PHI VÂN

ĐỒNG QUÊ PHỎNG SỰ


Ðạo

Mấy con vạc ăn đêm đã bắt đầu bay đi kêu oang oác ngoài trời, và bầy muỗi đã vỡ lên như ong, mà ông chủ thìn vẫn chưa thấy lại.
Ngóng mãi không được, Giáo Xệ nóng lòng mời khách:
- Thôi, quý ngài cứ việc dùng, ổng lại sau ngồi sau, hơi nào mà đợi nữa.
- Hay ổng quên? Phó xã Việt lên tiếng.
- Dễ quên không, tôi sai trẻ đến nhà mời hai ba lượt, ổng bảo về, rồi ổng lại kia mà!
- Ổng là người trưởng thượng, mình ăn trước có khi hỗn!
- Không hại! Tại ổng trễ chớ có phải tại mình sớm đâu!
Thế rồi họ cầm ly.
Nhắp đâu được vài miếng, bỗng dưng Ðình Uýnh kêu lên:
- Kìa ông Chủ lại kìa!… mà miệng còn nhai dở miếng chả giò to tướng.
Ông Chủ lại thật.
Tay cắp cây dù cán tre, tay xách bầu rượu với đôi guốc, ông xăm xúi đi vào.
Con chó vàng nhảy chồm lên chực sửa, nhưng rồi lui lại gầm gừ.
Giáo Xệ sợ mích lòng, khúm núm:
- Bẩm Chủ, chúng tôi đợi mãi không thấy chủ lại, sợ Chủ có việc nhà, nên chúng tôi vô phép nhập tiệc trước.
- Ậy! hề hấn gì đâu, hễ “tiền đáo tiền toạ, hậu đáo hậu toạ”, thảo với nhau đủ rồi. Bị đợi thằng nhỏ nhà đi lấy bầu rượu “đám đế” nầy đây nên mới trễ dữ vậy. Ðây, các ông “nhấm” thử mỗi người một ly coi, cái nước nhứt nó ngon kỳ ngon cục!
Ông rót một ly đầy rồi chễm chệ ngồi xuống ghế đầu bàn.
Giáo Xệ chạy lăng xăng, bưng ly rượu chát lễ phép:
- Mời Chủ tráng miệng bằng thứ nầy! Thỉnh thoảng lại giục: “Mời Chủ!”.
Nhậm lể xong, ông Chủ gật gù, miệng chấp chấp, tay vuốt mấy cộng râu mép còn đọng vài giọt rượu lấp lánh dưới ánh sáng của ngọn đèn toạ đăng.
Ðình Uýnh vừa nheo mắt vừa ngoạm thêm cái đùi gà xé phay; pháp sư Nẫm ngó chăm chăm chai rượu đế, lắng tai chờ ông Chủ nói chuyện.
Nhưng ông Chủ dường như quên khách vì ông đang bận “ngậm” cái cu-lẳng để nút cho hết nước cốt.
Bổng dưng ông dừng ngay lại, nhìn về cuối bàn:
- Úy chà! Bữa nay có thằng Phó xã nữa chớ. Thằng siêng quá, mầy ở trên Ðồng Cộ hay giỗ hồi nào mà xuống đây mậy?
Phó xã vui miệng:
- Bẩm Chủ, tôi theo màng-màng mở trôi trong rạch mà tìm tới!
- Vậy mà nãy giờ mầy nín khe; tao nghe tiếng đồn mầy nói chuyện “nghĩa lý” khá lắm mà! Lên đây Phó xã, lên đây ngồi chung với tao. Tục ngữ người ta nói: “Hễ rượu vào thì lời ra”, nín khe đâu có được mậy! Tao rất ghét người nào ở theo sách, bắt chước nào là “tửu trung bất ngữ chơn quân tử, tài thượng phân minh đại trượng phu” gì đó!
Cái giọng ông Chủ đã “giàu” thêm lên bằng tiếng ngừ nghè và câu chữ được ông kéo dài thậm thượt.
Phó xã việt khép nép kéo ghế lên ngồi:
- Bẩm Chủ, thiệt tình là tôi không dám, vì trong anh em đây, có chủ là người trên trước, tôi phải kinh nhường. Bởi trong câu chuyện có tôi phải kính nhường. Bởi trong câu chuyện có nhiều nguồn chân lý, mà chân lý là lẽ phải, không tư vị ai được, tôi nói, e có điều gì không tốt. Vả, người ta thường bảo “trung ngôn nghịch nhĩ”, mà tôi thì tôi vị chân lý chớ không vị quyền hành thế lực lớn nhỏ gì ráo, sợ trong khi biện bác, có điều gì xúc phạm đến Chủ chăng, nên tôi xin “thủ khẩu như bình” mà nghe Chủ!
- Thằng Phó xã mầy lầm rồi, mầy há chẳng biết hồi tao còn “đương vị hành chánh” mà còn không bao giờ “ỷ chúng hiếp cô” hay sao? Huống chi ngày nay đã “cáo lão hồi gia” rồi, tao càng trọng lẽ phải hơn nữa. Mà hễ vào đám tiệc rồi, ai cũng có tự do đàm luận, làm người quân tử không câu nệ gì ráo. Mầy không nghe “Quân tử bất oán thiên hề bất vưu nhân” à?
- Bẩm Chủ, hễ “nhứt ngôn thuyết quá” thì “tứ mã nan truy”, tuy nói vậy mặc dầu chóo tôi có điều ái ngại. Trong lúc đàm luận, Chủ là bề trên, tôi là bề dưới, tài học tôi kém cỏi không nói gì, sợ rồi khi lý lẽ tôi hơn thì khó coi quá!
- Quyền chức lớn nhỏ không kể, người ta chỉ kể tài đức. “Dũng bất quá thiên, cường bất quá lý”, Phó xã mầy đừng lo, tao biết điều lắm….
Ông Chủ kết thúc mỗi câu bằng một “nhấm” rượu và một cái cười… gay gắt, nó tăng vẻ gay gắt của một cái mặt nhiều nét nhăn mà phút chốc đã… hồng hào!
- Vậy thôi cũng được, nể lòng Chủ cho phép tôi xin vâng lời. Vậy chủ hãy cạn ly rồi Chủ ra đề tôi mới dám nói, chớ lạm xạm đã không ra gì, mà có khi mấy ông đây còn cho tôi… say là khác!
Pháp sư Nẫm nãy giờ ngồi nghe khoái chí, ực một hơi ba ly rượu đế, chấp chấp ngon lành rồi cầm rót thêm ly mình và ly khách.
Ðình Uýnh cứ ngồi gắp mãi dĩa thịt rừng nhâm nhi, tự do như ở nhà mình.
Ông Chủ Thìn uống cạn ly, mỉm cười:
- Hay! Hay! Thằng Phó xã coi vậy mà ăn nói lưu loát quá. Thôi, đề đạt gì cho mất công, chúng ta là nhân loại, lấy “đạo” làm đầu, thằng Phó xã mầy “ngôn ngữ như lưu” chắt nghĩa thử chữ Ðạo nghe chơi!
- Bẩm Chủ, bề nào tôi cũng là kẻ hậu sinh vậy xin nhường chủ giảng trước cho nghe, rồi tôi sẽ tuỳ theo mà phụ hoạ!
Uống cạn ly nữa, ông Chủ khề khà:
- Thôi… cũng được!… Về chữ Ðạo thật là khó giải. Phần thì chữ nho mắt mỏ, tuỳ theo sở học của người cao thấp, khó mà nói cho rành, phải không a… mậy Ðình?
Ðình Uýnh đang mê ăn, giật mình ngước mặt toan trả lời, thì ông Chủ đã tiếp:
- Nhưng vậy, có lần tao nghe sư Muôn giải nó như vầy: “âm dương hiệp nhứt, tự mình tẩu”, nghĩa là: chữ Ðạo có hai chấm phết trên là âm dương, gạch ngang là hiệp nhứt, dưới có chữ tự là tự mình, bên là chữ chỉ phảy ngang sư Muôn do cái phết dài gọi rằng: “tẩu…” Tẩu của ổng có nghĩa là tự mình chạy chọt tìm Ðạo mới có Ðạo! Tôi cho rằng giải chữ cũng có một cái điềm, chớ không, sao sư Muôn bây giờ phải tẩu ngược… tẩu xuôi… đúng không mậy Phó xã?
Nhưng tao thì khác, tao cho rằng “Âm dương hiệp nhứt tại mục”. Phết xuôi và chữ mục dưới, không phải tại mục là gì? Mình là con người, có cặp mắt, có tinh thần tỏ rõ để dòm ngó, để phân biệt chân lý, thế là biết Ðạo rồi chớ gì…!
Cho rằng giải được như thế là cao kỳ, ông Chủ cười chúm chím, rót uống một hơi ba ly để thưởng… mình!
Bên kia đối diện, củng không kém, các ông khách ngồi mê mang, cứ mỗi cái gật đầu của Pháp sư Nẫm là mỗi lần bầu rượu vơi đi một ít, và mỗi cái gắp của Ðình Uýnh là liền theo một tiếng “trót” ngon lành.
Riêng ông Giáo Xệ chủ nhà, đã yếu rượu mà rán theo cho kịp mấy ông khách gần hụt hơi.
Bỗng Phó xã Việt cười khè:
- Xin lỗi Chủ, sư Muôn giải chữ Ðạo trật lất, còn Chủ chiết tự ra càng… sái nát hơn nữa!
Ông Chủ giật mình, mặt đỏ gay gần như tái lại. Ông trợn mắt:
- Thằng Phó xã mầy nói sao? Tao giải trật à? Tao mà trật? Ừ, chữ nghĩa mầy già hơn, giảng thế nào cho trúng nghe thử!
- Bẩm Chủ, tự nhiên chê được là giải được. Chủ đừng quá nóng. Tôi đã nói “nghĩa lý không tư vị” kia mà! Ðây, về chữ Ðạo, thì tôi tự thích ra như vầy:
Hai chấm phết là âm dương, gạch ngang là hiệp nhất, dưới chữ tự, bên chữ chi phảy, là “Tự mình chi đó”!
Tự mình thông tri âm dương, biết phân phải trái, biết lẽ chánh tà, mới phải Ðạo hoàn toàn chớ! Ấy là tôi chỉ chiết tự sơ sơ như thế, chớ nếu phải giải cho rành thì phải chắt nghĩa tại sao chữ Ðạo có liên tiếp đến mười hai nét, mười hai hội của khí vận tuẩn hườn, từ “tý, cửu” chí ư “tuất hợi”…
Phó xả Việt như hừng chí, hăng tiết cắm đầu nói, nói mãi quên dòm sau trước, chừng trực nhìn lại mấy ông khách và chủ nhà, anh ta trợn tròng, dứt ngay: Kẻ gục qua, người gục lại, riêng Ðình Uýnh đã ngoẻo đầu ngáy khò khò…
Ðêm đã về khuya. Người nhà đều ngủ mất, xa xa có tiếng chó sủa ở đầu làng.
Ông Chủ đang ngửa mình sau thành ghế ụa ra một tiếng rất lớn, rồi chúi nhủi xuống bàn cố gượng:
- Ðạo! hay… hay…! Bọt phe thằng Phó xã! Bọt phe thằng Phó xã!…