TIN VẮN

Ngày 24 – 7 – 2024

* Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa khởi động cuộc công kích nhằm vào ông Donald Trump trong sự kiện vận động tranh cử đầu tiên của bà, báo hiệu kỳ bầu cử tháng 11 tới sẽ là màn đối đầu giữa một cựu công tố viên và một người đã bị kết án.
Đây là cách Phó Tổng thống Kamala Harris miêu tả về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới trong buổi vận động tranh cử trước khoảng 3.000 người tại bang chiến trường Wisconsin hôm 23/7 (giờ Mỹ).
Cùng ngày, ban tranh cử của ông Donald Trump đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), cho rằng bà Harris không thể hợp pháp tiếp quản quỹ tranh cử của ông Joe Biden.

* Bà ấy sẽ chọn ai? Đó đang là câu hỏi chính trị lớn ở Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris, người nhanh chóng giành được sự ủng hộ lớn và nguồn tài trợ quan trọng trong Đảng Dân chủ.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder và công ty luật của ông đang đánh giá các ứng cử viên phó tổng thống tiềm năng, theo tin tức trên truyền thông.
Chiến dịch vận động của bà Harris đã yêu cầu hồ sơ xét duyệt của năm thống đốc Dân chủ – Roy Cooper của North Carolina, Josh Shapiro của Pennsylvania, Gretchen Whitmer của Michigan, Tim Walz của Minnesota và JB Pritzker của Illinois – và một thượng nghị sĩ liên bang, ông Mark Kelly của bang Arizona, tờ Wall Street Journal đưa tin.

* Giám đốc điều hành hãng SpaceX Elon Musk cho biết dịch vụ internet vệ tinh Starlink của ông đã được cung cấp cho một bệnh viện ở Gaza, nơi nhiều cơ sở y tế đã bị chiến tranh phá hủy, với sự giúp đỡ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Israel.
Ngoại trưởng UAE, ông Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, đã cảm ơn tỷ phú Musk vì đã hỗ trợ bệnh viện dã chiến của UAE ở Gaza, nơi nhiều cơ sở y tế đã bị phá hủy và thuốc men khan hiếm.
“Starlink hiện đang hoạt động tại một bệnh viện ở Gaza với sự hỗ trợ của @UAEmediaoffice và @Israel,” ông Musk viết trên X. UAE Media Office là văn phòng thông tin của UAE.

* Thành viên Hiệp hội các quốc gia đông nam Á, ASEAN, hôm 24/7 đã nhóm họp tại Lào trong lúc họ tìm cách thúc đẩy nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Myanmar vốn đã bị đình trệ và hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, vài ngày trước cuộc họp với ngoại trưởng các cường quốc.
Sau cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN sẽ là hai hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27/7 tại Lào để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng với sự tham dự của các quan chức Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và các nước khác.

* Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chưa chính thức được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng nhưng bà đã nhận được sự tán thành của Tổng thống Joe Biden, cùng với một số giới chức cấp cao của Đảng Dân chủ, sau khi ông Biden rút khỏi cuộc đua hôm 21/7.
Nếu được Đảng lựa chọn và đắc cử tổng thống, các nhà phân tích cho rằng bà Harris có thể sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, bao gồm cả việc quản lý một trong những mối quan hệ căng thẳng nhất – đó là với Trung Quốc.

* Philippines đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc tiếp tế cho binh sĩ trú đóng trên một con tàu của hải quân Philippines bị mắc cạn ở Biển Đông, nhưng sẽ không chịu sự giám sát của Trung Quốc, một quan chức an ninh Philippines hàng đầu hôm 24/7 cho biết.
Philippines và Trung Quốc, vốn đã đối đầu hết lần này đến lần khác trong năm qua trên Biển Đông, đã đạt được ‘thỏa thuận tạm thời’ về việc tiếp tế cho chiếc tàu mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), vào lúc cả hai bên đồng ý giảm bớt căng thẳng và quản lý bất đồng.
Tuy nhiên, Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho biết thỏa thuận này không bao gồm đồng ý cho các tàu Trung Quốc tiến hành kiểm tra ‘tại chỗ’.

* Ngoại trưởng Ukraine Kubela hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc tại Quảng Châu, nói rằng Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga nếu Moskva có thiện chí.
“Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tái khẳng định rằng Kiev cởi mở với việc đàm phán với Nga vào một giai đoạn nhất định, khi Nga sẵn sàng thảo luận một cách thiện chí. Song ông cũng nhấn mạnh rằng hiện tại chưa thấy điều đó ở phía Nga”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết hôm nay.
Ngoại trưởng Kubela hôm nay hội đàm cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Quảng Châu. Ông là quan chức cấp cao nhất của Ukraine tới Trung Quốc kể từ khi xung đột Ukraine – Nga bùng phát hồi cuối tháng 2/2022.

* Trung Quốc phát cảnh báo đỏ với bão Gaemi, cơn bão thứ ba trong năm nay và đã mạnh lên thành siêu bão.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) ngày 24/7 nâng cảnh báo với bão Gaemi từ xanh lên đỏ. Quốc gia này sử dụng hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp thể hiện bằng 4 màu, trong đó màu đỏ là mức nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh nước biển.
Bão Gaemi đã phát triển mạnh thành siêu bão từ sáng nay. Tới trưa nay, Gaemi cách huyện Nghi Lan, đảo Đài Loan, khoảng 110 km về hướng đông nam, với sức gió 200 km/h gần tâm bão.

* 18 người thiệt mạng và chỉ phi công sống sót sau khi máy bay rơi trong lúc cất cánh và bốc cháy tại sân bay thủ đô Kathmandu của Nepal.
Máy bay chở khách hạng nhỏ của hãng Saurya Airlines rơi khi đang cất cánh từ sân bay Kathmandu vào 11h15 (12h30 giờ Hà Nội) hôm nay, lao xuống cánh đồng phía đông đường băng. Hình ảnh được công bố cho thấy thân máy bay bị vỡ, lính cứu hỏa cố dập tắt đám cháy và cột khói đen dày bốc lên không trung.
“Máy bay gặp nạn chở 19 người, gồm hai thành viên tổ bay và 17 kỹ thuật viên đến thành phố Pokhara để kiểm tra bảo dưỡng”, quan chức sân bay cho biết.

* Tỷ phú Elon Musk phủ nhận thông tin ông quyên góp 45 triệu USD mỗi tháng để ủng hộ ông Trump, nói rằng số tiền ông chuyển “thấp hơn nhiều”.
Wall Street Journal ngày 15/7 dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Elon Musk sẽ quyên góp cho American PAC 45 triệu USD mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 7. Đây là siêu ủy ban hành động chính trị (siêu PAC) ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump.
“Những gì được đăng tải trên truyền thông chỉ đơn giản là không đúng sự thật. Tôi không quyên góp 45 triệu USD mỗi tháng cho ông Trump”, Musk trả lời trong cuộc phỏng vấn do nhà bình luận Jordan Peterson thực hiện, được chiếu trên X hôm 23/7.

 

 

Ngày 22 – 7 – 2024

Ngày 22 – 7 – 2024

* Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến cử tri Mỹ bất ngờ khi vào ngày Chủ nhật 21/7 tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử. Quyết định được đưa ra chỉ vài tuần sau khi ông Biden tuyên bố sẽ kiên quyết bám trụ trước những lời kêu gọi ngừng tranh cử.
Mặc dù ông Biden sẽ tiếp tục đảm đương trọng trách tổng thống, ông đã lên tiếng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.
Quyết định này đã khiến Đảng dân chủ rơi vào một tình huống đầy rủi ro khi chỉ còn một tháng là diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng này (từ 19 đến 22/8).

* Nền tảng gây quỹ của đảng Dân chủ thu gần 47 triệu USD tiền ủng hộ trong 7 giờ, lớn nhất trong 4 năm, sau khi ông Biden ngừng tranh cử.
“Tính đến 21h ngày 21/7, những nhà ủng hộ phổ thông đã quyên góp 46,7 triệu USD thông qua ActBlue sau khi Phó tổng thống Kamala Harris khởi động chiến dịch tranh cử. Đây là ngày gây quỹ lớn nhất trong chu kỳ năm 2024. Các nhà tài trợ nhỏ đang rất hăng hái và sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử”, ActBlue, một trong các nền tảng gây quỹ lớn nhất của đảng Dân chủ tại Mỹ, viết trên mạng xã hội X.
Đây là tổng số tiền huy động được trên nền tảng này, không chỉ bao gồm tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử của bà Harris. ActBlue trước đó cho biết đã thu được hơn 27,5 triệu USD từ các nhà ủng hộ nhỏ trong 5 giờ đầu tiên kể từ khi Phó tổng thống Mỹ khởi động chiến dịch tranh cử.

* Loạt cựu cố vấn của Hillary Clinton và Bernie Sanders bắt tay thành lập nhóm vận động tranh cử tổng thống cho bà Kamala Harris.
“Chúng tôi muốn phát đi thông điệp: Đang có những nhà hoạt động chính trị sẵn sàng hỗ trợ Phó tổng thống tranh cử, trong trường hợp Tổng thống Joe Biden quyết định rút lui”, Matt Ortega, chiến lược gia đảng Dân chủ, cựu cố vấn truyền thông kỹ thuật số của bà Hillary Clinton, ngày 21/7 trả lời NBC về nhóm vận động tranh cử Đoàn kết vì Harris vừa được thành lập.
Trên website, nhóm này lập luận Phó tổng thống Kamala Harris cần trở thành thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ nhằm đưa cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 thoát khỏi “vòng xoáy liên tiếp các bản tin về những lần lỡ miệng của Tổng thống Biden và tập trung vào mối đe dọa từ ông Donald Trump đối với nền dân chủ và tự do”.

* Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin hôm 22/7 loại bỏ việc tranh cử tổng thống chống lại ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Kamala Harris, người được Tổng thống Joe Biden tán thành khi ông rời cuộc đua.
“Hãy để tôi nói rõ với bạn … Tôi sẽ không trở thành ứng cử viên tranh chức tổng thống. Về cơ bản, tôi là ứng cử viên vì tiếng nói của những người trung lập của đất nước này”, ông Manchin nói với đài truyền hình CBS ngay sau khi từ chối loại bỏ khả năng tranh cử của mình trong một cuộc phỏng vấn khác.
Ông Manchin cho biết ông ủng hộ ý tưởng về một quy trình “bầu cử sơ bộ mini” trước khi chọn một ứng cử viên thay thế ông Biden. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ bà Harris quá nghiêng về lập trường tự do hay không, ông Manchin nói: “Chắc chắn rồi.”

* Một tòa án Nga đã kết án bà Alsu Kurmasheva, một nhà báo người Mỹ gốc Nga của Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) do Hoa Kỳ tài trợ, 6 năm rưỡi tù giam vì phát tán thông tin sai sự thật về quân đội Nga, tòa án cho biết hôm 22/7.
Người phát ngôn của tòa án ở thành phố Kazan, nằm ở phía nam của Nga, nói rằng bà Kurmasheva đã bị kết án hôm 19/7. Cùng ngày đó, một tòa án khác ở Yekaterinburg đã kết án một công dân Hoa Kỳ khác, phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, 16 năm tù vì tội làm gián điệp sau một phiên tòa bị tờ báo của ông và Hoa Kỳ lên án là nguỵ tạo.

* Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới để thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác với quốc gia Đông Nam Á trong các lĩnh vực bao gồm an ninh và phát triển bền vững, Reuters dẫn lời Đại sứ EU tại Hà Nội cho biết hôm 22/7.
Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), thu hút sự chú ý của các cường quốc toàn cầu vì là nước được hưởng lợi từ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia vì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

* Tuần duyên Malaysia hôm 21/7 cho biết đã xác định được vị trí và chặn một tàu chở dầu lớn có liên quan đến vụ va chạm nghiêm trọng với một tàu khác hai ngày trước ở ngoài khơi Singapore.
Lực lượng tuần duyên hôm 20/7 cho biết tàu chở dầu Ceres I mang cờ Sao Tome và Principe đã rời khỏi vị trí xảy ra vụ va chạm gây hỏa hoạn và làm ít nhất hai thành viên thủy thủ đoàn bị thương.
Tuần duyên cho biết con tàu cũng được cho là đã bị tắt hệ thống theo dõi.
Tàu Ceres I được tìm thấy ở vùng biển Malaysia với hai tàu kéo, lực lượng tuần duyên cho biết trong một tuyên bố hôm 21/7.
Tàu Ceres I và hai tàu kéo đã bị lực lượng tuần duyên bắt giữ để điều tra thêm.

* Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 18/7 đã khai trừ cựu Ngoại trưởng Tần Cương và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc ra khỏi Ban chấp hành Trung ương trong một hội nghị của cơ quan quyền lực nhất ở Bắc Kinh, Tân Hoa Xã đưa tin.
Hai cựu lãnh đạo này đã bị cách chức hồi năm ngoái.
Đảng Cộng sản nắm quyền của Trung Quốc hôm 18/7 đã bế mạc Hội nghị Trung ương 3 vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Đây là cuộc họp toàn thể của Trung ương Đảng gồm 205 ủy viên để vạch ra định hướng chung cho chính sách kinh tế-xã hội dài hạn của đất nước. Cuộc họp trung ương cũng sẽ quyết định việc khai trừ các ủy viên Trung ương.

* Israel sẽ là đồng minh mạnh nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông bất kể ai được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết như vậy hôm 22/7 trước khi bay tới Washington, nơi ông dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Netanyahu tới đồng minh quốc tế quan trọng nhất của ông kể từ khi ông trở lại làm thủ tướng sau khi giành được nhiệm kỳ thứ sáu kỷ lục vào cuối năm 2022. Chuyến đi đã bị lu mờ bởi quyết định không tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

* Ít nhất 55 người chết sau hai vụ lở đất liên tiếp ở phía nam quốc gia châu Phi Ethiopia, thương vong được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Vụ lở đất đầu tiên xảy ra vào tối ngày 21/7 tại quận Gofa ở miền nam Ethiopia sau khi nơi này hứng chịu một trận mưa lớn, làm một số người chết.
“Vào sáng ngày 22/7, người dân địa phương, bao gồm cả cảnh sát, có mặt tại hiện trường để giải cứu những nạn nhân của vụ lở đất đầu tiên. Đó là lúc vụ lở đất thứ hai xảy ra, vào khoảng 10 giờ (14h giờ Hà Nội), những người có mặt ở đó đã chết”, Kassahun Abayneh, phát ngôn viên chính phủ tại quận Gofa, nói.

 

 

Ngày 18 – 7 – 2024

* Theo thông báo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là Chủ tịch nước Tô Lâm.
Một số nguồn tin giấu tên từ Hà Nội tiết lộ với BBC rằng, ông Trọng “đã rơi vào hôn mê sâu từ chiều hôm qua 17/7”.
Cần lưu ý thêm rằng ông Trọng đã vắng mặt gần một tháng nay. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là vào 20/6 khi tiếp Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Nhưng bất chấp những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Trọng, báo chí Việt Nam vẫn im lặng trong khoảng thời gian qua.
Báo Nikkei nhận xét sau khi Bộ Chính trị có thông báo về sức khỏe ông Trọng: “Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, những hình ảnh ông Trọng do hãng thông tấn Nga chụp trông ốm yếu hơn trước, có thể do tác dụng phụ của thuốc.”

* Thượng nghị sĩ J.D. Vance, người đồng tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump, chiếm vị trí trung tâm với bài phát biểu quan trọng tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa hôm 17/7, tập trung vào chủ đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia “Làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại”.
Dành nhiều lời khen ngợi cho ông Trump, ông Vance chính thức chấp nhận đề cử của đảng mình làm ứng cử viên phó tổng thống.
Ông nói: “Tổng thống Trump đại diện cho niềm hy vọng cuối cùng của nước Mỹ nhằm khôi phục lại những gì, nếu bị mất, có thể không bao giờ tìm lại được”. Ông nói thêm “một quốc gia mà một cậu bé thuộc giai cấp lao động sinh ra xa những nơi quyền lực có thể đứng trên sân khấu này như là một phó tổng thống kế tiếp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”

* Những thắc mắc tiếp tục chồng chất hôm 17/7 về mức độ an ninh xung quanh nhà kho ở vùng nông thôn Pennsylvania, nơi một tay súng trẻ tuổi trèo lên mái nhà và bắn vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc tập họp chính trị vào cuối tuần trước, suýt ám sát ông.
Cảnh sát địa phương đã cảnh báo nhân viên Mật vụ của ông Trump chi tiết trước cuộc tập họp đầu giờ tối ngày 13/7 rằng họ thiếu nguồn lực để bố trí một xe tuần tra bên ngoài nhà kho, các quan chức thực thi pháp luật địa phương và liên bang nói với The Washington Post.
Nhà kho nằm ngay bên ngoài phạm vi an ninh nội bộ do Sở Mật vụ kiểm soát tại cuộc tập họp. Nhưng chưa rõ tại sao Sở Mật vụ đã không mở rộng việc triển khai nhân viên an ninh nếu cảnh sát địa phương không thể tuần tra khu vực nhà kho, đặc biệt là khi mái nhà của nhà kho có tầm nhìn rõ ràng đến sân khấu buổi mít tinh của ông Trump.
Các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định làm thế nào kẻ nổ súng, được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, có thể leo lên mái nhà mà không bị kiểm soát và bắn tới 8 phát súng vào sân khấu nơi ông Trump đang phát biểu cách đó chưa đầy 150 mét, sượt qua tai phải của ông, giết chết một người tham dự mít tinh và làm hai khán giả khác bị thương nặng.

* Đảng Dân chủ, vốn đang lo lắng về khả năng giành chiến thắng của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 tới, đã khởi động lại nỗ lực thúc đẩy ông xem xét lại nỗ lực tái tranh cử. Họ vận dụng rất nhiều số liệu, các cuộc trao đổi thẳng thắn và tận dụng thời gian ông ngưng tranh cử sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, để khuyến khích ông đánh giá lại khả năng của mình.
Ông Biden đã khẳng định ông không lùi bước, quả quyết rằng ông là ứng cử viên đã đánh bại ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trước đây và sẽ làm điều đó một lần nữa trong năm nay. Nhưng ở chỗ công khai cũng như riêng tư, các đảng viên Dân chủ hàng đầu đang gửi tín hiệu lo ngại, và một số người hy vọng ông sẽ đánh giá lại cuộc đua và di sản của ông trong khoảng thời gian tạm nghỉ này.

* Các quan chức Phillipines cho biết nữ thị trưởng của một thị trấn nhỏ bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc đã bỏ trốn.
Cảnh sát không thể thực hiện lệnh bắt giữ bà Alice Guo, 35 tuổi, vào cuối tuần rồi vì bà không có mặt tại bất kỳ địa chỉ nào có trong danh sách thông tin của bà.
Vào tháng 3/2024, tại thị trấn Bamban nơi bà Guo làm thị trưởng, lực lượng chức năng đã phát hiện các trung tâm lừa đảo dưới vỏ bọc các sòng bạc trực tuyến phục vụ người Trung Quốc.
Câu chuyện của bà diễn biến như một bộ phim truyền hình. Bà đã bị thẩm vấn về xuất thân Trung Quốc và bị nghi ngờ đang làm gián điệp hoặc “là người” của Bắc Kinh.

* Một chương trình nghệ thuật chính luận quy mô lớn, do cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức, vừa bị hoãn lại ngay sau khi Bộ Chính trị của đảng thông báo hôm 18/7 rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần “điều trị tích cực”.
Báo Nhân Dân của đảng, các báo Tiền Phong, Quảng Trị và một số trang tin trong nước cho biết rằng vào tối muộn 18/7, ban tổ chức chương trinhg “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình” thông báo chương trình này bị hoãn “vì lý do kỹ thuật” và không cung cấp thêm chi tiết.

* Các nhà lãnh đạo từ khắp châu Âu hôm 18/7 đã tề tựu tại một dinh thự tráng lệ của Anh để dự một hội nghị thượng đỉnh vốn bị bao phủ bởi lo ngại liệu Mỹ có còn là đồng minh đáng tin cậy hay không nếu ông Donald Trump giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Thủ tướng Anh mới được bầu Keir Starmer đã chào đón khoảng 45 người đứng đầu chính phủ đến Anh để thảo luận về di cư, an ninh năng lượng và mối đe dọa từ Nga khi ông tìm cách khôi phục quan hệ giữa Anh và các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu 4 năm sau cuộc chia tách cay đắng.

* Quân đội Israel hôm 18/7 đã bắn phá các trại tị nạn lâu đời ở giữa Dải Gaza và tấn công thành phố Gaza ở phía bắc, giết chết ít nhất 13 người, cũng như đưa xe tăng của họ tiến sâu hơn vào Rafah ở phía nam, theo các quan chức y tế và người dân cho biết.
Một cuộc không kích của Israel đã giết chết sáu người ở thị trấn Zawayda ở miền trung Gaza và hai người khác thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một ngôi nhà ở trại Bureij. Các quan chức y tế cho biết rằng một cuộc không kích khác của Israel đã giết chết ba người trong một chiếc xe hơi ở Deir Al-Balah, thành phố đông đúc dân tị nạn đến từ những nơi khác ở Gaza.

* 32.800 người Việt được cấp quốc tịch Mỹ năm 2023, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có công dân nhập tịch Mỹ nhiều nhất.
Báo cáo về số lượng công dân nước ngoài nhập tịch được Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) công bố gần đây cho thấy Mỹ cấp quốc tịch cho 878.000 người trong năm 2023, một trong những con số lớn nhất những năm gần đây.
Trong đó, Việt Nam xếp thứ 6 với 32.800 người nhập tịch Mỹ. Con số này cao hơn 500 người so với năm 2022, phản ánh mối liên kết giữa hai nước và hai cộng đồng ngày càng tăng, theo USCIS.

* Tướng Noppasin cho biết chất độc xyanua đã được nghi phạm Chong tẩm vào trà và pha cho 5 người trong nhóm uống. Chong cũng uống trà này và tử vong tại hiện trường. Cảnh sát đang truy tìm nguồn gốc chất xyanua mà Chong sử dụng.
Cảnh sát Thái Lan chiều 17/7 cũng triệu tập hướng dẫn viên du lịch cho nhóm này tới đồn Lumphini để trả lời một số câu hỏi liên quan. Hướng dẫn viên 35 tuổi này cho hay anh chỉ quen biết một người trong nhóm sau lần gặp năm ngoái và từ chối trả lời thêm các câu hỏi khác của phóng viên. Cảnh sát Thái Lan nói trước vụ đầu độc, nghi phạm Sherine Chong và nhóm người Việt kiện nhau ra tòa do tranh chấp trong dự án hợp tác đầu tư ở Nhật.
Tướng Noppasin Poolsawat, phó cảnh sát trưởng Bangkok, hôm nay cho biết nhóm 4 công dân Việt Nam và hai người Mỹ gốc Việt tử vong trong khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok trước đó đã nảy sinh tranh chấp về một dự án xây dựng bệnh viện ở Nhật Bản.
Hai vợ chồng người Việt trong nhóm đã trao cho bà Sherine Chong, 56 tuổi, quốc tịch Mỹ nhưng sinh ra ở Việt Nam, khoảng 10 triệu baht (278.000 USD) để đầu tư vào dự án. Do dự án đình trệ, hai vợ chồng này nghi ngờ bà Chong đang tìm cách lừa đối tác nên đã nộp đơn kiện ra tòa.

Ngày 15 – 7 – 2024

* Các nhà điều tra tin rằng Crooks, được trang bị súng trường AR-15 bán tự động, đã nổ súng vào cựu tổng thống khi ông đang phát biểu trước đám đông ở thành phố Butler, Pennsylvania, đồng thời khiến một người dự khán thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Các quan chức cho biết Crooks, nhân viên nhà bếp 20 tuổi, đã bị một tay súng bắn tỉa của cơ quan Mật vụ Mỹ bắn chết ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, tại quê nhà khá giả của Crooks, hàng xóm cảm thấy sốc, không thể hiểu tại sao một thanh niên trầm tính như thế lại có bị buộc tội trong vụ nổ súng. FBI chỉ nói rằng Crooks là “đối tượng liên quan đến vụ ám sát cựu tổng thống và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành”.

* Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ hôm thứ Hai cho biết họ sẽ tham gia toàn lực vào các cuộc điều tra do Tổng thống Joe Biden và các thành viên Quốc hội công bố, sau khi các đặc vụ của họ không ngăn được một kẻ bắn súng làm bị thương cựu Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần qua.
FBI cho biết họ đang điều tra vụ việc hôm thứ Bảy tại một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Pennsylvania như một vụ mưu sát. Ông Biden nói hôm Chủ nhật rằng ông đã ra lệnh đánh giá độc lập và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cam kết sẽ điều tra nhanh chóng.

* Mật vụ Mỹ nói mái nhà nghi phạm tấn công ông Trump ẩn nấp nằm ngoài phạm vi giám sát của họ và là trách nhiệm của cảnh sát tại Pennsylvania. Nơi nghi phạm ẩn nấp để nhắm bắn là mái nhà máy American Glass Research (ARG), cách nơi ông Trump phát biểu khoảng 120 mét. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao lực lượng an ninh lại không rà soát và cử người canh gác mái nhà này trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử.

* Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bước lên bục diễn thuyết vận động tranh cử ở thành phố Detroit, bang Michigan, vào tối 12/7, một trong những đám đông ồn ào nhất trong bất kỳ sự kiện nào của ông những năm gần đây đã hô vang: “Không bỏ cuộc!”
Ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã được chào đón bằng tiếng reo hò chói tai từ hàng trăm người ủng hộ khi ông tuyên bố: “Tôi đang tranh cử! Và tôi sẽ chiến thắng!”
Khi ông Biden rời sân khấu, giai điệu của bản hit I Won’t Back Down (Tôi sẽ không lùi bước) của ca sĩ Tom Petty vang khắp phòng tập của trường trung học nơi ông diễn thuyết, như một lời phản đối ngầm của ông đối với danh sách ngày càng gia tăng các thành viên trong Đảng Dân chủ kêu gọi ông rút lui trong bối cảnh lo ngại về tuổi lác của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhưng so với tất cả các tin tức về những chính trị gia, nhà tài trợ hoặc nhân vật quan trọng theo chủ nghĩa tự do mới nhất nhắm vào ông Biden, danh sách các thành viên Đảng Dân chủ đang ủng hộ ông dài hơn.

* Quân đội Israel tấn công Dải Gaza từ trên không, trên biển và trên bộ, được cho là nhắm mục tiêu vào các trại tị nạn, khiến nhiều người chết. Các khu Tal Al-Hawa, Sheikh Ajlin và Al-Sabra ở Gaza City, miền bắc Gaza đã hứng mưa đạn pháo vào ngày 15/7, phóng viên AFP tại hiện trường cho biết. Quân đội Israel cùng ngày cũng pháo kích khu vực Al-Mughraqa và vùng ngoại ô phía bắc trại tị nạn Nuseirat ở miền trung dải đất, theo các nhân chứng.
Các nhân viên y tế thuộc Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine nói họ đã tìm thấy 5 thi thể, trong đó có ba trẻ em, sau các cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn Al-Maghazi ở miền trung Gaza. Các nhân chứng cho biết quân đội Israel còn không kích khu vực phía đông thành phố miền nam Khan Younis, cũng như nã đạn pháo và triển khai trực thăng chiến đấu Apache tấn công phía tây đô thi cực nam Rafah.

Ngày 11 – 7 – 2024

* Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến công du Lào và Campuchia từ ngày 11 đến 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng xuống Lào và Campuchia, cũng như có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.

* Trong cuộc bố ráp một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ phi pháp tại Philippines, cảnh sát đã bắt giữ 3 người Việt.
Các bệnh viện bí mật tại Philippines đã cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cho những kẻ chạy trốn và nhân viên của các trung tâm lừa đảo để giúp họ lẩn trốn pháp luật, theo nhà chức trách Philippines.
Hai bệnh viện phi pháp như vậy có thể bị đóng cửa “trong những tuần tới” sau khi cảnh sát Philippines bố ráp một bệnh viện tại vùng ngoại ô phía nam thủ đô Manila hồi tháng Năm, người phát ngôn của cảnh sát nói với BBC.

* Hôm 11/7, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga “khẩn trương rút quân đội và các nhân viên trái phép khác” khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine và trả lại cho chính quyền Ukraine toàn quyền kiểm soát, Reuters đưa tin.
Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã thông qua một nghị quyết với 99 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 60 phiếu trắng.
Nhà máy Zaporizhzhia, lớn nhất ở châu Âu, đã bị Nga chiếm giữ ngay sau khi nước này phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Nhà máy này đã ngừng hoạt động nhưng cần nguồn điện bên ngoài để giữ cho vật liệu hạt nhân luôn mát và ngăn việc các thanh nhiên liệu bị tan chảy.

* Tình báo Mỹ phát hiện ra rằng Nga đã lên kế hoạch ám sát giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức, công ty đang sản xuất đạn pháo và xe quân sự cho Ukraine, đài CNN và báo New York Times đưa tin hôm 11/7.
Âm mưu giết Armin Papperger, Giám đốc điều hành (CEO) của Rheinmetall, là một trong hàng loạt kế hoạch của chính phủ Nga nhằm ám sát các giám đốc điều hành ngành quốc phòng trên khắp châu Âu, những người đang ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine, đài CNN dẫn lời 5 quan chức Mỹ và phương Tây không nêu tên cho biết âm mưu này đã bị phát hiện vào đầu năm nay.

* Khi vụ đánh bom bệnh viện nhi ở Kyiv đang bị lên án trên toàn thế giới, các quan chức Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và thậm chí còn cố gắng đổ lỗi cho Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Cuộc tấn công hôm 8/7 vào bệnh viện Okhmatdyt diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công trên khắp Ukraine khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em, và gần 200 người bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cực lực lên án vụ đánh bom và nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm.

* Nhà hoạt động vừa ra tù Huỳnh Thục Vy hôm 11/7 cho biết bà bị từ chối cấp hộ chiếu và bị cơ quan an ninh Việt Nam cảnh báo không được tiếp xúc với các giới chức ngoại giao nước ngoài hay đưa thông tin “bất lợi” cho chính quyền Việt Nam.
Bà Huỳnh Thục Vy, một blogger và là nhà hoạt động ở Việt Nam, vừa được trả tự do vào ngày 1/6 sau khi bị cầm tù 2 năm rưỡi tù cho tội danh “xúc phạm Quốc kỳ”. Ngay sau khi ra tù, bà Vy đã nộp giấy tờ để làm hộ chiếu và được phía chính quyền hẹn gặp vào ngày 9/7.

* Hôm thứ Tư 10/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với những sự hoài nghi mới nhất của bà Nancy Pelosi và ông George Clooney về cơ hội ông tái đắc cử. Đây là hai nhân vật rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến các nhà lập pháp và nhà tài trợ tài chính khác của đảng Dân chủ.
Ông Biden phải sớm quyết định xem có nên tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 hay không, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, một đồng minh lâu năm của ông Biden, nói trên MSNBC, đồng thời, bà từ chối nói dứt khoát rằng bà muốn ông tranh cử.<br><br>

* Nga tuyên bố việc Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và đe dọa sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự.
Mỹ dự kiến triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, SM-6 và tên lửa siêu vượt âm theo từng đợt tới Đức từ năm 2026, Washington và Berlin cho biết trong tuyên bố chung ngày 10/7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Động thái ban đầu mang tính tạm thời, nhưng hướng đến bố trí các vũ khí này lâu dài, nằm trong cam kết của Mỹ với an ninh của NATO và châu Âu.

* Hội nghị thượng đỉnh NATO được coi là dịp để khối tìm biện pháp thực hiện hóa mục tiêu bắt kịp và vượt Nga trong cuộc đua vũ khí để hỗ trợ Ukraine tốt hơn.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Washington, Mỹ, lãnh đạo và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên sẽ thảo luận hai vấn đề quan trọng, gồm xung đột Ukraine và cách quản lý chuỗi cung ứng – mua sắm quốc phòng của NATO. Đây là hai chủ đề có liên quan mật thiết với nhau, thể hiện tham vọng của NATO trong đánh bại Nga về cuộc đua vũ khí, theo giới quan sát.