Thưa Cô,
Cháu có vấn đề khó giải quyết, xin nhờ cô hướng dẫn cháu.
Khi mẹ cháu ốm, thấy cảnh nhà chỉ có hai ông bà, tội nghiệp quá, cháu đề nghị bố mẹ không ở apartment nữa mà dọn về ở với vợ chồng cháu. Mẹ cháu nằm bệnh, vô ra nhà thương ba năm thì mất. Trong thời gian này, ban ngày tụi cháu phải đi làm, hai cháu nhỏ đi học, bố cháu là người chính săn sóc mẹ cháu. Ông rất khéo tay lại cẩn thận, phải nói là mẹ cháu có phước lắm mới được chồng con kề cận chăm nom những lúc ngặt nghèo trong đời như thế này. Thời gian cuối, mẹ cháu không tự làm vệ sinh được nữa. Tuy mẹ cháu có caregiver chính phủ cho mỗi ngày 3 tiếng nhưng bố cháu vẫn muốn tự tay lo cho mẹ vì bố cháu bảo mẹ thường ngày sạch sẽ, tươm tất lắm, người ngoài làm nhiều khi mẹ không vửa ý mà không dám phàn nàn.
Rồi mẹ cháu qua đời. Năm đầu tiên, ngày nào bố cháu cũng ghé qua nghĩa trang tưới nước mấy chậu cây và lau mộ bia của mẹ. Tối đến, cơm nuớc xong, cha con, vợ chồng, ông cháu lại quây quần ở phòng gia đình. Những tối cuối tuần, có khi bày trò chơi chung cho tới trước giờ đi ngủ. Đôi lúc thấy bố lẻ loi, cuộc sống phẳng lặng, cháu cũng ái ngại nhưng rồi nghĩ ai thì cũng trải qua tuổi già, người kia đi trước, người ở lại đương nhiên là buồn, làm sao tránh được?
Thế nhưng từ giữa năm nay, bố cháu thay đổi. Ông bắt đầu đi chơi. Ban ngày ông đi nhảy ở lớp dạy khiêu vũ, buổi tối hình như cũng ở đấy nhưng ai muốn nhảy đầm thì cứ đến thoải mái, uống nước, nghe nhạc. Bố cháu đi nhiều quá khiến cháu bắt đầu phải quan tâm. Một hôm cháu ngỏ lời can ngăn thì bố cháu giải thích như cháu nói ở trên. Ông bảo: “Bố đi ra ngoài cho nó thoáng, nhẩy nhót cho có chuyện chứ đấy cũng là một cách thể thao có nhạc thôi con ạ, con không phải lo. Cứ luẩn quẩn ở nhà nó mụ người ra, riết rồi lụi xụi lúc nào không hay mà lại bận mắt tụi con nữa!” Cháu tạm bỏ qua, nghĩ là ở tuổi 72, bố cháu có làm gì cũng chả sao, miễn ông vui và biết giữ sức khỏe là được! Cho tới một bữa, chồng cháu nhìn bố cháu xuống cầu thang, chào tụi cháu để đi chơi, anh cười cười bảo cháu: “Chắc lúc này bố có bồ em ạ! Ông già coi bộ tươi mươi mà diện láng coóng như thanh niên vậy?” Cháu hơi bất ngờ, hỏi lại anh: “Sao anh biết bố có bồ?” Chồng cháu trả lời tỉnh bơ: “Anh cũng là đàn ông mà em, sao không biết?” Cháu thấy không ổn. Bao lâu nay, cháu tưởng chỉ một mình cháu là con nên mới để ý đến bố mình và lo lắng, té ra chồng cháu cũng quan sát ông nhưng với suy nghĩ khác. Có một câu muốn bật ra khỏi miệng cháu mà cháu cố kềm chế và bỏ đi ra chỗ khác để không nói vội. Câu đó là: “Anh liệu hồn, đừng có lấy cớ bố mà léng phéng là không xong với em đâu!”
Thưa cô, cháu thật sự không muốn cách sống của bố cháu ảnh hưởng đến chồng cháu. May quá, giữa lúc cháu đang rất bối rối, tính viết thư cho cô thì Covid-19 xảy tới. Lệnh đóng cửa khiến bố cháu không đi được nữa nhưng đến đầu tháng 9, mở cửa lại một phần, bố cháu lại đi. Từ đó tới nay, tuy có đóng cửa lần thứ hai và dịch lây lan mạnh hơn trước, bố cháu vẫn đi mà cháu không biết ông đi đâu và làm gì? Lần này, cháu vin vào cớ Covid, khuyên bố cháu nên ở nhà để tránh nguy hiểm cho bản thân và cho cả nhà thì bố cháu trả lời: “Bố biết trách nhiệm của bố nhưng nếu con ngại thì bố tạm xuống ở cái nhà kho phía sau, bố sẽ tự cô lập ở đấy và không lên nhà trên cho đến khi hết dịch. Giam bố ở nhà chắc bố sẽ chết sớm, cũng thế thôi con ạ!”
Bố cháu sống tách biệt như thế đã gần 3 tháng, tự lo ăn uống, không phiền tụi cháu bất cứ chuyện gì. Bây giờ, cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, cháu lại đứng trên lầu nhìn qua cửa sổ xuống vườn xem có đèn sáng trong nhà kho không, thật khổ tâm quá cô ơi! Cô nghĩ cháu phải làm gì bây giờ? Bố cháu tuy ngoài 70 nhưng thể chất tương đối tráng kiện, không có tật bệnh gì cả cô ạ! Ngoài cách sống trong gia đình cháu như hiện nay, còn cách sống nào khác tốt hơn cho bố cháu không?
Nguyễn Thị Nga
Cháu Nga,
1.- Cùng là đàn ông không có nghĩa là họ cùng tính nết, cùng sở thích hay cùng cách suy nghĩ. Hơn thế nữa, hoàn cảnh cả hai càng không giống nhau: Bố cháu 72 tuổi, góa vợ, cô đơn. Chồng cháu đang có một gia đình yên ấm, các con còn nhỏ, vợ chồng quý nể nhau và nhiều trách nhiệm chưa làm xong.
2.- Cháu sợ bố cháu ảnh hưởng tiêu cực đến chồng cháu nhưng chớ quên là bố cũng ảnh hưởng tích cực đến chồng cháu khi ông săn sóc người bạn đời của ông một cách tận tụy hiếm có trong thời gian ba, bốn năm bà nằm bệnh trong chính ngôi nhà của gia đình cháu?
3.- Tục ngữ nước ta có câu “Bé xé ra to.” Có những việc xảy đến lẽ ra sẽ qua đi bình thường nhưng người trong cuộc vô tình làm thành lớn tầy huầy mà không biết. Cô rất thông cảm nỗi lòng của cháu nhưng đây là lúc người vợ cần có bản lãnh, lòng tự tin để ứng xử khôn ngoan và lành mạnh. Nhờ có dịch Covid-19 làm cái bình phong, nếu không, cách cư xử của cháu hẳn sẽ hướng chồng cháu nghĩ về cái việc chính cháu đang sợ, là anh sẽ để ý nhiều hơn đến cách sống của bố và có thể sẽ noi gương ông (trong khi anh ấy chưa có dấu hiệu nào là muốn sống như bố cháu cả!) Lo xa là một đức tính nhưng nghe theo tưởng tượng thường lại làm khổ mình. Cháu hãy trở về suy nghĩ ban đầu của cháu khi chưa bị tưởng tượng thúc đẩy và ám ảnh: “ở tuổi 72, bố cháu có làm gì cũng chả sao, miễn ông vui và biết giữ sức khỏe là được!”
Nếu nhà có nấu nướng, cháu có thể nấu thêm và để vào hộp nhựa cho bố. Mua cho ông ít bát đĩa giấy, bình đun nước sôi, các tiện nghi nho nhỏ. Chẳng thể nào biết được bao lâu thì cái ánh đèn trong nhà kho mà cháu quen nhìn mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ thôi không còn có lúc nào sáng/ tối nữa, để cháu nghiệm ra đời người cũng như ánh đèn ấy, tắt mở không do mình đâu.
Cô chúc cháu thân tâm an lạc để lèo lái con thuyền hạnh phúc của gia đình vượt qua mọi thử thách. Hy vọng đã phần nào trả lời cháu.
Trang Đài