Chuyện tình “Một Mùa Đông” của thi sĩ Lưu Trọng Lư

 

Trong phong trào Thơ Mới vào 2 thập niên 1930-1940, nhà thơ Lưu Trọng Lư là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất với những tác phẩm nằm lòng của nhiều thế hệ: Nắng Mới, Tiếng Thu, Thơ Sầu Rụng, Một Mùa Đông, Giang Hồ, Còn Chi Nữa, Thú Đau Thương, Chiều Cổ… Trong đó bài thơ Một Mùa Đông kể lại một câu chuyện tình thơ mộng nhưng dang dở của thi sĩ với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.
Bài thơ Một Mùa Đông gồm có 4 trường đoạn, đã đi vào nhạc của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Trần Quang Lộc, Y Vân, Anh Bằng, Hoàng Thanh Tâm, với những lời nhạc quen thuộc: Đôi mắt em lặng buồn nhìn thôi mà chẳng nói…
Ca khúc nổi tiếng nhất được phổ từ bài thơ này là Mắt Buồn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ngoài ra nhạc sĩ Y Vân và Trần Quang Lộc cùng viết thành ca khúc mang tên là Người Em Sầu Mộng. Nhạc sĩ Anh Bằng viết thành ca khúc lấy tên là Ai Bảo Em Là Giai Nhân.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư
Nhà thơ Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ Mới. Những bài thơ mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, thanh thoát, giàu nhạc điệu của ông, được công chúng đương thời nồng nhiệt chào đón.
Nhân vật chính trong bài thơ Một Mùa Đông là Điềm Phùng Thị, có tên thật là Phùng Thị Cúc. Đây không phải là một “nàng thơ” thông thường như trong hàng vạn bài thơ tình khác, mà đó là một nhà điêu khắc nổi tiếng trên thế giới, là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu. Bà được đưa vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse.
Trung tâm nghệ thuật mang tên Điềm Phùng Thị ở Huế hiện nay
Bà Phùng Thị Cúc sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, ven đô Huế, quê nội ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là con ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc xây lăng vua Khải Định. Mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, bà theo cha sống ở Tây Nguyên. Năm 6 tuổi, bà theo cha sống khắp các tỉnh vùng cao nguyên trung phần ròng rã 9 năm, sau đó về lại Huế học Trường Đồng Khánh.
Năm 1946, bà Cúc tốt nghiệp nha khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa đầu tiên của Nhà nước VNDCCH. Vì một cơn bạo bệnh, Phùng Thị Cúc được đưa sang Pháp điều trị.
Tại Pháp sau khi khỏi bệnh, Phùng Thị Cúc tiếp tục theo học và tốt nghiệp bác sĩ nha khoa, sau đó kết hôn với bác sĩ Bửu Điềm, là người trong hoàng tộc, cháu 4 đời của Tuy Lý Vương. Từ đó bà đổi tên thành Điềm Phùng Thị.
Mãi đến ngoài 40 tuổi, Điềm Phùng Thị mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Năm 46 tuổi, bà có cuộc triển lãm đầu tiên và được công chúng Pháp chào đón nồng hậu, với 36 tác phẩm điêu khắc được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi của Điềm Phùng Thị đã nổi danh khắp châu Âu.
Những năm cuối đời bà quay về sống ở quê hương và đã mất ở Huế năm 2002.

Chuyện tình Một Mùa Đông
Thời còn đi học, Phùng Thị Cúc là hoa khôi của trường nữ sinh Đồng Khánh – Huế, có gương mặt kiều diễm, đôi mắt đẹp và nụ cười có mà lúm đồng tiền duyên dáng. Thời điểm đó, dù là người Hà Nội nhưng thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng có thời gian học ở trường Quốc Học – Huế.
Một lần Phùng Thị Cúc đi xe lửa từ Huế ra Hà Nội để học Trường Thăng Long, tình cờ ngồi chung với với nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Trong suốt chuyến tàu, họ không nói chuyện với nhau, cô nữ sinh lặng ngắm cảnh ở hai bên đường, còn nhà thơ thì mải ngắm dung nhan của người đẹp. Khi biết rằng đây là lần đầu cô đến Hà Nội nên Lưu Trọng Lư đã tình nguyện đưa người đẹp về tận nơi ở. Đó là một căn gác nhỏ có căn phòng của những người bạn và người chị của cô Cúc.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và chi tay ra về, xuống tới dưới đường thì tình cờ Lưu Trọng Lư gặp lại người bạn cũ là Phạm Hầu, lúc đó đang học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Hà Nội. Lâu ngày không gặp, Phạm Hầu mời Lưu Trọng Lư vào nhà chơi. Khi lên gác, bước vào một căn phòng và mở cứa sở ra, nhà thơ giật mình khi nhìn thấy cô bạn đường xinh đẹp mà ông vừa chia tay ít phút trước đó đang ở bên khung cửa sổ của căn phòng đối diện.
Ngay lập tức, Lưu Trọng Lư ngỏ ý được ở trọ chung với Phạm Hầu, và người bạn này vui vẻ đồng ý.
Suốt mùa đông năm đó, thời tiết Hà Nội giá lạnh nhưng nhà thơ đã được sống trong những ngày tháng ấm áp của một mối tình trong sáng và thơ mộng. Cửa sổ 2 phòng giáp nhau, ít khi đóng, nên nhiều lúc 4 mắt nhìn nhau trong bối rối.
Không biết bao lần ánh mắt đó đã đi vào trong giấc mơ của người thi sĩ, trở thành cảm hứng cho bài thơ Một Mùa Đông ra đời, kể lại một mối tình câm vì không có ai thổ lộ, chỉ dừng lại ở những phút nhìn nhau:

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Có một lần nhờ sự sắp đặt của những người bạn chung, hai người đã đi chơi chùa Thầy chung trong nhóm bạn. Sau một hồi leo núi, nhìn chung quanh chẳng thấy ai, đôi người ngượng ngập đi bên nhau. Đến trưa thì cả nhóm mới trở lại sân chùa cùng ăn trưa với món gà quay và rượu vang Pháp. Cũng như mọi người, cô Cúc uống vài ly rượu nho. Đôi má ửng hồng và cặp môi nhuốm màu nho chín, rơi trên trán vài lọn tóc đen nhánh. Tất cả đã tạo thành một hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh lớn trong bài thơ Một Mùa Đông đoạn thứ 3:

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Nhưng câu chuyện tình “mặt ngoài còn e” của họ cũng chỉ đi đến đó, dừng lại khi mùa đông đã hết và mãi mãi không thể thành một đôi vì nhiều lý do khác nhau.
Năm 1948, bà Cúc bị bệnh và sang Pháp điều trị rồi ở lại học tập nghiên cứu. Đến năm 33 tuổi, bà mới kết hôn với người đồng nghiệp – đồng hương là Nguyễn Phúc Bửu Điềm.
Gần 30 năm sau khi xa cách, Lưu Trọng Lư mới được gặp lại “người em sầu mộng” năm xưa. Lúc đó Phùng Thị Cúc đã trở thành bà Điềm Phùng Thị từ Paris về Hà Nội, không còn là người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào mà đã là một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới.
Mãi đến năm 1975 bà mới có dịp gặp lại Lưu Trọng Lư. Lúc đó Phùng Thị Cúc từ Paris về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Điềm Phùng Thị – một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới.
Chuyện tình Lưu Trọng Lư và bà Cúc ngắn ngủi như một mùa đông, nhưng đẹp, và đặc biệt là nhờ đó mà để lại cho đời 1 bài thơ bất hủ. Cũng bởi vì tình dang dở nên ai cũng thấy nó đẹp: Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở… (Hồ Dzếnh). Có lẽ bởi chính cái sự “dang dở” ấy giữa thi sĩ họ Lưu và mỹ nhân Phùng Thị Cúc, mà hậu thế mới được tận hưởng câu chuyện tình bằng thơ vừa mơ mộng, vừa vời vợi buồn đến tan nát lòng nhau.

Mời bạn đọc lại trọn 4 trường đoạn của bài thơ Một Mùa Đông:

I

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.

Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.

Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!

II

Tặng D.C.

Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?

III

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.

IV

Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.

Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.

Bài thơ có 4 đoạn với 4 thể thơ hoàn toàn khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ chỉ đoạn đầu để viết thành ca khúc Mắt Buồn nổi tiếng vào thập niên 1960: Thái Thanh – Mắt Buồn – Thu Âm Trước 1975
Ngoài nhạc sĩ Phạm Đình Chương, có rất nhiều nhạc sĩ khác đã phổ nhạc cho bài thơ Một Mùa Đông, trong đó có 2 nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Y Vân cùng phổ thành 2 bài hát khác nhau có cùng tên là Người Em Sầu Mộng, làm cho nhiều người nhầm lẫn giữa 2 bài.
Bài hát của nhạc sĩ Y Vân đã được sáng tác từ trước năm 1975, phổ từ đoạn thứ 2 của bài thơ, có lời hát mở đầu như sau:

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa