DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 8

Nắm cánh tay anh kéo đi, Rieux cảm thấy Grand run lên vì bực tức.
- Chẳng bao lâu nữa, trong thành phố ta, chỉ còn những người điên, Rieux đáp.
Mệt mỏi, ông cảm thấy cổ họng khô khốc.
- Chúng ta hãy uống tí chút.
Trong tiệm cà phê nhỏ họ bước vào, chỉ có ánh sáng một ngọn đèn đặt trên quầy hàng, người ta thấp giọng chuyện trò tuy không có lý do gì rõ rệt, trong bầu không khí nặng nề, đỏ quạch. Trước quầy hàng, Rieux ngạc nhiên khi thấy Grand gọi và uống cạn một ly rượu mà anh thừa nhận rất nặng. Rồi anh muốn đi ra. Ngoài trời, Rieux cảm thấy như đêm tối đầy rẫy tiếng rên rỉ. Đâu đó trong bầu trời tối om, trên những ngọn đèn đường, một tiếng rít trầm đục làm ông nhớ lại cái néo đập lúa đang khuấy lên liên tục làn gió nóng.
- May quá, may quá, Grand thốt lên.
Rieux nghĩ bụng không biết ai muốn nói gì.
- May quá, anh ta nói tiếp, tôi có công việc để làm.
- Đúng, Rieux bảo, đó là một điều bổ ích.
Và quyết không để tai tới tiếng rít, ông hỏi Grand có bằng lòng với công việc đó không.
- Vâng, tôi nghĩ mình đi đúng đường.
- Ông làm công việc đó lâu không?
Grand như thể hăng lên, trong giọng nói có mùi rượu.
- Tôi không rõ. Nhưng thưa bác sĩ, vấn đề không phải ở đó, không, không phải ở đó.
Trong bóng đêm, Rieux đoán Grand cựa quậy hai cánh tay. Hình như anh đang chuẩn bị một cái gì đó đến đột ngột, và trơn tru.
- Bác sĩ thấy không, tôi muốn hôm bản thảo đến tay nhà xuất bản, người ta sẽ đứng dậy sau khi đọc xong và nói với các cộng tác viên: “Thưa các ngài, các ngài đành bái phục thôi!”
Rieux ngạc nhiên trước lời tuyên bố đột ngột đó. Ông có cảm giác người bạn đồng hành làm cử chỉ bỏ mũ ra, giơ bàn tay lên đầu và đưa ngang cánh tay ra. Trên bầu trời, tiếng rít kỳ lạ như vang lên mạnh mẽ hơn.
- Vâng, Grand nói tiếp, cái đó phải hoàn hảo.
Tuy ít am hiểu tập quán văn học, Rieux vẫn có cảm tưởng là tình hình không thể diễn ra đơn giản như vậy và những người làm công tác xuất bản, chẳng hạn, khi ở cơ quan, chắc hẳn không đội mũ. Nhưng thực ra, người ta chẳng biết thế nào và Rieux muốn lặng im. Dù không muốn, ông vẫn lắng nghe những tiếng rì rầm bí ẩn của dịch hạch. Họ đi đến gần khu phố Grand ở. Khu phố nơi ở trên cao, một làn gió nhẹ thổi tới hơi mát và đồng thời át hết những tiếng ồn ã của phố phường. Grand vẫn tiếp tục nói và Rieux không hiểu hết những điều anh muốn nói. Ông chỉ biết là cái tác phẩm anh nói đã có nhiều trang, nhưng tác giả trăn trở hết sức đau đớn để làm cho nó hoàn mỹ. “Những buổi tối, những tuần lễ trọn vẹn để nghiền ngẫm một từ, và có khi chỉ một liên từ”. Đến đây, Grand dừng lại và nắm lấy một chiếc khuy áo ngoài của Rieux. Các từ phát ra một cách vấp váp từ cái miệng thiếu răng của anh.
- Xin bác sĩ thứ lỗi, anh ta lúng túng. Tôi không biết tối nay tôi làm sao ấy.
Rieux vỗ nhẹ vai anh và bảo ông muốn giúp anh, câu chuyện của anh làm ông rất thú vị. Grand hơi có vẻ yên tâm, và về đến trước cửa, ngập ngừng một lát, rồi mời ông lên nhà. Rieux nhận lời.
Trong phòng ăn, Grand mời ông ngồi xuống trước một mặt bàn để đầy những trang giấy chữ viết li ti, nhiều chỗ dập xóa.
- Vâng, cái này đây, Grand nói với bác sĩ lúc đó ánh mắt như muốn hỏi anh. Nhưng bác sĩ có uống chút gì không? Tôi có ít vang.
Rieux từ chối. Ông nhìn những tờ giấy.
- Bác sĩ đừng xem. Grand nói tiếp. Đây là câu mở đầu của tôi. Nó làm tôi đến vất vả, vất vả lắm Grand cũng ngắm nghía tất cả những tờ giấy ấy và bàn tay anh như thể bị thu hút không thể cưỡng lại được bởi một tờ mà anh giơ soi lên bóng điện không có tán. Tờ giấy rung lên trong tay anh. Rieux thấy trán anh ta dâm dấp mồ hôi.
- Anh ngồi xuống, ông bảo, và đọc cho tôi nghe đi.
Grand nhìn ông, mỉm một nụ cười biết ơn.
- Vâng, anh đáp, tôi cảm thấy muốn đọc.
Anh chờ một lát, mắt vẫn đăm đăm nhìn tờ giấy, rồi ngồi xuống. Cùng lúc đó, Rieux nghe thấy tiếng rào rào mơ hồ trong thành phố như đáp lại tiếng rít của chiếc néo đập lúa. Đúng vào lúc này, ông cảm nhận hết sức nhạy bén về cái thành phố trải rộng ra dưới chân mình, về cái thế giới khép kín nó tạo thành và về những tiếng hú kinh hoàng nó bóp nghẹt trong đêm tối. Giọng Grand cất lên, trầm đục: “Vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, một nàng kỵ sĩ kiều diễm ngồi trên lưng một con ngựa hồng tuyệt đẹp, lướt trên những lối đi đầy hoa trong rừng Boulogne”. Bầu không khí im ắng lại trở lại, và cùng với nó, tiếng rì rầm mơ hồ của cái thành phố đau thương. Grand đặt tờ giấy xuống và tiếp tục nhìn ngắm nó. Một lát sau, anh ngước mắt lên:
- Ông thấy thế nào?
Rieux đáp là nghe xong đoạn đầu, ông muốn biết những đoạn tiếp theo sau. Nhưng Grand sôi nổi đáp như thế là không phải là một quan điểm hay. Anh lấy lòng bàn tay dập dập các trang giấy.
- Đây mới chỉ là sơ thảo. Khi tôi có thể miêu tả một cách hoàn mỹ bức tranh tôi đã có trong trí tưởng tượng, khi câu văn của tôi có được cái nhịp điệu của chính buổi dạo chơi nước kiệu: một - hai - ba, một - hai - ba ấy, thì phần còn lại sẽ dễ dàng hơn, và nhất là ngay từ đầu sẽ gây được cái ảo ảnh sao cho người ta phải nói: “Bái phục!”.
Nhưng muốn được như vậy thì còn nhiều công việc phải làm. Anh không bao giờ chịu giao cho nhà xuất bản cái câu văn còn để nguyên như trên. Vì tuy có khi anh thấy hài lòng, anh vẫn cho là nó chưa hoàn toàn sát với hiện thực, và trong một chừng mực nhất định, nó vẫn có một cái gì đó dễ dãi khiến nó tuy không thật giống song vẫn phảng phất một sự sao chép. Ít ra đó cũng là điều anh muốn thổ lộ. Nhưng bỗng nghe có tiếng chân chạy ngoài cửa sổ. Rieux đứng dậy:
- Bác sĩ sẽ thấy tôi dùng cái đó làm gì, Grand nói và quay về phía cửa sổ, nói thêm: “khi mọi cái sẽ xong”.
Nhưng lại có tiếng chân chạy rậm rịch, Rieux đã xuống cầu thang và hai người đàn ông đi qua trước mặt ông khi ông ra đến ngoài đường. Rõ ràng họ đi về phía cửa ngõ thành phố. Quả là một số ít đồng bào chúng tôi, phát cuồng vì oi bức và vì dịch bệnh, đã không cưỡng lại được hành vi bạo lực và tìm cách đánh lừa sự cảnh giác của những người canh giữ, mong thoát ra khỏi thành phố.
Cũng như Rambert, một số người khác tìm cách thoát khỏi bầu không khí kinh hoàng bắt đầu manh nha, nhưng họ kiên trì và khéo léo, nếu không nói là thành công hơn. Lúc đầu, Rambert làm những cuộc vận động chính thức. Theo lời anh, bao giờ anh cũng cho rằng thái độ cứng đầu cứng cổ cuối cùng sẽ chiến thắng hết thảy và về một phương diện nào đó, nghề nghiệp buộc anh phải tháo vát. Anh đến gặp nhiều quan chức và nhân vật mà thông thường thẩm quyền được mọi người thừa nhận. Nhưng trong vấn đề này, thẩm quyền ấy chẳng dùng được vào đâu cả. Thông thường đó là những con người có những ý kiến chính xác, mạch lạc về tất cả những gì đụng tới ngân hàng, hoặc xuất khẩu, hoặc các loại cam quít, hoặc nữa là việc buôn bán rượu vang; họ có những tri thức không thể bàn cãi về các vấn đề tố tụng hay bảo hiểm, không kể những bằng cấp nghiêm chỉnh và một thiện chí hiển nhiên. Và thậm chí, cái nổi bật hơn cả ở tất cả những người đó, chính là thiện chí. Nhưng về vấn đề dịch hạch, thì hầu như họ chẳng biết tí gì.
Thế nhưng mỗi khi có cơ hội là Rambert biện hộ cho hoàn cảnh của mình trước mặt mỗi người. Chủ yếu, anh luôn luôn lập luận là anh xa lạ đối với thành phố này, và vì vậy, trường hợp của anh phải được xem xét một cách đặc biệt. Nói chung, những người đối thoại với anh chàng nhà báo sẵn sàng chấp nhận điểm này. Nhưng họ thường chỉ cho anh thấy đó cũng là trường hợp của một số người khác, bởi thế trường hợp của anh không đến nỗi đặc biệt như anh tưởng. Khi Rambert đáp là như thế cũng không hề làm thay đổi cái căn bản trong lập luận của anh thì người ta bảo cái đó có làm thay đổi những điều khúc mắc về hành chính vốn đối lập với mọi biện pháp biện đãi vì có thể gây ra cái mà người ta gọi, với một thái độ hết sức ghê tởm, là tiền lệ. Nói chuyện với Rieux, Rambert xếp những kẻ lý sự kiểu ấy vào loại hình thức chủ nghĩa. Bên cạnh đó là những người “khéo nói”: họ cam đoan với anh là tình hình hiện tại tuyệt nhiên không thể kéo dài, và không tiếc những lời khuyên bảo “tử tế” khi anh đến yêu cầu họ có những quyết định; họ an ủi Rambert và quả quyết đây chỉ là một nỗi phiền muộn nhất thời. Có những kẻ “quan trọng” bảo khách ghi lại tóm tắt hoàn cảnh và hứa sẽ xem xét, giải quyết. Những kẻ vô tích sự thì đề xuất những tấm vé cư trú hay địa chỉ những quán trọ rẻ tiền. Những người có đầu óc trật tự thì bảo khách điền vào một tấm phiếu và sau đó xếp vào hồ sơ. Những người bận rộn thì giơ tay lên trời. Những kẻ cho là mình bị quấy nhiễu thì ngoảnh mặt đi. Cuối cùng những người theo lối truyền thống - số này đông hơn cả - thì chỉ cho Rambert một cơ quan khác hay một lối chạy vạy khác.
Anh chàng nhà báo chạy đi chạy lại đến mệt lử và có một ý niệm chính xác thế nào là tòa thị chính hay một cơ quan hành chính cấp tỉnh vì phải ngồi chờ mãi trên một chiếc băng bọc vải giả da trước những tấm áp phích lớn mời mua công trái - loại được miễn thuế - hay ghi tên vào quân đội thuộc địa; vì phải bước vào các công sở, nơi người ta dễ đoán biết các bộ mặt cũng như đoán biết mấy cái ngăn có ván lật để cất giấy má hay mấy cái giá để hồ sơ. Cái lợi - như Rambert chua chát nói với Rieux - là tất cả cái đó làm anh không còn biết tình hình thực sự ra thế nào nữa. Thực tế anh không rõ dịch hạch tiến triển ra sao. Đó là chưa kể ngày tháng vì vậy trôi qua nhanh hơn và trong tình hình chung toàn thành phố, có thể nói mỗi ngày qua đi là con người dịch lại gần hơn thời điểm chấm dứt thử thách, nếu người đó không bị chết. Rieux phải thừa nhận điểm này đúng, nhưng đó là một chân lý có phần quá khái quát.
Đã có một lúc Rambert hy vọng. Anh nhận được của thành phố một tờ phiếu thông tin để trống, yêu cầu anh điền vào một cách chính xác. Tờ phiếu phải ghi rõ hình tích, hoàn cảnh gia đình, các nguồn thu nhập trước kia và hiện nay, và cái mà người ta gọi là curri culum vieta[12] của anh. Anh có cảm giác đây là một cuộc điều tra nhằm thống kê trường hợp những người có thể được gửi trả về nơi thường trú của họ. Một vài tin tức mập mờ thu thập được ở một cơ quan khẳng định cảm giác ấy. Nhưng sau một vài lần chạy vạy, anh ta tìm ra cơ quan gửi phiếu và người ta bảo anh những thông tin ấy được thu thập để “phòng trường hợp”.
- Phòng trường hợp gì? Rambert hỏi.
Người ta bèn nói rõ với anh là đề phòng trường hợp anh bị dịch hạch và bị giết: người ta có thể một mặt, báo cho gia đình anh, và mặt khác, xét xem nên để ngân sách thành phố đài thọ viện phí hay để về sau gia đình anh hoàn trả lại. Rõ ràng, cái đó chứng tỏ anh không hoàn bị cách xa người con gái đang chờ mong anh, vì xã hội quan tâm đến họ. Nhưng đó không phải là một niềm an ủi. Điều đáng lưu tâm hơn, và vì vậy Rambert lưu ý, là cái cách mà một cơ quan, giữa lúc tai họa hết sức ngặt nghèo vẫn có thể tiếp tục công việc và có những sáng kiến thuộc một thời kỳ khác, vì lý do duy nhất là cơ quan ấy được đặt ra vì công việc đó - sáng kiến trên, thông thường họ không cho cấp trên biết.
Giai đoạn tiếp theo đối với Rambert là giai đoạn vừa dễ dàng nhất vừa khó khăn nhất. Một giai đoạn trì trệ. Anh đã đến gặp mọi cơ quan, làm mọi cuộc vận động, trước mắt, mọi lối thoát về phía ấy đều bị bịt kín. Thế là anh lang thang hết tiệm cà phê này đến tiệm cà phê khác. Buổi sáng, anh ngồi ở một mái hiên, trước một cốc bia hâm ấm, đọc báo với hy vọng tìm thấy một vài dấu hiệu cho biết dịch bệnh sắp chấm dứt, nhìn mặt khách qua đường, chán ngán quay đi khi thấy vẻ ảo não của họ. Và sau khi đọc đi đọc lại đến hàng trăm lần tấm bảng các cửa hiệu phía trước mặt, tờ quảng cáo cho những thứ rượu mạnh khai vị hiện nay không còn có bán nữa, anh đứng dậy ra đi, hoàn toàn không chủ đích, trên những đường phố vàng hoe. Anh lang thang một mình như thế, hết quán cà phê này lại đến tiệm ăn khác cho đến chiều tối. Rieux gặp anh vào một buổi tối như vậy, trước cửa một tiệm cà phê mà anh ngập ngừng không muốn vào. Nhưng rồi quyết định và vào ngồi tận cuối phòng. Theo lệnh trên, trong các tiệm cà phê, người ta bật đèn hết sức muộn. Bóng hoàng hôn tràn vào căn phòng như một thứ nước xám xịt; ánh nắng chiều tà màu hồng phản chiếu trên các tấm kính và mặt bàn cẩm thạch sáng lên yếu ớt trong bóng đêm bắt đầu buông xuống. Giữa căn phòng hoang vắng, Rambert giống như một cái bóng hiu quạnh và Rieux nghĩ đó là giờ phút anh ta thả mình trong suy tư. Nhưng đó hình như cũng là giờ phút suy tư của mọi người bị dịch hạch cầm tù trong thành phố: ai nấy đều cảm thấy phải làm một cái gì để sớm tự giải thoát mình. Rieux quay mặt đi.
Rambert cũng bỏ nhiều thì giờ ở nhà ga. Sân ga bị Cấm không được vào. Nhưng các phòng chờ đi từ phía ngoài vào vẫn mở cửa và thỉnh thoảng, trong những ngày nóng bức, những người hành khất đến đây tìm một chút bóng râm mát. Rambert đọc tấm bảng ghi giờ tàu chạy những ngày trước, những tấm biển ghi cấm nhổ nước bọt và quy tắc cảnh sát trên tàu. Anh đến ngồi trong một góc. Phòng chờ tối om. Một chiếc lò gang đã mấy tháng không được đốt lửa nằm giữa những vệt nước ngoằn ngoèo theo hình con số 8 trên nền nhà. Trên tường, mấy tờ áp phích quảng cáo cho cuộc sống hạnh phúc và tự do ở Bandol[13] hay ở Cannes[14]. Rambert đụng phải ở đây cái thứ tự do ghê tởm người ta tìm thấy ở chỗ tận cùng của sự khốn quẫn. Lúc đó, những hình ảnh sâu nặng nhất trong lòng anh, chí ít các theo lời anh nói với Rieux là hình ảnh Paris. Một bức tranh vẽ những tấm đá cổ kính và những dòng sông, những cánh chim bồ câu ở Palais Royal[15], nhà ga ở phía bắc, những khu phố vắng ở điện Panthéon[16] và một vài nơi chốn khác trong cái thành phố mà trước đây anh biết là mình yêu đến thế, tất cả cái đó đeo đuổi Rambert và không để cho anh làm một cái gì cụ thể cả. Rieux hiểu là những hình ảnh ấy và những hình ảnh về mối tình của anh chỉ là một. Và đến hôm Rambert nói với ông là anh thích thức giấc lúc bốn giờ sáng và nghĩ về thành phố quê hương thì, từ chiều sâu kinh nghiệm bản thân, Rieux dễ dàng hiểu ra rằng chính lúc đó anh nghĩ hình ảnh người con gái xa cách. Đó quả là lúc anh có thể “nắm” được nàng. Thông thường, lúc bốn giờ sáng, người ta không làm gì cả và chỉ ngủ, dù đêm ấy có bị phụ bạc đi nữa. Đúng, người ta ngủ vào giờ ấy, và cái đó làm người ta yên lòng vì nỗi mong muốn rạo rực của một trái tim thao thức là mãi mãi chiếm hữu người mình yêu, hoặc khi xa cách, có thể nhấn chìm người yêu trong một giấc ngủ không mộng mị chỉ được chấm dứt vào một ngày tái hợp.
Ít lâu sau buổi thuyết giáo ở nhà thờ, trời bắt đầu nóng. Đã vào cuối tháng sáu. Một ngày sau cơn mưa muộn màng hôm thuyết giáo ngày chủ nhật ấy, mùa hè xuất hiện đột ngột trong bầu trời và trên các mái nhà. Một cơn gió nóng ào ạt thổi suốt một ngày, làm khô khốc các bức tường. Ngày nào cũng có mặt trời. Suốt ngày, thành phố ngập trong ánh nắng và oi bức, ngoài những đường phố có cổng tò vò và các căn phòng, hình như không một nơi nào trong thành phố là không nắng chói chang. Mặt trời đuổi theo đồng bào chúng tôi trên mọi nẻo đường. Và hễ họ đứng lại là nó tấn công. Những ngày nắng đầu tiên này trùng hợp với tình hình người chết tăng vọt - lên tới gần bảy trăm mỗi tuần - nên một bầu khi khí bi thảm bao trùm thành phố. Ở ngoại ô, giữa những con đường bằng phẳng và những ngôi nhà có mặt hiên, tình hình hoạt động giảm sút và, trong cái khu phố người ta luôn luôn sống ngoài hiên ấy, bây giờ thì cửa đóng then cài, không hiểu là người ta đề phòng dịch hạch hay tránh nắng. Những tiếng rên rỉ thoát ra từ một vài nhà. Trước kia, khi thấy vậy, thường có mấy kẻ tò mò đứng ngoài đường, lắng nghe. Nhưng sau tình trạng nguy ngập kéo dài, hình như trái tim mỗi người rắn lại và ai nấy đi lại hay sinh sống bên cạnh những lời than thở, như thể đó vẫn là thứ ngôn ngữ tự nhiên của con người.
Những cuộc huyên náo ở các cửa ô, trong đó cảnh binh phải dùng đến vũ khí, gây nên một mối lo ngại sâu sắc. Chắc chắn có người bị thương, nhưng trong thành phố người ta nói đến người chết: do nắng nóng và hoảng sợ, mọi thứ đều bị cường điệu. Dẫu sao thì nỗi bất bình quả là thứ không ngừng tăng lên, và nhà chức trách lo sợ tình hình có thể trở nên tồi tệ nhất nên đã dự kiến một cách nghiêm ngặt những biện pháp cần thi hành nếu dân chúng, trong cơn tai họa, có thể nổi loạn. Báo chí đăng những quyết định nhắc lại cấm ra khỏi thành phố và dọa bỏ tù những kẻ vi phạm. Những đoàn tuần tra, đi lại trong thành phố. Trên những đường phố vắng vẻ và nóng bức, người ta thường nghe tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường và sau đó thấy binh lính cưỡi ngựa đi qua giữa những dãy cửa sổ đóng im ỉm. Đoàn tuần tra đi qua thì một nỗi im ắng ngờ vực nặng nề lại chụp lên cái thành phố bị uy hiếp. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng súng của những đội đặc biệt phụ trách, theo một lệnh mới, giết chết chó và mèo vì chúng có thể mang theo bọ chét truyền bệnh. Những tiếng nổ đanh ấy góp phần đặt thành phố trong một bầu không khí báo động.
Vả lại, trong nóng bức và im ắng, mọi cái đều trở nên quan trọng hơn đối với trái tim hãi hùng của đồng bào chúng tôi. Lần đầu tiên, mọi người nhạy cảm đối với sắc trời và mùi đất báo hiệu một vụ thay đổi. Mỗi người kinh hoàng hiểu rằng trời nóng bức giúp cho dịch hạch phát triển, và đồng thời mỗi người nhận thấy mùa hè đã đến. Tiếng chim sa yến trong bầu trời chiều trên thành phố trở nên yếu ớt hơn. Nó không còn tương xứng với những buổi hoàng hôn tháng sáu đẩy lùi chân trời ở xứ sở chúng tôi. Hoa mang tới chợ không còn hé nụ nữa, chúng đã nở tung, và sau buổi chợ sáng, cánh hoa vương vãi trên vỉa hè bụi bặm. Rõ ràng màu xuân đã tàn, nó đã vung phí sức lực trong hàng ngàn bông hoa nở khắp nơi trong vùng và giờ đây nó sắp lịm đi, từ từ bị nghiền nát dưới sức nặng của cả dịch hạch và nóng bức. Đối với mỗi đồng bào chúng tôi, bầu trời mùa hạ và những con đường nhợt nhạt đi vì bụi bặm và ưu phiền, cũng mang ý nghĩa uy hiếp chẳng khác hàng trăm cái chết mỗi ngày đè nặng thành phố. Ánh nắng mặt trời dai dẳng, những giờ phút thích hợp với giấc ngủ và nghỉ hè, không còn mời mọc người ta những cuộc hoan lạc với dòng nước và xác thịt nữa. Trái lại, chúng ta trở nên vô vị trong cái thành phố im lìm và kín mít này. Chúng không còn cái ánh sáng lấp lánh của những thời kỳ hạnh phúc. Mặt trời dịch hạch dập tắt mọi sắc màu và xua đuổi mọi niềm vui.
Đấy là một trong những sự đảo lộn lớn nhất dịch bệnh gây ra. Thường ngày, tất cả đồng bào chúng tôi hoan hỉ đón chờ mùa hạ. Thành phố hướng ra biển và thanh niên tràn ra các bãi tắm. Trái lại, mùa hè năm ấy, biển bị cấm và cơ thể con người không được quyền hưởng những thú vui ấy nữa. Biết làm gì trong những điều kiện như vậy? Tarrou vẫn là người miêu tả chân thực nhất cuộc sống chúng tôi lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, anh theo dõi tiến triển của bệnh dịch nói chung ghi lại rõ ràng rằng đài phát thanh đã ghi nhận một bước ngoặt của dịch bệnh khi không còn đưa tin hàng trăm người chết mỗi tuần nữa, mà là chín mươi hai, một trăm linh bảy và một trăm hai mươi mỗi ngày. “Báo chí và nhà chức trách tưởng như đánh lừa được dịch hạch. Họ nghĩ là họ đã rút được bớt điểm của nó đi vì một trăm ba mươi là một con số không lớn bằng chín trăm mười”. Tarrou cũng gợi lại những mặt bi thảm hay ly kỳ của dịch bệnh, trong một khu phố vắng, cửa chớp đóng kín mít, bỗng một thiếu phụ mở cửa sổ phía trên đầu anh và kêu to lên hai tiếng trước khi đóng sập cửa lại trong bóng tối dày đặc của căn phòng. Nhưng anh cũng ghi thêm là những viên ngậm bạc hà đã biến hết ở các hiệu thuốc vì nhiều người ngậm để đề phòng bệnh lây lan.
Anh cũng tiếp tục quan sát những nhân vật ưa thích của mình. Anh cho biết là cái ông già nhỏ người hay nhổ nước bọt lên lũ mèo cũng sống trong bi kịch. Quả là một buổi sáng, những phát đạn đã nổ, và như Tarrou ghi lại mấy phát đạn chì đã giết chết phần lớn mèo và khủng bố những con còn lại: chúng rời bỏ đường phố. Cũng ngày hôm đó, vào giờ phút quen thuộc, ông già bước ra ban công, tỏ vẻ ngạc nhiên, cúi xuống, quan sát hai bên đầu phố và nhẫn nhục chờ đợi. Tay gõ khẽ vào hàng rào sắt trên ban công. Ông lão chờ thêm một lúc, xé vụn ra ít giấy, bước vào nhà rồi lại trở ra, và một lúc sau đột ngột biến mất, giận dữ đóng sập cửa lại. Những ngày sau, vẫn tiếp diễn cái cảnh ấy, nhưng nét mặt ông lão tỏ ra buồn bã và hoang mang hơn. Sau một tuần lễ. Tarrou chờ mãi ông lão xuất hiện như thường ngày nhưng cánh cửa sổ vẫn đóng im ỉm với một nỗi buồn rất dễ hiểu.
“Trong thời kỳ dịch hạch, cấm nhổ nước bọt lên mèo”, đó là kết luận trong sổ tay Tarrou.
Mặt khác, buổi tối, khi trở về nhà, anh biết thế nào cũng sẽ gặp trong hành lang bộ mặt âu sầu của người gác đêm đi ngang dọc trong khu nhà. Ông ta không ngớt nhắc đi nhắc lại với mọi người là ông đã dự kiến tình hình xảy ra. Khi Tarrou thừa nhận đã từng nghe lão dự kiến một tai họa, nhưng nhắc lại là lão nói về một vụ động đất kia, thì ông già canh đêm đáp: “A! Giá như là một trận động đất! Một cơn rung chuyển ra trò rồi không còn ai nhắc tới nữa… người ta tính đếm người chết, người sống, và thế là xong. Nhưng còn cái bệnh khốn kiếp này! Ngay những người không mắc bệnh cũng canh cánh trong lòng.
Tay chủ khách sạn cũng không kém phần phiền muộn. Lúc đầu, khách du lịch phải ở lại khách sạn vì thành phố bị đóng cửa. Nhưng dần dà, bệnh dịch kéo dài, nhiều người thích đến ở nhà bè bạn. Và các phòng khách sạn trước kia chật ních vì những lý do gì thì nay cũng vì những lý do ấy chúng trở nên vắng tanh; không có du khách mới đến thành phố nữa. Tarrou là một trong những vị khách hiếm hoi ở lại và tay chủ khách sạn không bỏ lỡ một cơ hội nào lưu ý anh là nếu không vì muốn làm vui lòng những vị khách cuối cùng của mình thì ông ta đã đóng cửa tiệm từ lâu rồi. Lão thường bảo Tarrou ước lượng xem dịch bệnh còn kéo dài bao lâu: “Người ta bảo, Tarrou đáp, trời lạnh trở ngại cho loại bệnh tật này”. Lão chủ hoảng hốt lên: “Nhưng thưa ông, ở đây, trời không bao giờ lạnh thực sự. Dẫu sao, cũng còn kéo nhiều tháng nữa”. Vả lại, lão cũng tin là còn lâu khách du lịch mới trở lại thành phố. Đợt dịch hạch làm phá sản ngành du lịch.
Ở khách sạn, sau một thời gian ngắn vắng mặt, lại thấy xuất hiện Othon, “con người - cú mèo”, nhưng theo sau chỉ có hai con “cún” kệch cỡm. Hỏi ra mới biết vợ ông ta phải săn sóc và chôn cất bà mẹ và hiện nay đang phải cách ly kiểm dịch.
- Tôi không thích thế, lão chủ khách sạn bảo Tarrou. Kiểm dịch hay không, thì bà ta cũng đáng nghi ngại, và do vậy cả mấy cha con ông ta cũng thế.
Tarrou lưu ý lão là theo quan niệm ấy thì mọi người đều đáng nghi ngại. Nhưng lão vẫn khăng khăng và có những quan điểm thật dứt khoát:
- Thưa ông không, cả ông lẫn tôi đều không đáng nghi ngại. Còn bọn họ thì có.
Nhưng Othon không vì thế mà thay đổi, và lần này, dịch hạch chỉ uổng công vô ích. Ông ta vẫn bước vào phòng ăn với điệu bộ ngày nọ, ngồi vào bàn trước rồi hai đứa con mới được ngồi sau và vẫn nói với chúng những lời lẽ lịch sự nhưng ghét bỏ. Chỉ có riêng thằng nhỏ là dáng dấp có thay đổi. Mặc đồ đen như con chị, ngồi thu lu lại, nó giống như cái bóng thu nhỏ của cha nó. Ông lão gác đêm, vốn không ưa Othon, nói với Tarrou:
- A! thằng cha ấy, hắn sẽ mặc nguyên quần áo mà toi mạng thôi. Cứ thế, chẳng cần tắm rửa gì hết. Hắn sẽ đi thẳng tuột một mạch.
Tarrou cũng thuật lại buổi thuyết giáo của Paneloux, nhưng với những lời bình luận sau đây: “Tôi hiểu cái mối nhiệt tình dễ thương ấy. Khi tai họa bắt đầu và khi nó kết thúc, bao giờ người ta cũng tỏ ra ít nhiều hùng biện. Trong trường hợp thứ nhất, thói quen chưa mất và trong trường hợp thứ hai, thói quen đã được hồi phục. Giữa lúc tai họa, người ta mới làm quen với chân lý, nghĩa là im lặng. Chúng ta hẵng chờ xem”.
Cuối cùng, Tarrou kể lại anh có một buổi nói chuyện dài với bác sĩ Rieux, nhưng chỉ nói là buổi nói chuyện rất kết quả, nhân đấy nhắc tới đôi mắt màu hạt dẻ nhạt của bà cụ Rieux khẳng định một cách kỳ cục là một ánh mắt nhân hậu đến thế bao giờ cũng có sức mạnh hơn dịch hạch, và sau cùng dành những đoạn khá dài viết về ông lão bị hen suyễn, bệnh nhân của Rieux. Sau buổi nói chuyện, Tarrou theo Rieux đến thăm ông lão. Lão đón tiếp anh với những tiếng cười khẩy, hai tay xoa xoa vào nhau. Lão ngồi trên giường, lưng tựa vào gối, phía dưới có hai nồi đậu hạt: “A! Lại thêm một vị nữa, lão thốt lên khi thấy Tarrou. Thật là ngược đời, thầy thuốc lại nhiều hơn bệnh nhân. Vì người ta vội đi đời cả hả? Cha xứ nói có lý, người ta bị dịch hạch như thế là đáng đời lắm”. Hôm sau, Tarrou lại đến thăm lão, không báo trước.
Nếu tin vào sổ tay của anh, thì ông lão bị suyễn này vốn làm nghề bán tạp hóa, đến lúc tuổi năm nhăm tự cho là mình đã làm việc đủ rồi. Lão nằm nghỉ và từ đó không dậy nữa tuy bệnh suyễn của lão vẫn dung hòa được với tư thế đứng. Với một khoản lợi tức nhỏ, lão sống thoải mái đến tuổi bảy nhăm. Lão không sao chịu được sự có mặt một chiếc đồng hồ và trên thực tế, nhà lão không có lấy một chiếc. “Một chiếc đồng hồ, lão nói, thì vừa đắt tiền vừa ngu ngốc”. Lão ước lượng thời gian và nhất là giờ các bữa ăn - mối quan tâm duy nhất của lão - bằng hai cái nồi mà đựng đậu khi lão ngủ dậy. Lão bỏ từng hạt đậu vào nồi thứ hai, động tác bao giờ cũng chăm chút và đều đặn như nhau. Cứ thế lão lấy nồi đậu làm đơn vị thời gian đế sắp xếp công việc trong ngày. “Cứ hết mười lăm nồi, lão bảo, thì đến bữa ăn. Thật là đơn giản”.
Vả lại, theo lời bà vợ, thì từ lúc còn rất trẻ, lão đã bộc lộ những dấu hiệu thiên hướng của mình. Công việc, bạn bè, cà phê, âm nhạc, phụ nữ, những buổi dạo chơi, không có gì khiến lão quan tâm. Lão chưa bao giờ ra khỏi thành phố, trừ một hôm, việc nhà buộc lão phải đi Alger. Chỉ đi được một ga, lão đã phải xuống vì không sao tiếp tục cuộc hành trình được. Lão quay trở về bằng chuyến tàu đầu tiên.
Khi Tarrou tỏ vẻ ngạc nhiên về cuộc sống khép kín của lão, thì lão hầu như muốn giảng giải rằng theo tôn giáo, nửa đầu cuộc đời một con người thì đi lên, còn nửa thứ hai thì đi xuống, rằng trong nửa đi xuống ấy, ngày tháng của con người không còn thuộc về mình nữa, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể bị tước đoạt, vì vậy người đó không thể làm gì được và chính vì vậy tốt nhất là không nên làm gì hết. Vả lại, sự trái ngược ấy không làm lão sợ hãi: ít lâu sau, lão nói với Tarrou là chắc chắn không có Chúa, vì nếu ngược lại, thì các cha xứ sẽ trở thành vô ích. Nhưng theo những luồng suy nghĩ tiếp theo sau của lão, Taroru hiểu rằng cái triết lý ấy gắn chặt với tâm trạng đối với những cuộc quyên tiền thường xuyên của xứ đạo. Tuy nhiên, muốn hoàn chỉnh chân dung ông lão thì phải thêm là lão muốn sống thật lâu, một nỗi mong muốn sâu xa nhiều lần lão thổ lộ với Tarrou.
“Phải chăng là một ông thánh?”. Tarrou nghĩ bụng. Và anh trả lời: “Phải, nếu thánh đức là một tập hợp thói quen”.
Nhưng đồng thời Tarrou miêu tả khá tỉ mỉ một ngày trôi qua trong cái thành phố bị dịch hạch này và cung cấp một khái niệm đúng đắn về công việc và cuộc sống của đồng bào chúng tôi trong mùa hè năm ấy: “Không một ai cười ngoài bọn say rượu, anh viết, và bọn này thì cười quá nhiều”. Rồi anh bắt đầu miêu tả:
“Sáng sớm, những làn gió nhẹ thổi trên thành phố còn vắng vẻ. Vào giờ này - nằm giữa cái chết trong đêm tối và những cơn hấp hối giữa ban ngày, - hình như dịch hạch ngừng nỗ lực một lát và lấy lại hơi sức. Mọi cửa hiệu đều đóng cửa. Nhưng đó đây có treo biển “Đóng cửa vì dịch hạch”: người ta biết lát nữa chúng sẽ không mở cửa cùng với những cửa hiệu khác. Mấy chú bán báo còn ngái ngủ không rao tin; ngồi tựa lưng vào các góc phố và như những kẻ mộng du, họ “bày hàng” ra dưới mấy ngọn đèn đường. Lát nữa, bị những chuyến tàu điện đầu tiên đánh thức, họ sẽ tản đi trong khắp thành phố, dang rộng tay cầm những tờ báo trên đó nổi bật cái từ “Dịch hạch”. “Liệu có một mùa thu dịch hạch không? Giáo sư B. trả lời: Không”. “Một trăm hai mươi bốn người chết, đây là con số tổng kết ngày thứ chín mươi của từ bị dịch hạch”.
“Mặc dù cuộc khủng hoảng giấy ngày càng gay gắt, buộc một số xuất bản phẩm định kỳ phải giảm bớt số trang, người ta vẫn lập một tờ báo khác: Tờ tin tức Dịch bệnh, với nhiệm vụ” thông báo hết sức khách quan cho đồng bào chúng ta, những bước tiến hay bước lùi của dịch bệnh; cung cấp cho bà con những bằng chứng đáng tin cậy nhất về tương lai bệnh dịch; giúp đỡ mọi người, quen thuộc hay xa lạ, sẵn sàng chống lại tai họa; nâng đỡ tinh thần dân chúng, truyền đạt chỉ thị của nhà chức trách, và nói tóm lại, tập hợp mọi người có thiện chí để chống lại có hiệu quả cái tai họa đang tấn công chúng ta”. Thực ra, chẳng bao lâu, tờ báo chỉ đăng những mục rao hàng các sản phẩm mới, “hết sức công hiệu” để đề phòng dịch hạch.
“Vào khoảng sáu giờ sáng, tất cả những số báo này bắt đầu được bán cho những đám người xếp hàng dài trước các cửa hiệu hơn một tiếng khi mở cửa, rồi trên những chuyến tàu điện chật ních người từ ngoại ô vào. Tàu điện trở thành phương tiện giao thông duy nhất và chúng chạy ì à ì ạch, người chen chúc trên các bậc lên xuống và lan can tàu đến muốn gãy tung ra. Nhưng điều kỳ lạ là mọi người hết sức cố gắng quay lưng lại với nhau để tránh lây lan. Đến các điểm đỗ, đàn ông, đàn bà ùa xuống, vội vã tránh xa nhau và tách riêng ra. Thường xuyên xảy ra những cuộc huyên náo mà nguyên nhân duy nhất là sự bực bõ - nay đã trở thành “kinh niên”.
“Sau mấy chuyến tàu điện đầu tiên, thành phố dần dần thức giấc, những quán rượu đầu tiên mở cửa, trên quầy hàng treo biển: “Hết cà phê”, “Mời khách tự mang đường đến” v.v… Rồi đến lượt các cửa hiệu tạp hóa, phố xá trở nên tấp nập. Trời mỗi lúc một sáng và nắng làm cho bầu trời tháng bảy đổ sang màu chì. Đấy là lúc những kẻ vô công rồi nghề lang thang trên các đại lộ. Số đông hình như ra sức trừ khử dịch hạch bằng cách phơi bày sự xa xỉ của họ. Ngày nào cũng vậy, vào khoảng mười một giờ, người ta thấy nhởn nhơ trên những đường phố chính đám nam nữ thanh niên muốn trưng diện: trong cơn tai họa, niềm say mê cuộc sống của họ càng thêm dữ dội, Dịch bệnh lan rộng thì “đạo lý” cũng phát triển. Chúng ta sẽ bắt gặp những cuộc chơi bời phóng dật kiểu thành phố Milan bên cạnh những nấm mồ.
“Buổi trưa, chỉ trong nháy mắt là các quán ăn chật ních. Ngoài cửa, những người không có chỗ, tụ tập lại rất nhanh thành từng nhóm nhỏ. Vì quá nắng nóng, bầu trời bắt đầu mất dần ánh sáng. Dưới bóng râm những tấm mành to tướng, khách đến ăn đứng bên lề đường chói chang ánh mặt trời, chờ đến lượt mình. Người ta ùa đến các quán ăn vì chúng giải quyết gọn vấn đề tiếp tế.
Nhưng chúng không mảy may giảm bớt nỗi lo sợ bị truyền nhiễm. Khách ăn để nhiều thì giờ kiên nhẫn lau chùi bát đĩa. Trước đấy ít lâu, một vài khách sạn treo biển: “Ở đây, bát đĩa đã được nhúng nước sôi”. Nhưng dần dà, họ chẳng cần quảng cáo gì nữa vì khách bắt buộc phải tới. Vả lại, khách sẵn sàng tiêu pha. Những thứ rượu ngon hay cho là ngon, những món phụ thêm đắt tiền nhất, đây là bước mở đầu một cuộc chạy đua thỏa sức. Hình như một cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra trong một quán ăn, vì một ông khách cảm thấy trong người khó chịu bỗng nhiên tái xanh tái nhợt, đứng dậy loạng choạng bỏ chạy ra ngoài.
“Vào khoảng hai giờ, thành phố vắng dần và đó là lúc im ắng, bụi bặm, mặt trời và dịch hạch gặp gỡ nhau ngoài đường. Dọc những ngôi nhà đồ sộ, màu xám xịt, ánh nắng vẫn không ngừng tuôn xuống. Chấm dứt những ngày giờ đằng đẵng cầm tù người ta, là những buổi tối hừng hực ập xuống một thành phố đông đúc và ồn ã. Trong những ngày nắng nóng đầu tiên, người ta không hiểu vì sao buổi tối ngày càng vắng vẻ. Nhưng giờ đây, luồng không khí mát mẻ đầu tiên khiến người ta, nếu chưa có gì để hy vọng thì cũng bớt căng thẳng. Mọi người đổ ra đường phố, nói năng đến cuồng nhiệt, cãi cọ nhau hay thèm khát lẫn nhau và dưới bầu trời tháng bảy đỏ rực, thành phố đầy những đôi trai gái và tiếng ồn ã, trôi giạt về một khoảng đêm hổn hển. Tối nào cũng vậy, trên các đại lộ, một ông già có linh cảm, đội mũ phớt và thắt cà vạt, đi qua đám đông và nói đi nói lại: “Chúa là vĩ đại, hãy đến với Người”; nhưng chỉ uổng công vô ích: mọi ngƣời đều đổ xô về một cái gì đó mà họ biết lờ mờ hoặc họ cho là cấp bách hơn Chúa. Lúc đầu, khi họ cho dịch hạch cũng là một thứ bệnh như những bệnh tật khác, thì tôn giáo nằm ở đúng vị trí của nó. Nhưng thì thấy tình hình nghiêm trọng, thì họ nhớ tới khoái lạc. Trong cảnh hoàng hôn hừng hực và bụi bặm, toàn bộ nỗi kinh hoàng hiển hiện trên các khuôn mặt lúc ban ngày biến thành một thứ kích động thô bạo, một thứ tự do vụng dại khiến cả một cư dân như lên cơn sốt.
Và cả tôi nữa, tôi cũng như họ. Nhưng sao! cái chết không là gì hết đối với những người như tôi. Nó là một sự kiện thừa nhận cái đúng đắn của họ”.
Tarrou xin gặp Rieux buổi gặp gỡ anh nói tới trong sổ tay. Tối hôm đó, trong lúc chờ anh, Rieux nhìn mẹ điềm tĩnh ngồi trên ghế, trong một góc phòng ăn, thường ngày cụ ngồi đấy khi không bận công việc nhà. Hai tay chắp lại trên đầu gối, cụ ngồi chờ. Rieux cũng không biết chắc là có phải cụ chờ anh không. Nhưng có một cái gì biến đổi trên nét mặt bà cụ khi ông xuất hiện. Nét mặt vốn lầm lì, dấu ấn của một cuộc đời cần mẫn, bỗng hoạt bát lên. Nhưng rồi cụ lại vẫn ngồi im. Tối hôm đó, qua ô cửa sổ, cụ nhìn ra ngoài đường phố vắng vẻ. Ánh sáng đèn đường đã giảm đi hai phần ba. Từng quãng xa một, một bóng đèn tù mù rọi một chút ánh sáng vào bóng đêm thành phố.
- Không biết người ta có giảm ánh sáng đèn đường trong suốt thời kỳ dịch bệnh không nhỉ? bà cụ hỏi.
- Có thể, mẹ ạ!
- Miễn sao đừng kéo dài đến tận mùa đông. Vì nếu thế thì buồn lắm.
- Vâng, Rieux đáp.
Ông thấy ánh mắt mẹ nhìn lên trán mình. Ông biết vì lo âu và làm việc quá sức trong những ngày qua nên mặt ông hóp lại.
- Tình hình hôm nay không ổn phải không? bà cụ hỏi.
- Ồ! cũng như thường ngày thôi mẹ ạ.

--------------------

[12] Lý lịch (tiếng la tinh).
[13] Những nơi tắm biển ở Pháp trên bờ Địa Trung Hải.
[14] Những nơi tắm biển ở Pháp trên bờ Địa Trung Hải.
[15] Cung điện nổi tiếng ở Paris.
[16] Điện thờ danh nhân ở Pháp.