Bé muộn

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Cái vòi nước công cộng nằm bên lề đường Lê Văn Duyệt thuộc xóm đình Hòa Hưng không lúc nào vắng người lấy nước. Từ tờ mờ sáng đến nửa đêm, đủ các loại thùng hứng nước sắp hàng dài ngoằn nghèo như con rắn lượn trên khoảng lề đường quanh vòi nước. Ðám gánh nước thuê chuyên nghiệp trở thành chủ quản cái vòi nước ấy. Con cái họ thay nhau đặt thùng xếp hàng chiếm hầu hết thời gian ưu tiên hứng nước.
Bé Muộn vừa học hết lớp đệ ngũ thì ông bố bị tai nạn chết trong lúc làm công việc bốc vác ở bến cảng Sài Gòn. Bé Muộn đành nghỉ học đi gánh nước thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi hai đứa em còn nhỏ dại. Với số tuổi mười bốn mười lăm, vóc dáng tiểu thư làm sao tranh nổi với mụ đàn bà nạ dòng phục phịch như con hà mã. Bé Muộn chịu dưới trướng của mụ “Tư Cai Thầu” đổ nước mướn cho từng nhà ăn chia.
Nhìn chiếc quần bà ba đen bó sát người ướt đẫm nước suốt ngày cùng đôi mông đồ sộ của mụ rung rinh đánh nhịp theo từng bước chân đi là đủ biết mụ làm việc xông xáo đến mức nào. Khuôn mặt núng nính những mỡ là mỡ thế mà mụ khỏe như con trâu nước. Ðã có nhiều lần các nhóm “cai thầu” khác đến tranh chấp dành mối đã bị mụ tả xông hữu đột bằng chiếc đòn gánh như một tay võ hiệp múa côn. Nếu chiếc đòn gánh bị giật mất thì mụ quay qua đánh xáp lá cà dùng chiêu kéo quần, xé áo, nắm tóc. Ðối phương bị lột trần ngoài đường phố đành tháo lui. Có lần đối thủ kia bị xé rách cả áo để phơi bộ ngực trần mà vẫn tiếp tục chiến đấu. Mụ Tư càng hăng tiết xông vào cứ nhằm cặp vú mướp của đối phương mà cắn mà nhay. Lần nào mụ cũng đạt được phần thắng. Cuối cùng, mưu đồ dành chỗ lấy mối của nhóm “cai thầu” khác đành nhượng bộ cho mụ làm chủ quản cái lãnh địa béo bở này.
Ðôi vai nhỏ nhắn của bé Muộn ngày ngày trĩu nặng hai thùng nước đầy dưới cơn nắng đốt. Ánh mặt trời không làm cho màu da mịn màng của bé sạm đen như những đứa bé khác. Mỗi ngày lớn lên, da bé càng bóng hồng tươi mát. Khuôn mặt tròn trịa lại thêm nụ cười duyên dáng bày ra hai hàm răng trắng đều đặn đã khiến cho các cậu quí tử của các chủ nhà đổ nước mê mẩn.
Tháng Tư năm Bảy Lăm, Sài Gòn đổi tên, đổi chủ và đảo lộn luôn trật tự xã hội. Giai cấp nghèo khó được “chính quyền cách mạng” bơm hơi nâng lên đứng chủ xã hội làm vì. Mụ “Tư Cai Thầu”gánh nước thuê thẳng thừng từ chối cái chức trưởng ban phụ nữ phường. Mụ bảo:
- “ Tôi có được mấy chữ mà đề cử tôi làm cán bộ. Khả năng của tôi là gánh nước đổ cho bà con xài. Ðứa nào đến đây dành chỗ cơm gạo của tôi thì tay này sẵn sàng thí mạng.”
Sáu tháng sau, mụ “Tư Cai Thầu” bị chính quyền cách mạng cấm hẳn việc gánh nước thuê với lý do: “ Xã Hội Chủ Nghĩa không có người làm thuê gánh mướn, không có cảnh người bóc lột người. Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Mất chén gạo nuôi con, mụ Tư tức ấm ức. Ngày đêm mượn gà, mượn chó mà chửi khéo mấy tên cán bộ trong phường. Gặp chó là mụ lấy cây phang vào lưng chửi đổng : “Ðồ chó má, chén cơm của con tao mầy cũng liếm sạch”. Gặp gà, bà cầm chổi xua đuổi, mồm bô bô: “Mầy chỉ được cái tiếng gáy còn thì chuyên bươi móc, ăn dơ , ỉa bậy.”
Hàng xóm nghe mụ chửi bịt miệng cười. Người từng trải thì lo cho mụ có ngày chính quyền tìm cách ghép tội: “Vi phạm nếp sống mới, gây rối an ninh trật tự công cộng” rồi đẩy vào tù cải tạo để cho mấy đứa trẻ bơ vơ.
Riêng bé Muộn thuộc thành phần công nhân ba đời nên được tuyển vào phụ trách công việc chị nuôi cho một cơ quan không tên, không phô trương bảng hiệu. Họ chỉ dùng ám hiệu T4 nhưng việc kiểm soát người ra vào rất chặt chẽ. Cái nhóm khách thường xuyên của cơ quan này phần lớn có gương mặt lạnh lùng, kín đáo. Họ thường dùng kiến đen, xách cặp da ngoại nhập.
Ông thủ trưởng là dân ở miệt ngoài. Người ta không phân biệt được giọng nói của ông ta thuộc địa phương nào. Cũng không biết đã có gia đình hay chưa, chỉ thấy ông ăn ở ngay tại cơ quan. Màu da ngăm đen vàng tái chứng tỏ ông đã trải qua bao năm tháng trên rừng già. Trầm ngâm ít nói, nhưng cặp mắt ông khi nhìn ai như xoáy sâu vào ý nghĩ của kẻ đối diện. Ánh mắt đa nghi và quyết đoán.
Ðịa điểm làm việc nguyên là ngôi biệt thự của một cơ quan cũ của Mỹ có bốn bức tường gạch xây bao quanh kiên cố. Căn nhà có hai tầng lầu. Tầng dưới bao gồm các phòng làm việc, tầng trên có nhiều phòng ngủ dành cho nhân viên của cơ quan. Sân thượng có một phần mái che, là nơi để tổ chức những tối vui chơi cuối tuần cho nhân viên nghe nhạc và khiêu vũ. Nơi góc cuối sân thượng, có đặt chiếc container chở hàng của quân đội Mỹ.
Người cán bộ CS có thói quen tận dụng những khoảng trống đất đai để tăng gia sản xuất. Ngay cả trên sân thượng của các căn nhà lầu họ cũng đổ đất trồng rau hoặc nuôi gia súc. Cái container bỏ trống thật phí phạm vì vậy cán bộ thay nhau gánh đất đổ đầy rồi trồng rau lang trên đó. Ngọn rau lang luộc chấm mắm nêm là món ăn cải thiện cho bữa ăn đầy hấp dẫn. Cứ lớp này còi đi thì thay vào đợt dây lang mới.
Hồi chín năm kháng chiến ở vùng liên khu 5 của Việt Minh, lương thực thiếu thốn trầm trọng. Họ phát động phong trào toàn dân thi đua sản xuất. An Tân, Tiên Ðỏa là vùng đất khô cằn cát trắng thuộc tỉnh Quảng Nam. Cát lấn từng ngày vào thôn xóm ruộng đồng. Người dân vùng nầy có kinh nghiệm trồng khoai lang trong những chiếc bồ đan bằng tre, đổ đất thịt trộn cát và phân ủ lá cây rừng. Trong mỗi bồ người ta cắm dây lang theo từng tầng qua những kẽ hở dọc theo thành ngoài mặt bồ. Thoạt trông như chơi cây cảnh nhưng đến mùa thu hoạch ta mới ngạc nhiên trước những cũ khoai to mập màu da bóng lưởng.
Trong dân gian thời đó có câu : “Ðậu phụng Ðồng Dinh, khoai lang Tiên Ðỏa”. Loại khoai lang nầy khá giàu tinh bột. Người dân vùng nầy chế biến ra các loại bánh tráng khoai lang ngọt có thể ăn sống hoặc nướng phồng lên. Bánh để được lâu và dễ đi chuyển. Nhất là giúp cho bộ đội hoặc dân công tiếp vận ăn loại bánh tráng này trên đường đi hay ngay cả trên chiến trường. Người phát minh phương pháp trồng khoai lang trong bồ nghe đâu được tuyên dương anh hùng lao động.
“ Cơm cơ quan, sàng tập thể” bé Muộn mỗi ngày mỗi căng da, dài tóc. Cơ thể săn chắc, mượt mà. Bộ ngực vun đầy, căng tròn của tuổi mười tám là tụ điểm của bao ánh mắt đàn ông. Mùi thơm con gái tỏa hương làm ngây ngất biết bao đấng nam tử ngoài đời lẫn trong cơ quan. Từ một chức vụ chị nuôi, Muộn được đặc cách lên giữ công tác văn thư. Ðó là điều hợp lý dành cho cô gái có trình độ lớp đệ ngũ. Nàng không còn ở nơi phòng ngủ tập thể nữa mà hưởng quy chế của một nhân viên có phòng riêng. Và nghe phong phanh nàng được đưa vào danh sách dự bị đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bà Bảy, mẹ nàng rất vui mừng khi nhận được tin tức này.
Từ ngày nhận công tác mới, có lẽ vì bận rộn với công việc nên Muộn ít khi về thăm mẹ và em. Dù vậy, mẹ nàng vẫn yên lòng đặt hết niềm tin vào tương lai của đứa con gái đầu lòng. Vừa đẹp người đẹp nết, biết đâu con bà lại lấy được người chồng cán bộ của chế độ hiện giờ.
Thời gian thấm thoát trôi qua hơn một năm. Thấy con gái không về thăm nhà, bà Bảy, mẹ bé Muộn nóng lòng đường đột đến cơ quan hỏi thăm. Vị thủ trưởng đích thân tiếp bà với thái độ rất thân tình nhưng tỏ ra sửng sốt khi bà Bảy muốn được gặp mặt người con gái. Ông lấy chiếc kính trắng gọng vàng đang đeo đặt trên mặt bàn, quan sát bà Bảy một chặp lâu rồi bảo:
- Ðồng chí Trần Thu Muộn xin nghỉ việc cách đây đã sáu tháng rồi thưa bà.
Ông thủ trưởng liếc mắt nhìn qua khung cửa lớn rồi đột nhiên quay lại hỏi :
- Thế cô Muộn đi theo chồng không báo cho bà biết sao?
Bà mẹ không trả lời câu hỏi ông thủ trưởng mà chỉ để rơi những giọt nước mắt trách hờn con gái mình. Bà ngỏ lời cám ơn vị thủ trưởng tử tế rồi vội vã choàng chiếc khăn rằn lên đầu quày quả ra cửa,.
Nguồn tin bé Muộn vượt biên trốn ra nước ngoài được truyền đi từ đó. Bà con láng giềng trong xóm lại thì thầm với nhau:
- “Mụ Bảy xem thế mà kín miệng đáo để. Con gái thoát được mà không hề hé răng.”
- “Bà ấy khỏe rồi. Chẳng còn bao lâu nữa con Muộn gởi hàng ngoại quốc về tha hồ mà tiêu xài.”
- “Nầy, tớ còn nghe nói là Muộn đi với thằng chồng tương lai nữa đấy.”…
Một đồn mười, mười đồn trăm. Bà Bảy chẳng biết ất giáp gì nhưng đã bị mấy lần lên đồn công an phường viết tờ khai báo về sự vắng mặt của con gái. Người thân tình có hỏi thăm, bà chỉ ậm ừ cười cho qua chuyện.
Giai đoạn này người đi vượt biên, vượt biển xảy ra hà rầm. Ðám em trai của thầy giáo Hai xóm trên, cha con lão Tư xóm dưới được sở Mỹ đưa ra hạm đội trước ngày 30 tháng 4. Giờ đây các gia đình đó cứ nằm nhà mà chờ thùng quà từ Mỹ. Họ hết bận tâm sắp hàng mua từng chai nước mắm ôi hay chút tiêu chút bột ngọt trộn đường cát gói sẵn. Ôi, đời sống con người dưới Xã Hội Chủ Nghĩa sao giống như bầy vịt cho ăn từng bữa, đếm từng cái trứng.
Căn phòng của nữ đồng chí cán bộ Trần Thu Muộn trở thành phòng ngủ dành cho cán bộ cùng ngành công tác từ xa về tạm trú trong đêm. Phòng tuy hẹp nhưng được trang trí sáng sủa, tiện nghi. Cán bộ nào được ngủ qua đêm một lần là thế nào lần tới cũng xin đăng ký căn phòng đó. Tuy cơ quan còn ba phòng tạm trú khác nhưng anh cán nào cũng muốn dành cho được căn phòng ấy. Có điều gì xảy ra hàng đêm mà họ yêu thích cái căn phòng này đến thế.
Cái gì thuộc thế giới vô hình, người Cộng sản luôn luôn bài bác cho là mê tín dị đoan. Khi họ chứng nghiệm được thì người nào cũng giấu kín trong lòng. Họ sợ phê bình kiểm điểm và tai hại hơn cả là bị nâng hàng quan điểm đánh mất niềm tin Duy Vật của ông tổ Các-mác.
Cây kim lâu ngày trong bọc cũng phải lòi ra.
Chuyện đó xảy ra thế này : Hàng đêm, sau 12 giờ khuya, một người con gái rất đẹp, thân thể trần truồng xuất hiện trong phòng ngủ của bé Muộn. Mái tóc dài buông xõa che một phần bộ ngực trắng ngần căn đầy nữ tính. Cô gái ngồi xuống giường người đàn ông đang ngủ âu yếm, vuốt ve, kích thích khiến cho họ hứng khởi đến khi hoàn toàn mất tự chủ. Sau cùng cô gái nằm đè lên người. Một sức nặng lạ lùng vừa êm ái vừa kích thích . Người nào có thần tính mạnh mẽ thì choàng tỉnh. Nhưng đa phần cô gái nắm chủ động đến khi người đàn ông xuất tinh. Cứ như thế lập đi lập lại nhiều lần trong đêm. Sáng dậy, quần lót của khách ngủ trọ ướt nhẹp một chất nước nhờn. Thân thể bải hoải, tâm trí ngu muội. Tình dục như loại kích thích tố. Một lần , hai lần thành nghiện, lâu ngày đâm nhớ. Họ thì thầm truyền miệng cho nhau , vì vậy căn phòng ngủ ấy trở thành đắt khách.
Nhân một chuyến công tác của nữ đồng chí cùng ngành từ trung ương vào thành phố Hồ Chí Minh thanh tra. Ðồng chí được cơ quan này dành cho căn phòng của bé Muộn tạm trú trong mấy ngày công tác. Bà ta rất vừa ý có được căn phòng đầy đủ tiện nghi.
Vừa đặt lưng xuống chiếc giường nệm lò xo của quân đội Mỹ, chợt bà cán bộ cảm thấy có điều gì đó bất an trong bầu không khí yên ắng. Không có tiếng động, nhưng cái giường thỉnh thoảng chao nghiêng như chiếc thuyền con trên sóng nước. Bà mở mắt ngồi dậy thì chiếc giường trở lại bình thường. Nhưng khi nằm xuống thì giường lại lắc lư. Bà đứng lên đóng cửa sổ, bật đèn sáng quan sát trong tủ đựng quần áo, trong các ngăn hộc bàn. Tất cả đều ở trạng thái bình thường. Bà cán bộ nghĩ có lẽ là do mệt mỏi vì phải ngồi xe con từ Hà Nội vào đây mất một ngày một đêm.
Trằn trọc mãi, cuối cùng rồi đồng chí cán bộ cũng rơi vào cơn mê thiếp. Chợt một tiếng động khẽ khàng, bà giật mình thức giấc. Một người con gái toàn thân không có mảnh vải che thân, tóc rối bời đứng dưới đuôi giường nắm chân bà như muốn kéo đi. Bà vùng ngồi dậy, đến bàn uống một ly nước lấy lại bình tĩnh. Nữ cán bộ là một đảng viên cao cấp, là cán bộ đã từng trải qua những tình huống bất ngờ trong các hoạt động bí mật đầy hiểm nguy. Trong đầu bà đặc sệt học thuyết Mác Lê. Bà không tin thần thánh, ma quỷ. Trên cõi đời này chỉ có vật chất là tồn tại. Ðó chẳng qua là giấc mơ, bà nghĩ.
Ðêm thứ nhì, đồng chí nữ cán bộ lại chứng kiến cảnh người con gái trần truồng nắm chân bà kéo. Lần này có tiếng khóc nỉ non, như van xin cầu khẩn một điều gì. Bà cán bộ vội vàng nhảy ra khỏi giường để chọp lấy người con gái, nhưng bóng ma lẹ làng đi qua cửa. Bà cán bộ lập tức mở cửa đuổi theo . Bóng người con gái ra sân thượng rồi biến mất trong thùng container.
Suốt đêm không ngủ, bà cán bộ nghĩ lẩn quẩn hoài cái hiện tượng lạ lùng mà cả cuộc đời làm cách mạng của bà chưa hề gặp phải. Thế rồi thói quen nghề nghiệp khiến bà suy luận đến âm mưu của địch. Chúng nó có ý đồ dọa dẫm trấn áp tinh thần đối phương chăng? Ðây là một trong những hình thức dùng tâm linh của bọn đế quốc ma mãnh. Bà quyết định lần sau sẽ nã đạn vào bóng ma giả dạng đó.
Ðã hai đêm mất ngủ, tâm trí rối mù, bà cán bộ không còn sáng suốt để làm việc trong ngày cuối cùng. Cơm tối qua loa, bà cần lấy lại sức lực bằng giấc ngủ để ngày mai dự cuộc họp tổng kết với cơ quan. Trước khi đặt lưng xuống giường, bà cán bộ không quên lên đạn khẩu K 59, loại súng bỏ túi của Liên Xô sản xuất do trung ương cấp cho nhân viên tình báo quan trọng để phòng vệ bản thân.
Giấc ngủ vừa chập chờn thì cái giường bắt đầu lắc lư, Cùng lúc người con gái xuất hiện bên chân giường. Bà cán bộ chụp khẩu súng hướng về bóng ma bóp cò nhưng lạ thay đạn không lên nòng. Con ma vừa quay mặt ra đến cửa, bà vùng ngồi dậy đuổi theo. Bà đi như người mộng du ra sân thượng đến bên chiếc container.
Gió đêm thổi lồng lộng làm ngả nghiêng ngọn cây cổ thụ ở cuối vườn, quét bóng đen trên nền sân xi-măng khiến bà cán bộ sực tỉnh thấy mình đứng bên chiếc thùng sắt mọc đầy lá rau lang xanh rờn rợn tràn ra khỏi miệng thùng. Mặt trăng tròn vành vạnh tỏa ánh sáng lành lạnh trên sân thượng của tòa building. Bà cán bộ chợt rùng mình sợ toát mồ hôi lạnh. Hai chân bà run lẩy bẩy, tê cứng không bước đi được. Khuôn mặt đờ đẫn, miệng lưỡi đớ ra không thể lên tiếng gọi cầu cứu. Bà cán bộ cấp trung ương đành phải bò bằng hai tay trên mặt sàn xi-măng vào đến giường thì thiếp đi. Sáng ngày hôm sau, bà lập tức gọi điện thoại hủy bỏ cuộc họp, rời khỏi phòng. Chưa kịp dùng điểm tâm, bà đã thúc dục tài xế lên đường trở về Hà Nội.
Quãng đường dài từ Nam ra Bắc, bà cán bộ ngủ thiếp trên xe suốt một ngày một đêm.Về đến nhà bà lên cơn sốt nằm liệt giường. Sau khi xuất viện, tinh thần bà suy kiệt. Dù được bệnh viện cấp cao điều trị, bệnh tâm thần của bà cán bộ mỗi ngày mỗi nặng .

* * *

Ðã hơn mười năm rồi. Tin đồn bé Muộn vượt biên dần dần đi vào lãng quên. Bà Bảy, mẹ bé Muộn cũng hết còn trông mong gì đến quà cáp của con gái bà từ ngoại quốc gởi về. Bà nghĩ, có lẽ chiếc tàu nó đi đã bị bão tố đánh chìm. Mỗi lần nghĩ tới con là nước mắt bà trào ra. Bà lại trách móc con mình dại khờ, nghe lời xúi bậy của ai đó bỏ cơ quan đang làm, một tương lai đầy hứa hẹn.
Trung tâm T4 thành phố Hồ Chí Minh, nay cũng được chuyển đến một ngôi biệt thự cao tầng, biệt lập , có bề thế hơn. Cơ quan cũ T4 trước đây giao cho Hội Phụ Nữ thành phố. Những người mới trong cơ quan Phụ Nữ quyết định dọn dẹp sạch sẽ những vật dụng không cần thiết, trong đó có cả chiếc container trồng rau lang tự túc trên sân thượng. Ðầu tiên, họ đổ hết đất đựng bên trong container trước khi cho xe cẩu mang xuống tầng trệt. Bất ngờ, một bộ xương người hiện ra nằm sâu dưới đáy thùng. Người ta đoán biết bộ xương đó là của một phụ nữ vì những sợi tóc dài chưa tiêu hết. Ðặc biệt hơn cả là một củ khoai lang to bằng cái đầu đứa bé đã được nuôi lớn bằng thịt người hóa mùn thành phân. Từ xưa nay chưa có ai nhìn tận mắt được loại củ lang to đến như vậy. Ðây có thể nói là thành tích vô địch trong công cuộc cải tiến sản xuất.
Thời kháng chiến chống Pháp, người dân Tiên Ðỏa tỉnh Quảng Nam nổi tiếng trồng khoai lang trong bồ đan bằng tre . Người sáng kiến phương pháp trồng khoai lang đó được nhận huy chương anh hùng lao động, nhưng chưa bao giờ đạt được thành quả cũ khoai to như vậy. Chi bộ đảng hội phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh họp khẩn cấp để chọn quyết định nên gởi củ khoai đi dự thi lấy thành tích sản xuất hay gởi củ khoai lang này lên trung ương chúc mừng Khóa Họp Quốc Hội sắp tới? Bàn tới tính lui, cuối cùng chi bộ quyết định gởi cái củ khoai lang đạt trọng lượng cao nhất từ trước đến nay lên trung ương để chào mừng Ðại Hội sắp khai mạc tại thủ đô.
Còn bộ xương người, cơ quan điều tra an ninh của thành phố kết luận là của bọn đế quốc Mỹ trước đây ám hại gái làng chơi rồi chôn xác vào trong thùng container.
Vị thủ trưởng cơ quan T4 được bầu làm đại biểu Quốc Hội Đơn vị quận N. Thành Phố HCM đi tham dự cuộc họp Quốc Hội Khóa .. Nhân dịp này, ông thủ trưởng ghé thăm bà cán bộ đang nằm điều trị bệnh tại Hà Nội. Thời chiến tranh hai người cùng ngành làm chung trong một cơ quan cấp tỉnh. Từng hoạt động với nhau trong mật khu. Khi đất nước thống nhất, mỗi người được phân bổ đi hai nơi. Ông vào Nam giữ chức trung tâm trưởng trung tâm T4 khu Nam, bà ra Hà Nội phục vụ tại cơ quan tình báo trung ương.
Khi ông thủ trưởng bước vào nhà bà cán bộ trung ương, chợt bà này vùng đứng lên chỉ vào mặt ông ta quát :
“ Ta là bé Muộn, nhà ngươi có nhớ không? Chính mầy đã cưỡng hiếp tao cho đến khi có thai rồi giết tao bỏ xác vào thùng container đặt trên sân thượng của cơ quan. Hồn tao đã về báo mộng cho rất nhiều người. Dựa vào thế lực mạnh nên mầy đã bịt kín đầu mối, ngăn chận mọi dư luận xôn xao trong quần chúng. Nay, đã đến lúc mầy phải đền tội. Cái củ khoai lang to bằng đầu người trồng trong container cùng bộ xương người là vật chứng đủ để tố cáo tội lỗi của mầy trước cơ quan pháp luật”. Nói đến đây, bà cán bộ nằm vật xuống giường, thở phì phò, nước dãi chảy đầy mồm.
Ông thủ trưởng ôm đầu hét lên:
- “ Mụ điên, Mụ điên !” rồi vội vàng chạy ra xe.
Xe đang phóng nhanh qua cầu Long Biên, đột nhiên ông thủ trưởng ra lệnh tài xế dừng xe lại. Một hành động khá bất ngờ. Ông thủ trưởng lao nhanh ra khỏi xe rồi tung mình qua thành cầu phóng người xuống sông. Anh tài xế hoàn toàn bị động, chỉ biết gào lên cầu cứu.
Vài ngày sau, báo chí Hà Nội đăng tin : “ Một đại biểu Quốc Hội từ Miền Nam về tham dự Khóa Họp Quốc Hội đã bị nước cuốn trôi khi đang tắm dưới gầm cầu Long Biên. Qua mấy ngày tìm kiếm vẫn không thấy xác của vị đại biểu thuộc thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra kết luận mất tích”./