PHI VÂN

ĐỒNG QUÊ PHỎNG SỰ


Châu Xương, cử Thanh Long Ðao!

Hồi ấy bạn tôi và tôi còn gõ đầu trẽ để “kiếm xu mua gạo” trong cái làng mà nghe đến tên, các bạn sẽ rùng mình: Làng Rạch Cóc!
Thằng Năm Quấy (bạn tôi) có tánh liến thoắng, chưa gì đã bàn tìm nơi khác để sanh phương. Anh ta bảo:
- Thôi đi, ta sợ cóc lắm, vô trong ấy, buổi cơm nào người ta cũng ăn toàn là cóc thì chết đói vẫn hoàn chết đói!
Nhưng một tháng sau, chúng tôi đã “quen nước quen cái” với xóm Rách Cóc.
Cóc đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là thầy Rùa, Thầy Pháp, ông Ðồng, bà Cốt, cô Tư, cô Hai, cô Bảy.
Các bạn đừng thêm: cô Năm Bến Tre, cô Ba Cần Thơ... coi chừng cái cần cổ: mấy cổ vặn họng thì không khéo phải tốn một con gỏi...
Ở đây có xác Ông - tức Quan Công – là được nhiều người rước nhất.
Nhưng muốn cầu Ðức Quan Thánh về thì phải tốn một con heo: con heo ấy, sau khi lễ đàn rồi, lẽ cố nhiên là phải về tay ông Xác.
Chúng tôi đã được xem nhiều lân cách chữa bịnh của xác Ông, và lần nào cũng như lần nào, thấy con heo to tướng đặt ngay bàn giữa, thằng Năm Quấy cũng bảo tôi:
- Cái thằng cha xác không biết nó ăn làm sao cho hết mấy con heo!
Ông Xác làng Rạch Cóc có vẽ oai nghi đặc biệt mà lúc Ông đã nhập vào rồi thì xem còn lẫm liệt hơn nữa.
Và lúc Ðức Quan Vân Trường nạt to:
- Châu Xương, cử Thanh Long đao!... thì ngài liền tung mình đi một bộ võ tuyệt diệu.
Ðứng ngoài xem, tôi cũng phải khen thầm: “Quả thật đệ nhất anh hùng!” còn bao nhiêu khán giả khác đều cúi đầu, mặt lộ vẻ sợ sệ: “Ông đang cử Thanh Long đao, coi chừng!”
Mỗi khi xem tới khúc ấy, thằng Năm Quấy thúc hông tôi, bảo nhỏ:
- Châu Xương chưa kịp cử đao, sao ông hươi sớm thế?
Tôi trả cái thúc lại, cũng bảo nhỏ:
- Câm miệng! Coi chừng Ông vớt trái!
Quên cho các bạn biết chúng tôi đang ở đậu nhà ông Cả trong làng. Một hôm, con gái ông đau. Ông Cả vốn là người không tiếc một con “gỏi”, nên vời ngay xác Ông đến và sửa soạn nhà cửa cho lễ đàn tiện bề tiến hành.
Gia nhân làm thịt một con heo đúng tạ. Thằng Năm Quấy lại bảo với tôi:
- Ðấy! Thêm một con nữa. Mới có ba hôm mà nó đã được hai con rồi, khoái thật!
Tối lại, gần hết dân trong làng đều tề tựu trước nhà ông Cả để chờ xem lễ đàn.
Ðèn đốt sáng trưng. Gia quyến ông Cả đều đứng ngoài nhà trước, chỉ có hai chúng tôi là từ trong ngó ra, không phải chen lấn ở hạng “cá kèo” như mọi lần khác.
Ông đã nhập xác.
Ai nấy đều đứng im.
- Ta là Quan Vân Trường, Hán Thọ đình hầu!
Ông lại còn nói thêm, nói nhiều lắm, hỏi nhiều lắm.
Ông Cả vừa run run vái lạy, vừa lập cập trả lời.
Thằng Năm Quấy thì cứ mải nhìn... mấy cô gái ở hạng “cá kèo”.
- Châu Xương, cử Thanh Long đao!
Tôi đang chăm chú xem, bỗng giật mình đánh thót vì bên tai có tiếng la:
- Dạ!
Thôi chết rồi, thằng Năm Quấy làm sao thế? Ừ chính người lên tiếng là thằng Năm Quấy, mà thằng Năm Quấy bây giờ lại cầm dao phay sáng giới từ chỗ đứng nhãy phắt ra, phùng mang, trợn mắt múa vù vù xem ghê quá.
Trong khán giả, tự nhiên có tiếng xầm xì.
Thằng Năm Quấy múa một vòng như Chệc Sơn Ðông mãi võ, làm khán giả sợ sệt lấn nhau lui xa ra.
Không còn một cái đầu nào dám nhìn lên.
Thằng Năm Quấy vẫn múa.
Tôi đứng cạnh chỗ xác Ông, thấy ngực lão ta phập phồng và miệng lão ta há hốc.
Lúc thằng Năm Quấy múa gần ông ta, tôi nghe có tiếng bảo:
- Chia hai! Chia hai!
Nó múa thêm một vòng nữa rồi quì xuống dưng cây dao ngang mày.
Chụp lấy con dao, mặt Ông trở lại oai nghi, Ông tung mình đi một bộ võ tuyệt diệu.
Khán giả vẫn cúi đầu.
***
- Mình phải chia ăn chớ! Mầy xem, mới có ba ngày mà nó được những hai con rồi!
Trời ơi, nghĩ được cái ý ấy, ta sướng quá và phục... tao quá! Tao không thèm cho mầy hay là sợ mầy cản trở. Trong lúc tụi nó lục đục ở nhà trước, tao xuống bếp lấy con dao đem giấu phía sau tấm vách giữa, rồi tao chực hờm khi nói kêu “Cử Thanh Long đao” là nhảy ra. Sẵn trước kia có làm thầy tuồng cho gánh hát Thái Dương của thằng cha Cống Quỳnh, tao có học quơ bậy cặp song tô, nên đến khúc ấy tao chụp dao quậy vù vù cho tụi khán giả sợ lui ra xa.
Tao biết rồi, thế nào thằng chả cũng nói với tao một cái gì, mầy bảo có “thánh” lắm không?