Đặng Văn Mừng
Chúng tôi dân miền Trung, lần đầu vào Nam bộ. Hồi năm bảy ba, sau hiệp định Paris “đi chiến dịch” miền Tây vui lắm.
Sinh viên nửa bụi nửa thư sinh hấp dẫn mấy em lạ lùng. Nhìn mấy anh mang Apha nói chuyện tuyên truyền chính trị trong trường học không nhịn cười được. Có đứa bị nữ sinh hỏi cắc cớ, trả lời không được, cầm micro run rẩy, mắt lờ đờ chực khóc.
Nhóm tôi được ở nhờ một ngôi biệt thự trong vườn. Chủ nhà là một quả phụ chừng dưới bốn mươi, đẹp, quý phái, ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự. Tụi tôi được sắp xếp ở nhà trên, là một nhà thờ mấy đời, bàn thờ chạm khắc tinh xảo và trang nghiêm.
Đang ngồi tán gẫu dưới cây vú sữa sau vườn chợt có một em mặc áo dài trắng từ dưới xuồng bước lên ôm cặp sách cúi đầu vòng tay chào các chú ạ…
Chà đẹp dữ. Cô bé vừa đi vào nhà lại có một em khác mặc bà ba đen, kẹp nón bước tới cũng chào các chú ạ.
Trời đất! giống nhau như hai giọt nước. Thằng “Tùng Móm nhà thơ” lớn tuổi hơn mấy đứa nên có kinh nghiệm tán gái, nói nhỏ, “Mày con áo trắng, tau con áo đen”. Tôi OK ngay. Áo đen áo trắng cũng đẹp mờ.
Thằng Tùng nhanh nhẩu giả đò vào nhà xin lửa. Cái miệng móm và chiếc cằm dài thượt của hắn lúc làm duyên như anh chàng hề sắp diễn xuất.
Hắn đi yểu điệu ra chiều nết na lắm, vào nhà dưới. Nghe giọng Quảng Nam của hắn mấy đứa tôi nín cười không chịu được:
“Chào chị, em là Tùng, cho em xin chút lửa”.
Không nghe ai trả lời, chỉ nghe vọng ra tiếng cười khúc khích.
“Anh nói lại đi, cái gì…”. “Chút lửa”. rồi lại nghe tiếng cười và tiếng con gái:
“Anh mượn cái hộp quẹt đó má, trời đất, cứ chút lựa ai mà biết lựa cái chi”.
Buổi sáng hôm sau. Em áo đen (tạm gọi là đen) chèo xuồng chở em áo trắng (tạm gọi là trắng) đi học. Chiếc xuồng êm nhẹ cùng Đen Trắng lẫn vào con kênh khuất dưới vùng xanh dừa nước.
Chúng tôi đi uống cà phê, Tùng cáo bệnh ở nhà treo võng sau vườn đọc sách.
Trưa. Tôi không đi Sài Gòn chơi với bạn bè, lặng lẽ về một mình, sợ thằng Tùng móm tán cả hai em thì nguy. Tôi đi thật nhanh trông mau về đến nhà.
Dưới cây vú sữa Tùng móm và chị chủ nhà đang ăn vú sữa. Thằng Tùng lại nhanh nhẩu:
“Mi biết trái ni là trái chi không”.
“Không”, “
Là trái vú sữa. Ngoài giống vú, trong có sữa, ăn đi, ngon lắm.
Chị chủ nhà không cười, nghiêm khắc nhìn Tùng. Tôi nói lảng,
“Trái cây ở đây ngon mà hấp dẫn chị hè. Quê em chỉ có ổi, mà trái quắt queo, nhỏ xíu. Nhiều khi trái đang xanh, thèm quá tụi em ăn trộm chắm muối ớt”.
Chị cười. Thằng Tùng có vẻ không vui. Hắn đi ra nằm lên chiếc võng treo gần đó và ngâm thơ. Giọng Quảng Nam mùi mẫn, âm hưởng bài chòi:
Tóc rậm khinh đời râu dài ngạo mạn
Ta cười mình ta ta khóc mình ta
Giang hồ mới hay gặp vầng trăng lạ
Chợt thấy mình tự tử hôm qua
Có phải rằng sầu cũng rụng hôm qua
Thiếu phụ liếc về phía Tùng cười hiền. Móm thi sĩ vờ như không thấy, ngâm tiếp.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà(*)
Tôi làm như không thấy cảnh hai người, cúi đầu ăn vú sữa. Những múi trắng tứa nước ngọt mềm mát rượi cổ họng. Lòng cứ nghĩ về chiếc xuồng. Giờ này các em sắp về chưa. Chiếc áo bà ba xẻ eo cao, khi cô bé rướn người chèo xuồng đẹp phải biết. Tôi sẽ gọi
“… Đen ơi, chở anh đi xuồng chút cho biết, từ nhỏ anh chưa được đi xuồng nơi”.
Đang mơ, tiếng lào xào lao xao của chiếc xuồng cạ vào lá dừa nước cập bờ. Vẫn Trắng lên trước, vẫn cái cặp trước ngực cúi đầu chào má chào anh con đi học về. Đen cũng thế, như hồi hôm, nhưng lần này thay vì chào chú lại chào anh, tôi sướng rơn. He he.
Chiều. Hai chị em mặc áo lụa vàng, quần đen. Nếu họ múa đôi thì không thể biết ai Đen ai Trắng, ai vàng hơn ai. Thiệt khó phân biệt.
Tôi nao núng nghĩ cách gì để phân biệt. Mà chịu. Họ giống nhau lạ lùng, từ cái cười, kiểu vén tóc cho đến giọng nói. Một trong hai nói với mẹ:
“Con chèo xuồng đi hái dừa về mời các anh nghe má. Khóm dừa xiêm bên vườn cộ có trái lớn rồi đó”.
Mẹ bảo đi nhanh không tối. Tôi đứng lên lí nhí,
“Chị cho em đi bảo vệ cô nương nghe chị”.
Cô bé nhanh nhảu:
“Ngồi xuồng không được nhúc nhích. Chỉ cần động đậy là xuồng lật chết rán chịu”.
Tôi theo em ra bến, không quên ném lại cho Tùng thi sĩ một cái liếc trêu ngươi.
Tôi xuống xuồng trước, em vịn xuồng nói theo:
“Nhớ kỷ luật đi xuồng chưa. Có biết bơi không thì nói để tui còn tính”.
Tôi ngồi yên, hai tay ghì mạn xuồng, nhìn ra phía trước.
Chiếc xuồng lắc nhẹ rồi theo con kênh chui sâu vào rừng dừa nước.
Không thấy ánh mặt trời, chỉ dưới nước trên lá dừa, và giữa hai sự lao chao xao xuyến ấy phải là em. Lòng tôi cứ ngất ngư theo từng tiếng khua tách tách nước. Bây giờ mới thấy mình ngu. Ngồi kiểu này sao mà nhìn em, thấy em bặm môi mỗi lần quẩy dầm rướn tới, thấy chỗ xẻ nách áo bà ba ẩn hiện chút hình tam giác khi kín khi hở đến xốn xang lòng. Tôi ngồi yên, không dám động đậy như điều lệnh của em đã dặn.
Vườn cộ có lẽ là vườn cũ. Những trái dừa xiêm lủng lẳng ngang tầm hái. Em cặp xuồng vào một gốc dừa, lên trước rồi vịn xuồng cho tôi lên cùng. Em lảy mấy trái thiệt nhanh và gọn. Tôi lớ quớ chỉ hái được một trái đã sẩy tay rơi xuống kinh. Em cười bảo dừa đang non, hái ít thôi. Tôi bảo ngoài quê tôi có câu ca dao hay lắm:
Chèo đò bẻ bắp bên sông
Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về.
Em hỏi ý câu này là sao. Tôi bảo lên xuồng rồi nói chuyện. Lần này tôi ngồi ngược lại, chỉ cách em một tầm tay. Em quẩy dầm. Xuồng trôi nhẹ tênh. Trời tối thật nhanh, chỉ nhìn thấy em lơ mơ lờ mờ. Em lại nhắc về câu ca dao. Tôi bịa ra:
“Ngày xưa chàng ở bên này sông, thiếp ở bên kia. Mấy lần chàng định qua thăm nàng mà cứ lần lữa. Cho đến ngày chàng quyết qua thì nàng đã có chồng. Em gái nàng mới mười ba tuổi dặn rằng ba năm nữa chàng qua em sẽ lớn bằng chị. Ba năm sau chàng qua nhưng cô em cũng vừa lấy chồng. Về, thất tình chàng sáng tác hai câu thơ này. Ý bảo bắp chưa chín thì bẻ ngay bông, đừng chờ”.
Em cười bảo chuyện xưa hay hè, rồi cười lích nhích.
Chiếc xuồng lướt thật êm. Gió chiều thổi mạnh. Tóc dài của em quất vào má tôi như nụ hôn của trời đất. Lần đầu tôi hưởng được mùi vị con gái qua tóc dài của em. Người tôi như run lên, quên mất điều lệnh em dặn, rùng mình nghiêng theo tóc bay. Chiếc xuồng mất thăng bằng lật úp. Tôi không biết bơi, cứ vùng vẫy sặc nước.
Đang giãy dụa bỗng như có ai đó cụng đầu vào bụng mình nâng lên, nâng lên rồi từng nhịp nhẹ nhàng đẩy tôi tấp dần vào bờ. Chụp được nhánh dừa nước, tôi run rẩy hoảng loạn nhìn dòng nước đang chảy lờ đờ. Từ dưới nước em trồi lên, mái tóc dài ép sát vào người. Em cầm tay tôi reo lên, anh gì ơi sống rồi, sống rồi. Tôi run run hỏi, chiếc xuồng đâu, và dừa đâu. Em cười sằng sặc, bảo
“Không mất đâu, mai nước ròng ra chèo về”.
Chúng tôi lội theo đường ruộng sình lầy. Có lúc em bị lún bùn, tôi phải cầm tay kéo lên mới được. Em kêu lên,
“Anh khỏe ghê”. “
Dưới nước em lại mạnh hơn anh. Mai mốt hết chiến tranh anh sẽ về đây cưới em. Anh đi mầng ruộng còn em chèo xuống chở lúa”.
Em nhìn chăm vào tôi, kêu lên
“Trời đất!”
Tôi hỏi em tên chi, em thật thà bảo tên Nương. Còn em kia, “tên Nường”. Tôi cười to.
Tên cũng gần giống nhau. Vậy thì làm sao phân biệt được ai Nương ai Nường?
Em có cái khác.
Cái chi.
Em vén tóc lên chỉ vào vành tai, nơi có nốt ruồi son bằng hạt gạo.
Tôi hoang mang:
“Nhỡ em xõa tóc thì làm sao thấy”.
Em cười,
“Có người yêu chưa mà ngơ thế”.
Tôi thành thật bảo chưa.
“Chừ ta ví dụ nghen”.
Em lại kêu lên,
“Trời đất!”
Và trời đất, gió, mùi bùn quyện lấy chúng tôi. Nụ hôn đầu của chúng tôi thơm ngát hương bùn.
Ngày chia tay ba mẹ con đứng nhìn theo. Hai xanh một vàng. Chiếc áo bà ba vàng của thiếu phụ rung rung. Chị khóc. Nường cười mà mắt đỏ hoe. Nương níu tay tôi nói nhỏ,
“Nhớ nghen, giữ lời hứa nghe… anh”.
Rồi úp mặt vào vai tôi thút thít. Thằng Tùng cũng khóc, thi sĩ mà.
Hắn nắm tay thiếu phụ lắc lắc, như giả vờ bắt tay chào tạm biệt. Tôi nhìn ra con kênh nơi có chiếc xuồng cô đơn neo vào gốc dừa nước, lòng lao xao run theo gió xạc xào.
Chúng tôi đi băng qua cánh đồng. Thỉnh thoảng ngoái lại, cho đến lúc chỉ còn thấy ba bóng người nhỏ xíu như ba chiếc lá, hai xanh một vàng.
Năm 1985, tôi có dịp về miền Tây. Ghé vào quán nước bên đường ngồi chờ phà. Chị bán hàng bưng ra trái dừa cho người khách duy nhất là tôi. Tóc chị bới cao lộ rõ nốt ruồi son ở vành tai. Tôi ngờ ngợ, hỏi:
“Chị là Nương, phải không?”
Nương chăm nhìn tôi nửa ngượng ngập, nửa xúc động, reo lên:
“A… anh gì đó, hả, Anh Luân đó hả, trời đất”, rồi kêu vọng vào trong: “Dượng ơi có khách quý”.
Mười mấy năm mà trông Tùng Móm như ông lão sáu mươi. Dưới cái cằm dài thượt là bộ râu vểnh ngược trông thật ngộ. Hắn không vồn vã, chỉ bắt tay rồi ngồi đối diện tôi, chậm rãi hắn nói nhỏ vừa đủ nghe:
“Sau 75 thay vì về quê tau lại về đây. Tau yêu Thục, mẹ của Đen Trắng.
Tụi tau đã có hai con gái sinh đôi, giống Đen Trắng ngày xưa như đúc. Đi học trưa mới về. Thục ra chợ chắc cũng sắp về. Vườn cộ vô hợp tác rồi, nhà từ đường cũng biến thành sân kho hợp tác xã.
Năm 78 cả nhà chuyển ra đây, bán nước kiếm sống”. Tùng thở dài, chuốt râu mấy cái liền, nhìn chằm vào tôi hỏi:
“Mi lấy vợ chưa?”
Tôi cố tình trả lời lớn, chắc nịch,
“Chưa”. “
Con Nương chờ mi đó. Nường lấy chồng rồi.
Từ khi có Tùng, Nương ngồi đung đưa võng, mắt xa xôi, không góp chuyện. Khi nghe tôi trả lời tiếng “chưa”, Nương đứng bật lên, ôm chầm tôi, nói trong tiếng nấc,
“Trời đất!
Chưa thiệt hôn anh, thiệt hôn anh. Trời còn thương em mà, em biết mà.
Chiếc bàn tre rung lắc, trái dừa xiêm rớt xuống lăn lông lốc. Nương kêu lên,
“Vườn cộ, chèo đò bẻ bắp bên sông… Trời đất!”
Tôi bảo,
“Hái dừa chớ không phải bẻ bắp. Dừa càng già cơm càng giòn mà”.
Em lại thì thào, giọng nhỏ như tiếng nấc: “Trời đất!”
Đặng Văn Mừng