TRUYỆN THẬT NGẮN



Xem Truyện Thật Ngắn 1 | Xem Truyện Thật Ngắn 3 | Xem Truyện Thật Ngắn 4


THỊT GÀ

Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe: - Nhà Tý ăn thịt gà.
Đêm đó, bà Tám chửi:
- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn:
- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.
Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.



LẼ THƯỜNG

Họ nói chuyện với nhau hàng giờ liền không chán như bao cặp tình nhân đang yêu khác. Gọi điện thoại hẹn chiều gặp cũng mất gần nửa tiếng đồng hồ. Có cảm giác như thời gian không bao giờ đủ cho họ.
Những tưởng hôn nhân sẽ là cơ hội họ có thể nói với nhau nhiều hơn... Nào hay, tiếng nói đối với họ giờ đây giống như một thứ của cải có giới hạn mà ngày xưa họ xài quá nhiều rồi...

TRẦN CHI


KHOẢNG CÁCH

Lúc còn đi bộ nó thường cho tiền người ăn xin ngồi lết bên lề đường. Rồi nó có xe đạp, việc dừng lại để cho tiền dường như là chuyện kỳ kỳ. Nó vờ bận rộn, đạp xe nhanh hơn khi đi ngang qua ông nhưng lòng áy náy.
Bây giờ chạy xe Dream, mắt phải tập trung nhìn về phía trước hơn, nó không còn nhìn ông nữa, cảm giác bị cắn rứt cũng không còn. Thỉnh thoảng thấy ông, nó nhủ: Thôi, để người đi bộ cho . . .


DẠY

Cô chủ nhiệm báo: “Thằng bé lại trốn học”.
Tôi choáng váng: “Mình cho con mọi thứ. Vậy mà...”. Tôi muốn chạy về “dần” cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen.
Ông ta làm thợ nề, có con trai là học sinh giỏi cấp quốc gia. Ông bố đang tắm cho con, ông cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa.
Tôi kể hết về con mình rồi xin một lời góp ý.
Ông lơ đãng hỏi: “Này, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?”
Tôi im lặng, lủi thủi ra về...

NGUYỄN CHÍNH


NGƯỜI CHA

Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi.
Cũng như những lần rời bến trước, chị ở lại cùng con. Cầm tay anh mà không đưa tiễn.
Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi...
Đã đủ cả: Lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...
Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại nhà. Chị hỏi. Anh cười với chị và con.
- “Anh quên thuốc?”. Nhưng anh mở tủ, lấy bút.
Hôn vợ và con. Anh vội vã rời nhà.
Bão số 5. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con, anh đã nhớ ký...

Đ. DŨNG


NỢ TÌNH

Ngoài hai bữa cơm ngày, vợ chồng anh chưa sao lo nổi một căn nhà đúng nghĩa. Đám bạn cứ đứng ra vận động, đứa góp công, thằng góp của, dựng cho anh một “mái ấm tình thương”.
Tạm an cư. Anh nỗ lực làm đáp nghĩa. Có dư luận cho là anh “hết xôi rồi việc”...
Anh đột ngột qua đời. Trước lúc di quan, bạn bè đủ mặt, ai nấy đều bùi ngùi khi nghe những dòng di bút.
Cảm tạ bạn bè anh, chị khóc:
- Nợ tiền đã trả. Nhưng nợ tình vĩnh viễn ảnh mang theo !

PHẠM VINH CA


Biển Hồ Lai Láng

Đầy tuổi, con tập đi. Bước đầu vụng về, con té lăn. Mẹ nâng con dậy, xuýt xoa vì chân con trầy xước nhưng lòng mẹ vui rộn ràng vì chim con đang tập vỗ cánh. Con biết đi, bước vào đời, đường đời chông gai vạn lối. Con ngã, mẹ xót xa, vết thương trong tâm-hồn hằn sâu. Mẹ khóc, nước mắt cả đời đổ xuống vẫn không làm dịu bớt nỗi đau. Bây giờ Mẹ mất, Biển Hồ đã cạn. Con khóc hết đời mình, mãi mãi sẽ không còn thấy Mẹ.

Linh-Chi


BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Tôi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ:
“Mình sẽ không trượt ngã”.
Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến:
“Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn”.
Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.

NGUYỄN THỊ HOA HIÊN


Chào

Bố mẹ đi làm về. Bé gái miệng rất tươi:
"Con chào bố mẹ ạ. Bố mẹ chào ông đi chứ?"
Bố mẹ của bé lẳng lặng đi lên lầu.
Chỉ còn lại ông và cháu, ông nói:
Cháu ạ, bố mẹ cháu quên mất điều ấy từ lâu rồi!


Đàn Ông

Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mới tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
- Viết thật hay hư cấu?
- Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!


Chuyện cổ tích

Thế là hết mùa hè, mùa hè của An suốt ngày ở trong nhà với cái tivi,cái máy tính, và... uống sữa.
Chiều nay, mẹ chở hai chị em An đi chơi lòng vòng, mẹ giảng giải cho nó thế nào là màu hoa phượng và mùa hè. An nghe mẹ kể những điều sao thấy lạ quá: mùa hè của mẹ có hoa phượng, có trò chơi rải gianh, có tắm sông, hái hoa, bắt bướm mùa hè của ba còn lạ hơn: suốt ngày chạy nhảy trong rừng hái sim, bắt chim, đào dế, thả diều, đạp xe đạp...
An ngơ ngác nghe mẹ kể chuyện mùa hè của mẹ và ba như nghe kể một câu chuyện cổ tích nào đó.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN


Triết lý

Một nhà triết học gặp một thanh niên đang khóc vì thất tình.
Nhà triết học cười lớn. Chàng thanh niên giận dữ chất vấn thì nhà triết học lắc đầu nói:
"Không phải tôi cười anh, mà chính là anh đang tự diễu mình". "Anh đau thương như vậy, chứng tỏ trong lòng anh còn tình yêu, mà đối phương không còn. Rõ ràng là tình yêu ở phía anh, anh không mất tình yêu, mà chỉ mất một người không yêu anh thôi, như vậy việc gì phải đau lòng? Tôi thấy anh nên về nhà ngủ một giấc là hơn. Người đáng khóc chính là cô gái, cô ta không chỉ mất anh mà còn mất cả tình yêu nữa…


EM GÁI

Như không ít đứa sinh viên xa nhà khác, hắn bận bịu với học hành, làm thêm và... yêu. Mai - người yêu hắn, nhỏ nhắn dễ thương như một cô em gái. Thỉnh thoảng nhận lương, hắn thường mua tặng Mai, khi là cuốn sách, khi là món quà nhỏ...
Kỳ nghỉ, hắn về quê, mẹ đang ra đồng, hắn ngồi nói chuyện với đứa em đang hí hoáy bọc sách vở.
Hắn ngỡ ngàng... cuốn vật lý lớp tám đã cũ nát của hắn ngày nào.
Trước tới giờ hắn không hề nghĩ tới một món quà cho em, dẫu chỉ là cuốn sách giáo khoa!
VÕ THU HƯONG


Tội nghiệp

Một bầy chim én vừa tung cánh vào trời xanh vừa tự hào chíu chít:
- Phía dưới bao người đang ngóng đợi chúng ta, những sứ giả của mùa xuân mang niềm vui đến muôn nhà.
Bất giác chúng trông thấy vài con chim vật vã bay loạng choạng như sắp đứt hơi bèn lấy làm kinh ngạc:
- Này, mùa xuân ấm áp đẹp tươi sao các bạn lại tả tơi đến thế?
Một chú chim xơ xác thều thào:
- Chúng tớ là chim phóng sinh. Sáng giờ được phóng năm lần rồi.


NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT

Thằng cháu đích tôn, học lớp 4 hỏi bà nội:
- Hôm nay là ngày bao nhiêu tháng Chạp bà nhỉ? Bà nói:
- 16 tháng Chạp rồi. Còn hơn chục ngày nữa là Tết cháu ạ.
Thằng cháu cất cao giọng gọi bà:
- Bà ơi! Mọi năm khoảng tầm này, cháu thấy người đến tết ông nội rất nhiều. Có hôm người này vừa ra, người khác vào luôn. Đông nhất là vào các buổi tối, trưa và ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Sao năm nay người đến tết nhà mình lại thưa thoáng thế ạ?
Bà nhìn cháu vẻ buồn buồn nói:
- Ăn Tết xong, ông nội quyết định nghỉ hưu rồi…


VÔ TÌNH

Trời cuối đông lạnh giá. Tôi ghé bưu điện viết thư về thăm nhà.
" Chú ơi, mua vé số..".Tôi ngước nhìn: một gái , một trai- hai nhếch nhác. Tôi lắc đầu, lại cắm cúi viết....
Hồi lâu, ngẩng đầu lên,tôi thấy thằng bé đang chăm chú nhìn thư . Tôi giận dữ:
"Oắt con, dám đọc trộm thư hả?
Bé gái chạy lại: "Chú ơi, đừng đánh em cháu, nó không biết chữ"
Tôi bần thần nhìn theo. Ngoài phố, trời vẫn còn lạnh lắm. Mưa bụi phủ đầy vai hai đứa trẻ....


CÁI BÓNG

Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm. Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra ngẩn vào ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khoảng trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà.

HẢI ÂU



Cuốn

Nước lũ đã dâng sát nóc nhà nơi chị nhấp nhổm chờ chồng quay lại
Trước đó không lâu, anh đánh liều đưa các con đi trước.Nhìn chiếc xuồng chở ba cha con chòng chành giữa dòng nước xiết, lòng chị như lửa đốt. Rồi nước rút, họ cũng trở về.
Một hôm thấy trẻ hàng xóm đùa nghịch ầm ĩ trước sân, chị lên tiếng nhắc nhở:
-Mấy con đừng ồn để anh chị học bài.
Lũ trẻ kinh hoảng:
-Nhà có ai đâu cô?
-Thằng Hai với con Ut đang ngồi học bài kia mà!
- Chị chỉ tay vào khoảng không, giọng chắc nịch.
Lũ trẻ xanh xám mặt mày, co giò ù té chạy

Trần hoàng Trúc


Gió

Nhớ ngày xưa, bố đi làm xa, khung cửa vỡ không có người gắn lại. Mùa đông về, con và mẹ nằm co ro trong góc. Thỉnh thoảng trong mơ con lạnh, giật mình. Bố viết thư về: "Bao giờ kiếm đủ tiền nuôi Cún, bố sẽ về sửa khung cửa cho Cún nhé!" Con lại rúc vào lòng mẹ, nghe gió luồn qua cả những giấc mơ...
Bây giờ, nhà mình bốn tầng, cửa làm bằng gỗ lim sáng bóng, những tấm kính sáng loáng lạnh lùng. Trong nhà có đủ cả điều hòa và máy sưởi - con chẳng bao giờ sợ lạnh! Nhưng đêm đến, vẫn chỉ có con và mẹ - nghe gió luồn lạnh buốt trong tim...
"Bố ơi, bao giờ mới kiếm đủ tiền để bố về sửa khung cửa cho con?"


BA NUÔI

Ba tôi có tật, hễ được ai lớn tuổi giúp đỡ, ba tôi đều nhận làm ba nuôi. Má tôi cằn nhằn:
“Ai ông cũng gọi là ba, kỳ quá!”.
Ba cười xòa:
“Ngày anh sinh ra, ba đã mất, nên thèm gọi tiếng ba lắm?”.
Má ngậm ngùi buồn hiu.
Thế mà nhiều khi ba rầy, tôi giận, suốt tuần không thèm gọi một tiếng “ba”.

LÊ NGỌC DƯƠNG CẦM


RÁC

Sửa nhà bếp. Dư xà bần. Mẹ “liên hệ” gia đình người hốt rác. Cậu bé con nhỏ choắt, khoảng bảy tuổi, được “cử” đến... Đôi tay bé xíu, đen nhẻm cào trên đống lởm chởm cát đá “vĩ đại”… Xót xa! Chiều, gió mát, lũ trẻ kháu khỉnh, tròn lụi, ăn no, chạy giỡn với nhau... . Chắc trạc tuổi em...
- Em mấy tuổi
- Mười lăm.
Trời....
- Ê!... Hốt rác! Nè, hốt rác đi!
Mấy tờ giấy gói chewing-gum bay lả tả... Vài tiếng cười trẻ con vứt lại cho em, lơ lửng... Đời? Một giọt mặn chát rụng vào trái tim già nua... Còn em, cúi xuống... Hình như quen rồi. Em kéo thùng đi, dáng gãy vẹo một bên vì quá nặng... Bỗng, cái thùng không đi được. Loay hoay... tìm... kiếm... em kéo ra một miếng chewing-gum còn mới, chưa kịp khô...

TRẦM VŨ XUÂN BÌNH


LẼ ĐỜI

Bà bán quán trước cổng trường qua đời trong một đêm giông gió. Những tưởng đám tang bà sẽ rất ảm đạm và vắng lạnh bởi bà lâu rồi chỉ còn sống một thân một mình. Nhưng lũ trẻ trong trường đã đến tiễn đưa bà, hàng hàng dài sau linh cữu. Ngày xưa, bà bán quà cho chúng, bà hỏi thăm, nhắc nhở chuyện học hành của chúng. Và những buổi chiều tối, bà để chúng ngồi chờ bố mẹ trong cái quán ọp ẹp của bà.


EM TÔI

Lúc tôi còn nhỏ, người ta nói có quạ kêu thì một người rừng láng phải chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng...
Ngày tôi vào Nam nó đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về tôi liệt nửa người. Nó chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn...
Mấy hôm trở trời. Tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu cho tôi nghe, rồi gọi chim phượng hoàng ùa vào nhà cho lộng lẫy . . .

Nguyễn Chiến


ANH HAI

Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ.
Tí một tay ôm Tèo một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. “Nếu chết cả hai, mẹ buồn biết mấy. Thôi em đi, trời cho sống nhớ lo tuổi già của mẹ”.
Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tí rướn người bỏ Tèo vào chum. Em còn quờ quạng một lúc nữa đến khi cái chum chỉ còn là một chấm mờ mới chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng em mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói: “Anh Hai!”.

NGUYỄN HÀN CHUNG


Ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng

Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ.
Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông


CHÈNG ƠI

Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê có cả người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đưa cháu thật sự vui lòng.
Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi... Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe... quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thửơ nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi! Kêu riết thành quen.

Võ thành An


Mùi của Má

Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.
Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giựt chiếc áo: “Em hửi miếng...”, “Tao hửi với...”.
Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.

Ngô văn Vĩnh



Cảnh ngộ

Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú.
- Đưa coi! - Tiếng người đàn ông.
- Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh.
Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình.
Người đàn ông chọn hoa hồng.
Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối.

Phạm thị Kim Anh


Tan học rồi!

Tối hôm bà ngoại qua đời, ông ngoại ở bên giường bệnh cùng bà cho tới phút lâm chung. Trước khi tắt thở, bà đã nói với ông: “ Tan học rồi!”. Ông giả vờ bình tĩnh lắng nghe hết câu này, sau đó khóc nấc lên như một đứa trẻ .
Sau đám tang, tôi hỏi ông về ý nghĩa của những lời bà nói với ông, ông kể với tôi rằng từ thuở bé ông và bà cùng học tiểu học và bà ngoại thường nói: “Tan học rồi! chúng mình về nhà thôi.”

PHẠM THANH CẢI


Sách cũ

Ở lớp, tôi luôn dặn các em không được ghi lời giải vào sách.
Một hôm, phát hiện một quyển sách đầy nét bút, tôi quát: "Sao em gian dối với thầy?".
Nó không nói, òa khóc.
Đứa bạn bảo: "Nhà nó nghèo, mua sách cũ đó thầy!".
Tim tôi như rạn nứt.
Ở trường sư phạm tôi đâu có học điều này....


BẠN BÈ

Hoang vu mãi cũng chán.
Hắn tìm kiếm người để tâm sự Nhưng làm sao có thể tin ai được ở thời buổi này? Hắn mới lấy cái bóng của mình làm bạn. Nhưng khi ở chốn đông người, hắn thu cái bóng của mình, nhét vào trong túi quần. Và không ai biết hắn có một người bạn. Chỉ khi về đến hang ổ của mình, hắn mới lấy cái bóng của mình ra trải dài trên mặt đất để cùng nói chuyện.
Lúc đó hắn thấy mình không còn cô độc.


Nhạt

Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
...Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo, kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa.


CÂY BÀNG

Đêm mùa đông se lạnh, cây bàng giữa sân trường bồi hồi nhận ra đã nhiều ngày không thấy thằng bé ngoan hiền vẫn thường ngồi học dưới gốc cây.
Nhớ lại những gì diễn ra hôm trước khi thằng bé bị nhóm bạn vây quanh bắt nạt, dồn ép dưới chân mình, cây bàng bứt rứt. Một chiếc lá heo héo lìa cành. Chao liệng trong không trung.
Rồi thằng bé trở lại, ngồi dưới cây một lần cuối trước khi nghỉ học. Cây bàng thả những chiếc lá mềm mại xoa dịu vuốt ve.
Qua hôm sau, chẳng hiểu sao trên khắp tán cây, lá bỗng rực một màu đỏ ối.

Trần hoàng Trúc


Đợi

“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua



Miếng Bánh Trung Thu

Nhìn cái bánh Trung Thu ngoại nó mới mua về, tôi thèm thuồng nuốt nước miếng vào trong và ngoảnh mặt đi. Nó như thấy điều đó, nghĩ ngợi...
Trung Thu năm đó, tôi sung sướng được ăn một miếng bánh Trung Thu.
Đường đời đưa đẩy, tôi ít gặp nó nhưng tôi vẫn nhớ thương con bạn thân. Khi đụng kẻ xảo quyệt, tôi nghĩ tới nó để đời còn chút ngọt lịm.


Sầu Riêng

- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.
- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.
Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. Hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:
- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết.
Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:
- Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con


Quà con tặng bố

Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà màu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy.
Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha: “Con tặng bố!”. Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước, nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng.
Ông mắng con gái. Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: “Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!”.
Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ.
Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp.




BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.

Nguyễn San


Nguyện vọng của em

Một hôm, đến thăm bạn đang dạy học tại vùng núi. Cuộc sống ở đây tuy khó và khổ vì đường xa thiếu thốn, song nhờ trò sáng dạ và chăm học nên không đến nỗi làm người dạy nản lòng.
Tối đến, khi ngồi cạnh bạn đang chấm bài. Rảnh tiện tay tôi lôi thử một số bài ra xem. Bài kiểm tra tập làm văn. Đầu đề ghi “Nguyện vọng của em”. Hầu như cũng giống thời của bọn tôi là ai nấy đều muốn làm thầy, cô giáo, và nhà khoa học cả… Riêng tình cờ thấy có một bài với dòng chữ ghi: “Nguyện vọng của em là làm một con chó”. Ngạc nhiên và hiếu kỳ, tôi đọc thấy ghi tiếp:” Bố đi xa rồi, nhà chỉ còn mẹ và em. Ở đây đêm rất tối, nghe nói đêm về, thường có ma. Ma không dám vào nhà nào có chó. Nhà em lại không nuôi chó. Nên em mong làm chó để có thể ngày đêm trông giữ nhà, và mẹ sẽ không phải sợ hãi nữa...”.


Giọt nước mắt người đời

"Cứ đi trên chiếc cầu ấy, con sẽ thấy thiên đường". Mẹ hay chỉ chiếc cầu vồng sau cơn mưa lộng lẫy mà bảo thế, ngày xưa...
Thời gian trôi qua...
Nắng chiều đổ nghiêng triền núi. Một cụ già phơ phơ râu tóc đến quỳ bên một nấm cỏ vàng úa:
- Con đã đi tìm chiếc cầu vồng của mẹ một đời. Con về rồi đây, mẹ ơi.
Chiều vẫn yên lặng…
Môt giọt nước đọng trên đôi má già nua. Những tia nắng cuối cùng trước khi tắt hẳn đã kịp soi vào đấy chiếc cầu vồng bảy màu...

Lê Nguyên Vũ


Cái bóng

Một nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến nhiều người viết trẻ. Ông tự hào khi học trò là “bản sao” của mình vì điều đó chứng tỏ uy tín của ông ngày một lớn hơn.
Ông quên rằng vào giữa trưa cái bóng của mỗi người chỉ đủ cho chính họ, và đến chiều tối thì cái bóng cũng không còn nữa.
Có “đệ tử” đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngoài cái bóng của “sư phụ”. Và đi xa hơn.


20 ngàn bạc

Trước ngày con lên đường thi đại học mẹ vẫn gánh rau muống lên chợ xã bán! 40 mớ rau muống chỉ vỏn vẹn 80 ngàn.
Trưa về mẹ đưa cho con 100 ngàn để sớm mai đi thi. Buổi tối con đi nấu cơm thấy chum gạo đã gần hết.
Sáng hôm sau mẹ tiễn con lên xe khách. Đôi mắt mẹ nhìn mãi về phía con…nhưng…
Con lại không nhìn về phía mẹ ! Trái tim con như thắt lại ! Sao mẹ lại giấu con ?
Mẹ bán rau được 80 ngàn…còn 20 ngàn mẹ bán ít gạo còn lại trong chum…Vậy con đi rồi thi mẹ ở nhà nấu cơm bằng gì đây ???



Điếc

Ông lão nghễnh ngãng nhưng đi đâu cũng nói to nói nhiều như cãi nhau.
Một lần qua nhà hàng xóm thấy con chó lao ra sủa thì lão lại mỉa mai “nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!”. Con chó thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn.
Có những người cứ phải bị cắn như thế thì mới tỏ ra biết điều.


Khoe

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...


Bài văn bị điểm 0

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba.
Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?"
- Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.
Tôi thở dài:
- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô.
Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi:
"Sao trò không chịu làm bài?".
Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo:
"Thưa cô, con không có ba".
Nghe nó nói, cô con sững người. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi:
"Sao mày không tả ba đứa khác?"
Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.

Sâm Hoài Nguyễn


TÓC MÁ

Ngày ấy kinh tế khó khăn, mà một mình nuôi hai con nhỏ . Chưa bao giờ tôi thấy má gội đầu bằng loại dầu gội má vẫn mua cho chị em tôi mà thường dùng xà bông tắm, có khi dùng cả bột giặt
Khi lớn lên,tôi mới hiểu được má nhịn ăn nhịn xài là để lo cho chị em tôi. Bây giờ khá giả, muốn mua cho má những loại dầu gội tốt, đắt tiền thì tóc má đã cứng còng và bạc trắng.....

Hoài Yến


ĐỒ CÚNG

Trời còn sáng tinh mơ, mẹ tất tả quẩy gánh đi bán sớm, không quên chừa cho hai con một đĩa xôi to cúng trên bàn thờ.
Chiều hai chị em đói bụng tính lấy đĩa xôi trên bàn thờ nhưng thấy nhang còn đỏ, bèn
bảo nhau chờ lát nhang tàn,ông bà đã hưởng hương hoa xong mới được ăn.
Cả hai thiếp đi trong cơn đói. Khuya mẹ về, đĩa xôi vẫn còn nguyên,cây nhang điện trên bàn thờ vẫn lung linh tỏa sáng.

Nguyễn thị Liên


Con dâu

Lấy nhau ba năm thì có đến nửa thời gian trong số ấy chồng đi học. Chuyện nhà một mình em quán xuyến.
Mẹ chồng bệnh em thăm nuôi ở bệnh viện. Bệnh nhân nằm gần giường than với mẹ : ” Dâu con bây giờ thích thì nó ở cùng, không thích thì nó ra sống riêng, không giồng như mình hồi xưa, may mà chị còn có con gái “.
Bà bệnh nhân nhầm nhưng mẹ không sửa, vuốt tóc em mẹ nói trong niềm vui sướng : “Ừ, con gái ruột của tôi đó chị “.


Bất ngờ cuối cùng

Lần thứ ba thấy anh cười, nàng không thể kiên nhẫn hơn:
- Anh làm gì tủm tỉm suốt thế?
- À... chả là... hôm trước anh nói dối bố mẹ không về được em ạ. Anh muốn dành cho các cụ một bất ngờ.
- Anh ác thế, khéo các cụ buồn.
- Vậy mới bất ngờ chứ! Mà sao tàu chậm thế nhỉ, sắp giao thừa rồi...
Điện thoại anh bỗng reo, phía bên kia giọng mẹ anh sốt ruột:
- Con đi đâu khóa cửa cả ngày, bố mẹ định làm con bất ngờ cũng không được!


Một lần nằm mơ

“Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”.
Linh hồn tôi lạc vào vương quốc chó thấy chuồng nào cũng đồ sộ đẹp đẽ. Bỗng gặp con Vàng yêu quý, nó rối rít mời tôi đến chuồng nhà nó. Bước vào phòng khách tôi thấy tấm hình của mình, dưới ghi “bà chủ – người kiểng Sài Gòn”.
Nhìn sang chuồng hàng xóm của con Vàng thấy bảng đề “coi chừng, nhà có người dữ”. Lạnh toát cả người, giật mình tỉnh dậy.


Hứa

Trong khuôn viên trường mù có hai thằng bé đang chơi bài. Những quân bài được làm dấu phân biệt một cách khéo léo. Vừa chơi chúng vừa chuyện gẫu:
- Người ta nói má tao đẹp lắm mày ơi!
- Ừ, biết rồi, nói hoài.
- Đẹp như hoa hậu luôn!
- Đẹp thì sao, đẹp mà có bao giờ muốn rước mày về không?
Thằng bé kia quăng bài xuống đất, nước mắt chan hòa:
- Má tao hứa sang năm đón tao về mà!
Nói xong nó òa khóc vì nhớ ra má nó đã hứa vậy từ rất lâu rồi.


Lòng biển

Lúc nhỏ.Nhà nghèo. Cha mất sớm. Bà vất vả giúp mẹ nuôi em. Mẹ bệnh, bà túc trực ngày đêm. Hàng xóm hỏi:"Các em đâu?". Bà đở lời:"Tụi nó nhỏ, để nó nghỉ"
Lấy chồng. Vẫn nghèo. Bà lại tần tảo cùng chồng nuôi con. Chồng bệnh, bà cận kề hôm sớm. Láng giềng thắc mắc:"Các con đâu?". Bà chép miệng: "Chúng nó bé, để nó đi học".
Về già. Bà sống bằng tình thương của bà con lối xóm. Bệnh không người chăm sóc.
Một mình xoay trở trên giường, bà lẩn thẩn: "Bệnh thế này, không biết ai lo cho mấy đứa nhỏ!"

Phạm thị Oanh


Cám ơn nỗi đau

Sau bảy năm yêu nhau, anh đột ngột nói lời chia tay.Em tưởng chừng như đã chết. Hai năm sau, dẫu lòng còn ngổn ngang kỷ niệm, tim còn đầy hình ảnh của anh, em quyết bước lên xe hoa.
Ngày qua ngày, hình ảnh anh mờ dần, thay vào đó là tình yêu chồng và đứa con thân yêu.
Đôi lúc em nghĩ có nên cảm ơn anh đã cho em nỗi đau ngày ấy, để em có được cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc như hôm nay?

Thúy Bắc


CÕNG

Hồi học tiểu học ở quê nhà,mỗi khi lũ về đường có đôi chỗ bị nước ngập. Sợ tôi gặp chuyện không may, ba tôi thường cõng tôi đến trường.Trên lưng ba có khi tôi nhảy cẩng reo hò làm ba nặng thêm...nhưng ba vui.
Rồi ba tôi bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện lớn,tôi đi thăm nuôi và có khi phải cõng ba từ giường bệnh này sang giường bệnh khác. Hồi cõng con ba vui, bây giờ con cõng lại ba...con khóc.
Con khóc không phải vì nặng nhọc ba ơi!

Võ thành An


Ngôi nhà của BA

Thương các con phải sống trong cảnh nghèo nheo nhóc, ba cật lực làm việc quyết tâm xây được ngôi nhà khang trang cho các con ở.
Ngày xây nhà.Ba bảo thợ làm nhiều cửa sổ cho nhà thoáng mát để các con được khỏe mạnh.
Nhà vừa xây xong thì ba lâm bệnh nặng rồi qua đời. Các con ngơ ngác trong ngôi nhà mới với thật nhiều cửa sổ.
Người ta xây cho ba ngôi nhà nhỏ trong vườn.
Ngôi nhà của ba, sao không có cánh cửa sổ nào?

HUỲNH HOA


Cuối năm rồi mà cha vẫn biệt tăm. Ngày nào mẹ với nó cũng ngóng ra biển, mong một cánh buồm quen.
Đêm. Gió thốc mạnh vào mái tranh mang theo cát mịt mù. Nó vừa ăn cơm vừa lừa cát, tưởng tượng như lừa xương cá, mắt cay cay nhớ cha.
Rồi cha nó cũng về khi những cây đào ven biển lác đác nở hoa. Quà cho nó là con cá to nhất.
Nó ăn không kịp nuốt, rồi mắc nghẹn, nước mắt ứa ra:
- Cha ác lắm, đi lâu chi rồi cho con ăn cá thiệt to, con nghẹn chết!


Tiếc

Khuya rồi mà con bé vẫn thút thít, mẹ nó dỗ dành:
- Đừng khóc nữa để ông bà ngủ, mẹ hứa sang năm sẽ mua nhiều đồ đẹp cho con!
Hôm sau bà mua về thật nhiều áo quần đẹp cho con bé.
Mẹ thấy vậy áy náy:
- Năm nay chúng con chẳng biếu bố mẹ nhiều, tiền đâu mà mẹ...
Bà khoát tay:
- Bố mẹ có để dành một ít, con đừng lo.
Trở về phòng, bà nói với ông:
- Biết vậy hồi xưa bọc vàng cả hàm ông nhỉ!


Hoa học trò

Ngày mới ra trường, tôi được phân công về dạy vùng sâu. Mỗi ngày, đâu từ rất sớm,phên cửa phòng tôi đều có một bó hoa. Hoa dại, đơn sơ và lặng lẽ. Ngờ anh láng giềng, nhưng mãi chẳng thấy dấu hiệu gì từ "đối tượng khả nghi".Tò mò và ngạc nhiên, tôi quyết bắt quả tang.Hóa ra "hắn" vô tội."Thủ phạm" lại là những 'tên" học trò của mình. Tôi bâng khuâng thấy lòng ấm lại. Càng cảm động hơn khi nghe em kể:
-Hồi cô giáo trước, mỗi cuối tuần thường có chú ngoài thị trấn đến tặng hoa, ít sau cô bỏ lớp, theo chồng. Con sợ cô bỏ tụi con....

Đoàn Thuận


Rỗi

Này bà, năm nay chúng nó bảo khó khăn không về được. Bà nhớ đừng mua hạt dưa đấy.
- Ừ, răng đâu mà cắn ông nhỉ - bà cười móm mém.
- Khỏi mua lôtô, bầu cua, cờ tướng... mất công.
- Ừ, tay đâu mà chơi ông nhỉ - giọng bà nghèn nghẹn.
- Khỏi ngâm kiệu, hành. Đừng nấu bánh chưng chi cho mệt. Hàng xóm cho là đủ ăn rồi.
- Vậy mình làm gì cho hết tết ông nhỉ? - mắt bà hoe hoe.


Anh tôi

Anh gần 40 tuổi mà chưa có vợ, chị nhỏ hơn anh gần một con giáp lại xinh đẹp.
Ngày anh đưa chị về nhà, ai cũng mừng cho anh, chỉ riêng mẹ bảo:"Con phải tính cho kỹ, mẹ thấy không yên tâm".
Anh cười nói:" Mẹ đừng lo!"
Thôi nôi con anh được một tháng thì mẹ mất, trước khi đi mẹ chỉ dặn anh:"Giữ
cháu lại cho bà".Anh cầm tay mẹ bảo:"Mẹ yên tâm!"
Anh chị ly dị, con anh theo mẹ, anh đứng trước bàn thờ mẹ khóc, chỉ nói được câu:" Con xin lỗi mẹ"


Cánh cửa

Chị là người con gái đẹp.Chị được học ít và thay mẹ chăm sóc các em. Mỗi lần ra khỏi nhà mẹ đều khép chặt cửa và dặn đi dặn lại là không được mở cửa vì biết có nhiều chàng trai ngắm nghía chị.
Các em đã lập gia đình, chỉ còn chị và mẹ.
Mẹ thương chị, ngày nào cũng ra mở cửa nhìn ra ngỏ. Mỗi lần như thế chị ra đóng cửa và dặn mẹ: "Mẹ đừng mở cửa nhé, gió làm mẹ lạnh, con lo cho mẹ lắm!"
Mẹ rơi nước mắt.


Phần cô

Sinh nhât cô giáo, cả lớp mang tặng cô nào hoa, nào vải may áo dài...
Giở gói quà của Hằng ra ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo: "Ngày nào em cũng được ăn khoai lang nướng ngon lắm cô ạ. Chắc cô chưa bao giờ được ăn?".
Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô giáo.


Vợ chồng

Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy anh lại ôm lấy chị , vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào!
Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!


Mưa đầu mùa

Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy người đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh.
Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như "cá gặp nước", những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà ngày xưa như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải đem cho đi. Tôi tỏ ý khó chịu, Mẹ chỉ cười buồn bảo: "Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó...".
Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, Mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng...

Nguyễn Thanh Xuân


Tết tha hương

Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng ‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà?
“Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”

Phạm Thiên Phú


Tết

Tết năm kia bố mẹ già tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà đón chờ con cháu.
Chợt xe bưu phẩm dừng trước cửa, người ta ôm vào đủ loại quà kèm bưu thiếp “Bố mẹ ăn tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”.
Tết năm sau lại hăm hở dọn nhà. Lại xe đỗ cửa. Lại quà ngổn ngang. Và lời chúc quen thuộc.
Tết năm này con cháu về, thấy nhà mình thiếu tết. Cây mai nguyên lá. Mái nhà xanh rêu. Quà năm cũ còn nguyên, vương bụi. Thế mà bố mẹ rưng rưng: “Năm nay có tết rồi!”.


Ngày sinh nhật đầutiên

Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?". Mẹ lặng thinh mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!". Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc ào theo.
... Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.

Xuân Vy


Tình già

Đêm tối đen.Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mìnhđã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây sào rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...
Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?".
Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".

Nguyễn Thái Sơn


Nói dối

Ngày đó nhà nghèo Cha mất , Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!".
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.


Tiền mừng tuổi

Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho ... Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lại Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết.
Mười tám tuổi, nó mang nỗi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi.
Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương Bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên giường cằm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.

Trương Đình Dạ Vĩnh


Điện thoại

Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.
Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".

Võ Thành An


Khóc giùm

Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi (?)


Tóc sâu

Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoai, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".
Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".
Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".
Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.

Song Khê


ÁO MỚI CỦA MẸ

Hôm nay đám giỗ ông cố.Từ sáng sớm,mẹ đã sữa soạn về nội. Ra tới ngõ, con chợt để ý thấy mẹ mặc chiếc áo cũ Con hỏi mẹ:
-Mẹ ơi!Cái áo trắng mới, dì Ba mới may cho mẹ đâu?
Mẹ lúng túng:
-Ờ mẹ để đâu mẹ quên, vội quá, mẹ mặc đỡ này vậy.
Con ngước nhìn mẹ. Chợt hiểu. Hèn chi hôm nọ học thêu , nhỏ Hương nó hỏi , sao vải của con có những lỗ nhỏ đường may tháo ra.
Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.

Lê thị Chung


Nghịch lý

Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói:
- Tôi góp một phần.
- Tôi một phần.
- Tôi cũng một phần.
Thím Tư chen vào, như đùa như thật:
- Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?!
Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muỗi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muỗi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con.
Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!

Văn Triều


Bi kịch

Sạp anh chị ít khách vãng lai. Ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách. Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.

Huỳnh Thanh Vân


Đôi mắt

Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, dến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh".
Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?"
Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh.
Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em".


Sống ở đời

Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trễ con ạ".
Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại dễ dàng với người khác con ạ!"

Phạm Quốc


NGÃ

- Này, này, bảo thằng nhóc đừng chạy lên chạy xuống! Thảm mới đấy!
- Con ơi, đừng chạy nữa, ngồi xuống xem tivi nhé. Ngoan ngoan, mẹ thương!
- Ngồi kheo khéo nhé, cái quần jeans vải thô, không khéo lại sờn bộ ghế da đó!
- Thôi con ngồi xuống thảm như mẹ này, duỗi thẳng chân ra thoải-mái hơn con ạ!
- Thảm không êm, con thích ngồi trên ghế cơ! Gà con phụng phịu dỗi.
- Chết chửa, tới giờ về nhà rồi, ngày mai con phải dậy sớm đi học nữa đấy. Chào bác rồi ta về.
Từ nhà ra đến ngõ, gà con bỗng dưng lớn nhanh như chú gà khắc khổ, "Mẹ ơi, bác ghẻ lạnh mình, phải không mẹ? Dạo bác còn ở nhà cũ, con vẫn chạy nhảy, vẫn ngồi trên sa-lông xem tivi mà! Sao bây giờ bác khác nhiều thế?"
Gà mẹ vươn đôi cánh ủ con vào lòng khóc rưng rức, tủi thân mình hèn mọn hơn con sâu, cái kiến, không bằng tấm thảm lót chân nhà bác. Ruột thịt mà, sao lạ thế nhỉ?

Linh-Chi


Đám giỗ

Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế… Ông bà lần lượt ra đi.
Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!
Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.


Ngoại

Nó luôn khó chịu cho là ngoại lẩm cẩm: mở nước to, ngoại nhắc, nó ra ngoài, ngoại tắt quạt ngay. Có lần nó gắt: " Ngoại già rồi, lo nhiều chi cho mệt!". Ngoại nghe, thở dài sườn sượt.
Ngoại về quê. Nó mặc sức" tung hoành". Cuối tháng, đồng lương công nhân ít ỏi vơi quá nữa vì phí điện nước , ba mẹ mắng nó tả tơi.
Tối về, biết chuyện, ngoại lụm cụm lần giở gói tiền chắt chiu, bọc mấy lớp giấy báo, đưa mẹ " Con cầm lấy. Má già rồi, cần gì đâu..". Nó nghe mà muốn khóc.

Nguyễn hữu Công


Nợ lời xin lỗi

Hai đứa quen nhau từ một ngôi trường Trung học.
Mùa hè năm đó , người ta tặng con nhỏ tập thơ đầu tay rồi ra đi mất biệt, không gặp gỡ , chẳng liên lạc
Mùa hè đến rồi đi ....
Con nhỏ nhận được tin nhắn :" Dạo này nhỏ sống ra sao ......."
Con nhỏ khóc , khóc thật nhiều , nhớ người ta nhiều lắm. Tập thơ người ta tặng.
Trăn trở suốt mấy chục năm., vẫn còn nợ một lời xin lỗi.

Đặng Thị Vân


MÙA CÁ BÔNG LAU

Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá tanh, thích rau hơn.
Cậu ở thành phố xuống đòi ăn canh chua cá bông lau má nấu. Cậu chạy mua con cá to. Đến bữa không thấy má gắp cá. Cậu bảo: “Hồi xưa chị thích nhất món cá này?” Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá.

Võ Thanh An


Giao Mùa

Cuối hạ. Nắng nhạt dần với những cơn gió lạnh. Cánh rừng bên bờ sông xôn xao, cây chuyển mình thay lá, dòng nước còn xanh với từng gợn sóng rạt rào. Cánh hải-âu lượn lờ trên cao như còn quyến-luyến miền đất vui của những ngày hè đầy nắng ấm.
Đầu thu. Ngôi nhà nhỏ buổi chiều êm ả. Nắng bên ngoài đã tắt nhưng bếp hồng sáng rực lan tỏa mùi thơm ngào ngạt của bánh táo, nỗi ấm áp dịu dàng chan hòa trong không-gian tĩnh-mịch. Đóm lửa đốt lên. Ngọn nến chập chùng chiếc bóng cô đơn trên vách.
Quạnh quẽ.

Linh-Chi


NGHỀ CỦA MẸ

Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh... Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.


LÒNG MẸ

Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra riêng nên nhà cửa bừa bộn.
Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, đĩa, quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được.
Chiều cầm mẹ ở lại để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi.
Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm tháng sau sẽ lên nữa.

Võ Thanh An


QUÀ CHO MẸ

Lúc còn nhỏ mỗi lần thấy mẹ đi chợ về là cô lại lao ra lục giỏ để tìm cái bánh hay gói bỏng ngô. Và mẹ chẳng bao giờ làm cho cô thất vọng cả.
Lớn lên, cô lập gia đình và có hai đưa con. Mẹ cô bây giờ đã già đi, suốt ngày bà quanh quẩn bên lũ trẻ. Mỗi lúc đi chợ về cô cũng hay mua quà cho con, nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ. Cô không hiểu rằng những lúc ấy mẹ cô cũng thấy buồn và tủi thân.
Ngày mẹ ốm nặng phải đưa vào bệnh viện, cô mua nào là cam, nào là bánh nhưng mẹ chẳng thể nào ăn được nữa cho đến ngày mẹ ra đi mãi mãi.

Phạm thị Kim Anh


Tôi và Bạn

Tôi và bạn dạy chung trường. Bạn giỏi nên bạn dạy lớp lớn, còn tôi dở nên dạy lớp chót bẹt, tuy vậy bạn và tôi vẫn có những giờ lên lớp trùng nhau và do đó quen nhau. Bạn hay cười còn tôi hay hét (đứng lớp) . Bạn dạy môn QuốcVăn, tâm-hồn lai láng thơ và văn, còn tôi khô khan dân Khoa-học, không biết làm thơ, cũng chẳng biết viết văn, chỉ có chút tâm huyết với mớ kiến-thức toán học, những phương-trình, định-lý,... Trời cuối năm, rừng cao su sau trường thay lá, chiếc lá vàng bay nhẹ vào lớp nằm nghiêng nghiêng bên khung cửa sổ. Tiếng hát bạn đầm ấm trong buổi tiệc tất-niên Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương.... Mùa xuân, mùa thu, và những thu đông bốn mùa sau đó, vẫn nhìn nhau rồi xa nhau. Bạn nơi phương trời vẫn lai láng văn và thơ . Tôi lãng phí hết cả đời vẫn không tìm được hệ-số cho đường thẳng của đời mình. Ngày tháng cũ chỉ còn lại chút ấm áp của tiếng hát và mùa thu.

Đặng Thị Vân