Thế vận hội Tokyo chứng kiến nhiều công nghệ mới ở khắp mọi nơi, từ địa điểm thi đấu, đến quần áo dành cho vận động viên.
Trì hoãn sự kiện một năm vì đại dịch, nước chủ nhà Nhật Bản và các công ty công nghệ có thêm thời gian để cập nhật những công nghệ mới nhất cho các môn thi đấu.
Công ty OBS, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất nội dung chính thức tại Olympic, đã sản xuất hơn 9.500 giờ nội dung, thuộc tất cả môn góp mặt trong Thế vận hội bằng cách sử dụng hơn 1.000 hệ thống camera và 3.600 micrô. OBS cũng đã công bố sơ lược về độ phức tạp của quá trình phát sóng và tính bền vững trong quá trình sản xuất nội dung. Nhưng phần khiến nhiều khán giả ngạc nhiên khi theo dõi các màn thi đấu tại Olympic năm nay là công nghệ hiện đại trong các sự kiện.
Dữ liệu sinh trắc học
Mặc dù các cung thủ có thể trông như hoàn toàn bất động khi giương cung, vẫn có những thay đổi sinh trắc học nhỏ diễn ra trong cơ thể họ. Lần đầu tiên tại một Thế vận hội, người xem sẽ thấy dữ liệu đó nhờ vào camera theo dõi nhịp tim trực tiếp.
Hệ thống camera đặt cách vạch bắn 12 m nhằm theo dõi trực tiếp nhịp tim của cung thủ. Ảnh: Reuters.
Hệ thống camera đặt cách vạch bắn 12 m nhằm theo dõi trực tiếp nhịp tim của cung thủ. Ảnh: Reuters.
Các địa điểm thi đấu môn bắn cung có bốn máy quay đặt cách vạch đứng 12 m và hướng ống kính về phía khuôn mặt của vận động viên. Trên màn hình TV, người hâm mộ sẽ thấy đồ họa thông tin về nhịp tim của cung thủ thay đổi như thế nào. Dữ liệu nhịp tim mỗi phút được phần mềm nhận dạng khuôn mẫu của tập đoàn công nghệ Nhật Bản Panasonic tính toán bằng cách theo dõi màu sắc khuôn mặt trong video trực tiếp.
Quay toàn cảnh
Một lượng lớn camera 4K tốc độ cao được trang bị quanh sân khấu cho phép khán giả dù ngồi tại nhà vẫn được tận hưởng cận cảnh tất cả hành động trong các môn bóng rổ, thể dục dụng cụ, điền kinh, đạp xe, golf, bóng đá, trượt ván, leo núi thể thao và bóng chuyền. Hệ thống phát lại với nhiều camera này có thể hiển thị nội dung từ các góc 360 độ khác nhau. Giống cảnh quay kinh điển trong The Matrix với góc máy quay xung quanh nhân vật trong khi họ lơ lửng giữa không trung, người điều khiển máy quay có thể quyết định thời điểm “đóng băng” chuyển động và sau đó thực hiện thao tác phát lại hoặc phóng to từ bên này sang bên kia xung quanh vận động viên. Các video phát lại này có thể sẵn sàng trong nháy mắt, mất chưa đến năm giây để lên sóng.
Theo dõi vận động viên 3D
Trong các môn chạy nước rút (100 mét, 200 mét, 400 mét, tiếp sức 4×100 mét và mười môn phối hợp), người hâm mộ theo dõi truyền hình trực tiếp sẽ nhận được thông tin chi tiết theo thời gian thực và hình ảnh 3D hóa của vận động. OBS cho biết công nghệ theo dõi vận động viên 3D mới này (3DAT) là kết quả hợp tác giữa Intel và Alibaba từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính.
Không cần gắn bất cứ bộ quần áo đặc biệt hay cảm biến nào trên người vận động viên, 3DAT nhập video thông thường từ máy quay, đồng thời sử dụng thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo để tạo bộ xương kỹ thuật số của người chạy. Một khi xác định chính xác 22 vị trí chuyển động trên cơ thể, bộ xử lý Intel cung cấp dữ liệu trong vòng vài giây về vận tốc, góc cơ thể, gia tốc, độ dài sải chân của vận động viên và hơn thế nữa.
Quần áo thế hệ mới
Thương hiệu thời trang Mỹ đình đám Ralph Lauren đã giới thiệu một công nghệ mới gọi là “RL COOLING”, được phát triển đặc biệt cho các vận động viên Đội tuyển Olympic Mỹ.
“Biết trước về cái nóng mùa hè ở Tokyo, chúng tôi đã tìm cách phát triển một giải pháp cho đội tuyển Mỹ vừa đảm bảo hợp thời trang và chức năng làm mát”, David Lauren, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Ralph Lauren, nói.
Sản phẩm của Ralph Lauren có thể cảm nhận nhiệt độ cơ thể và phân tán nhiệt từ da của người mặc thông qua một thiết bị phức tạp. Trong thông cáo báo chí của mình, công ty cho biết đây là công nghệ được sử dụng để làm mát các hệ thống máy tính tiên tiến nhất trên thế giới. Ralph Lauren cho biết: “Kết quả của quá trình này là cảm giác mát lạnh có thể cảm nhận được ngay lập tức và kéo dài, ngay cả trong nhiệt độ nóng bức nhất”.
Vận động viên cầm cờ của đội tuyển Mỹ đã mặc bộ quần áo áp dụng công nghệ này trong cuộc diễu hành lễ khai mạc Olympic và sắp tới là Paralympic.
Robot Olympic
Thế vận hội Tokyo 2020 sử dụng robot theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, linh vật người máy, Miraitowa và Someity, ban đầu được giao nhiệm vụ chào đón khán giả, nhưng giờ đây chúng được dành riêng cho các vận động viên, vì khán giả không được phép vào sân cổ vũ.
Tiếp theo là robot của Toyota hỗ trợ các sự kiện thể thao ngoài trời như ném lao hoặc ném búa. Nó có chức năng lái xe tự động và có thể tự điều hướng để nhặt lại các đồ vật như lao hoặc búa. Bằng cách này, robot giúp cắt giảm lượng nhân viên tham gia các sự kiện hơn và dù sao thì robot thậm chí có thể tìm kiếm đồ nhanh hơn con người.
Công nghệ sẽ không phải là nhân vật chính tại Olympic Tokyo 2020, nhưng nó chắc chắn là yếu tố bổ sung giúp thu hút khán giả theo dõi sự kiện thể thao này.