Cả người trồng lan và giới chơi lan đều thấp thỏm lo âu khi thị trường hoa lan “có biến” với nhiều giao dịch với giá trên trời.
Lo “bong bóng” vỡ như hoa tulip ở Hà Lan
Lan đột biến làm dậy sóng thị trường cây cảnh khi thời gian vừa qua được công bố bán với nhiều mức giá “khủng” từ vài tỷ tới vài chục tỷ, thậm chí mấy trăm tỷ đồng. Những con số lớn đến khó tin này làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ “bong bóng” ngày càng hiện hữu, cũng giống như “bong bóng” hoa tulip vỡ vụn đã từng xảy ra tại Ha Lan cách đây mấy thế kỷ.
Hồi đó, hoa tulip cũng giống như lan đột biến tại Việt Nam hiện nay, giá hoa tulip lên đến cả triệu đô (mấy chục tỷ đồng), hút nhà đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau đó giá hoa càng ngày càng lao dốc, cho đến thời điểm loài hoa này đã không bán được vì giá quá cao và hoa cũng quá nhiều bởi người người trồng hoa tulip, nhà nhà có hoa tulip. Đến giờ thì hoa tulip trở thành hàng “bình dân”, giá thậm chí chỉ 1 USD/cây.
Ở Việt Nam hiện nay, các giao dịch lan đột biến lại được đẩy khắp các mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán, lừa đảo… Chính quyền tại một số địa phương đã lên tiếng cảnh báo người dân và đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp bán lan đột biến giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi tới lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến. Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, các địa phương cần khuyến cáo hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan var này.
Lan đột biến gen sở hữu mặt hoa và hình dáng độc lạ, hiếm có, khác biệt hẳn với những loài khác trong quần thể.
Lan đột biến gen sở hữu mặt hoa và hình dáng độc lạ, hiếm có, khác biệt hẳn với những loài khác trong quần thể.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã có cảnh báo từ rất sớm và khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế, một số phản ánh cho thấy nhiều trường hợp không có giao dịch mua bán thực sự, chỉ giao dịch ảo và đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của các đối tượng tham gia trong cuộc giao dịch mua bán kiểu này. Cách thổi giá đã “đánh” vào lòng tham của người mua, đưa những mức chênh lệnh giá sau mua bán quá lớn, gây kích thích người mua sau cao hơn người mua trước và cứ thế tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng khi không có người mua nữa thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ bị thiệt hại lớn vì sản phẩm không còn tương xứng với giá trị thực tế nữa.
Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, cây lan đột biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức được lưu hành trên thị trường.
Cả giới chơi lan và người trồng đều hoang mang
Những giao dịch mua bán lan đột biến cao ngất trời trên thị trường khiến cả giới chơi lan và người trồng đều thấp thỏm lo âu. Cũng có lúc mừng là loài hoa vương giả ngày càng được giá, thu hút được người chơi, nhưng lại canh cánh nỗi lo giá hoa có thể rớt thảm hại nếu “bong bóng” xì hơi, nợ nần chồng chất, mất an ninh trật tự xã hôi…
Những mầm lan đột biến được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận trong vườn ươm đặc biệt.
Anh Trường, một người chơi lan lâu năm ngán ngẩm nói: “Không hiểu bao người lao đầu vào lan đột biến họ nghĩ gì khi bỏ tiền tỷ chỉ để mua 1 đoạn cây vài cm. Cây không may chết là cả gia tài coi như chôn theo xác lan. Nếu cây sống được thì chỉ cần một khoảng thời gian vài tháng là cây mẹ đẻ ra cây con. Mà nếu đã ươm được ra kie để bán nhiều như thế thì còn gì là hiếm, là quý nữa”.
Giò lan quý được chăm sóc, nâng niu như báu vật.
Chia sẻ về câu chuyện lan đột biến, ông Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội Nhà vườn hoa lan Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), bày tỏ mong muốn cây lan được nhà nước công nhận như một sản phẩm hàng hóa, có tính pháp lý. “Kể cả sau này khi chúng tôi phải nộp thuế thì chúng tôi cũng rất vui. Vì chỉ khi mọi người công nhận đây thực sự là hàng hóa và đón nhận thì nghề nghiệp mới được bền vững”, ông Thực nói.
Chủ tịch Hội Nhà vườn hoa lan Đông La cho biết, gần đây, mỗi cuộc giao dịch giá trị lớn lên một chút thì truyền thông lại đưa tin. Điều đó có cái thuận và cũng có cái nghịch, và anh em trong hội lan mong muốn thông tin càng sáng tỏ, càng minh bạch thì càng tốt.
“Khi thông tin về thị trường lan càng minh bạch, sáng tỏ thì những người làm nghề như anh em chúng tôi ở Đông La và anh em ở các tỉnh bạn an tâm làm nghề để cống hiến nhiều sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn. Và cũng để anh em đỡ thấp thỏm, bị tâm trạng mỗi lúc có biến động. Mong muốn của chúng tôi là được làm minh bạch, sáng tỏ các giao dịch, người thật việc thật chứ không thổi giá hoặc lôi kéo gì cả. Chỉ có những người đam mê chơi thì họ tự nguyện thôi. Khi thông tin rõ ràng minh bạch thì người chơi đỡ bị hoang mang”, ông Thực chia sẻ.
Chị D., chủ một nhà vườn lan quy mô lớn tại Hà Nội cho hay, giá hoa lan biến động mạnh khiến người trồng lo lắng. “Nếu dân tình cứ đổ xô mua bán lan đột biến và đẩy giá lên cao thì những loài lan thông thường lại ít được chú ý, tiêu thụ bị chậm lại. Tôi cũng không dám có ý kiến gì về chuyện thổi giá hay giá ảo mà chỉ mong thị trường sớm ổn định để sản xuất và kinh doanh bền vững, phục vụ tốt cho người yêu hoa”, chị D. tâm sự./.
Trần Ngọc-Huy Phương/VOV.VN