Túi tiền ai giữ ?

Anh Thư giơ cao chai bia, giọng rổn rảng :
– Nè! cạn chai này rồi tan hàng để ông bà Thiên nghỉ sớm, sáng mai còn đi dự đám nữa chứ.
Chị Thiên bưng đĩa khô bò đặt lên bàn :
– Ðám hỏi hủy bỏ rồi. Quý vị cứ thong thả nhậu cho tới sáng.

Bảy cái đầu đồng loạt hướng về phía chị chủ nhà với câu hỏi đầy vẻ ngạc nhiên :
– Ai quyết định hủy bỏ ?
– Cô dâu hay chú rể ?
– Mẹ vợ hay mẹ chồng ?
– Lý do gì

Mọi người nôn nóng với những câu hỏi tới tấp. Chị Thiên kéo ghế ngồi, lắc đầu chán nản :
– Là chuyện tiền bạc. Tiền bạc lấn át tình yêu. Nghe có vẻ “trần tục” quá phải không ?
– Ủa! chưa cưới nhau mà đã tranh chấp tiền bạc rồi sao ?
– Nói tranh chấp thì có vẻ dữ dội. Thật ra chỉ vì một câu hỏi thôi.

Chị Tiên nôn nóng:
– Vô đề đi bà, mọi người đang chờ mà bà cứ lòng vòng bắt mệt.

Những tiếng cười vang lên giòn tan rồi im bặt khi chị Thiên cất tiếng:
– Tuần trước, trong lúc sui gia và hai đứa nhỏ gặp nhau để bàn chuyện hỏi cưới, tự nhiên mẹ cô dâu đặt câu hỏi “mai mốt về chung nhà, ai sẽ là người giữ tiền?”. Chú rể không trả lời theo ý muốn của mẹ vợ tương lai “con gái mẹ chứ ai” mà chỉ làm thinh, cười cười. Cứ tưởng là một câu nói cho vui, ai ngờ đó lại là nguyên nhân cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa hai bà sui về chuyện “túi tiền ai giữ”.
Mẹ vợ cho rằng chú rể là đàn ông mà tính toán keo kiệt là không xài được. Mẹ chồng thì lớn tiếng kết tội cô dâu đặt chữ tiền lên trên chữ tình. Trong cơn nóng giận cả hai bên đều quyết liệt “Dẹp! không cưới hỏi gì hết vì chưa cưới mà đã lòi mặt chuột….”. Anh chị thấy có vô lý không ?

– Tiền là huyết mạch của cuộc sống. Ðó là thực tế mà.
Chị Thiên hớp nhẹ ngụm nước rồi nói :
– Ðúng là thực tế. Nhưng thực tế đó lại là một kết cuộc vô duyên cho cuộc tình kéo dài bốn năm.
Chị nhìn quanh một lượt rồi đề nghị :
– Chúng ta, những người đã trải qua cuộc sống vợ chồng mấy mươi năm hãy thử bàn về vấn đề “ai giữ tiền” xem sao?

Anh Thiên cười dễ dãi :
– Tôi dễ lắm, lương bao nhiêu giao hết cho bà xã. Tôi không quan tâm mỗi tháng bà nhét vào bóp tôi bao nhiêu. Cứ xài tà tà, thiếu thì cà thẻ. Trong ngoài bà lo hết, tôi thảnh thơi uống bia đều đều không tính toán, tranh chấp chi cho mệt.

– Nếu ai cũng như anh thì làm gì có chuyện lôi nhau ra tòa ly dị. Tôi có người bạn, hai vợ chồng ở với nhau hơn hai mươi năm rồi. Nhiều năm đầu, khi được bảo lãnh từ Việt Nam qua, con còn nhỏ nên anh chồng không muốn chị đi làm, vì mức lương anh có thể trang trải hết mọi chi phí trong gia đình. Chị là người phụ nữ đảm đang, ngoài việc bếp núc, chăm sóc con cái, nhà cửa, chị còn chịu cực chịu khó nhận làm thức ăn cho những ai muốn đặt làm tiệc tại nhà. Dần dần, chị được nhiều người biết đến qua tài nấu ăn khéo léo, giúp thu nhập của gia đình tăng vọt. Tất cả tiền bạc đều do anh chồng nắm giữ, chị không hề thắc mắc, quan tâm.

Ðầu năm, chị nói với anh, chị cần tiền để giúp cô em gái ở Việt Nam đang bệnh nặng thì anh chồng trả lời “Không có tiền dư”. Chừng đó chị mới nhận ra mình không hề biết gì về vấn đề tài chính trong gia đình. Ðứa con trai lớn cần mua xe để đi học xa, anh cũng bảo không có tiền. Chị hoang mang, không biết anh đã làm gì với số tiền chị đã làm ra hơn chục năm nay. Số tiền mà chị đã từng nghĩ là khoản tiết kiệm anh chị có thể lấy ra bất cứ lúc nào khi cần đến. Bây giờ chị ấy mới tự trách mình dại dột khi để cho anh chồng giữ tiền, nếu ngay từ đầu chị là người làm chuyện ấy thì gia đình đâu ra nông nỗi như bây giờ.

– Thật ra, quan trọng là sự minh bạch về việc tiền bạc chứ không nên đặt vấn đề ai là người giữ tiền.

– Chị nói làm tôi nhớ đến cô em họ của tôi. Cô kể “Mấy năm đầu em là người giữ tiền nhưng tính em hay xài hoang, thích cái gì là mua cái nấy. Nhưng có khi mua rồi không dùng. Bị chồng cằn nhằn miết, em bực mình giao hết tiền cho ổng. Phải công nhận anh chồng của em giữ tiền rất giỏi. Ông chi tiêu đúng nơi, đúng chỗ, nhờ vậy mà bây giờ tụi em có ít của cải lúc về hưu.

– Ðối với tôi, khi hai người thật sự yêu nhau thì họ muốn được sống bên nhau, cùng nhau vun xén hạnh phúc gia đình và tiền bạc sẽ không được đặt lên hàng đầu. Khi về sống chung, nếu ai là người giữ tiền tốt thì trao trách nhiệm cho người đó. Trong các cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng tình yêu mà vì nhu cầu có chồng, có vợ thì những cặp đôi nầy thường hay trăn trở về tài chánh gia đình vì không đủ tin tưởng nhau.

– Cũng không hẳn cặp nào trong trường hợp anh nói đều giống nhau. Anh bạn tôi, sau khi vợ mất vài năm, anh kết hôn với một phụ nữ ở Việt Nam nhỏ hơn anh mười sáu tuổi. Bạn bè ai cũng quả quyết chị nầy mượn đường sang Mỹ, chờ đến khi có quốc tịch rồi thì sẽ tung một chưởng cho anh văng ra ngoài sau khi đã thâu tóm hết tiền bạc. Nhưng sai bét. Sang đây, chị miệt mài làm việc, bao nhiêu tiền lương giao hết cho chồng, ông tự do muốn đi đâu, làm gì chị không hề thắc mắc. Họ đã sống với nhau thật vui vẻ, hạnh phúc hơn chục năm rồi. Anh chồng cũng không ngờ cuộc đời mình lại may mắn đến thế. Có thể do tính tình chị cởi mở, thoải mái, không coi trọng tiền bạc.

– Ðúng như chị Châu đã nói khi nãy, tiền bạc là huyết mạch của cuộc sống nhưng đừng để nó là yếu tố an bài cho sự bất hòa hay êm ấm của gia đình. Cả hai cần phải tin tưởng nhau và có quyết định hợp lý trong vấn đề này. Vợ chồng đứa em út của tôi có kế hoạch phân chia trách nhiệm tài chính rất tốt. Sau khi cưới nhau, tụi nó mở một trương mục chung. Mỗi tháng, mỗi đứa bỏ vào ngân hàng tám mươi phần trăm tiền lương của mình để trang trải các chi phí trong gia đình. Còn lại hai mươi phần trăm giữ riêng cho nhu cầu cá nhân mỗi người, muốn tiêu xài thế nào đối phương không được thắc mắc.
Tôi thấy cách này hay nên bắt chước. Nhờ đó, chúng tôi rất thoải mái khi cần giúp đỡ người thân của mình mà không làm phiền đến “hàng xóm”. Nhất là có thể mua quà tặng cho “hàng xóm” bằng tiền riêng của mình. Lãng mạn mà lại không xâm phạm đến ngân quỹ chung có thể khiến vợ chồng bất hòa.

– Có khi nào chị tò mò muốn xem quỹ riêng của đối phương đầy hay vơi không?
Chị Hiền ngửa cổ cười thoải mái :
– Tôi muốn biết quá đấy chứ nhưng đã lỡ hứa là phải giữ đúng lời cam kết nên không dám tọc mạch. Có điều tôi biết chắc là túi của ổng đầy hơn túi của tôi vì quanh năm ông chẳng mua sắm gì. Thôi thì để ông cất giữ phần riêng đó đi. Giả sử ổng có đi thăm tổ tiên trước thì tất cả tiền bạc cũng thuộc về tôi và tôi được toàn quyền cho “Dượng nó” hưởng. Ha!ha!!!!

Bạn thân mến,

Chuyện tiền bạc riêng, chung của những cặp vợ chồng trong thời đại này thì có nhiều cách khác nhau. Không thể nói cách của cặp nầy tốt hay cách của cặp kia xấu. Không ai nghĩ lập gia đình như lập công ty mà trong đó vợ hay chồng là đối tác kinh doanh. Vì tình yêu, người nam và người nữ kết hợp với nhau, cố sức làm việc để có đầy đủ điều kiện chăm lo, nuôi dạy con cái, cùng nhau tạo ra những phương tiện để phục vụ cuộc sống qua việc mua sắm tiện nghi vật chất, đem đến niềm vui cho gia đình qua những chuyến du lịch và các cuộc giải trí lành mạnh. Xa hơn nữa là tích luỹ cho tương lai đến ngày vợ chồng về hưu nghỉ ngơi.

Người viết nghĩ rằng, cách tốt nhất là vợ chồng nên đồng thuận trong việc quyết định giao tiền cho người có đủ khả năng quản lý và đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết của gia đình. Ngày nay, có rất nhiều bạn trước khi kết hôn đã có tài sản hoặc những khoản nợ, do đó vợ chồng phải công khai tài chánh để lập kế hoạch giải quyết và định hướng cho tương lai. Người giữ túi tiền cho gia đình tốt nhất, là người hiểu rằng “Mặc dù tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng nó chắc chắn cho phép bạn lựa chọn hình thức đau khổ theo ý mình”

Và “Tiền bạc cũng giống như tình yêu, nó sẽ giết chết từ từ và đau đớn cho những người cứ giữ khư khư nó bên mình và ngược lại, sẽ làm cho những ai biết sử dụng nó một cách khôn ngoan được hạnh phúc.”

Đặng Hiếu Sinh