Đoàn Xuân Thu
Từ điển cho biết: tào lao, tính từ, chỉ lời nói, câu chuyện nói ra cho có chuyện, cho vui. Tào lao năm ba câu; hứa tào lao trên bàn nhậu. Thằng nói chuyện tào lao!
Tết đến xin phép bà con cho tui nói chuyện tào lao, chuyện ăn chơi ngày Tết.
Chuyện ăn
Trước hết là chuyện ăn. Không những Tết, đám giỗ, đám cưới, đám thôi nôi, đầy tháng có mần heo là có món thịt kho tàu.
Có một ông chỉ tui cách kho thịt như vầy: Muốn kho một nồi thịt ăn Tết thì mua thịt ba rọi miếng ngon nhứt. Cục thịt bự bằng một gang tay, sau đó lấy dây chuối, dây lạt buộc chặt cục thịt lại. (Ai mà kho cục thịt bự dữ thần vậy cha nội? Làm sao nước mắm thấm vô hết? Cục thịt hình vuông vức, mỗi bề bằng 3 lóng ngón tay út là hết mức rồi).
Kho với nước dừa xiêm Bến Tre cứng cạy, đường cát trắng, nước mắm Phú Quốc. Ðể lửa liu riu. Sôi, bỏ vô chục cái hột vịt trắng phích trong nước màu cánh gián nâu nâu.
Tui nghe rồi để đó; vì xưa giờ tui chỉ biết có ăn. Thịt kho Tàu là do con vợ tui là á xẩm nó kho. Vợ tui xẩm lai nhưng ổng biểu tui không nên kêu là ‘thịt kho tàu’ nữa. Phải kêu là ‘thịt kho rệu’, ‘thịt kho hột vịt”, ‘thịt kho nước dừa’. Ủa chuyện gì mà cữ chớ?
Thì ông cắt nghĩa là: “Người Miền Nam xưa kêu người Tàu là Ba Tàu, Cắc Chú. Nên có người nói: “Thịt kho tàu là của người Tàu vì người Tàu đi tàu qua đây.” Hay thịt kho tàu vì cục thịt, cái hột vịt nổi lờ đờ trên mặt nồi như một chiếc tàu”
Ông không chịu thịt kho tàu là của người Tàu. Thịt kho tàu là của người Việt trăm phần trăm. Vì người Tàu ăn xì dầu không ăn nước mắm. Cái nầy tui hoàn toàn đồng ý với ổng.
Rồi ngon trớn, tới luôn bác tài, ổng bác bỏ luôn cách giải thích chữ ‘kho tàu’ là kho hơi mằn mặn như nước sông Cái Tàu, Miệt U Minh. (Sông Cái Tàu gần rừng, gần biển nên nước nó mặn lờ lợ) của nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Ông Bình Nguyên Lộc cắt nghĩa có lý đấy chớ! Theo tui, một bữa cơm của người Miền Tây thường có 3 món kho, canh và xào. Kho chủ lực phải có. Nghèo, canh, xào không có cũng hổng chết thằng Tây nào. Kho có nhiều tên, tuỳ theo nước mắm trong nồi nhiều hay ít mà chúng ta có kho lạt, kho mẳn, kho khô, kho quẹt…Nên nhớ ngoài thịt kho Tàu còn có tôm kho Tàu nữa.
Kho tàu là nước thịt kho lờ lợ không mặn quá để ăn với rau, dưa giá, củ kiệu, dưa cải. Thịt kho Tàu mặn độ “ph” cao không cho nồi thịt kho bị vi khuẩn làm cho chua nên để lâu được. Thịt có mỡ nhiều nên ăn với dưa cải, dưa giá giúp cho sự tiêu hoá. Cắt nghĩa kho tàu là của người Tàu là cắt nghĩa tầm xàm bá láp. Bác bỏ luôn chữ thịt kho tàu của ông bà mình từ thời khẩn hoang Miền Nam vì ông không thích Tàu là một đề nghị bậy bạ hết sức.
Chuyện chơi
Ðó là tui tào lao về chuyện ăn. Giờ tui tào lao về chuyện chơi, chuyện cờ bạc ngày Tết, chuyện bầu cua cá cọp.
Có một nhà văn chín nút viết vầy nè: “Trong sáu ô của trò bầu cua cá cọp không hề có con cọp. Chỉ có: bầu, cua, cá, gà, tôm và nai. Vậy là mượn oai hùm chăng?
Có nhiều giả thuyết cho sự mượn oai hùm này. Thứ nhất: đọc là bầu cua cá cọp nghe cho xuôi tai. Tôi thấy giả thuyết này dở ẹc. Ðọc là ‘bầu cua cá tôm’, ‘bầu cua cá nai’ hay bầu cua cá gà’ cũng xuôi tai vậy.”
Tui thấy ổng nói bầu cua cá cọp không có con cọp là ổng nói không có trúng. Có sao không? Tui nhớ, lúc 10, 11 tuổi, tui từng đứng coi (không chơi vì mậu lúi nhưng ham vui) người ta chơi bầu cua vào Tết Nhâm Dần, Con Cọp, năm 1962, trong hẻm 482 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, trước cửa Miếu Thần Hoàng gần chợ Hai Mươi
Ðồ nghề của một ông (nhưng làm cái) gồm 3 cái hột hình khối lập phương 6 mặt. Và một miếng vải hình chữ nhựt có vẽ bầu cua cá cọp. Có con cọp màu vàng khè vằn vện nhe nanh đàng hoàng nằm bên góc.
Sỡ dĩ không bằng giấy, mà bằng vải, vì nó bền. Trải miếng vải đó xuống nền xi măng là gầy sòng, ăn vùa thua giựt được rồi. Bằng vải, nhà cái dễ túm lại, trong đó có tiền đặt của tay em, chạy biến vô hẻm sâu mất tiêu nếu bất ngờ có thằng nào hô “Lính tới!”
Ổng cho rằng ai nói gọi bầu cua cá cọp cho xuôi tai là dở ẹc. Tui thấy ông mới dở ẹc!
Theo tui, cọp hay nai là tuỳ người ta có sợ cọp hay không? Sợ không dám gọi tên mà gọi là ông Ba Mươi. Không sợ thì còn giỡn mặt ‘bắt cọp’ hay con gái biểu diễn đánh cọp lúc khai thị chợ Bến Thành năm 1914.
Tui cho rằng một số nhà sản xuất bộ bầu cua cá bằng giấy muốn thay con cọp bằng con nai hoặc con tôm cho bán được nhiều. In con cọp, sợ những người sợ cọp không chịu mua. Mần ăn phải tính chớ.
Ồng bà mình in vậy nhưng không kêu bầu cua cá nai hay bầu cua cá cá tôm không dở ẹc đâu ông? Bầu cua cá cọp dễ nhớ vì cách phát âm của nó. Ông bà mình dùng phép đối xứng về thanh. ‘Bầu cua’ hai thanh bằng đối với ‘cá cọp’ là hai thanh trắc. Còn nói theo ông, ‘bầu cua cá nai’ mới hổng giống ai hết ráo.
Thưa tui ủng hộ phê bình. Vì có phê bình mới có tiến bộ. Phê trúng, tui học. Phê trật tui cự lại cho vui vậy thôi.
Tui thấy nhà văn gốc cây khi phê bình về phong tục tập quán của Miền Nam thì nên cẩn thận đừng nói ẩu, kẻo trật lất!
Tuy nhiên ca sĩ lừng danh Bob Marley (1945-1981) đã từng nói: “Ngay cả mặt trăng cũng không hoàn hảo, nó đầy những miệng núi lửa. Biển đẹp vô cùng, nhưng mặn và tối ở độ sâu. Bầu trời luôn vô tận, nhưng thường nhiều mây. Vì vậy hãy thôi “hoàn hảo” đi!
Nhưng con vợ tui nói: “Em không cầu toàn nhưng anh yêu nên càng lúc càng tiệm cận với hoàn hảo. Bớt nhậu đi một chút được hông?
Đoàn Xuân Thu