Ông bạn, người một thời đồng nghiệp với tôi hơn hai chục năm, cùng “nhập tịch” Sài Gòn cách nay đã gần nửa thế kỷ, chính xác là 44 năm, chốt lại bằng câu chắc nịch “khen người Sài Gòn có mà khen cả ngày chửa hết”. Đó là những điều từ mắt thấy, tai nghe, lòng cảm nhận trực tiếp sau hơn nửa đời gắn bó với thành phố yêu thương, sôi động và đầy tình nghĩa.
Vẻ đẹp của mỗi thành phố, chẳng riêng gì Sài Gòn, thật muôn hình vạn trạng. Tháng 4-1977 tôi đeo ba lô tuột xuống chiếc cầu thang đung đưa của tàu khách Thống Nhất, lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn. Cảm giác ban đầu thế nào, do quá lâu nên cũng nhạt quên rồi, chỉ còn nhớ lúc thả bộ trên đường Hàm Nghi để tìm đường về cơ quan, thấy choáng ngợp bởi những tòa nhà cao tầng, cao vút, cao vút như chấm tận trời xanh, khiến ngước mãi mỏi cả cổ. Lâu nay sống ở Hà Nội, Hải Phòng, những thành phố lớn nhất miền Bắc, quen với tầm nhìn chiều cao nhà cửa chỉ 4-5 tầng là kịch trần, giờ bị ngợp, đếm mãi nhiều khi vẫn nhầm, 10, 12, hay 14…
Ngó gần đó, trên đường Nguyễn Huệ lộng lẫy, tòa nhà Imexco sừng sững những 16 tầng, như một thứ kỳ quan. Ấy, ban đầu ấn tượng, vẻ đẹp về Sài Gòn cứ đơn giản bằng trực giác như thế. Rồi càng sống, càng gắn bó, càng hiểu, Sài Gòn đẹp nhất, dễ thương nhất, đằm sâu nhất không phải những thứ bề mặt vậy, mà chính là con người. Mà người Sài Gòn lại hay có “tánh kỳ”. “Kỳ” một cách tự nhiên và giản dị. “Kỳ” một cách dễ thương. Sài Gòn là nơi khởi đầu của những quán cơm 2.000 (đồng) mà người chủ trương là nhà báo kỳ cựu Nam Đồng cùng bè bạn ông. Cơm 2.000, giá ấy chỉ có tính tượng trưng, thực chất là từ thiện gần như miễn phí đối với bà con hoàn cảnh khó khăn, những sinh viên nghèo thiếu thốn, người nhập cư chưa có việc làm ổn định, em bé bán vé số, chị ve chai, anh phụ hồ…
Sau hàng loạt quán cơm như vậy, Sài Gòn sinh thêm những biến thể đáng yêu như bánh mì miễn phí, phở từ thiện…, ghi bao dấu ấn đẹp đẽ đầy chất nhân văn ở thành phố cực kỳ sôi động và ấm áp tình người này. Có lần trò chuyện cùng bác Nam Đồng, tôi lẩn mẩn hỏi, anh có bao giờ nghĩ đến danh thơm tiếng tốt trong vụ quán cơm 2.000 này không, ông cựu chủ bút báo cười bảo nếu nghĩ thì đã không làm. Ra vậy, làm việc tốt không phải để cầu danh. Hầu hết người Sài Gòn, dù giàu hay nghèo, người có chức vị lẫn người bình thường, đều vậy. Thậm chí làm việc tốt xong, rồi… quên.
Ở Sài Gòn, đã từ lâu mọi người quen với hình ảnh thùng nước uống miễn phí bên đường dành cho người qua lại. Hớp nước cho người nghèo, người lỡ độ đường trong cái nắng phương Nam gay gắt thật quý biết bao. Một cô là chủ công ty nho nhỏ kinh doanh dược phẩm, hàng xóm nhà tôi, kể cho tôi nghe có lần đang đi trên đường Võ Văn Tần (Quận 3), gần khách sạn Victory, xe dừng khi đèn đỏ, cô thấy có thùng nước từ thiện ven đường, mấy người bán vé số và bán hàng rong đang xúm xít uống. Về nhà thì bắt chước làm thôi, chả nghĩ ngợi cao xa gì. Sắm thùng inox, ly inox, đặt ở gốc cây cửa nhà, đưa ra hôm trước, hôm sau thì mất. Chưa kịp mua cái khác, đành dùng tạm thùng nhựa. Bữa sau có người (bí ẩn) kín đáo đem đến trả lại chiếc thùng inox ấy, cả hai cái ly nữa, kèm theo mấy chữ xin lỗi viết nguệch ngoạc sai chính tả. Việc làm tốt đẹp đầy tình người của cô đã lay động cả suy nghĩ người có hành vi sai trái. Từ bấy giờ đi, thùng nước để suốt từ sáng đến tối trước nhà, chẳng ai trông coi, không hề dây xích khóa khoáy mà chẳng hề suy suyển.
Nhớ hồi cuối tháng 1-2016, dường như ai cũng cảm động khi báo chí đăng ảnh một nhà hảo tâm ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, mua gạo ngon đóng thành bịch 5kg, xếp cả đống ven đường trước nhà, với tấm biển đề “Gạo miễn phí, mỗi người lấy một gói ăn Tết”, “Quà Tết miễn phí, mỗi người lấy một phần”. Bạn tôi sau khi chạy xe máy đến tận nơi “mục kích” cho chính xác một trăm phần trăm, quay về tấm tắc bảo từ thiện kiểu ni có lẽ chỉ có ở Sài Gòn. Tất nhiên không phải ai cũng tham lam ào vào lấy “quà” bởi những người khá giả, người chưa đến mức khó khăn đều hiểu rằng gạo này dành cho người nghèo. Mà ngay cả người nghèo cũng chỉ tự động lấy một phần. Không lấy thứ dành cho người khác, đó vừa là lòng tự trọng, vừa là nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn, người Nam Bộ. Bạn tôi nói thêm, nhận từ thiện kiểu vậy, nghèo vẫn đầy tư cách, cũng chỉ thấy ở Sài Gòn.
Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 hoành hành, nhà máy xí nghiệp đóng cửa, nhiều người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn, thậm chí có thể đói. Người Sài Gòn không chỉ tình nghĩa mà đầy sáng tạo. Cây gạo ATM ra đời, vừa giúp được người cơ nhỡ khó khăn, vừa đảm bảo chống dịch. Lúc đầu chỉ có một cây, ở một quận, nhưng lòng tốt lan tỏa rất nhanh, chỉ vài ngày sau, ATM gạo mọc lên khắp nơi, quận này quận khác, rồi về các tỉnh thành. Người thanh niên Sài Gòn, chủ của sản phẩm cây gạo nhân nghĩa, mỗi lần được hỏi về “đứa con” của mình đều e ngại một cách rất dễ thương, rằng em không làm thì sẽ có người khác làm. Vậy đó. Rất Sài Gòn.
Không khó gì khi ta muốn tìm tòi những vẻ đẹp lòng tốt của người dân thành phố này. Đâu đó dễ bắt gặp những bác thợ sửa xe quần áo lấm đầy dầu mỡ, chân tay đen đúa sạm nắng, hì hụi làm việc trong “tiệm” dưới gốc cây ven phố, kèm tấm biển đề “Sửa xe miễn phí cho sinh viên”. Lại nhớ, sinh viên, nhất là sinh viên quê nông thôn, vốn nghèo, luôn là đối tượng được các nhà hảo tâm Sài Gòn quan tâm chăm chút. Cho ăn cơm 2.000, sửa xe miễn phí, rồi có cả một bác ở gần khu đại học quận Thủ Đức sắm chiếc xe ba gác máy chỉ làm “nhiệm vụ” chuyên chở đồ miễn phí cho sinh viên. Xe bị mất (nơi nào mà chả có kẻ gian, tham, xấu), có ngay những nhà hảo tâm bình dân khác giúp tiền mua xe mới để lòng tốt tự nhiên không bị đứt đoạn.
Ông chủ nhà trên đường Tùng Thiện Vương quận 8 châm thêm nước trà đá vào bình cho người qua lại khát có nước uống (ảnh: Facebook Nguyễn Thông)
Trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, trong dãy cửa tiệm sáng trưng sạch sẽ lộng lẫy, có một salon hớt tóc đẳng cấp không kém những nhà cùng phố nhưng dựng ngay gốc cây trước cửa tấm bảng to, đề dòng chữ thật dễ thương “Hớt tóc miễn phí cho những người bán vé số, ve chai, người nghèo, người già cô đơn”. Chỗ chân cầu Nhị Thiên Đường có sạp bán hột gà ta, ai muốn mua bao nhiêu (mấy chục) cứ tự nhặt, tự khai báo rồi trả tiền. Tôi đùa hỏi cậu bán trứng, thế nhỡ người ta gian dối thì sao, cậu cười “ai mà thèm”.
Thương xót người cần lao, trọng nghĩa trọng tình, đất Nam Bộ, nhất là Sài Gòn có những con người đầy chất Lục Vân Tiên, phóng khoáng, rộng mở, hào hiệp, lại cộng thêm tấm lòng bao dung nhân ái vốn có của người dân nước Việt, thật đáng cho chúng ta ngưỡng mộ, yêu thương. Lòng tốt tự nhiên, ý thức cộng đồng cũng tự nhiên, với Sài Gòn dường như sẵn trong máu, trong mỗi tế bào, dù ai ở đâu đến “nhập tịch” nhập cư cũng được nạp máu ấy, tế bào ấy để thành người Sài Gòn. Lẩn thẩn nghĩ, đến ngày nào đó sẽ có câu thành ngữ “Tự nhiên như người Sài Gòn”, nhưng là thứ tự nhiên đẹp, tuyệt đẹp. Cứ lặng lẽ âm thầm, chẳng cần phải đúc kết kiểu “Chẳng thơm cũng thể Sài Gòn…”. Ngẫm lại, đúng như ông bạn đồng môn nhận xét, khen người Sài Gòn có mà khen cả ngày cũng chẳng hết.
NGUYỄN THÔNG