Quân đội Lebanon không can dự xung đột Israel – Hezbollah do lực lượng này giữ lập trường trung lập với Hezbollah và cũng thiếu năng lực quân sự.
Quân đội Israel trong tuần qua liên tục tập kích Lebanon, khiến hơn 700 người chết. Để trả đũa, Hezbollah bắn hàng trăm rocket vào những mục tiêu ở miền bắc Israel và phóng tên lửa đạn đạo vào Tel Aviv. Ngày 28/9, tình hình leo thang khi Hezbollah xác nhận Israel đã hạ sát thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah một ngày trước đó.
Loạt động thái làm dấy lên lo ngại xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel, nhưng cho đến nay, quân đội Lebanon (LAF) chưa có động thái nào đáng chú ý.
“LAF tuân theo mệnh lệnh từ chính phủ, nhưng cấp này đã có sự bất đồng suốt thời gian dài”, Khalil Helou, giáo sư địa chính trị Đại học St Joseph, thủ đô Beirut, Lebanon, nói.
Quốc hội Lebanon gồm đại diện từ các cộng đồng tôn giáo có quan điểm khác nhau. Sự bất đồng khiến họ vẫn chưa thể chọn được người kế nhiệm tổng thống Michel Aoun, đã kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2022, ảnh hưởng đến việc ra quyết sách của chính phủ.
“Quân đội được tự quyết. Bất kể tổng tư lệnh giờ là ai, họ phải tự ra quyết định mà họ cảm thấy phù hợp”, ông Helou bổ sung.
Thực tế, các lữ đoàn LAF được điều động đến miền nam với nhiệm vụ tham gia phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL) tại khu vực, không phải lực lượng chiến đấu. Họ không sở hữu năng lực phòng không để bắn hạ được tên lửa Israel.
Hezbollah về danh nghĩa là thế lực chính trị hợp hiến, hợp pháp của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon. Cánh vũ trang của nhóm hoạt động tách biệt khỏi cơ cấu LAF và được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, nằm trong “trục kháng chiến” chống Israel được Tehran hậu thuẫn.
Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah vốn diễn ra gần như hàng ngày sau khi chiến sự Gaza bùng phát tháng 10/2023. Hezbollah tấn công Israel vì muốn thể hiện sự ủng hộ với Hamas, khiến Tel Aviv liên tục đáp trả.
Đòn tập kích của Israel ngày 5/12/2023 vào tiền đồn ở Al-Nabi Oweida, miền nam nước láng giềng, đã khiến một lính LAF thiệt mạng, ba binh sĩ bị thương. Tuy nhiên, LAF chỉ mô tả đây là “sự cố” và không có thêm thông báo nào khác.
Giới phân tích cho rằng lập trường này nhằm thể hiện LAF không trực tiếp tham gia xung đột, phần nào đảm bảo an toàn cho khoảng 4.000 binh sĩ ở miền nam Lebanon. Israel bày tỏ đáng tiếc, tuyên bố họ không nhắm mục tiêu LAF và mở cuộc điều tra sự việc.
“Quân đội ít nhất cũng phải giải thích rằng họ không đáp trả sau sự việc tháng 12/2023 là vì họ tuân thủ Nghị quyết 1701 và vai trò gìn giữ hòa bình”, theo Helou.
Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an giúp chấm dứt cuộc chiến Israel – Hezbollah năm 2006. Khi đó, Hezbollah đột kích xuyên biên giới khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng và bắt cóc hai quân nhân làm con tin. Israel lập tức mở chiến dịch vào miền nam Lebanon. Trong 33 ngày, giao tranh khiến khoảng 1.200 người chết và một triệu người phải di tản ở Lebanon. Israel ghi nhận hơn 160 người chết và 500.000 người phải sơ tán.
Nghị quyết này thiết lập nên UNIFIL, kêu gọi chính phủ Lebanon và UNIFIL cùng triển khai lực lượng ở miền nam Lebanon, giải giáp các nhóm vũ trang tại khu vực. Hezbollah cũng phải rút khỏi miền nam Lebanon, nhưng lực lượng này chưa thực hiện cam kết.
LAF không thể hiện quan điểm ủng hộ Hezbollah, do họ có thể khiến các bên hỗ trợ tài chính ở phương Tây, Arab Saudi và Vùng Vịnh mất lòng.
“LAF phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài để thay thế và hiện đại hóa các trang thiết bị. Lebanon không có ngành quốc phòng đủ mạnh”, Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), trụ sở Anh, đánh giá hồi tháng 2, khi phân tích quân đội các nước trên thế giới.
Mỹ là bên tài trợ chủ lực cho an ninh của Lebanon. Từ năm 2006, Mỹ đã cung cấp hơn 5,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho Lebanon, trong đó hơn 3 tỷ USD để tăng cường sức mạnh cho LAF, đối phó sự ảnh hưởng của Hezbollah. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Hezbollah vào danh sách “tổ chức khủng bố nước ngoài” năm 1997.
Những thế lực chính trị khác ở Lebanon cũng không quá đau đầu nếu Hezbollah thất bại. Nhưng họ hiểu có những lằn ranh đỏ không được vượt qua. Đó là lý do LAF không cản trở Hezbollah, nhưng cũng không hậu thuẫn lực lượng này.
“Đối đầu Hezbollah là công thức dẫn đến nội chiến một cách tự động và tức thì. Các chỉ huy quân đội hiểu ưu tiên hàng đầu là ổn định trong nước thay vì một cuộc chiến dai dẳng với Hezbollah”, Helou nói.
Trong trường hợp Israel mở chiến dịch lớn vào Lebanon, lực lượng vũ trang nước này sẽ phải đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc đối đầu với quân đội Israel hoặc giải giáp Hezbollah bằng vũ lực, cả hai trường hợp đều phải thực hiện theo cách tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc.