PHI VÂN

ĐỒNG QUÊ PHỎNG SỰ


Ðổng Trác biết sập giàn

Ghe hát bầu Tèo hôm ấy đã thấy chèo đến đậu ngay trước đình làng. Con nít chạy bu theo trên bờ kinh vỗ tay la rầm rĩ:
- Bầu Tèo ở cù lao Heo tụi bây ơi!
Ðình đang buổi kỳ yên. Người ta dọn sẵn sàng tất cả, chỉ chờ ghe hát đến là lên giàn.
Bạn hát được dân làng phụ giúp, chỉ non nửa ngày là cất rạp xong đâu đấy. Chiều đến, họ có thể gióng trống xây chầu. Làng đã nhứt định hát ba “thứ”, mỗi “thứ” ba chục đồng, tùy ông bầu chọn tuồng, miễn cho xứng đáng thì thôi. Và nếu được vừa lòng, làng sẽ tuỳ tiện thưởng thêm là khác nữa.
Làng lại cho ông sáu Lý phụ đóng thêm một vai trong tuồng nào cũng được.
Ông sáu Lý là tướng hát rành nghề. Trong giới hát bộ, đã đành rằng không đào ké nào là chẳng biết danh ông, mà thậm chí đến dân làng hễ nghe đến tên ông, là hăm hở phục tài.
Năm nay ông đã già. Ông có bộ râu hơi dài và người ông hơi ốm. Nhưng không vì thế mà tài ông giảm đi.
Chẳng những ông hát hay mà ông lại có tánh vui vẻ bặt thiệp, ở cảnh ngộ ngào ông cũng làm cho người ta vừa bụng, nhất là đám trẻ con trong làng. Hễ chúng gặp ông đâu là nài nỉ xin ông “đi” cho một bộ Trương Phi hay Triệu Tử.
Ông vò đầu chúng, rồi sẵn lòng bẻ một cành cây làm roi ngựa, giả đáp giáp, hất râu, múa lăn chiêng y như trên sân khấu.
Ngoài ông sáu Lý, làng lại cử ông Chánh bái cầm chầu.
Ông nầy lại có cái đặc biệt khác.
Gánh hát nào đến cũng phải cậy nhờ ông.
Ðược một người cầm chầu giỏi, đúng phép, không tư vị, biết giục lòng, con hát mới phấn khởi, mới hả hê.
Một tiếng “thùng” cũng đã làm cho họ sung sướng mà hai ba “chầu” liên tiếp lại còn làm cho họ nở lòng.
Ông Chánh bái trong làng thường bảo:
- Mình cầm chầu không đúng đắn, bọn hát nó khi, nhiều khi nó dể ngươi lờn mặt. Ôm chầu như tôi, tôi đố đào kép nào dám ra hát “ẩu” đặng lãnh tiền. Không một tiếng trống của tôi cũng đủ cho họ bị bầu gánh cúp tiền cữ đêm đó…
Mà thật ông Chánh bái rành điệu cầm chầu tự hồi ông còn ở chức Hương thân kia lận.
Tiếng đồn ông sáu Lý hát và ông Chánh bái cầm chầu được truyền đi liền khắp xóm.
Người ta thấp thỏm chờ đến buổi chiều. Trẻ con rộn rực đòi áo quần, xin xu ăn bánh; các anh trai tráng nôn nao bỏ giấc nghỉ trưa ở luôn ngoài ruộng đợi chiều về sớm một chút; các cô gái, mặt trời chưa chênh bóng là đã lo làm cá nấu cơm.
Khi tiếng trống “thùng thùng” nổi lên trên xóm đình, thì dọc theo bờ ruộng đã thấy lũ lượt kẻ năm người ba kéo nhau đi xem hát.
Sân đình trước là một đám cỏ cao nghều nghệu, chỉ sơ sơ trong nửa buổi là bị dấu chơn người giẩm lên sát rạt.
Trước rạp, người ta dọn dẹp sạch sẽ, sắp một hàng ghế dài để dành riêng cho các bậc kỳ lão và hương chức; kế đó là ghế của tư nhận. họ khuân từ nhà đem lại, chen nhau giành chỗ.
Giàn hát cất không được cao; bên trái là buồng kèn nhạc, bên phải là buồng của đào kép sắm tuồng. Chính bên phải là chỗ để trống chầu cho ông Chánh bái ngồi.
Hai ngọn đèn “măng sông” được treo tòn ten trên cao, trước rạp.
Ba hồi trống cơm “tùm tum, tùm tum” báo rằng đào kép sắp “ra tuồng”, mà tội quá, đám con nít cứ chen lấn nhau kêu la ầm ĩ. Chúng trèo níu, đánh đeo ở hai bên giàn coi đàn kèn và coi các ông tướng vẽ mặt.
Hai anh Cai tuần lãnh coi trật tự đuổi thế nào chúng cũng không đi. Tức quá, họ bẻ roi quất bổ trên đầu, trên lưng làm chúng kinh hoảng lấn nhau té đùn cục.
Nhưng một lát, chờ khi anh Cai tuần rỏn đi chỗ khác, là chúng lại leo lên bu xung quanh như kiến. Ông Chánh bái là người hiền từ thuở giờ, bị chúng chen lấn quá, ngồi chầu không được, ông phát giẫn dữ phải giơ dùi trống lên “khệng” cho mấy đứa đến u đầu.
Ðêm ấy hát tuồng Phụng Nghi Ðình. Chính ông sáu Lý ốm tong, bây giờ động cái bụng to, mặc áo rộng xùng xình đóng vai Ðổng Trác.
Mỗi lần ông đi kệ nệ, vuốt râu, đưa quạt lên trời hất hất, là mỗi lần người ta la ó dậy.
Lữ bố là một anh chàng trai trẻ, mặt đẹp như con gái, giắt hai lá cờ soái hai bên lưng, thắt cái bông tròn trước ngực, đầu đội mão kim khôi, tay cầm phương thiên hoạ kích, oai vệ vô cùng.
Ðiêu thuyền là cô đào chánh của gánh hát mặt hoa da phấn, yểu điệu thướt tha, màu mè cặp bồ với Lữ Bố thật xứng lứa vừa đôi.
Anh chàng Lữ Bố có cái bộ ghen tuyệt diệu. Mỗi lần anh hằn học với Ðiêu Thuyền là mỗi lần mấy cô ngồi chen nhau ở “hạng ba” véo nhau gần nhảy nhổm, và hít hà chắt lưỡi như đám thằn lằn kêu đói ở trong đình.
Một điều đáng để ý là sau lưng các cô, đố một chị đàn bà nào, một ông già bà cả nào, hoặc một đứa con nít nào bén mãng tới được. Toàn là bọn thanh niên đầu chải bóng láng. Chen chúc nhau đứng cặp kè. Rọ rạy nói chuyện vang trời. Ðứa thuộc Tam Quốc nói thôi vô số kể, đứa phê bình kép hát, có đứa lại nói tiếng Tây!
Ðã vậy mỗi lần ông sáu Lý vỗ cái bụng phệ làm cho người ta cười ngã nghiêng, ngã ngửa, thì phía ngoài thêm một vài cậu lừa thế thò đầu vô, hai tay vẹt đàn bà con nít, mắt liếc coi phía nào có mấy cô là chen tới.
Ðàng kia, ông Chánh bài đã bổ dùi xuống làm u đầu năm bảy đứa con nít rồi, nên chúng tức tối lập thế trả thù.
Chờ đến hồi “cụp lạc”, lúc Lữ Bố nghe nhảy sấn lại cắn, véo, đánh yêu Ðiêu Thuyền, ông Chánh bái sửa gọng kiếng lại ngay ngắn, ngồi nhìn chết sững chúng bèn hốt nào cát, nào bụi, nào xác mía len lén để đầy trên mặt trống.
Ông Chánh bái gặp lúc say mê, vô ý không dòm trước dòm sau, giơ dùi thẳng cánh “chầu” liên tiếp. Tiếng trống vừa kêu “thùng” là cát, bụi, xác mía bay tưới lên đầu, lấp mặt ông. Ông đỏ mặt tía tai, quơ dùi “lia” xung quanh, con nít té lăn đùn cục, kêu khóc om sòm.
Nhưng, thiên hạ ai cũng để hết tinh thần vào lớp “cục” ấy, ông Chánh bái có làm gì, con nít có la bao nhiêu, cũng không ai màng tới.
Có vài chị đàn bà bồng con, tay vạch áo đưa vú cho con bú mà mắt chăm ngay lên sân khấu, hồn gởi trọn cho Ðiêu Thuyền. Ðứa con ngậm vú không được vùng khóc ré lên. Chị ta không kể đến, cứ đứng sững giơ tay đ1nh chan chát vào đít đứa con. Ðứa bé khóc ngất.
Ðang hát “cụp” quá mà trời lại vần vũ kéo mây và trong giấy lát mưa nhểu hột lâm râm.
Ðám người vẫn không thấy nhúc nhích.
Kịp khi một ngọn gió lạnh thổi qua, mưa tuôn ào xuống, họ mới vẹt nhau chen lấn lại gần giàn, có cái mái che cho hương chức.
Lại càng là một dịp cho các cậu trai giành nhau xô mấy cô gần ngã sấp.
Tội nghiệp, cô mất guốc, cô mất giày, vừa lom khom xuống lượm liền bị chúng ủi té nhủi.
Nhưng mặc, các cô vừa chửi rủa rùm trời, vừa mò mò quyết tìm cho được giày guốc mới nghe.
Mưa lớn quá. Lũ con nít bu lại hai bên giành, đeo như ong.
Ông Chánh bái không cầm chầu được nữa; ông đã lạc đâu trong đám người hổn độn.
Trên rạp, Ðổng Trác (ông sáu Lý) đang giựt cây phương thiên hoạ kích đuổi theo phóng Lữ Bố, bỗng nhiên đứng dừng lại kêu to:
- Con nít xuống bớt! coi chừng sập giàn!
Nhưng mặc ông kêu mặc ông, con nít vẫn ùa nhau chen lấn và chỉ trong chốc lát tiếng cây gãy răng rắc, dây buộc nghiến cò ke, giàn hát đang rung rinh, bỗng nhiên “vươn mình” như một kẻ liệt gân rồi “sụn” xuống….