Dễ Thương Chi Lạ, Chợ Quê Ơi!

 

Út Tuệ Văn

Tôi thấy mình “quê trớt” nhưng vẫn yêu và tự hào với gốc “nhà quê” của mình. Bởi “nhà quê” nên tôi thích đi chợ hơn đi siêu thị. Bởi yêu quê nên tôi thích đi chợ để tìm lại những dấu yêu xưa.
Nhớ hồi nhỏ, những lần đi chợ đầu tiên là khi mẹ dẫn tôi theo. Không rõ mẹ sợ vướng tay chân, tranh thủ đi nhanh để về còn đi dạy hay mẹ sợ tôi lớ ngớ lấm bùn trong nền chợ quê đôi khi xâm xấp nước mà mẹ hay gởi tôi ở đâu đó.
Có khi là tiệm cắt tóc Hoàng nổi tiếng nhất chợ Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang), lúc bấy giờ có anh thợ (chẳng biết tên) trông điển trai và hiền hiền, kèm câu dặn với “cho cô gởi em nghen con.” Rồi thì anh thợ cứ nhẹ tay chải hoài mái tóc dài ngang lưng của tôi nhưng loay hoay chẳng dám cắt nhiều vì con bé mắt cứ ngân ngấn nước năn nỉ “anh đừng cắt ngắn tóc em nhen.”
Khi thì mẹ gởi tôi ở quán chè, gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ có vài thau chè đậu xanh, đậu đen, vài cái ly, mấy cái ghế nho nhỏ, và nhắn nhủ “cho chị gởi cháu chút nghen em.”
Lớn hơn một chút tôi được mẹ dẫn vào chợ và tôi khoanh tay thưa gần như từ đầu chợ đến cuối chợ vì ai cũng quen với mẹ, mà hễ gặp người lớn, người quen của mẹ là phải chào. Cũng may là hồi xưa cái chợ nhỏ xíu xìu xiu.
Từ dì bán trái cây, dì bán bánh mì thịt, cô bán bún, chị bán cá, cô bán rau, bà bán thịt, vô nhà lồng chợ thì có cô bán vải, chú bán đường đậu… Ai cũng chào mẹ, ai cũng hỏi nay “chị/cô dẫn Út đi chợ đó ha.” Có khi tôi được khen “Út ngoan quá,” “Út chị nhìn dễ cưng,” “Út chị có cái má thấy ghét quá.” Tôi nghe khen thì ngượng lắm… nhưng thinh thích!
Rồi tôi cũng lớn lên, cũng đến lúc tự đi chợ một mình sau giờ học hay buổi cuối tuần.
Vẫn là thói quen mỉm cười chào hỏi từ đầu chợ đến cuối chợ. Vẫn là những gương mặt thân quen. Vẫn là cách đi chợ hổng giống ai, không cò kè trả giá mà nhiều lúc mua gần giáp chợ. Bởi lẽ, ai cũng quen, mua người này không mua người kia cũng ngại, bên là mẹ của bạn, bên là học trò của mẹ…, thôi chia ra mỗi sạp mua một ít, có sao đâu!
Có một dạo, niềm vui và hạnh phúc của tôi là cuối tuần được phóng xe gắn máy gần trăm cây số từ Sài Gòn về quê, tối ngủ với mẹ, sáng ra chở mẹ đi chợ.
Mọi người lại xúm vào thăm hỏi với những câu khác chút “Chủ Nhật là biết có Út về mà,” “nay Út lớn quá ha, mới hồi nào chút éc” (mà cái “hồi nào” đó cũng cỡ chục năm hơn). Những lần đi chợ đó mẹ vui lắm. Còn tôi thì khỏi nói, không chỉ là vui mà còn hơn thế nữa…
Sau này ở Sài Gòn, dù là khi trọ ở hẻm 134 Lý Chính Thắng, khi về Gò Vấp, lúc ở Quận 8 hay ở Nhà Bè… ở đâu tôi cũng đều tìm đi chợ.
Đi chợ như một thói quen. Đi chợ để tìm về chút kỷ niệm xưa. Đi chợ để gặp, để được chào hỏi những câu mộc mạc thân thương. Và tất cả những chợ đó đều được yêu dấu gọi chung hai chữ “chợ quê.”
Người ở chợ quê chơn chất thiệt thà vô cùng. Từ anh bán hành ớt hỏi “em mua một ký không?” Và tôi tròn xoe mắt thiệt thà “dạ em mua ít thôi, chứ mua chi cả ký,” anh cười xòa “vậy nè, cầm về ăn, bán chác gì.”
Đến vợ chồng em bán trái cây, hễ cái gì ngon thì bán, cái gì nhắm cũ, không ngon dù tôi có ghé lại cũng lắc đầu không bán nói “bữa khác chị ghé đi” hay “loại này chua lắm, chị đâu thích ăn chua.”
Rồi những chị bán rau, bán cá luôn chọn đồ ngon, làm sạch, có khi tôi đi làm về muộn ghé mua chị lại báo “chồng em mới ghé mua rồi, đừng mua nữa.” Ngộ ghê, cứ làm thinh bán cũng có ai trách đâu ta.
Thương cả những ai bán đồ cho người đãng trí như tôi. Lúc thì tôi dặn làm rồi quên về luôn chiều mới nhớ, bữa sau gặp xin lỗi thì chị cười hề hề “tui biết quên nên tui đem về nhà tui ăn, có sao đâu.” Có khi tôi lựa xong mới biết mình không mang tiền, bóp chỉ đựng giấy tờ và thẻ, chị cười ngặt nghẽo “xách về đi, bữa sau ghé trả, mà còn tiền đổ xăng không đó, tui cho mượn luôn nè.”
Nhiều lúc mua đồ bên này, sạp bên cạnh cho hành ngò tôi ngại không nhận lại bị dằn dỗi, giận hờn “bộ hổng bán rồi cho hổng được ha.” Ngộ quá chợ quê ơi!
Hay chị bán rau dúi vào tay mớ ngò om “chị cho nè, cưng lấy đi, để tiền lẻ đó qua kia mua ngò gai đi, chị hết rồi.” Dễ thương chi lạ chợ quê ơi!
Nhớ những ngày còn là cô dâu mới, mỗi khi về quê tôi thích đi chợ với chị chồng. Khổ nỗi, được cưng nên cũng hay ngủ nướng, chợ quê nhóm sớm, muốn mua đồ ngon chị hay đi từ lúc tờ mờ khi tôi còn say ngủ. Đến khi tôi dậy chị mới đi chợ lần hai, chủ yếu dẫn tôi đi “cho biết, cho vui.” Cái cảm giác rụt rè lò dò xách giỏ đi theo chị, ngượng ngùng với những ánh mắt tò mò của người quen nhà chồng, mắc cỡ khi người ta nhầm là con gái của chị hay khi chị giới thiệu “này là vợ thằng Bảy” vẫn còn nguyên đó…
Hình như tôi có một tình yêu đặc biệt với chợ quê. Với tôi, chợ gắn liền với quê, gắn liền với tuổi thơ, với cả vùng trời kỷ niệm. Ở chợ có cái tình. Ở chợ có nét mộc mạc, hồn nhiên. Ở chợ không có sự mặc cả, toan tính lạnh lùng. Chuyện “bữa khác trả thêm” hay “bữa sau bù lại” nó dễ dàng, đơn giản như chính con người quê tôi vậy.
Sau này tôi cũng thường dẫn con đi chợ. Ban đầu là những bước chân ngần ngại, e dè, dần dà, mừng thay con cũng bắt đầu yêu chợ như tôi. Những câu chào hỏi trò chuyện trong chợ của mẹ con tôi ngày nay cũng na ná như của tôi với mẹ ngày trước, thương thiệt là thương!
Những mảng ký ức đang bồng bềnh trên biển kỷ niệm mênh mông, bất chợt dạt vào bờ nhớ thương… vụn vỡ…

Út Tuệ Văn