sinh nện cho hắn hai quả, một cách chắc nịch, như để hết tâm lực vào cú đấm của mình.
- A! Cottard. Grand nói nhỏ. Hắn phát điên.
Cottard ngã quỵ. Người cảnh binh lại dùng chân đá mạnh vào cái đống sóng soài trên mặt đất. Rồi một đám đông lộn xộn chuyển động và đi về phía Rieux và Grand.
- Mời bà con đi đi! Người lính cảnh sát ra lệnh.
Rieux quay mặt đi khi đám người đi qua trước ông.
Ông cùng với Grand bước đi trong ánh hoàng hôn dần tắt. Những con đường xa vắng lại ồn ã tiếng đám đông trong cơn hoan hỉ như thể sự kiện trên đây đánh thức cái khu phố im lìm này tỉnh dậy. Đến dưới tường nhà, Grand chia tay bác sĩ Rieux . Anh sắp đi làm việc. Nhưng lúc bước lên thang gác, anh nói với ông ta là anh đã viết cho Jeanne và bây giờ anh hài lòng. Rồi anh bảo là anh đã viết lại câu văn dạo trước: “Tôi đã bỏ, anh nói, tất cả các tính từ”.
Và với một nụ cười tinh nghịch, anh cất mũ với một kiểu chào trịnh trọng. Nhưng Rieux nghĩ tới Cottard, và cái tiếng inh ích của những nắm tay nện vào mặt hắn theo đuổi ông trên đường đi tới nhà ông lão bị hen suyễn. Phải chăng nghĩ tới một kẻ phạm tội, thì trong lòng còn nặng nề hơn là nghĩ tới một người chết?
Khi Rieux tới nhà người bệnh thì bóng đêm đã bao phủ bầu trời. Từ buồng ông lão, có thể nghe tiếng rì rầm xa xa của cuộc sống tự do, và lão vẫn tiếp tục chuyển đậu từ nơi này qua nơi khác, nét mặt không hề thay đổi.
- Họ vui chơi là có lý, lão nói, phải cần đến tất cả để tạo nên một thế giới. Thưa bác sĩ, ông bạn đồng nghiệp của ông thế nào rồi?
Những tiếng nổ vang đến tận tai họ, nhưng là những tiếng nổ hòa bình: tiếng trẻ em đốt pháo.
Ông ta mất rồi, bác sĩ vừa đáp vừa áp tai nghe lồng ngực phì phò của người bệnh.
- A! ông lão thốt lên có phần sững sờ.
- Mất vì dịch hạch, Rieux nói thêm.
- Vâng, lão đáp sau một lát im lặng, những người tốt nhất đều bỏ đi. Cuộc sống là thế. Nhưng đó là một người biết những điều mình muốn.
- Sao ông lại nói vậy? bác sĩ hỏi trong khi cất ống nghe.
- Không vì sao cả. Ông ấy không bao giờ nói để không nói gì cả. Cuối cùng, tôi thích ông ấy. Nhưng như thế đấy. Những người khác thì nói: “Dịch hạch đấy, người ta bị dịch hạch”. Chỉ một chút là họ đã xin được thưởng bội tinh: Nhưng dịch hạch, cái đó có nghĩa là thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi.
- Ông nhớ xông hơi một cách đều đặn đấy.
- Ô! xin bác sĩ đừng lo. Tôi còn sống lâu và tôi sẽ xem họ chết hết. Tôi, tôi biết sống.
Đằng xa, những tiếng reo hò vui mừng đáp lại lời ông lão. Rieux đứng lại giữa phòng.
- Tôi muốn lên sân thượng có phiền ông không?
- Ồ không! Ông muốn nhìn thấy họ từ trên cao ấy phải không? Xin mời ông tự nhiên. Nhưng bao giờ họ cũng vẫn là họ thôi.
Rieux đi về phía cầu thang.
- Bác sĩ này, có phải họ sắp dựng đài kỷ niệm những người bị chết vì dịch hạch phải không?
- Báo chí có nói. Một tấm bia hay một tấm biển.
- Tôi chắc như vậy. Và sẽ có diễn từ.
Ông lão cười, tiếng cười sằng sặc.
- Từ đây tôi sẽ nghe họ nói: “Những người chết của chúng ta…”, và họ sẽ đi đánh chén.
Rieux bước lên cầu thang. Bầu trời mênh mông, lạnh giá lấp lánh trên các ngôi nhà, và gần mấy ngọn đồi, các vì sao rắn lại như đá cuội. Đêm nay không khác mấy cái đêm trước đây Tarrou và ông đến ngồi chỗ sân thượng này để quên đi bệnh dịch hạch. Đêm nay, dưới chân các vách đá, biển ồn ã hơn. Không khí im lìm và nhẹ tênh tách ra khỏi những luồng hơi mặn mà gió thu ấm áp thổi tới. Tiếng rì rầm của thành phố vẫn vang đến tận chân sân thượng, như tiếng sóng vỗ. Nhưng đêm nay là một đêm giải thoát, chứ không phải một đêm nổi dậy. Xa xa, một vùng ửng đỏ cho biết vị trí các đại lộ và các quảng trường thắp sáng. Trong đêm tối giờ đây được giải phóng, dục vọng không còn bị ngăn trở và chính tiếng gầm vang của nó vọng tới tận Rieux .
Từ bến cảng tối om, bắn lên những tràng pháo hoa đầu liên hoan công cộng. Thành phố đón chào chúng bằng những tiếng reo hò âm vang kéo dài. Cottard, Tarrou, những người - đàn ông và đàn bà - mà Rieux đã từng yêu thương, nay không còn nữa. Tất cả, người chết cũng như người phạm tội, đều bị lãng quên. Ông lão bị hen suyễn nói có lý, con người bao giờ cũng vẫn thế. Nhưng đây là sức mạnh về cái vô tội của họ, và chính ở điểm này, vượt lên mọi đau thương, Rieux cảm thấy mình giống họ. Giữa những tiếng reo hò ngày càng thêm mạnh và kéo dài, vang vọng đến tận dưới chân sân thượng, cùng với những chùm pháo hoa sặc sỡ mỗi lúc một tung thêm nhiều lên bầu trời, bác sĩ Rieux quyết định viết câu chuyện này. Ông không muốn là kẻ thờ ơ, im lặng. Ông muốn tỏ rõ thiện cảm của mình đối với những người bị dịch hạch, muốn ít nhất cũng ghi lại dấu vết của bất công và bạo lực họ đã phải chịu đựng; và nói lên cái bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là đáng khinh ghét.
Nhưng ông cũng biết tập ký này không thể là tiếng nói của chiến thắng cuối cùng. Nó chỉ có thể xác nhận những việc đã phải làm và dĩ nhiên mọi ngƣời vẫn phải tiếp tục làm - mặc dù những nỗi đau riêng tư - để chống lại khủng bố và vũ khí không biết mệt mỏi của nó: không thể làm những bậc thánh và không cam chịu tai ương, người ta gắng sức làm thầy thuốc.
Thật vậy, nghe những tiếng reo mừng vang lên từ thành phố, Rieux sực nhớ là niềm hoan hỉ ấy luôn luôn bị uy hiếp. Vì điều mà đám người đang hò reo trên đường phố không biết, thì ông biết và người ta có thể đọc trong sách báo: vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mù xoa và các đống giấy má…, và một ngày nào đó, để gây tai họa cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh.


HẾT