TRUYỆN THẬT NGẮN



Xem Truyện Thật Ngắn 2 | Xem Truyện Thật Ngắn 3 | Xem Truyện Thật Ngắn 4


Truyện thật ngắn là gì?


Đánh Đổi

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.

Song Vũ


Cạm bẫy

Hai người lấy nhau sau bao nhiêu bầm dập của cuộc đổi đời xa xứ. Chị là cô Tú Xương tân-thời, tảo-tần mọi việc trong ngoài, giấc mơ một mái ấm gia-đình với vài đứa con ngoan chị đã toại-nguyện. Những tưởng dòng đời cứ thế mà êm trôi. Anh muốn về thăm quê hương, thăm mộ phần của thân-phụ vắng người chăm sóc. Hai tháng dài qua mau, anh về lại, người cứ ngẩn ngơ. Một buổi nọ điện-thoại cầm tay kêu, anh vừa nghe tiếng nói đã ba bước đi vào phòng đóng cửa lại. Chị buồn lắm, nhưng không hỏi, mà có hỏi chắc gì anh đã nói. Đúng một năm sau, anh lại khăn gói về quê, chỉ báo cho chị nghe trước có một tuần. Chị sửng sờ: Về làm chi nữa? Mới về năm trước? Anh ung-dung bảo, muốn ly-dị.
Chị khóc, nước mắt tràn như sông như suối. Giấc mơ bình-yên một đời của chị phút chốc tan thành mây khói.

Linh Chi


CÔ MÂY

Trời vừa hừng sáng, cái nóng oi nồng đã theo về. Cô cắp rổ rời nhà, phải đi sớm một chút, trễ quá, trời nóng rát mặt. Quãng đường từ nhà tới chợ hai lượt đi về vừa đúng nửa giờ, đủ thể-thao cho một ngày. Chợ sáng, rau cải còn tươi, lung linh những giọt nước mát. Trên đường về, đi ngang ngôi trường cũ, tần ngần đứng lại nhìn dáng các học trò đã thấy lác đác ở cổng trường. Một tiếng thở dài đâu đó... Cảnh cũ còn đây nhưng người xưa sao xa quá!
Loay hoay một ngày trong bếp. Buổi chiều tới, cô xoa tay hài lòng nhìn ba chai mắm thái chay tươm tất vừa làm xong. Ngày mai đem đi gửi, hi-vọng bốn ngày sau tới cho con nhỏ mừng. Tôi nghiệp, đứa em đi xa đã hơn ba mươi năm chưa một lần về thăm, và nhớ hoài món mắm thái cô làm.

LinhChi


QUÀ TẶNG CỦA THƯỢNG ÐẾ

Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ “Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con”, lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười. Cô đã yêu - yêu bằng tất cả những gì mà cô có được. Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống. Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.
Rồi một ngày kia. Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.
Ðêm nào cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao...
Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.

VÔ TÂM


Ngậm ngùi

Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách. Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!


Ba Và Mẹ

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.

LêMai


KHI BA MẸ RUN TAY...

Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Ðể cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn.
Mẹ mắng: - Cứ đành hanh!
Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài...
Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
- Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ.
Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai!
QUẾ HƯONG


MẸ!

Con hai mươi tuổi. Mẹ hai mươi lăm năm xa quê. Ngày mẹ bỏ quê để lánh nạn, chiến tranh bom đạn cày xéo làng quê.
Chiều - khi hoàng hôn, mẹ thường đứng lặng, đau đáu nhìn về miền xa xăm.
“Tội, không biết mộ ông ngoại con giờ ra sao”. Mẹ nói: “Chừng nào mẹ để dành đủ tiền mẹ sẽ về quê xây mộ lại cho ông ngoại”. Mẹ để dành đủ tiền. Con vào đại học. Mẹ dốc hết tiền lo cho con...
Chiều.
Chiều... lại chiều!
PHÙNG HIẾU


Chiếc áo bà ba

Ba ! Con mặc bộ đồ nầy đẹp không Ba.....
Ba nhìn tôi Ba cười " Đẹp.... nhưng áo bà ba đẹp hơn ".
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trong tủ áo Mẹ chỉ có áo bà ba....
Hôm nay về thăm Mẹ .Tôi mặc chiếc áo bà ba mới may..
Ba nhìn tôi Ba cười rất tươi,....... Bức ảnh trên bàn thờ.....
Đặng Thị Vân


Bàn Tay

Hai đứa cùng trọ học, xa nhà thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em đưa tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em… mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa, đem về đưa em… chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai. Tự trách, bấy lâu nay mình quá vô tình.


LÁT NỮA VỀ

Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành:
- Nín đi con! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ:
- Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba, lát con về.
PHẠM THU HIỀN


Chung Riêng

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối.
Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi.
Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm, rồi cùng lớn lên…Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh… cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…


DẤU LẶNG

Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẳm đứa trẻ gầy nhom:
- Mẹ đây hở bà?
- Bà đấy. Mẹ đây nè! - Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
- Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
- Lớn mới làm mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
- Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm lại ăn trầu xay không ăn được kẹo.
- Làm mẹ vậy - Mẹ cười.
- Hông... Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày.
Im lặng. Rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi.
QUẾ HƯƠNG


MẸ TÔI

Ba mất. Mẹ tảo tần, lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học.
Xóm giềng dèm pha nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn! Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không có gì để lại, các con ráng học sau này mưu sinh.
Anh em tôi đã đứng được trong đời.
Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
Mẹ mỉm cười, hằn sâu những nếp nhăn.
CHÍ HƯƠNG


CHẬU MAI MỚI

Trên mười năm chăm sóc, cây mai mới đã nên dáng rồng bay, sai nụ. “Quà cuối năm này nên dành cho ai nhỉ… Giám đốc? Trưởng phòng?...” Trọn một ngày phân vân, Phong quyết định: “Thôi thì trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn sếp xa”...
Một tuần sau, giám đốc gọi Phong đến nhà riêng:
- Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại sân kiểng này. Số kiểng dạt ra kia tôi biếu cậu.
Bắt gặp chậu mai mới thân quen nằm trong đám kiểng bị loại, Phong vừa mừng vừa tủi.
BẢO HÂN


EM GÁI

Như không ít đứa sinh viên xa nhà khác, hắn bận bịu với học hành, làm thêm và... yêu. Mai - người yêu hắn, nhỏ nhắn dễ thương như một cô em gái. Thỉnh thoảng nhận lương, hắn thường mua tặng Mai, khi là cuốn sách, khi là món quà nhỏ...
Kỳ nghỉ, hắn về quê, mẹ đang ra đồng, hắn ngồi nói chuyện với đứa em đang hí hoáy bọc sách vở. Hắn ngỡ ngàng... cuốn vật lý lớp tám đã cũ nát của hắn ngày nào.
Trước tới giờ hắn không hề nghĩ tới một món quà cho em, dẫu chỉ là cuốn sách giáo khoa!
VÕ THU HƯONG


TẾ NHỊ

Bạn tôi mới lấy vợ, ở chung với ông bà. Mỗi lần hai vợ chồng trẻ có chuyện cơm không lành, canh không ngọt, ông bà thường nhắc phải đóng cửa bảo nhau, chớ nên để người khác phải nghe. Mỗi khi giữa ông và bà có chuyện, ông thường bảo: “Bà vào đây tôi nhờ chút...”.
Một lần ông bảo: “Bà vào đây...”. Hai vợ chồng hắn vội lảng lên trên lầu. Chợt nghe tiếng loang xoang. Hóa ra ông nhờ bà khiêng hộ chậu ly chén, cả ông bà đều yếu nên trượt tay, rõ khổ!


ÐÀN ÔNG

Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mới tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
- Viết thật hay hư cấu?
- Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!
NGỌC BÍCH HẠNH


Ba

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghĩ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.


Lời cuối

Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường, mắt nhìn đồng hồ: 12 giờ 20 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thoại. Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng, buông xuôi :
- Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa! Anh nói với Má vài tiếng đi!!
Tôi tuyệt vọng :
- Má đâu còn nghe được!?
Thằng em nài nỉ :
- Anh nói với Má vài tiếng đi, Má còn chờ anh đó!!
Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội :
- Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa.
Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại reo vang, giọng thằng em não ruột: "Má đã ra đi!"


Ngày cưới của cha

Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quàn quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...


Nghỉ lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…”


Thư

Hồi mới cưới nhau, chị thường hay viết thư cho anh, tình cảm nồng nàn, có cả những lá thư không gửi. Thư nào anh cũng đọc thuộc lòng. Hạnh phúc ngập tràn.
Giờ đây, anh mải mê tối ngày với công việc, ít có thời gian tâm sực cùng chị. Còn chị, vẫn giữ thói quen viết thư cho anh mỗi lần anh đi công tác - những lá thư không gửi. Lần nào cũng vậy, thấy lá thư đặt trên bàn làm việc anh lại cằn nhằn: "Em viết để làm gì, thời gian đâu mà đọc". Chị lặng lẽ thở dài và lần sau lại viết - những lá thư không gửi.


Trang viết & Cuộc đời

Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn… bị chết trước vợ.
Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại."
Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.


Tuổi thơ

Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.
Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để "tụ" trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp...
Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà... Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.



Vị phở

Xưa, nhà nghèo. Anh học giỏi nhưng không thi đại học. Anh bảo" Học trung cấp ít tốn kém, nhanh có việc làm để nuôi em"
Nhớ... Ngày em đi, anh đạp xe chở em ra chợ huyện, vào quán phở bình dân. Hai người, anh chỉ gọi 1 bát. Anh nói nhường em, anh no rồi. Em hồn nhiên tin lời anh. Đứa trẻ nghèo lần đầu tiên nếm vị phở, sao mà thơm ngon đến thế...
Giờ em thành đạt, đi khắp thế giới, ăn không biết bao nhiêu món ngon vật lạ nhưng vẫn không món nào ngon bằng bát phở bình dân anh cho ngày nào...


Thầy và trò

Về hưu, tôi mở lớp dạy kèm tại nhà. Cô bé học lớp 9, chăm ngoan nhưng hơi chậm hiểu. Thôi thì lấy cần cù bù thông minh. Tôi kiên trì giảng đi giảng lại. Mỗi khi gương mặt cô bé bừng sáng vì đã hiểu, tôi thấy mọi mệt nhọc tan biến.
Mấy hôm nay, cô bé có vẻ lo ra không tập trung. Nhìn lên tờ lịch, tôi lờ mờ đọc được lý do. Cuối giờ, tôi chủ động bảo:
- Con đừng nhắc mẹ tiền học, khi nào đóng cũng được. Có điều con đừng vì chưa đóng tiền mà nghỉ học.
Cô bé thở ra như trút được gánh nặng. Ôi! Học trò của tôi...
Vô tâm


Người Đàn Bà Với Cái Quạt Mo

Nó hay đi vòng vòng trên đảo, không hiểu đi như vậy để làm gì, kiếm gì, nhưng có lẽ là như kiếm ai quen..Một hôm Nó bỗng đứng khựng lại , trước mặt Nó là một người đàn bà tướng tá giống hệt như là mẹ Nó, tay bà phất phơ Cái Quạt Mo, bà đong đưa trên võng..Nó đứng há hốc mồm, đứng chết trân, không biết đứng như vậy bao lâu, Nó tưởng là mẹ Nó đã đến đảo tỵ nạn với Nó ,sao Mẹ Nó lại treo võng ở đây mà không đi kiếm Nó? như Nó hay lang thang mỗi trưa kiếm mẹ, kiếm chút tình yêu thương, mà con gái một thân một mình như Nó lúc nào cũng buồn tủi. Sau giây phút chợt tỉnh, Nó biết rằng Bà nọ không bao giờ là Mẹ nó, vì mẹ Nó đang ở bên Bến Tre, đảo tỵ nạn như xoay mồng trong đầu Nó, Nó ù chạy về dãy nhà tỵ nạn kiếm chỗ khóc vì Nó không có ai để tâm sự...Nó nhớ mẹ Nó da diết...
Võ thị Trúc Giang


Nuôi mẹ

Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi.Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.
Mẹ như vàng.
Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...
Mẹ thành bạc.
Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : "Xem thế nào đưa mẹ về quê..."
Mẹ thành rác vứt bờ tre.
Nguyễn Thị Thao


GIA ĐÌNH

Mấy năm trước, cháu được một tuổi rưỡi, nói bập bẹ, mới biết đi. Bà vỗ tay mừng cháu. Mẹ cười hạnh phúc. Hai năm sau, cháu đã vào lớp một. Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt gường, không nói được. Nụ cười hiếm thấy trên khuôn mặt mẹ. Sau nhiều tháng điều trị, bà bỗng nói được, rồi bà chống gậy tập đi. Bà đi được, cháu vỗ tay mừng bà. Mắt đẫm lệ, mẹ cười.
Đào Thị Diễm Tuyết


Mồ côi
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm : Giá như mẹ đừng "đi xa", thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh. Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói : Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh. Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ : Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...
Nguyễn Văn Hùng


Đợi chờ

Từ ngày quen nàng, lần hẹn nào anh cũng phải chịu cảnh đợi chờ, nhanh thì 15 phút, chậm có khi cả tiếng, nói mãi nàng vẫn thế, anh chỉ còn biết thả hồn thơ mộng cùng những áng mây trôi.. Ra trường, nhịp độ sống nhanh dần, anh nói với nàng là anh không thể kiên nhẫn chờ đợi nàng như trước được nữa. Nàng sững người rồi nói trong nước mắt, nàng đã chờ anh năm năm đại học rồi thêm 3 năm để anh tạo dựng sự nghiệp, nhưng chưa bao giờ nàng dám 1 lần hối thúc anh..!


Cha tôi
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...".
Nguyễn Minh Hiếu


Bão
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
Nga Miên


Câu Hỏi
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
Nguyễn Hoài Thanh


Mẹ tôi
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ. Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
Nguyễn Thánh Ngã


Mẹ và con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười. Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.


Lương tâm

Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?
Trần Đình Ba


Ngậm ngùi

Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách.
Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!


CON MUỐN NHƯ THẰNG TÈO

Cu Tí, ngoài giờ học bán trú ở trường. Buổi tối và chủ nhật còn phải thêm môn đàn, học vẽ, học tiếng Anh.
Thằng Tèo nhà bên cạnh bố mất sớm, mẹ nó phải nuôi ba đứa em nên Tèo phải nghĩ học. Hàng ngày mỗi khi nghe thấy tiếng đàn của Tí, Tèo rón rén nép mình bên hàng rào dòm vô.
Nhìn ra thấy Tèo đứng đó, Tí mếu máo:
- Ba ơi, con muốn được như thằng Tèo!


LÒNG MẸ

Mẹ già bị con trai hành hạ dã man nhiều lần, nhưng bà cụ sợ tiếng đời dị nghị đành im lặng chịu đựng. Sự im lặng của mẹ không ngờ dẫn tới nhiều trận đòn thập tử nhất sinh khiến mẹ phải vào viện. Luật pháp không thể quay lưng với người con trái đạo nên sự việc được đưa ra xét xử với mức án 6 năm tù. Người mẹ nghe tòa tuyên án thì sụp xuống van lạy: Già này xin các ông hãy tha cho con trai tôi, nó làm điều sai trái mà không hiểu việc mình làm. Mọi người có mặt trong phiên xử thở dài: Mẹ chết không phải vì cái ác mà vì cái ngu của con người.
Nguyễn Tam Phù Sa


CÂY CAU GIÀ

Cây cau trong vườn bằng tuổi mẹ tôi, khẳng khiu đến tội. Những dây trầu quấn quanh thân giữ lại, nếu không, chắc nó ngã lâu rồi.
Nội kể, hồi đó cau rẻ, bỏ thì uổng, nên nội ăn trầu sớm lắm, rồi nghiện vị ngọt chát của quả cau nhà. Khách xem vườn để mua. Nội chỉ tiếc cây cau.
Mẹ bảo "Ngoài chợ thiếu gì".
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, có lần thiếu vở học, nội bán mấy buồng cau và nhịn gần hai tháng. Còn lần này, chắc nội bỏ ăn trầu luôn.
Tiên Minh


Chuyện lớn

Mối tình đầu nào cũng đẹp và quyến luyến như thường tả trong tiểu thuyết. Lần chia tay đầu tiên trong đời, nó bặm môi ngước nhìn con dốc rồi cất bước.
Lần chia tay này, ông nén tiếng thở dài, nói như nín thở.
"Ừ, thôi em về!".
Con dốc đổ, ngoằn ngoèo. Thành phố vàng rực dưới kia. Ánh đèn sau của xe nàng đỏ quạch, lúc ẩn, lúc hiện quanh những khúc cua, rồi biến mất hẳn trong bóng tối dày quanh.
Ông nhìn xuống con dốc, cúi đầu nhẩm đếm những tháng ngày còn lại.


Phấn Son

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping.
Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.


Ngạc nhiên

Chị vật vã:
- Anh xài tiền phí quá, mấy tháng nay không có dư để trả thêm vào tiền nhà. Anh lại làm thêm nhiều giờ phụ trội, như vậy tiền đi đâu? Hay là anh dấu em làm việc gì, đi nuôi con nào?
- Không phải em kiểm soát tất cả tiền bạc trong nhà sao?
- Nhưng em rất thắc mắc!
Thắc mắc đã được trả lời, vào ngày sinh nhật, anh đã surprise chị bằng đôi bông tai thật đẹp mà chị hằng ao ước.
Trịnh Tây Ninh


Mẹ và con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.


Ba…

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
- "Có dư đồng nào không con?".
Tôi đáp:
- "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
Ba nói tiếp:
- "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.


CHUYỆN CÁI VÉ

Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá:
"Người lớn: $10.00
Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00
Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí"
Đọc xong, ông nói với người bán vé:
- Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi.
- Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại.
- Vâng.
- Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi.
- Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.


Lòng mẹ

Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, đĩa, quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm tháng sau sẽ lên nữa.
Võ Thanh An


Cãi nhau

Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
Đặng Minh Hải


Bà vú

Con bé đeo bà lắm. Sáng nào bà cũng bỏ nó vô xe, đẩy đi dạo ngoài sân hay chung quanh nhà để Ba Mẹ sửa soạn đi làm. Bà tắm cho nó, chải đầu rẽ cả đường ngôi và hò cho nó nghe mỗi một buổi trưa nữa. Mẹ nó bảo "Bà ở với con một năm thôi nha, hết hạn visa thì Bà đi". Nó gục gặc đầu như hiểu biết, chấp nhận.
Ngày bà ra đi, bà ôm nó khóc ròng. Nó thì cười hăng hắc khi bà dụi đầu vào bụng nó. Vài bữa sau, nó có bà mới. Không có tiếng hò, đi chơi cũng ít. Sau vài tuần, Mẹ im lặng buồn rầu, nó cũng vẫn gục gặc đầu như hiểu biết, chấp nhận.


Những sợi tóc bạc

Họ yêu nhau muộn màng , mỗi khi ở bên nhau, chị thường luồn những ngón tau thon nhỏ vào mái tóc anh và thở dài : Độ rày tóc anh bạc nhiều lắm ! Anh cười : Mỗi sợi tóc bạc thêm là dấu tích của một ngày nhớ em. Rồi hoànc cảnh buộc họ phải chia lìa , chị tìm thấy một hạnh phúc khác. Hôm qua, tình cờ gặp lại nhau, tôi sững sờ nhìn mái đầu anh : chỉ còn lại vài sợi tóc đen như những con đò đồng trôi bồng bềnh trên dòng nước bạc
Lê Nguyễn


Bước hụt

Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày một mới hơn, đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.
Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền…
Đi nhanh ra khỏi phòng và bước xuống, chị chợt nghĩ, sao bậc cầu thang nhà mình dạo này cao thế không biết…


Xe đạp

Ngày yêu nhau anh thường chở chị đi chơi, đi làm bằng xe đạp. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị nép vào lưng anh, thầm thì: Mệt không anh?
Anh gò lưng đạp xe nhưng vẫn ngoái lại nhìn chị, vừa thở vừa ráng mỉm cười: có gì đâu em.
Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy cũng câu hỏi âu yếm “anh mệt không?”, không ngóai đầu lại, anh lầm bầm “Người chứ có phải trâu đâu mà không mệt!”.
Ngồi sau bất giác chị co rúm người, chỉ mong biến thành chiếc lá, bay đi.
Nguyễn Thị Hậu


Ước mơ
Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với "cậu chủ" cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt. Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi:
- Sao con không đổi làm chủ ấy ?
Đứa trẻ bảo:
- Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người. Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa.
Tăng Khắc Hiển


Sa di nhớ con hổ

Trên Ngũ đài sơn có một vị hoà thượng già nhận một cậu bé lên ba làm sa di. Ngũ đài sơn rất cao, hai thầy trò tu hành trên đỉnh núi không bao giờ xuống núi. Mười mấy năm sau, hoà thượng dẫn sa di, lúc này đã là một thanh niên xuống núi chơi. Do một thời gian dài ở nơi không có dân cư nên chàng sa di hầu như không biết cái gì. Vừa đi, hoà thượng già vừa giảng giải cho cậu những con vật gặp trên đường:" Đây là con bò, dùng để cày ruộng. Đây là con ngựa, dùng để cưỡi hay kéo xe. Đây là con gà trống để báo trời sáng. Đây là con chó để canh giữ nhà...". Chàng sa di thấy con nào cũng kì lạ.
Một lúc sau có một thiếu nữ đi tới, sa di ngạc nhiên hỏi:" Đây là con gì?". Hoà thượng già sợ cậu ta động lòng trần nên nghiêm sắc mặt nói:" Đó là con hổ, nếu đến gần, nó sẽ cắn chết ăn thịt ngay lập tức". Sa di không hỏi gì nữa.
Buổi tối sau khi trở về núi, hoà thượng già hỏi:" Những con vật mà con gặp hôm nay, con thấy nhớ con gì nhất?".
Sa di trả lời:" Con không nhớ các con khác, chỉ thấy nhớ con hổ ăn thịt người thôi!".


MỘT BUỔI SÁNG

Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống. Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.
Thanh Hải


Lời hứa

Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ. Ngày lại ngày. cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan…không hư một lần nào…”


Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.


Ước mơ

Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...


Cái chết của con chim vành khuyên

Giữa lúc họ đang yêu nhau mặn nồng thì một tai nạn xe cộ đã cướp mất của chị đôi chân. Từ ấy , cứ đều đặn ba ngày một lần, anh đến đẩy chiếc xe lăn ra vườn, thăm hỏi và kể cho chị nghe đủ mọi thứ chuyện trên đời. Mỗi lần như thế , con chim vành khuyên trong chiếc lồng son dưới hiên nhà cũng cất lên những tiếng líu lo như để chia sẻ niềm hạnh phúc của chị .
Rồi một hôm, chị chờ mãi chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Ba ngày...một tuần lễ...rồi nữa tháng trôi qua. Sáng nay , trong căn phòng lạnh lẽo, chị thèm nghe một tiếng chim khuyên. Lần mò ra vườn, chị bỗng lặng người : ngoài hiên, trong chiếc lồng son, con chim đã gục chết tự bao giờ
Lê Nguyễn


Trong hiệu sách

Tôi đã thủ thế sẳn sàng , mắt không rời nó một giây. Thằng bé mặc bộ quần áo nhàu nát đang đứng cạnh quầy văn phòng phẩm, dán cặp mắt hau háu vào những quyển sổ dày cộm. Một tay thọc sâu vào túi quần, nó lộ rõ vẻ căng thẳng trên gương mặt. Chỉ cần nó nhón lấy quyển sổ và bước ra hướng cửa và tôi sẽ chộp lấy ngay. Một phút trôi qua. Bỗng nhiên nó lẩm bẩm gì đó rồi lắc đầu, lùi lại hai bước, xoay người đến cạnh chiếc thùng đựng tiền giúp đỡ trẻ em nghèo khó bất hạnh, nhét vội tờ giấy 1000 đồng vào khe thùng rồi đi nhanh ra cửa. Tôi nhìn theo dáng gày gò của nó và nghe như có hạt bụi vừa rơi nhanh vào mắt mình .
Lê Nguyễn


Những chiếc bao lì xì

Ba mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và bỏ đầy con heo đất. Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: “Mày được bao nhiêu?” Nó đáp: “Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 caí”


Chồng xa

Tin vào chủ trương của lãnh đạo , cha Hạnh bỏ lúa đổi sang nuôi tôm xuất khẩu. Vay của ngân hàng nhà nước 3 tỷ bạc. Tôm chết trắng ruộng, lỗ nặng. Đến hạn trả nợ, không trả được bị ngân hàng hăm tịch thu nhà. Vịnh, em trai đang học lớp 10 muốn bỏ học đi làm thuê. Hạnh khuyên em cứ tiếp tục học lên đại học, mong sau nầy đổi đời. Nợ nần của gia đình để chị lo. Nuốt nước mắt vào lòng, Hạnh lên Sài Gòn tìm mối lấy chồng Đại Hàn. Được ba tháng chị gọi phôn về thăm Vịnh, dặn dò em cố gắng học và chăm sóc cho cha. Tiếng chị nghèn nghẹn như đang khóc. Thương chị,Vịnh nghẹn ngào hứa vâng theo lời chị dặn dò. Hai tuần sau, tòa lãnh sự Đại Hàn mời gia đình đến nhận bình đựng tro cốt của Hạnh. Họ giải thích tại chị nhảy lầu tự tử… Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Long Xuyên, xe chạy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn tận chân trời, Vịnh thút thít khóc gọi chị Hai ơi…


Chiếc áo vét cũ

Hồi còn sống, Ngoại chí thú dành dụm tiền nuôi heo lấy lời mua trầu cau hàng bữa. Vậy mà nghe tin tôi cưới vợ, Ngoại bán non con heo duy nhất, dúi hét tiền cho tôi sắm bộ complet. Chiều nay, tôi và con gái giở rương, xốc lại đóng quần áo cũ, xịt thuốc Bayon diệt gián, tôi lặng người nhìn chiếc áo vét năm xưa. Con bé đang mãi mê xịt gián, thoáng nhìn thấy tôi, vội buông chai thuốc, ôm chầm lấy bố : "Xin Lỗi, con xịt thuốc làm ba cay mắt lắm phải không?"
Lê Nguyễn


Cha tôi

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói. Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”.
Nguyễn Minh Hiếu


Nồi cá bống kho tiêu

Ba mươi tuổi đầu, lận đận chiến chinh, chưa kịp lấy vợ thì trời sập. Đi tù. Mẹ thăm nuôi 6 tháng một lần. Quà chỉ có nồi cá bống kho tiêu và nước mắt thương con. Được 3 năm thấy mẹ già đi, tóc bạc phơ. Thương mẹ, hắn bảo mẹ đừng lên thăm nữa. Nhưng đến kỳ thăm lại đi ra đi vào, trông ngóng mẹ. Suốt hai năm không thấy mẹ lên thăm. Được tha, về nhà mới hay khi mẹ về gặp mưa bị cảm nặng trong lần thăm nuôi sau cùng và đã qua đời hai năm rồi. Giỗ mẹ, hắn đi chợ mua cá bống về kho tiêu. Giỗ xong bưng chén cơm và đĩa cá bống kho tiêu cúng mẹ xuống ăn, hình như có vị mặn của nước mắt.


Trả hiếu

Thằng Út đói bụng, tìm Lan. Chị ơi nấu cho em gói mì. Từ sáng đến giờ hai chị em chưa ăn gì cả. Nhà hết mì gói ăn liền lại hết cả gạo. Lan dỗ dành , ba đi thồ về thế nào cũng mua bánh mì cho em. Trời tối dần vẫn không thấy ba về, Lan dẫn em ra đầu hẽm nơi anh Tư sửa xe gắn máy, ngồi đợi. Tư và Lan thương nhau đã hơn hai năm. Tư đang cố dành dụm ít tiền để sang năm làm đám cưới. Trời tối hơn, chú Bảy xe thồ chạy về báo tin ba bị xe đụng gãy chân rồi. Bệnh viện đòi 5 triệu mới chịu bó bột. Lan về nhà thay áo, chạy vội ra nhà dì Năm đầu phố. Dì ơi con bằng lòng. Đêm bán trinh cho ông Đài Loan, Lan khóc lặng lẽ. Anh Tư ơi, cho em xin lỗi…


MẤT XE

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.
Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.
Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.
Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.
Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.


Hạt cát

Hạt cát được gió nâng lên và đưa đi khắp nơi. Từ trên cao, nó ngạo nghễ nhìn vạn vật. Tia nắng xuyên qua nó và phản chiếu rạng rỡ. “Nhờ mình nắng mới lung linh thế”, cát nghĩ. Ðêm về, gió ngủ, hạt cát rơi xuống một công trường. Ê ẩm, xây xát khi bị nhồi trộn cùng vôi, vữa, sỏi, đá..., nó thiếp đi. Sáng ra, nó thấy mình đang kết chặt với muôn triệu bạn bè, những hạt cát khác - trên một thân cầu. Chợt hiểu rõ mình, hạt cát vươn vai, mỉm cười đón nắng, gió vừa lên.
Trần Thanh Hải


Em gái tôi

Tôi vào đại học. Em gái tôi bỏ học, tảo tần nương rẫy nuôi tôi, bỏ quên mộng mơ thời con gái. Em đi làm hãng chuối. Lương tháng 120.000 đồng. Tôi về thăm, em cho 60.000 đồng. Một nửa. Thầm nhủ sẽ đền đáp thiệt thòi cho em. Em lấy chồng, sinh con, nghèo. Tôi lận đận, chải bươn. Chưa kịp đỡ đần cho em, em đổ bệnh: u não. Bác sĩ lắc đầu, em tôi nằm chờ chết. Muốn đổi lại “một nửa” đời mình cho em. Nhưng không được. Thương quá!
Nguyễn Trường Hải


Chiếc bánh kem

- Ăn thêm cái nữa đi con!
- Ngán quá, con không ăn đâu!
- Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!
- Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
Hai đứa trể đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai:
- Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.
Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.
- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh - Con bé nói rồi thút thít.
- Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!



Nỗi niềm

Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi soạn tủ:
- Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ổng nói: "Thà cho họ một số tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc."
Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa...
Chiều nay, má đẩy sang tôi mớ quần áo cũ. Tôi chọn một bộ cho chị bán cơm ở vỉa hè, để rồi sau đó bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấy chị ấy tất tả ngược xuôi trên hè phố trong thấp thoáng bóng dáng của má tôi.
Kim Thúy


Chị tôi

Ba không chấp nhận cuộc hôn nhân này vì không môn đăng hộ đối. Ngày cưới của chị không thấy mặt ba. Ba cấm chị về nhà.
... Chị sinh Cu Tí, nó bụ bẫm, dễ thương, tấm ảnh của nó ba không muốn nhìn. Chị lén về lúc không có ba, chị sờ cái tủ, cái bàn, cầm cái chổi quét nhà, tắm cho mấy con lợn...
Ba về, chị hốt hoảng, chạy ra sau nhà băng sang nhà hàng xóm. Cu Tí ngây thơ nói: “Chạy trốn, chạy trốn”.


Lòng mẹ

Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói: - Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!
Hải Âu


Con gái

Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa:
- Con gái là con người ta.
Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái…
Lữ Gia


Tính Cách

Mẹ tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên "ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:
- Coi chừng trôi ti vi....
- Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.
- Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao - Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!
- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi....
Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.
Lâu sau, ti vi phát vở kịch "Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Nguyễn Thị Hoài Thanh


Mùa thi

Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
Võ Thành An


Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: "Cua rang muối thật đó mẹ." Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: "Còn răng đâu mà ăn?!"


Khóc

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."


Con Nuôi

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình.
Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi.
Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi:
- Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời:
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.


Chim hót... nghe buồn

Nhà bên cạnh nuôi con khướu hay hót.
Buổi sáng, tiếng hót lảnh lót của nó đánh thức cả xóm dậy.
Thằng cu con ngó sang dịch:
- Ngộ Không! Ngộ Không!
Má nó nhìn con chim xơ xác, cô đơn trong lồng, thở dài:
- Khổ chưa! Khổ chưa!
Bà Tư bán xôi trước cũng lại nghe:
- Chi khổ! Chi khổ... Không đầu tắt mặt tối mà có ăn như mày tao cũng hót!
Con chim vẫn ra rả hót. Nó muốn nói gì trong chuỗi âm thanh trong ngần khắc khoải kia? Có điều... cứ nghe nó hót tôi buồn!
QUẾ HƯƠNG


Quà sinh nhật

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...


Vòng cẩm thạch

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.


Lát nữa về
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào. Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành: - Nín đi con! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ: - Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba, lát con về.
Phạm Thu Hiền


Anh ...
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”
Anh ơi… ôi, người anh của Út…!


Lăn theo gót hài
Đầu xanh yêu nhau. Đôi hài nhung kiêu-sa đi vào đời chàng với bao nhiêu giấc mơ đẹp tuyệt-vời. Lãng-tử ôm đàn nghêu ngao hát ...Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.... Đúng như lời chàng hát. Một ngày kia gót hài đành vội. Viên đá cuội lăn long lóc... rồi ngập ngừng... dừng lại bên miệng huyệt. Mùa đông đã qua. Cỏ lại xanh mượt mà. Viên đá cuội đã tìm được gót hài mới. Trong huyệt lạnh, đôi hài cũ cũng bắt đầu khô.
Linh-Chi



Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
Thanh Hải


Giỗ ông
Sớm mồ côi, từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên rẻo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú lấy lại căn chòi, khuyên:
- Mười bốn, lớn rồi, nên tự lập.
Anh em nó dắt díu nhau tha hương, lên thành phố sống ở dưới gầm cầu.
Trưa, phụ hồ về mệt, đói, giở nồi cơm, nhão như cháo, nó mắng:
- Đồ hư.
Con em mếu máo:
- Em nấu để giỗ ông.
Nó ngẩn người, chợt nhớ hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...
Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt:
- Ông ơi!
Lê Nguyên Vũ


Bài học đầu tiên
Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Tôi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ: “Mình sẽ không trượt ngã”. Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: “Con hãy đi với chính bước chân của mình. Ðừng đi trên dấu chân có sẵn”. Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu. Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.
Nguyễn thị Hoa Niên


Tô mì
Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. Có bửa Ba đến trường rước nó về , hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, Ba kêu một tô mì , đẩy về phía nó : con ăn đi , Ba no rồi.
Ăn xong , nó chợt nhìn thấy Ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì.
15 năm trôi qua , em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh lương tháng đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần mãi. Tôi hỏi:
- Mi định mua sắm gì đây?
- Em mua tô mì thật ngon cúng Ba !
Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe.
Lê Nguyễn


Ba tôi
Ong bà nội mất sớm, là anh cả, Ba dìu dắt đàn em....ăn học ...cưới gã.....
Rồi lại lo cho sáu đứa con....nên người....
Ba gầy lắm. Đời Ba là vậy đó....
Thế rồi , vào một buổi chiều , với ly đá chanh, BA gọi đứa cháu ." Lại đây uống đá chanh với ông nội ". .Phút chốc ,Ba đã ra đi .Trên tay đứa cháu nội vẫn còn ly đá chanh.
25 năm rồi...
Hôm nay ngày giỗ Ba .Mẹ già yếu lắm .Ly sữa trên tay ,hai hàng nước mắt chảy dài , run .....run....Mẹ nói " Làm cho Ba con ly đá chanh .." Ba ơi ! Mẹ kêu Ba uống đá chanh đó... Ba uống đi Ba.....!!....Còn đâu......
Đặng Thị Vân


Lòng mẹ
Giờ nghỉ trưa, tôi từ sở gọi điện-thoại về hỏi thăm má. Chuyện trò vu vơ, tôi hỏi má hôm nay trời có tuyết má đi ra ngoài làm chi, vì buổi sáng tôi đã gọi mà má không có ở nhà. Má nói “Má đi tiệm vải mua mấy thước nỉ về may bộ đồ ngủ cho con. Mai mốt sinh, ở nhà có mặc cho ấm” Chỉ có vậy thôi mà tôi rớt nước mắt. Con út tôi nay đã lớn, đã mặc được bộ đồ ngủ má may cho tôi. Bộ đồ vẫn còn mới. Còn ấm hơi má. Vậy mà má đã đi khuất năm năm.
Linh Chi



Mẹ và bé thơ thẩn dạo chơi, trời vào thu, lá vàng từng cánh như bướm lượn lờ bay .
Bé buông tay mẹ, tung tăng đạp trên lá để đuổi theo lá! Tiếng mẹ vói theo:
- Coi chừng té nghe con
Bé đưa ngón tay nhỏ xíu chỉ chỏ
- Lá té, lá té .....đẹp quá, đẹp quá phải không mẹ ?
Mẹ mỉm cười
- Ừ, ....con còn vấp té nhiều ....
Vô Chiêu


Bóng mát
Đi trên đường. Trời trưa nắng gắt . Rát cả mặt. Nóng cả chân. Nghe ủ ê cả người... Đến đoạn có hàng cây cao rợp mát, nghe nhẹ cả người. Bình an lan toả . Thì là do có bóng cây - mà cây là do mình trồng. Chợt nghĩ thế thì tại sao mình không tạo ra bóng mát cho cuộc đời mình.?
Hồng Điệp


Bằng trái cà mà
...... Cạch ! Bao thuốc caraven rơi gần chỗ Ri ngủ trưa. Mẹ tịch thu,lấy ra viên ngói đỏ và mẩu giấy ghi chữ nắn nót bằng bút chì :"Ri mến ,nhớ ra chơi sớm,kí tên: Chớp " Mẹ rầy :"Bằng trái cà,mà thư từ,bồ bịch..." bị phạt quỳ,Ri buồn bã ,lo âu..... Cha về,mặt đỏ gay vì nắng hay vì rượu ? Khi biết lí do bị phạt, không hỏi han chi,Ông rút dây lưng quất túi bụi.Cặp chân ghế bố lãnh dùm Ri bao nhiêu là roi, Ri sợ hãi, nước mắt đầm đìa.....Mới tám tuổi,học lớp ba trường nữ, Chớp hơn hai, học trường nam,nhà ở trongkhu gia binh sau quận. Chiều mát,cả đám con nít hay họp chơi bắn bi, cò cò, tạt lon,vít que...Có hôm chơi thi làm lồng đèn , tết lá mít đội lên đầu giả làm mọi da đỏ,tuốt bẹ lá chuối làm súng bắn nhau... Vậy mà giờ bị đòn vì lá thư đầu tiên...
Trước Trong


Ông ngoại
Ngày em tôi vu qui , Ba khóc thật nhiều ,Ba trách Mẹ gã con xa.... Hai năm sau , bồng cháu ngoại trên tay , Ông nói; lớn lên về ở với ông ngoại đi học, nhà mẹ con xa lắm.... Vậy mà cháu ngoại chưa dứt sữa mẹ , ông đã ra đi..... Tay cầm nén hương, đứa cháu ngoại khấn :Ông ngoại ơi ,hôm nay là ngày cháu vu qui ,nhà chồng cháu ở gần nhà Ông ngoại đó ... 25năm rồi...
Đặng Thị Vân


Tiếng ểnh ương
Nhà anh ở một phường ven đô, lại lọt vào vùng trũng. Sau một đám mưa , con đường trước nhà biến thành dòng sông nhỏ , đêm về tiếng ểnh ương kêu uềnh oang thật buồn. Chạnh nhớ những ngày bốn , năm tuổi , anh nằm ngủ bên nhà Bà Ngoại , nửa đêm , mưa tạnh , tiếng ểnh ương vang vọng bốn bề , quần anh ướt đẫm , hai bà cháu mò mẫm trong bóng tối tìm quần để thay. 50 năm qua đi , đêm nay âm hưởng tiếng uềnh oang y như ngày nào. Chỉ có Bà Ngoại là không còn nữa. Sáng ra , vợ anh sắp xếp chăn màn , bỗng la toáng lên : tối qua mưa dột ở đâu mà gối anh ẩm ỉ thế này?
Lê Nguyễn


Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy. Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
An Hạ


Euro
Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh.
Nhà có mỗi cái ti vi là đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hễ đến giờ trực tiếp, ba vừa lo canh thuốc vừa lắng nghe tiếng bình luận câu được câu mất ở ti vi nhà hàng xóm. Nhưng một năm sau, ba lại ra đi trước má. Euro lần này, tuy không hiểu thế nào là bóng đá nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở ti vi và ngồi khóc một mình.
Đặng Quang Vinh


Bước thời gian
Mấy năm trước đây , thứ ba tuần nào cũng thấy ba ông "thất thập" ngồi nhâm nhi ly Cappuccino nóng , hàn huyên tựa bắp rang . Và, hôm nay chỉ còn lại một mình ông T. ngồi đếm từng giọt thời gian đắng nghét từ từ nhiểu xuống đáy ly... Cô hầu bàn khe khẻ lắc đầu , ngao ngán.
Nguyễn Phú Huấn