DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 7

Rõ ràng, Grand không mảy may nghĩ tới dịch hạch.
Buổi tối, Rieux đánh điện cho vợ, báo tin thành phố đã bị đóng cửa, còn mình thì mạnh khỏe. Ông căn dặn vợ chăm lo chữa bệnh và bày tỏ nỗi lòng nhớ thương của mình.
Ba tuần sau, khi thành phố đóng cửa, ở bệnh viện đi ra, Rieux gặp một người trẻ tuổi đứng chờ.
- Tôi nghĩ, chàng trai nói, ông nhận ra tôi.
Rieux hình như nhận ra anh, nhưng ông ngập ngừng.
- Trước khi xảy ra những sự kiện này, anh nói tiếp, tôi đã đến hỏi ông tình hình đời sống của người Arập. Tôi là Raymond Rambert.
- A! Vâng, Rieux đáp. Bây giờ ông có một đề tài phóng sự thú vị đây.
Anh chàng tỏ vẻ cáu kỉnh, bảo không phải là cái đó và anh ta đến có việc nhờ bác sĩ giúp đỡ.
- Xin lỗi ông, anh nói tiếp, tôi không quen ai trong thành phố và không may tay thông tín viên tờ báo chúng tôi lại là một kẻ ngu dại.
Rieux bảo Rambert cùng đi tới một phòng chữa bệnh ở trung tâm thành phố vì ông có đôi điều cần dặn dò nguời ta ở đấy. Họ đi dọc những con đường nhỏ trong khu phố người da đen. Trời sắp về chiều, nhưng thành phố trước kia vào giờ này vốn rất ồn ã, nay vắng vẻ đến rất kỳ lạ. Mấy tiếng kèn clerông vang lên trong bầu trời còn vàng rực: đám nhạc binh muốn tỏ ra đang làm nghề nghiệp của mình. Trong lúc đó, bước theo những con đường dốc, giữa những dãy tường màu xanh, màu vàng nâu, màu tím của những căn nhà kiểu người Mauresques[2], Rambert bắt đầu nói, vẻ rất bồn chồn. Anh để vợ ở lại Paris. Nói đúng ra, không phải vợ, nhưng cũng thế thôi. Anh đã đánh điện cho nàng ngay sau khi thành phố đóng cửa. Lúc đầu, anh nghĩ là một sự kiện nhất thời và chỉ tìm cách liên lạc với nàng. Các bạn đồng nghiệp ở Oran bảo anh là họ không thể làm gì được, bưu điện thì không tiếp và một cô thư ký ở cơ quan tỉnh thì chế giễu anh ra mặt. Xếp hàng dài suốt hai tiếng, cuối cùng, anh mới đánh được bức điện với vẻn vẹn mấy từ: “Tốt đẹp cả. Mong sớm gặp lại”.
Nhưng sáng sớm, khi ngủ dậy, bỗng nhiên anh nảy ra ý nghĩ là dẫu sao anh cũng không biết tình hình này sẽ kéo dài tới bao giờ. Anh quyết định rời khỏi nơi đây. Với giấy giới thiệu (trong nghề làm báo, có những điều kiện thuận lợi), anh gặp được viên chánh văn phòng cơ quan tỉnh và nói với ông ta rằng anh không có quan hệ với Oran, anh không có việc gì phải ở lại, anh đến đây chỉ vì tình cờ, và cho phép anh ra đi là điều hợp lẽ, dù khi ra khỏi thành phố, anh có phải cách ly để kiểm dịch đi nữa. Viên chánh văn phòng bảo anh là ông ta hiểu rất rõ, nhưng không thể có trường hợp ngoại lệ; ông ta sẽ nghiên cứu, nhưng tóm lại, tình hình là nghiêm trọng và ông ta không quyết định được gì hết.
- Nhưng cuối cùng, Rambert đáp, tôi không dính dáng gì tới thành phố này.
- Dĩ nhiên rồi, nhưng dẫu sao, chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ không kéo dài.
Để kết thúc, ông ta tìm cách an ủi Rambert, lưu ý anh là anh có thể tìm được Oran đề tài cho một thiên phóng sự thú vị và xét cho cùng, không có sự kiện nào là không có mặt tốt của nó. Rambert nhún vai. Hai người bước tới trung tâm thành phố.
- Thưa bác sĩ, ông thấy đấy, thật là ngu ngốc. Tôi không phải sinh ra để viết phóng sự. Mà có lẽ tôi sinh ra để sống với một người đàn bà. Có phải như thế là hợp lẽ không?
Rieux đáp dẫu sao, điều đó cũng là hợp lẽ.
Trên các đại lộ ở trung tâm thành phố, không thấy đám đông thường ngày. Vài khách bộ hành vội vã trở về nhà xa. Không một ai có nụ cười trên môi. Rieux nghĩ đó là kết quả của bản tin ngày hôm ấy của hãng Ransdoc. Hai mươi bốn tiếng sau, đồng bào chúng tôi lại bắt đầu hy vọng. Nhưng ngay ngày hôm đó, những con số còn quá mới mẻ trong ký ức.
- Ấy là, bỗng Rambert đột ngột nói, nàng và tôi, chúng tôi mới gặp nhau ít lâu trước đây thôi và chúng tôi rất hiểu nhau.
Rieux vẫn lặng im.
- Tôi làm phiền ông quá, Rambert nói tiếp. Tôi chỉ muốn hỏi ông có thể cấp cho tôi một giấy chứng nhận là tôi không mang cái bệnh khốn kiếp ấy hay không. Tôi nghĩ cái đó có thể giúp ích cho tôi.
Rieux gật đầu. Một đứa trẻ bỗng đâm nhào vào chân ông và ông nhẹ nhàng nâng nó dậy. Hai người lại tiếp tục đi và tới quảng trường Duyệt binh. Những cành vả và cành cọ, bụi bám xám xịt im phăng phắc xung quanh tượng đài Cộng hòa bụi bặm và bẩn thỉu. Họ dừng chân dưới chân tượng. Rieux lần lượt gõ xuống mặt đất đôi giày phủ một lớp bụi trắng xóa. Ông nhìn Rambert Chiếc mũ phớt hơi hất ra phía sau, cổ áo sơmi thắt cà vạt nhung không cài khuy, mặt không cạo, anh chàng nhà báo có vẻ lầm lì, ủ rũ.
- Ông hãy tin là tôi hiểu ông, cuối cùng Rieux cất tiếng, nhưng lập luận của ông không thỏa đáng. Tôi không thể cấp cho ông tờ chứng nhận ấy vì thực tế, tôi không biết ông có bệnh đó hay không và vì, dù ông không có đi nữa thì tôi cũng không thể chứng nhận là từ khi ông bƣớc ra khỏi phòng tôi cho đến khi ông bước vào cơ quan tỉnh, trong khoảnh khắc đó, ông không bị lây nhiễm. Vả lại, dù cho…
- Dù cho làm sao? Rambert hỏi.
- Dù cho tôi có cấp cho ông tờ chứng nhận ấy đi nữa, thì nó cũng chẳng giúp được gì ông cả.
- Sao vậy?
- Vì trong thành phố có hàng nghìn người ở trong trường hợp giống như ông, thế nhưng người ta lại không thể để cho họ ra đi được.
- Nhưng nếu như bản thân họ không mang bệnh dịch hạch?
- Lý do đó không đủ. Cái chuyện này thật ngốc nghếch, tôi biết lắm, nhưng nó liên quan đến tất cả chúng tôi. Nó như thế nào thì phải chấp nhận nó như thế ấy.
- Nhưng tôi không phải là người ở đây!
- Tiếc thay! bắt đầu từ lúc này, ông sẽ là người ở đây như mọi người.
Rambert sôi nổi lên:
- Đây là vấn đề nhân đạo, tôi cam đoan với ông như vậy. Có lẽ ông không hình dung nổi thế nào là một sự chia cắt như sự chia cắt này đối với hai con người hoàn toàn hòa hợp với nhau.
Rieux không trả lời ngay. Nhưng rồi nói là có lẽ ông hình dung nổi. Ông hết lòng mong muốn Rambert gặp lại vợ, mong muốn tất cả những người yêu đều được đoàn tụ, nhưng có những nghị định và đạo luật, có bệnh dịch hạch, và nhiệm vụ của ông là làm theo đúng bổn phận.
- Không, Rambert chua chát nói, ông không thể hiểu. Ông nói tiếng nói của lý trí, ông mơ hồ mất rồi.
Bác sĩ Rieux ngước mắt lên tượng đài Cộng hòa và nói ông không rõ mình có nói tiếng nói của lý trí hay không, nhưng ông nói tiếng nói của sự thật hiển nhiên, và hai cái đó không nhất thiết phải là một. Anh chàng nhà báo nắn lại cà vạt:
- Thế nghĩa là tôi phải lo liệu lấy bằng cách khác? Nhưng, anh nói tiếp, thái độ thách thức, tôi sẽ rời khỏi thành phố. Rieux đáp ông vẫn hiểu anh, nhưng việc đó không liên quan tới mình.
- Có, cái đó liên quan tới ông, Rambert nói, giọng thay đổi đột ngột. Tôi đến nhờ ông vì người ta bảo tôi rằng ông giữ phần quan trọng trong những quyết định vừa qua. Và tôi nghĩ, ít nhất cũng đối với một trường hợp, ông có thể cởi nới cái mà ông đã góp phần trói buộc trước đây. Nhưng cái đó chẳng quan hệ gì tới ông. Ông chẳng nghĩ đến ai hết. Ông chẳng quan tâm tới những người bị xa cách.
Rieux thừa nhận là ở một mặt nào đó, điều ấy đúng sự thật, ông không quan tâm đến.
- A! tôi biết, Rambert nói tiếp, ông muốn nói tới công việc chung. Nhưng lợi ích chung là do hạnh phúc của mỗi người tạo thành.
- Này ông, Rieux đáp, như người vừa mới ra khỏi một cơn lãng ý, có cái đó và có cái khác nữa. Không nên phán xét. Và ông bực tức thế là sai đấy. Nếu ông thoát ra khỏi tình thế này thì tôi sẽ hết sức sung sướng. Chỉ có điều là có những cái mà nhiệm vụ không cho phép tôi.
Rambert sốt ruột lắc đầu.
- Vâng, tôi bực bõ là có lỗi. Và thế là đã làm mất khá nhiều thì giờ của ông.
Rieux bảo anh lo liệu được thế nào thì cho ông biết và đừng để bụng giận ông. Chắc chắn có một mặt nào đó hai người có thể gặp nhau. Bỗng nhiên Rambert ra vẻ băn khoăn:
- Tôi tin như vậy, anh nói sau một lúc im lặng, vâng, tôi tin, mặc dù tôi không muốn tin và mặc dù tất cả những điều ông vừa nói với tôi.
Anh ngập ngừng:
- Nhưng tôi không thể tán thành ông.
Anh kéo thấp chiếc mũ phớt xuống trán và vội vã bước đi. Rieux thấy anh đi vào khách sạn Jean Tarrou ở trong đó. Một lát sau, ông lắc đầu. Anh nhà báo có lý vì nóng lòng mong ngóng hạnh phúc. Nhưng anh ta có lý không khi anh lên án ông? “Ông mơ hồ mất rồi!”. Có quả là mơ hồ không, những ngày ông sống trong bệnh viện, nơi dịch hạch tiến triển nhanh chóng, mỗi tuần trung bình giết chết năm trăm mạng người? Đúng, trong tai họa, có một phần mơ hồ và hư ảo. Nhưng khi tình trạng mơ hồ bắt đầu giết chết người ta thì phải thực sự quan tâm tới nó. Và Rieux chỉ biết đó không phải là việc dễ dàng nhất. Không phải dễ dàng gì, chẳng hạn, việc điều khiển cái bệnh viện phụ (đến nay thì đã có tới ba cái) mà ông phụ trách. Ông bố trí trong khu nhà một buồng tiếp khách ngoảnh mặt ra phòng khám. Mặt đất được đào thành một cái hồ nước đã được khử trùng bằng crêdin, và ở giữa hồ xếp gạch lên như một hòn đảo nhỏ. Người bệnh được chở đến “đảo”, nhanh chóng cởi bỏ quần áo xuống nước. Sau khi được rửa ráy, lau khô mình và mặc vào chiếc sơmi thô ráp của bệnh viện, người bệnh được Rieux khám và sau đó khiêng vào buồng. Người ta đã phải dùng sân chơi có mái che của một trường học với năm trăm giường mà hầu hết đã có người nằm. Sau buổi tiếp khách ban sáng mà ông đích thân phụ trách, tiêm xong vacxin và rạch hạch xoài cho người bệnh, Rieux kiểm tra các con số thống kê, rồi tiếp tục khám bệnh buổi chiều. Đến tối thì đi thăm bệnh nhân tại nhà và khuya mới ra về. Đêm trước, khi trao cho ông bức điện của bà Rieux, mẹ ông bảo là hai tay ông run.
- Vâng, ông đáp, nhưng cứ kiên trì thì con sẽ bớt bị kích động đi thôi.
Rieux là người lực lưỡng và dẻo dai. Thực tế, ông chưa mệt. Nhưng ông không sao chịu nổi những buổi khám bệnh tại nhà nữa. Chẩn đoán bệnh sốt dịch tễ, có nghĩa là phải đưa nhanh người bệnh đi cách ly. Thế là quả thật bắt đầu tình trạng mơ hồ và khó khăn, vì gia đình người bệnh biết chỉ gặp lại người thân sau khi người này chết hoặc khỏi bệnh. “Xin bác sĩ rủ lòng thương!”, bà Loret, mẹ chị hầu phòng trong khách sạn Tarrou ở, đã thốt lên như vậy. Thế nghĩa là thế nào? Dĩ nhiên ông xót thương. Nhưng lòng thương xót chẳng làm cho một ai tiến lên cả. Phải gọi điện thoại thôi. Ngay sau đó, tiếng còi xe cứu thương vang lên. Lúc đầu, hàng xóm mở cửa sổ ra xem. Về sau, họ vội vã đóng cửa lại. Thế là bắt đầu những cuộc đấu tranh, những giọt nước mắt, những lời thuyết phục, tóm lại là một sự mơ hồ. Trong những căn buồng hừng hực cơn sốt và nỗi lo sợ, diễn ra những cảnh tượng như điên như dại. Nhưng người bệnh vẫn phải chở đi. Và Rieux có thể ra về.
Những lần đầu, ông chỉ gọi điện rồi vội đến với những người bệnh khác, không chờ xe cứu thương tới. Nhưng thế là gia đình người bệnh đóng cửa lại, thà mặt đối mặt với dịch hạch còn hơn là một sự chia ly mà giờ đây họ đã biết kết cục sẽ ra sao. Những tiếng kêu la, những lời truyền lệnh, sự can thiệp của cảnh sát, rồi về sau của lực lượng vũ trang, và người ta tấn công người bệnh. Trong những tuần đầu, Rieux buộc phải ở lại cho đến khi xe cứu thương tới. Về sau, khi cùng với mỗi người thầy thuốc đi kiểm tra tình hình bệnh tật, có thêm một viên thanh tra cảnh sát kiên quyết, thì Rieux có điều kiện lần lượt đi thăm bệnh nhân. Nhưng trong những thời kỳ đầu thì tối nào cũng, diễn ra giống như tối hôm ông đến nhà bà Loret, trong một căn phòng nhỏ trang trí những chiếc quạt xinh xắn và những cánh hoa giả. Bà ta đón ông, một nụ cười như mếu trên môi.
- Tôi hy vọng không phải là bệnh sốt mà ai ai cũng nói tới.
Còn ông, lật tấm đra và sơmi lên, lặng lẽ nhìn những nốt đỏ trên bụng, trên đùi bệnh nhân và những cái hạch sưng tấy. Người mẹ nhìn con gái và hốt hoảng kêu la, không sao tự chủ nổi. Tối nào, những người mẹ cũng hét lên như vậy, vẻ mơ hồ, khi nhìn bụng con với tất cả những dấu hiệu chết chóc; tối nào, những cánh tay cũng níu lấy tay Rieux và bắt đầu tuôn ra những lời nói vô ích, những điều hứa hẹn và những giọt nước mắt; tối nào, tiếng còi xe cứu thương cũng gây nên những cơn khủng hoảng vô bổ như mọi nỗi đau đớn. Và nhiều buổi tối đi thăm bệnh - buổi nào cũng giống buổi nào - Rieux không thể hy vọng gì khác hơn một chuỗi dài những cảnh tương tự, lặp đi lặp lại một cách vô tận. Đúng, dịch hạch, cũng như trạng thái mơ hồ, thật là đơn điệu. Có lẽ chỉ có một cái thay đổi, và cái đó, chính là bản thân Rieux. Tối hôm ấy ông cảm thấy như vậy khi ngồi dưới chân tượng đài Cộng hòa và chỉ có ý thức về sự thờ ơ khó chịu bắt đầu dâng lên trong lòng, mắt đăm đăm nhìn vào cánh cửa khách sạn vừa hút Rambert vào trong đó.
Sau những tuần lễ kiệt sức, sau những buổi hoàng hôn nhìn thành phố đổ ra và quẩn quanh ngoài đường, Rieux hiểu ông không cần phải chống lại lòng xót thương nữa. Lòng xót thương làm người ta mệt mỏi khi nó trở nên vô ích. Và trong những ngày nặng nề này ông chỉ có cảm giác nhẹ nhõm khi nhận thấy con tim mình dần dần khép kín lại. Ông biết nhiệm vụ của mình nhờ đó sẽ thuận lợi hơn. Vì thế ông lấy làm hoan hỉ. Khi mẹ ông, gặp ông lúc hai giờ sáng, hết sức buồn bã về cái ánh mắt trống rỗng của ông trong lúc ngước nhìn cụ, thì chính là cụ phàn nàn về sự lắng dịu duy nhất lúc đó ông đón nhận được. Nhưng làm sao Rambert có thể cảm nhận cái đó được? Đối với anh ta, tất cả những gì đối lập với hạnh phúc của mình đều là “mơ hồ”. Và thực ra, Rieux hiểu rằng ở một mặt nào đó, anh nhà báo này có lý. Nhưng ông cũng hiểu rằng sự mơ hồ có khi mạnh hơn cả hạnh phúc, và lúc đó, và chỉ lúc đó không thôi, phải tính đến nó. Đó là điều phải xảy ra với Rambert, và bác sĩ Rieux biết được chi tiết tình hình ấy qua những lời tâm tình về sau anh bộc lộ với ông. Bằng cách đó, ông có thể theo dõi, và trên một bình diện mới, cuộc đấu tranh âm thầm giữa hạnh phúc của mỗi con người với những sự mơ hồ về dịch hạch, cuộc đấu tranh này là toàn bộ sức sống của thành phố chúng tôi trong suốt thời kỳ dài này.
Nhưng trong lúc người này cho là mơ hồ thì người khác lại cho là sự thật. Quả là sau một tháng, dịch bệnh trầm trọng thêm một cách rõ rệt và cha Paneloux, người giáo sĩ dòng Tên đã dìu ông lão Michel lúc lão bắt đầu lâm bệnh, đọc một bài thuyết giáo sôi nổi. Cha Paneloux đã từng nổi tiếng trong sự cộng tác thường xuyên với tờ tập san của Hội địa lý Oran, nơi uy tín của ông được đề cao vì các công trình phục nguyên văn bia. Nhưng ông tranh thủ được một cử tọa rộng lớn hơn cử tọa của một chuyên gia, bằng một loạt buổi nói về chủ nghĩa cá nhân hiện đại. Ông nhiệt liệt bênh vực một thứ Cơ đốc giáo nghiêm ngặt, xa lạ vừa với lối tự do tư tưởng hiện đại vừa với chính sách ngu dân những thế kỷ trước. Ông không ngần ngại nói với cử tọa những sự thật đau lòng. Ông nổi tiếng vì thế.
Vào cuối tháng này, các giáo phẩm trong thành phố quyết định chống lại dịch hạch với những phương tiện riêng của mình, bằng cách tổ chức một tuần lễ cầu kinh công cộng. Kết thúc tuần lễ này sẽ là một buổi lễ misa trọng thể tổ chức với sự bảo hộ của thánh Roch[3], vị thánh bị bệnh dịch hạch. Họ mời cha Paneloux thuyết giáo. Đã mười lăm ngày nay, ông ta rứt ra khỏi công việc nghiên cứu về thánh Augustin[4] và Giáo hội châu Phi, những công việc tạo cho ông một vị trí đặc biệt trong dòng Thánh của mình. Bản tính sôi nổi và say mê, ông kiên quyết nhận nhiệm vụ được giao. Trong thành phố, người ta đã bàn tán về buổi thuyết giáo những mấy ngày trước và nó đánh dấu, theo cách riêng của mình, một thời điểm quan trọng trong lịch sử thời kỳ này.
Tuần lễ cầu kinh được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Thông thường nhân dân Oran không phải là những người đặc biệt mộ đạo. Chẳng hạn, sáng chủ nhật, những buổi tắm biển cạnh tranh ra trò với lễ misa. Cũng không phải là một sự cải giáo đột ngột khiến họ sáng mắt vì Chúa. Nhưng một mặt, thành phố bị đóng cửa và hải cảng bị cấm, không còn có thể tắm biển; mặt khác, họ ở trong một trạng thái tinh thần đặc biệt: tuy trong thâm tâm không chấp nhận những sự kiện kỳ lạ đổ ập xuống đầu mình, họ vẫn cảm thấy rõ rệt có một cái gì đó đã thay đổi. Nhưng nhiều người vẫn hy vọng dịch bệnh sẽ dừng lại và họ cùng gia đình họ sẽ được miễn trừ. Bởi vậy họ chưa cảm thấy bị ràng buộc gì hết. Đối với họ, dịch hạch chỉ là một vị khách khó chịu: một ngày kia, nó sẽ phải ra đi như trước kia nó đã từng đến. Kinh hoàng nhưng không tuyệt vọng, họ chưa thấy đến lúc dịch hạch trở nên chính bản thân hình thái cuộc sống của mình, và cũng chưa đến lúc họ lãng quên cuộc sống mà họ đã có thể sống cho đến ngày có dịch bệnh. Tóm lại, họ ở trong cảnh đợi chờ. Về mặt tôn giáo cũng như về nhiều vấn đề khác, dịch hạch gây cho họ một trạng thái tâm lý đặc biệt, xa lạ vừa với sự thờ ơ vừa với lòng say đắm, cái trạng thái rất có thể xác định bằng từ “khách quan”. Chẳng hạn, phần lớn những người hưởng ứng tuần lễ cầu kinh, chắc hẳn đồng tình với một tín đồ khi người đó nói với Rieux: “Dẫu sao, cái đó cũng không thể làm hại”. Tarrou ghi trong sổ tay là trong trường hợp như thế này thì người Trung Hoa sẽ nổi trống lên trước thần dịch hạch. Anh nhận xét thêm là tuyệt đối không sao có thể biết được tiếng trống, thực sự có hiệu lực hơn phương pháp phòng bệnh hay không. Theo anh, muốn giải quyết vấn đề thì phải có đủ thông tin về thần dịch hạch và vì người ta không biết gì về điểm này nên mọi ý kiến đều vô bổ.
Dẫu sao, trong suốt tuần lễ, tín đồ cũng đến chật ních nhà thờ thành phố. Những ngày đầu, nhiều người còn đứng ngoài vườn cọ và thạch lựu trước cổng để nghe làn sóng cầu nguyện lan ra tận ngoài đường. Dần dà, người này theo gương người khác, họ bước vào nhà thờ và góp tiếng nói nhỏ nhẹ vào bản thánh ca. Ngày chủ nhật, người ta ùn vào giáo đường, tràn ra tận ngoài sân vào những bậc tam cấp ngoài cùng. Từ tối hôm trước, bầu trời đen nghịt, và giờ đây mưa trút xối xả. Những người đứng ngoài đã trương dù ra. Mùi hương và mùi quần áo phảng phất trong nhà thờ khi cha Paneloux bước lên giảng đài.
Ông ta người tầm thước, nhưng béo mập. Khi ông dựa vào mép bàn, hai bàn tay to tƣớng nắm chặt thớ gỗ, thì người ta chỉ còn thấy một khối dày và đen, trên đó nổi lên đôi má đỏ ửng dưới cặp kính kim loại. Giọng ông nói to, say sưa, lan xa, và khi ông tấn công cử tọa bằng một câu nói sôi nổi và rành rọt: “Các con đang trong cảnh hoạn nạn, các con đáng phải chịu cảnh đó”, thì tiếng rì rầm nổi lên từ trong giáo đường ra tận ngoài sân.
Một cách lôgích thì những lời nói tiếp theo sau hình như không ăn khớp với lời kêu gọi lâm ly ấy. Chỉ có phần sau của bài nói mới làm cho đồng bào chúng tôi hiểu rằng, bằng một thủ pháp hùng biện khéo léo, cha Paneloux đã đưa ra ngay một lúc, như người ta giáng một đòn, chủ đề bài thuyết giáo. Quả là ngay sau câu đó, ông ta viện dẫn văn bản Lời kêu gọi thiên di[5] về thời kỳ dịch hạch ở Ai Cập và nói: “Lần đầu tiên tai họa này xuất hiện trong lịch sử, là để giáng vào những kẻ thù của Thượng đế. Vua Ai Cập chống lại ý chí của Đấng tối cao và dịch hạch đã buộc ông ta phải quỳ gối. Từ buổi sơ khai của lịch sử, tai họa của Thượng đế buộc những kẻ kiêu ngạo và mù quáng phải quỳ mọp dưới chân Người. Các con hãy ngẫm nghĩ và quỳ xuống”.
Ngoài trời, mưa mỗi lúc một nặng hạt. Những hạt mưa tí tách trên cửa kính làm thêm sâu thẳm bầu không khí im lặng như tờ, và câu nói của cha Paneloux vang lên với một âm sắc có sức mạnh khiến cho vài người nghe, sau một giây ngập ngừng, chuồi từ trên ghế tựa xuống ghế quỳ cầu kinh. Những người khác thấy cần noi gương họ và dần dà, toàn thể cử tọa quỳ xuống, trong giáo đường chỉ còn nghe tiếng cọt kẹt của mấy chiếc ghế. Paneloux vươn thẳng người lên, hít thở một hơi sâu và giọng rành rọt hơn, nói tiếp: “Sở dĩ ngày nay dịch hạch đụng tới các con là vì đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ. Những người chính trực thì không có gì phải sợ, nhưng những kẻ độc ác thì có lý do để run rẩy. Trong cái kho thóc mênh mông của vũ trụ, chiếc néo đập lúa khốc liệt sẽ đập hạt lúa - con người cho tới khi rơm rạ tách ra khỏi hạt. Rơm rạ sẽ nhiều hơn hạt, kẻ bị gọi nhiều hơn người được lựa chọn, và Chúa không muốn có tai họa ấy. Đã quá lâu rồi, thế gian này thỏa hiệp với điều ác; đã quá lâu rồi, nó dựa vào lòng từ bi của Đấng tối cao. Chỉ cần biết hối hận là đủ, mọi cái đều sẽ được phép. Và đối với lòng hối hận, mỗi người đều thấy có đủ sức mạnh. Lúc thời cơ đến, chắc chắn người ta sẽ cảm thấy nó. Từ đây tới đó, điều dễ dàng nhất là cứ phó mặc, lòng từ bi của Thượng đế sẽ lo phần còn lại. Thế đấy! tình hình này không thể kéo dài. Thượng đế đã đằng đẵng cúi bộ mặt xót thương xuống những con người thành phố này, nhưng chờ đợi mãi và thất vọng trong niềm hy vọng vĩnh hằng của mình, Người vừa quay mặt đi. Không có ánh sáng của Thượng đế, giờ đây, chúng ta sẽ chìm đắm lâu dài trong cảnh tối tăm của dịch hạch!”.
Trong phòng, có ai đó cựa quậy, như một con ngựa chồn chân. Nghỉ một lát, cha Paneloux hạ giọng nói tiếp: “Lịch sử các Thánh[6] ghi lại là đời vua Humbert, ở vùng Lombardie, nước Ý bị một bệnh dịch hạch tàn phá dữ dội tới mức người sống chỉ vừa đủ để chôn người chết, và bệnh dịch hoành hành chủ yếu ở Roma và Pavie[7]. Một thiên thần hiển hiện, ra lệnh cho một hung thần vác giáo đến đập cửa các nhà; đập bao nhiêu nhát vào nhà nào thì nhà ấy có bấy nhiêu người chết đi ra”.
Paneloux giơ hai cánh tay cũn cỡn về phía sân nhà thờ, như thể chỉ một vật gì phía sau cái màn mưa đang chuyển động. “Hỡi các con, ông ta lớn tiếng nói, ngày nay, thần chết cũng đang săn đuổi trên các đường phố chúng ta. Các con nhìn xem vị thần dịch hạch kia, đẹp tựa Ma vương và óng ánh như bản thân cái ác, ngất nghểu trên mái nhà, tay phải cầm cây giáo đỏ ngang đầu, tay trái chỉ ngôi nhà. Có thể, ngay tức thì, ngón tay của thần chỉ về phía cửa và cây giáo vang lên trên ván cửa; cũng ngay tức thì, dịch hạch xông vào nhà, ngồi trong phòng chờ các con trở về. Nó ngồi đây, kiên nhẫn và chăm chú, vững chãi như chính sự an bài của vũ trụ. Bàn tay nó chìa ra, không một thế lực trần gian nào và - các con phải nắm chắc điều này - cũng không một trí tuệ nào của loài người giúp các con tránh thoát nó. Và bị đập trên mảnh sân đau thương đẫm máu, các con sẽ bị quẳng cùng với rơm rạ”.
Đến đây cha Paneloux miêu tả một cách rộng lớn hơn hình ảnh chiếc néo đập lúa. Ông ta gợi lên một khúc gỗ khổng lồ quay cuồng phía trên thành phố, nện xuống một cách bất kỳ rồi cất cao lên, đẫm máu: máu và đau thương của loài người được tung ra “cho những sự gieo vãi chuẩn bị cho những mùa gặt chân lý”.
Nói xong một thôi dài, cha Paneloux dừng lại, tóc rũ xuống trán, người run rẩy khiến cả giảng đài cũng rung lên, rồi nói tiếp, giọng trầm hơn nhƣng với thái độ lên án: “Đúng, đã đến lúc phải suy nghĩ. Các con tưởng là chỉ cần đến với Chúa ngày chủ nhật là đủ, không còn gì ràng buộc nữa. Các con cho vài buổi quỳ xuống cầu kinh là đủ chuộc lại đối với Người sự vô tâm tội lỗi của mình. Nhưng Chúa không hững hờ. Những mối quan hệ cách quãng ấy không đủ đối với tình thương cháy bỏng của Người. Người muốn gặp các con lâu hơn, đó là cách yêu thương và nói đúng ra là cách yêu thương duy nhất của Người đối với các con. Vì vậy, không thể chờ đợi các con lâu hơn nữa. Người đã cho tai họa giáng xuống cũng như nó đã giáng xuống tất cả các thành phố tội lỗi như Cain[8] và các con trai hắn, như những người sống trước nạn Hồng thủy, những người ở Sodome và Gomorrhe[9], như Pharaoh và Job[10], và tất cả những kẻ quái ác đã từng hiểu. Và cũng như họ đã làm, các con có một cách nhìn mới đối với người và vật từ khi thành phố này đóng cửa lại xung quanh các con và tai họa. Bây giờ và cuối cùng, các con hiểu là cha phải nói tới cái chủ yếu”.
Một ngọn gió ẩm ướt lùa vào giáo đường và những ngọn lửa nến uốn cong lại, kêu tí tách. Mùi sáp nồng nặc, những tiếng ho, tiếng hắt hơi đến tận chỗ cha Paneloux. Trở lại bản thuyết giáo với một sự tinh tế được nhiệt liệt ca ngợi, ông tiếp tục nói, giọng điềm tĩnh: “Quả là nhiều người trong số các con - cha biết - nghĩ bụng không biết cha muốn đi tới đâu. Cha muốn đưa các con tới chân lý và tập cho các con biết hoan hỉ mặc dù tất cả những điều cha vừa nói. Những lời khuyên nhủ và một bàn tay thân ái không còn là những phương tiện thúc đẩy các con đi tới cái thiện. Ngày nay, chân lý là một mệnh lệnh. Và chính cây giáo đỏ chỉ cho các con và thúc đẩy các con đi tới con đường hạnh phúc. Hỡi các con, cuối cùng chính ở đây thể hiện lòng từ bi của Chúa: người đưa vào mọi vật cái thiện và cái ác, sự giận dữ và lòng xót thương, dịch hạch và hạnh phúc. Cái tai họa làm các con đau đớn, chính nó nâng các con lên và chỉ đường cho các con.
“Cách đây rất lâu, những người Cơ đốc giáo Abyssinie[11] cho dịch hạch là một phương tiện hữu hiệu, có nguồn gốc thần thánh để đạt tới cái vĩnh hằng. Những người không mắc bệnh cuộn tròn lại trong những tấm đra của người bệnh để được chết một cách chắc chắn. Dĩ nhiên niềm cuồng nhiệt ấy đối với hạnh phúc là không đáng ngợi khen. Nó đánh dấu một sự vội vã đáng tiếc, rất gần gũi lòng kiêu ngạo. Không nên vội vã hơn Chúa và khi muốn thúc đẩy trật tự bất di bất dịch đã được vĩnh viễn an bài, thì chỉ dẫn tới tà giáo mà thôi. Nhưng ít nhất tấm gương ấy cũng có bài học của nó. Đối với đầu óc sáng suốt hơn của chúng ta, nó chỉ nêu cao giá trị cái ánh sáng vĩnh hằng diệu kỳ ẩn tàng ở dưới đáy mọi nỗi khổ đau. Ánh sáng ấy soi rọi những con đường chạng vạng dẫn tới siêu thoát. Nó biểu thị ý chí của Chúa quyết biến đổi, không một chút lầm lạc, cái xấu thành cái tốt. Cho đến cả ngày nay, trải qua con đường chết chóc, kinh hoàng và kêu la, nó vẫn dìu dắt chúng ta tới cái im lặng bản chất và tới nguyên lý mọi cuộc sống. Đấy là niềm an ủi mênh mông cha muốn mang lại cho các con để từ nơi đây các con không chỉ mang theo về những lời nói trừng phạt, mà cả những lời lẽ làm các con yên lòng”.
Cử tọa có cảm giác Paneloux kết thúc. Bên ngoài, mưa đã tạnh. Một bầu trời lẫn nước và ánh nắng trút xuống một ánh sáng tươi mát hơn. Từ đường phố cất lên tiếng người nói, tiếng xe cộ qua lại, toàn bộ ngôn ngữ của một thành phố thức giấc. Thính giả kín đáo thu vén áo quần trong tiếng ồn ã trầm đục. Nhưng cha Paneloux tiếp lời và nói rằng sau khi chỉ ra nguồn gốc thần thánh của dịch hạch và tính chất trừng phạt của tai họa này, ông không còn gì để nói nữa và để kết luận, ông không viện đến tài hùng biện, vì nó sẽ không đúng chỗ khi đụng tới một vấn đề bi thảm đến thế. Ông cho là tất cả đã sáng rõ đối với mọi người. Ông chỉ nhắc lại là trong thời kỳ nạn dịch hạch lớn ở Marseiile, nhà viết ký Mathieu Marais phàn nàn là bị nhấn chìm trong địa ngục, sống không cứu trợ, không hy vọng. Than ơi! Mathieu Marais là một kẻ mù quáng! Trái lại, ngày nay hơn bao giờ hết, cha Paneloux cảm thấy sự cứu trợ của Chúa và niềm hy vọng Cơ đốc giáo đối với mọi người. Trái với mọi niềm ước mong, ông ta hy vọng đồng bào chúng tôi chỉ đệ lên thượng giới những lời lẽ thấm đượm tinh thần Cơ đốc giáo và chan chứa lòng yêu thương, mặc dù nỗi kinh hoàng trong những ngày tháng này, và tiếng kêu la của những người hấp hối. Chúa sẽ làm phần còn lại.
Buổi thuyết giáo có tác động đến đồng bào chúng tôi hay không, khó có thể nói. Viên dự thẩm Othon tuyên bố với bác sĩ Rieux ông ta thấy bản thuyết trình của cha Paneloux là “tuyệt đối không thể bài bác”. Nhưng không phải ai cũng có ý kiến quyết đoán như vậy. Chỉ có điều là buổi thuyết giáo khiến cho một số ít người - trước kia đã thấy mơ hồ - nay nhận thức rõ hơn là vì một tội lỗi không biết rõ, họ phải chịu một sự giam cầm không sao tưởng tượng nổi. Và người này thì tiếp tục cuộc sống nhỏ nhoi của mình và thích ứng với cảnh giam cầm, trong lúc, ngược lại, những người khác chỉ một mực nghĩ tới việc thoát khỏi ngục tù này.
Lúc đầu, người ta chấp nhận việc cắt đứt quan hệ với bên ngoài cũng như có thể chấp nhận bất kỳ nỗi phiền muộn nhất thời nào chỉ xáo trộn một vài thói quen của họ. Nhưng bỗng nhiên nhận thức ra một thứ giam cầm, và dưới bầu trời mùa hạ bắt đầu oi ả, họ lờ mờ cảm thấy sự giam cầm ấy đe dọa cả cuộc đời mình và tối đến, chút nghị lực họ tìm thấy lại với cái không khí mát mẻ, đôi khi đẩy họ tới những hành vi tuyệt vọng.
Trước hết, và dù có phải do kết quả của một sự trùng hợp hay không, chính từ chủ nhật này, trong thành phố bắt đầu xuất hiện một nỗi sợ hãi khá phổ biến và sâu sắc, khiến người ta có thể ngờ rằng đồng bào chúng tôi thực sự bắt đầu có ý thức về cảnh ngộ của mình, về mặt này, bầu không khí chúng tôi sống trong thành phố có ít nhiều thay đổi. Nhưng thực ra, là sự đổi thay trong thời tiết hay trong lòng, vấn đề là ở chỗ đó.
Ít ngày sau buổi thuyết giáo, trên đường đi ra ngoại ô trong lúc đang bàn luận với Grand về sự kiện ấy, Rieux đụng phải trong đêm tối một người đàn ông núng na núng nính trước mặt mà không bước lên được. Cùng lúc đó, đèn thành phố - mà người ta ngày càng thắp muộn đi - bỗng bật sáng. Cây đèn phía sau lưng họ soi rõ người đàn ông, mắt nhắm tít lại, cười không thành tiếng. Mồ hôi chảy ròng ròng trên bộ mặt nhợt nhạt như căng ra vì một niềm hớn hở âm thầm. Họ đi qua.
- Một thằng điên, Grand nói.

------------------------------

[2] Người Bắc Phi.
[3] Roch (1295 - 1327) là một người Pháp được Giáo hội phong thánh. Theo truyền thuyết, ông tận tụy chăm sóc những nạn nhân dịch hạch, bản thân bị lây nhiễm và nằm ở một nơi xa vắng nhưng được một con chó phát hiện và người chủ con vật cứu sống.
[4] Augustin (354 - 430), nhà thần học, triết học và đạo đức học, người tu sĩ nổi tiếng nhất của Giáo hội Cơ đốc giáo.
[5] Văn bản trong tập hai Kinh Cựu Ước, nhà vua và nhân dân Ai Cập chống lại Thượng đế nên bị giáng bệnh dịch hạch.
[6] La légende dores sưu tập về cuộc đời các vị thánh, được biên soạn vào thế kỷ XIII.
[7] Thủ đô và thành phố Italie.
[8] Con cả của Adam và Ève (thủy tổ loài người) đã giết chết em.
[9] Hai thành phố cổ ở Palestine bị lửa trời đốt cháy (theo Kinh Thánh).
[10] Pharaoh: tên gọi các vua Ai Cập cổ đại. Job: một nhân vật trong Kinh Thánh bị Chúa trời đày đọa vẫn hôn bàn tay Chúa.
[11] Tên gọi ngày trước của nước Éthiopie.