DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 2

Miêu tả một thứ giam cầm này bằng một thứ giam cầm khác cũng hợp lý như miêu tả một cái gì tồn tại thực sự bằng một cái gì không thể tồn tại.
Danile de Foe


I


Những sự kiện kỳ lạ, đề tài của tập ký này, xảy ra năm 194., ở Oran dư luận chung cho rằng đây là những sự kiện xẩy ra không đúng chỗ, có phần bình thường. Thật vậy, thoạt nhìn thì Oran là một thành phố bình thường và cũng chỉ là một tỉnh của Pháp trên bờ biển Algérie.
Phải thừa nhận Oran là một thành phố xấu xí. Nó có vẻ yên tĩnh và phải có thời gian mới thấy được cái gì phân biệt nó với biết bao thành phố buôn bán khác ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn làm sao khiến người ta hình dung được một thành phố vắng bóng bồ câu, cây cối, vườn tược, một thành phố không nghe thấy tiếng chim vỗ cánh hay tiếng lá cây xào xạc, tóm lại, một nơi hoàn toàn vô thưởng vô phạt? Người ta chỉ nhận thấy bốn mùa thay đổi khi nhìn lên bầu trời. Báo hiệu mùa xuân, chỉ có hương vị của không khí hay những lẵng hoa do những chú bé bán hàng mang từ ngoại ô vào; đấy là một “mùa xuân” người ta đem bán ở chợ. Mùa hè, mặt trời thiêu đốt những ngôi nhà khô khốc và phủ lên các bức tường một lớp tro xám xịt; lúc đó, ngƣời ta chỉ còn có thể sống được trong bóng râm của những cánh cửa đóng kín mít. Mùa thu, trái lại, thì ngập ngụa bùn lầy. Thời tiết chỉ dễ chịu vào mùa đông.
Có một cách tiện lợi để tìm hiểu một thành phố, là xem người ta làm ăn thế nào, yêu như thế nào và chết ra sao. Trong cái thành phố nhỏ bé của chúng tôi - phải chăng do ảnh hưởng của khí hậu? - tất cả những cái đó diễn ra đồng thời, vừa cuồng nhiệt vừa âm thầm. Nghĩa là ở đấy, người ta sầu muộn và chăm chút cho mình những thói quen. Đồng bào chúng tôi làm việc nhiều, nhưng bao giờ cũng cốt để làm giàu. Chủ yếu họ quan tâm đến buôn bán và trước hết - theo cách nói của họ - lo làm ápphe. Dĩ nhiên, họ cũng ưa thích những thú vui bình thường, họ yêu phụ nữ, thích xem phim và tắm biển. Nhưng một cách rất hợp lý, họ dành những thú vui đó cho tối thứ bảy và ngày chủ nhật, còn những ngày khác trong tuần, thì ra sức kiếm cho thật nhiều tiền. Chiều đến, từ công sở ra về, họ tụ tập ở quán cà phê vào những giờ nhất định, đi dạo chơi bao giờ cũng vẫn ở trên một đại lộ ấy - hoặc nữa ra ngồi ở ban công. Ham thích của lớp trẻ thì dữ dội và ngắn ngủi, còn thói tật của lớp người có tuổi thì không vượt qua mấy hội chơi cầu, mấy bữa tiệc của các hội ái hữu và mấy câu lạc bộ đánh bài ăn tiền ra trò.
Chắc hẳn người ta sẽ cho rằng tình hình đó không riêng gì là của thành phố chúng tôi và xét cho cùng, người đương thời đều như vậy cả. Chắc hẳn ngày nay, không có gì tự nhiên hơn là thấy người ta lao động từ sáng đến tối, và sau đó dành hết thì giờ còn lại để chơi bài, đến quán cà phê và nói chuyện phiếm. Nhưng có những thành phố và đất nước mà ở đấy, thỉnh thoảng ngƣời ta có nghi vấn chuyện này chuyện nọ. Nói chung, cái đó không làm thay đổi cuộc sống. Nhưng dầu sao vẫn có chuyện nghi hoặc và bao giờ đó cũng là một cái lợi. Trái lại, Oran rõ ràng là một thành phố không có nghi hoặc, nghĩa là một thành phố hoàn toàn hiện đại. Vì vậy không cần thiết phải xác định ở đây người ta yêu đương như thế nào. Đàn ông và đàn bà hoặc nhanh chóng ngốn ngấu nhau trong cái gọi là hành động ái ân hoặc cùng nhau chung sống lâu dài. Giữa hai thái cực ấy, thường không có cái trung dung. Như thế cũng chẳng có gì độc đáo. Ở Oran cũng như ở nơi khác, vì thiếu thì giờ và suy nghĩ, người ta bắt buộc phải yêu đương mà không biết là mình yêu đương.
Cái độc đáo trong thành phố chúng tôi là nỗi khó nhọc của người ta khi phải chết. Vả lại, nói “khó nhọc” thì không thỏa đáng lắm, mà đúng hơn thì phải nói “khó chịu”. Đau ốm thì có bao giờ thú vị, nhưng có những thành phố và đất nước ở đó người ta nâng đỡ anh trong khi bệnh tật, ở đó có thể nói anh phó thác cho người khác. Một người bệnh bao giờ cũng cần sự dịu dàng, cũng muốn có một nơi nương tựa, ấy là điều rất tự nhiên. Nhưng ở Oran, cái khắc nghiệt của khí hậu, tầm quan trọng của những ápphe phải giải quyết, cái tẻ nhạt của cảnh vật, cái thoáng qua của buổi hoàng hôn và tính chất các thú vui, tất thảy đều đòi hỏi người ta phải khỏe mạnh, ở đây, người ốm đau cảm thấy thật cô đơn. Huống hồ một người hấp hối, mắc kẹt sau hàng trăm bức tường bị đốt nóng như rang, trong lúc cũng vào giờ phút ấy, cả một dân cư, trước máy điện thoại hay trong tiệm cà phê, bàn tán về hối phiếu, về vận đơn, về chiết khấu. Chắc hẳn bạn đọc hiểu được cái khó chịu người ta cảm thấy trong khi chết, dù là cái chết hiện đại, khi nó đến như vậy ở một xứ khô cằn.
Có lẽ mấy lời giới thiệu trên đây làm cho bạn đọc có một khái niệm đầy đủ về thành phố chúng tôi. Vả lại, không nên cường điệu bất cứ cái gì hết. Cái cần nhấn mạnh, là cái vẻ vô vị của thành phố và của cuộc sống ở đây. Nhưng hễ đã có thói quen là người ta có thể sống không khó khăn gì. Khi thành phố chúng tôi khuyến khích người ta tạo lập thói quen, thì có thể nói mọi cái đều tốt đẹp. Dĩ nhiên, dưới góc độ này, cuộc sống không thật say mê. Nhưng ít nhất ở đây không có tình trạng lộn xộn. Và nhân dân chúng tôi, thẳng thắn, thân ái và hoạt bát, luôn luôn được khách du lịch mến mộ một cách đúng mực. Cái thành phố thiếu cảnh đẹp, thiếu cỏ cây và không hồn này, cuối cùng hình như trở nên êm ái và khiến người ta yên tâm. Nhưng phải công bằng mà nói thêm rằng nó được “ghép” vào một cảnh quan vô song, giữa một cao nguyên trơ trụi, bốn phía là những ngọn đồi lấp lánh ánh nắng, trước một vũng đường nét tuyệt vời. Chỉ có điều đáng tiếc là nó được xây dựng, lưng ngoảnh ra vịnh và vì vậy người ta không thể nhìn thấy biển, mà phải luôn luôn đi tìm kiếm.
Đến đây, bạn đọc dễ dàng chấp nhận rằng không gì có thể làm cho đồng bào chúng tôi chờ mong những sự kiện ngẫu nhiên xảy tới mùa xuân năm ấy. Như chúng ta sẽ rõ trong những phần sau, đó là dấu hiệu đầu tiên của một loạt biến cố nghiêm trọng mà chúng tôi muốn tường thuật ở đây. Những sự kiện ấy, người này thì cho là hết sức tự nhiên; người khác, trái lại, cho là không tin được. Nhưng dẫu sao, một ký giả không thể căn cứ vào những sự trái ngược nhau ấy. Nhiệm vụ của anh ta chỉ là nói: “Cái này đã xảy tới” khi anh ta biết quả thật cái đó đã xảy tới, biết nó có quan hệ đến cuộc sống của cả một dân tộc, và bởi lẽ ấy, có hàng nghìn nhân chứng sẽ đánh giá trong thâm tâm họ những điều anh ta nói ra trung thực đến đâu.
Vả lại, người kể chuyện ở đây, mà bao giờ bạn đọc cũng biết lúc cần thiết, không thể lợi dụng một tư cách nào trong một công việc thuộc loại này, nếu như không phải vì một sự ngẫu nhiên, anh ta lượm lặt được một số lời cung khai và nếu như không phải vì tình thế bắt buộc, anh ta phải dính líu tới tất cả những gì anh ta muốn tường thuật. Chính cái đó cho phép anh ta làm công việc của nhà sử học. Đương nhiên, một nhà sử học, dù chỉ là một tay tài tử, bao giờ cũng có tư liệu của mình: trước hết là sự chứng kiến của bản thân; sau nữa là sự chứng kiến của những người khác, vì, với nhiệm vụ của mình, anh ta phải thu lượm những lời gửi gắm của mọi nhân vật trong tập ký, và cuối cùng là những văn bản đã rơi vào tay anh ta. Ý định của anh ta là khai thác khi thấy cần thiết, và sử dụng theo ý thích của mình. Anh ta lại còn muốn… Nhưng có lẽ đã đến lúc gác lại những lời bình luận và những sự rào đón để đi thẳng vào câu chuyện. Việc phản ánh những ngày đầu tiên đòi hỏi phải ít nhiều tỉ mỉ.
Sáng ngày 16 tháng tư, khi bước ra khỏi phòng làm việc, bác sĩ Rieux đụng phải một con chuột chết ở giữa cầu thang. Ông gạt con vật ra một bên mà không lưu ý và bước xuống dưới nhà. Nhưng ra tới ngoài đường, ông chợt nghĩ con chuột không nằm đúng chỗ và quay lại báo cho người gác cổng. Trước sự phản ứng của lão Michel, ông cảm thấy rõ hơn cái khác thường trong sự phát hiện của mình. Đối với ông, sự có mặt của con chuột chết chỉ là một hiện tượng kỳ cục, nhưng đối với ông lão gác cổng, thì lại là một sự xấu xa đáng căm giận. Ông lão một mực khăng khăng trong khu nhà này không có chuột. Rieux cam đoan là trên thang gác tầng hai có một con và có lẽ là một con chuột chết, nhưng niềm tin của lão Michel là không có chuột vẫn cứ như đinh đóng cột. Trong khu nhà không hề có chuột, vậy con chuột này phải từ ngoài mang vào. Tóm lại, đây là một trò nghịch ngợm.
Ngay tối hôm ấy, khi đứng trong hành lang khu nhà, Bernard Rieux đang lục tìm chìa khoá để lên buồng thì bỗng thấy, từ cuối hành lang tối om xuất hiện một con chuột to tướng, chân bước chập choạng và bộ lông ướt nhèm. Con vật dừng lại hình như để lấy thăng bằng, chạy về phía ông, lại dừng lại, rồi vừa quay vòng tròn vừa rít lên một tiếng nhỏ, và cuối cùng ngã vật xuống, máu trào ra từ cái mõm há hốc. Rieux ngắm con vật rồi bước lên cầu thang về nhà.
Không phải ông nghĩ tới con chuột. Dòng máu tuồn ra từ mõm nó khiến ông trở lại mối bận tâm của mình. Vợ ông, ốm từ một năm nay, ngày mai sẽ đi nghỉ ở một nhà điều dưỡng trên núi. Về đến nhà, ông thấy vợ đang nằm, theo lời khuyên của ông: như vậy để có thể chịu đựng cuộc hành trình vất vả sắp tới. Bà mỉm cười:
- Em cảm thấy rất dễ chịu.
Bà quay mặt về phía chồng, trong luồng ánh sáng của cây đèn ngủ. Đối với Rieux, khuôn mặt ở độ tuổi ba mươi ấy, mặc dù những dấu hiệu của bệnh tật, vẫn là khuôn mặt buổi thanh xuân, có lẽ vì nụ cười xóa hết thảy những cái khác.
- Gắng ngủ đi em, ông bảo. Mười một giờ, cô hộ lý sẽ đến và anh sẽ đưa em ra chuyến tàu mười hai giờ.
Ông khẽ hôn lên một vầng trán dâm dấp mồ hôi. Ra đến cửa, ông vẫn thấy vợ mỉm cười.
Ngày hôm sau, 17 tháng tư, lúc tám giờ, khi bác sĩ đi qua, ông lão gác cổng giữ ông lại và tố cáo là có những đứa nghịch ác đã vứt ba con chuột chết vào giữa hành lang. Chắc hẳn chúng đánh chuột với những cái bẫy lớn, vì cả ba con đều ướt đẫm máu. Ông lão đứng trên ngưỡng cửa một lát, tay xách mấy con chuột, chờ xem có nghe tiếng cười nhạo báng của thủ phạm hay không. Nhưng không có gì xảy ra cả.
- A! mấy thằng nhóc, lão Michel thốt lên, thế nào tôi cũng tóm được cổ chúng.
Băn khoăn, Rieux quyết định bắt đầu đi một vòng qua các phố ngoại ô, nơi cư trú của những người bệnh nghèo nhất của mình. Ở đấy, người ta đi thu rác muộn; ôtô của ông chạy dọc những con đường thẳng và bụi bặm, lướt cạnh những chiếc thùng đựng rác bên lề đường. Trên đường xe đi qua, ông đếm được mười hai xác chuột vứt trong những đống rau xanh bỏ đi và giẻ rách bẩn thỉu.
Người bệnh đầu tiên Rieux đến thăm đang nằm trên giường, trong một căn buồng ngoảnh ra đường, vừa là phòng ngủ vừa là phòng ăn. Một ông già Tây Ban Nha, nét mặt khắc khổ, nhăn nheo. Trước mặt ông lão, trên một tấm mền, có hai cái nồi đựng đầy đậu hạt. Lúc bác sĩ bước vào, ông lão, nửa nằm nửa ngồi, ngửa người ra phía sau để lấy lại hơi thở khò khè, mệt nhọc của một người bị suyễn lâu năm. Bà vợ mang tới một chiếc thau:
- Thưa bác sĩ, người bệnh nói trong lúc tiêm thuốc, chúng chạy ra ngoài, bác sĩ thấy không?
- Vâng, bà vợ tiếp lời, nhà bên cạnh nhặt được những ba con.
Ông già xoa xoa hai tay vào nhau:
- Chúng chạy ra, ở thùng rác nào cũng có, chắc là đói đến nơi!
Sau này, Rieux nghe cả khu phố xôn xao về chuột. Đi thăm bệnh xong, ông trở về nhà.
- Bác sĩ có một bức điện, ở trên nhà ấy - ông lão Michel báo với ông.
Ông hỏi lão có thấy thêm chuột nữa không.
- A! Không, ông lão đáp, tôi rình đấy, bác sĩ hiểu chứ? Và những đứa khốn nạn không dám nữa.
Bức điện báo tin là bà cụ thân sinh Rieux ngày mai sẽ tới. Cụ đến chăm sóc nhà cửa cho con trai, trong lúc con dâu ông đi vắng. Khi bác sĩ về đến nhà, cô hộ lý đã có mặt. Rieux thấy vợ đang đứng, áo váy cùng màu, mặt thoa tí phấn. Ông mỉm cười:
- Tốt, ông nói, - tốt lắm.
Một lát sau, ra đến ga, ông đưa vợ vào toa có giường nằm. Bà nhìn toa tàu:
- Nhiều tiền quá đối với chúng ta, phải không anh?
- Cần phải thế, Rieux đáp.
- Cái chuyện chuột ấy là thế nào hở anh?
- Anh không rõ. Lạ đây, nhưng rồi sẽ qua đi thôi.
Rồi ông nói nhanh với vợ là ông xin lỗi, nhẽ ra ông phải chăm sóc bà, thế mà ông đã trễ nải. Bà lắc đầu, như thể muốn bảo ông đừng nói. Nhưng ông nói thêm:
- Khi em trở về thì mọi cái sẽ yên ổn hơn. Chúng ta lại sẽ bắt đầu.
- Vâng, bà đáp, mắt sáng long lanh, chúng ta lại sẽ bắt đầu.
Một lát sau, bà quay lưng lại và nhìn qua cửa kính. Trên sân ga, người ta chen chúc, xô lấn nhau. Tiếng đầu máy phì phò vang đến tận tai họ. Rieux gọi vợ bằng tên riêng và khi bà quay lại, ông thấy bà đầm đìa nước mắt.
- Thôi em, ông nói dịu dàng.
Nụ cười nở lại, nhưng đôi môi hơi mím, trên khuôn mặt chưa ráo nước mắt. Bà thở dài hơi sâu:
- Thôi, anh về đi, mọi cái rồi sẽ tốt đẹp thôi.
Ông ôm hôn vợ, và bây giờ, đứng trên sân ga, ông chỉ thấy thấp thoáng nụ cười của bà phía sau cửa kính.
- Anh van em, ông bảo, em phải lo chăm sóc sức khỏe.
Nhưng bà không nghe tiếng.
Trên sân ga, gần cửa ra vào, Rieux gặp Othon, dự thẩm, tay dắt đứa con trai nhỏ. Ông hỏi có phải ông ta đi du lịch không. Othon, người cao lớn, mặc quần áo đen, vừa có vẻ thuộc giới thượng lưu như ngày trước người ta vẫn nói - nhưng lại vừa giống một người phu đám ma. Với giọng nói dịu dàng, ông ta đáp vắn tắt:
- Tôi ra đón bà Othon đi thăm gia đình trở về.
Đầu máy huýt còi.
- Đám chuột…? Othon hỏi.
Rieux nhìn theo hướng xe lửa rồi quay trở lại phía cửa ra vào.
- Vâng, ông đáp, chẳng sao đâu.
Ông nhớ lại là lúc đó một người phu quét rác đi qua, xách một cái thùng đựng đầy chuột chết.
Chiều hôm ấy, vào đầu giờ khám, Rieux tiếp một người trẻ tuổi mà ông được biết là nhà báo và buổi sáng đã đến tìm ông một lần. Anh ta tên là Raymond Rambert. Người thấp, vai hở, nét mặt cương nghị, mắt sáng và thông minh, Rambert mặc quần áo thể thao và có vẻ sống phong lưu. Anh đi thẳng vào vấn đề. Một tờ báo lớn ở Paris giao cho anh điều tra về đời sống của người Arập và anh muốn thu lượm tin tức về tình hình sức khỏe của họ. Rieux cho biết tình hình không lấy gì làm tốt. Nhưng trước khi nói kỹ hơn, ông muốn biết nhà báo có được phép nói sự thật không?
- Dĩ nhiên. Rambert đáp.
- Tôi muốn nói là ông có thể thẳng tay chỉ trích không?
- Thẳng tay thì không, phải nói rõ như thế. Nhưng tôi cho rằng chỉ trích như thế sẽ không có cơ sở.
Rieux dịu dàng đáp là quả vậy, một sự chỉ trích như thế thì không có cơ sở, nhưng đặt câu hỏi như trên, ông chỉ muốn biết trong khi xác nhận sự thật, Rambert có phải dè chừng gì không.