DỊCH HẠCH
(La Peste)

Albert Camus

NGUYỄN TRỌNG ĐỊNH dịch


Kỳ 9

Cũng như thường ngày! có nghĩa là thứ huyết thanh mới gửi từ Paris về có vẻ ít hiệu quả hơn lần đầu và con số thống kê cứ tăng dần. Người ta vẫn chỉ có thể tiêm chủng huyết thanh phòng bệnh cho những gia đình đã mắc bệnh được thôi.
Muốn sử dụng rộng rãi thì phải có những số lượng khổng lồ. Phần lớn hạch xoài không chịu vỡ mủ như thể đã đến thời kỳ cứng lại, và chúng hành hạ người bệnh. Từ tối hôm trước, trong thành phố xảy ra hai ca mắc bệnh dưới một dạng mới: dạng dịch hạch phổi. Một cuộc họp được tổ chức ngay ngày hôm đó. Ông thị trưởng thì hoang mang, các thầy thuốc thì kiệt sức. Theo yêu cầu của họ, cuộc họp quyết định những biện pháp mới để đề phòng bệnh lây lan theo đường miệng. Cũng như thường ngày, người ta vẫn không rõ tình hình rồi sẽ ra sao.
Rieux nhìn mẹ. Đôi mắt đẹp màu nâu sẫm của bà cụ làm ông nhớ lại những năm tháng được yêu chiều.
- Mẹ có sợ không mẹ?
- Ở tuổi mẹ, người ta chẳng sợ bao nhiêu nữa.
- Ngày thì dài mà con thì không bao giờ được ở bên mẹ.
- Mẹ có phải chờ con cũng chẳng sao nếu mẹ biết thế nào con cũng về. Và khi con chưa về thì mẹ nghĩ tới công việc con làm. Con có tin gì mới không?
- Vâng có, mọi sự đều tốt lành theo bức điện con vừa nhận được. Nhưng con biết là cô ta nói thế cho con yên lòng. Có tiếng chuông gọi cửa. Rieux mỉm cười với mẹ và đi ra mở. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, trên cầu thang. Tarrou có vẻ như một chú gấu khổng lồ, quấn áo màu xám. Rieux mời khách ngồi vào trước bàn làm việc, còn mình thì đứng sau chiếc ghế bành. Ngăn cách giữa hai ngƣời chỉ có cây đèn thắp sáng trên mặt bàn.
Không hề rào đón, Tarrou lên tiếng:
- Tôi biết là tôi có thể nói thẳng với ông.
Rieux im lặng tán thành.
- Chỉ mười lăm ngày hay một tháng sau là ông sẽ không còn làm được gì có ích ở đây nữa. Ông sẽ không với kịp tình hình.
- Đúng thế, Rieux đáp.
- Tổ chức y tế hiện nay dở. Các ông thiếu người và thiếu cả thời gian.
Một lần nữa Rieux lại thừa nhận là đúng như thế.
- Tôi được biết là tỉnh dự kiến một thứ cơ quan dân sự để buộc những người lành mạnh tham gia công việc cứu trợ chung.
- Ông nắm chắc tình hình đấy. Nhưng người ta đã bất bình lắm rồi và ông thị trưởng không thể không lưỡng lự.
- Vì sao không yêu cầu những người tự nguyện?
- Người ta đã làm, nhưng kết quả ít ỏi lắm.
- Vì người ta đã làm theo con đường Nhà nước và không mấy tin tưởng. Cái họ thiếu là trí tưởng tượng. Họ không bao giờ ở ngang tầm tai họa. Và những liều thuốc họ nghĩ ra chỉ đủ để chữa bệnh sổ mũi. Nếu cứ để họ làm thì họ sẽ chết và chúng ta sẽ cùng chết theo với họ.
- Có thể, Rieux đáp. Tôi phải nói là tuy thế, họ vẫn nghĩ tới việc huy động ngƣời tù để làm những công việc nặng nhọc.
- Làm công việc đó, phải là những người tự do thì hơn.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng xét cho cùng vì sao?
- Tôi kinh tởm những vụ án tử hình.
Rieux nhìn Tarrou.
- Thế thì sao? ông hỏi.
- Thì tôi có một chương trình thành lập những tổ chức y tế tự nguyện. Ông cho phép tôi phụ trách công việc đó và chúng ta hãy gác lại một bên tổ chức Nhà nước. Vả lại, tổ chức Nhà nước đã quá bận rộn. Tôi có bạn bè hầu như ở khắp nơi và họ sẽ là những hạt nhân đầu tiên. Và dĩ nhiên tôi sẽ tham gia.
- Dĩ nhiên, Rieux đáp, ông cho là tôi vui vẻ nhận lời. Chúng tôi cần được giúp đỡ, nhất là trong cái nghề này. Tôi sẽ làm cho trên tỉnh chấp nhận. Vả lại, họ không có cách nào khác. Nhưng…
Rieux đăm chiêu.
- Nhưng công việc đó có thể làm chết người, ông biết đấy. Và dẫu sao, tôi cũng phải nói trước với ông điều đó. Ông đã suy nghĩ thật kỹ chưa?
Tarrou ngước cặp mắt màu tro nhìn ông.
- Bác sĩ nghĩ thế nào về bài thuyết giáo của Paneloux?
Câu hỏi đƣợc đặt ra một cách tự nhiên và Rieux cũng trả lời một cách tự nhiên:
- Tôi đã sống qua nhiều trong các bệnh viện nên không ưa cái quan niệm trừng phạt tập thể. Nhưng ông biết đấy, đôi khi, những người Cơ đốc giáo, nói như thế tuy không thực sự nghĩ như thế bao giờ. Họ tốt hơn là họ biểu thị ra ngoài.
- Nhưng ông cũng nghĩ như Paneloux là dịch hạch có mặt từ thiện của nó, là nó làm cho người ta mở mắt ra, nó buộc người ta phải suy nghĩ!
Bác sĩ Rieux lắc đầu, vẻ sốt ruột:
- Dịch hạch cũng như mọi bệnh tật trên đời này thôi. Nhưng cái gì đúng với mọi tai họa thì cũng đúng với dịch hạch. Dịch hạch có thể giúp cho vài bốn người lớn lên. Nhưng dịch hạch gieo rắc khổ ải và đau thương nên nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu bó tay trước dịch hạch.
Rieux chỉ hơi cao giọng một tí. Nhưng Tarrou giơ tay ra hiệu như để làm ông trấn tĩnh. Ông mỉm cười:
- Đúng, Rieux nói và nhún vai. Nhưng ông chưa trả lời tôi. Ông đã suy nghĩ chưa?
Tarrou hơi lấy lại tư thế trong ghế bành và nhô đầu ra ngoài ánh sáng.
- Bác sĩ có tin ở Thượng đế không?
Câu hỏi lại vẫn được đặt ra một cách tự nhiên. Nhưng lần này, Rieux ngập ngừng.
- Không, nhưng như thế có nghĩa là thế nào? Tôi ở trong đêm tối và tôi cố gắng nhìn cho sáng tỏ. Đã từ lâu tôi không còn thấy cái đó độc đáo nữa.
- Phải chăng cái đó ngăn cách ông với Paneloux?
- Tôi không nghĩ như vậy. Paneloux là một nhà nghiên cứu. Ông ta chưa thấy người ta chết nhiều và vì vậy ông ta nói nhân danh một chân lý. Nhưng bất kỳ một linh mục nào ở nông thôn khi cai quản giáo dân và nghe hơi thở của một người hấp hối cũng đều suy nghĩ như tôi. Ông ta sẽ cho chăm sóc nỗi đau khổ trước khi tìm cách chứng minh mặt ưu việt của nó.
Rieux đứng dậy, khuôn mặt khuất trong bóng tối. Ông nói tiếp:
- Chúng ta gác cái đó lại vì ông không muốn trả lời.
Tarrou ngồi yên trong ghế bành mỉm cười:
- Tôi có thể trả lời bằng một câu hỏi được không?
Đến lượt Rieux mỉm cười:
- Thì ra ông thích những điều bí ẩn. Thôi được, ông cứ hỏi.
- Thế này, Tarrou nói. Vì sao bản thân ông, ông tận tụy đến thế trong khi ông không tin vào Thượng đế? Có thể câu trả lời của ông sẽ giúp bản thân tôi trả lời.
Vẫn đứng trong bóng đêm, Rieux đáp là ông đã trả lời rồi, là nếu ông tin vào một Thượng đế toàn năng thì ông đã không còn chạy chữa cho người ta nữa, và dành công việc đó cho Chúa. Nhưng không một ai, không, ngay cả Paneloux là người tin rằng mình tin đi nữa, trên đời này, không một ai tin vào một Thượng đế kiểu đó, vì lẽ không một ai phó mặc mình hoàn toàn và chí ít, về mặt này, Rieux tin là mình ở trên con đường chân lý trong lúc đấu tranh chống lại thế giới như nó đang tồn tại hiện nay.
- A! Tarrou thốt lên, ông quan niệm nghề nghiệp của ông như thế đấy?
- Gần như thế, Rieux vừa đáp vừa đứng ra ngoài vùng sáng.
Tarrou khẽ huýt sáo. Ngước nhìn anh, ông nói tiếp:
- Vâng, chắc ông nghĩ bụng là muốn thế cần phải có lòng kiêu hãnh. Nhưng tôi chỉ có chút lòng kiêu hãnh cần thiết, xin ông cứ tin như vậy. Tôi không rõ cái gì chờ đợi tôi và cái gì sẽ xảy ra sau tất cả tình hình này. Chỉ biết lúc này có người bệnh và cần chữa bệnh cho họ. Sau đó, họ sẽ suy nghĩ và tôi cũng vậy. Nhưng cấp bách hơn hết là chữa bệnh cho họ. Sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó, thế thôi.
- Bảo vệ chống lại ai?
Rieux quay về phía cửa sổ. Ông hình dung mặt biển xa xa kết tụ phía chân trời và trở nên sẫm màu hơn. Ông cảm thấy mệt mỏi và muốn chống lại cái ý muốn đột ngột và phi lý là cởi mở hơn một chút nữa với con người có vẻ kỳ cục nhưng ông cảm thấy thân ái này.
- Tôi không biết gì hết, ông Tarrou ạ, tôi cam đoan với ông là tôi không biết gì hết. Khi tôi bước chân vào nghề, có thể nói là tôi đã bước vào một cách mơ hồ, vì tôi cần đến nó, vì nó là một nghề nghiệp như những nghề nghiệp khác, một trong những nghề nghiệp ước mong của tuổi trẻ. Có lẽ cũng vì đó là một việc đặc biệt khó khăn cho con một người thợ như tôi. Rồi lại phải nhìn người ta chết. Ông có biết là có những người không chịu chấp nhận cái chết không? Ông đã bao giờ nghe một thiếu phụ la hét: “Không bao giờ!” vào lúc chết chưa? Tôi thì đã nghe. Và lúc ấy, tôi nhận ra rằng mình không thể làm quen với cái đó được. Lúc ấy, tôi còn trẻ và hình như tôi kinh tởm đối với bản thân cái trật tự trên đời này. Về sau, tôi trở nên khiêm tốn hơn. Nhưng tôi vẫn không sao quen được việc nhìn người ta chết. Tôi không hề biết gì hơn nữa. Nhưng dẫu sao…
Rieux ngừng lại và ngồi xuống. Ông cảm thấy khô miệng.
- Dẫu sao thế nào? Taroru nhẹ nhàng hỏi.
- Dẫu sao.. Rieux nói tiếp, rồi lại ngập ngừng, đăm đăm nhìn Tarrou, đó là điều một người như ông có thể hiểu, phải không nào? Nhưng vì trật tự trên cõi đời này là do cái chết quy định cho nên có lẽ tốt hơn cho Chúa là không nên tin ở Chúa mà cần đem hết sức mình đấu tranh chống lại cái chết, và không ngước mắt lên trời nơi Chúa một mực lặng im.
- Vâng, Tarrou tán thành, tôi có thể hiểu. Nhưng thắng lợi của ông bao giờ cũng chỉ tạm thời, có thể thôi.
Rieux có vẻ âu sầu:
- Bao giờ cũng thế, tôi biết. Nhưng không phải vì vậy mà thôi không đấu tranh.
- Vâng, không phải vì vậy mà thôi không đấu tranh. Như thế là tôi hình dung được cái bệnh dịch hạch này đối với ông là thế nào.
- Đúng, Rieux nói. Một thất bại không bao giờ chấm dứt.
Tarrou đăm đăm nhìn bác sĩ một lát, rồi đứng dậy và nặng nề đi ra phía cửa. Và Rieux đi theo. Khi ông theo kịp thì Tarrou lúc đó hình như đang nhìn xuống dưới chân, nói với ông:
- Ai dạy cho ông tất cả cái đó, thưa bác sĩ?
Rieux trả lời ngay lập tức:
- Sự cùng khổ.
Rieux mở cửa buồng giấy, và khi bước vào hành lang, nói với Tarrou là ông cũng xuống thang gác để đi thăm một người bệnh ở ngoại ô. Tarrou đề nghị cùng đi và bác sĩ đồng ý. Đi hết hành lang, hai người gặp bà cụ mẹ Rieux và bác sĩ giới thiệu Tarrou với cụ:
- Bạn con. - Ồ! Cụ Rieux đáp, tôi rất sung sướng được biết ông.
Khi cụ đi khỏi, Tarrou còn quay lại nhìn. Trên cầu thang, Rieux bật điện nhưng không được. Thang gác vẫn tối om. Rieux nghĩ bụng không biết có phải do một biện pháp tiết kiệm mới nữa không. Nhưng không sao biết được. Đã ít lâu nay, trong các gia đình và trong thành phố, mọi thứ đều trục trặc. Phải chăng chỉ vì những người gác cổng, và cả đồng bào chúng tôi nữa nói chung, không còn ai quan tâm đến gì nữa hết? Nhưng bác sĩ Rieux không có thì giờ suy nghĩ nhiều hơn vì tiếng nói của Tarrou đã cất lên phía sau lưng:
- Tôi xin nói thêm một lời, thưa bác sĩ, dù ông có cho là lố bịch: tôi thấy ông hoàn toàn có lý.
Rieux nhún vai đối với riêng mình, trong đêm tối.
- Quả thật là tôi không hiểu gì hết. Nhưng ông, thì ông hiểu thế nào?
- Ồ! Tarrou điềm tĩnh trả lời, tôi không có gì nhiều phải học cả.
Bác sĩ Rieux đứng lại và sau lưng ông, Tarrou trượt chân trên một bậc cầu thang. Nắm vai bác sĩ, anh chựng lại được. - Ông có nghĩ là ông hiểu hết mọi cái trên đời không? Rieux hỏi.
Trong bóng đêm, Tarrou điềm tĩnh trả lời:
- Có.
Ra đến đường phố, họ biết đêm đã khuya, có lẽ đã mười một giờ. Thành phố im ắng, chỉ có tiếng lá cây xào xạc. Rất xa, vang lên tiếng còi xe cứu thương. Họ bước lên ôtô và Rieux nổ máy.
- Mai, mời ông đến bệnh viện tiêm phòng, Rieux báo. Nhưng để kết thúc và trước khi nói chuyện tiêm chủng, ông phải yên trí là mình chỉ có một phần ba khả năng thoát khỏi bệnh.
- Thưa bác sĩ, sự ước lượng ấy chẳng có ý nghĩa gì, chắc ông cũng rõ như tôi. Trước đây một trăm năm, một đợt dịch hạch giết sạch dân một thành phố Ba Tư, và đúng là chỉ trừ lại người tắm rửa cho người chết mà ông ta thì không một ngày nào nghỉ việc.
- Ông ta đã giành được cái khả năng thứ ba, chỉ có thế thôi, Rieux đáp, giọng bỗng nhiên trầm lại. Nhưng quả là chúng ta còn phải học tất thảy mọi cái về vấn đề này.
Hai người ra đến vùng ngoại ô. Đèn xa chiếu sáng những con đường vắng vẻ. Họ dừng xe. Đứng trước ôtô, Rieux hỏi Tarrou có muốn vào không và anh nhận lời. Một tia sáng trên bầu trời soi rõ nét mặt họ. Rieux bỗng mỉm cười thân ái: - Ông Tarrou này, cái gì xui khiến ông quan tâm tới những cái đó?
- Tôi không rõ. Có lẽ là đạo lý của tôi.
- Đạo lý nào?
- Sự thông cảm.
Tarrou quay về phía ngôi nhà và mãi đến lúc hai người bước vào nhà ông lão bị hen suyễn, Rieux mới nhìn thấy mặt anh.
Ngay ngày hôm sau, Tarrou bắt tay vào việc và tập hợp một kíp đầu tiên, sau đó có nhiều kíp khác tiếp theo.
Người kể chuyện không có ý định cường điệu tầm quan trọng của những tổ chức y tế này. Quả là vào địa vị anh ta, chắc hẳn ngày nay, nhiều đồng bào chúng tôi không cưỡng lại được ý muốn quá đề cao vai trò của chúng. Nhưng người kể chuyện nghĩ rằng nếu quá coi trọng những nghĩa cử ấy thì cuối cùng sẽ gián tiếp và mạnh mẽ ca ngợi cái ác. Vì sẽ làm cho người ta có quan niệm là những nghĩa cử ấy sở dĩ có giá trị lớn như vậy, chẳng qua là vì hiếm thấy, còn độc ác và thờ ơ là những động cơ thường gặp hơn nhiều trong hành vi con người. Người kể chuyện không đồng tình với quan điểm đó. Cái ác trên đời này hầu như bao giờ cũng bắt nguồn từ sự dốt nát, và thiện chí cũng có thể gây tổn thất như tà tâm nếu không được soi đường. Người đời, thường tốt hơn là xấu và thực ra, vấn đề không phải là ở đây. Nhưng ít nhiều người đời là dốt nát và chính cái đó là cái mà người ta gọi là nết tốt hay tính xấu, và tính xấu tồi tệ nhất là của những kẻ dốt nát nhưng lại cho là mình biết hết thảy và lúc đó tự cho phép mình chém giết. Tâm hồn đứa giết người là một tâm hồn mù quáng, và sẽ không có lòng tốt chân chính và tình yêu cao đẹp nếu không có toàn bộ sáng suốt cần thiết.
Vì vậy những tổ chức y tế như Tarrou mà thành lập được, phải được đánh giá với một thái độ thỏa mãn khách quan. Và cũng vì vậy người kể chuyện không ca ngợi quá nồng nhiệt ý chí và lòng dũng cảm mà chỉ cho là chúng có một tầm quan trọng vừa phải. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục làm sử gia của những trái tim tan nát và khó thỏa mãn mà dịch hạch đã tạo cho tất cả đồng bào chúng tôi.
Quả là không nên đánh giá quá cao công lao của những người tận tụy với các tổ chức y tế: họ biết rằng chỉ còn có công việc ấy để làm và giả sử không làm thì mới không sao tưởng tượng nổi. Các tổ chức này giúp đồng bào chúng tôi hiểu sâu hơn dịch bệnh và thuyết phục họ phải làm cái phải làm để chống lại dịch bệnh một khi nó đã đến. Vì chống dịch hạch trở thành nghĩa vụ của một vài người như thế đó nên nó xuất hiện thực sự như nó đã từng xuất hiện, nghĩa là nó trở thành công việc của mọi người.
Thế là tốt. Nhưng người ta không ngớt khen một nhà giáo khi ông dạy hai với hai là bốn. Có lẽ đúng hơn là ngƣời ta ca ngợi ông đã chọn cái nghề đẹp đẽ ấy. Vậy phải nói rằng Tarrou và những người khác đáng khen ở chỗ là tìm cách chứng minh hai với hai là bốn, chứ không phải ngược lại: nhưng cũng lại phải nói rằng thiện chí đó cũng là thiện chí chung của các nhà giáo, của tất cả những ai có tấm lòng như tấm lòng người thầy giáo. Số lượng những con người hành động như vậy vì danh dự con người lớn hơn người ta tưởng, và ít nhất đó cũng là niềm tin của người kể chuyện. Vả lại, người kể chuyện ở đây nhận ra rất nhanh là người ta sẽ phản bác mình và cho rằng những con người nói trên là những kẻ liều mạng. Nhưng lịch sử bao giờ cũng có lúc người dám nói hai với hai là bốn sẽ bị tội chết. Người thầy giáo biết rõ điều đó. Và vấn đề không phải là tìm xem sự tưởng lệ hay trừng phạt nào chờ đợi lối lý giải ấy. Vấn đề là tìm xem hai với hai có là bốn hay không, về phần những đồng bào chúng tôi dám “liều mạng”, thì họ phải quyết định là họ có ở trong vòng dịch hạch hay không và có phải chống lại nó hay không.
Nhiều nhà đạo đức học mới xuất hiện trong thành phố đâm nản chí, cho rằng chẳng có thể làm được gì cả và chỉ nên quỳ gối. Và Tarrou, và Rieux và bè bạn họ có thể trả lời thế này hay thế nọ, nhưng kết luận thì bao giờ cũng là điều họ đã biết: phải chiến đấu bằng cách này hay bằng cách khác, chứ không chịu quỳ gối. Toàn bộ vấn đề là ra sức hạn chế số người phải chịu cảnh sinh ly tử biệt. Muốn vậy, chỉ có một cách duy nhất là chống lại dịch hạch. Chân lý đó không có gì đáng ngạc nhiên, nó chỉ là điều hợp lý.
Vì vậy, điều rất tự nhiên là ông già Castel đưa hết niềm tin và nghị lực vào việc pha chế huyết thanh tại chỗ, với những nguyên liệu tự tìm kiếm lấy. Thứ huyết thanh sản xuất với việc nuôi cấy bản thân con vi sinh vật đang làm ô nhiễm thành phố, ông và Rieux hy vọng có hiệu lực trực tiếp hơn thứ huyết thanh từ ngoài đưa tới, vì con vi sinh vật này có khác chút đỉnh con vi khuẩn dịch hạch đã từng được xác định một cách kinh điển. Castel hy vọng sẽ chế đƣợc khá nhanh đợt huyết thanh đầu tiên.
Cũng vì vậy, điều rất tự nhiên nữa là vốn không hề có dáng dấp anh hùng gì cả, giờ đây, Grand phụ trách ban thư ký các tổ chức y tế. Một số kíp do Tarrou thành lập mà công việc phòng bệnh trong những khu phố quá đông dân. Họ tổ chức làm vệ sinh, xem xét các hầm nhà, kho lúa trước đây chưa được tẩy uế. Một số kíp khác giúp việc các thầy thuốc trong việc khám bệnh tại nhà, bảo đảm việc chuyên chở người bệnh và thậm chí, về sau, tự tay lái xe chở người bệnh và người chết khi thiếu nhân viên chuyên môn. Tất cả công việc đó đòi hỏi phải có ghi chép và thống kê, và Grand đã nhận làm.
Về phương diện này và còn hơn cả Rieux hay Tarrou, người kể chuyện ở đây cho rằng Grand là người đại diện thực sự cho tấm lòng dũng cảm thầm lặng thúc đẩy hoạt động của các tổ chức y tế. Anh nhận lời không chút lưỡng lự, với cái thiện chí vốn thuộc bản chất anh. Chỉ có điều là anh chỉ muốn xin giúp những việc nhỏ thôi. Đối với những việc khác, thì tuổi anh đã quá lớn. Buổi tối, anh có thể làm việc từ mười tám đến hai mươi giờ. Và anh ngạc nhiên nói khi thấy Rieux nồng nhiệt cảm ơn mình: “Công việc này đâu phải là khó khăn nhất. Có dịch hạch thì phải chống lại dịch hạch, điều đó thật rõ ràng. A! giá như mọi cái cũng đơn giản như vậy!”. Rồi anh nhắc lại câu văn viết về nàng kỵ sĩ. Thỉnh thoảng, khi làm xong công việc lập phiếu. Rieux trò chuyện với Grand. Cuối cũng, cả Tarrou cũng tham gia vào câu chuyện và Grand ngày càng hào hứng tâm sự với hai người bạn. Hai người cũng thích thú theo dõi công việc cần mẫn của Grand giữa lúc dịch hạch hoành hành. Cuối cùng, cả hai ngƣời cũng cảm thấy bớt căng thẳng.
“Nàng kỵ sĩ thế nào rồi?”, Tarrou thường hỏi anh như vậy. Và bao giờ Grand cũng một mực: “Nàng đi nước kiệu, đi nước kiệu”, một nụ cười gắng gượng trên môi. Một buổi tối, Grand tuyên bố dứt khoát bỏ tính từ “kiều diễm” khi nói về nàng kỵ sĩ và từ nay sẽ dùng “mảnh mai”. “Như thế sẽ cụ thể hơn”, anh nói thêm. Lần khác, anh đọc cho hai vị thính giả của mình câu văn mở đầu đƣợc chữa lại như sau: “Vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, một nàng kỵ sĩ mảnh mai ngồi trên lưng một con ngựa hồng uy nghi lướt trên những lối đi đầy hoa trong rừng Boulogne”.
- Có phải như thế người ta nhìn thấy nàng rõ hơn không? Grand hỏi.
Sau đó, anh rất băn khoăn về tính từ “uy nghi”. Theo anh, từ đó chẳng nói lên được gì cả và anh đi tìm cái từ nào có thể “chụp ảnh” ngay tức khắc con ngựa cái rực rỡ trong tưởng tượng của anh. “Béo tốt” thì không ổn, vì nó cụ thể nhưng hơi thông tục. “Lấp lánh” đã hấp dẫn anh một lúc nhưng âm điệu lại không ổn. Một buổi tối, anh hoan hỉ tuyên bố đã tìm đƣợc: “Một con ngựa hồng màu đen”. Theo anh, màu đen miêu tả kín đáo sự thanh nhã.
- Không được, Rieux bảo.
- Vì sao?
- “Hồng” không chỉ giống ngựa, mà chỉ màu sắc.
- Màu gì?
- Màu gì đi nữa thì cũng không phải là màu đen.
Grand tỏ vẻ rất xúc động:
- Cảm ơn, may sao có các ông. Nhƣng các ông thấy khó biết chừng nào! - Dùng từ “lộng lẫy” thì ông thấy sao? Tarrou hỏi.
Grand nhìn anh và nghĩ ngợi:
- Đúng, đúng!
Và dần dần trở lại tươi cười.
Trước đó ít lâu, anh thú nhận là từ “nở hoa” làm anh bối rối. Vì chỉ mới biết có hai thành phố Oran và Montélimar nên thỉnh thoảng anh lại hỏi hai người bạn hoa nở như thế nào trên các lối đi trong rừng Boulogne. Thực ra Rieux và Tarrou chƣa bao giờ có cảm xúc đó, nhƣng niềm tin sắt đá của Grăng làm họ xao xuyến. Anh chàng kinh ngạc trƣớc vẻ nghi hoặc của họ. “Chỉ có các nghệ sĩ mới biết cách nhìn”. Nhưng một lần, bác sĩ Rieux thấy anh hết sức xúc động. Anh đã thay thế “nở hoa” bằng “đầy hoa”. Anh xoa xoa hai tay: “Cuối cùng, người ta nhìn thấy chúng, ngửi thấy chúng. Các ngài “bái phục” đi thôi!” Anh long trọng đọc câu văn: “Vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, một nàng kỵ sĩ mảnh mai ngồi trên lưng một con ngựa hồng lộng lẫy, lướt trên những lối đi đầy hoa trong rừng Boulogne” Nhưng đọc to lên, ba từ chỉ sự sở thuộc[17] cuối câu vang lên một cách khó chịu và Grand hơi ấp úng. Anh buồn bã ngồi xuống. Rồi xin phép bác sĩ Rieux đi ra. Anh cần phải suy nghĩ chút đỉnh.
Vào thời kỳ này - nhưng mãi về sau Rieux và Tarrou mới biết -, ở cơ quan, Grand tỏ những dấu hiệu lơ đãng mà người ta cho là đáng tiếc vào lúc, với một biên chế giảm bớt, tòa thị chính phải đối phó với những công việc hết sức nặng nề. Tình hình đó ảnh hưởng tới cơ quan và viên trưởng phòng nghiêm khắc trách cứ anh, bảo là anh được trả lương để làm một công việc mà chính anh lại không làm trọn. “Hình như, ông ta nói, ông tham gia tự nguyện vào các tổ chức y tế, ngoài công việc của ông. Cái đó không liên quan đến tôi. Nhưng cái liên quan đến tôi, là công việc của ông. Và cách tốt nhất để ông tỏ ra hữu ích trong những hoàn cảnh khủng khiếp này, là làm tốt công việc của mình. Nếu không, thì mọi cái khác chẳng để làm gì hết”.
- Ông ta nói có lý, Grand nói với Rieux. - Đúng, ông ta nói có lý, bác sĩ Rieux tán thành.
- Nhưng tôi đãng trí và tôi không biết làm thế nào để kết thúc câu văn của mình.
Grand đã nghĩ tới việc bỏ bớt “Boulogne” vì cho rằng ai cũng hiểu cả thôi. Nhưng như thế thì câu văn lại có vẻ gắn vào “hoa” cái, thực ra, gắn vào “lối đi”[18]. Anh cũng đã nghĩ tới khả năng viết: “Những lối đi trong rừng đầy hoa”. Nhưng đặt “rừng” giữa một danh từ và một hình dung từ mà nó tách ra một cách võ đoán[19], anh cảm thấy như có một cái gai đâm trong da thịt. Quả là nhiều tối, anh còn có vẻ mệt mỏi hơn cả Rieux.
Đúng, anh mệt mỏi vì công việc tìm tòi chữ nghĩa này thu hút hết tâm lực anh, nhưng không phải vì vậy mà anh không tiếp tục làm những phép tính và công việc thống kê cần thiết cho các tổ chức y tế. Tối nào cũng vậy, anh kiên nhẫn lý giải các tờ phiếu, vẽ thêm các đồ thị, biểu diễn và chậm rãi cố gắng trình bày các bảng thống kê sao cho thật chính xác. Nhiều khi anh đến gặp Rieux trong bệnh viện, xin một chiếc bàn trong văn phòng hay trạm y tế. Anh ngồi đấy với đống giấy tờ, hoàn toàn giống như anh ngồi ở tòa thị chính, và trong bầu không khí trở nên đông đặc vì các chất tẩy uế và cả vì bệnh tật, anh vẫy vẫy mấy tờ giấy cho mực chóng khô. Lúc đó, anh thực lòng cố gắng không nghĩ tới “nàng kỵ sĩ” của mình và chỉ ra sức làm việc cần làm thôi.
Đúng, nếu quả loài người thiết tha đặt cho mình những tấm gương và những hình mẫu mà họ gọi là những anh hùng, và nếu nhất thiết trong câu chuyện này phải có một người anh hùng, thì người kể chuyện đề nghị chọn người anh hùng tầm thường và mờ nhạt trên đây. Người kể chuyện thấy anh có chút lòng nhân hậu và một lý tưởng thoạt nhìn có vẻ kỳ cục. Như thế thì sẽ trả lại cho chân lý những gì thuộc về chân lý, trả lại cho phép cộng hai với hai cái tổng số bốn của nó và trả lại cho chủ nghĩa anh hùng cái vị trí thứ yếu vốn là của nó: nó phải ở ngay sau, chứ không bao giờ đứng trước những đòi hỏi hào hiệp của hạnh phúc. Và như thế cũng mang lại cho tập ký này tính cách của nó, của một chuyện kể dệt bằng những tình cảm tốt đẹp, tôi muốn nói là những tình cảm không xấu xa một cách lộ liễu và cũng không bồng bột theo lối đóng kịch một cách lố bịch.
Ít ra đó cũng là quan niệm của bác sĩ Rieux khi ông đọc trong báo hay trên đài những lời kêu gọi và khích lệ của thế giới bên ngoài tới thành phố bị dịch hạch. Đồng thời với những thứ cứu trợ gửi tới bằng đường không và đường bộ, tối nào cũng vậy, trên các làn sóng hay các báo chí, cái thành phố từ nay cô đơn này nhận được vô số những lời bình luận xót thương hay ca ngợi. Và mỗi lần như vậy, cái giọng kiểu anh hùng ca hay diễn văn phát phần thưởng lại làm Rieux sốt ruột. Dĩ nhiên, ông biết đó không phải là một mối quan tâm giả dối. Nhƣng mối quan tâm ấy chỉ có thể đƣợc biểu lộ bằng một ngôn ngữ ước lệ mà người ta dùng để thể hiện những gì gắn bó họ với nhân loại. Thứ ngôn ngữ đó không thể đem áp dụng vào những cố gắng nhỏ nhoi hằng ngày của Grand chẳng hạn, không thể trình bày Grand có ý nghĩa như thế nào ở ngay giữa nạn dịch hạch.
Đôi khi, vào lúc nửa đêm, trong cảnh im lặng như tờ của thành phố hoang vắng, vào lúc đi lại giường để ngủ một giấc ngủ quá ngắn ngủi, Rieux bấm nút mở đài. Và từ những góc biển chân trời, cách xa hàng ngàn kilômét, những giọng nói xa lạ và thân ái vụng về tìm cách nói lên tinh thần đoàn kết và quả là nói lên được, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ sự bất lực khủng khiếp của mọi con người trong việc chia sẻ một nỗi đau thương mà mình không thể nhìn thấy: “Oran! Oran!” Lời kêu gọi vượt qua biển cả, nhưng vô ích; Rieux chăm chú hết sức mình lắng nghe, nhưng cũng vô ích; chẳng mấy chốc lời kêu gọi mỗi lúc thêm hùng biện và càng làm nổi bật cái hố ngăn cách khiến cho Grand và diễn giả bên kia trở thành hai kẻ xa lạ. “Oran! đúng, Oran! Nhưng không, bác sĩ Rieux nghĩ ngợi, yêu nhau hoặc cùng chết với nhau, không có phương kế nào khác. Họ ở cách quá xa”.
Trong lúc tai họa tập trung hết sức lực đổ ập xuống thành phố và chiếm đoạt nó vĩnh viễn, thì điều còn phải kể lại trước khi nói tới điểm đỉnh của dịch hạch, chính là những cố gắng tuyệt vọng và đơn điệu của những người cuối cùng, như Rambert, để giành lại hạnh phúc và tước đoạt của dịch hạch cái phần của chính bản thân họ mà họ bảo vệ chống lại mọi sự xâm phạm. Đấy là cái cách họ khước từ sự chinh phục đang uy hiếp mình và tuy sự khước từ này, rõ ràng là không có hiệu quả bằng sự chinh phục kia, người kể chuyện ở đây vẫn cho là nó có đầy đủ ý nghĩa: dù có phù phiếm và mâu thuẫn đi nữa, nó vẫn biện hộ cho cái phần kiêu hãnh ở mỗi con người chúng ta.
Rambert phấn đấu không cho dịch hạch bao vây mình. Biết không thể ra khỏi thành phố bằng con đường hợp pháp, anh quyết định, như anh đã từng nói với Rieux, sử dụng những phương tiện khác. Anh bắt đầu bằng những chú bồi bàn trong khách sạn. Một chú bồi bàn thì luôn luôn biết hết mọi việc. Nhưng những người đầu tiên anh hỏi, thường nghe tin những hình phạt rất nặng đối với loại hành vi này. Thậm chí, có một trường hợp, anh bị coi là một kẻ khiêu khích.

---------------

[17] Trong nguyên văn, có ba từ chỉ sự sở thuộc de, du, de (…pleines de fleurs du bois de Boulogne) mà tiếng Việt chỉ cần và chỉ có thể dịch là… đầy hoa trong rừng Boulogne.
[18] Do đặc điểm cấu trúc ngữ pháp khác nhau giữa câu tiếng Pháp và câu tiếng Việt, nên ở đây không thể thể hiện từng chi tiết một ý của tác giả. Theo cấu trúc Pháp, “những lối đi đầy hoa trong rừng Boulogne” (les allées pleines de fleurs du Bois de Boulogne) chỉ rõ lối đi là của rừng Boulogne; còn nếu viết “những lối đi đầy hoa trong rừng” (les allées pleines de Fleurs du Bois) thì người đọc có thể hiểu là hoa của rừng. Tóm lại, tác giả câu văn muốn nói là lối đi của rừng, chứ không phải là hoa của rừng.
[19] Tức là đặt “Rừng” (Bois) giữa danh từ “lối đi” (allées) và hình dung từ “đầy” (pleines) (Les allées/ du Bois/ pleines de fleurs), trong lúc chính là “lối đi đầy hoa”.