Hồ Biểu Chánh

Ngọn Cỏ Gió Đùa

Cảm tác Les Misérables của Victor Hugo






Chương 2 : Nát thân bồ liễu

Phần 9



Ðêm hôm vắng-vẻ, mưa gió ồn-ào. Dựa mé bờ tiếng ảnh-ương kêu uênh-oang, trên mái nhà nước mưa rơi lộp-độp.
Ðêm nay là đêm rằm, mà trăng bị mây án nên mịt mù cảnh vật, mùa nầy là mùa cây cỏ tươi tốt, mà bị giông mưa nên lá đổ nhánh quằn.
Ánh-Nguyệt chong đèn một mình, lúc ngó ngọn đèn thấy gió tạt đèn xao dạ thấy bàng hoàng, khi ngó ra sân thấy bọt nước hiệp tan lòng thấy áo não. Nhìn quanh quất thì có một người với một bóng, lóng tai nghe thì tiếng dế lộn với giọt mưa sa. Người buồn mà cảnh cũng giục buồn thêm, thân đã khổ mà phận e còn khổ nữa.
Hải-Yến ra về có hứa một tháng sẽ trở xuống rước Ánh-Nguyệt, mà đến bữa nay đã hơn ba tháng rồi không thấy ai đến rước, lại cũng không tiếp được thơ từ. Mỗi buổi chiều nàng đứng tại bến, mấy tháng trời đã mỏi mắt ngóng trông, mỗi đêm vắng nàng chong đèn mà ngồi, năm canh lụn đã não lòng chờ đợi.
Ðêm nay nàng ngồi đương ngó giọt mưa, đương nghe tiếng dế, bỗng chút cái thai trong bụng nàng máy động, làm cho nàng giựt mình, lật-đật lấy tay mà rờ, rồi miệng chúm-chím cười. Nàng thầm nghĩ tình nghĩa vợ chồng, tang chứng ân ái hãy còn đây, có lẽ nào Hải-Yến quên nàng cho được.
Hải-Yến là con nhà học trò, tài cao trí rộng, tánh tốt văn hay, khi làm học sanh đã hẩm hút với nhau, lẽ nào nay làm ông Cử lại quên bạn tào khương nghĩa cũ. Nàng nhớ lại ngày trước mình nghèo hèn phải ở cố công cho Ðỗ-Cẩm, mà chàng vì nặng tình theo nài nỉ nợ duyên. Người trọng tình như vậy không thế nào mà lãng xao cho được.
Ðã vậy mà chàng đã ra ơn cứu mình nên bây giờ dầu chàng có để cho mình đợi chờ năm ba tháng mình cũng không nên phiền trách, huống chi khi ra về chàng có để lại cho mình 5 nén bạc, chớ phải chàng bỏ bê gì hay sao mà mình buồn. Chàng lỗi hẹn đây chắc là tại chàng hoặc đau ốm, hoặc bối rối việc nhà, chớ người tài tình như chàng không lẽ nào lòng dạ bạc bẽo bao giờ.
Ánh-Nguyệt nghĩ như vậy, nên trông thì thiệt nàng cũng trông hoài, song buồn thì nàng cũng bớt buồn chút đỉnh.
Nàng chờ đợi qua cho tới mùa thu, đúng ngày nở nhụy khai hoa, nàng sanh được một đứa con gái, mà cũng chưa thấy dạng, lại cũng chưa được tin Hải-Yến. Bởi nàng đẻ nhằm mùa thu nên đặt tên con là Từ-thu-Vân.
Nàng thấy mặt con chừng nào thì nhớ chồng chừng nấy, bởi vậy hễ nàng nghe có người nào ở miệt An-Giang xuống buôn bán thì nàng cũng kiếm cho được mà hỏi thăm chồng.
Bữa nọ nàng gặp một người lái buôn ở một làng với Hải-Yến, nàng mừng rỡ hết sức, nên ân cần mời về nhà mà hỏi thăm. Người ấy nói rằng Hải-Yến thi đậu về nhà không đầy một tháng thì quan Huyện Ðông-xuyên đã kêu mà gả con.
Cha mẹ Hải-Yến đã giàu, mà cha mẹ vợ lại sang nữa, bởi vậy bây giờ Hải-Yến sung sướng vô cùng, nghe nói chẳng bao lâu nữa triều-đình sẽ cấp bằng cho đi ngồi Tri-Huyện nơi nào đó.
Ánh-Nguyệt nghe mấy lời chẳng khác nào như sét đánh ngang tai, bởi vậy nàng ngồi sững-sờ, tay ôm con nước mắt rưng-rưng chảy. Vì nàng thương Hải-Yến quá, nên tưởng bụng Hải-Yến cũng như bụng nàng.
Nàng không chịu tin Hải-Yến phụ nàng. Nàng đổ thừa tại cha mẹ ép, chớ nàng với Hải-Yến tình nặng nghĩa dầy, không lẽ nào mới vắng mặt nhau mà vội quên nhau như vậy.
Nàng viết một bức thơ mà tỏ nỗi-niềm trông đợi, xin Hải-Yến xuống rước nàng cho mau, lại tỏ luôn nàng sanh được một đứa con gái nữa rồi trao cho người lái buôn ấy và cậy đem dùm về cho Hải-Yến.
Thơ gởi đi rồi thì nàng cứ ngồi mà trông đợi Hải-Yến hoài. Hễ chiều mát thì nàng bồng con ra bến mà kiếm ghe An-Giang, hễ đêm tối thì nàng chong đèn nhìn con cho bớt nhớ chồng.
Ngày lụn tháng qua, thơ gởi đi đã được hai tháng rồi, mà cũng chưa thấy tin tức chi hết.
Bữa nọ ăn cơm sớm mai rồi nàng bồng con đem để nằm giữa ván, là chỗ ngày trước Hải-Yến thường ngồi đọc sách đó, mà dỗ con ngủ, rồi bưng thúng may ra ngồi dựa bên con mà vá áo.
Nàng ngồi may mà trong trí nhớ chồng, nên lắm lúc tay buông cây kim, mắt ngó mông ra ngoài cửa. Cặp chim đậu trên hàng rào kêu chót-chét, con nhảy qua con chuyền lại, vui cùng nhau được kết bạn kiếm ăn. Bầy kiến bò ngoài cửa có hàng, con đi trước, con đi sau, thớ thới bấy vầy đoàn hợp lũ.
Loài chim với loài kiến mà còn có đôi có bạn, sao loài người lại chích bóng đơn thân?
Hay là khiến cho gái hồng nhan phải dày gió dạn sương?
Hay là đạo nam tử phải xảo ngôn dối thế?
Ánh-Nguyệt nghĩ tới đó thì nàng ứa nước mắt. Con ruồi ở đâu bay lại đậu trên sóng mũi Thu-Vân.
Nàng lật đật lấy tay mà khoát cho con ruồi bay đi, rồi nàng nhìn mặt con. Gương mặt tròn, gò má đỏ, nước da trắng, sóng mũi cao, hình dung coi chẳng khác Hải-Yến chút nào, con như vậy ai nỡ đành phụ rãy.
Thu-Vân nằm ngủ mà ngay hai bắp chơn giơ ra tròn vo và trắng nõn, coi như ai sắp hai củ cải để gần nhau; một bàn tay để trên đầu, một bàn tay gác ngang ngực, coi tướng mạo dễ thương dễ mến. Mụ bà dạy nên một lát nhích miệng cười một cái, hai gò má hủng hai cái lỗ, hai cái môi ửng đỏ như thoa son.
Nàng nhìn con càng tủi cho phận con, có tội gì mà sanh ra đã mấy tháng rồi, chưa được thấy mặt cha lần nào hết!
Nàng nhớ mấy lời chú lái buôn nói hôm nọ, thì lòng nàng bát ngát, trí nàng ngẩn ngơ, nhưng mà cũng chưa chịu tin, chắc ý rằng chẳng mau thì lâu bề nào Hải-Yến cũng rước nàng, bởi vì ân-ái với nhau đã sanh được một đứa con, tình còn nặng nghĩa thêm dầy, dầu ngàn tứ muôn chung cũng không lẽ Hải-Yến ham đến nỗi phụ tình xưa nghĩa cũ.
Nếu chàng có cưới vợ khác, ấy là tại mẹ cha ép uổng, mà cưới vợ rồi há chàng không tưởng đến mình sao.
Ánh-Nguyệt đương suy nghĩ tới đó, bỗng thấy ngoài cửa có một người, trạc chừng 50 tuổi, xâm-xâm đi vô hỏi rằng:
- Nhà nầy phải là nhà của cô Ánh-Nguyệt hay không vậy cô?
Ánh-Nguyệt thấy người lã đến hỏi tên mình, tin chắc là người của Hải-Yến sai xuống rước, bởi vậy nàng khấp khởi mừng thầm, lật-đật đứng dậy đáp rằng:
- Phải. Nhà nầy là nhà của tôi. Chú ở đâu mà hỏi thăm nhà tôi?
Người ấy và bước vô và nói rằng:
- Tôi ở trên An-Giang, ông Cử sai tôi xuống kiếm cô đặng nói chuyện.
Ánh-Nguyệt nghe những tiếng “An-Giang, ông Cử” thì nàng mừng quýnh không kịp hỏi chi hết, lật đật trải chiếu trên ván giữa rồi mời khách ngồi. Con Thu-Vân nghe tiếng nói chuyện om-sòm, trải chiếu rột-rạt, nên giựt mình thức dậy khóc oé lên. Ánh-Nguyệt thò tay bồng con mà ôm trong lòng rồi miệng chúm-chím cười và hỏi khách rằng:
- Ông Cử về trển xưa rày mạnh giỏi thể nào? Ổng mượn chú xuống rước mẹ con tôi phải hôn?
- Ổng mạnh giỏi. Ổng không có biểu tôi rước cô; ổng có đưa cho tôi một phong thơ, dặn phải xuống tìm mà đưa cho tới tay cô.
- Té ra có thơ của ổng hay sao? Ðâu chú đưa đây cho tôi.
- Mà cô phải tên là Lý-ánh-Nguyệt hay không?
- Phải, Ánh-Nguyệt là tôi đây.
- Ờ, như có phải thì tôi mới đưa, chớ lôi thôi lạc mất đây về ổng rầy tôi chết.
Người khách dỡ vạt áo lên rồi thò tay trong sợi dây lưng mà móc ra một cái đãy thuốc may bằng vải, cuốn tròn bằng cườm chưn vậy. Anh mở đãy ra lấy một phong thơ đưa cho Ánh-Nguyệt và nói rằng:
- Ðó, phong thơ đó. Cô dỡ ra mà đọc thử coi chớ tôi không hiểu ổng viết giống gì ở trỏng.
Ánh-Nguyệt lấy phong thơ, chẳng hiểu việc lành dữ thế nào, nên nửa mừng nửa sợ, mặt tái xanh, tay run rẩy, nàng xé phong thơ ra rồi, một tay bồng con, một tay cầm thơ mà coi. Người khách ngồi ngó nàng thì thấy nàng ban đầu mặt tái, mà coi thơ riết rồi mặt nàng lại đỏ phừng-phừng; nàng chau mày trợn mắt tằng-hắng bậm môi, coi bộ như nàng giận những lời nói trong thơ đó vậy.
Chừng nàng coi dứt rồi, nàng quăng bức thơ trên ván, bồng con đứng dậy nói rằng:
- Người tánh tình như vậy mà dám xưng là học-trò! Thôi, thà là bạc phứt tôi như vậy cho tôi khỏi trông đợi nữa.
Người khách thấy cử chỉ của Ánh-Nguyệt như vậy thì lấy làm lạ, nên ngồi ngó nàng trân trân rồi hỏi rằng:
- Thơ ông Cử nói làm sao mà cô giận dữ vậy? Cô quen với ổng hay là bà con?
Ánh-Nguyệt nghe mấy lời ấy thì biết Hải-Yến không có tỏ việc của mình cho người đem thơ hiểu, bởi vậy nàng day mặt chỗ khác mà đáp rằng:
- Tôi đây là vợ của Hải-Yến, còn con nhỏ tôi bồng đây là con.
- Ủa! Sao vậy? Cha chả! Ông Cử ổng làm tếu dữ kìa! Cô nói cô là vợ mà sao năm trước ổng thi đậu rồi về trển ổng lại cưới con quan Huyện Ðông-Xuyên?
- Thứ tiểu nhơn thì nó làm như vậy chớ sao. Chú làm ơn về trển chú nói dùm với nó rằng con người ở đời mà khác với cầm thú là nhờ biết nhơn nghĩa. Năm trước tôi thấy nó là học-trò, ngày đêm chuyên đọc sử kinh, hễ mở miệng ra thì nói cang thường luân lý: tôi tưởng nó là người biết nhơn nghĩa, nên tôi mới đành trao thân gởi phận cho nó; bây giờ tôi mới hay nó mặt mũi người ta mà lòng dạ không phải người ta; nó đọc những kinh thánh truyện hiền đó là cốt để kiếm giàu sang, nó dùng lời ngon tiếng ngọt đó là cốt để phá danh tiết nhi nữ. Thôi, tôi với nó từ nầy không còn nhơn-nghĩa gì nữa. Nó ráng mà hưởng giàu sang, để cho mẹ con tôi …
Ánh-Nguyệt nói tới đó thì tức-tủi nghẹn cổ, nói không ra tiếng nữa.
Người khách thấy vậy thì động lòng nên ngồi lặng thinh.
Ánh-Nguyệt nước mắt nước mũi đổ chàm ngoàm, nàng bồng con ra cửa mà hỉ mũi rồi trở vô nói rằng:
- Chú về trển làm ơn nói với ông Cử dùm như vậy cho tôi.
- Cô muốn nói việc gì với ông Cử thì cô viết thơ rồi tôi đem về dùm cho, chớ lẽ nào tôi dám đem những lời cô nói nãy giờ đó mà thuật lại cho ổng nghe.
- Tôi viết thơ cho người như vầy thì uổng chữ của tôi lắm. Chú cứ về thuật lại như vậy đi mà.
- Ngặt quá ….
Người khách thấy chủ nhà không vui, nghĩ ngồi lâu bất tiện, nên nói lôi thôi rồi lui ra mà đi.
Khách ra khỏi cửa rồi, thì Ánh-Nguyệt lấy làm đau đớn trong lòng, nên nàng bồng con vô võng mà nằm, nước mắt tuôn dầm dề. Còn gì là danh tiết! Còn biết ai mà nương nhờ? Uổng công cha mẹ dạy dỗ, uổng công mình lọc lừa; dạy dỗ làm chi mà ngày nay nhục nhã tông tôn, lọc lừa làm chi mà ngày nay ô danh xủ tiết?
Bây giờ muốn về quê-quán, về sao cho đặng, thứ gái hư về càng nhục chớ ích gì. Bây giờ muốn ở đây, ở cũng không kham, phận yếu đuối lại thêm có con biết làm nghề chi mà nuôi miệng. Thôi cái thân nầy càng sống càng thêm hổ-ngươi đau đớn, sống nữa mà làm chi, thà thác phứt cho tồi đặng trả sạch nợ trần, đặng lấp vùi mạng bạc.
Nãy giờ nàng khóc thì con Thu-Vân nó ngủ; đến chừng nàng tính chết, thì con nhỏ nó lại cựa mình, hai tay dụi mắt, rồi khóc oé lên. Nàng lật đật bồng con mà cho bú, mắt nhìn con giọt lụy càng thêm chứa-chan.
Nàng mới nghĩ lại nếu mình chết thì phận mình đã yên rồi, còn con mình bỏ lại chi ai nuôi?
Con là máu thịt của mình, lỗi tại nơi ai chớ nó có tội gì mà mình bỏ nó. Nàng suy xét tới đó rồi hồi tâm, nên ôm con Thu-Vân mà hun. Nàng buồn rồi giận, muốn chết rồi thương con, trong lòng ngơ-ngẩn, ngoài mặt dàu-dàu, nên cứ nằm trên võng với con hoài đến chiều nàng cũng không dậy nấu cơm mà ăn.
Vã từ khi nàng có chồng dọn nhà riêng ở rồi, lúc tình đương mặn, nghĩa đương nồng, Hải-Yến có tỏ thiệt cách vợ chồng Ðỗ-Cẩm làm khó đặng ăn tiền bạc cho nhiều mới chịu gả nàng, thì nàng giận, nên nàng không thèm tới lui nhà Ðỗ-Cẩm nữa. Mấy lần nàng đi viếng mộ cha thì nàng đi vòng ngã khác, chớ không chịu đi ngang nhà, mà chừng Hải-Yến thi đậu nàng cũng không qua mà báo tin. Nay nàng đi tới trước nhà Ðỗ-Cẩm, đứng ngoài ngó vô thì thấy có một miếng đất trống mà thôi, nhà cửa đã dỡ đem đi đâu mất bao giờ rồi..
Nàng hỏi thăm thì họ nói vợ chồng Ðỗ-Cẩm lằm ăn khá nên dỡ nhà về quê quán ở miệt dưới Vũng-Gù đã hơn một năm rồi. Nàng chưng-hửng đứng ngẩn-ngơ, biết còn ai mà bày tỏ nỗi niềm tâm sự.
Nàng ứa nước mắt, bồng con đi thẳng đến mộ cha ngồi ôm mồ mà khóc rống lên nghe rất thảm thiết.
Nàng khóc một hồi rồi kể rằng: “Cha ôi! Thân con đau đớn, dưới suối vàng cha có biết cho chăng? Phận con là gái mà để ô danh xủ tiết như vầy, chừng chết còn mặt mũi nào con dám thấy cha nữa. Cái tội con làm nhục cho tông môn đây chẳng phải là tại con mà ra, ấy là tại loài người họ không biết trọng nhân nghĩa, họ không biết thuơng liễu bồ, nên thân con mới đến nỗi nầy. Nếu con không vì con Thu-Vân thì con đã tự vận mà chết hồi hôm qua rồi, có đâu con sống tới bây giờ. Xin cha mẹ dưới cửu tuyền xét dùm phận con”.
Nàng khóc đến trưa rồi mới bồng con đi về. Nàng về vừa tới cửa xảy gặp ông ba Cửu là người ở lối xóm, già đã gần 70 tuổi. Ông thấy nàng cặp mắt đỏ chạch, không hiểu nàng có việc chi mà khóc như vậy, nên hỏi rằng:
- Cháu có chuyện chi mà coi bộ sầu não dữ vậy? Ông Cử có nhắn nói chừng nào ổng xuống rước cháu hay không?
Ánh-Nguyệt tức tủi trong lòng mà từ hồi hôm qua cho đến bữa nay nàng không tỏ với ai được, bởi vậy nàng vừa nghe ông ba Cửu hỏi mấy lời thì nàng lắc đầu ứa lụy đáp:
- Mời bác vô nhà rồi tôi thuật chuyện cho bác nghe.
Ông ba Cửu lấy làm lạ nên đi theo Ánh-Nguyệt mà vô nhà.
Nàng mời ông ngồi rồi kể hết đầu đuôi mọi việc lại cho ông nghe, nói rằng Hải-Yến mới gởi thơ biểu nàng lo kiếm chồng khác à làm ăn, vì chàng kết nghĩa với nàng đó là ngẫu hiệp chơi trong lúc du học, chớ không phải duyên nợ trăm năm chi đó mà chờ đợi. Bây giờ nàng mới biết Hải-Yến với Ðỗ-Cẩm âm mưu mà gạt nàng, mà biết được thì đã ô dang xủ tiết rồi. Nàng nói hết rồi nàng than rằng:
- Thân tôi bây giờ khổ lắm! Muốn chết mà thương con nên chết không đành. Ở đây thì bơ-vơ, về xứ thì xấu hổ biết làm sao bây giờ! Trời ôi! Tôi có tội gì mà trời đất phạt tôi nên khiến cho tôi hư danh cực trí như vầy không biết.
Ông ba Cửu ngồi thở dài và nói rằng:
- Ðời nầy thiên hạ họ giả dối lắm; tại cháu tưởng họ biết nhơn nghĩa như cháu nên mới lầm họ đó đa. Còn cháu kêu trời làm chi? Nếu trời đất mà ở công bình thì đâu có chuyện như vậy. Thôi cháu đừng buồn, hãy ráng lam lũ làm ăn mà nuôi con. Ông Cử là người có học, có lẽ một ngày kia ổng hồi tâm rồi ổng cũng thương con ổng chớ.
Ánh-Nguyệt lắc đầu đáp rằng:
- Chừng ổng hồi tâm thì thân mẹ con tôi đã tan nát rồi còn gì!