Thưa Chị Trang Đài,
Để có thể mang theo đứa con gái 15 tuổi khi xuất cảnh diện đoàn tụ đại gia đình, em bắt buộc phải làm giấy ly dị người chồng mà em mới tái giá được ba năm ở Việt Nam.
Tuy vậy, vì hai đứa em vẫn thương nhau thật lòng nên trước khi ra đi, em đã âm thầm làm hôn thú trở lại với anh ấy. Qua tới Mỹ, em may mắn có điều kiện hội nhập tốt nên cuộc sống tương đối sớm ổn định và em đã khởi sự làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh gởi về cho chồng. Anh ấy xin được xuất cảnh với chính phủ trong nước nhưng phái đoàn phỏng vấn của chính phủ Hoa Kỳ chiếu theo hồ sơ cũ của em và bác đơn, quy kết vợ chồng em man khai lý lịch. Mặc dầu em có nhờ văn phòng luật sư di trú giúp đỡ nhưng trường hợp tụi em thì hy vọng rất mong manh.
Bây giờ em khó nghĩ quá. Có lúc em đã muốn gởi con gái em nay đã 18 tuổi, học đại học năm đầu tiên, nhờ bà ngoại và mấy dì trông nom giùm để em về Việt Nam. Đại gia đình em tuy không ai trực tiếp can thiệp vào chuyện riêng tư đời em nhưng mẹ em thì không vui, bà muốn em suy nghĩ và cân nhắc kỹ vì theo bà, không ai dễ dầu gì mà tới được nước Mỹ. Hơn nữa, bỏ con gái ở đây, bất cứ tuổi nào, cũng không thể coi là giải pháp đúng cho các bà mẹ. Không có người mẹ thương yêu, chăm chút, dạy dỗ bên cạnh, sau này, đứa trẻ nên hay hư thì ai là người chịu trách nhiệm hay lại đổ tại ông Trời?
Cô ơi, ở hoàn cảnh em, thiệt là đi cũng dở mà ở càng không xong. Hiện nay em vẫn hàng tháng gởi tiền và quà cáp về cho chồng em nhưng lòng cứ lao xao không yên ổn, không biết tương lai của hai đứa rồi sẽ lênh đênh tới đâu nên em bối rối lắm! Hơn nữa, em còn trẻ, có chút nhan sắc, ở đây mới vài năm mà nhiều người theo đuổi, em sợ mình sẽ yếu lòng thì lớp phụ tình người ở lại bên kia, lớp ngại ngùng cuộc đời may rủi khó lường, thế gian thường nói phụ tình thì sẽ gặp tình phụ nên em thật sự không muốn chuyện này xảy ra. Em xin cô góp ý cho em và em muôn vàn cảm tạ.
Ánh Dương
Em Ánh Dương,
Trường hợp em, suy nghĩ và quyết tâm không đủ vì có quá nhiều yếu tố ngoài tầm tay. Chỉ có một lúc xem ra em có thể quyết định điều đúng nhất cho mình thì em đã quyết định ra đi và mang con theo, có lẽ để cháu có một tương lai theo cách nhìn của nhiều bà mẹ trong hoàn cảnh tương tự. Bây giờ, để con lại, nhờ bà ngoại và các dì trông nom cháu giùm, cứ cho là tạm ổn thỏa vì cháu ở tuổi 18, có căn bản học vấn tối thiểu, có thân nhân, quyến thuộc vây quanh nhưng vai trò của một bà mẹ vẫn là cốt lõi và sự lựa chọn của em bây giờ là tất cả trách nhiệm sẽ luôn và mãi còn đè nặng lên tâm can em.
Mặt khác, vợ chồng là duyên số, người trong cuộc chỉ có thể yêu thương và làm hết sức mình chứ không cầu/cưỡng được. Ba năm qua, em đã yêu thương và làm hết sức em, nay chỉ còn chờ đợi. Sự chờ đợi lâu hay mau, có kết quả hay không, tùy thuộc tấm lòng em đối với chồng và ngược lại. Hơn một năm qua, vì dịch bệnh thế giới, sự đi lại giữa các quốc gia khó khăn, thậm chí không thực hiện được, nay tình hình đã khá hơn, em có thể lựa một thời điểm thuận tiện, về thăm chồng hai tuần/một tháng, hỏi han, khuyến khích và cả đo lường lòng nhau nông sâu thế nào, cô tin là thời gian làm việc cho mọi người một cách công minh và thực tế nhất.
Kinh nghiệm của người đi trước, từng trải hơn, cho cô biết bối rối không giải quyết được gì cả nếu không là làm cho tình huống càng mù mịt hơn. Chi bằng như người rơi xuống nước, cứ ngậm miệng, giữ hơi, nương theo con nước mà lúc bơi, lúc thả nổi mình để bảo toàn nội lực và giữ được cảm quan bén nhậy hầu lượng định tình hình.
Trong thời gian mà sự xa cách tạo cho em tâm lý bất an, cô nhắc em một câu nói được nhân gian truyền miệng vì chân lý của câu nói muôn đời đúng dù cuộc đời đổi thay như sân khấu, dù lòng người như cánh diều trong gió lộng: “Cái gì của mình là của mình, mất đi tìm lại như phép lạ. Cái gì không phải của mình thì mình không cách nào giữ được dù rào dậu kỹ tới đâu hay dù năm bảy lần cửa khóa.”
Vậy, em cứ bình tâm. Nếu vợ chồng trái tim đập cùng một nhịp, em không có gì phải bồn chồn, lo lắng ngày đêm. Lợi dụng thời giờ, cơ hội và ưu thế nước Mỹ đang cho em, cố gắng tạo dựng cuộc sống độc lập của hai mẹ con. Một khi em trụ vững, các thứ khác sẽ quay xung quanh em thay vì em chông chênh, xoay thế nào cũng chóng mặt mà chân không bám đất em nhé!
Sau hết, thay vì gửi tiền và gửi quà về Việt Nam nhiều hơn cần thiết, có thể làm nẩy sinh tâm lý ỷ lại và ngay cả cạm bẫy cho chồng, em cần sáng suốt và tự chế vì ngay ở đây, mẹ con em cũng rất cần phương tiện để ra khỏi sự “bảo lãnh” của gia đình không thể kéo dài mãi.
Cảm ơn em đã tin cậy mà viết thư. Chúc em vạn sự may lành và nhiều nghị lực.
Trang Đài