DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 5

Nếu thêm vào bức chân dung ấy dáng dấp của một anh chàng học sinh chủng viện, cái lối đi nép sát vào tường và lọt thỏm vào cửa, cái mùi vị hầm nhà và ám khói, tất cả cái điệu bộ vô thưởng vô phạt, thì người ta phải thừa nhận là chỉ có thể hình dung anh ta ngồi trước bàn giấy, chăm chú soát lại giá tiền những buổi tắm công cộng trong thành phố hoặc tập hợp lại cho một người biên soạn trẻ tuổi những yếu tố của một bản báo cáo về khoản lệ phí thu dọn rác bẩn trong nhà. Một người dù không có thiên kiến cũng sẽ nghĩ anh ta hình như sinh ra để làm nhiệm vụ âm thầm nhưng cần thiết của người phụ việc ở tòa thị chính, công ngày bảy mươi hai frăng ba mươi xu.
Grand kể lại là anh đã ghi như thế trên các tờ chấm công, sau cái từ “đánh giá”. Hai mươi hai năm về trước, sau khi đỗ xong bằng cử nhân và vì không có tiền để học tiếp, anh phải nhận làm công việc này, và người ta hứa sẽ nhanh chóng đưa anh vào “chính ngạch”. Anh chỉ cần trong một thời gian, tỏ rõ năng lực trong những vấn đề khó khăn đặt ra trong công việc quản lý thành phố chúng tôi. Về sau, anh không thể không với tới - người ta bảo đảm với anh như vậy - cái chân biên soạn khiến anh có thể sống thoải mái. Dĩ nhiên, không phải vì tham vọng mà Joseph Grand đã hành động - anh cam đoan điều đó với một nụ cười rầu rĩ - Nhưng anh rất thú vị viễn cảnh một cuộc sống vật chất được bảo đảm bằng những phương kế lương thiện, nó có thể giúp anh làm những công việc mình ưa thích mà không bị lương tâm cắn rứt. Sở dĩ anh nhận điều người ta đề nghị, là vì những lý do thích đáng, và có thể nói là vì lòng trung thành với một lý tưởng.
Tình trạng tạm thời này đã kéo dài biết bao năm tháng, giá cả đã tăng lên không biết bao nhiêu, nhưng tiền công của Grand vẫn ít ỏi mặc dù một vài lần tăng lương nói chung. Anh có lần phàn nàn với Rieux, nhưng không một ai lưu ý. Đây chính là nét độc đáo, hay chí ít cũng là dấu hiệu nét độc đáo của Grand. Thật vậy, nếu không đòi những cái quyền không lấy gì làm chắc chắn lắm, thì ít nhất anh cũng có thể viện những lời cam đoan người ta đã nói với anh. Nhưng trước hết, viên chủ sự tuyển dụng anh đã chết từ lâu, vả lại, anh cũng không nhớ chính xác những lời người ta hứa hẹn. Cuối cùng, và nhất, Grăng không tìm đƣợc từ để diễn đạt.
Đấy là đặc điểm nổi bật nhất trong chân dung anh chàng đồng bang chúng tôi, như Rieux đã từng nhận thấy. Thật vậy, chính cái đặc điểm ấy đã ngăn cản mãi, không cho anh viết bức thư khiếu nại mà anh từng suy ngẫm, hoặc chạy vạy khi cần thiết. Theo lời anh, thì đặc biệt anh thấy mình không được phép dùng cái từ “quyền” mà anh không tin chắc, cũng như cái từ “lời hứa”, từ này bao hàm là anh đòi nợ và vì vậy có tính chất táo bạo, ít thích hợp với công việc hèn mọn anh được giao. Mặt khác, anh không chịu dùng những từ “hảo tâm”, “khẩn nguyện”, “tri âm”, mà anh cho là không phù hợp với nhân cách của mình. Cứ như thế, vì không tìm được cái từ chính xác, anh chàng đồng bang chúng tôi tiếp tục làm cái chức trách vô danh tiểu tốt của mình cho đến lúc tuổi đã khá lớn. Vả lại - và vẫn theo lời anh ta nói với bác sĩ Rieux, - dẫu sao, do thói quen, anh thấy đời sống vật chất của mình vẫn được bảo đảm, vì xét cho cùng, chỉ cần khả năng của mình có được tới đâu thì mình giới hạn nhu cầu của mình tới đó. Vì vậy anh thừa nhận sự đúng đắn của một trong những từ ưa dùng của ông thị trưởng, một nhà công nghiệp lớn trong thành phố chúng tôi. Ông ta cương quyết khẳng định rằng cuối cùng (và ông ta nhấn mạnh cái từ mang toàn bộ sức nặng của lập luận này), chưa bao giờ người ta thấy một ai chết đói cả. Thật vậy, dẫu sao, cuối cùng, cuộc sống hầu như khổ hạnh của Joseph Grand cũng giải thoát anh khỏi mọi lo toan thuộc phạm vi ấy. Anh tiếp tục tìm kiếm các từ cho mình.
Ở một mặt nào đó, có thể khẳng định cuộc sống của anh là gương mẫu. Anh thuộc lớp người - hiếm thấy trong thành phố chúng tôi cũng như ở chỗ khác - luôn luôn dám bày tỏ những tình cảm tốt đẹp của mình. Thật vậy, chút ít những điều anh tâm sự về mình chứng tỏ tấm lòng nhân hậu và những tình cảm yêu thương mà ngày nay không ai dám tỏ bày. Anh không hề hổ thẹn khi thú nhận anh yêu thương mấy đứa cháu họ và người chị gái, người thân duy nhất còn lại và cứ hai năm một lần anh về thăm trên đất Pháp. Anh thừa nhận kỷ niệm về bố mẹ anh, mất khi anh còn ấu thơ, làm anh phiền muộn. Anh không chối cãi việc anh cho là anh yêu mến hơn hết một cái chuông trong khu phố mình, cái chuông cứ khoảng năm giờ chiều là lảnh lót ngân vang. Nhưng để gợi lại những cảm xúc hết sức đơn sơ như vậy, anh phải vất vả, không biết bao nhiêu khi đi tìm một từ. Cuối cùng, nỗi vất vả ấy là mối quan tâm lớn nhất của anh. “A! thưa bác sĩ, anh nói, tôi thiết tha muốn tập cách diễn đạt biết chừng nào”. Mỗi lần gặp Rieux là một lần anh lại nói điều đó.
Tối hôm ấy, nhìn anh bước đi, bác sĩ Rieux bỗng hiểu Grand muốn nói gì: chắc hẳn anh chàng viết một cuốn sách hay một cái gì tương tự. Điều đó làm Rieux yên tâm trên suốt đoạn đường đi tới phòng thí nghiệm. Ông hiểu cái ấn tượng ấy là ngốc nghếch nhưng không sao có thể tin là dịch hạch có thể xảy ra thực sự ở một thành phố có những viên chức khiêm tốn theo đuổi những thói quen tốt đẹp. Quả là ông không hình dung những thói quen ấy tồn tại giữa lúc dịch bệnh, và vì vậy, phán đoán rằng trên thực tiễn, dịch hạch không thể xảy ra đối với đồng bào chúng tôi.
Ngày hôm sau, do Rieux khẩn thiết yêu cầu - một yêu cầu bị coi là không thỏa đáng, - một hội đồng y tế được triệu tập ở tỉnh.
- Quả là dân chúng có lo lắng, Richard thừa nhận. Và trong những lúc chuyện phiếm, người ta cường điệu đủ mọi thứ. Ông thị trưởng bảo tôi: “Nếu các ngài muốn thì làm nhanh lên, nhưng trong im lặng”. Vả lại, rõ ràng đây là một trường hợp báo động sai lầm.
Bernard Rieux lái xe đưa Castel cùng đi lên thành phố.
- Ông có biết là tỉnh ta không có huyết thanh không? Castel hỏi.
- Tôi biết, Rieux đáp. Tôi đã gọi điện cho kho thuốc. Tay giám đốc như từ trên mây rơi xuống. Cần phải đưa huyết thanh từ Paris về.
- Tôi hy vọng sẽ có sớm.
- Tôi đã đánh điện, Rieux đáp. Ông thị trưởng tỏ ra lịch sự nhưng có vẻ nôn nóng.
- Mời các ngài, chúng ta bắt đầu, ông ta tuyên bố. Tôi có phải tóm tắt lại tình hình không?
Richard cho là không cần thiết. Các thầy thuốc đều đã nắm được tình hình. Chỉ cần đặt vấn đề phải thi hành những biện pháp gì.
- Vấn đề là tìm hiểu có phải là dịch hạch hay không, ông già Castel gay gắt nói.
Hai ba thầy thuốc kêu lên. Những người khác hình như ngập ngừng. Còn ngài thị trưởng thì giật nẩy người lên và bất giác quay mặt ra cửa, như để kiểm tra xem cửa có ngăn cản được cái tin gớm ghiếc này lan ra ngoài hành lang không. Richard tuyên bố là không nên hốt hoảng; đây chỉ là bệnh sốt với những biến chứng về bẹn. Chỉ có thể nói thế thôi, vì lẽ trong khoa học cũng như trong đời sống, giả thuyết bao giờ cũng nguy hiểm. Ông già Castel điềm tĩnh nhay nhay bộ ria mép vàng hoe, ngước cặp mắt trong trẻo lên nhìn Rieux. Rồi, với thái độ khoan dung, quay về phía cử tọa và tuyên bố ông biết rất rõ đây là dịch hạch, nhưng dĩ nhiên nếu chính thức thừa nhận điều đó thì bắt buộc phải thi hành những biện pháp tàn nhẫn. Ông biết là xét cho cùng, chính điều đó làm cho đồng nghiệp của ông lùi bước, và do vậy, để cho họ yên tâm, ông sẵn sàng thừa nhận đây không phải là dịch hạch. Ông tỉnh trưởng lo lắng và tuyên bố dẫu sao đó cũng không phải là một cách lập luận thỏa đáng.
- Điều quan trọng, Castel đáp, không phải ở chỗ lập luận có thỏa đáng hay không, mà là ở chỗ nó có khiến chúng ta suy nghĩ hay không.
- Đây là bệnh sốt mang tính chất thương hàn nhưng kèm theo hạch xoài và nôn mửa. Tôi đã rạch hạch, cho tiến hành phân tích và phòng thí nghiệm cho rằng đã nhận ra trực khuẩn dịch hạch hình mập. Nhưng muốn đầy đủ thì phải nói rằng một vài sự biến đổi đặc trưng của vi khuẩn này không ăn khớp với sự miêu tả kinh điển.
Richard nhấn mạnh rằng điều đó cho phép người ta phân vân và ít nhất phải chờ kết quả thống kê của một loạt công trình phân tích bắt đầu đã mấy hôm nay.
Khi một vi sinh vật, Rieux nói, sau một thời gian ngắn nằm im, có thể chỉ trong ba ngày làm khối lượng lá lách tăng lên bốn lần làm cho các hạch màng ruột lớn lên bằng quả cam và đặc sánh lại như một món xúp, thì không còn có thể phân vân nữa. Các ổ nhiễm khuẩn ngày càng tăng lên. Theo tốc độ tiến triển hiện nay, nếu không ngăn chặn lại, thì không đầy hai tháng nữa, nó sẽ giết chết một nửa thành phố. Vì vậy, gọi nó là dịch hạch hay bệnh sốt rét vỡ da của lứa tuổi đang lớn, là không quan trọng. Điều quan trọng duy nhất là chúng ta ngăn chặn không cho nó tiêu diệt một nửa thành phố. Richard cho là không nên quá bi quan, vả lại chưa có gì xác nhận khả năng truyền nhiễm vì thân nhân người bệnh vẫn vô sự.
- Nhưng những người khác đã chết, Rieux lưu ý cử tọa. Vả lại, truyền nhiễm dĩ nhiên không bao giờ tuyệt đối, vì nếu không thì chúng ta đã đứng trƣớc một sự gia tăng toán học vô tận và tình trạng giảm sút dân số khủng khiếp. Vấn đề không phải là bi quan hay không mà là tiến hành những biện pháp đề phòng.
Tuy nhiên, Richard cho rằng muốn ngăn chặn căn bệnh này nếu như tự nó không chấm dứt, thì phải thi hành những biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt theo luật định. Muốn vậy, phải chính thức thừa nhận là dịch hạch nhưng chưa có gì có thể tin một cách tuyệt đối cả. Vì thế, cần phải tiếp tục suy nghĩ.
- Vấn đề, Rieux nhấn mạnh, không phải là xét xem các biện pháp theo luật định có nghiêm ngặt hay không, mà xét xem chúng có cần thiết để ngăn chặn cho nửa thành phố khỏi bị chết hay không. Phần còn lại là công việc hành chính, và chính xác thể chế của chúng ta đặt ra một ngài thị trưởng để giải quyết những vấn đề đó.
- Dĩ nhiên, ông thị trưởng đáp, nhưng tôi cần các ngài chính thức thừa nhận đây là bệnh dịch hạch mang tính chất dịch tễ.
- Dù chúng tôi không thừa nhận đi nữa, Rieux đáp, thì nó vẫn có nguy cơ giết chết một nửa thành phố.
Richard can thiệp vào, vẻ ít nhiều bực bội:
- Sự thực là ông bạn đồng nghiệp của chúng tôi tin là dịch hạch. Việc ông ta miêu tả hội chứng chứng minh điều đó.
Rieux đáp ông không miêu tả một hội chứng, mà miêu tả cái chính mắt ông nhìn thấy. Và cái ông nhìn thấy, là những cái hạch xoài, những vết trên cơ thể người bệnh, những cơn sốt mê sảng chỉ trong bốn mƣơi tám tiếng là gây tử vong. Ông Richard có thể nhận lấy trách nhiệm khẳng định rằng không cần những biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt, dịch hạch cũng có thể chấm dứt không?
Richard lưỡng lự và nhìn Rieux:
- Ông hãy thành thực nói cho biết suy nghĩ của ông, ông có tin chắc là dịch hạch không?
- Ông đặt không đúng vấn đề. Đây không phải là chuyện chữ nghĩa, mà là chuyện thời gian.
- Ông cho rằng dù không phải là dịch hạch chăng nữa, ông thị trưởng hỏi, thì những biện pháp phòng bệnh trong thời kỳ dịch hạch cũng vẫn phải thi hành phải không?
- Nếu nhất thiết tôi phải có ý kiến, thì quả đây là ý kiến của tôi.
Các thầy thuốc bàn bạc và cuối cùng Richard tuyên bố:
- Vậy chúng ta phải có trách nhiệm hành động như thể bệnh trạng hiện nay là dịch hạch.
Công thức đó được nhiệt liệt tán thành.
- Ý kiến ông cũng như vậy phải không, ông bạn đồng nghiệp thân mến? Richard hỏi.
- Công thức đối với tôi không quan trọng. Rieux đáp. Tôi chỉ xin nói là chúng ta không được hành động như thể một nửa thành phố không có nguy cơ bị chết, vì nếu vậy thì nó sẽ bị chết.
Giữa cái không khí bực bội chung, Rieux ra về. Một lát sau, trong vùng ngoại ô sực mùi chiên rán và mùi nước giải, một người đàn bà đang gào lên trong chết chóc, bẹn đẫm máu, quay mặt về phía ông.
Sau cuộc họp một hôm, bệnh sốt lại tiến triển. Báo chí cũng phải nói tới, nhưng một cách nhẹ nhàng, bóng gió. Dẫu sao, hai ngày sau, Rieux cũng nhìn thấy những bản cáo thị nhỏ trên giấy trắng mà tỉnh đã vội vàng cho dân ở những góc phố kín đáo nhất. Khó có thể từ những bản cáo thị này kết luận rằng nhà chức trách đã nhìn thẳng vào tình hình. Các biện pháp không thật nghiêm ngặt và hình như ngƣời ta chỉ muốn làm cho dư luận công chúng không hoảng sợ. Thật vậy, trong phần mở đầu, bản quyết định thông báo là ở Oran đã xuất hiện mấy ca sốt ác tính mà đến nay chưa thể nói được là có truyền nhiễm hay không. Mấy ca ấy chưa đủ những triệu chứng đặc trưng để gây lo lắng thực sự và chắc chắn là dân chúng biết giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, và với tinh thần thận trọng mà mọi người đều có thể hiểu, ngài thị trưởng thi hành một vài biện pháp đề phòng. Nếu được hiểu và áp dụng đúng, thì những biện pháp ấy có khả năng chặn đứng mọi nguy cơ dịch tễ. Bởi vậy, ngài thị trưởng không một chút nghi ngờ là dân chúng không hết lòng tận tụy công tác với nỗ lực cá nhân của ngài.
Sau đó, bản cáo thị nêu lên những biện pháp đại cương, trong đó có việc diệt chuột một cách khoa học bằng cách phun hơi độc vào cống rãnh và kiểm tra chặt chẽ việc cung cấp nước. Cáo thị khuyên dân chúng phải hết sức giữ vệ sinh và cuối cùng yêu cầu những người trong mình có bọ chét đến trình diện ở các phòng chữa bệnh trong thành phố. Mặt khác, các gia đình bắt buộc phải khai báo những trường hợp thầy thuốc đã chẩn đoán và bằng lòng để bệnh nhân cách ly trong những phòng riêng của bệnh viện. Vả lại, những phòng này đƣợc trang bị để săn sóc người bệnh trong thời gian tối thiểu với những khả năng chữa lành bệnh tối đa. Trong mấy điều khoản bổ sung, cáo thị yêu cầu bắt buộc tẩy uế buồng bệnh và xe chở người bệnh. Cuối cùng, cáo thị chỉ căn dặn thân nhân bệnh nhân đi khám bệnh.
Bác sĩ Rieux đột ngột rời mắt khỏi tờ cáo thị và trở về phòng làm việc. Joseph Grand, đang chờ ông, lại một lần nữa giơ cánh tay lên khi thấy ông trở về.
- Có, Rieux nói, tôi biết, con số tăng thêm.
Ngày hôm trước, một chục người bệnh đã chết trong thành phố. Bác sĩ bảo Grand là có lẽ ông sẽ gặp anh vào buổi tối vì ông sắp phải đến thăm Cottard.
- Ông làm thế là phải, Grand đáp. Ông sẽ mang điều lành đến cho hắn, vì tôi thấy hắn thay đổi.
- Thay đổi thế nào?
- Hắn trở nên lễ độ.
- Thế trước kia hắn không lễ độ sao?
Grand ngập ngừng. Anh không thể nói là Cottard vô lễ, từ ngữ ấy có lẽ không đúng. Hắn là một con người khép kín và lặng lẽ, phần nào có dáng dấp hoang dã[11]. Buồng ngủ, một quán ăn bình thường và những buổi ra ngoài khá bí mật, đấy là toàn bộ cuộc đời Cottard. Công khai thì hắn làm đại lý rượu vang và nước ngọt. Thỉnh thoảng, hắn tiếp vài ba người đàn ông - chắc hẳn là khách hàng. - Buổi tối, đôi khi hắn đi xem chiếu bóng ở rạp trước cửa nhà. Grand còn nhận xét thêm là Cottard thích xem những phim găngtơ. Trong mọi trƣờng hợp, anh chàng đại lý này đều sống cô độc và đa nghi.
Tất cả cái đó, theo Grand, đã thay đổi nhiều:
- Tôi không biết nói thế nào, nhưng tôi có cảm tưởng - ông biết không? - là hắn tìm cách tranh thủ mọi người, lôi kéo mọi người về phía mình. Hắn thường nói chuyện với tôi, mời tôi đi dạo chơi và không phải bao giờ tôi cũng khước từ được cả. Hơn nữa, tôi chú ý tới hắn và tóm lại, tôi đã cứu mạng hắn.
Từ sau khi định tự sát, Cottard không còn tiếp một người khách nào nữa. Trên đường phố, ở các cửa hiệu, hắn tìm cách tranh thủ tình cảm mọi người. Chưa bao giờ hắn tỏ ra dịu dàng đến thế trong khi nói với những người bán tạp hóa, chăm chú lắng nghe đến thế lời của một bà bán thuốc lá.
- Mụ bán thuốc ấy, Grand nhận xét, là một con rắn độc thực sự. Tôi nói điều đó với Cottard, nhưng hắn đáp là tôi nhầm và mụ ta có những mặt tốt mà người ta phải biết tìm ra.
Cuối cùng, có đến hai ba lần Cottard dẫn Grand đến những khách sạn và phòng trà sang trọng trong thành phố. Quả là hắn bắt đầu lui tới những chốn đó.
- Ở đây chúng ta thoải mái, hắn bảo, vả lại những người ở đây đều tử tế cả.
Grand nhận thấy đám nhân viên ở đây trọng vọng anh chàng đại lý một cách đặc biệt, và anh hiểu vì sao như vậy khi thấy hắn cho họ những khoản puôbboa hậu hĩ. Cotta tỏ ra rất nhạy cảm đối với thái độ ân cần mà ngƣời ta bày tỏ để đền đáp hắn. Một hôm, anh chàng phụ trách đám bồi bàn ở khách sạn tiễn chân hắn và giúp hắn mặc áo khoác. Hắn bảo Grand:
- Hắn ta là một chàng trai tốt bụng, hắn có thể làm nhân chứng.
- Làm nhân chứng về cái gì?
Cottard ngập ngừng:
- Ồ, làm nhân chứng chứng nhận rằng tôi không phải là một người xấu.
Hơn nữa, Cottard có lúc thay đổi tính nết đột ngột. Một hôm, khi người bán tạp hóa tỏ ra ít thân tình hơn, hắn quay trở về nhà trong trạng thái phẫn nộ cực độ.
- Cái đồ bất lương ấy rồi cũng chết tiệt như những đứa khác thôi, hắn nhắc đi nhắc lại.
- Những đứa khác nào?
- Tất thảy những đứa khác.
Grand cũng lại từng chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ ở nhà mụ bán thuốc lá. Giữa một buổi chuyện trò sôi nổi, mụ này nói về một vụ bắt bớ mới đây làm xôn xao dư luận ở Alger. Vụ một nhân viên bán hàng trẻ tuổi giết chết một người Arập trên bãi biển.
- Nếu tống tất cả cái đồ cặn bã ấy vào tù, mụ bán hàng nói, thì những người lương thiện có thể sống được.
Nhưng mụ ta phải ngừng lời trước sự dao động đột ngột của Cottard hắn lao ra khỏi quán hàng mà không nói nửa lời xin lỗi. Grand và mụ nhà hàng, sững sờ nhìn hắn bỏ chạy.
Về sau, Grand kể lại với Rieux những sự thay đổi khác trong tính nết Cottard. Hắn luôn luôn phát biểu những quan điểm rất tự do. Cái câu hắn rất ưa thích: “Bao giờ cá lớn cũng nuốt cá bé” chứng minh rõ điều đó. Nhưng lâu nay, hắn chỉ còn mua tờ báo chính thống của Oran và người ta không thể không nghĩ rằng hắn cố tình phô trương việc đọc tờ báo đó ở những nơi công cộng. Cũng như vậy, mấy ngày sau khi khỏi bệnh, hắn nhờ Grand - trên đường đi ra bưu điện - gửi giúp hắn một cái măngđa một trăm frăng mà tháng nào hắn cũng dành cho một người chị gái ở xa. Nhưng vào lúc Grand ra đi thì Cottard bảo:
- Ông gửi giúp cho chị ấy hai trăm frăng, nó sẽ gây một sự ngạc nhiên lý thú cho chị. Chị ấy cứ nghĩ là không bao giờ tôi nghĩ tới chị. Nhưng sự thực là tôi yêu mến chị ấy lắm.
Cuối cùng hắn có lần chuyện trò một cách kỳ lạ với Grand. Anh bắt buộc phải trả lời những câu hỏi của hắn vì hắn băn khoăn về cái công việc riêng mỗi buổi tối của anh.
- Được, Cottard nói, ông viết sách.
- Ông nói vậy cũng được, nhưng thực ra phức tạp hơn thế nhiều!
- A! Cottard vội thốt lên, tôi rất muốn làm như ông.
Grand tỏ vẻ ngạc nhiên và Cottard ấp úng nói rằng khi người ta là nghệ sĩ thì người ta có thể thu xếp được nhiều chuyện.
- Vì sao vậy? Grand hỏi.
- Ồ, vì một người nghệ sĩ có nhiều quyền hơn một người khác, ai cũng biết như vậy. Người ta bỏ qua cho anh ta nhiều chuyện hơn.
- Này, Rieux bảo Grand vào buổi sáng bắt đầu có bản cáo thị, cái chuyện chuột làm hắn cũng như nhiều người khác choáng váng, chỉ có thế thôi. Hoặc nữa hắn sợ bệnh sốt.
Grand trả lời:
- Thưa bác sĩ, tôi không tin, và nếu bác sĩ muốn hỏi ý kiến tôi…
Chiếc xe của cơ quan diệt chuột chạy phía ngoài cửa sổ, tiếng ống xả vang lên. Rieux lặng im cho tới khi Grand có thể nghe ông nói, và một cách lơ đãng hỏi ý kiến anh. Grand trịnh trọng nhìn ông:
- Hắn có điều gì phải tự trách mình hay sao ấy, anh nói.
Rieux nhún vai. Như viên cảnh sát trưởng đã nói, có những công việc khác cần quan tâm hơn.
Buổi chiều, Rieux nói chuyện với Castel. Huyết thanh vẫn không về.
- Vả lại, Rieux hỏi, liệu chúng còn có ích nữa không? Con trực khuẩn thật kỳ lạ.
- Ồ, Castel đáp, tôi không đồng ý với ông. Những con vật này bao giờ cũng có một vẻ độc đáo. Nhưng kỳ thực, cũng thế cả thôi.
- Ít ra ông cũng giả định như vậy. Nhưng mọi người cũng đều nghĩ thế.
Cái trạng thái hơi chóng mặt mỗi khi Rieux nghĩ tới dịch hạch, suốt ngày hôm đó, ông cảm thấy cứ tăng thêm. Cuối cùng, ông thừa nhận là ông sợ hãi. Hai lần ông bước vào mấy quán cà phê chật ních người. Cũng như Cottard, ông cảm thấy cần hơi ấm con người. Rieux thấy như vậy là ngốc nghếch, nhưng điều đó giúp ông nhớ lại là ông có hứa đến thăm anh chàng đại lý.
Tối hôm đó, khi ông đến, Cottard đang ngồi trước bàn trong phòng ăn. Trên bàn là một cuốn tiểu thuyết trinh thám để mở. Nhưng chiều đã muộn và chắc hẳn khó có thể đọc sách trong bóng tối hoàng hôn. Chắc hẳn, một phút trước đây, Cottard ngồi trầm tư trong cảnh tranh tối tranh sáng thì đúng hơn. Rieux hỏi hắn sức khỏe ra sao. Cottard vừa ngồi xuống ghế vừa lầm bầm là hắn mạnh khỏe và sẽ còn mạnh khỏe hơn nếu hắn có thể tin chắc rằng không có ai bận tâm về hắn. Rieux lưu ý hắn là không một ai có thể lúc nào cũng sống một mình cả.
- Ồ, không phải thế. Tôi, tôi muốn nói đến những người gây những nỗi phiền hà cho người khác.
Rieux im lặng.
- Đấy không phải là trường hợp của tôi, xin ông chú ý điều đó cho. Nhưng tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết này. Một kẻ khốn khổ bỗng nhiên bị người ta bắt vào một buổi sáng. Trước đó, người ta bận tâm đến hắn mà hắn không hay biết gì hết. Người ta nói về hắn trong các công sở, người ta ghi tên hắn vào những tờ phiếu. Ông cho như thế là đúng sao? Ông cho là người ta có quyền làm như vậy đối với một con người sao?
- Cái đó còn tùy, Rieux đáp. Quả là ở một mặt nào đó, người ta không bao giờ có quyền. Nhưng tất cả cái đó là thứ yếu. Không nên ở im ỉm mãi trong nhà. Ông cần phải đi dạo ngoài trời.
Cottard hình như có vẻ bực bội, nói hắn chỉ làm có thế, và nếu cần, cả khu phố có thể làm chứng cho hắn. Ngay cả ngoài phạm vi khu phố, hắn cũng không thiếu bạn bè.
- Ông biết ông Rigaud, kiến trúc sư chứ? Là bạn tôi đấy.
Trong buồng, bóng tối ngày càng dày đặc. Đường phố ngoại ô mỗi lúc một náo nhiệt và ở bên ngoài, có tiếng rao lên âm vang và khoan khoái chào mừng những ngọn đèn đường bật sáng. Rieux đi ra ban công và Cottard bước theo. Cũng như mọi tối khác trong thành phố, từ tất cả các khu phố lân cận, một làn gió nhẹ mang tới những tiếng ồn ào, mùi thịt nướng, tiếng rì rầm vui vẻ và ngọt ngào của cuộc sống tự do; đường phố ngày càng nhộn nhịp, đám thanh niên ồn ã kéo cả ra đường. Ban đêm, tiếng hú của những con tàu biển vô hình, tiếng xôn xao cất lên từ biển cả và từ đám đông cuồn cuộn, cái giờ phút quen thuộc mà ngày trước Rieux ưa thích này, giờ đây đối với ông trở nên ngột ngạt vì tất cả những điều ông biết được.
- Đốt đèn lên được chứ? ông hỏi Cottard.
Đèn được đốt lên, anh chàng bé nhỏ này, mắt hấp háy nhìn ông:
- Thưa bác sĩ, bác sĩ cho biết là nếu tôi bị ốm thì bác sĩ có nhận tôi vào bệnh viện không?
- Sao lại không?
Cottard liền hỏi đã có trường hợp người ta bắt giữ một người đang nằm trong bệnh viện không. Rieux đáp là trường hợp đã có xảy ra, nhưng tất thảy đều tùy thuộc vào tình hình người bệnh.
- Tôi, Cottard nói, tôi tin vào bác sĩ.
Rồi hỏi Rieux có vui lòng đưa hắn đi phố bằng ôtô không.
Ở trung tâm thành phố, đường sá đã bớt người và cả ánh sáng cũng ít đi. Có những đám trẻ con chơi trước cả nhà. Theo yêu cầu của Cottard, Rieux dừng xe lại trước một nhóm trẻ. Chúng vừa chí chóe vừa chơi nhảy ô. Nhưng một đứa, mớ tóc đen miết sát vào đầu, đường ngôi thẳng tắp, mặt mũi lem luốc, chằm chằm nhìn Rieux với đôi mắt màu sáng và ra vẻ dọa dẫm, ông quay mặt đi. Đứng trên hè đường, Cottard bắt tay ông. Hắn nói giọng khàn khàn, lúng túng; hai ba lần, hắn nhìn ra phía sau.
- Người ta nói về dịch tễ. Có đúng thế không, thưa bác sĩ?
- Bao giờ người ta chẳng nói, đó là điều tự nhiên, Rieux đáp.
- Bác sĩ nói đúng. Và khi có đến một chục người chết, thì mọi sự sẽ chấm dứt. Chúng ta không hề muốn cái đó.
Động cơ đã nổ. Rieux đặt tay lên cần tốc độ. Nhưng ông lại nhìn đứa trẻ: nó vẫn trân trân nhìn ông với vẻ nghiêm trang và điềm tĩnh. Và bỗng nhiên, hết sức đột ngột, nó toét miệng cười với ông.
- Chúng ta phải làm gì nào? Ông vừa hỏi vừa mỉm cười với đứa bé.
Bỗng nhiên Cottard níu lấy cửa xe, và trước lúc bỏ chạy, kêu toáng lên, giọng đầy nước mắt và phẫn nộ:
- Động đất. Một vụ động đất thực sự!
Động đất không hề xảy ra và ngày hôm sau, Rieux chỉ phải lui tới khắp thành phố để thương lượng với các gia đình người bệnh và bàn cãi với cả chính bản thân người bệnh. Chưa bao giờ ông cảm thấy nghề nghiệp vất vả đến thế này. Từ trước đến nay, người bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của ông, phó thác cho ông. Lần đầu tiên, ông thấy họ e dè giấu mình đằng sau bệnh tật với một thái độ ngạc nhiên, nghi kỵ. Ông chưa quen với cuộc chiến đấu như thế này. Đến mười giờ tối, sau khi dừng xe trước nhà ông già bị hen suyễn mà ông thăm cuối cùng trong ngày, bác sĩ Rieux khó nhọc lắm mới rời khỏi được ghế ngồi. Ông nán lại nhìn đường phố tối om và những vì sao mọc và lặn trên bầu trời u ám.
Ông già bị suyễn ngồi dậy trong giường. Hình như ông lão thở dễ dàng hơn và đếm những hạt đậu mà ông ta chuyển từ nồi này sang nồi nọ. Ông ta hớn hở chào đón Rieux:
- Thế nào, thưa bác sĩ, dịch tả à?
- Ông nhặt được cái tin ấy ở đâu thế?
- Trong báo, và đài phát thanh cũng nói vậy.
- Không, không phải dịch tả.
- Dầu sao, ông lão nói, vẻ rất kích động, cũng thật quá đáng, mấy cái đầu óc ngu ngốc ấy!
- Ông đừng tin, bác sĩ Rieux bảo.
Ông khám bệnh xong cho ông già và giờ đây ngồi giữa cái phòng ăn tồi tàn này. Đúng, ông sợ. Ông biết rằng ngay trong xóm ngoại ô này, sáng mai, một chục người bệnh có thể chờ ông, người cúi gập xuống những cái hạch xoài. Chỉ có hai ba trường hợp việc rạch hạch có làm bệnh thuyên giảm. Còn nữa thì đâu phải đến bệnh viện và ông biết bệnh viện là thế nào đối với người nghèo. “Tôi không muốn nhà tôi dùng làm vật thí nghiệm cho họ”, vợ một người bệnh đã nói với ông như vậy. Người bệnh đó sẽ không dùng làm vật thí nghiệm, hắn sẽ chết và chỉ có thế thôi. Những biện pháp được thi hành không đủ hiệu lực, điều đó thật rõ ràng. Còn những cái buồng “được trang bị đặc biệt”, thì ông biết lắm: hai ngôi nhà nhỏ vừa vội vã cho các bệnh nhân khác dời đi, cửa sổ bịt kín, xung quanh có hàng rào chống dịch. Nếu bản thân bệnh dịch không tự nó dừng lại, thì những biện pháp do cơ quan hành chính đặt ra không thể đánh bại nó. Thế nhưng, buổi tối, các thông báo chính thức vẫn lạc quan. Ngày hôm sau, hãng Ransdoc thông báo là các biện pháp của tỉnh được đón nhận một cách bình tĩnh và ba chục người bệnh đã tự khai báo. Castel gọi điện cho Rieux:
- Các phòng bệnh nhân chứa được bao nhiêu giường?
- Tám mươi.
- Chắc chắn là trong thành phố có hơn ba chục người bệnh phải không?
- Còn có những người sợ không dám khai báo và cả những người khác - số này đông nhất - những người không có thì giờ.
- Những vụ chôn cất không được kiểm soát phải không?
- Không. Tôi đã gọi điện cho Richard là cần những biện pháp hoàn chỉnh, chứ không phải những lời nói, và cần dựng lên chống lại bệnh dịch một cái hàng rào thực sự, hoặc không gì hết thảy.
- Thế rồi thế nào?
- Ông ta trả lời là ông ta không có quyền. Theo tôi, tình hình sẽ nghiêm trọng thêm.
Thật vậy, chỉ trong ba ngày, hai ngôi nhà dành cho bệnh nhân đã chật ních. Richard nghe nói là người ta sẽ lấy một trường học và dự kiến một bệnh viện phụ. Richard chờ vacxin và vẫn chích hạch. Castel nghiên cứu lại các cuốn sách cũ của mình và thường dừng lại lâu ở thư viện.
- Chuột chết vì dịch hạch hay vì một bệnh gì rất giống dịch hạch, ông kết luận. Chúng tung ra hàng chục nghìn con bọ chét và lũ bọ chét này sẽ làm bệnh lây lan theo cấp số nhân nếu chúng ta không ngăn chặn lại kịp thời.
Rieux im lặng.
Vào thời kỳ này, thời gian như ngưng đọng lại. Mặt trời hút nước ở những vũng còn lại sau những trận mưa rào cuối cùng. Những mảng trời xanh tràn ngập ánh sáng màu vàng, tiếng máy bay ầm ĩ trong nắng sớm, tất cả cảnh vật như muốn làm cho người ta yên lòng. Nhưng trong bốn ngày, bệnh dịch nhảy vọt bốn bước kinh hồn: mười sáu người chết, rồi hai mươi bốn, hai mươi tám và ba mươi hai. Ngày thứ tư, người ta thông báo việc mở bệnh viện phụ trong một ngôi trường mẫu giáo. Đồng bào chúng tôi cho đến lúc bấy giờ che giấu nỗi lo lắng sau những lời bông đùa, giờ đây, trên đường phố, tỏ ra rầu rĩ hơn, lặng lẽ hơn.
Rieux quyết định gọi điện lên thị trưởng.
- Các biện pháp chúng ta áp dụng không đủ hiệu lực, ông nói.
- Tôi nắm được số liệu, viên thị trưởng đáp, quả là những con số đáng lo ngại.
- Không phải chỉ đáng lo ngại, mà là đã rõ ràng.
- Tôi sẽ xin lệnh của Phủ toàn quyền.
Castel đến và Rieux đặt máy xuống:
- Lệnh! Và phải có cả trí tưởng tượng nữa kia.
- Còn huyết thanh?
- Trong tuần này sẽ có.
Qua vai trò trung gian của Richard, tỉnh yêu cầu Rieux viết báo cáo gửi về thủ đô Alger để xin lệnh. Rieux miêu tả về mặt lâm sàng và nêu lên những con số. Cũng ngày hôm đó, có bốn chục người chết. Ông thị trưởng nhận trách nhiệm - theo lời ông ta - ngay từ ngày hôm sau tăng cường những biện pháp cần thi hành. Biện pháp khai báo bắt buộc và cách ly bệnh nhân được duy trì. Nhà người bệnh phải đóng cửa và tẩy uế, thân nhân phải cách ly kiểm dịch, việc chôn cất ngƣời chết do thành phố tổ chức theo những điều kiện sẽ nói tới sau. Một ngày sau, máy bay chở huyết thanh tới. Vừa đủ cho những ca đang điều trị. Sẽ thiếu nếu bệnh dịch lan rộng. Trả lời bức điện của Rieux, người ta bảo kho dự trữ đã cạn và những đợt sản xuất mới đã bắt đầu.
Trong thời gian ấy, và ở tất cả các vùng ngoại ô lân cận, mùa xuân đã tới trên chợ búa. Hàng nghìn bông hồng bị tàn lụi trong giỏ của người bán hoa, dọc hè phố, và hương vị ngọt ngào của chúng phảng phất trong khắp phố phường. Bề ngoài, không thấy có gì thay đổi. Các chuyến tàu điện những giờ cao điểm thì đầy ắp, còn trống không và nhớp nhúa. Tarrou vẫn quan sát cái ông già nhỏ người, và ông già này vẫn nhổ nước bọt lên đám mèo. Tối nào Grand cũng về nhà để làm cái công việc bí mật của mình. Cottard vẫn trong vòng lẩn quẩn và ông dự thẩm Othon vẫn chăm sóc đàn gia súc. Ông già bị hen suyễn vẫn chuyền những hạt đậu và thỉnh thoảng người ta gặp nhà báo Rambert, vẻ điềm tĩnh và chăm chú. Buổi tối, vẫn cái đám đông người trên đường phố và người ta vẫn nối đuôi nhau trước các rạp chiếu bóng. Vả lại, bệnh dịch hình như đã lùi bước, và trong mấy ngày, người ta chỉ đếm được vài chục người chết. Rồi bỗng nhiên dịch tăng vụt lên. Hôm số người chết lại lên tới ba mươi, Bernard Rieux đọc bức công điện viên tỉnh trưởng vừa đưa ông xem vừa nói: Họ sợ: Bức điện ghi: “Hãy tuyên bố tình trạng dịch hạch. Đóng cửa thành phố lại”.

---------------------

[11] Nguyên văn: Dáng dấp một con lợn rừng.