Trong thời gian này vấn đề an toàn thực phẩm lại được đề cập nhiều trên các báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng ở VN. Nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ khiến người dân hoang mang không biết đường nào tìm ra thực phẩm sạch cho bữa cơm hàng ngày. Đã có 70,000 người chết vì ung thư tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Ngay tại diễn đàn Quốc Hội ngày 5 tháng 6 vừa qua đã phải có một phiên thảo luận đặc biệt về an toàn thực phẩm.
Lòng thối vẫn được chế biến thành món ăn, thậm chí là thuốc chữa bệnh.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc Hội về an toàn thực Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, “Tình trạng mất an toàn thực phẩm có trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, nhưng trong thực tế nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa coi trọng sức khoẻ người tiêu dùng, không thực hiện nghiêm các quy định liên quan. Chính vì vậy mới có chuyện hai chuồng lợn, hai luống rau, một để ăn, một để bán; rồi bơm hoá chất vào tôm, dùng thịt ôi làm ruốc.”
– Bà bộ trưởng biết hết nhưng bà chỉ gào lên trong bàn hội nghị thôi, để mặc họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong khi đó ông Phùng Quốc Hiển là trưởng đoàn giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, cho rằng 60-70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm bẩn.
Tỷ lệ vụ việc bị xử lý sai phạm trong 5 năm qua mới đạt 20% so với số vụ phát hiện. Có vụ xử phạt vài triệu, có vụ hàng trăm triệu đồng. Những hành vi vô nhân tâm như cho lợn uống nước, bơm tạp chất vào tôm… vẫn nhởn nhơ tái diễn mà chưa được xử lý dứt điểm.
– Ai cho phép thực phẩm bẩn nhởn nhơ bày bán công khai? Ông là trưởng đoàn giám sát tối cao mà không biết cơ quan nào cho phép bọn con buôn nhởn nhơ giết hại dân lành, ông chờ ai “xử lý” giùm ông đây?!
Thực phẩm bẩn từ Trung Quốc tuồn vào VN
Cũng trong buổi họp Quốc Hội này, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, hóa chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt không chừa một sản phẩm nào. “Trong số khoảng 100,000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu hàng năm vào VN, có đến 90% là từ Trung Quốc. Trong khi số lượng nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì không thể kiểm soát.”
Theo Hội Nghề Cá Việt Nam, tình trạng thương nhân Trung Hoa bắt tay với một số cơ sở chăn nuôi khu vực biên giới đưa cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam để “rửa” thành cá tầm trong nước, đưa vào nội địa tiêu thụ. Cụ thể, một cơ sở nuôi cá tầm tại Tam Đường (Lai Châu) đóng “vai trò” là trạm trung chuyển để “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu. Thậm chí, tại các cơ sở nuôi cá này có cả kỹ sư người Trung Hoa. Điều đáng nói là nạn cá lậu từ Trung Quốc phát triển rất nhanh, khiến ngay cả lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về khả năng tồn dư chất kích thích, tăng trọng.
Ông Nhân cho rằng “chúng ta đang tự đầu độc chính mình” và đưa dẫn chứng mỗi năm khoảng 70 ngàn người chết vì ung thư.
Ông Nhân cho rằng, hiện nay chỉ với một tô bún có tới ba Bộ quản lý:
– Nguyên liệu do Bộ Nông Nghiệp& Phát Triển Nông Thôn (NN&PT NT) quản lý,
– Sản phẩm làm ra thuộc Bộ Công Thương.
– Sản phẩm có chất độc, chất cấm thì trách nhiệm của Bộ Y Tế.
– Cả ba bộ đều “quản,” ông nọ ngồi nhìn ông kia, anh làm việc của anh, tôi làm việc của tôi, tôi còn mải tiếp doanh nghiệp kiếm cái phong bì,hơi đâu nhảy vào chuyện trời ơi. Anh giỏi thì làm đi! Mặc kệ thằng dân chết vì ung thư hay vì nước biển có chất độc, vì trăm thứ khác…
Ông Võ Đình Tín (đại biểu tỉnh Đăk Nông) cho rằng việc vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đang diễn ra trên nhiều lãnh vực như sản xuất phụ gia, thực phẩm chức năng, phân bón….ảnh hưởng đến sức khỏe của xã hội. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, bệnh đường ruột.
ĐB Mai Sĩ Diễn (Thanh Hóa) cũng băn khoăn về việc nhiều người trong nước sử dụng thực phẩm bẩn, hàng trăm ngàn con lợn trị bệnh bằng thuốc kháng sinh khi chết len lỏi vào bữa ăn của người dân; người lao động, công nhân, học sinh…
– Thế là cả nước đều bị ăn thịt lợn chứa chất kháng sinh. Không chết ngay đứ đừ như thuốc diệt chuột nhưng chết dần chết mòn từng ngày, sống lay lắt không có tiền vào bệnh viện, nằm lê lết trên các vỉa hè.
Trong lần đi giám sát, Bộ trưởng Y Tế có nhận xét trong lúc trung ương sốt sắng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhiều cơ sở, địa phương lại thờ ơ.
Địa bàn của anh rõ ràng anh nhìn thấy sai phạm, có căn cứ nhưng không xử lý. Thậm chí có cán bộ xã nói, “Nếu chúng tôi làm nghiêm thì ngồi với ai, chơi với ai.”
Ông cán bộ xã thích ngồi chơi chứ không thích làm việc. Sao không cho ông cán bộ này về nhà ngồi chơi xơi nước đi cho bà con nhờ.
Phó chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển – trưởng đoàn giám sát kể lại, “Một lần chúng tôi kiểm tra bất ngờ cơ sở giết mổ ở Hà Nội. Cơ sở này tồn tại ba năm rồi, nhưng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn: giết mổ trâu, bò; bảo quản thịt sau giết mổ… đều vi phạm.
“Cách giết trâu bò thì man rợ; thịt giết mổ xong để trơ trọi trên nền gạch nhầy nhụa, xung quanh thì ô nhiễm. Có thành viên đoàn giám sát không chịu được cảnh ghê rợn, mùi ô uế phải ra ngay.”
– Vậy trong ba năm đó các ông trong đoàn giám sát làm gì? Ông lãnh lương là tiền mồ hôi nước mắt của người dân hay ông lãnh lương của mấy ông chủ lò làm thịt gia súc?
Trong khi đó một anh phóng viên báo VnExpress phỏng vấn Phùng Quốc Hiển, “Một đại biểu quốc hội từng phát biểu, Chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa gần thế. Ông nghĩ sao?”
Ông Hiển nói, “Chúng ta đau xót khi xảy ra những vụ tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới thì không nhiều, điều đáng báo động hơn là chết dần chết mòn.”
Theo thống kê giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có 70,000 người chết vì ung thư và 200,000 ca phát hiện ung thư. Trên thế giới họ cho rằng, 35% bệnh ung thư là do thực phẩm bẩn. Cá nhân tôi cho rằng, ở Việt Nam, 60-70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm bẩn.
Người dân trung lưu thường chê hàng chợ, xách bóp vào các siêu thị đèn đuốc sáng choang, nhân viên lễ phép cúi đầu khoanh tay chào mời. Cứ yên tâm rằng nơi được coi là sạch, có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng người tiêu dùng vẫn bị “dính” thực phẩm bẩn. Dù có cán bộ kiểm tra kè kè đứng đó thì vẫn vi phạm.
Các ông bà này cũng bị lừa. Giấy chứng nhận an toàn thực phẩn cũng do anh em ông cán bộ kiểm tra cấp, giấy thật hay giấy giả cũng như nhau thôi. Đến giấy chứng nhận bằng tiến sĩ còn mua được thì ở VN chẳng có gì không mua được. Không mua được bằng tiền thì… mua bằng rất nhiều tiền hoặc chui lòn qua cửa sau là có tuốt.
Người dân nói gì?
Chị Mai Nguyên ở Phước Long, quận 7, Sài Gòn kể, “Nhà mình chuyển sang ăn cá, tôm lâu lắm rồi. Mấy đứa nhỏ thèm thịt lắm nhưng lúc nãy thấy miếng nào miếng đó toàn nạc, tôi sợ nhiễm chất cấm.
“Tôi có ông anh chạy xe chở tôm cho các vựa ở miền Tây. Hôm rồi ghé nhà nghe tôi chuyển sang ăn tôm, cá, ổng cứ cười miết. Ổng nói tôi tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa vì người nuôi đổ kháng sinh xuống ao như mưa, thể nào cũng bị tồn dư, gây hại. Riết rồi không biết ăn gì luôn.”
Không chỉ chị Nguyên, những bà nội trợ khác cho biết cứ loay hoay trong việc chọn nguồn thực phẩm cho gia đình trong bối cảnh thực phẩm “bẩn” tràn lan. Họ không phân biệt được thế nào là thực phẩm sạch – bẩn dù tiền không thiếu. Từ bỏ thịt heo, nhiều người chuyển sang thịt bò nhưng lại gặp “heo nái tân trang thành bò” hay chỉ là thịt trâu nhập lậu. Trong khi đó tôm, cá, thịt gà từ các trại công nghiệp cũng bị cho ăn cám có hóa chất gây ung thư.
Phó chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển khuyến cáo, “Để chống thực phẩm bẩn, đừng làm theo kiểu kêu gọi, phong trào khi đưa ra tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, hay chiến dịch, ra quân. Những hình thức này chỉ mang tính chất khích lệ, động viên chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cũng như chuyện xử lý lấn chiếm vỉa hè vừa rồi, ầm ĩ một thời gian, xong đâu lại vào đó.”
– Chuyện kéo nhau “ra quân” hô hào rùm beng nào là dẹp lân chiếm vỉa hè, làm sạch thành phố và làm Việt Nam đẹp như Singapore chỉ là chuyện tưởng tượng thôi.