DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 4

“Sáng nay, câu chuyện lũ chuột kích động hết sức mạnh mẽ thằng bé. Ngồi ở bàn ăn, nó muốn nói một chút về chuyện đó:
- “Philippe, đang ăn, không đuợc nói chuyện chuột. Bố cấm từ nay không đuợc thốt ra cái từ ấy nữa.
“- Bố con nói đúng đấy, “Chuột đen” tiếp lời.
“Hai “cún con” chúi mũi vào đĩa xúp và “Cú mèo” cảm ơn vợ bằng một cái gật đầu hầu nhu vô nghĩa.
“Mặc dù tấm guơng tốt ấy, trong thành phố, nguời ta bàn tán nhiều về chuyện chuột. Cả báo chí cũng nói tới. Những tờ báo địa phuơng, thuờng ngày vốn rất đa dạng, nay hoàn toàn dành cho chiến dịch phản đối tòa thị chính: “Liệu các quan chức ở tòa thị chính có nhận thấy cái hiểm họa mà xác chuột chết thối có thể gây ra không?” Lão chủ khách sạn chỉ có nói tới cái đó. Và cũng vì tức giận nữa. Tìm thấy chuột trên thang máy một khách sạn có danh tiếng, cái đó, đối với lão, không sao có thể tuởng tuợng nổi. Nhằm an ủi lão, tôi bảo: “Nhưng mọi nguời cũng đều trong tình trạng này cả”.
Đúng thế, lão đáp, bây giờ chúng ta cũng như mọi nguời thôi.
“Chính lão nói với tôi về mấy ca đầu tiên của cái bệnh kỳ lạ khiến người ta bắt đầu lo lắng này. Một chị hầu phòng đã bị bệnh.
“Nhưng chắc chắn là không lây, lão vội vã khẳng định.
“Tôi bảo lão là tôi không lấy cái đó làm điều.
A! Tôi rõ. Ngài cũng như tôi. Ngài là người theo thuyết định mệnh.
“Tôi không hề nói gì tương tự, vả lại, tôi không phải là người định mệnh chủ nghĩa. Tôi bảo lão như vậy…”
Từ đây, sổ tay của Tarrou bắt đầu nói với ít nhiều chi tiết về cái bệnh sốt lạ lùng này khiến công chúng đã phải lo lắng. Anh ta ghi là ông già nhỏ bé, cuối cùng đã tìm thấy lại đàn mèo khi lũ chuột biến mất, và kiên nhẫn điều chỉnh hướng nhổ nước bọt của mình. Anh nói thêm là có đến một chục ca sốt như thế và phần lớn là tử vong.
Cuối cùng, với tính cách tham khảo, bạn đọc có thể tái hiện chân dung bác sĩ Rieux qua ngòi bút Tarrou. Theo chỗ chúng tôi nhận thức được, bức chân dung khá chân thực:
“Trông chạc ba nhăm tuổi. Người tầm thước. Vai lực lưỡng. Mặt gần vuông chữ điền. Cặp mắt mầu sẫm và kẻ thẳng, nhưng hàm thì bạnh ra. Mũi to, nở đều. Tóc đen cắt rất cao. Miệng uốn cong với đôi môi dày và hầu như luôn luôn mím chặt. Ông ta hơi có dáng dấp một nông dân vùng Sicile với nước da rám, mái tóc đen và quần áo bao giờ cũng mầu sẫm nhưng rất hợp với ông.
“Ông ta đi nhanh. Từ vỉa hè bước xuống đường vẫn không thay đổi dáng đi, nhưng khi bước lên vỉa hè phía bên kia đường thì thường nhảy nhẹ lên. Đãng trí khi cầm lái ôtô và thường để mũi tên chỉ đường rẽ vẫn dựng lên mặc dù xe đã quặt sang đường. Bao giờ cũng đầu trần. Có vẻ nắm vững tình hình”.
Những con số của Tarrou đều chính xác. Bác sĩ Rieux ít nhiều hiểu ý nghĩa của chúng. Sau khi cách ly xác ông lão gác cổng, ông gọi điện cho Richard để hỏi về mấy ca sốt do hạch ở bẹn gây nên.
- Tôi chẳng hiểu gì hết, Richard bảo. Hai người chết, một sau bốn mươi tám tiếng, một sau ba ngày. Trước đó, một buổi sáng, người thứ hai này có mọi dấu hiệu bề ngoài là đã khỏi bệnh.
- Ông cho tôi biết, nếu có những ca khác, Rieux nói.
Ông gọi điện thêm cho mấy thầy thuốc khác nữa, và trong mấy ngày được biết thêm vài chục ca tương tự. Hầu như tất cả bệnh nhân đều tử vong. Ông liền yêu cầu Richard, chủ tịch tổ chức các thầy thuốc ở Oran, cách ly những bệnh nhân mới.
- Nhưng tôi chẳng làm gì được, Richard bảo. Phải có những biện pháp của quận. Vả lại, ai nói với ông là có nguy cơ truyền nhiễm?
- Không có gì nói với tôi cả, nhưng các triệu chứng rất đáng lo ngại.
Song Richard cho là “ông ta không có đủ tư cách”. Ông ta chỉ có thể báo cáo lên thành phố.
Nhưng trong lúc đó, thời tiết ngày mỗi xấu thêm. Sau khi ông lão gác cổng chết được một hôm, mây mù che kín bầu trời. Những cơn mưa ngắn xối xả đổ ập xuống thành phố; tiếp theo sau là cơn nóng bức báo hiệu giông bão. Biển cũng mất đi cái mầu xanh biếc, và dưới bầu trời âm u, nó lóe lên những ánh bạc hoặc thép sáng chói. Cái nóng bức ẩm ướt của mùa xuân khiến người ta mong ước mặt trời mùa hạ. Một không khí buồn đến tê tái bao phủ Oran, cái thành phố xây theo hình trôn ốc trên cao nguyên và chỉ hơi ngoảnh ra biển. Giữa những bức tường dài lở lói, trên những đường phố với những tủ kính bày hàng bụi bặm, trên những toa tàu điện một mầu vàng cáu bẩn, người ta cảm thấy ít nhiều bị bầu trời cầm tù. Riêng chỉ có ông lão bệnh nhân của Rieux là chiến thắng được cơn suyễn để thích thú với cái thời tiết này.
- Trời như thiêu ấy, lão nói, thế là tốt cho cuống phổi lắm.
Quả là trời như thiêu, nhưng không hơn không kém một cơn sốt. Cả thành phố lên cơn sốt, chí ít đó cũng là cái ấn tượng nó đeo đuổi bác sĩ Rieux, vào cái buổi sáng ông đến phố Faidherbe dự cuộc điều tra về ý đồ tự tử của Cottard. Nhưng ông cảm thấy ấn tượng ấy là phi lý. Ông cho nguyên nhân là trạng thái bực bõ, và công việc bận rộn túi bụi của mình và ông thấy phải cấp thiết chỉnh đốn lại chút ít những ý tưởng trong đầu.
Khi ông đến thì cảnh sát trưởng chưa có mặt. Grand chờ ông trên thang gác và hai người quyết định vào nhà anh ta trước và cứ để cửa mở. Người nhân viên tòa thị chính này ở hai buồng, đồ đạc sơ sài. Chỉ thấy có một giá sách bằng gỗ thông với hai ba cuốn từ điển, và một cái bảng đen trên đó còn mấy từ “lối đi đầy hoa” lau xóa dở dang. Theo Grand, Cottard đã ngủ một đêm ngon. Nhưng sáng dậy, kêu đau đầu và không có được một phản ứng nào hết. Grand có vẻ mệt mỏi và bồn chồn đi lui đi tới, mở ra, gập lại một tập hồ sơ dày đầy những trang bản thảo đặt trên mặt bàn.
Tuy nhiên anh cũng kể với bác sĩ là anh không biết rõ Cottard nhưng anh nghĩ là hắn có ít nhiều của cải. Cottard là một con người kỳ cục. Trong một thời gian dài, quan hệ giữa họ chỉ là mấy câu chào hỏi nhau trên cầu thang.
- Tôi chỉ nói chuyện với hắn có hai lần. Cách đây vài hôm, khi mang một hộp phấn về nhà, tôi làm đổ trên cầu thang. Cả những viên phấn đỏ lẫn phấn xanh. Lúc đó, Cottard bước ra cầu thang và giúp tôi nhặt phấn. Hắn hỏi tôi những viên phấn màu sắc khác nhau ấy dùng để làm gì.
Grand giải thích với hắn là anh thử học lại tiếng latinh. Tri thức của anh đã mờ nhạt hết từ sau khi rời nhà trường trung học.
- Vâng, anh nói với bác sĩ, người ta bảo tôi học tiếng latinh có lợi cho việc hiểu rõ hơn nghĩa của từ trong tiếng Pháp. Anh viết các từ latinh lên bảng. Bộ phận nào của từ biến đổi theo biến cách và biến ngôi, thì anh chép bằng phấn xanh; còn bộ phận nào không bao giờ biến đổi, thì bằng phấn đỏ.
- Tôi không rõ Cottard có thật hiểu không, nhưng hắn tỏ ra chú ý và hỏi xin tôi một viên phấn đỏ. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng dẫu sao… Dĩ nhiên tôi không thể đoán được là cái đó có thể phục vụ cho dự định của hắn.
Rieux hỏi trong buổi gặp nhau lần thứ hai, hai người nói chuyện gì. Nhưng cảnh sát trưởng, có thư ký đi theo, đã tới. Trước hết, ông ta muốn nghe lời khai của Grand. Bác sĩ Rieux nhận thấy khi nói về Cottard, bao giờ Grand cũng gọi hắn là “anh chàng tuyệt vọng”. Có lúc, anh ta còn dùng ngữ đoạn “quyết định bất hạnh”. Họ thảo luận về lý do tự sát và Grand tỏ ra rất tỉ mẩn trong việc chọn từ. Cuối cùng họ thỏa thuận dùng mấy từ “nỗi buồn thầm kín”. Cảnh sát trưởng hỏi trong thái độ của Cottard có gì cho thấy cái mà hắn gọi là “quyết định” của hắn không.
- Hôm qua, hắn gõ cửa xin tôi diêm, Grand đáp.
Tôi đưa hắn bao diêm. Hắn xin lỗi và nói hàng xóm với nhau… Rồi cặn kẽ bảo tôi là hắn sẽ trả lại. Tôi bảo hắn cứ giữ lấy.
Cảnh sát trưởng hỏi Grand có thấy Cottard là người kỳ cục không.
- Điều tôi thấy kỳ cục là hắn có vẻ muốn bắt chuyện. Nhưng tôi, tôi đang bận việc.
Grand quay về phía bác sĩ và, vẻ lúng túng, nói thêm:
- Một công việc riêng.
Cảnh sát trưởng muốn gặp người bệnh. Nhưng Rieux cho là nên chuẩn bị tinh thần cho hắn đối với buổi tiếp xúc. Khi ông bước vào phòng hắn, thì hắn mặc bộ flanen màu xám, ngồi nhổm dậy trên giường và quay ra phía cửa, bộ mặt lo âu.
- Cảnh sát hả?
- Đúng. Rieux đáp, và ông đừng băn khoăn. Một vài thủ tục và người ta để ông yên thôi.
Nhưng Cottard đáp là cái đó chẳng để làm gì hết và hắn không ưa cảnh sát. Rieux tỏ vẻ sốt ruột.
- Tôi cũng chẳng ưa. Vấn đề là trả lời nhanh và đúng đắn những câu hỏi của họ, để không bao giờ phải lặp lại nữa. Cottard lặng im và bác sĩ quay ra cửa. Nhưng anh chàng bé nhỏ gọi ông trở lại và nắm lấy tay ông khi ông đến bên giường:
- Không ai được đụng đến một người bệnh, một người vừa mới treo cổ, có phải thế không, bác sĩ?
Rieux nhìn hắn một lúc và cuối cùng bảo đảm với hắn là không hề có vấn đề như vậy, vả lại, ông có mặt ở đây là để bảo vệ người bệnh. Hắn có vẻ bớt lo lắng và Rieux đưa cảnh sát trưởng vào.
Người ta đọc cho Cottard nghe lời khai của Grand và hỏi hắn có thể nói rõ nguyên nhân việc hắn tự sát không. Không nhìn cảnh sát trưởng, hắn chỉ trả lời “nỗi buồn thầm kín thế là rất đúng”. Cảnh sát trưởng vội hỏi hắn có ý định làm lại nữa không. Cottard hăng lên trả lời “không” và bảo hắn chỉ muốn người ta để hắn yên.
- Tôi lưu ý ông, cảnh sát trưởng đáp, giọng bực bội, là hiện nay, chính ông là người không để người khác yên. Nhưng Rieux ra hiệu và cảnh sát trưởng không nói gì thêm.
- Ông nghĩ xem, cảnh sát trưởng thở dài và nói khi đi ra, từ khi người ta bàn tán về cái bệnh sốt ấy, chúng ta còn những công việc khác quan trọng hơn phải lo…
Ông ta hỏi bác sĩ tình hình có nghiêm trọng không và Rieux trả lời là ông không hay biết gì hết
- Vì thời tiết đấy, chỉ có thế thôi, viên cẩm kết luận.
Dĩ nhiên, vì thời tiết thôi. Càng về trưa, mọi cái sờ vào càng thấy nhớp nháp và Rieux cảm thấy mỗi lần đi thăm người bệnh là một lần nỗi lo ngại của mình tăng thêm. Cũng tối hôm đó, ở ngoại thành, gần nhà ông lão bị hen suyễn, một người bỗng thấy đau nhói ở bẹn và nôn oẹ trong cơn mê sảng. Những cục hạch nổi lên, lớn hơn nhiều hạch của ông lão gác cổng. Một cái bắt đầu làm mủ, và sau đó, vỡ ra như một trái cây thối rữa. Về tới nhà, Rieux gọi điện cho kho thuốc của tỉnh, sổ tay nghiệp vụ của ông vào thời điểm ấy chỉ ghi: “Trả lời không có thuốc”. Vả lại, những nơi khác cũng đã mời ông vì những ca tương tự. Hiển nhiên là phải mổ apxe. Hai nhát dao mổ chéo nhau, thế là máu mủ từ hạch tuôn ra. Người bệnh mất máu quằn quại, ở bụng và chân xuất hiện những nốt lấm chấm, một cái hạch thôi không chảy mủ nữa, rồi sưng trở lại. Thường thì người bệnh chết, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
Báo chí, mấy lúc xôn xao bàn tán về chuyện chuột, thế mà nay lại im hơi lặng tiếng. Như vậy là vì chuột thì chết ngoài đường phố còn người ta thì chết trong nhà. Và báo chí chỉ lo việc ngoài đường phố. Nhưng quận và thị chính bắt đầu lo lắng. Chừng nào mỗi thầy thuốc chỉ mới biết có hai ba ca thì chưa một ai nhúc nhích. Nhưng cuối cùng chỉ cần một ai đó nghĩ tới làm một phép cộng. Con số thu được thật hãi hùng. Chỉ mới vài ngày mà đã không biết bao ca tử vong và những ai quan tâm đến cái tai họa kỳ quái này đều thấy hiển nhiên đây là một bệnh dịch thực sự. Chính đó là lúc Castel, một đồng nghiệp lớn tuổi hơn Rieux nhiều, đến thăm ông.
- Này Rieux, Castel nói, dĩ nhiên ông biết đây là cái gì rồi chứ?
- Tôi còn chờ kết quả phân tích.
- Tôi, thì tôi biết. Và tôi không cần phân tích. Tôi đã hành nghề một thời gian ở Trung Quốc, và tôi đã gặp mấy ca ở Paris, cách đây vài chục năm. Chỉ có điều là hiện nay, người ta chưa dám đặt tên cho chúng. Dư luận công chúng là thiêng liêng: đừng hốt hoảng, nhất là đừng hốt hoảng. Và như một bạn đồng nghiệp đã nói: “Không thể được, ai cũng biết là nó đã biến khỏi phương Tây”. Đúng, ai cũng biết điều đó, trừ người chết. Này ông Rieux, ông cũng biết như tôi đó là cái gì rồi.
Rieux trầm tư. Từ ô cửa sổ phòng làm việc, ông nhìn vách đá dốc khép lại ở vùng biển xa xa. Bầu trời tuy màu xanh nhưng lại tỏa ra một thứ ánh sáng mờ nhạt và càng về chiều càng thêm mờ nhạt.
- Đúng, ông Castel ạ. Rieux nói, khó có thể tin được. Nhưng chắc là dịch hạch thôi.
Castel đứng dậy, đi ra cửa, nói thêm:
- Ông biết người ta sẽ trả lời chúng ta thế nào chứ? “Nó đã biến khỏi các nước ôn đới từ nhiều năm nay rồi”.
- Biến khỏi, thế nghĩa là thế nào? Rieux nhún vai đáp.
- Đúng. Và ông đừng quên là: ở cả Paris nữa, chỉ mới cách đây chưa tới hai chục năm.
- Được. Chúng ta hy vọng bây giờ không đến nỗi nghiêm trọng hơn lúc đó. Nhưng quả thật không sao có thể tin được. Cái từ “dịch hạch” lần đầu tiên được người ta gọi tên. Đến lúc này, trong khi Bernard Rieux đang trầm ngâm sau ô cửa sổ, xin bạn đọc cho phép người kể chuyện biện hộ cho thái độ nghi hoặc và kinh ngạc của ông, vì tuy với những sắc thái khác nhau, sự phản ứng của ông cũng là sự phản ứng của số đông đồng bào chúng tôi. Quả vậy tai họa là điều thường xảy tới, nhưng nguời ta khó tin là tai họa khi nó đổ ập xuống đầu mình. Trên thế giới, dịch hạch cũng nhiều như chiến tranh. Thế nhưng đứng trước dịch hạch và chiến tranh, người ta vẫn luôn luôn bất ngờ. Bác sĩ Rieux cũng bất ngờ như đồng bào của chúng tôi, và vì vậy chúng tôi hiểu vì sao ông phân vân giữa lo âu và tin tưởng. Khi chiến tranh nổ ra, người ta bảo nhau: “Không lâu đâu, vì thật là quá ngu dại!” Và dĩ nhiên chiến tranh là quá ngu dại, nhưng không phải vì vậy mà chiến tranh không kéo dài. Sự ngu dại vẫn dai dẳng, người ta sẽ thấy điều đó nếu như người ta không luôn luôn nghĩ tới bản thân mình, về phương diện này, đồng bào chúng tôi cũng như thiên hạ, họ nghĩ đến bản thân họ, nói cách khác, họ là những người nhân văn chủ nghĩa: họ không tin là có tai họa. Tai họa không hợp với con người, bởi vậy người ta đinh ninh tai họa là không có thật, mà chỉ là một giấc mơ xấu và sẽ qua đi. Nhưng không phải bao giờ nó cũng qua đi, và từ giấc mơ xấu này đến giấc mơ xấu khác, chính là con người “qua đi”, và trước hết là những người nhân văn chủ nghĩa, vì họ không đề phòng. Đồng bào chúng tôi không có tội hơn những ngƣời khác, chỉ có điều là họ không còn khiêm tốn nữa, họ nghĩ rằng cái gì họ cũng có thể làm được, và như vậy là giả định rằng tai họa không thể xảy ra. Họ tiếp tục làm apphe, chuẩn bị những cuộc du lịch và có ý kiến này nọ. Như thế thì làm sao họ có thể nghĩ tới dịch hạch khi nó làm tiêu tan tương lai, ngăn trở những cuộc hành trình và những buổi tranh luận. Họ cứ tưởng mình được tự do, nhưng chừng nào còn tai họa thì không một ai có tự do.
Ngay khi thừa nhận với bạn là một nhúm người bệnh phân tán vừa mới chết vì dịch hạch mà không hề biết trước, bác sĩ Rieux vẫn cho là hiểm họa không có thực. Nhưng là thầy thuốc, người ta có khái niệm về sự đau đớn và có nhiều trí tưởng tượng hơn một chút. Nhìn qua ô cửa sổ, thành phố quê hương không thay đổi, ông cũng chỉ mới thấy phảng phất một chút đau lòng trước tương lai, cái nỗi đau lòng mà người ta thường gọi là lo âu. Ông cố tập hợp lại trong óc tất cả những gì ông biết về chứng bệnh này. Những con số bồng bềnh trong trí nhớ, ông nhớ lại là ba chục nạn dịch hạch nghiêm trọng xảy ra trong quá trình lịch sử đã giết chết một trăm triệu người. Nhưng một trăm triệu người là cái gì? Khi gây ra chiến tranh, hầu như người ta chưa rõ thế nào là một người chết. Và vì một người chết chỉ có “trọng lượng” khi người ta chứng kiến anh ta chết, nên một trăm triệu xác chết rải rác trong quá trình lịch sử chỉ là một đám khói trong trí tưởng tượng. Rieux nhớ lại vụ dịch hạch ở Constantinople. Theo Procope[4], nó đã giết hại trong một ngày mười nghìn người. Mười nghìn người tức là năm lần số khán giả của một rạp chiếu bóng lớn. Phải chăng nên tính toán theo kiểu đó? Thử tập trung khán giả lại khi họ bước ra khỏi năm rạp chiếu bóng lớn, dẫn họ tới một quảng trường của thành phố và giết chết họ từng đống để thấy rõ hơn một chút. Ít nhất lúc đó cũng có thể nhận ra những khuôn mặt quen thuộc trong cái đống người vô danh ấy. Nhưng dĩ nhiên không thể làm như thế, hơn nữa ai nhận biết được mười nghìn khuôn mặt? Vả lại, những người như Procope không biết tính đếm, ai cũng rõ điều đó. Trước đây bảy mươi năm, ở Quảng Châu, bốn nghìn con chuột bị chết vì dịch hạch trước khi tai họa đụng tới con người. Nhưng năm 1871, người ta chưa có cách tính đếm số chuột. Người ta chỉ ước lượng, trên đại thể, và nhất định có nhầm lẫn. Thế nhưng nếu một con chuột dài tới ba mươi centimét thì bốn nghìn con chuột xếp nối đuôi nhau sẽ thành…
Nhưng bác sĩ Rieux sốt ruột. Ông đâm nản lòng và cũng chẳng nên tính toán như thế làm gì. Một vài trường hợp riêng lẻ đâu tạo thành dịch tễ và chỉ cần đề phòng là đủ. Chỉ nên dừng lại ở những điều mình biết mà thôi: tình trạng sững sờ và liệt nhược, mắt đỏ, miệng thối, đầu đau với những cái hạch xoài, những cơn khát khủng khiếp, những cơn mê sảng, những nốt lấm chấm trên người, nỗi đau đớn trong nội tạng, và sau tất cả những cái đó… Sau tất cả những cái đó, một câu nói trở lại trong óc bác sĩ Rieux, một câu nói kết thúc, trong cuốn sách giáo khoa của ông, bảng liệt kê các triệu chứng: “Mạch lăn tăn và chỉ cần một động tác cỏn con là ngƣời bệnh chết”. Đúng, sau tất cả những cái đó, người bệnh như nghìn cân treo sợi tóc và ba phần tư số bệnh nhân - đây là con số chính xác - không kiên nhẫn được đành làm cái động tác hết sức nhỏ nhoi chết người ấy.
Bác sĩ Rieux vẫn nhìn qua cửa sổ. Bên kia tấm kính, là bầu trời mùa xuân mát mẻ, nhưng bên này, trong phòng vẫn vang lên cái từ: dịch hạch. Cái từ ấy không chỉ chứa đựng những điều khoa học muốn đưa vào trong đó, mà còn cả một dãy dài những hình ảnh kỳ lạ không hòa hợp với cái thành phố này, một thành phố vừa màu vàng, vừa màu xám, lúc này nhộn nhịp một cách vừa phải, rì rào hơn là ồn ã, tóm lại là sung sướng, nếu như người ta có thể vừa sung sướng vừa buồn bã. Và một bầu không khí yên tĩnh, thanh bình đến thế và cũng thờ ơ đến thế hầu như chẳng khó khăn gì mà không phủ nhận những hình ảnh tai họa thuở xưa: thành Athens bị dịch hạch và vắng bóng chim muông, những thành phố Trung Hoa đầy rẫy những người hấp hối im lặng, những người tù khổ sai ở Marseille chất đống những xác chết đang rỉ nước xuống hố, bức tường lớn xây ở Provence[5] để ngăn cản ngọn gió dịch hạch hung hãn, Jaffa[6] với đám hành khất gớm guốc, những chiếc giường ẩm ướt và mục ruỗng thấp lè tè sát nền đất nện trong bệnh viện Constantinople[7] những người bệnh bị lôi đi bằng những chiếc móc, đoàn thầy thuốc, đeo mặt nạ trong thời kỳ nạn Dịch hạch đến, những cuộc giao hợp của người sống trong khu nghĩa địa Milan[8], những cỗ xe bò chở xác chết trong thành phố Luân Đôn kinh hoàng, và những ngày, những đêm vang động, ở mọi nơi, mọi lúc, tiếng kêu vô tận của những con người. Không, tất thảy những cái đó vẫn chưa đủ sức tiêu diệt cái cảnh thanh bình của ngày hôm ấy. Phía bên kia cửa kính, tiếng chuông một đoàn tàu điện không nhìn thấy đâu bỗng vang lên trong giây lát bác bỏ tàn bạo và đau thương. Chỉ có mặt biển, ở cuối những khu nhà bố trí như bàn cờ, là chứng tỏ tình hình đáng lo ngại và không bao giờ yên ổn trên thế gian này. Và nhìn ra vịnh, bác sĩ Rieux nghĩ tới những cái dàn thiêu mà Lucrèce[9] nói tới và do người Athènes - bị bệnh tật hành hạ - dựng lên trên bãi biển. Ban đêm người ta mang người chết tới, nhưng thiếu chỗ nên người sống dùng những bó đuốc đánh nhau để đặt vào dàn thiêu xác những người thân của mình, gây ra những cuộc huyết chiến, chứ không chịu bỏ rơi cái xác chết của họ. Chúng ta có thể hình dung những cái dàn thiêu đỏ rực trước mặt nước sẫm màu và yên tĩnh, những trận kịch chiến bằng đuốc trong đêm tối với tiếng lốp bốp của những tia lửa và những làn hơi dày đặc bị đầu độc bốc thẳng lên tận bầu trời đăm chiêu. Người ta đâm hoảng sợ…
Nhưng cái choáng ngợp ấy không đứng vững trước lý trí. Quả là cái từ “dịch hạch” đã được thốt lên, quả là chính vào giây phút này, tai họa quật ngã một hai nạn nhân. Nhưng chẳng sao, tai họa có thể phải chấm dứt. Điều cần làm là thừa nhận rõ ràng cái cần phải được thừa nhận, cuối cùng xua đuổi những bóng ma vô dụng và thi hành những biện pháp thích hợp. Sau nữa, dịch hạch sẽ chấm dứt vì nó đâu phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hay của một sự bày đặt lệch lạc. Nếu nó chấm dứt - và rất có thể như thế - thì tất cả sẽ tốt lành. Nếu không thì người ta sẽ rõ nó là cái gì và sẽ biết có thể lúc đầu thu xếp với nó để về sau đánh bại nó hay không.
Bác sĩ Rieux mở cửa sổ. Đột nhiên vang động tiếng ồn ã trong thành phố. Từ một xưởng thợ bên cạnh nổi lên tiếng rít xoèn xoẹt của một chiếc cưa máy, Rieux quyết hành động. Niềm tin là ở hành động, ở trong công việc hàng ngày. Phần còn lại tùy thuộc vào những đường dây và những động tác vô nghĩa. Không thể dừng bước ở đấy. Cái chủ yếu, là làm tốt nghề nghiệp của mình.
Bác sĩ Rieux đang trong vòng suy tưởng ấy thì được báo là Joseph Grand tới. Là nhân viên ở tòa thị chính, và tuy công việc hết sức đa dạng, anh được sử dụng theo định kỳ ở cơ quan thống kê và hộ tịch. Do vậy anh phải làm những con số cộng về tử vong. Và vốn bản tính ân cần, anh nhận đích thân mang một bản sao kết quả ghi chép đến cho Rieux.
Rieux thấy Grand cùng bước vào với người hàng xóm của anh là Cottard. Grand huơ lên một tờ giấy:
- Thưa bác sĩ, con số đã tăng lên: mười một người chết trong bốn mươi tám tiếng.
Rieux chào Cottard và hỏi hắn thấy trong ngƣời thế nào. Grand trình bày là Cottard muốn cảm ơn bác sĩ và xin lỗi đã làm phiền ông. Nhưng Rieux nhìn tờ thống kê:
- Nào, ông bảo, có lẽ chúng ta phải bắt đầu gọi cái bệnh này bằng tên gọi của nó đi thôi. Đến nay, chúng ta đã giẫm chân tại chỗ mãi rồi. Nhưng mời ông cùng đi với tôi, tôi phải đến phòng thí nghiệm.
- Vâng, vâng, Grand vừa đáp vừa bước xuống cầu thang theo sau bác sĩ. Phải gọi các sự vật bằng tên gọi của chúng thôi. Nhưng tên gọi đó là gì?
- Tôi không thể nói với ông, vả lại, cái đó chẳng ích lợi gì đối với ông cả.
- Ông thấy đấy, người nhân viên thị chính mỉm cười đáp. Việc đó không dễ dàng như thế đâu.
Họ đi về phía quảng trường Duyệt binh. Cottard vẫn im lặng. Đường phố bắt đầu đông ngƣời. Chút hoàng hôn thoáng qua ở đất nước chúng tôi đã nhường chỗ cho bóng đêm, và những vì sao đầu tiên đã mọc đằng chân trời còn rõ nét. Mấy giây đồng hồ sau, các ngọn đèn đường được thắp sáng làm bầu trời tối om lại và tiếng trò chuyện như vút cao thêm một cung bậc.
- Xin lỗi bác sĩ, Grand nói khi tới chỗ rẽ quảng trường Duyệt binh. Nhưng tôi phải đáp tàu điện. Các buổi tối của tôi là thiêng liêng. Như người ta thường nói ở xứ sở chúng tôi: “Không bao giờ nên để sang ngày mai…”
Rieux biết Grand - sinh trưởng ở Montélimar[10] - có thói quen dùng những thành ngữ của xứ sở mình và đưa thêm vào những công thức vô vị không ở đâu dùng cả như “một thời kỳ mơ mộng” hay “một ánh sáng thần tiên”.
- A! Cottard thốt lên, đúng thế. Không bao giờ lôi được anh ta ra khỏi nhà sau bữa ăn tối.
Rieux hỏi Grand có phải anh làm việc cho tòa thị chính không. Grand đáp là không: anh làm việc cho chính mình.
- A! Rieux nói để cho có nói, công việc có tiến triển không?
- Tất nhiên là có, từ bao ngày tháng tôi đã bỏ công sức vào đó. Mặc dù, ở một mặt khác, chẳng tiến bộ được bao nhiêu.
- Nhưng, tóm lại, là vấn đề gì vậy? Bác sĩ dừng bước và hỏi.
Grand lúng búng trong miệng trong lúc sửa lại chiếc mũ tròn trên đôi tai to tướng. Và Rieux hiểu hết sức mơ hồ là có một cái gì đó thuộc phạm vi phát triển một nhân cách. Nhưng anh chàng nhân viên đã từ giã họ và đi ngược đại lộ sông Marne, dưới rặng cây vả, dáng đi vội vàng. Đến trước cửa phòng thí nghiệm, Cottard nói với bác sĩ là muốn gặp ông để nhờ ông khuyên giải. Tay mân mê tờ giấy thống kê trong túi, Rieux bảo hắn đến phòng khám, nhưng lại thay đổi ý kiến, nói với hắn ngày mai ông sẽ đến khu phố hắn và vào cuối buổi chiều sẽ đến thăm hắn.
Chia tay Cottard, bác sĩ thấy mình nghĩ tới Grand. Ông hình dung anh ta giữa một nạn dịch hạch, không phải nạn dịch hạch hiện nay - chắc hẳn không nghiêm trọng - mà là giữa một trong những nạn dịch hạch nghiêm trọng nhất của lịch sử. “Đây là loại người được miễn trừ trong những trường hợp ấy”. Ông nhớ có đọc ở đâu đó là dịch hạch không đụng tới những thể chất yếu đuối và chủ yếu hủy hoại những cơ thể cường tráng. Và tiếp tục suy nghĩ về Grand, ông thấy anh chàng nhân viên này có chút ít dáng dấp bí ẩn.
Thật vậy, thoạt nhìn, Joseph Grand chỉ có dáng dấp một tiểu viên chức thị chính. Người cao và gầy, anh như “bơi” giữa đám quần áo mà bao giờ anh cũng chọn thật rộng, với cái ảo tưởng như thế thì dùng được bền hơn. Răng hàm dưới hầu như con nguyên, nhưng răng hàm trên thì mất hết. Bởi vậy khi cười - nụ cười chủ yếu nâng môi trên lên - miệng anh trở thành như một cái lỗ hang tối om.

------------------

[4] Nhà sử học xứ Bizance (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) thế kỷ VI, viết về nạn dịch hạch ở thủ đô nước Thổ (542) trong cuốn Chiến tranh chống người Ba Tư.
[5] Một tỉnh ở miền Nam nước Pháp.
[6] Thành phố Palestine.
[7] Tên ngày xưa của thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
[8] Thành phố Italie.
[9] Tên nhà thờ La mã trước C.N.
[10] Một vùng đông nam nước Pháp.