DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 3

- Tôi chỉ chấp nhận những lời xác nhận không phải dè chừng. Vì vậy tôi sẽ không dùng thông tin của mình để làm chỗ dựa cho lời xác nhận của ông đâu.
- Ông nói chẳng khác nào Saint-Just[1], tay nhà báo mỉm cười đáp.
Không nâng cao giọng, Rieux bảo là ông không hay biết gì về lời lẽ Saint-Just, nhưng lời lẽ của ông là lời lẽ của một người đã chán ngán cái xã hội mình đang sống, tuy ông yêu đồng loại và quyết không chấp nhận bất công và nhượng bộ. Rambert rụt cổ nhìn ông:
- Tôi nghĩ là tôi đã hiểu ông, cuối cùng anh nói và đứng dậy.
Bác sĩ tiễn anh ra cửa:
- Tôi cảm ơn ông có cách nhìn nhận tình hình như vậy.
Rambert có vẻ sốt ruột:
- Vâng, anh đáp, tôi hiểu, xin lỗi ông là tôi đã làm phiền ông.
Bác sĩ bắt tay anh và bảo là anh có thể viết một thiên phóng sự thú vị về số chuột chết lúc này trong thành phố. - A! Rambert vội thốt lên, - cái đó làm tôi thích thú.
Lúc mười bảy giờ, khi ra đi thăm những người bệnh khác, bác sĩ Rieux gặp ở giữa cầu thang một người còn trẻ, mập mạp, mặt to ụ, má hóp, lông mày rậm. Thỉnh thoảng, ông có gặp anh ta ở nhà những người Tây Ban Nha làm nghề nhảy múa và ở tầng trên cùng trong khu nhà. Jean Tarrou vừa mải miết hút thuốc vừa chăm chú nhìn một con chuột giãy chết trên một bậc cầu thang, dưới chân mình. Anh ngước đôi mắt màu tro nhìn bác sĩ, vẻ điềm tĩnh và có phần chăm chú, chào ông và nói thêm là sự xuất hiện của chuột là điều kỳ lạ.
- Đúng - Rieux đáp - nhưng cuối cùng nó sẽ làm chúng ta khó chịu.
- Ở một mặt nào đó, thưa bác sĩ, và chỉ ở một mặt nào đó thôi. Chưa bao giờ chúng ta thấy như thế này, chỉ có vậy thôi. Nhưng đối với tôi, điều đó rất thú vị, vâng, thực sự thú vị.
Tarrou lấy tay hất ngược mái tóc ra sau, nhìn con chuột bây giờ đã bất động - một lần nữa, rồi mỉm cười với Rieux:
- Nhưng, thưa bác sĩ, đấy chủ yếu là công việc của ông lão gác cổng.
Đúng vào lúc đó, bác sĩ gặp ông lão đứng trước nhà, tựa lưng vào tường cạnh cửa ra vào, bộ mặt vốn ngày thường đã sung huyết, lúc này tỏ ra mệt mỏi. - Vâng, tôi biết, - lão Michel đáp lời bác sĩ khi ông nói với lão về một phát hiện mới. - Bây giờ thì nhặt được một lúc hai ba con. Nhưng ở các khu nhà khác cũng thế cả.
Ông lão tỏ vẻ chán nản và lo lắng. Bất giác lão lấy tay xoa xoa cổ. Rieux hỏi lão sức khỏe ra sao. Dĩ nhiên, lão không thể nói là không tốt. Nhưng lão cảm thấy bứt rứt khó chịu. Theo lão, cái chủ yếu là tinh thần bị xáo động. Đám chuột đã cho lão một đòn và tình hình phải tốt hơn nhiều khi chúng không còn nữa.
Nhưng sáng hôm sau, ngày 18 tháng tư, khi đón mẹ từ ga về, Rieux thấy lão Michel, bộ mặt thiểu não hơn: từ hầm nhà lên gác xép, trên các bậc thang, có cả một chục xác chuột. Thùng rác các nhà xung quanh cũng đầy xác chuột. Bà cụ, mẹ Rieux, khi nghe tin, không tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Đó là những điều vẫn xảy ra thôi.
Bà cụ là một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc bạc, mắt đen láy hiền từ.
- Mẹ sung sướng được gặp con, Bernard ạ, cụ bảo. Lũ chuột chẳng sao ngăn cản được.
Rieux đồng tình; quả là đối với cụ, cái gì cũng có vẻ dễ dàng.
Nhưng ông vẫn gọi điện cho cơ quan diệt chuột của thị xã mà ông quen tay giám đốc. Liệu ông này đã nghe người ta nói là chuột đến chết hàng đàn ở ngoài trời không? Giám đốc Mercier đã có nghe nói, và ngay trong cơ quan ông ta, không cách xa bến tàu, cũng có đến năm chục con. Nhưng ông ta nghĩ bụng không biết tình hình có nghiêm trọng không. Rieux không có ý kiến dứt khoát, song ông nghĩ phải có sự can thiệp của cơ quan diệt chuột.
- Được, Mercier bảo, nhưng phải có lệnh. Nếu ông cho là nên làm thì tôi có thể xin lệnh.
- Cứ nên làm, Rieux đáp.
Người đàn bà giúp việc nhà đến báo với ông là người ta nhặt được mấy trăm con chuột chết trong khu nhà máy lớn, nơi chồng chị làm việc.
Dẫu sao thì cũng đâu vào thời kỳ này, người ta bắt đầu lo sợ. Vì, quả là từ ngày 18, các nhà máy, kho tàng đầy rẫy hàng trăm xác chuột. Có những trường hợp người ta buộc phải giết chết những con hấp hối kéo dài. Nhưng từ ngoại ô vào đến trung tâm thành phố, bất kỳ chỗ nào Rieux đi qua, bất kỳ chỗ nào đồng bào chúng tôi tụ tập, chuột cũng lúc nhúc hàng đống, trong thùng rác, hay xếp hàng dài, dọc các con khe. Ngay ngày hôm đó, báo chí buổi chiều nắm lấy tình hình và đặt câu hỏi là tòa thị chính có ý định hoạt động hay không và đã dự kiến những biện pháp khẩn cấp gì để trừ khử cho dân chúng cái nạn xâm nhập kinh tởm này. Hội đồng thị chính chưa có ý định và dự kiến gì cả, mà chỉ mới bắt đầu nhóm họp để bàn bạc. Cơ quan diệt chuột nhận được lệnh nhặt xác chuột chết vào các buổi sáng, lúc bình minh. Khi nhặt xong, hai chiếc xe của cơ quan này phải chở xác chuột đến nhà máy đốt rác để thiêu hủy.
Nhưng những ngày sau đó, tình hình nghiêm trọng thêm. Số chuột nhặt được ngày một tăng. Từ ngày thứ tư, chuột bắt đầu kéo ra chết hàng đàn. Từ các xó xỉnh, công trình ngầm, hầm nhà, cống rãnh, chúng loạng choạng leo thành những đàn dài để đến lảo đảo ngoài trời, quay vòng tròn và chết bên cạnh người. Ban đêm, trong các hành lang hay trên các đường hẻm, nghe rõ tiếng kêu chít chít của chúng trong cơn hấp hối. Buổi sáng, ở các cửa ô, người ta thấy chúng lăn ra ngay bên suối, một vệt máu nhỏ trên mõm nhọn hoắt, con thì trương lên, hôi thối, con thì cứng đờ, bộ ria còn dựng đứng. Ngay trong nội thành, người ta cũng gặp chúng hàng đống, trên các bậc thang hay trong sân. Chúng cũng đến chết lẻ tẻ trong hành lang các công sở, trong sân chơi trường học và đôi khi cả trên hiên các quán cà phê. Đồng bào chúng tôi kinh hoàng khi đụng phải chúng ở những nơi đông người qua lại nhất trong thành phố. Quảng trường duyệt binh, các đại lộ, vườn hoa ngoài bãi biển từng quãng một đều có xác chuột. Sáng sớm, người ta đi nhặt hết xác, nhưng sau đó, trong ngày, xác chúng mỗi lúc một nhiều thêm. Trên vỉa hè, nhiều người đi dạo buổi tối cảm thấy dưới chân mình cái khối mềm nhũn của một xác chuột mới chết. Người ta tưởng như dưới các ngôi nhà, mặt đất tẩy hết ra ngoài cái lượng thể dịch của nó và cho nổi lên trên những cái mụn nhọt từ trước đến nay âm ỉ cào xé lòng đất. Bạn đọc thử hình dung không thôi nỗi kinh hoàng của cái thành phố nhỏ bé chúng tôi, từ trước đến nay yên tĩnh là thế mà chỉ sau vài ngày là xáo động cả lên như thể một con ngƣời khỏe mạnh máu đang đặc sánh bỗng nhiên sôi sục lên.
Tình hình tiến triển tới mức trong một buổi phát những tin tức mà họ không bảo đảm, hãng Ransdoc (cung cấp tư liệu thông tin về mọi đề tài) tuyên bố là chỉ riêng một ngày 25, người ta đã nhặt và thiêu 6.231 con chuột. Con số này nêu lên rõ ràng cái quang cảnh hàng ngày trước mắt của thành phố và làm tăng thêm không khí hoang mang. Cho đến lúc bấy giờ, người ta chỉ phàn nàn về một sự kiện hơi ghê tởm. Gần đây, cái hiện tượng không thể xác định phạm vi và tìm ra cội nguồn này có một cái gì uy hiếp người ta. Chỉ riêng ông lão bị hen suyễn người Tây Ban Nha là tiếp tục xoa xoa tay và nhắc đi nhắc lại: “Chúng ra chúng ra” với một niềm vui già nua.
Nhưng đến ngày 28 tháng tư, khi hãng Ransdoc thông báo người ta lượm được khoảng tám nghìn xác chuột thì nỗi lo sợ trong thành phố lên đến tột đỉnh. Người ta yêu cầu những biện pháp triệt để, người ta buộc tội nhà chức trách, và một số ít gia đình có nhà trên bờ biển đã nói tới việc di chuyển ra đấy. Nhưng ngày hôm sau, hãng thông tấn lại báo là hiện tượng nói trên chấm dứt một cách đột ngột và cơ quan diệt chuột chỉ nhặt được một số lượng chuột không đáng kể. Thành phố thở phào.
Thế nhưng cũng chính ngày hôm đó, lúc mười hai giờ trưa, khi đỗ xe trước nhà, bác sĩ Rieux bỗng thấy ông lão gác cổng từ phía cuối đường cất bước khó nhọc, đầu cúi thấp, tay chân dang rộng, dáng điệu như con rối. Ông lão vịn cánh tay một linh mục mà bác sĩ nhận ra ngay. Một đôi lần, ông đã gặp cha Paneloux, một giáo sĩ đạo Thiên chúa, uyên bác và hăng hái, được mọi người trong thành phố mến yêu, kể cả những người thờ ơ với tôn giáo. Ông chờ hai người đi tới. Ông lão Michel, hai mắt long lanh và hơi thở như rít lên. Lão cảm thấy khó ở và muốn ra ngoài hít thở không khí. Nhưng nghe đau dữ dội ở cổ, ở nách và ở bẹn, lão buộc phải quay trở về và nhờ cha Paneloux dìu đi.
- Đấy là những cục u, lão nói. Tôi phải cố gắng mới lê chân nổi.
Thò cánh tay ra ngoài cửa xe, bác sĩ sờ vào phía dưới cổ lão Michel, ở đây nổi lên một cục u như một cái mắt gỗ.
- Lão đi nằm đi, và cặp nhiệt độ; chiều nay tôi sẽ đến thăm.
Ông lão gác cổng đi rồi, Rieux hỏi cha Paneloux nghĩ thế nào về cái chuyện chuột này.
- Ồ! Paneloux đáp, chắc hẳn là một bệnh dịch, và mắt ông ta nheo lại như mỉm cười phía sau đôi mắt kính tròn.
Sau bữa ăn trưa, Rieux đang đọc lại bức điện của nhà điều dưỡng báo vợ ông đã tới nơi thì bỗng nghe chuông điện thoại. Một bệnh nhân cũ, nhân viên tòa thị chính gọi điện cho ông. Anh ta tự chứng thắt động mạch chủ từ lâu, nhưng vì anh nghèo, Rieux chữa không lấy tiền.
- Vâng, anh ta nói, bác sĩ còn nhớ ra tôi. Nhưng hôm nay là một người bệnh khác. Mời bác sĩ tới nhanh, ở nhà người hàng xóm tôi đã xảy ra chuyện gì đó.
Anh ta nói như đứt hơi. Rieux nghĩ tới ông lão gác cổng và quyết định sẽ đến thăm luôn. Mấy phút sau, ông gõ cửa một căn phòng nhỏ trên đường Faidherbe, ở ngoại ô. Đến giữa cầu thang ẩm và hôi, ông gặp Joseph Grand đi xuống đón ông. Một người đàn ông tuổi khoảng năm mươi, râu mép màu hung, người cao và gù, vai hẹp, tay chân gầy guộc.
- Bây giờ đã khá hơn, anh nói khi bước tới gặp Rieux, nhưng vừa qua, tôi tưởng hắn chết mất.
Anh hỉ mũi. Lên đến tầng ba, tầng cuối cùng, Rieux thấy trên cánh cửa bên trái, dòng chữ viết bằng phấn đỏ: “Mời vào, tôi đã treo cổ”.
Hai người vào nhà. Sợi dây thòng lọng trên một chiếc ghế tựa lật ngửa, còn một cái bàn thì bị đẩy vào góc nhà. Sợi dây lủng lẳng trong khoảng không.
- Tôi gỡ hắn ra kịp thời, - Grand như vừa nói vừa tìm từ, mặc dù anh dùng lời lẽ hết sức đơn giản. - Đúng vào lúc tôi ra khỏi nhà và nghe tiếng động. Lúc thấy mấy chữ viết trên cửa - không biết nói với ông thế nào nhỉ? - tôi ngờ là một trò đùa. Nhưng hắn rên rỉ một cách khác thường và thậm chí có thể nói là bi thảm. - Anh gãi gãi đầu. - Tôi nghĩ rằng hắn thắt cổ như vậy chắc phải đau đớn lắm. Dĩ nhiên tôi đã đi vào.
Hai người đẩy một cánh cửa và đứng trước một căn buồng sáng sủa nhưng đồ đạc sơ sài. Một người bé nhỏ và mập nằm trên một chiếc giường sắt mạ đồng. Hắn thở dốc và nhìn họ với đôi mắt sung huyết. Bác sĩ Rieux đứng lại. Giữa hai nhịp thở, ông như nghe tiếng chuột chin chít. Nhưng trong bốn góc buồng, không hề có gì động đậy. Rieux đi lại bên giường. Hắn không bị ngã từ quá cao xuống và cũng không đột ngột, các đốt xương sống vẫn không sao. Dĩ nhiên có ngạt thở chút đỉnh. Hắn sẽ phải chụp X quang. Bác sĩ chích cho hắn một mũi dầu long não và bảo trong vài ngày mọi cái sẽ ổn.
- Cảm ơn bác sĩ, hắn nói, giọng khó thở.
Rieux hỏi Grand đã báo sở cảnh sát chưa. Anh đáp, vẻ bối rối.
- Không, ồ không! Tôi tưởng cái gấp nhất là…
- Dĩ nhiên - Rieux cắt lời anh ta - tôi sẽ báo vậy.
Nhưng lúc đó người bệnh cựa quậy và ngồi dậy, hắn nói hắn khỏe mạnh và không cần phải báo.
- Ông cứ yên tâm - Rieux bảo - không thành vấn đề gì cả đâu, ông hãy tin tôi, còn tôi, tôi phải khai báo.
- Ôi! hắn thốt lên.
Rồi ngửa người ra sau và khóc thút thít. Đập đập bộ râu mép một lúc, Grand đi lại gần hắn và bảo:
- Ông Cottard này, ông thông cảm cho. Bác sĩ phải chịu trách nhiệm đây. Nếu chẳng hạn ông lại có ý làm lại…
Nhưng Cottard vừa khóc vừa nói hắn sẽ không làm lại nữa, đây chỉ là một phút điên dại và hắn chỉ muốn người ta để hắn yên. Rieux ghi đơn thuốc.
- Thôi được, ông bảo. Gác cái đó lại; trong vài ngày, tôi sẽ trở lại. Nhưng ông chớ làm điều dại dột nữa.
Trên cầu thang, Rieux bảo Grand là ông bắt buộc phải khai báo, nhưng sẽ yêu cầu sở cảnh sát hai ngày sau mới mở cuộc điều tra.
- Đêm nay, phải theo dõi ông ta. Ông ta có gia đình không?
- Tôi không biết gia đình hắn. Nhưng tôi có thể trông coi được.
Anh lắc đầu nói tiếp:
- Bản thân hắn, bác sĩ thấy đấy, tôi cũng không thể nói là tôi quen biết. Nhưng vẫn phải giúp đỡ lẫn nhau.
Đang đi trong hành lang, bất giác Rieux nhìn vào các ngóc ngách và hỏi Grand trong khu phố anh chuột đã biến hết chưa. Anh không hay biết gì hết. Quả là người ta có nói chuyện chuột, nhưng anh ít chú ý đến dư luận trong phố.
- Tôi có những mối quan tâm khác, anh nói.
Rieux chia tay anh. Ông vội về thăm ông lão gác cổng trƣớc khi viết thư cho vợ.
Trẻ bán báo buổi chiều rao là nạn chuột đã bị chặn lại. Nhưng Rieux thấy người bệnh nửa người nhoài ra khỏi giường, một tay đặt lên bụng, một tay ôm lấy cổ, nôn thốc nôn tháo vào trong một cái thùng đựng rác một thứ nước mật lờ nhờ. Cố mãi đến hụt hơi, cuối cùng, ông lão gác cổng nằm xuống. Nhiệt độ lên tới ba chín rưỡi, hạch ở cổ và tay chân sưng tấy, hai bên mạn sườn có hai chấm đen ngày một loang rộng ra. Bây giờ ông lão kêu đau trong nội tạng.
- Nóng quá, con vật khốn nạn nó đốt tôi như lửa ấy.
Những nhớt đen trong miệng khiến lão nói lúng búng. Lão quay về phía Rieux cặp mắt lồi ướt đầm nước mắt vì cơn đau đầu. Bà vợ lo lắng nhìn bác sĩ lúc đó đứng lặng im.
- Thưa bác sĩ, bà ta hỏi, bệnh gì thế ạ?
- Có thể là bất cứ cái gì. Nhưng chưa có gì thật chắc cả. Từ nay đến tối, nhịn đói và uống thuốc lọc huyết. Phải cho uống nhiều vào.
Đúng vào lúc ông lão khát đến cháy họng.
Về đến nhà, Rieux gọi điện cho Richard, bạn đồng nghiệp, một trong những thầy thuốc có uy tín nhất trong thành phố.
- Không - Richard đáp - tôi không hề thấy có gì đặc biệt cả.
- Không có cơn sốt với viêm cục bộ sao?
- A! có, có hai ca, với hạch bị sưng nóng lắm.
- Một cách bất bình thường à?
- Ồ, Richard đáp, cái bình thường, ông biết đấy…
Tối hôm đó, ông lão gác cổng mê sảng và khi nhiệt độ lên tới bốn mươi, ông lão kêu la về chuột. Rieux cố gây một ca apxe kết tụ. Bị nhựa thông đốt nóng, ông lão rú lên: “A! những con vật khốn nạn!”.
Những cái hạch ngày mỗi lớn thêm, sờ thấy cứng và ráp. Bà lão hốt hoảng.
- Bà hãy thức trông ông lão. - bác sĩ bảo - và nếu cần thì gọi tôi.
Ngày hôm sau, 30 tháng tư, bầu trời xanh và ẩm, gió ấm bắt đầu thổi tới, mang theo mùi hoa từ các vùng ngoại ô xa nhất. Tiếng động ban mai trên đường phố hình như mạnh và vui hơn thường ngày. Trong thành phố nhỏ bé của chúng tôi - thoát khỏi nỗi lo sợ âm ỉ trong suốt tuần qua, - ngày hôm ấy là một ngày xuân mới. Bản thân Rieux yên tâm khi nhận được thư vợ, bước xuống nhà ông lão gác cổng, lòng nhẹ nhõm. Và quả thật, sáng nay, nhiệt độ ông lão tụt xuống ba tám. Người bệnh ngồi trên giường mỉm cười, nom có yếu đi.
- Tình hình có khá hơn phải không, thưa bác sĩ? - bà lão hỏi.
- Chúng ta cứ phải chờ đã.
Nhưng đến trưa, cơn sốt đột ngột lên tới bốn mươi độ. Người bệnh liên tục mê sảng và nôn trở lại. Hạch ở cổ sờ vào thì đau và ông lão muốn tìm cách xoay đầu ra thật xa thân mình. Bà vợ ngồi dưới chân giường, hai tay đặt trên nền, khẽ sờ chân người bệnh. Bà ta nhìn Rieux.
- Bà này - Rieux bảo - phải cách ly ông lão và cố gắng tiến hành một cách điều trị đặc biệt. Tôi gọi điện cho bệnh viện và chúng ta sẽ chở ông lão đi bằng xe cứu thương.
Hai tiếng sau, trong xe, bác sĩ và bà lão cúi nhìn người bệnh. Ông lão, miệng phủ đầy những vết sùi, lẩm bẩm mấy từ rời rạc: “Đàn chuột!” Da xanh xao, môi màu sáp, mí mắt màu chì, hơi thở không đều và gấp gáp bị những cái hạch giày vò, lão cuộn tròn lại trên chiếc ghế dài như thể muốn gập nó lại bó lấy thân hình mình, hay như thể có một cái gì từ dưới lòng đất kêu gọi ông ta không ngừng. Ông lão ngạt thở dưới một sức nặng vô hình. Bà vợ ngồi khóc.
- Không còn hy vọng nữa phải không, thưa bác sĩ?
- Ông ấy mất rồi. Rieux đáp.
Cái chết của ông lão gác cổng có thể nói là đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ đầy rẫy những dấu hiệu khiến người ta ngạc nhiên và sự mở đầu một thời kỳ khác, tương đối khó khăn hơn, trong đó nỗi kinh ngạc những buổi đầu biến dần thành nỗi kinh hoàng thực sự. Đồng bào chúng tôi chưa bao giờ nghĩ cái thành phố nhỏ bé này có thể là một nơi đặc biệt thuận lợi cho họ hàng nhà chuột đến chết dưới ánh nắng mặt trời và những người gác cổng bỏ mạng vì những bệnh tật kỳ cục. Bây giờ thì họ thấy rõ điều đó. Tóm lại, về phương diện này, họ đã nhầm lẫn và ý nghĩ của họ, cần phải xem xét lại. Giá như tình hình chỉ dừng lại ở đấy thì chắc hẳn thói quen sẽ làm ngƣời ta quên đi. Nhưng những đồng bào khác của chúng tôi, và không phải chỉ là những người gác cổng hay những kẻ nghèo khổ, đã phải nối gót ông lão Michel. Từ đó, người ta bắt đầu sợ hãi và suy tư.
Tuy nhiên, trước khi kể chi tiết những sự kiện mới này, người tường thuật thấy cần nhắc đến quan điểm của một nhân chứng khác về thời kỳ vừa được mô tả này. Jean Tarrou - mà bạn đọc đã bắt gặp ở phần đầu câu chuyện - đến Oran trước đây vài tuần lễ và ở trong một khách sạn lớn ở trung tâm thành phố. Bề ngoài, anh ta sống khá thoải mái với nguồn lợi tức của mình. Nhưng không ai biết anh từ đâu tới và tới với mục đích gì, mặc dầu dần dần anh không còn xa lạ với thành phố nữa. Người ta gặp anh ở tất cả những nơi công cộng. Từ đầu mùa xuân, người ta thường gặp anh trên bãi biển: anh thường bơi lội với một niềm vui thích rõ rệt. Nhân hậu, luôn luôn tươi cười, hình như anh là bạn của mọi thú vui bình thường, mà không trở thành nô lệ của chúng. Thực ra, thói quen duy nhất nguời ta tìm thấy ở anh là việc anh gặp gỡ đều đặn các nhạc công và vũ đạo người Tây Ban Nha cư trú nhiều trong thành phố.
Dẫu sao, những cuốn sổ tay của anh cũng là một thứ ký sự về thời kỳ gian khổ này. Nhưng đây là một tập ký rất đặc biệt hình như tuân theo một định kiến vô nghĩa lý. Thoạt đầu, tưởng như Tarrou coi thường mọi người mọi vật, không lấy gì làm điều hết. Tóm lại, trong lúc mọi người hoang mang, thì anh chăm chú làm một sử gia của những cái không hề có lịch sử. Dĩ nhiên người ta có thể phàn nàn cái định kiến ấy và cho đó là biểu hiện của một con tim khô cằn. Nhưng không phải vì vậy mà những cuốn sổ tay ấy không thể cung cấp cho một tập ký sự về thời kỳ này vô số những chi tiết tuy thứ yếu song vẫn có tầm quan trọng, và chính tính chất kỳ cục của chúng không cho phép chúng ta đánh giá quá sớm nhân vật hay hay này.
Jean Tarrou bắt tay vào ghi chép ngay sau khi tới Oran. Ngay từ đầu, anh tỏ ra mãn nguyện một cách kỳ lạ khi đến một thành phố tự bản thân nó xấu xí đến thế. Anh miêu tả chi tiết hai tượng sư tử bằng đồng đen trước tòa thị chính và có những nhận xét rộng lượng đối với tình hình không có cây cối, đối với những ngôi nhà thiếu duyên dáng và cách bố trí phi lý của thành phố. Tarrou cũng ghi lại những mẩu đối thoại anh nghe được trong tàu điện và trên đường phố, mà không bình luận gì thêm cả, trừ phi về sau một chút, đối với những lời trò chuyện liên quan đến một anh chàng Camps nào đó. Tarrou nghe hai người thu tiền vé tàu điện trao đổi với nhau:
- Cậu biết rõ Camps chứ? Một người hỏi.
- Camps à? Người cao lớn, có bộ râu mép đen sì phải không?
- Đúng thế. Hắn phụ trách bẻ ghi mà.
- Đúng, đúng thế.
- Nhưng hắn chết rồi.
- A! chết bao giờ thế?
- Sau cái chuyện chuột ấy.
- Thế à? Hắn bị cái gì thế?
- Tớ không rõ, đâu bị sốt hay sao ấy. Vả lại, hắn vốn không khỏe. Hắn bị apxe dưới nách và không chống chọi nổi.
- Nhưng hắn trông cũng như mọi người khác.
- Không, hắn yếu phổi, và lại chơi nhạc trong hội Đồng ca. Luôn luôn thổi kèn pittông, cái đó có hại lắm.
- A! khi có bệnh, thì không nên thổi kèn pittông.
Sau khi ghi lại mấy lời kể chuyện ấy, Tarrou đặt câu hỏi vì sao Camps lại vào hội Đồng ca, ngược lại quyền lợi hiển nhiên nhất của mình, và vì những lý do sâu xa nào hắn đã phó mặc cả tính mệnh cho những buổi rước lễ Thánh như vậy. Tiếp đấy, Tarrou hình như bị cuốn hút một cách thú vị vào một cảnh tượng thường diễn ra ở cái ban công đối diện với cửa sổ phòng anh. Thật vậy, phòng anh trông ra một con đường ngang nhỏ, nơi những chú mèo đến ngủ dưới bóng những bức tường. Ngày nào cũng như ngày nào, sau bữa ăn trưa, trong lúc toàn thành phố đang mơ mơ màng màng trong cơn nóng bức, thì một ông già nhỏ nhắn xuất hiện trên ban công, phía bên kia đường. Tóc bạc và chải cẩn thận, bộ điệu nghiêm trang và người thẳng đơ trong bộ quần áo cắt theo kiểu nhà binh, ông già gọi “Meo, meo”, giọng vừa cao đạo vừa dịu dàng. Lũ mèo ngửng những cặp mắt còn ngái ngủ lên nhìn, nhưng vẫn không nhúc nhích. Ông già bèn xé nhỏ những mành giấy ném xuống đường. Thế là bị thu hút bởi những mẩu giấy rơi lả tả như những cánh bướm trắng, đàn mèo liền bước ra giữa lòng đường, ngập ngừng giơ chân về phía những mảnh giấy cuối cùng. Lúc đó, ông già nhổ mạnh và chính xác nước bọt lên đám mèo. Hễ nhổ trúng mèo, là ông ta cười vang.
Cuối cùng, Tarrou tỏ ra thực sự thú vị về tính cách buôn bán của cái thành phố mà vẻ bề ngoài, không khí náo nhiệt và ngay cả những thú vui đều như là do nhu cầu thương mại chỉ đạo. Tarrou hoan nghênh tính khác thường ấy (từ “khác thường” này do chính anh ta dùng trong sổ tay) và hơn nữa còn kết thúc một lời ca ngợi của mình bằng thán từ “Thế chứ!” Đây là những chỗ duy nhất mà những lời ghi chép của vị du khách này, vào thời kỳ ấy, có vẻ mang dấu ấn cá nhân. Nhưng có điều là khó có thể đánh giá ý nghĩa và tính chất nghiêm túc của chúng. Chẳng hạn, sau khi kể lại là việc tìm ra một con chuột chết đã khiến cho anh chàng thủ quỹ khách sạn nhầm lẫn trong tính toán, Tarrou viết thêm, với những nét bút không rõ ràng như thường ngày: “Hỏi: làm thế nào để khỏi mất thì giờ? Trả lời: cảm nhận thời gian trong suốt chiều dài của nó. Cách thức: chờ đợi ngày này qua ngày khác trong tiền sảnh của một thầy thuốc nha khoa, trên một chiếc ghế chẳng lấy gì làm êm ái; chiều chủ nhật, phải ngồi thúc thủ trên ban công; nghe những buổi nói chuyện bằng một ngôn ngữ mình không hiểu; chọn những cuộc hành trình dài nhất và thiếu tiện nghi nhất bằng xe lửa và dĩ nhiên là phải đứng xếp hàng lấy vé đi xem biểu diễn sân khấu và không lấy được vé v.v…” Nhưng ngay sau khi có những suy nghĩ hay lời lẽ ra ngoài đề như vậy, những đoạn ghi chép lại miêu tả tỉ mỉ tàu điện trong thành phố, miêu tả hình dạng giống như một chiếc thuyền, màu sắc mờ nhạt, tình trạng dơ bẩn quen thuộc của chúng, và kết thúc những nhận xét ấy bằng một “thật đáng chú ý” chẳng giải thích được gì hết.
Dẫu sao, sau đây là những điều ghi chép của Tarrou về chuyện đàn chuột:
“Hôm nay, ông già nhỏ người ở nhà trước mặt, bối rối. Không thấy mèo đâu nữa. Quả thật chúng đã biến mất và được kích thích bởi những con chuột chết người ta tìm thấy rất nhiều trên đường phố. Theo ý tôi, không có vấn đề mèo ăn chuột chết. Tôi nhớ là mèo của chúng tôi ghét chuột chết. Nhưng không phải vì vậy mà chúng không sục sạo trong các hầm nhà, khiến ông lão bối rối. Bây giờ ông ta chải tóc ít cẩn thận hơn, có vẻ ít tráng kiện hơn. Tôi cảm thấy ông ta lo lắng. Được một lát, ông trở vào nhà. Nhưng trước đó, ông có nhổ nước bọt một lần, vào khoảng không.
“Hôm nay, trong thành phố, một chuyến tàu điện bị chặn lại vì một con chuột không biết bằng cách nào đến chết trong toa tàu. Hai ba phụ nữ rời khỏi tàu. Người ta vứt xác chuột đi. Và tàu lại tiếp tục chạy.
“Ở khách sạn, người gác đêm - một người đáng tin cậy - bảo tôi là ông ta cho rằng một tai họa sẽ ập tới với tất cả lũ chuột ấy. “Khi chuột rời khỏi con tàu biển…” Tôi trả lời là cái đó đúng trong trường hợp tàu biển, nhưng chưa bao giờ được kiểm nghiệm đối với các thành phố. Tuy nhiên niềm tin của ông ta không thay đổi. Tôi hỏi ông tai họa gì sẽ xảy tới. Ông không rõ vì cho rằng tai họa thì không thể dự kiến được. Nhưng giá như một vụ động đất xảy tới thì ông ta cũng không ngạc nhiên. Tôi thừa nhận điều đó có thể xảy ra và ông ta hỏi tôi nếu vậy thì tôi có lo lắng không.
“Điều duy nhất làm tôi quan tâm, tôi trả lời, là làm sao có được sự yên tĩnh nội tâm”.
“Ông ta hoàn toàn hiểu tôi”.
“Ở phòng ăn khách sạn, có trọn vẹn một gia đình rất đáng chú ý. Ông bố là một người đàn ông cao gầy, mặc quần áo màu đen, sơmi cổ cứng. Đỉnh đầu thì hói và hai bên chùm tóc đã ngả muối tiêu. Với đôi mắt tròn xoe và nghiêm khắc, cái mũi mỏng, hai môi mím chặt, ông ta giống như một con cú mèo được nuôi dưỡng cẩn thận. Bao giờ lão cũng đến đầu tiên và đứng trước cửa khách sạn, nép ra một bên nhường chỗ cho vợ, một phụ nữ nhỏ bé như con chuột nhắt đen, rồi mới đi vào, theo sau là hai con, một trai, một gái, cả hai đều ăn mặc kệch cỡm[2]. Đi đến bàn ăn, lão chờ cho vợ ngồi xong mới ngồi, và cuối cùng mới đến lượt hai “cún con” leo tót lên ghế. Lão dùng ngôi thứ hai số nhiều[3] khi nói với vợ con. Với vợ, lão tuôn ra những điều nanh nọc nhưng với lời lẽ lịch sự; còn với con, thì lão dùng những lời thật dứt khoát:
- Nicole, con tỏ ra dễ ghét hết chỗ nói!
“Và con bé chỉ chực òa khóc. Lão ta lại cứ muốn như thế.

------------

[1]Saint-Just (1767 - 1794), chính quyền Pháp, thành viên Ủy ban cứu quốc trong Cách mạng 1789, nổi tiếng về thái độ cố chấp, không nhân nhượng (ND). Các chú thích từ nay về sau là của người dịch.
[2] Nguyên văn: Ăn mặc như những con chó được luyện tập để làm trò.
[3] Trong sinh hoạt của người Pháp, thông thường, khi nói với vợ con và những người thân thiết, người ta dùng ngôi thứ hai số ít.