PHIM CAO BỒI

Lê Tấn Tài

Phim cao bồi còn gọi là phim Viễn Tây (Western Films) thường lấy bối cảnh vùng biên giới Mỹ – Mễ ở miền Tây Hoa Kỳ, dân cư thưa thớt, thù địch và vô luật pháp, nơi cư ngụ của những kẻ ngoài vòng pháp luật. Phim mô tả cuộc sống và công việc của những người đàn ông và phụ nữ sống vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thường xoay quanh các nhân vật chính là các cao bồi (người chăn bò), sheriff (cảnh sát trưởng), những kẻ trộm cướp và băng nhóm xã hội đen, họ thường phải đối đầu với những tình huống nguy hiểm và thách thức khó khăn. Các câu chuyện Viễn Tây xoay quanh cuộc sống của dân khẩn hoang tại các khu vực xa xôi, hoang dã. Trong đó, những nhân vật chính là những người tìm kiếm cuộc sống mới, đối mặt với nhiều thử thách và nguy hiểm, từ việc chống lại các tên cướp, tội phạm đến các tình huống phức tạp về tình yêu, gia đình và mối quan hệ giữa con người nhằm đúc kết các chủ đề lớn hơn về công lý, tự do, cũng như lịch sử và bản sắc quốc gia Mỹ. Phim cao bồi được cho là bắt nguồn từ văn chương kỵ sĩ (chivalric literature) với những chuyến phiêu lưu hào hùng trên lưng ngựa của những người vô danh đi vào vùng thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí. Nhân vật trung tâm là giới bình dân luôn ấp ủ hoài bão lập nghiệp trên thửa đất mang tên mình. Khán giả bước vào thế giới Viễn Tây để chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, với những trận đấu súng long trời lở đất để bảo vệ những “nguyên lý sống”, nhưng không hẳn để bảo vệ công lý và danh dự, thật ra chỉ là khát vọng sinh tồn theo thói đời hèn hạ. Ở đấy, con người dù bất kể thân phận nào đều không sống theo bản năng mà phải tập cách tồn tại bằng lý trí, sẵn sàng đạp đổ mọi khuôn mẫu để giữ bằng được sinh mạng, William Munny, nhân vật chính trong bộ phim “Unforgiven” nói: “Viễn Tây là nơi tính mạng hoàn toàn vô giá trị”.

Phim cao bồi phần lớn miêu tả các băng đảng cướp bóc người Mễ đội nón rộng vành và các bộ lạc da đỏ là hiếu chiến và hiếu sát. Tuy nhiên, nội dung phim chỉ có tính cách mô phỏng một thời kỳ lịch sử của nước Mỹ, không thể đại diện cho toàn bộ người Mễ và bộ tộc da đỏ. Trong thực tế, các bộ tộc da đỏ có nhiều nền văn hóa và đặc trưng riêng, và không phải tất cả đều có tính hiếu chiến và hiếu sát. Một số bộ tộc da đỏ thậm chí có tình thương yêu thiên nhiên sâu đậm và luôn ước mong một cuộc sống bình yên. Tương tự, người Mễ cũng rất đa dạng, và không phải tất cả đều thuộc các băng đảng cướp bóc. Điều này cũng đúng đối với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới – không thể dựa trên hình ảnh tiêu biểu để đánh giá toàn bộ nhóm người đó.

Một điểm khác, phim cao bồi thường kết thúc hạnh phúc và có hậu cho nhân vật chính. Kết thúc có hậu là một trong những điểm nhấn quan trọng, giống như các truyện tuồng cải lương của Việt Nam. Nhân vật chính là người hủng, thường phải đối đầu với những tội phạm hay những kẻ thù nguy hiểm khác. Cho đến khi chấm dứt phim, các nhân vật chính thường đạt được chiến thắng và giải quyết được mọi vấn đề. Kết thúc có hậu trong các phim cao bồi thường mang tính đối lập với những trận chiến và xung inđột dữ dội trước đó. Đây là khoảnh khắc mà các nhân vật chính thể hiện tình cảm, nhân ái, sự đoàn kết và mọi hiểu lầm được giải quyết.

Kịch bản thường xảy ra tại các quán rượu, sòng bạc, nhà thổ… toàn là những vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng. Điện ảnh Hollywood đã tạo nên khái niệm về các chàng cao bồi cao ráo, mảnh khảnh, đẹp trai, như những người chuộng lối sống cá nhân và phiêu lưu súng đạn. Họ không hề buồn tẻ và tối mặt vì chăn bò vốn là cuộc sống thực sự của các cao bồi. Hình ảnh anh cao bồi trầm tư, ít nói, gai góc, cáu cạnh, quần áo xuệch xoạc đầy bụi như Clint Eastwood trong phim A Fistful Of Dollar, trên môi phì phèo điếu thuôc lá, thỉnh thoảng chàng nhổ toẹt nước miếng tỉnh bơ, như bà già trầu Việt Nam nhổ bả lung tung. Các nhân vật của phim uống rượu whisky như uống nước lã, quay súng điệu nghệ và các vũ nữ si tình. Viễn Tây còn là nơi người ta đổ xô đi tìm vàng với khát vọng giàu sang và chạy trốn thế giới văn minh với những bản án thảm khốc. Bọn du thủ du thực vốn dĩ là những nông dân bị trào lưu công nghiệp hóa tước sạch sản nghiệp, phải mưu sinh bằng những công việc hèn mạt, cho nên chúng họp nhau lại để thực hiện những vụ cướp nhà băng kinh thiên động địa hoặc săn lùng lẫn nhau để tranh giải thưởng trên tờ truy nã.

Phim thường xây dựng trong khung cảnh đầy nắng gió, cát bụi, những ngôi nhà bằng gỗ, quán trọ, cửa hàng nhỏ và mỏ đá quý, tạo nên một hình ảnh hoang dã, khắc nghiệt nhưng đầy màu sắc hấp dẫn. Các cảnh đấu súng là yếu tố không thể thiếu, mang đến cho người xem những màn trình diễn kỹ năng bắn súng tuyệt vời và đầy kịch tính. Những trận đấu súng trong các phim này thường được miêu tả rất chân thật và đầy kỹ thuật. Nhạc nền cũng là điểm vô cùng đặc sắc trong phim cao bồi. Những thanh âm khi trầm, khi bổng, khi cực nhộn, khi buồn thảm, nhưng đa số là không lời. Vì thế, hầu hết phần nhạc phim được công chúng nhắc nhở lâu hơn bản điện ảnh. Trong các thập niên 1980 -1990, nhạc phim cao bồi là phần không thể thiếu tại các vũ trường, tiệm cà phê… nhờ giai điệu du dương xen lẫn gay gắt rất thích hợp với thói quen tìm ảo giác của cư dân thành thị.

Phim cao bồi mang đến cho người xem những hứng thú hấp dẫn và đầy kịch tính, bao gồm những tình tiết phức tạp và cảm xúc đa dạng của nhân vật. Người hùng trong phim có tính cách mạnh mẽ, trung thực, can đảm, có tình cảm với người dân, chiến đấu cho lý tưởng và người mình yêu thương, bảo vệ công lý và sự an toàn cho những người yếu đuối. Đó là những thông điệp về lòng dũng cảm, sự công bằng, tình bạn, tình yêu. Những tình huống khó khăn và nguy hiểm cũng giúp họ trưởng thành hơn, tìm ra giá trị thực sự trong cuộc sống. Hầu hết các phim cao bồi, đạo đức thường được xem là một giá trị văn hóa quan trọng và được tôn vinh, thể hiện qua việc nhân vật chính luôn hành động đúng đắn, tôn trọng pháp luật và cố gắng tránh xa bạo lực, trừ khi cần thiết phải bảo vệ bản thân hoặc người khác, được coi là những anh hùng và được mọi người kính trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nhân vật cao bồi có thể phải đối mặt với những tình huống khó khăn và phải đánh đổi đạo đức của mình để đạt được mục đích cuối cùng. Do đó, phim cao bồi vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của khán giả yêu thích thể loại phim hành động.

Văn hóa cao bồi hay lối sống miền Viễn Tây là phong cách sống chịu ảnh hưởng từ những quan điểm, đạo lý và lịch sử của miền Tây nước Mỹ, bao gồm những ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền văn hóa của thổ dân châu Mỹ và người Mỹ gốc Mễ và phần nào được lãng mạn hóa và phóng đại trong truyền thông đại chúng. Xã hội Mỹ trong phim với nhiều khía cạnh cuộc sống ở các thị trấn nhỏ, các cư dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và nông nghiệp, được miêu tả là một xã hội vô tổ chức, nơi luật pháp ít được thực thi và bạo lực thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các phim cao bồi được sản xuất vào thế kỷ 20, khi xã hội Mỹ đang trong giai đoạn khai hoang và chưa được công nhận hoàn toàn. Do đó, những hình ảnh và miêu tả trong các phim này có thể không hoàn toàn phản ánh thực tế của xã hội Mỹ. Những chàng cao bồi thật sự quanh năm tất bật chăn bò tại những nơi hẻo lánh như hoang mạc Texas. Lâu lâu bầu không khí cô quạnh bị xé toạc bởi tiếng rống đinh tai của lũ bò sừng dài. Lũ bò này hung hăng vô cùng, mỗi khi chúng nổi cơn có thể giẫm đạp người chăn như thường. Hầu hết họ sống cuộc đời tẻ nhạt, đặt bên rìa xã hội. Họ từng là cựu nô lệ, tá điền nghèo khổ và cả những người da đỏ bản địa bị áp bức. Họ chỉ được hưởng chút ít quyền tự chủ. Rõ ràng cuộc sống ngoài đời thực của các chàng cao bồi không hề lung linh như trên màn ảnh của Hollywood.
Ngày nay hình ảnh cao bồi bao gồm nhiều nghĩa tốt lẫn xấu. Nó mâu thuẫn như chính bản thân con người đơn độc, luôn phải đối phó với nghịch cảnh và tự lập để sinh tồn. Những chàng trai thành phố thích khoác lên mình trang phục cao bồi với cái nịt có khóa to bảng, với đôi giày ủng cao cổ bằng da, với chiếc quần Jean sờn gối, dù họ chưa bao giờ là cao bồi. Các cô gái miền quê, quyến rũ với chiếc quần jean bó sát đùi, cái eo thon nhỏ trong chiếc áo chẻn ca rô và chiếc mũ cao bồi ngạo nghễ. Tuy vậy 2 chữ cao bồi cũng hàm ý chê bai cho những kẻ liều mạng, bạo lực, chè chén và bài bạc. Tạp chí Time đã có lần gọi chính sách của cựu tổng thống Bush là “cowboy diplomacy”. Châu Âu gọi Bush là “cowboy”. Miền Đông cũng gọi những tài xế lái xe tải bạt mạng trên các con đường xa xôi là “cowboy”! Dù thích hay không thì đã có đến 4 vị tổng thống của nước Mỹ từng là cao bồi thực thụ: Theodore Roosevelt, Calvin Coolidge, Lyndon Johnson và Ronald Reagan.

Ngoại cảnh trong các phim cao bồi được quay tại các khu vực hoang vu và đồng cỏ rộng lớn, thường là các khu vực ngoại ô hoặc miền quê. Những địa điểm này có vẻ đẹp hoang dã tạo ra một cảm giác cô độc và nguy hiểm – hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của các phim cao bồi. Một số địa điểm phổ biến khác để thu hình các phim cao bồi gồm các rặng núi cao, các thung lũng rộng mở, các rừng cây rậm rạp. Các địa điểm này cũng được sử dụng để quay các cảnh truy đuổi và hành động, với những người diễn viên cao bồi trèo lên các ngọn đồi và nhảy qua các thung lũng.
Một số cảnh quay tại các thành phố cổ điển của Hoa Kỳ như Dodge City, Tombstone và Deadwood. Các thành phố này được trang trí với các cửa hàng, quán rượu và các tòa nhà kiểu cổ điển, mang dáng dấp hoài cổ và lãng mạn cho phim. Những bộ phim nổi tiếng lấy bối cảnh tại Monument Valley (Thung Lũng Tượng Đài) hình thành chủ yếu từ những vách đá bằng sa thạch cao chót vót. Vùng đất rộng chừng 100 km2 được bao trùm bởi đất đỏ và cát lắng đọng từ những con sông uốn mình quanh thung lũng, không nằm trong sự quản lý của hệ thống National Parks, chúng hoàn toàn thuộc vùng tự trị của người da đỏ, là một phần của cao nguyên Colorado lộng lẫy, một tuyệt tác thung lũng đá nằm giữa hai bang Arizona và Utah của nước Mỹ. Vẻ đẹp nghệ thuật từ phong cảnh choáng ngợp chính là lý do khiến các nhà làm phim mê mẩn và khát khao được khắc họa lại qua từng bộ phim huyền thoại. Ngoài vô số thước phim đẹp ra, các nhà làm phim còn bị Monument Valley thu hút bởi cuộc sống của thổ dân da đỏ Navajo – bộ tộc thống trị mảnh đất này.

Mặc dù các phim cao bồi từng rất phổ biến trong thập niên 1950 và 1960, nhưng chỉ có rất ít phim thuộc thể loại này được đề cử hoặc giành được giải Oscar. Trong lịch sử giải thưởng này, chỉ có một số phim cao bồi nổi bật được đề cử, như “High Noon” (1952), “The Wild Bunch” (1969), và “Unforgiven” (1992), trong đó “Unforgiven” là bộ phim cao bồi đầu tiên giành giải Oscar cho phim xuất sắc nhất. Lý do cho sự thiếu vắng này có thể liên quan đến việc thể loại phim cao bồi thường bị coi thường và được xem là “phim giải trí” thay vì “phim nghệ thuật”. Ngoài ra, thể loại phim này cũng đã trở nên lỗi thời và ít được khán giả quan tâm trong những năm sau đó, cũng như nhạc Bolero ở Việt Nam không được coi là một thể loại nghệ thuật đích thực vì nó thường được viết với mục đích giải trí và không được đánh giá cao về mặt sáng tạo hoặc nghệ thuật.

Hiện nay, hiện tượng lịch sử từng xuất hiện cách đây hơn 100 năm nay vẫn còn sức sống mãnh liệt, những ảnh hưởng này có tác động đến khía cạnh lựa chọn của người dân về giải trí, tiêu khiển, trang phục và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Hành vi, cách ứng xử, trang phục và thậm chí cả những loại đồ ăn thức uống miêu tả trong các phim Viễn Tây đã trở thành những mẫu mực quen thuộc đối với mọi người. Chiếc quần “jean”, trang phục của người chăn bò, trở thành trang phục phổ thông thế giới. Tại sao phim, truyện western lại tác động rộng khắp toàn cầu đến vậy? Chủ yếu là do sức mạnh khuôn mẫu của huyền thoại cao bồi và văn hóa của thế kỷ 20. Giống như máy in của Gutenberg, điện ảnh và sự ra đời của truyền hình đem lại một bước nhảy vọt khổng lồ cho mọi người, đẩy mạnh văn hóa huyền thoại do điện ảnh truyền bá theo nhịp của Hollywood. Nhưng rõ ràng miền Viễn Tây nước Mỹ vẫn là sự kích thích trí tưởng tượng phong phú của quần chúng.

Một vài bộ phim cao bồi nổi tiếng thời xưa và ngay cả hiện nay xem lại khán giả cũng thấy thích thú. Các bộ phim nầy được Youtube phổ biến và cho xem miễn phí. Tuy nhiên Youtube thường cắt bỏ các đường link này, muốn xem full movie phải tìm kiếm lại đường link mới.

The Magnificient Seven – Bảy Tay Súng Huyền Thoại (1960)
Phim kể về một ngôi làng Mexico bị băng cướp do tên Calvera cầm đầu buộc phải cống nạp. Dân làng bực tức, quyết định thuê một nhóm cao thủ dẫn đầu bởi thay thiện xạ Chris để bảo vệ cuộc sống an bình của họ. Tiền công không đáng bao nhiêu, nhưng Chris và Vin vẫn quyết định nhận lời. Chris bắt đầu đi tập hợp các tay súng khác, gồm có Bernardo, Lee, Britt, Harry, và tay súng nồng nhiệt Chico. Băng cướp đến khi quay lại, mới thấy vụ cống nạp không còn dễ xơi như trước nữa …

Django Unchained – Giải Cứu Nô Lệ (2012)
Bộ phim gần đây nhất của đạo diễn Quentin Tarantino. Tác phẩm đạt được 2 giải Oscar cùng những lời khen tặng của nhiều khán giả. Cốt truyện mô tả một nô lệ được trả tự do tên là Django, cùng một thợ săn tiền thưởng đã ngang dọc nước Mỹ để tìm và cứu vợ anh khỏi Candie – một chủ đồn điền có vẻ ngoài điển trai nhưng vô cùng độc ác. Ở bộ phim này Quentin Tarantino không làm người xem thấy ngán bởi những sáng tạo mới mẻ, cùng yếu tố hài hước được lồng ghép một cách thú vị.