Xe “bánh mì thịt nguội”

hoànglonghải

“Có phải Em là người không bao giờ tôi gặp,
Mới là người tôi ấp ủ trong tim”
(Tôi tìm em, – Tạ Hữu Thiện)

Gởi Phạm Quang Chiểu, bạn tù

Tôi “rửa lon”, – chuẩn úy lên thiếu úy – nhằm Tết Trung Thu, đành bấm bụng mà đãi mấy xếp bánh Trung Thu và uống Champagne.
Dĩ nhiên, ngoài mấy ông lớn, không có đám “đệ tử” của tôi, là mấy hạ sĩ quan, binh nhất, binh nhì làm chung phòng. “Đệ tử” cũng không ai dám lai vãng ở câu lạc bộ, khi thấy mấy ông lon lá đầy mình tập trung ở đó.
Tối đó, nhằm phiên “sĩ quan trực”, xuất hiện ở phòng trực xong, tôi xuống câu lạc bộ, uống càphê với “lính lác”, cùng trực với tôi.
Trời chạng vạng, Hạ Sĩ Đảnh tới. Anh chàng tài xế nầy là người thường lái xe đưa tôi đi công tác Saigon hay các đơn vị phụ cận Saigon. Tôi khoái đi với tài xế Đảnh, nhắm chừng, anh ta cũng khoái lái xe cho tôi đi. Có lẽ vì vui!
Chuyện vui thứ nhất là anh ta thường vượt đèn đỏ.
Saigon hồi ấy, cuối thập niên 1970, đèn đỏ không nhiều, nhưng ưa vượt đèn đỏ là cái tính nghịch ngợm của anh ta. Có lần tôi nói: “Coi chừng đụng xe có ngày!” Anh ta bảo, “Chuẩn úy yên tâm. Tài xế ngon lành mà!”
Cũng có lần bị “đệ tử của Cò Dung” (Cảnh Sát Công Lộ) thổi còi, Hạ Sĩ Đảnh dừng xe, xin lỗi: “Tôi phải đi “hỏa tốc”. Ông Trung Sĩ Cảnh sát Công lộ không chịu, đòi lập biên bản, không thì gọi Quân Cảnh tới.
Đảnh nói: “Ông Cò muốn chi cũng được, nhưng tui đi “hỏa tốc”, chậm một chút là “chết cả đám.”
Nói xong, Hạ Sĩ Đảnh lôi trong xe ra một cái phong bì nhà binh, màu rơm, ngoài đóng dấu “HỎA TỐC”, nói:
-“Tui không nói ông cò làm khó, ông coi nè, quả tình tui đi “hỏa tốc”, bắt tui chờ đây cũng được, nhưng làm ơn ký tên vô mặt sau bì thư nầy, để có trễ hạn, tụi có cớ trình với thượng cấp.”
Tưởng thiệt, Thầy Trung Sĩ Cảnh Sát nói: “Thôi anh đi đi, việc quân như… cứu hỏa mà.”
Xe chạy rồi, Hạ Sĩ Đảnh và tôi nhìn nhau cười.
Tôi hỏi:
-“Ông” xài cái mửng nầy bao lâu rồi!”
-“Ông Thiếu Úy Chương bày cho em đó. Ông ấy là “luật sư” bị động viên. Gặp đèn đỏ, ông bực mình, ông bày mưu vượt đèn đỏ cho lẹ.”
Tôi cười:
-“Bác sĩ dạy người ta vệ sinh, nhưng bác sĩ ở dơ thấy mẹ! Luật sư thì bảo vệ luật, nhưng ưa làm chuyện phạm pháp. Buồn cười thật!”
Không ít lần tôi đi công tác ở Chợ Lớn, “ma chay” mà, nghĩa là vô tận nhà tử sĩ, vô hẽm quẹo hai ba lần mới tới, để rồi “Báo tin người tử trận cho thân nhân”. Thanh niên Ba Tàu có cái lạ, một là vô cùng nhát gan, chạy chọt khỏi đi lính hay làm “lính ma lính kiểng”. Còn tình nguyện thì đi thứ dữ: “Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Cọp Ba Đầu Rằn, v.v… Tôi phải đến “gia đình tử sĩ” không ít lần, sau khi lo cho thân nhân đâu đó xong xuôi, mới an tâm, có dư chút thì giờ mà “nghịch ngợm”. Thầy trò tôi, “ham vui”!
Chợ Lớn không thiếu con gái Tầu, đẹp hay không, không cần biết, nhưng “lạ”. Nhìn là biết ngay “gái Tầu”.
Có hôm tôi hỏi Đảnh – Đảnh sinh đẻ ở Chợ Lớn, nhưng cha mẹ thì Tầu “rặc”. Ba Đảnh còn nói được chút ít tiếng Việt, còn mẹ anh ta thì “mù câm”, nói chuyện với người Việt, thường phải có “thông dịch viên”:
-“Muốn chọc mấy con nhỏ nầy thì nói sao mậy?”
-“Thì “ông” cứ nói “ngộ ái nị”. Đảnh trả lời!
-“Ngộ ái nị” là tôi yêu cô?” Tôi lại hỏi.
-“Đúng rồi!” Đảnh nói.
Tôi cười, nói:
-“Nó chưởi cho mà nghe!”
-“Không đâu – Tụi nó hiền lắm! Có đứa nó nhăn răng cười lại nữa. Ông cứ chọc đi cho vui.”
Nghe lời Đảnh, tôi diễn cái trò “Ngộ ái nị” nhiều lần; cũng vui. Mấy cô Tầu Chợ Lớn đang đi bên lề đường hẽm, bỗng thấy một sĩ quan ngồi trên xe Jeep, ngoái cổ ra nói vậy, họ ngạc nhiên. Thường cúi mặt tiếp tục đi, e thẹn; có cô trố mắt nhìn, ngạc nhiên; có cô cười tủm tỉm.
“Cầm dao lâu ngày đứt tay”. Mẹ tôi dạy như vậy, nên có hôm tôi bị “tổ trác”.
Đúng ra, tôi không nên nói câu ấy với cô nàng nầy. Trông qua, thấy hơi khác, không phải cách ăn mặc như gái Tầu Chợ Lớn, nhưng vì quen thói, tôi nói bừa: “Ngộ ái nị!”
-“Phải không đó! Tôi không phải Tầu đâu nhá.”
Tôi tái mặt, nói với Đảnh: “Dọt lẹ! mầy! Không phải Tầu.”
Hai chúng tôi lại cười ngất nga ngất ngưởng. Không lo. Cô ta đi bộ, chúng tôi đi xe, làm sao cô ta theo kịp mà chưởi chúng tôi.
Tối đó Đảnh cùng trực với tôi, anh tìm tôi ở câu lạc bộ. Đưa cho tôi ổ bánh mì nguội gói giấy báo, Đảnh nói:
-“Tui mua ổ bánh mì mừng ông thầy lên lon.
Tôi hỏi:
-“Uống càphê hay bia, tui đãi ông?
-“Một càphê đá”, Đảnh gọi vào bếp. Thấy tôi đang bẻ đôi ổ bánh mì, Đảnh nói:
-“Ông thầy ăn hết đi. Đừng bẻ cho em.”
-“Ngon không mầy?” Tôi hỏi.
-“Ngon lắm!”
Dù mới ăn cơm chiều ở nhà xong, tôi vẫn ăn hết ổ bánh mì thịt nguội. Tôi khen ngon.
Đảnh nói:
-“Thiếu úy biết xe bánh mì nầy không? Khi nào đói, ghé lại mua mà ăn!”
-“Ở đâu?” Tôi hỏi.
-“Ngã năm Chuồng chó” này nè! Xe nầy mới xuất hiện hơn tháng nay. Người ta mua đông lắm. Cô bán hàng cũng… đẹp. Ra trễ là hết hàng.” Đảnh ca tụng xe bánh mì.
-“Để tui ghé lại coi!” Tôi nói.
Đảnh chọc quê tôi:
-“Mua bánh mì chớ không phải nghía cô chủ đâu nhé! Tranh không lại đâu!”
-“Tui chưa vợ mà “ông”, hơn thua cũng phải lo kiếm vợ chớ!” Tôi vừa nói đùa vừa cười.
“Ngã Năm Chuống Chó” nằm ngay trên đường tôi đi/ về mỗi ngày. Bên kia ngã năm là “Trại Cẩu Cẩu”. Chúng tôi nói đùa như thế thay cho cái tên “Trại Quân Khuyển”; bên nầy là “Xe Bánh Mì Thịt Nguội”.
Cái xe thì cũ, chủ nhân thì mới. Để tiết kiệm, chắc người chủ mua lại cái xe của ai đó.
Khoảng 6 giờ chiều, trời mùa hè, còn sớm, cái xe bánh mì đã xuất hiện với hai hoặc ba người bán hàng: Một người đàn bà lớn tuổi, có lẽ là mẹ, – Tôi đoán đúng, sau nầy tôi nghe hai cô con gái cùng bán gọi bằng má. Dáng dấp của bà, trông có vẻ là một cô giáo hay công chức, thư ký, không phải là người lao động chân tay. Hai cô gái thì một cô là chị, 17 hay 18 tuổi, không đẹp, nhưng nhìn vào biết ngay là người phúc hậu, – giống mẹ – và cô em, 14 hay 15 tuổi gì đó. Tuổi nầy thì dành cho mấy anh sắp tốt nghiệp trung học hay mới vô đại học. Tuổi tôi thì phải “chọc” cô chị mới xứng đôi. “Nồi nào úp vung nấy”.
Ban đầu, chiều nào tôi cũng ghé mua bánh mì. Trên đường vô trại thì đem vô trại ăn. Trên dường về nhà thì mua về nhà, ai ăn thì ăn. Mua bánh mì là cái cớ để “ngó” cô chị. Trước khi cầm ổ bánh mì lên xe, bao giờ tôi cũng tần ngần, hay giả bộ tần ngần. Khi nào đông khách, cô chị mới không thấy cái vẻ “đi không đứt” của tôi. Khi vắng khách, dĩ nhiên cô ta thấy mà thấy rõ nữa. Tôi đóng kịch hay lắm, hồi còn đi học, văn nghệ hay lửa trại, thế nào cũng có màn kịch hài của tôi và bạn học.
Có lần tôi còn lục ví kiếm tiền, giả bộ “sĩ quan nghèo”. Bọn con gái mới lớn, hay thương người nghèo, như “Gia Huấn Ca”: “Thấy người đói rách thì thương.”
Sau lần tôi diễn trò “sĩ quan nghèo” đó, cô chị nói: “Từ nay, mỗi lần, Hạnh bớt cho thiếu úy một đồng một ổ.” Tôi mừng! Thế là cô ta “trung kế” của tôi. Sau đó, tôi tìm cách hỏi chuyện khi vắng khách. Mua hơi trễ thường vắng khách:
-“Hạnh có nghĩ tên Hạnh thì được hạnh phúc không?”
-“Sao lại không? Hạnh là tiếng trước của Hạnh Phúc mà!” Cô ta trả lời, với một sự tin tưởng mạnh mẽ, lộ trên mặt.
-“Xin lỗi!” Tôi nói. “Tên cô làm tôi nhớ cái chuyện ngắn “Hạnh” của Khái Hưng trong “Hai Buổi Chiều Vàng.”
Mặt cô ta xịu xuống. Có lẽ cô ta đã đọc truyện ngắn đó. Chương trình Việt Văn lớp Đệ Nhị phải học “Tự Lực Văn Đoàn””.
Thấy vậy, tôi nói, giọng hơi hốt hoảng:
-“Chết! Tui vô ý quá, xin cô đừng buồn. Nhưng cái truyện ngắn nó ám ảnh tôi dữ lắm, tôi thấy thương những người tên Hạnh. (Phần nầy tôi nói hơi chậm lại một chút, ít ra, cô ta phải nghe rõ mấy tiếng “Tôi thấy thương những người tên Hạnh). Xong, tôi lại rối rít xin lỗi một lần nữa, rồi vội vàng cầm ổ bánh mì lên xe dọt mất.
Làm như vậy là “đúng bài bản đấy”. Mình gây cho người ta một ấn tượng gì đó, rồi vội vàng xin lỗi mà dọt lẹ. Chắc chắn, người đó không thể không nghĩ về mình: Ghét, thương, giận, vui…
Cái gì cũng được, nhưng phải để lại một ấn tượng. Đó là “nghệ thuật cua gái”, nhiều nhà văn, nhà thơ hay dùng đòn phép nầy! “Nghệ thuật” nầy, tôi “học lóm” bên Pháp, khi tôi học luật bên ấy, do một số bạn bè qua Tây “truyền nghề” lại cho. Con gái Paris đẹp, dễ “cua”, nhưng phải có “nghệ thuật”. “Nghệ thuật” nầy có từ lâu đời của dân Paris chính hiệu.
Tối hôm sau, tôi lại ghé mua bánh mì!
Hạnh làm bánh mì cho tôi, sau khi chào tôi qua loa. Tôi đoán chừng trong lòng Hạnh cũng “đánh lô-tô” đấy. Vẻ bình tình bên ngoài, tố cáo những ngọn sóng trong lòng. “Đưa người ta không đưa sang sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Thâm Tâm bảo có sông mới có sóng. Ở “Ngã Năm Chuồng Chó” nầy, làm gì có sông, nhưng chắc cũng có “sóng trong lòng” đó.
Tôi lại đóng kịch như các hôm trước, tay cầm ổ bánh mì, chân “rời rả” đi ra chỗ dựng xe. Bỗng tôi nghe Hạnh gọi tôi: “Thiếu úy!” – Tôi dừng lại chờ đợi. Hạnh nói: “Thiếu úy muốn nói chuyện với Hạnh, mai mốt đến giờ nầy hay trễ hơn một chút.”
Bấy giờ tôi mới để ý thấy trước xe bánh mì không còn khách.
Tôi quay lại, nói, trầm tỉnh: “Thế nào rồi tôi cũng đi xa. Nếu Hạnh và tôi có nói gì đôi điều với nhau, cũng là một kỷ niệm.”
Hạnh nhìn tôi, hơi ngạc nhiên, vì câu tôi nói: “Tôi cũng đi xa”. Tôi cúi đầu chào Hạnh, miệng lí nhí: “Tối mai tôi lại ra mua bánh mì.”
Trong chiến tranh, gia đình nào cũng có nhiều điều lo lắng. “Em nghĩ tới một điều em không dám nghĩ, nghĩ tới một người đi giữa chiến tranh”. Tô Thùy Yên hay Trần Thiện Thanh nói vậy, hát vậy. Đối với những gia đình có người thân ngoài tiền tuyến, có bao giờ hết lo lắng.
Gia đình Hạnh là gia đình cố cựu, một “tiểu công chức” của đất Gia Định nầy. Thân phụ cô làm ở Ty Bưu Điện. Mẹ là cô giáo tiểu học. Nguồn gốc chắc cũng không phải là nghèo. Ngôi nhà họ đang ở, tuy là nhà cũ, ba gian, hái chái, lợp ngói âm dương, trong một khu vườn có trồng nhiều cau, bên cạnh đường Lê Quang Định cũ, là cái nét chung của những gia đình cố cựu khá giả nơi nầy.
Nếu không có chiến tranh, gia đình nầy có thể sống no ấm, êm đềm. Tuy nhiên, một phần vì xã hội phát triển, con cái cần phải tốt nghiệp đại học, nên chi tiêu gia đình tăng lên. Đó là điều vất vả thứ nhất cho cha mẹ.
Thứ hai, gia đình Hạnh lại chỉ có một con trai cả, tiếp sau là ba em gái, Hạnh là chị gái lớn nhứt. Anh của Hạnh, Luận, đang học Luật, bỗng nhiên tình nguyện nhập ngũ. Từ khi Luận vô quân trường, cho đến khi anh ra đơn vị đóng ở Bình Định, sợ con không đủ sống vì tiền lương nhỏ, ba má Hạnh phải lo “tiếp tế” cho con trai. Gánh nặng tài chánh, đã nặng, lại nặng thêm. Ba má Hạnh, nhất là bà mẹ, phải vất vả. “Xe Bánh Mì Thịt Nguội” nầy xuất hiện, là cái mục đích kiếm thêm tiền cho gia đình và cho cậu con trai đang ở ngoài chiến trường.
Ba Má Hạnh thương con trai, dĩ nhiên, vừa là con trai độc nhứt, lại vừa “đang ở lính”. Hạnh và các em Hạnh cũng rất thương Luận; anh trai mà! Đứa con gái nào lại chẳng muốn có một người anh trai, mà Luận thì vui tính, hay chọc ghẹo cho các em gái cười. Hạnh nói: “Anh ấy đi lính rồi, nhà trống trải lạ lùng. Nhiều khi đi học về, không thấy ảnh, muốn khóc luôn.”
Tôi hỏi: “Ở nhà ổng quậy dữ không?”
-“Cũng có, nhưng mà vui thôi. Đám bạn Hạnh, không cô nào không bị anh ta ghẹo. Ghẹo nhưng lịch sự lắm. Con nhỏ nào cũng nói “Ghét anh mầy ghê!” Nhưng ảnh đi rồi, con nào cũng hỏi thăm, hỏi hoài. Anh là người vui tính, đem nụ cười lại cho tụi nó mà!”
-“Bồ nhiều không?” Tôi lại hỏi.
-“Anh ấy mà yêu ai! mà ai chịu ảnh được, ngoài bọn em gái ảnh.”
-“Không yêu ai?” Tôi hỏi.
-“Hình như ảnh nghĩ ảnh sẽ đi lính, nên không muốn “dây dưa”.
-“Tại sao lại cứ nghĩ chuyện đi lính. Con trai độc nhứt. Cha mẹ già 60 tuổi, có điều kiện mà! Bộ ưa làm ông tướng chắc!” Tôi nói, như có vẻ cằn nhằn.
-“Đừng nói vậy” Hạnh nói – “Nghe được, ảnh buồn đó! Ba má Hạnh chưa tới 60 tuổi, mà ảnh thì hình như có cái máu “Nam Bộ Kháng Chiến”, ngày trước thì người ta hăng hái chống Tây, ngày nay thì hăng hái chống “ngoài kia xâm lăng” mình. Thiếu úy nhớ Lục Văn Tiên không?”
Tôi đọc: “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!” Rồi tôi nói tiếp: “Đúng rồi! “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” mà làm chi!”
Mấy hôm sau, lại trúng phiên trực. Ký tên vào sổ trực ở “Phòng Trực”xong, tôi lại xuống câu lạc bộ, tay cầm hai ổ bánh mì, một cho tôi và một cho Đảnh. Hạ Sĩ Đảnh thường trùng phiên trực với tôi.
Chúng tôi hai người cầm hai ổ bánh mì mà “ngoặm”, Đảnh hỏi:
-“Dính chưa?”
-“Dính gì mầy?” Tôi hỏi.
-“Cô bán bánh mì đó!” Đảnh trả lời.
Tôi cười:
–“Thưa rằng đừng lấy làm chơi!” Con nhà đàng hoàng đó mậy! Không giởn mặt được đâu!”
-“Em có nói “ông thầy” giởn đâu. Cô ta con nhà đàng hoàng. Còn ông thầy bộ không là gì chắc? “Môn đăng hộ đối” chớ gì nữa.” Đảnh nói.
-“Thôi! “Lỡ khi mình không về, thì thương người…” Tôi cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện của Luận, do Hạnh kể lại nên trả lời bằng cách đọc câu thơ của Hữu Loan.
-“Ông nói cười không! Học luật bên Tây về, làm việc ở “Bộ Chỉ Huy”, làm sao ra tác chiến. Chữ “thọ” to tổ bố mà còn…”
Tôi không trả lời Đảnh!
Tốt nghiệp ở bên Tây, “Me” tôi bảo đừng về, về là bị gọi động viên. Ba tôi không nói gì cả. Về chưa bao lâu thì tôi nhận lệnh gọi, vào quân trường.
Máy IBM cũng lạ. Cũng như mọi người, tôi cứ nghĩ là tôi sẽ trình diện Nha Quân Pháp, hay ít ra cũng “Quân Cảnh”. Vậy mà tôi lại “đi Thiết Giáp”, học lái xe “tăng” M-41, Thiết vận xa M-113, V.100, học bắn đại bác, đại liên, đội hình tác chiến, di hành, hộ tống, lội nước…
Có lần Đảnh hỏi tôi: “Học đại học bên Tây, trường ốc to lớn đẹp đẽ, bộ không hơn chui vô xe học lái M-113 hay sao?”
Tôi cười:
-“Do mình thích hay không thích. Sinh viên mà học đại học bên Tây thì còn gì bằng. Còn như học lái xe “tăng”, cũng có cái vui lắm chớ. Ngồi trên M-113, lõ mắt ra mà tìm một nơi cho xe xuống nước mà không bị mắc lầy. Ra giữa sông lại hồi hộp, qua bên kia cầu Rạch Chiếc, tìm chỗ để lên cho gọn, cũng thú lắm chớ. Nó cho mình những cái cảm giác lo lắng, hồi hộp, căng thẳng…”
Đảnh cười:
-“Ông thầy đúng là người ưa cảm giác. Em thì nhắm làm liều cho xong, chớ có thú vị gì đâu!”
Tôi nói:
-“Ông” nói vậy là không đúng đâu. hồi học trung học, tui cãi với ông thầy khi ông nói: “Cầm dao giết người, người ta cũng thấy cái thi vị của nó”. Sau, học lên nữa, tui thấy ông thầy có lý. Ông “Tự vệ Việt Minh” thấy khoái khi cầm mã tấu chặt đầu một người mà anh ta cho là “Việt Gian”. Trong Thập Tự Chinh, người Tây cũng thích thú giết một người Hồi Giáo. Tụi “ba K” cũng thấy sướng khi đốt nhà người da đen.”
Tôi phải giải thích thêm cho Đảnh các ví dụ trên vì trình độ học vấn Đảnh không cao.
Nghe những chuyện lịch sử như tôi kể, Đảnh thích tôi lắm.
Tôi học tà tà, miễn xong thì thôi. Ra trường đậu trên trung bình, chọn đơn vị xong, lại có sự vụ lệnh về trình diện Bộ Chỉ Huy, do một động cơ có “mùi nhang trầm thứ thiệt”. Ông Tướng Vùng quen thân với ba tôi, sợ tôi “Tổ Quốc Ghi Ơn” bèn gọi về “Đơn vị không tác chiến”.
Về đây, tôi “đụng” ngay một chuyện làm tôi hơi chột dạ. Hôm lên trình diện Đại Tá Tham Mưu Trưởng, ổng nói, rất từ tốn, như bản tính của ông vậy: “Mình ở đây, không tác chiến, không cần phải đeo “lon” ngụy trang chuẩn úy à!”
“Lon” ngụy trang là “lon” màu đen. “Lon” thông thường là màu đồng.
Trong hai năm phục vụ ở đơn vị không tác chiến, tôi cứ “lấn cấn” hoài. Ở đây, từ các ông sĩ quan già lon nhỏ cho đến các sĩ quan “lon” to, “lon” nhỏ, ông nào cũng phải ít ra hai năm ở “đơn vị tác chiến” mới về đây. Có ông “đánh đấm triền miên”, “thừa sống thiếu chết”, “sẹo đầy mình”. Vả lại, tôi còn trẻ, còn thanh niên, suốt ngày dạ, dạ, thưa, thưa mấy ông lớn… mệt lắm, vì ở đơn vị chỉ huy, ông lớn thì nhiều mà ông nhỏ thì ít. Quanh đi quẩn lại, lon lá như tôi, đếm chưa đủ năm đầu ngón tay.
Thế rồi một đơn vị mới, – cấp trung đoàn -, được thành lập, vùng hoạt động là quanh Saigon hoặc rộng hơn chút ít, không phải đi xa. Ông Thiếu Tá Trưởng Phòng Nhân Viên, biết tính tôi, hỏi: “Sao? Ưa ở đây hay ra Thủ Đức. Đơn vị đóng ở Thủ Đức đó!”
Tôi giấu Ba Me tôi, và tôi xin đi! Đơn vị đóng ở Thủ Đức, cũng đi đi về về Saigon, tuy ít về hơn. Ba Me tôi không hay biết gì cả.
Tôi ghé vào Xe Bánh Mì gặp Hạnh, nói: “Còn gặp Hạnh nhiều lần nữa, nhưng không phải mỗi ngày. Tôi lên Thủ Đức.”
Hạnh nói:
-“Anh Hai mấy lâu nay không về phép. Có anh, Hạnh nói chuyện cho vui. Nay anh lại đi rồi…”
-“Đành vậy! Biết sao! Tôi cũng như anh của Hạnh vậy, đàn ông con trai mà! Đâu chịu ở yên!”
-“Đàn ông con trai”! Tiếng ấy nghe sao mà buồn vậy, cứ bỏ đi xa hoài, hết người nầy đến người khác.
Tôi cứ tưởng đơn vị còn đóng ở Thủ Đức lâu. Công việc tà tà, hành quân tà tà, khỏe chán!
Ai ngờ!
Bỗng “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Nhân “Ngày Quân Lực 19 tháng 6”, Tổng Thống ra lệnh, ba tháng phải chiếm lại “Cổ Thành Quảng Trị”. Toàn bộ đơn vị tôi chuyển ra Trung, tăng cường cho “Chiến Trường Trị/ Thiên”, xe lớn, xe nhỏ xuống Vũng Tầu, lên tầu thủy ra Đà Nẵng, từ Đà Nẵng ra Huế rồi chia nhỏ, yểm trợ cho các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang tiến chiếm Cổ Thành. Vậy là không những hành quân “mút mùa Lệ Thủy” như các đơn vị bạn mà chiến trường thì mù mịt khói bụi, cát bay, núi lỡ…
Tôi triền miên theo đơn vị. Con đường thì không dài, chỉ 60 cây số từ Huế ra Quảng Trị mà xe tăng đi chậm dữ: từ 19 tháng 6 đến 16 tháng 9 mới tới nơi, cũng may, chưa tới ba tháng như Tổng Thống ra lệnh.
Dĩ nhiên, sau chiến công, tôi được ông Trung Tá đơn vị trưởng gọi lên. Ông bảo:
-“Cậu về phép, một tuần.”
Tôi cãi:
-“Em có xin phép đâu!”
-“Tôi biểu cậu đi phép thì cậu đi đi!” Ông Trung Tá hơi to tiếng.
Tôi làm thinh. Hiểu rồi. Ba Me hay bạn bè Ba Me “vận động” đây. Hôm sau, tôi thay bộ đồ nhà binh còn ngon lành, lên ban chỉ huy nhận giấy phép. Ba tháng hành quân liên tục, tìm được một bộ đồ ngon lành, không dễ đâu; khác với hồi còn ở Saigon.
Ông Đại Úy Chi Đoàn Trưởng Chỉ Huy Công Vụ nói với tôi: “Tôi xin máy bay rồi đấy! Tôi cho xe đưa thiếu úy đi Phú Bài, tới ban Chuyển Vận, đưa giấy phép ra là có máy bay.
Về tới Saigon lúc gần nửa đêm, tôi nhờ xe quân sự, ra Saigon rồi đi taxi về nhà, “gặp Ba Me và các anh chị em”.
Nghỉ xã hơi hai ngày, tôi lấy xe hơi của ba tôi, về thăm bạn bè, lính lác ở đơn vị cũ.
Đang lái xe trên đường Lê Quang Định, qua khỏi Xóm Gà, tôi thấy một “cô nường” đang chạy xe PC bên đường. Cô gái có thân hình khá đẹp, eo ót rõ ràng. Qua khỏi cô ta, tôi nhìn lại. Té ra Hạnh. Đầu cô bịt khăn tang. Tôi tấp xe vô bên đường, mở cửa xe bước ra, chờ cô ta tới, kêu to: “Hạnh!”
Cô ta dừng lại, hai tay cầm ghi-đông, cúi đầu xuống rồi… khóc nức nở. Hạnh khóc giữa đường làm tôi hết sức bối rối. Chưa kịp hỏi cô ta để tang cho ai thì cô ta nói, cùng tiếng khóc: “Anh Hai em tử trận rồi.”
Tôi tưởng như trời sập! Thương Hạnh quá!
Hết sức xúc động, tôi để tay tôi trên bàn tay cô còn ở ghi-đông xe: “Chia buồn! Anh thành thật chia buồn. Cái điều mà mình lo, mình sợ, cuối cùng rồi cũng tới!”
Bỗng dưng tôi nhận ra một điều. Không như trước kia, cô ta xưng tên, bây giờ, cô ta xưng “em”. Còn tôi thì buột miệng xưng “anh”. Không biết cô ta có nhận ra điều đó không!
Tôi mời Hạnh vào cái quán sinh tố bên đường. Hai người uống hai ly. Muốn hỏi thăm mà không biết hỏi chuyện gì. Hỏi về anh Hai, sợ làm cô ta khóc, đành hỏi bâng quơ cha mẹ, thăm sức khỏe… rồi cũng chẳng biết nói gì hơn, bối rối quá!
Tôi vốn là người, như me tôi nói: “Lanh mồm lanh miệng”, vậy mà tôi không biết hỏi hay nói cái gì. Chữ nghĩa, ý tưởng bỗng dưng trốn đâu mất biệt khỏi trí óc tôi. Hạnh cũng vậy, cô ta cũng không nói gì, ngoại trừ câu: “Anh Hai chết rồi, má em bỏ bán bánh mì, không cần việc ấy nữa.” Tôi biết, bán bánh mì là để kiếm thêm tiền cho con trai. Nay con trai qua đời rồi thì Má Hạnh dẹp xe bánh mì là đương nhiên. Nghĩ thì nghĩ vậy, mà nói thì không nói được.
Rồi tôi và Hạnh chia tay. Hạnh cho địa chỉ nhà, tôi đến thăm một lần. Không khí trong nhà buồn bã vì người con trai tử trận chưa lâu. Bàn thờ có hình Luận, có nhang đèn thắp sáng, nhưng sao mà âm u quá vậy?! Ba má Hạnh chào hỏi xong, để tôi và Hạnh ngồi nói chuyện với nhau.
Bây giờ thì buổi chuyện trò bớt buồn hơn, nhưng tôi cũng không dám đi xa hơn về tình cảm giữa tôi và Hạnh. Người ta đang buồn, sợ nói ra… lạc đề, đợi có dịp về phép nữa, bày tỏ mấy hồi, tôi nghĩ vậy. Rồi tôi kể vài chuyện đánh giặc, suýt chết ở ngoài Trung. Hạnh thì kể chuyện được bổ làm giáo sư ngay tại Gò Vấp, sau khi đậu tú tài.
Một tuần lễ ngắn ngủi trôi qua, chưa kịp thăm Hạnh lần thứ hai thì… hết phép. Tôi xin máy bay trở về đơn vị ngoài kia, hy vọng có kỳ nghỉ phép kế tiếp sẽ về Saigon, lại đến thăm Hạnh.
Mọi việc không như tôi hy vọng. Sau Hiệp Định Paris 73, phía Cộng Sản vi phạm hiệp định liên tục, “lấn đất giành dân”. Tôi bị ông Trung Tá đơn vị trưởng gọi liên tục, đi theo ông, góp ý với ông, khi hai phe tranh cãi việc vi phạm hiệp định. Đến khi Cộng Sản Bắc Việt “tổng tấn công” vào đầu năm 1975, thì đơn vị tôi được lệnh rút, từ Diên Sanh, Quảng Trị về Thuận An, Thừa Thiên và “tan hàng” ở đó. Tôi theo đám tàn quân đi dần về Nam, rồi vô trại cải tạo. Cấp bậc trung úy, chức vụ: Chi Đoàn phó, tương đương với 5 cuốn lịch tù.
Khi tôi đi tù về thì mọi sự … đều tan hoang. Ba tôi qua đời khi tôi mới vô tù được hai năm. Tôi không về chịu tang cha được. Me tôi và các anh chị em đều… vượt biên, định cư ở Mỹ.
Không đến nỗi đói khổ như các bạn tù khác, tôi sống tà tà và không có tương lai. Và dĩ nhiên, tôi tìm về nhà Hạnh ở Gò Vấp. Nhà đã đổi chủ, người mới là hai ông bà cán bộ Bắc Kỳ. Gia đình Hạnh nhờ một cơ may nào đó, di tản vào những ngày cuối cùng, khi miền Nam còn thoi thóp.
Tôi cũng như nhiều người, ra Sở Ngoại Vụ, lo việc “đi HO”. Điều buồn cười là bản thân tôi có “nhiều vé trống”. Điền tên ai vô bây giờ cho người ta đi cùng.
Bấy giờ thì tôi cũng đã già. Bên Tây về, tôi cũng đã quá tuổi 25. Bao nhiêu năm lính, bao nhiêu năm tù qua đi. “Sáu mươi năm cuộc đời”, tôi đã “xài” mất 40 năm. Hai mươi năm còn lại, đâu còn bao nhiêu, để “yêu ai”! Tình yêu chỉ là khi còn trẻ thôi, như khi tôi gặp Hạnh, mà vì chiến tranh, “Kỷ kiến hữu nhân hồi”, tôi cũng như Luận, anh của Hạnh, còn không nghĩ tới chuyện yêu nữa, huống chi bây giờ. Đôi khi chải tóc, tôi thấy có lắm sợi bạc rồi. Có thể vì đời tù gian khổ mà tóc mau bạc, mà cũng vì bốn mươi rồi còn gì!
Thế rồi một người bạn học, mà cũng là đồng ngũ, “đồng tù” nói với tôi: “Mầy lấy con Nhung đi. Chồng nó tử trận hồi 1974, để lại hai đứa con. Nhà nó nghèo, buôn bán tất tả nuôi con. Cứu ba mẹ con nó, còn hơn mầy xây cả chục cái chùa mầy à!”
Tôi ừ! Không chần chờ, không suy nghĩ, không vì Nhung đẹp hay xấu, không vì Nhung già hay trẻ. Tôi cho việc làm nầy còn hơn Me tôi đi chùa cả đời Me nữa.
Và rồi tôi dắt ba mẹ con lên máy bay đi Mỹ, tôi vui như mọi người, với một “gia đình nhỏ”. Gặp Me ở Mỹ, chắc Me tôi cũng… ngạc nhiên vì tôi có vợ và có… hai con. Riêng về tôi, ở một góc nhỏ nào đó trong trái tim tôi, vẫn là hình ảnh của Hạnh, một người tôi yêu nhưng chưa bao giờ nói với nhau tiếng “Yêu”!