Mười cách kiến thiết để làm thế giới tốt đẹp hơn

George Kafka
BBC Culture

Trong đầu bạn sẽ nghĩ đến điều gì nếu bạn tưởng tượng tương lai kiến trúc?
Những tòa nhà chọc trời bằng kính cao chót vót với hình dạng kỳ quặc? Thành phố nổi gồm các cụm tòa nhà ngập tràn cây xanh? Còn gạch tái chế thì sao? Hoặc sơ đồ giải thích cách thức hoạt động của hệ thống Trí tuệ Nhân tạo?

Cuộc sống đồng quê ‘lên ngôi’ trong thời phong tỏa
Bạn có thể ngạc nhiên khi tìm thấy hai dự án này trong quyển ‘Kiến trúc cấp tiến của tương lai’, sách mới của giám tuyển đồng thời là biên tập viên Beatrice Galilee, vốn trình bày về 79 dự án của các kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà thiết kế trò chơi, nhà nghiên cứu và nhiều người khác.
Các dự án này chỉ ra ‘phương hướng khả dĩ cho tương lai kiến trúc’, Galilee giải thích trong cuộc gọi video. Bà gọi cuốn sách là ‘ngọn hải đăng’, một tín hiệu hy vọng giữa màn đêm khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng xã hội mà trên khắp thế giới đang cảm nhận.
Tuy nhiên, không hề là danh sách những giấc mơ không tưởng, từng dự án được trình bày trong quyển sách đều đã được hoàn thành.
Chúng là những trường hợp điển hình hiện có vốn cho thấy tương lai đã được các kiến trúc sư và các nhà thiết kế truyền cảm hứng trên toàn thế giới xây dựng.
“Chúng ta cần những ý tưởng hay, chúng ta cần trí tưởng tượng, và tôi nghĩ thiết kế kiến trúc là mảnh đất màu mỡ cho những ý tưởng đó,” Galilee nói với BBC Culture.
Dưới đây, chúng tôi trình bày 10 ý tưởng chủ chốt được tìm hiểu trong sách của Galilee và các dự án hiện thực hóa chúng.

Thiết kế hài hòa chứ không đối chọi thiên nhiên
Một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới kiến trúc ngày nay lại không hề là kiến trúc sư.
Donna Haraway là triết gia nữ quyền mà ý tưởng của bà về làm sao chúng ta tương tác công bằng hơn với tự nhiên đang thay đổi cách chúng ta thiết kế các tòa nhà.
Galilee nhìn thấy ảnh hưởng của bà trong công trình của các kiến trúc sư như Junya Ishigami, người có Khu Vườn Nước Art Biotop đẹp như mơ ở Nasu, Nhật Bản, được xây dựng bằng cách di chuyển 318 cây từ cánh đồng lân cận để giữ cho chúng không bị hủy hoại.
Tương tự, thánh đường Hồi giáo Bait Ur Rouf tại Dhaka của kiến trúc sư người Bangladesh Marina Tabaassum được thiết kế để lấy ánh nắng mặt trời và tạo ra những hoa văn tuyệt đẹp bên trong không gian linh thiêng.

Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế
Chúng ta đã quen với việc tái chế tại nhà, nhưng làm sao làm việc đó ở quy mô một tòa nhà?
Các hãng kiến trúc như Rotor, đặt tại Brussels và Lacaton &Vassal, đặt tại Paris, đã phát triển các phương cách giảm lãng phí vật liệu khi xây dựng các tòa nhà đẹp – điều rất quan trọng khi mà ngành xây dựng xả ra tới gần 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Lacaton &Vassal mới đây đã được trao Giải Pritzker, giải thưởng kiến trúc uy tín nhất, để ghi nhận các dự án của họ trong việc cải tạo, thay vì phá hủy các khu nhà ở xã hội tại Pháp.
Rotor đã thành lập doanh nghiệp tái chế vật liệu xây dựng của riêng họ. “Bản thân nó là một cuộc cách mạng mini hợp lý, thực tế,” Galilee nói.

Cải tiến vật liệu
Sử dụng các vật liệu sáng tạo có thể giúp giảm tác động môi trường của các công trình.
Chẳng hạn ethylene tetrafluoroethylene (ETFE) là một loại nhựa nhẹ có thể được sử dụng để làm mát các tòa nhà, như Thính phòng Plasencia và Trung tâm Đại hội ở Tây Ban Nha do Selgas Cano thiết kế.
Vấn đề là đôi khi vật liệu phù hợp nhất là những vật liệu có sẵn tại chỗ. Khu phức hợp tôn giáo và thế tục của hai hãng Masōmī và Chahar ở Dandaji, Niger, sử dụng gạch đất nén và các vật liệu khác thu thập trong bán kính ba dặm của công trình.
Hãng Atelier Masōmī “ủng hộ việc duy trì truyền thống kiến trúc bằng đất ở khu vực, nhằm giảm hoặc loại bỏ các vật liệu xây dựng nhập khẩu tổng hợp hoặc theo tiêu chuẩn phương Tây,” Galilee viết.

Đương đầu với sự bất công
Độc giả của ‘Kiến trúc Cấp tiến’ có thể ngạc nhiên khi thấy dự án nhiếp ảnh về cuộc khủng hoảng nước ở Flint, Michigan, trong một cuốn sách về kiến trúc.
“Không thể rạch ròi thành phố chúng ta đang sống với các giá trị thiết kế nên nó,” Galilee giải thích, đề cập đến sự phân biệt chủng tộc và tách biệt sắc tộc vốn tồn tại trong quy hoạch đô thị ở nhiều thành phố Mỹ, nơi bà sống.
Loạt ảnh ‘Flint Is Family’ Phần I của LaToya Ruby Frazier nêu bật tác động của các công trình xây dựng đối với sự hưng thịnh hay tàn phá sinh kế, trong khi ‘Học thuyết Màu sắc’ của Amanda Williams là một loạt các ngôi nhà được sơn đặc trưng ở Nam Chicago, mỗi một trong số này dự kiến sẽ bị phá bỏ, để cho thấy rõ ràng nguyên lý phát triển mang tính phân biệt chủng tộc trong khu bà sống.

Sống cùng nhau
Cũng như làm nổi bật những bất công, các dự án được trình bày trong sách cho thấy các kiến trúc sư có thể gây ảnh hưởng ra sao tới cách chúng ta sống chung cùng nhau và xây dựng các cộng đồng bình đẳng hơn.
Granby Four Streets là một dự án của Assemble ở Liverpool, Anh, phối hợp với một tổ chức tín thác đất đai cộng đồng để phục hồi những ngôi nhà đổ nát và tạo nên không gian sáng tác và một khu vườn chung.
Ở những nơi khác, các dự án tại Trung Quốc khai phá cách làm thế nào để du lịch dưới sự dẫn dắt của các kiến trúc sư và nghệ sĩ có thể đem đến các điểm nhấn mới cho cư dân: các tòa nhà mới của Xu Tiantian ở Tùng Dương có đình làng, trà quán và nhà máy đậu phụ, trong khi nghệ sĩ Ou Ning làm việc với xã Bích Sơn ở tỉnh An Huy để tạo ra tiền tệ và hộ chiếu của họ cũng như một trung tâm học tập và phòng trưng bày nghệ thuật.
“Tôi thích ý nghĩ rằng các kiến trúc sư là tác nhân thay đổi, và những người có tầm nhìn và ý tưởng xa hơn chỉ là đáp ứng khách hàng,” Galilee cho biết.

Xa hoa nơi công cộng
Những nơi tuyệt vời nên là nơi ai cũng có thể tiếp cận, và ‘Kiến trúc Cấp tiến’ làm nổi bật dự án của các kiến trúc sư đem sự sang trọng đến cho không gian công cộng.
Ví dụ, tại Port-au-Prince, Haiti, hãng Emergent Vernacular Architecture đã thiết kế một thính phòng có sự phối hợp với cư dân địa phương sau trận địa chấn hồi năm 2010. Công trình ra đời là một loạt các vòng tròn đồng tâm với không gian cho chỗ ngồi, vườn tược và thiết bị tập thể dục.
Theo Galilee, “đó không phải là cách tiếp cận mang tính thương mại đối với không gian công cộng, mà là cách tiếp cận mang tính cộng đồng đối với không gian chung”.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Công ty Đường sắt Seibu đã mời Kazuyo Sejima – “một trong những kiến trúc sư còn sống quan trọng nhất” – thiết kế một toa xe lửa. Toa tàu có cửa sổ lớn để giúp hành khách đến gần hơn với những khung cảnh đoàn tàu đi qua và được thiết kế để “đánh dấu sự xuất hiện của thời đại kỹ thuật số trong giao thông”.

Dữ liệu định hình cách chúng ta sống
Cũng như đường bộ và đường sắt từng định hình thế giới tương lai, ngày nay các hệ thống dữ liệu đã thay đổi đáng kể cuộc sống chúng ta: cách chúng ta di chuyển, giao tiếp, và ngay cả cách chúng ta bật đèn.
Các nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà nghiên cứu như James Bridle, Kate Crawford, Vladan Joler và Andrés Jaque đã xem xét cẩn thận các hệ thống này để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách chúng hoạt động, cách chúng định hình xã hội chúng ta và với cái giá là bao nhiêu.
Chẳng hạn Bridle đã nghiên cứu mức độ phát thải carbon của các dịch vụ internet giống đám mây của chúng ta và dự án Intimate Strangers của Jaque cải biên một cách rất cuốn hút ứng dụng hẹn hò Grindr thành một dạng chủ nghĩa đô thị.
Giải phẫu hệ thống Trí tuệ Nhân tạo của Kate Crawford và Vladan Joler là nghiên cứu vi mô về cách trợ lý giọng nói Alexa của Amazon được làm ra, làm cho chúng ta thấy được công sức bỏ ra để tạo ra giọng nói trong phòng khách chúng ta.

Tìm con người trong giai đoạn hậu con người
Các hệ thống dữ liệu ngày càng thông minh có nghĩa là một số công trình được thiết kế và thậm chí là được lấp đầy mà không hề nghĩ đến con người.
Các tác phẩm sáng tạo của nghệ sĩ Cao Phi và nhà thiết kế/nhà làm phim Liam Young kích thích khán giả xem xét những thay đổi này ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào: cách chúng ta sống, làm việc và thậm chí dành thời gian bên nhau.
Phim ‘Asia One’ của Cao Phi mô tả bên trong một trung tâm phân phối hoàn toàn tự động do công nghệ AI điều hành ở Thượng Hải, nơi con người dường như lạc lõng giữa máy móc, và phim ‘In the Robot Skies’ của Liam Young là câu chuyện tình yêu ở London trong tương lai gần được kể với, và nói về, máy bay không người lái.
Đối với Galilee, “việc hư cấu những điều này là cách nhẹ nhàng để tiếp cận các vấn đề rất rắc rối”.

Cơ thể người cũng được thiết kế
“Chúng ta không chỉ thay đổi môi trường, môi trường chúng ta đang thay đổi chúng ta,” Galilee nói, giải thích việc đưa vào sách các công trình của hãng kiến trúc SO-IL ở New York và ‘kiến trúc sư cơ thể’ Lucy McRae.
Phim ‘The Institute of Isolation’ của McRae hình dung cách chúng ta rèn luyện cơ thể mình để có thể tồn tại trong môi trường khác thường, trong khi tác phẩm ‘L’air pour l’air’ của SO-IL cho thấy các nghệ sỹ biểu diễn mặc các cấu trúc nhẹ để nối dài cơ thể. Dự án của họ nhắc nhở chúng ta nghĩ về cách cơ thể mình tương tác với môi trường xung quanh, chủ đề hợp thời trong thời đại dịch.

Những điều tưởng tượng mới
Một phần của tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn là thiết kế những cách nhìn thế giới mới.
Tiểu thuyết sáng tạo và sự mơ mộng có thể tạo ra những thế giới chúng ta muốn thấy và gợi cảm hứng về làm cách nào để đến được chỗ đó.
Ví dụ, thiết kế của Hannah Beachler cho nhân vật Wakanda trong phim Black Panther tưởng tượng các nước như Sénégal và Uganda có thể đã phát triển như thế nào nếu chúng chưa bao giờ là thuộc địa.
Everything, trò chơi điện tử của nhà thiết kế David O’Reilly, mở rộng giới hạn của trí tưởng tượng bằng cách cho phép người chơi đảm nhận hầu hết vai trò trong vũ trụ – từ vi khuẩn, con gấu cho đến thiên hà – trong nỗ lực thay đổi nhận thức của chúng ta về các dạng sống khác.
“Làm thế nào để bạn hiểu bản thân bạn chính là sản phẩm của mọi thứ?” Galilee hỏi. “Bạn không thể tách rời mình khỏi ra vỉa hè, cây cối, côn trùng. Tất cả chúng ta đều làm việc cùng nhau, và đó là hệ sinh thái mà chúng ta đang sống. Tất cả các dự án trong sách muốn làm mọi người chú ý đến điều này. Kiến trúc là một trong số những thứ khác, và chúng được kết nối với nhau.”